ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI CHO Ý KIẾN VỀ CÁC BÁO CÁO VIỆC THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT CỦA QUỐC HỘI VỀ GIÁM SÁT CHUYÊN ĐỀ VÀ CHẤT VẤN

19/09/2018

Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 27, sáng 19/9, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Đỗ Bá Tỵ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo tổng hợp của Chính phủ, báo cáo của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và cá nhân có liên quan về việc thực hiện nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn tại kỳ họp, kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về chất vấn tại phiên họp.

Tổng thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày báo cáo tại phiên họp

Tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe Tổng Thư ký - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày báo cáo tóm tắt tổng hợp nội dung thẩm tra của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội về việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ đến hết kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIV.

Theo đó, thực hiện quy định tại khoản 8, Điều 15 Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội sẽ xem xét, thảo luận báo cáo tổng hợp của thành viên Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao về việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ đến hết kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIV.

Tính đến hết kỳ họp thứ 4, Quốc hội đã tiến hành giám sát tối cao 03 chuyên đề về tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp; Về đẩy mạnh việc thực hiện chính sách pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2016 – 2020; Về việc tiếp tục cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Quốc hội cũng đã tổ chức chất vấn tại 3 kỳ họp và ban hành 3 nghị quyết chất vấn đối với các lĩnh vực công thương, tài nguyên và môi trường, giáo dục và đào tạo, nội vụ, nông nghiệp và phát triển nông thôn, văn hóa, thể thao và du lịch, y tế, kế hoạch và đầu tư, tài chính, ngân hàng, thông tin và truyền thông, lĩnh vực điều tra tội phạm, thi hành án hành chính.

Thảo luận tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đánh giá rất cao Báo cáo của Chính phủ thể hiện tính nghiêm túc trước những yêu cầu đặt ra để thực hiện nghị quyết Quốc hội về vấn đề giám sát chuyên đề cũng như chất vấn; báo cáo thẩm tra của các Ủy ban cũng nêu được những mặt ưu điểm, những mặt tích cực và chỉ ra những hạn chế, tồn tại mà cần khắc phục. Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, việc thực hiện nghị quyết của Quốc hội liên quan đến hoạt động giám sát chuyên đề cũng như chất vấn của Chính phủ, Tòa, Viện trong thời gian vừa qua là rất tốt và đã có chuyển biến rất tích cực với những việc làm rất cụ thể để thực hiện tốt những yêu cầu đặt ra trong các nghị quyết. Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, chính từ thực hiện nghiêm túc đó cho thấy sự chuyển biến toàn diện trên tất cả các mặt, phát huy những mặt tích cực, hạn chế dần những mặt tồn tại.

Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải đánh giá cao những chuyển biến tích cực trong việc trả lời kiến nghị cử tri của các Bộ trưởng

Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải đánh giá, thời gian qua, tất cả các thành viên Chính phủ, từ Thủ tướng, các Phó Thủ tướng, các Bộ trưởng đã quan tâm thực hiện các nội dung của Nghị quyết, giám sát của Quốc hội rất sát sao, đáp ứng được mong muốn của người dân về một Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động. Trưởng Ban Dân nguyện cho biết, công tác rà soát việc thực hiện các lời hứa của các thành viên Chính phủ trước Quốc hội đã khắc phục được nhiều vấn đề cử tri nêu. Trước đây việc xem xét, rà soát kết quả thực hiện các nội dung giám sát còn chưa bài bản nhưng đế nay vấn đề này đã chuyển biến rõ rệt, nhất là về mặt trách nhiệm trả lời, giải quyết các chất vấn của các bộ trưởng thể hiện ở chỗ gần 100% câu hỏi của cử tri được tổng hợp trước và sau kỳ họp thứ 5 đã được các bộ trưởng trả lời.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình, những nội dung các Nghị quyết của Quốc hội, những phản ánh của cử tri, chất vấn của các đại biểu Quốc hội đều được Chính phủ, các bộ ngành quan tâm thực hiện, tỷ lệ giải quyết đạt nhiều kết quả tích cực trong thời gian qua. Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng bày tỏ các báo cáo làm rõ hơn quyết sách, đường đi của Chính phủ, các bộ, ngành về những hành động trọng tâm để thực hiện các Nghị quyết trong trong điều kiện hiện nay thách thức rất lớn thì với mỗi vẫn đề đặt ra Chính phủ tổ chức triển khai như thế nào.

