8. Ủy ban Kinh tế

24/05/2017 14:22

1. Cử tri của tỉnh Hải Dương kiến nghị: đề nghị Quốc hội ban hành Nghị quyết về tái cơ cấu ngành nông nghiệp, trong đó cần có quy định cho nông dân tích tụ diện tích đất nông nghiệp lớn hơn hiện nay để tạo điều kiện cho cơ giới hóa, áp dụng khoa học, công nghệ hiện đại vào sản xuất nông nghiệp.

Trả lời: (Tại công văn số 406/UBKT14 ngày 20/4/2016)

Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 899/QĐ-TTg ngày 10/06/2013.

Ngày 8/11/2016, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 24/2016/QH14 về cơ cấu lại nền kinh tế, trong đó, nhấn mạnh cơ cấu lại mạnh mẽ ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới có hiệu quả, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng, phù hợp với tình hình biến đổi khí hậu, nhất là chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi tại một số địa phương chịu ảnh hưởng lớn của biến đổi khí hậu; điều chỉnh diện tích đất phù hợp với mô hình sản xuất nông nghiệp mới.

Tiếp đó, ngày 23/11/2016, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 32/2016/QH14 về tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp. Trong đó, nhấn mạnh việc nghiên cứu sửa đổi chính sách, pháp luật về đất đai để khuyến khích tích tụ ruộng đất, tiến hành cơ giới hóa, tạo điều kiện sản xuất hàng hóa lớn.

Hiện nay, Ban Bí thư Trung ương Đảng đang chỉ đạo sơ kết 05 năm thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 31/10/2012 của Hội nghị lần thứ sáu Ban chấp hành Trung ương Đảng Khóa XI về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo ra nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, đồng thời Chính phủ đang chỉ đạo sơ kết 03 năm thi hành Luật đất đai để đề xuất các nội dung sửa đổi, bổ sung, trong đó nội dung về tích tụ ruộng đất để nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp.

2. Cử tri tỉnh An Giang kiến nghị: Cử tri đề nghị Quốc hội giám sát chặt chẽ và có Nghị quyết về xây dựng nông thôn mới gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xử lý nợ vay cụ thể, qua thông tin đại chúng các xã đạt chuẩn nông thôn mới nợ trên 15.000 tỷ đồng. Cử tri cho rằng, chủ trương xây dựng NTM là đúng đắn, phù hợp lòng dân, làm cho diện mạo nông thôn ngày càng khởi sắc. Tuy nhiên, mục đích chính XDNTM gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp là làm tăng thu nhập cho người dân nông thôn, giảm tỷ lệ hộ nghèo, hộ khá, giàu tăng lên... nhưng thực tế xã đạt chuẩn NTM hiện nay chỉ tập trung các tiêu chí, chỉ tiêu cơ sở hạ tầng... chưa quy hoạch và thực hiện về cơ cấu lại ngành nông nghiệp nên đời sống người dân cũng không nâng lên nhưng người dân phải đóng góp nhiều hơn... chưa nói đến chính quyền địa phương phải vay mượn từ các tổ chức tín dụng để đẩy nhanh tiến độ đạt các tiêu chí, chỉ tiêu rồi mang nợ

Trả lời: (Tại công văn số 331/UBKT14 ngày 28/2/2017)

Ủy ban Kinh tế xin báo cáo như sau: Ngày 23/11/2016, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 32/2016/QH14 về tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp. Theo đó, Nghị quyết đã đánh giá những mặt đạt được của Chương trình, đồng thời, cũng chỉ rõ những vấn đề còn tồn tại, hạn chế trong đó có nhiều nội dung như cử tri đã nêu.

Đối với vấn đề nợ đọng xây dựng cơ bản của Chương trình, Nghị quyết của Quốc hội đã giao Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương rà soát, xác định chính xác số nợ đọng xây dựng cơ bản của Chương trình. Xây dựng kế hoạch, lộ trình xử lý dứt điểm trước năm 2019, không để phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản mới. Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến tháng 12/2016 số nợ còn khoảng 9.654 tỷ đồng (so với thời điểm 31/01/2016 là 15.277 tỷ đồng). Đồng thời, Nghị quyết cũng yêu cầu làm rõ trách nhiệm, xử lý nghiêm tổ chức và cá nhân người đứng đầu để xảy ra tình trạng huy động quá sức dân, nợ đọng xây dựng cơ bản sai quy định, có hành vi tham nhũng, trục lợi trong thực hiện Chương trình. Việc triển khai Chương trình phải chú trọng đẩy mạnh sản xuất, đổi mới cơ cấu sản xuất, gắn kết chặt chẽ với quá trình cơ cấu lại ngành nông nghiệp, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững. Phấn đấu đến năm 2020, thu nhập bình quân khu vực nông thôn cả nước tăng ít nhất 1,8 lần so với năm 2015; cơ bản hoàn thành các công trình thiết yếu đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất và đời sống của người dân nông thôn như: giao thông, điện, nước sinh hoạt, trường học, trạm y tế, vệ sinh môi trường.

