Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ báo cáo tóm tắt một số nội dung
Theo Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo Phùng Xuân Nhạ dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) về cơ bản kế thừa cấu trúc còn phù hợp của Luật Giáo dục hiện hành, sắp xếp các chương, mục, điều phù hợp hơn với tính chất và nội dung của dự thảo Luật. Dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) có 10 Chương, 119 điều, trong đó sửa đổi, bổ sung 70 điều, tăng 34 điều so với dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5. Ngoài ra, Dự luật bổ sung thêm 2 chính sách mới: không thu học phí đối với trẻ em mầm non 5 tuổi, học sinh trung học cơ sở trường công lập và hỗ trợ đóng học phí cơ sở ngoài công lập đối với trẻ em, học sinh diện phổ cập; nâng chuẩn trình độ được đào tạo đối với giáo viên mầm non từ trung cấp sư phạm lên cao đẳng sư phạm
Không thu học phí đối với trẻ em mầm non 5 tuổi
Về chính sách không thu học phí đối với trẻ em mầm non 5 tuổi, học sinh trung học cơ sở trường công lập và hỗ trợ đóng học phí cơ sở ngoài công lập đối với trẻ em, học sinh diện phổ cập, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, hiện nay khung học phí mầm non, phổ thông quy định đối với các trường công lập khá thấp (khu vực thành thị từ 60.000 đồng đến 300.000 đồng; khu vực nông thôn từ 30.000 đồng đến 120.000 đồng; khu vực miền núi từ 8.000 đồng đến 60.000 đồng). Riêng các cơ sở giáo dục ngoài công lập tự quyết định mức thu học phí. Tuy nhiên, đến nay Nhà nước mới chỉ thực hiện miễn học phí đối với giáo dục tiểu học, còn giáo dục trung học cơ sở, trẻ em mầm non 5 tuổi (học sinh thuộc diện phổ cập) vẫn chưa được miễn học phí. Điều này gây khó khăn cho việc huy động trẻ đến trường, nhất là ở vùng núi, vùng dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn.Chính vì vậy, Ban soạn thảo đã nghiên cứu chính sách học phí giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông của 18 nước, trong đó: có 4/18 nước miễn hoàn toàn học phí đối với tất cả các cấp học từ giáo dục mầm non đến giáo dục phổ thông; 6/18 nước miễn hoàn toàn học phí đối với giáo dục mầm non; 18/18 nước miễn hoàn toàn học phí đối với giáo dục tiểu học; 11/18 nước miễn học phí hoàn toàn đối với giáo dục trung học cơ sở; 8/18 nước miễn học phí hoàn toàn đối với giáo dục trung học phổ thông. Bên cạnh chính sách miễn học phí, một số nước đã và đang thực hiện các chính sách hỗ trợ chi phí học tập cho học sinh như cung cấp miễn phí sách giáo khoa, cấp miễn phí vở ghi bài, vở viết, giấy bút, hỗ trợ dụng cụ thể thao, hỗ trợ tiền đi lại cho học sinh...
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng cho biết, trên cơ sở đánh giá tác động chính sách và tham khảo kinh nghiệm quốc tế, Chính phủ thống nhất chủ trương thực hiện chính sách miễn học phí như đối với trẻ mầm non 5 tuổi, học sinh trung học cơ sở trường công lập và hỗ trợ đóng học phí cơ sở ngoài công lập đối với trẻ em, học sinh diện phổ cập, đặc biệt là đối với các thôn, xã đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa theo quy định của Hiến pháp năm 2013 và Nghị quyết 29-NQ/TW của Đảng; đảm bảo quyền bình đẳng trong giáo dục của người học thuộc diện phổ cập tại trường công lập và ngoài công lập; thể hiện tinh thần Công ước Liên hợp quốc về quyền trẻ em và giảm bớt gánh nặng chi phí cho nhiều gia đình nghèo, hoàn cảnh khó khăn khi cho con thuộc diện phổ cập đến trường.
Toàn cảnh phiên họp
Theo đó, dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) quy định như sau: “Học phí là khoản tiền người học phải nộp để chi trả một phần hoặc toàn bộ chi phí của dịch vụ giáo dục, đào tạo. Mức thu học phí được xác định theo lộ trình tính đúng, tính đủ chi phí dịch vụ giáo dục, đào tạo do Chính phủ quy định. Trẻ em mầm non năm tuổi, học sinh tiểu học, trung học cơ sở trường công lập không phải nộp học phí. Cơ sở giáo dục mầm non, trường tiểu học, trung học cơ sở công lập được Nhà nước bảo đảm các điều kiện về cơ sở vật chất và kinh phí hoạt động để thực hiện phổ cập giáo dục. Trẻ em mầm non năm tuổi cơ sở giáo dục dân lập, tư thục; học sinh tiểu học, trung học cơ sở trường tư thục được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng học phí cho cơ sở giáo dục dân lập, tư thục. Mức hỗ trợ do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định tương đương mức ngân sách cấp chi thường xuyên tính bình quân trên một học sinh của cơ sở giáo dục công lập cùng cấp trên địa bàn.Chính phủ quy định lộ trình thực hiện việc không thu học phí đối với trẻ em mầm non năm tuổi, học sinh trung học cơ sở trường công lập; hỗ trợ tiền đóng học phí cho trẻ em mầm non năm tuổi cơ sở giáo dục dân lập, tư thục, học sinh tiểu học, trung học cơ sở trường tư thục” (khoản 1 Điều 95).
Nâng chuẩn trình độ được đào tạo đối với giáo viên mầm non
Đối với chính sách nâng chuẩn trình độ được đào tạo đối với giáo viên mầm non từ trung cấp sư phạm lên cao đẳng sư phạm, Tư lệnh ngành giáo dục nêu rõ, qua nghiên cứu kinh nghiệm của một số nước trong khu vực và quốc tế, phần lớn các nước phát triển đều yêu cầu có trình độ đào tạo đại học hoặc sau đại học (Thạc sĩ hoặc chứng chỉ sau đại học) đối với giáo viên mầm non. Nhiều nước, vùng lãnh thổ trong khu vực yêu cầu có trình độ đào tạo cao đẳng sư phạm đối với giáo viên mầm non như: Singapore, Thái Lan, Hồng Kong, Đài Loan, Malaysia. Hiện nay ở Việt Nam, tổng số giáo viên mầm non (bao gồm cả nhà trẻ và mẫu giáo) là 337.488 giáo viên, trong đó số lượng giáo viên đạt chuẩn trình độ trung cấp trở lên là 332.403 giáo viên (chiếm 98,5%). Nếu tính đạt trình độ từ cao đẳng trở lên thì số lượng giáo viên mầm non chưa đạt chuẩn là 107.150 (chiếm 33,8%).
Do đó, dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) quy định như sau: “Có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm đối với giáo viên mầm non” (khoản 1 Điều 70). Để đảm bảo tính khả thi, dự thảo Luật bổ sung quy định chuyển tiếp như sau: “1.Các quy định về trình độ chuẩn của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở quy định tại điểm a, b khoản 1 Điều 70 của Luật này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2026. Chính phủ quy định lộ trình thực hiện việc đào tạo, bồi dưỡng đối với nhà giáo chưa đạt chuẩn”. (khoản 1 Điều 117).