1. Cử tri các tỉnh Đắk Nông, Phú Thọ kiến nghị:
Đề nghị Ban Dân nguyện cần tăng cường đôn đốc các Bộ, ngành, cơ quan chức năng có trách nhiệm tiếp thu, trả lời kiến nghị cử tri; đảm bảo thời gian giải quyết, trả lời và báo cáo kết quả giải quyết kiến nghị cử tri theo quy định. Ví dụ các ý kiến, kiến nghị của cử tri sau kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIV chưa được giải quyết, trả lời.
Đề nghị cần xác lập cơ chế giám sát việc giải quyết kiến nghị cử tri cụ thể, rõ ràng hơn; hướng dẫn cụ thể về thời gian các cơ quan hữu quan phải trả lời kiến nghị cử tri, do hiện nay việc trả lời còn chậm, nhiều vấn đề được tập hợp và phản ánh tại kỳ họp Quốc hội, nhưng đến kỳ họp sau mới có văn bản trả lời.”
Trả lời: (Tại Công văn số 280 /BDN ngày 14/4/2017)
- Về thời hạn trả lời kiến nghị của cử tri: Tại khoản 1, Điều 36 Nghị quyết số 525/2012/NQLT/UBTVQH13-ĐCTUBTW MTTQVN ngày 27/9/2012 của Ủy ban thường vụ Quốc hội và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về việc tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội, cụ thể là:“Trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày nhận được kiến nghị của cử tri, cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền có trách nhiệm nghiên cứu, giải quyết và trả lời cử tri; gửi văn bản trả lời cử tri đến Đoàn đại biểu Quốc hội địa phương nơi cử tri kiến nghị và cơ quan, đại biểu Quốc hội đã chuyển kiến nghị của cử tri”. Như vậy, thời hạn giải quyết, trả lời của cử tri đã được Nghị quyết 525 quy định cụ thể, và về cơ bản đều đã được bộ, ngành chấp hành nghiêm chỉnh, đã nghiên cứu tiếp thu kiến nghị của cử tri và trả lời đúng thời hạn pháp luật quy định. Tuy nhiên, vẫn còn một số kiến nghị mà cơ quan có thẩm quyền giải quyết, trả lời kiến nghị của tri còn chậm so với quy định. Về việc này, Ban Dân nguyện đã đôn đốc, nhắc nhở các cơ quan chậm giải quyết, trả lời cử tri và báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội. Tiếp thu kiến nghị của cử tri, Ban Dân nguyện sẽ tiếp tục có ý kiến với các cơ quan kịp thời giải quyết, trả lời kiến nghị của tri theo đúng quy định của pháp luật, kịp thời cung cấp thông tin để phục vụ Đại biểu Quốc hội trong việc thực hiện nhiệm vụ đại biểu và tiếp xúc cử tri.
Để thuận lợi cho việc rà soát, đôn đốc các cơ quan có thẩm quyền giải quyết, trả lời các kiến nghị của cử tri do Đoàn Đại biểu Quốc hội Đắk Nông và Phú Thọ chuyển đến từ sau kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khóa XIV nhưng chưa nhận được văn bản trả lời, trân trọng đề nghị Đoàn Đại biểu Quốc hội thống kê các kiến nghị nêu trên gửi lại Ban Dân nguyện để tiến hành rà soát, đôn đốc các cơ quan quan có thẩm quyền giải quyết, trả lời cử tri.
- Về cơ chế giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri: Điều 31 Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân (có hiệu lực thi hành từ 01/7/2016) quy định: Ủy ban thường vụ Quốc hội có trách nhiệm giám sát việc giải quyết kiến nghị cử tri của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền; và tại khoản 2 Điều 8 Nghị quyết 334/2017/UBTVQH14 ngày 11/01/2017 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc ban hành Quy chế tổ chức thực hiện một số hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và Đại biểu Quốc hội quy định: Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội là Trưởng Ban Dân nguyện giúp Ủy ban thường vụ Quốc hội tổ chức giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri thuộc lĩnh vực được phân công.
