BỘ TRƯỞNG BỘ TƯ PHÁP TRẢ LỜI CHẤT VẤN VỀ VIỆC CHẤT LƯỢNG THẨM ĐỊNH MỘT SỐ DỰ ÁN LUẬT CHƯA THẤU ĐÁO

15/08/2019

Thực hiện chương trình chất vấn tại Phiên họp thứ 36 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội chiều ngày 15/8, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long đã trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội liên quan đến chất lượng thẩm tra, thẩm định các dự án Luật và công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật.

Toàn cảnh phiên chất vấn

Tại Phiên chất vấn, đại biểu Quốc hội Triệu Thị Thu Phương – Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn đã nêu ra thực trạng của việc chậm trình hồ sơ các dự thảo luật, dẫn đến việc góp ý, tiếp thu cũng như thẩm tra, thẩm định không thấu đáo, khiến chất lượng của một số dự án Luật ban hành không cao, mặc dù đã được phản ánh tại rất nhiều kỳ họp nhưng vẫn chậm được khắc phục. Đại biểu yêu cầu Bộ trưởng Bộ Tư pháp làm rõ đâu là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng này? Trách nhiệm của Bộ Tư pháp cũng như các giải pháp để xử lý dứt điểm tình trạng này trong thời gian tới như thế nào?

Nữ đại biểu cũng chỉ ra, trong thời gian qua nhiều Luật, Nghị quyết đã được ban hành nhưng không được đảm bảo được nguồn lực để thi hành, dẫn đến tính khả thi, nghiêm minh pháp luật không cao, trách nhiệm của Bộ trưởng và các giải pháp trong thời gian tới cho vấn đề này như thế nào?

Trả lời vấn đề đại biểu nêu, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long khẳng định, trong thời gian qua, với sự cố gắng của các bộ ngành, Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội và đại biểu Quốc hội, công tác xây dựng pháp luật đã đạt nhiều kết quả tích cực. Trong hai năm qua, Chính phủ đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội xem xét, ban hành 26 dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết khác nhau, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh. Trong đó, có những dự án ban hành kịp thời, có sự thống nhất cao, mang lại tác dụng nhanh chóng. Ví dụ như Nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội giải thích một số điều của Luật Quy hoạch được dư luận đánh giá cao, ngay lập tức tháo gỡ vướng mắc trong quá trình điều chỉnh quy hoạch hiện nay, giúp thực hiện công tác xây dựng quy hoạch trong thời gian tới.

Về ban hành văn bản hướng dẫn thi hành luật, Bộ trưởng Lê Thành Long cho biết, qua rà soát 26 dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết được Quốc hội thông qua có khoảng 10 văn bản có tiến độ xây dựng chậm. Cá biệt có văn bản trình rất chậm khiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội phải thay đổi chương trình hay đưa ra khỏi chương trình.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trả lời chất vấn

Liên quan đến thực hiện công tác thẩm định văn bản pháp luật, Bộ trưởng nêu rõ, theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tư pháp có 20 ngày để thẩm định từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ. Nhưng có những dự án Luật, Bộ chỉ thẩm định trong 05 ngày, cá biệt có dự án Luật quan trọng chỉ thẩm định trong 03 ngày. Hiện tượng này đã được các đại biểu Quốc hội đưa ra trong thời gian qua tuy có chuyển biến nhưng chậm.

Để khắc phục những hạn chế này, Bộ trưởng cho biết, sẽ thực hiện nghiêm quy định liên quan tại Luật Ban hành văn bản pháp luật, cũng như chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Bộ trưởng cũng nêu rõ, vấn đề xây dựng thể chế, trách nhiệm của các bộ ngành được nhắc đến trong 19 nghị quyết phiên họp thường kỳ, chuyên đề của Chính phủ.