3.  Cử tri Hà Nội kiến nghị: Cử tri đề nghị Quốc hội yêu cầu giải trình và giám sát việc các nhà thầu Trung Quốc liên tục nhận các công trình quan trọng của Việt Nam mặc dù chất lượng không đảm bảo.

Trả lời: (Tại công văn số 331/UBKT14 ngày 28/2/2017)

Tiếp thu ý kiến của cử tri, Ủy ban Kinh tế sẽ đề xuất với Quốc hội đưa nội dung giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật trong thực hiện các dự án ODA vào chương trình giám sát năm 2018.

4. Cử tri Hải Phòng kiến nghị: Cử tri đề nghị Quốc hội tăng cường giám sát việc xây dựng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đai, đặc biệt là trách nhiệm người đứng đầu các Bộ, ngành, địa phương trong việc lập quy hoạch, kế hoạch và quản lý sử dụng đất đai.

Trả lời: (Tại công văn số 331/UBKT14 ngày 28/2/2017)

Ngày 9/4/2016, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 134/2016/QH13 điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016-2020) cấp quốc gia.

Bên cạnh các kết quả đã đạt được, Nghị quyết đã chỉ rõ việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất thời gian qua vẫn còn một số hạn chế, bất cập như: chất lượng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất còn thấp; tính liên kết vùng chưa đạt yêu cầu, quản lý quy hoạch còn yếu; việc chấp hành pháp luật, kỷ luật, kỷ cương trong thực hiện quy hoạch, kế hoạch chưa nghiêm; tình trạng sử dụng đất sai mục đích, lãng phí, kém hiệu quả còn xảy ra ở nhiều nơi; công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm, giải quyết khiếu nại, tố cáo chưa kịp thời gây bức xúc trong nhân dân.

Để bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật và tăng cường quản lý việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, Nghị quyết đã nhấn mạnh việc tăng cường công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật về đất đai, bảo đảm việc sử dụng đất theo đúng quy hoạch, kế hoạch. Nghị quyết cũng yêu cầu hàng năm Chính phủ báo cáo kết quả thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất với Ủy ban thường vụ Quốc hội, Quốc hội và giao các cơ quan hữu quan tiến hành giám sát việc thực hiện.

5.  Cử tri Hậu Giang kiến nghị: Cử tri đề nghị Quốc hội tiến hành giám sát tối cao việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với các dự án có vốn đầu tư nước ngoài trên cả nước có đánh giá tác động của các dự án này ảnh hưởng như thế nào đến quốc phòng – an ninh, môi trường và công bố kết quả cho cử tri biết.

Trả lời: (Tại công văn số 331/UBKT14 ngày 28/2/2017)

Khi tiến hành sửa đổi Luật đầu tư năm 2015, Chính phủ đã tiến hành đánh giá, có báo cáo tổng kết việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với các dự án có vốn đầu tư nước ngoài trên cả nước, ảnh hưởng của các dự án này đối với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nói chung, bao gồm cả an ninh – quốc phòng và môi trường. Trên cơ sở đánh giá, tổng kết thực hiện pháp luật, nhiều kiến nghị đã được tiếp thu và thể hiện trong Luật đầu tư mới. Ngoài ra, hàng năm Chính phủ đều có báo cáo về tình hình thực hiện đầu tư nước ngoài ở Việt Nam trong Báo cáo việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội hàng năm và 5 năm theo Nghị quyết của Quốc hội. Báo cáo của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế đều được công bố công khai để nhân dân cả nước biết và theo dõi. Bên cạnh đó, khi có các vấn đề phát sinh đối với các dự án có vốn đầu tư nước ngoài, Ủy ban Kinh tế và các cơ quan của Quốc hội khác đều lắng nghe ý kiến của cử tri để xử lý, giải quyết theo quy định của pháp luật. Vì vậy, không có báo cáo riêng về vấn đề này.