Thực hiện nhiệm vụ này, trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII cũng như hiện nay, Ban Dân nguyện đã tổ chức nghiên cứu, xem xét, đánh giá văn bản trả lời của các bộ, ngành đối với từng kiến nghị và phân loại theo các tiêu chí: các kiến nghị đã giải quyết, đang giải quyết, sẽ giải quyết, tiếp thu, giải trình, cung cấp thông tin cho cử tri để tiếp tục theo dõi, đôn đốc việc giải quyết; tổ chức làm việc với các bộ, ngành về việc giải quyết đối với toàn bộ kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp Quốc hội; đồng thời, tổ chức giám sát chuyên đề về một số nội dung mà các bộ, ngành trả lời đã giải quyết mà cử tri tiếp tục kiến nghị, báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội; tiếp thu ý kiến của các thành viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, chuẩn bị báo cáo của Ủy ban thường vụ Quốc hội trình Quốc hội.
Như vậy, quy định của pháp luật về hoạt động giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri còn chưa cụ thể, cần được nghiên cứu hoàn thiện như kiến nghị của cử tri nêu. Tuy nhiên, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân và Nghị quyết 334/2017/UBTVQH14 mới có hiệu lực, cần thời gian tổ chức thực hiện, qua thực tế hoạt động sẽ rút kinh nghiệm để ngiên cứu, sửa đổi cho phù hợp thực tế.
2. Cử tri các tỉnh, thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ và Lâm Đồng kiến nghị:
“Cử tri đề nghị cần tiếp tục nghiên cứu cải tiến công tác tiếp xúc cử tri sao cho thật hiệu quả, tăng cường tiếp xúc cử tri theo giới, ngành, tiếp xúc tại cơ sở trên địa bàn ứng cử làm sao để nhiều cử tri tham dự hơn từ đó ghi nhận được nhiều hơn những ý kiến, những vấn đề bất cập trong đời sống thực tế của nhân dân. Cử tri đề nghị nên luân phiên các đại biểu Quốc hội trong việc tiếp xúc cử tri để giúp đại biểu nắm rõ hơn tình hình hoạt động của các cấp cơ sở.”
“Cử tri kiến nghị Quốc hội nghiên cứu, đổi mới quy định về tiếp xúc cử tri của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đặc biệt là lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước (Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ) cần tiếp xúc cử tri ở nhiều địa phương trong cả nước (ngoài đơn vị bầu cử), để tăng cường tiếp xúc trực tiếp, lắng nghe được nhiều tiếng nói, tâm tư, nguyện vọng của đồng bào cử tri ở vùng sâu, vùng xa, góp phần động viên đồng bào và kịp thời có các chủ trương, giải pháp, quyết sách phù hợp với thực tiễn, giúp các địa phương phát triển.”
Trả lời: (Tại Công văn số 281 /BDN ngày 14/4/2017)
Nghị quyết số 525/2012/NQLT/UBTVQH13-ĐCTUBTWMTTQVN ngày 27/9/2012 của Ủy ban thường vụ Quốc hội và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về việc tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội đã quy định: thành phần tham dự các cuộc tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội bao gồm tất cả mọi người, không phân biệt giới tính, ngành nghề, nơi cư trú, đơn vị công tác đều có thể tham gia các cuộc tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội; ngoài việc tiếp xúc cử tri định kỳ trước và sau kỳ họp Quốc hội, đại biểu Quốc hội chủ động tiếp xúc cử tri nơi cư trú, nơi làm việc, theo chuyên đề, lĩnh vực, đối tượng, địa bàn mà đại biểu quan tâm; gặp gỡ, tiếp xúc với cá nhân, nhóm cử tri... (Điều 23, 24, 25, 26)
Nghị quyết cũng đã quy định trách nhiệm của Đoàn đại biểu Quốc hội trong việc phân công đại biểu Quốc hội trong Đoàn tiếp xúc cử tri tại các đơn vị bầu cử ở địa phương, bảo đảm tính hiệu quả thiết thực trong hoạt động tiếp xúc cử tri (khoản 3 Điều 10).