Bộ trưởng Lê Thành Long cho rằng, trách nhiệm chính thuộc về Bộ trưởng, trưởng ngành, các bộ ngành. Chúng ta cố gắng rồi nhưng cần tiếp tục phát huy, đặc biệt thực hiện nghiêm ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tư pháp cũng sẽ nâng cao chất lượng hội đồng thẩm định. Bộ cũng sẽ đôn đốc, bám sát các bộ ngành trong quá trình xây dựng dự án Luật, trong đó, Bộ Tư pháp đã cử một chuyên gia cao cấp tham gia ngay từ đầu quá trình xây dựng dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi). Cùng với đó, các cơ quan cần cân nhắc khi đề xuất dự án Luật đưa vào chương trình, vì có xu hướng ôm đồm, chưa dự liệu hết vấn đề phát sinh. Một khi đã đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh phải có kế hoạch, bám sát tiến độ thực hiện. Khi bắt đầu nên bàn định hướng trước, huy động trí tuệ chuyên gia, cơ quan liên quan để làm một mạch, không phải làm đi làm lại.

Liên quan đến tính khả thi của một số dự án luật được ban hành không cao, Bộ trưởng cho rằng, phần trách nhiệm này thuộc cơ quan trình dự án luật.

Nêu câu hỏi chất vấn tại phiên họp, đại biểu Quốc hội Trần Hồng Nguyên- Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận cho biết, tại Phiên họp thứ 22 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khi trả lời chất vấn về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ trưởng đã hứa là sẽ tham mưu cho Chính phủ cũng như thực hiện các giải pháp thuộc thẩm quyền của Bộ để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác này. Tuy nhiên, thực tế thời gian qua cho thấy ý thức tôn trọng và tự giác chấp hành pháp luật, ý thức bảo vệ pháp luật của người dân, các cơ quan và tổ chức trong xã hội vẫn chưa có nhiều chuyển biến tích cực, tình trạng vi phạm pháp luật thì diễn ra vẫn còn nhiều. Đại biểu yêu cầu Bộ trưởng cho biết trong thời gian tới cần tập trung vào những giải pháp cơ bản nào để sớm khắc phục một cách hiệu quả tình trạng này?

Đại biểu đặt câu hỏi chất vấn

Bên cạnh đó, trong thời gian qua một số địa phương có nêu các vướng mắc về thủ tục liên quan đến yêu cầu đánh giá tác động đối với từng chính sách khi đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật do cấp tỉnh ban hành được quy định tại khoản 2 Điều 114 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Quan điểm của Bộ trưởng như thế nào về ý kiến phản ánh của địa phương và đâu là giải pháp để tháo gỡ những khó khăn này?

Trả lời chất vấn của đại biểu, Bộ trưởng Lê Thành Long cho rằng, trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, chúng ta đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên nguồn lực còn dàn trải và còn phải cố gắng nhiều nữa mới đáp ứng yêu cầu. Trong thời gian qua, các cơ quan liên quan đã đề xuất Chính phủ một số đề án như đề án tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phổ biến kiến thức pháp luật, trong đó có giải pháp xây dựng trang thông tin điện tử, đưa tài liệu lên để các địa phương sử dụng chung nguồn dữ liệu. Hay như Đề án Tủ sách pháp luật, trên cơ sở chấn chỉnh tủ sách giấy ở các địa phương.

Trong thời gian sắp tới, Bộ trưởng cho rằng, trước hết thực hiện tập trung thực hiện hiệu quả các đề án được ban hành; đồng thời thực hiện đánh giá hiệu quả tuyên truyền pháp luật. Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng mong muốn có chương trình phổ biến kiến thức pháp luật phát sóng trên khung giờ vàng của truyền hình Việt Nam.

Về vướng mắc của địa phương trong thực hiện công tác xây dựng pháp luật, Bộ trưởng cho biết dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi) sẽ được trình ra tại Kỳ họp thứ 8 tới, trong đó có một số quy định giúp khắc phục những vướng mắc cho địa phương, dự kiến sẽ cho phép địa phương ban hành văn bản hành chính đặc thù cho địa phương mình. Đối với quy định của địa phương có thủ tục hành chính ban hành trước 2016 sẽ có sửa đổi, bổ sung phù hợp./.

Thu Phương – Trọng Quỳnh

Các bài viết khác