THẨM TRA CỦA HỘI ĐỒNG DÂN TỘC, CÁC ỦY BAN CỦA QUỐC HỘI VỀ VIỆC THỰC HIỆN 4 NGHỊ QUYẾT VỀ GIÁM SÁT CHUYÊN ĐỀ VÀ 4 THÔNG BÁO KẾT LUẬN VỀ CHẤT VẤN

15/08/2019

Tiếp tục Chương trình Phiên họp thứ 36, tại Phiên chất vấn vào ngày 15/8, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đã tóm tắt nội dung thẩm tra của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội về việc thực hiện các nghị quyết, kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc báo cáo tại Phiên họp

Trình bày Báo cáo tóm tắt tổng hợp thẩm tra của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, tính từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV đến hết năm 2018, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành 4 nghị quyết về giám sát chuyên đề và 4 thông báo kết luận về chất vấn. Trên cơ sở tổng hợp báo cáo thẩm tra của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội báo cáo tới các đại biểu Quốc hội tóm tắt nội dung thẩm tra của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội về việc thực hiện các nghị quyết, kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ đến hết năm 2018. Cụ thể:

Thẩm tra việc thực hiện các Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giám sát chuyên đề

Thứ nhất, Nghị quyết số 297/NQ-UBTVQH14 về nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển khoa học, công nghệ nhằm thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa giai đoạn 2015-2020, trong đó chú trọng đẩy mạnh công nghiệp hỗ trợ và cơ khí chế tạo.

Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội nhận thấy, hành lang pháp lý về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo ngày càng được hoàn thiện; Việc triển khai các nhiệm vụ khoa học và công nghệ ngày càng minh bạch; Chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển công nghiệp hỗ trợ và cơ khí chế tạo đã dần phát huy tác dụng. Tuy nhiên, hoạt động của một số tổ chức và chất lượng đội ngũ cán bộ khoa học, công nghệ chưa cao; thiếu cơ chế để xây dựng các tập thể khoa học mạnh, các viện nghiên cứu, trường đại học đẳng cấp quốc tế; Việc chuyển giao công nghệ của các doanh nghiệp FDI còn hạn chế; Năng lực về quản trị, điều hành của các doanh nghiệp cơ khí còn yếu; đội ngũ công nhân chưa được đào tạo bài bản…

Thứ hai, Nghị quyết 437/NQ-UBTVQH14 về một số nhiệm vụ và giải pháp tiếp tục hoàn thiện và đẩy mạnh việc thực hiện chính sách pháp luật về đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT)

Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội cho rằng, nhiều văn bản liên quan đến hình thức đối tác công tư được sửa đổi, ban hành. Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư đang được nghiên cứu và sẽ trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8. Việc lập quy hoạch ngành giao thông vận tải theo quy định của Luật Quy hoạch được Chính phủ chỉ đạo triển khai. chính sách miễn, giảm giá cho các đối tượng chịu ảnh hưởng. Tuy nhiên vẫn chưa ban hành quy định về tiêu chí để đánh giá năng lực tài chính của nhà đầu tư, mức vốn chủ sở hữu; việc thất thoát doanh thu tại các trạm thu phí vẫn còn tồn tại; một số các công trình giao thông BOT chất lượng còn thấp, chưa được bảo trì, sửa chữa kịp thời khi xuống cấp. 

Thứ ba, Nghị quyết số 459/NQ-UBTVQH14 về tiếp tục nâng cao hiệu quả việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với cá nhân, tổ chức khai thác, nuôi trồng, chế biến hải sản trong phát triển kinh tế biển gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh

Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội đánh giá, hệ thống chính sách, pháp luật về khai thác, nuôi trồng hải sản và dịch vụ khai thác hải sản trong phát triển kinh tế biển gắn với bảo đảm quốc phòng an ninh ngày càng được hoàn thiện. Chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn và thủy sản bước đầu đã phát huy hiệu quả. Tuy nhiên, việc ban hành văn bản hướng dẫn còn chậm, chưa đồng bộ; việc đóng tàu cho ngư dân không bảo đảm chất lượng, gây tốn kém, lãng phí. Việc khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên biển và ven biển ở một số địa phương còn lãng phí, kém hiệu quả, nguồn thủy sản bị đánh bắt cạn kiệt, hệ sinh thái biển bị suy thoái; việc khai thác chưa gắn với bảo vệ và phát triển nguồn lợi hải sản. Tình trạng ô nhiễm môi trường biển ở nhiều nơi diễn ra nghiêm trọng, ô nhiễm rác thải nhựa đã trở thành vấn đề cấp bách.

Thứ tư, Nghị quyết số 582/NQ-UBTVQH14 về một số nhiệm vụ và giải pháp tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện chính sách pháp luật về quản lý và sử dụng vốn vay nước ngoài.

