TẠO ĐIỀU KIỆN VỀ THỜI GIAN ĐỂ ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI ĐƯỢC THỂ HIỆN CHÍNH KIẾN TRƯỚC QUỐC HỘI

12/09/2018

Thảo luận tại phiên họp thứ 27 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều ngày 11/9 về việc chuẩn bị cho kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng việc phát biểu của đại biểu Quốc hội tại hội trường, đặc biệt là trong phiên họp được truyền hình trực tiếp là quan trọng và là quyền của đại biểu. Vì vậy cần bố trí, sắp xếp thời gian hợp lý, tạo điều kiện để đại biểu được thể hiện chính kiến của mình.

Phó Chủ tịch Đỗ Bá Tỵ không tán thành với đề xuất giảm thời gian phát biểu của đại biểu Quốc hội tại hội trường

Trước ý kiến đề xuất về việc cải tiến cách thức tiến hành kỳ họp như: giảm thời gian trình bày văn bản tại hội trường (tiến tới không trình bày); giảm thời gian phát biểu của đại biểu Quốc hội từ 7 phút xuống 5 phút; truyền hình trực tiếp phiên thảo luận tổ về một số nội dung để nâng cao hiệu quả phiên họp này,...Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cho rằng, thời gian phát biểu của đại biểu Quốc hội nên giữ nguyên 7 phút là hợp lý. Giảm xuống 5 phút nếu chữ nhỏ, cỡ 14 chỉ được 1 trang. Nếu bây giờ giảm xuống còn 5 phút phát biểu thì khó, quan trọng nhất là chất lượng, không nên giảm.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga, về cải tiến lâu nay chúng ta cải tiến có 2 nội dung. Một là cải tiến để đảm bảo chất lượng. Hai là cải tiến để đảm bảo nội dung, thời gian. Để đảm bảo chất lượng nên tập trung vào trong khi lâu nay cải tiến chủ yếu nhằm vào cải tiến thời gian.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp chia sẻ là đại biểu từ khóa X, bắt đầu vào khóa X các đại biểu được phát biểu 20 phút, sau đó xuống 10 phút, bây giờ xuống 7 phút mà nay lại nhằm vào chỗ này để cải tiến tiếp xuống 5 phút thì không biết sau này xuống còn mấy phút nữa. Các đại biểu phản ánh là phát biểu phải trình bày lập luận để cho rõ ràng thực trạng như thế nào, nguyên nhân vì sao, giải pháp thế nào và kiến nghị thế nào... Nhiều đại biểu phản ánh là thời gian 7 phút là hợp lý. Vì vậy, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đề nghị không rút xuống quá.

Bên cạnh đó, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cho rằng, những lần đăng ký phát biểu của đại biểu khá vất vả vì một đại biểu có thể dành 1 tháng hoặc 6 tháng để viết một bài phát biểu, do đó người ta rất muốn được trình bày ra trước Quốc hội. Vấn đề ở đây là do thời gian để dành cho phát biểu chưa tương xứng. Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp đề nghị dự kiến chương trình mới có 22,5 ngày thì phải đảm bảo quyền cho đại biểu, nội dung nào truyền hình trực tiếp mà đại biểu vẫn còn có nhu cầu phát biểu thì nên kéo dài thời gian.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng cần sắp xếp thời gian, chương trình kỳ họp sao cho các đại biểu đều được phát biểu ý kiến

Tán thành ý kiến của Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ quyền của đại biểu phải thể hiện trước cử tri, thể hiện trước Quốc hội; đồng thời đại biểu cũng rất áp lực đối với cử tri khi cử tri phản ánh không thấy đại biểu phát biểu gì trong hội trường. Chủ tịch Quốc hội cho rằng, phiên thảo luận kinh tế - xã hội và phiên chất vấn rất nhiều đại biểu đăng ký thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội có thể tăng thời lượng thảo luận kinh tế - xã hội, còn nếu nội dung của đại biểu phát biểu trùng thì Chủ tịch đoàn nhắc nhở để đại biểu điều chỉnh nội dung phát biểu của mình.

Nhấn mạnh việc xuất hiện của đại biểu tại các phiên họp truyền hình trực tiếp là rấn quan trọng, Trưởng Ban dân nguyện Nguyễn Thanh Hải đề xuất phương án một là đối với những đại biểu Quốc hội chưa kịp phát biểu tại Hội trường thì đưa bài phát biểu lên Cổng thông tin điện của Quốc hội để báo chí có thể khai thác. Hai là là ngày đầu tiên đại biểu bấm nút sẽ chốt lại khoảng tầm 80 đại biểu, lúc đó sẽ cân đối chương trình, tính ra mỗi đại biểu phát biểu bao nhiêu phút thì kỳ họp này sẽ phải thêm bao nhiêu thời gian để từ đó thảo luận thay đổi chương trình cho phù hợp với đăng ký của đại biểu.

Trong khi đó, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng & An ninh Võ Trọng Việt lại cho rằng phát biểu của đại biểu vừa đại diện cho địa phương mình, vừa đóng góp trí tuệ cho đất nước, Chính phủ vừa là cơ hội để đại biểu khẳng định mình, được nhân dân đánh giá. Các đại biểu đều mong muốn được phát biểu nhưng theo Chủ nhiệm Ủy ban Quốc hội và An ninh việc bố trí phải có nguyên tắc, nếu kỳ này họp tăng thêm 1 ngày, kỳ sau lại bảo tăng thêm 2-3 ngày là không nên. Thực tế dự kiến chương trình mà Văn phòng Quốc hội chuẩn bị là sự kế thừa của mười mấy khóa Quốc hội và đó là nền tảng cơ bản để thực hiện.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng & An ninh Võ Trọng Việt cho rằng tạo điều kiện cho các đại biểu đều được phát biểu nhưng vẫn phải bảo đảm kỷ cương, nguyên tắc

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc hội và An ninh cho rằng, điều hành phiên họp Quốc hội như hiện nay là tương đối tốt, tỉnh nào cũng được phát biểu, các đại biểu Quốc hội thỏa mãn với điều hành của lãnh đạo Quốc hội. Việc điều hành tranh luận lần thứ nhất không quá 3 phút, tranh luận thứ hai không quá 2 phút cũng nên được giữ nguyên để bảo đảm bình đẳng giữa các đại biểu. Vì vậy việc thực hiện cải tiến nên dừng ở mức độ như hiện nay để bảo đảm không khí dân chủ vừa bảo đảm kỷ cương.

Kết luận nội dung thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, về tổng dự kiến thời gian kỳ họp có thể là 22,5 ngày hoặc hơn. Về thời gian phát biểu, Chủ tịch Quốc hội đề nghị duy trì 7 phút, thời gian trình bày các báo cáo thẩm tra không quá 15 phút, riêng đối với báo cáo giám sát tối cao, báo cáo kinh tế - xã hội và báo cáo hoạt động tư pháp có thể thời gian là 20 phút. Chỉ truyền hình trực tiếp phiên họp ở hội trường, đối với các phiên họp tổ thì tạo điều kiện cho báo chí tiếp cận tác nghiệp.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị Tổng Thư ký tiếp thu ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội để hoàn chỉnh lại dự kiến chương trình kỳ họp, cố gắng làm cho kỳ họp thứ 6 diễn ra thành công. Dự kiến tại phiên họp tháng 10 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiếp tục xem xét một số nội dung đưa lên chương trình chính thức để gửi xin ý kiến các đoàn đại biểu Quốc hội.

Bảo Yến