6. Cử tri Quảng Bình kiến nghị: Cử tri đề nghị Quốc hội tăng cường giám sát việc cấp phép đối với dự án đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam, tránh tình trạng doanh nghiệp nước ngoài lợi dụng kẽ hở pháp luật trốn thuế, chiếm đất, gây ô nhiễm, phá hủy môi trường, gây ảnh hưởng đến chủ trương thu hút đầu tư của Việt Nam. Đề nghị không chấp nhận những nhà đầu tư, nhà thầu nước ngoài có nhiều tai tiếng đến đầu tư tại Việt Nam, nhất là Trung Quốc, đồng thời tạo cơ chế công bằng, minh bạch giữa nhà đầu tư trong nước và nước ngoài.

Trả lời: (Tại công văn số 331/UBKT14 ngày 28/2/2017)

Thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam là một trong các chủ trương lớn nhằm thu hút các nguồn lực thúc đẩy phát triển kinh tế, khuyến khích chuyển giao công nghệ, nâng cao năng suất lao động và giải quyết việc làm cho người lao động. Tuy nhiên, trong thời gian vừa qua, bên cạnh những mặt tích cực, đã xuất hiện tình trạng doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam vi phạm các quy định liên quan đến pháp luật về thuế (tình trạng chuyển giá, trốn thuế), bảo vệ môi trường (xả thải gây ô nhiễm ở một số khu công nghiệp) gây ra những bức xúc trong dư luận xã hội.

   Trước tình trạng như trên, Quốc hội và các cơ quan Quốc hội đã kịp thời tổ chức các Đoàn công tác làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các Bộ, ngành, địa phương về việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư, bảo vệ môi trường. Điển hình như vụ việc gây ô nhiễm môi trường biển của Formosa tại các tỉnh miền Trung, Quốc hội đã yêu cầu Chính phủ báo cáo với Quốc hội tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV (tháng 10/2016) các giải pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm, vấn đề giải quyết sinh kế cho người dân tại các vùng bị ô nhiễm. Đồng thời, các cơ quan của Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội theo chức năng, nhiệm vụ được quy định cũng thường xuyên tiến hành giám sát việc thực hiện các luật có liên quan đến môi trường đầu tư, kinh doanh như: Luật đầu tư, Luật doanh nghiệp, Luật đấu thầu, các luật về thuế, Luật bảo vệ môi trường... Các nội dung này được thảo luận một cách công khai tại các phiên họp của Quốc hội, đặc biệt các vị đại biểu Quốc hội đã tiến hành chất vấn các thành viên Chính phủ về việc ngăn ngừa, xử lý các vi phạm của các doanh nghiệp. Quan điểm nhất quán của Quốc hội, Chính phủ là các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có nhà đầu tư từ Trung Quốc hoạt động đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam đều phải tuân thủ pháp luật của Việt Nam và các điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam là thành viên; việc các nhà đầu tư nếu có sai phạm sẽ bị xử lý theo đúng quy định của pháp luật nhằm bảo đảm tính nghiêm minh, công bằng giữa các nhà đầu tư.

   7. Cử tri Quảng Nam kiến nghị: Đề nghị tổ chức giám sát việc giao đất lâu năm cho các thương nhân nước ngoài, nhất là việc công dân Trung Quốc nhờ người Việt đứng tên mua đất ở các vị trí xung yếu quan trọng về an ninh, quốc phòng của đất nước (ý kiến cửu tri Quảng Nam).

Trả lời: (Tại công văn số 331/UBKT14 ngày 28/2/2017)

Việc giao đất, cho thuê đất đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài để thực hiện các dự án đầu tư được thực hiện theo quy định của Luật đất đai 2013, theo đó, thời hạn giao đất, cho thuê đất dựa trên cơ sở mục đích sử dụng đất và dự án đầu tư, phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Quốc hội thực hiện giám sát việc quản lý và sử dụng đất đai theo quy định của pháp luật, trong đó có việc giao đất đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, đồng thời giám sát việc sử dụng đất của các tổ chức, cá nhân theo quy định của Luật đất đai và pháp luật khác có liên quan. Vấn đề cử tri quan tâm, Ủy ban Kinh tế sẽ yêu cầu Chính phủ có báo cáo, trường hợp cần thiết sẽ đề xuất chuyên đề giám sát trong Chương trình giám sát của Quốc hội và Ủy ban thường vụ Quốc hội.

Ban Dân nguyện