Toàn cảnh Phiên chất vấn

Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội cho rằng, Luật Đầu tư công đã được sửa đổi và định hướng thu hút, quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài giai đoạn 2018 - 2020, tầm nhìn 2021 – 2025 được ban hành. Đã trình Quốc hội cho phép tăng tổng mức vốn nước ngoài để bố trí vốn cho các dự án được ký kết hiệp định nhưng chưa có trong danh mục Kế hoạch đầu tư công trung hạn. Tuy nhiên, những hạn chế, bất cập trong công tác quản lý và sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài chưa có chuyển biến mạnh mẽ; Công tác phân bổ, giao kế hoạch cho từng dự án cụ thể chưa được thực hiện kịp thời. Mức giải ngân vốn ODA, vốn vay ưu đãi cấp phát từ ngân sách trung ương rất thấp.

Thẩm tra việc thực hiện các kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về chất vấn

Đối với lĩnh vực lao động, thương binh và xã hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội nhận thấy, các trường hợp đề nghị xác nhận liệt sĩ, thương binh và người hưởng chính sách như thương binh còn tồn đọng năm 2017 đã được giải quyết. Hoạt động đền ơn đáp nghĩa được triển khai và phát triển sâu rộng Nhiều chính sách hỗ trợ người lao động và các cơ sở sản xuất kinh doanh tạo việc làm đã được tích cực triển khai. Kết nối thông tin cung – cầu lao động đa dạng, nhiều tiến bộ. Hệ thống pháp luật về cai nghiện đã được hoàn thiện, việc áp dụng thí điểm các mô hình điều trị nghiện ma túy được đẩy mạnh. Tuy nhiên, việc sửa đổi, bổ sung Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng còn chậm. Việc giải quyết hồ sơ tồn đọng mới chỉ tập trung đến nhóm hồ sơ liệt sỹ, thương binh, chưa chú trọng các trường hợp khác. Tình trạng khiếu nại, tố cáo kéo dài liên quan đến việc giải quyết các hồ sơ, trường hợp hưởng chế độ chính sách vẫn diễn ra. Những vướng mắc, khó khăn từ các cơ sở cai nghiện chưa được tháo gỡ; chất lượng dịch vụ cai nghiện chưa được nâng cao; việc đổi mới công tác cai nghiện còn hình thức, cơ học.

Đối với lĩnh vực thông tin và truyền thông, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội chỉ rõ, các cơ quan báo chí thường xuyên được định hướng trong việc thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị, thông tin kịp thời. Các giải pháp kỹ thuật nhằm ngăn chặn những thông tin xấu, độc hại được tích cực triển khai. Tuy nhiên, quy định về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet, thông tin trên mạng vẫn chưa được sửa đổi. Việc định hướng, quản lý báo chí chưa đạt yêu cầu đề ra; còn lúng túng trong phối hợp xử lý thông tin; thông tin trên báo chí trong một số trường hợp còn chậm hơn so với diễn biến thực tế và các trang mạng xã hội. Một số sai phạm đối với các trang mạng có máy chủ đặt ở nước ngoài chưa được kiểm soát, xử lý. Việc quản lý quảng cáo trên mạng xã hội còn nhiều khó khăn. Nội dung quảng cáo sản phẩm chưa đảm bảo tính trung thực, chính xác.

Đối với lĩnh vực xây dựng, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội đánh giá, hệ thống cơ chế, chính sách về quy hoạch xây dựng từng bước được hoàn thiện. Cải cách thủ tục hành chính đã đạt được những kết quả tích cực. Việc kiểm tra, thanh tra sự tuân thủ quy định pháp luật về quy hoạch xây dựng, đầu tư xây dựng ở các địa phương được tăng cường. Tuy nhiên, chưa hoàn chỉnh Luật Quản lý và phát triển đô thị bảo đảm chất lượng và tiến độ theo yêu cầu. Tình trạng ngập úng, ách tắc giao thông, ô nhiễm môi trường xảy ra ở nhiều đô thị. Việc sử dụng quy chuẩn, quy hoạch xây dựng trong quản lý xây dựng chưa được thực hiện nghiêm. Quy định về quản lý chung cư vẫn còn bất cập dẫn đến khiếu kiện kéo dài. Việc công khai, minh bạch trong hoạt động quy hoạch xây dựng chưa được thực hiện. Tình trạng xây dựng không phép, không phù hợp với quy hoạch, chậm thực hiện các kết luận thanh tra vẫn còn tiếp diễn. 

Đối với lĩnh vực thuộc trách nhiệm của Bộ Tư pháp, theo Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, công tác xây dựng pháp luật được quan tâm chú trọng. Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật đã được đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019. Các đề nghị, dự án trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã được chuẩn hóa, tuân thủ đúng quy trình, thủ tục, đầy đủ hồ sơ, bảo đảm chất lượng. Tuy nhiên, tiến độ chuẩn bị dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật còn chậm. Việc đề nghị điều chỉnh thời gian trình, xin rút hoặc bổ sung dự án mới vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh vẫn xảy ra; một số đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh chưa có đầy đủ căn cứ khoa học và thực tiễn. Một số Ban soạn thảo hoạt động còn hình thức. Việc tổ chức lấy ý kiến còn hình thức, hiệu quả không cao. Sự phối hợp giữa các Bộ, cơ quan ngang Bộ chưa thực sự chặt chẽ, hiệu quả; giữa cơ quan thẩm tra với cơ quan soạn thảo chưa sâu. Việc xây dựng báo cáo đánh giá tác động, báo cáo tổng kết còn sơ sài, thiếu căn cứ.

