KẾT QUẢ THỰC HIỆN CHỈ TIÊU GIẢM NGHÈO CHƯA THỰC SỰ BỀN VỮNG

18/09/2018

Cho ý kiến về báo cáo kết quả 2 năm thực hiện Nghị quyết số 76/2014/QH13 về đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020 của Chính phủ, sáng 17/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng bên cạnh việc ghi nhận những kết quả tích cực cần thấy rằng công tác giảm nghèo chưa thực sự bền vững, cần phải phân tích kỹ tình hình để có giải pháp tổ chức thực hiện hiệu quả.

Tỷ lệ tái nghèo còn cao

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nêu, mặc dù kết quả giảm nghèo đạt được những kết quả tốt như đưa 8 huyện ra khỏi huyện nghèo, đưa được 14 huyện ra khỏi diện khó khăn nhưng bổ sung vào đấy 29 huyện. Theo báo cáo thẩm tra, một số tỉnh có điều kiện về kinh tế-xã hội nhưng tỷ lệ tái nghèo vẫn có. Như Kiên Giang, Khánh Hòa - các địa phương trong danh mục xây dựng khu hành chính - kinh tế đặc biệt nhưng tỷ lệ tái nghèo cũng rất cao. Nguyên nhân của tình hình này được chỉ ra là do mưa, bão. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho rằng, nếu cứ cứ do mưa bão mà bị tái nghèo thì giảm nghèo của chúng ta khó bền vững được. Vì vậy cần có giải pháp căn cơ để xử lý vấn đề tái nghèo này.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho rằng cần có giải pháp căn cơ để xử lý vấn đề tái nghèo

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến cũng cho rằng tỷ lệ tái nghèo còn cao. Chủ tịch Hội đồng Dân tộc nêu rõ, cuối năm 2017 cả nước có 1.642.000 hộ nghèo, trong đó dân tộc thiểu số chiếm 52,66%, trong khi dân tộc thiểu số chiếm 14% dân số cả nước nhưng tỷ lệ hộ nghèo chiếm gần 53%. Thu nhập bình quân đầu người của nhiều nhóm dân tộc thiểu số chỉ bằng khoảng 1/5 so với thu nhập bình quân của cả nước, như vậy còn khó khăn. Hiện nay còn 2139 xã nghèo, 20.176 thôn bản nghèo, đây là những địa bàn đặc biệt khó khăn, chưa tính bãi ngang ven biển, an toàn khu, biên giới, hải. Số hộ thiếu đất ở là 80.960 hộ chiếm 2,74% số hộ dân tộc thiểu số, thiếu đất sản xuất là 221.750 hộ chiếm 7,49% số hộ dân tộc thiểu số. Việc giải quyết đất ở, đất sản xuất cho đồng bào chưa chuyển biến rõ nét, thiếu đất sản xuất nên không thể có nguồn lực để thực hiện sinh kế.

Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ phân tích thêm, theo báo cáo số hộ nghèo bằng khoảng 5% số hộ thoát nghèo, tương ứng cứ 100 hộ thoát nghèo thì có 5 hộ tái nghèo, trong đó có 12 tỉnh tỷ lệ nghèo có xu hướng tăng rất rõ rệt từ 0,03% trở lên. Một số tỉnh có điều kiện phát triển kinh tế - xã hội rất tốt, như Vĩnh Phúc, Khánh Hòa, Kiên Giang cũng tăng mạnh. Về vấn đề hộ nghèo mới phát sinh bằng 1,4 số hộ thoát nghèo, tương ứng cứ 4 hộ thoát nghèo thì phát sinh thêm một hộ nghèo. Cùng với đó, tốc độ giảm nghèo không đồng đều giữa các vùng, xu hướng gia tăng khoảng cách giàu nghèo ngày càng tăng rõ rệt như trong phụ lục các đồng chí đã tổng hợp.

Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ đề nghị nên có đánh giá thêm thật cụ thể về nguyên nhân, kể cả chủ quan, khách quan; trong đó đánh giá thêm về nguyên nhân chủ quan xem công tác tổ chức, điều hành, phối hợp giữa các cơ quan, đoàn thể, các bộ, ngành như thế nào.

Tốc độ giảm nghèo không đồng đều giữa các địa phương

Về thực hiện chỉ tiêu giảm nghèo và hạn chế tái nghèo, Trưởng Ban dân nguyện Nguyễn Thanh Hải bày tỏ băn khoăn trước tình hình tốc độ giảm nghèo không đồng đều và nhiều huyện nghèo có tỷ lệ hộ nghèo vẫn trên 50%, thậm chí có nơi trên 60%, khoảng cách giàu nghèo gia tăng. Các huyện này đều nằm ở miền núi phía Bắc như tỉnh Điện Biên, Hà Giang, Yên Bái, Cao Bằng. Trưởng Ban dân nguyện đặt câu hỏi, tốc độ giảm nghèo không đồng đều trong khi tất cả cơ chế chính sách, con người, nguồn lực đều như nhau thì tại sao có nơi tốc độ giảm nghèo nhanh, có nơi tốc độ giảm nghèo chậm, tại sao các địa phương giảm nghèo chậm lại tập trung vào vùng miền núi phía Bắc? Phải chăng là do việc triển khai tổ chức thực hiện chưa thực sự hiệu quả ở những vùng miền khác nhau hay ở địa bàn cụ thể khác nhau? Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải đề nghị báo cáo cần phân tích thêm vấn đề này.

Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải đề nghị phân tích tình hình giảm nghèo không đồng đều giữa các địa phương

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng cho rằng cần chú ý phân tích thêm về một số vấn đề như tỷ lệ hộ nghèo, thoát nghèo, tái nghèo, hộ nghèo phát sinh mới không đồng đều. Làm rõ những điều bất hợp lý như ở một số tỉnh đồng bằng sông Hồng, tỷ lệ tái nghèo và nghèo phát sinh mới còn cao hơn các tỉnh miền núi phía Bắc, trong đó một số tỉnh thiên tai nhiều như Lai Châu, Hà Giang lại phát sinh nghèo ít hơn. Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, Thái Bình hộ nghèo phát sinh mới cao là 2.506 hộ, trong khi tỉnh Lai Châu khổ như thế phát sinh mới chỉ có 1.581 trong năm 2017. Nam Định nghèo mới phát sinh là 3.738, trong khi Hà Giang là 2.900. Chủ tịch Quốc hội cho rằng cần phân tích những số liệu này, có thể do thống kê chưa đúng, chưa đầy đủ nhưng khi phát sinh bất hợp lý thì các cơ quan phải vào phân tích, đánh giá để có giải pháp để chính sách đi đến đúng đối tượng, đúng mục đích đặt ra.

Chính sách hỗ trợ còn phân tán dàn trải

Phát biểu tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình cho rằng còn có vấn đề trong phối hợp tổ chức thực hiện các chính sách. Nghị quyết 76 đưa ra 21 chương trình để cho các bộ, ngành và địa phương cùng triển khai, bố trí hơn 40 ngàn tỷ đưa về địa phương. Chính phủ thành lập Ban chỉ đạo do 01 Phó Thủ tướng phụ trách và Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội làm thường trực nhưng dường như 21 chương trình chạy theo các bộ, ngành và các địa phương. Trung ương cứ họp, cứ nhắc nhở, công văn đưa xuống nhưng lực cú đấm trong vấn đề này như thế nào, trọng tâm, trọng điểm trong tổ chức thực hiện ra sao và sự phối hợp như thế nào, cơ chế ra sao cần phải làm rõ.

Có cùng nhận xét, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách Nguyễn Đức Hải cũng cho rằng các bộ, ngành hiện này ôm quá nhiều chương trình nhưng kết quả thực hiện lại không nổi bật.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến cho hay, trong suốt hai giai đoạn vừa qua, các chính sách giảm nghèo bao phủ gần hết các đối tượng cần thiết phải hỗ trợ từ người nghèo, hộ nghèo, thôn bản nghèo, xã nghèo, huyện nghèo trên tất cả các lĩnh vực y tế, văn hóa, giáo dục, vay vốn. Tuy nhiên, thực tế cho thấy tổ chức thực hiện các chính sách này rất dàn trải, phân tán.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến đề nghị phải tích hợp chính sách, thu gọn văn bản, đầu mối quản lý trong thực hiện chỉ tiêu giảm nghèo

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến chỉ rõ, qua giám sát năm 2014, Quốc hội chỉ ra có khoảng 100 chính sách cụ thể được quy định tại khoảng 300 văn bản. Đến giai đoạn 2016-2020 có thêm khoảng 80 văn bản, kể cả cấp tỉnh. Nếu cộng cả 2 giai đoạn thì có không dưới 100 chính sách và không dưới 300 văn bản đang có hiệu lực. Như vậy là rất nhiều văn bản, rất nhiều chính sách nhưng việc thực hiện phân tán, dàn trải, khó chỉ đạo, khó tổng hợp, đánh giá, phân tích. Nhiều văn bản chính sách như vậy nên việc lồng ghép, tích hợp chính sách cũng rất khó khăn, các địa phương cơ sở khó thực hiện. Chủ tịch Hội đồng Dân tộc đề nghị trong giai đoạn tới cần phải tích hợp chính sách và văn bản, thu gọn đầu mối quản lý, tập trung nguồn lực lo cho những vấn đề căn cốt nhất như hạ tầng, tạo nguồn lực sinh kế, đất đai, vốn, dân trí, v.v.. Đồng thời việc thực hiện các chính sách nguồn lực và cũng phải tính đến các địa bàn đặc thù, các dân tộc đặc thù, bởi nếu áp dụng chung cho cả 53 dân tộc thiểu số, cho cả vùng dân tộc thiểu số và miền núi thì rõ ràng là không hiệu quả.

Trong khi đó, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách Nguyễn Đức Hải cho rằng phải phân cấp rõ ràng, xác định rõ việc này là vai trò của chính quyền địa phương trong tổ chức thực hiện các chính sách. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách, đảng bộ, chính quyền địa phương, bí thư, chủ tịch tỉnh phải là những người chịu trách nhiệm cùng đói với việc thoát nghèo, làm giàu và ổn định an ninh, chính trị, trật tự của địa phương mình; còn ở trung ương làm chính sách, kiểm tra, bố trí nguồn lực.

Kết luận nội dung thảo luận về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ, việc thực hiện chỉ tiêu giảm nghèo và hạn chế tái nghèo tuy đạt được những kết quả tích cực nhưng chưa thực sự bền vững và chưa đồng đều, tiến độ chậm. Tỷ lệ tái nghèo, hộ nghèo phát sinh khá cao, đặc biệt nó không hợp lý giữa vùng miền. Chủ tịch Quốc hội cho rằng khi phát hiện ra bất hợp lý thì xem lại cách làm; xem xét có tình trạng không muốn thoát nghèo để duy trì chính sách có tính chất bao cấp hay không; cần phải đánh giá thực chất những hạn chế, nguyên nhân để đưa ra giải pháp và xác định trách nhiệm. Cùng với đó, cần phải đặt ra câu hỏi là đến năm 2020 có đạt được mục tiêu đề ra về giảm nghèo bền vững hay không để xác định Quốc hội, Chính phủ cần phải làm gì, sau đó mới có thể kiến nghị tiếp tục thực hiện Nghị quyết 76 hay có nghị quyết khác./.

Bảo Yến