Ngoài ra, một số ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ tiếp tục quan tâm đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính cố gắng đạt mục tiêu đề ra; thanh tra công vụ cần được quan tâm hơn nữa đặc biệt là về tiếp công dân; công tác phòng chống tham nhũng, thu hồi tài sả; đề nghị các Bộ trưởng quan tâm rà soát những câu hỏi nào chưa trả lời đại biểu thì kịp thời trả lời, đưa văn bản trả lời công khai lên phương tiện thông tin đại chúng…

Phát biểu làm rõ thêm các vấn đề Ủy ban Thường vụ Quốc hội quan tâm, các thành viên Chính phủ như Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp, Phát triển và Nông thôn Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến…bày tỏ nhất trí với nhiều nội dung trong báo cáo tổng hợp của Tổng Thư ký Quốc hội về các nội dung thẩm tra của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội về việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ đến hết kỳ họp thứ 4 của các Bộ trưởng, trưởng ngành và Chính phủ; cho rằng các cơ quan của Quốc hội đã có những đánh giá khách quan, đầy đủ, toàn diện những công việc mà Chính phủ, các bộ ngành triển khai thực hiện.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho rằng, việc dành thời gian để đánh giá việc thực hiện 03 nghị quyết giám sát chuyên đề cũng như 03 nghị quyết về thực hiện các nội dung chất vấn các thành viên Chính phủ và Chính phủ thể hiện sự tiếp tục đổi mới hoạt động của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội. Điều này cũng thể hiện sự bám đuổi, nắm sát được diễn biến tình hình của các ngành, đồng thời thể hiện chức năng giám sát của Quốc hội và có sự phản biện tạo ra áp lực tích cực để các thành viên Chính phủ, Chính phủ tổ chức thực hiện và tạo ra được bước đột phá hiệu quả trong thực hiện nhiệm vụ được giao.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho rằng nội dung thảo luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thể hiện sự đổi mới hoạt động của Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội

Tiếp thu các ý kiến góp ý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nhấn mạnh, đây là những góp ý thể hiện tinh thần trách nhiệm rất cao, rất khách quan, có tính chất xây dựng cho Chính phủ để Chính phủ thấy rõ được những ưu điểm để phát huy và nhược điểm để khắc phục.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho biết, những vấn đề liên quan mà Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu như vấn đề tham nhũng vặt, vấn đề sách giáo khoa, vấn đề thu hồi tài sản tham nhũng mà có, vấn đề đạo đức công vụ, vấn đề tiếp dân, vấn đề thi hành án…sẽ được các thành viên Chính phủ tiếp thu ghi nhận hết, sau đó báo cáo với Thủ tướng để có chỉ đạo tiếp tục với các bộ, địa phương có liên quan để thực hiện đúng nghiêm túc nghị quyết Quốc hội.

Tuy nhiên các bộ trưởng cũng cho rằng, báo cáo tổng hợp cần có thêm đánh giá chung tình hình; bám sát và làm rõ nội dung chính của báo cáo là đánh giá việc thực hiện nghị quyết giám sát chuyên đề và nghị quyết chất vấn tránh để đại biểu Quốc hội, người dân cử tri khi xem xét báo cáo hiểu nhầm đây là việc đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ của các Bộ trưởng, trưởng ngành; bổ sung thêm đánh giá việc chỉ đạo của Chính phủ trong việc thực hiện các Nghị quyết; chỉ rõ những nội dung nào đã triển khai thực hiện, nội dung nào chưa, nội dung nào đã triển khai nhưng chưa có kết quả hay không hiệu quả…để các bộ, ngành cũng như đại biểu và cử tri nắm rõ được tình hình thực hiện các nội dung của Nghị quyết của Quốc hội.

Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ nêu rõ, nội dung Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét hôm nay rất quan trọng, là cơ sở để Quốc hội thảo luận, chất vấn, đánh giá lại việc triển khai các yêu cầu của Quốc hội tại kỳ họp sắp tới. Đây không chỉ thể hiện trách nhiệm của Chính phủ, các ngành trước Nhân dân, cử tri mà còn là cơ hội để cung cấp thông tin, giải trình, thảo luận, qua đó có các giải pháp tích cực trong thời gian tới.

Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ kết luận nội dung thảo luận

Những nội dung Quốc hội yêu cầu thực hiện có vấn đề có thể triển khai ngay được, nhưng cũng có nhiều nội dung phải triển khai một cách hệ thống, cần phải có lộ trình và một thời gian nhất định mới có thể triển khai thực hiện. Trên cơ sở ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đề nghị Chính phủ, Tòa án, Viện kiểm sát, các bộ, ngành cần phải nghiên cứu, tiếp thu hoàn chỉnh báo cáo và đặc biệt cần phải phối hợp với Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội để thống nhất giữa báo cáo và thẩm tra để có một sự đồng thuận./.

Bảo Yến - Nghĩa Đức

Các bài viết khác