Đối với lĩnh vực khoa học và công nghệ, nội dung này đã được nêu trong báo cáo thẩm tra thực hiện Nghị quyết số 297/NQ-UBTVQH14 về nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển khoa học, công nghệ nhằm thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa giai đoạn 2015-2020, trong đó chú trọng đẩy mạnh công nghiệp hỗ trợ và cơ khí chế tạo.

Đối với lĩnh vực dân tộc, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội nhận thấy, một số văn bản cụ thể hóa chính sách dân tộc, giảm nghèo đã được ban hành; đã chủ động phối hợp các bộ, ban, ngành và các địa phương tổ chức thực hiện chính sách và tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc. Kết quả thực hiện chính sách dân tộc và công tác dân tộc đã củng cố niềm tin của đồng bào dân tộc thiểu số với Đảng và Nhà nước. Tuy nhiên, việc thực hiện Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chưa được cụ thể hóa thành chương trình, kế hoạch, do đó chưa xác định rõ các việc đã làm và chưa làm, số kinh phí cần thực hiện, trách nhiệm của các bộ, ngành, đơn vị, kết quả thực hiện chưa sát với các nội dung Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Đối với lĩnh vực thuộc trách nhiệm của Bộ Công an, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội chỉ rõ, cơ sở pháp lý cho công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm được hoàn thiện. Tình hình tội phạm đã từng bước được kiềm chế; một số loại tội phạm đã được kéo giảm và đạt yêu cầu của các nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Các vụ án liên quan đến tiêu cực trong thi cử tại kỳ thi trung học phổ thông quốc gia năm 2018 đã được kết luận điều tra, đề nghị truy tố. Nhiều kế hoạch, giải pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông được triển khai đồng bộ. Quản lý nhà nước về an ninh trật tự đã được thực hiện khá hiệu quả; công tác đăng ký, quản lý cư trú được cải tiến. Tuy nhiên, việc ban hành một số văn bản hướng dẫn thi hành luật còn chậm hoặc có nội dung còn chưa cụ thể, khó áp dụng. Quy trình điều tra, truy tố, xét xử các hành vi xâm hại trẻ em chưa được ban hành. Số vụ phạm pháp hình sự tăng so với cùng kỳ năm trước; tội phạm do các băng, nhóm hoạt động “tín dụng đen” gây ra, một số vụ giết người với thủ đoạn dã man, tàn bạo vẫn diễn ra nghiêm trọng; nhiều đường dây vận chuyển, mua bán ma túy lớn vẫn hoạt động mạnh. Việc mở rộng điều tra đối với vụ án liên quan đến tiêu cực trong tổ chức kỳ thi trung học phổ thông quốc gia năm 2018 vẫn còn chậm. Tình hình tội phạm sử dụng công nghệ cao diễn biến phức tạp. Số lượng các vụ án tham nhũng bị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử chưa tương xứng với tình hình tham nhũng; vẫn còn trường hợp đối tượng phạm tội kinh tế, tham nhũng bỏ trốn. Chất lượng công tác điều tra, truy tố, xét xử đối với một số vụ án tham nhũng nghiêm trọng chưa đáp ứng được yêu cầu; tiến độ điều tra, xử lý một số vụ án còn chậm; việc trả hồ sơ điều tra bổ sung giữa các cơ quan tư pháp dẫn đến kéo dài thời gian giải quyết còn nhiều; tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng qua công tác thi hành án còn thấp. Tình hình cháy, nổ vẫn diễn biến phức tạp, khó lường. Việc xây dựng lực lượng phòng cháy, chữa cháy cơ sở chưa đáp ứng yêu cầu. Hạ tầng, trang bị, phương tiện phòng cháy, chữa cháy hạn chế, lạc hậu. Kết quả xử lý các cơ sở không bảo đảm yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy còn hạn chế. Công tác tổ chức giao thông còn bất cập. Công tác quản lý cư trú đối với người nước ngoài còn yếu. Việc kết nối, chia sẻ, khai thác thông tin giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với các cơ sở dữ liệu chuyên ngành chưa thực hiện đúng lộ trình.

Trên cơ sở báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội đã tiến hành chất vấn và các Bộ trưởng đã trả lời các vấn đề đại biểu quan tâm theo chương trình chất vấn tại Phiên họp thứ 36 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội./.

Hồ Hương- Trọng Quỳnh

Các bài viết khác