Như vậy, để nâng cao chất lượng, hiệu quả tiếp xúc cử tri, tăng cường công tác tiếp xúc cử tri, tiếp xúc cử tri ở cơ sở, theo giới, ngành, luân phiên các đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri tại các đơn vị bầu cử để nắm rõ hơn tình hình hoạt động của cơ sở như cử tri kiến nghị, Đoàn đại biểu Quốc hội, địa biểu Quốc hội nghiên cứu, tổ chức thực hiện Nghị quyết, bảo đảm hoạt động tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội đạt được hiệu quả cao, lắng nghe được nhiều hơn các tâm tư, nguyện vọng và những đóng góp của cử tri cho việc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước như Nghị quyết đã quy định và mong mỏi của cử tri.
Về nội dung cử tri kiến nghị, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ cần tiếp xúc cử tri ở nhiều địa phương trong cả nước, ngoài đơn vị bầu cử, Ban Dân nguyện sẽ đề nghị các cơ quan có liên quan báo cáo các đồng chí lãnh đạo nghiên cứu, sắp xếp thời gian hợp lý để tiếp xúc cử tri ở các địa phương khác ngoài đơn vị bầu cử.
3. Cử tri thành phố Hà Nội kiến nghị: Một số ý kiến cử tri cho rằng, việc ĐBQH tiếp xúc cử tri còn hình thức: Thành phần chủ yếu là đại cử tri; chưa đảm bảo công khai, dân chủ; đại biểu chủ yếu vẫn chỉ thực hiện tiếp xúc cử tri trước và sau kỳ họp, vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong các cuộc tiếp xúc cử tri của ĐBQH còn mờ nhạt. Đề nghị Ủy ban thường vụ Quốc hội phối hợp với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổng kết, đánh giá và tăng cường giám sát việc triển khai thực hiện tiếp xúc cử tri của ĐBQH theo Nghị quyết liên tịch số 525/2012/NQLT/UBTVQH13-ĐCTUBTWMTTQVN.”
Trả lời: (Tại Công văn số 282 /BDN ngày 14/4/2017)
Nghị quyết số 525/2012/NQLT/UBTVQH13-ĐCTUBTWMTTQVN ngày 27/9/2012 của Ủy ban thường vụ Quốc hội và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về việc tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội đã quy định: thành phần tham dự các cuộc tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội bao gồm tất cả mọi người, không phân biệt giới tính, ngành nghề, nơi cư trú, đơn vị công tác đều có thể tham gia các cuộc tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội; ngoài việc tiếp xúc cử tri định kỳ trước và sau kỳ họp Quốc hội, đại biểu Quốc hội chủ động tiếp xúc cử tri nơi cư trú, nơi làm việc, theo chuyên đề, lĩnh vực, đối tượng, địa bàn mà đại biểu quan tâm; gặp gỡ, tiếp xúc với cá nhân, nhóm cử tri... (Điều 23, 24, 25, 26) Việc tiếp xúc cử tri được thực hiện theo nguyên tắc dân chủ, bình đẳng và công khai (Điều 4).
Nghị quyết cũng đã quy định trách nhiệm của Đoàn đại biểu Quốc hội trong việc phân công đại biểu Quốc hội trong Đoàn tiếp xúc cử tri tại các đơn vị bầu cử ở địa phương, bảo đảm tính hiệu quả thiết thực trong hoạt động tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội.
Như vậy, việc để xảy ra tình trạng đại biểu Quốc hội tiếp xúc “đại cử tri”, hoạt động tiếp xúc cử tri không công khai là trách nhiệm của Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội và Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc nơi tổ chức cuộc tiếp xúc cử tri của Đại biểu Quốc hội, cần được rút kinh nghiệm tổ chức thực hiện theo đúng quy định của Nghị quyết 525.
Để tăng cường hoạt động tiếp xúc cử tri của Đại biểu Quốc hội, ngoài việc tiếp xúc cử tri định kỳ trước và sau kỳ họp Quốc hội, đề nghị đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội khuyến khích và tổ chức để đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri tại nơi cư trú, nơi làm việc, theo chuyên đề, lĩnh vực, đối tượng như Nghị quyết đã quy định.
Về vai trò của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc trong hoạt động tiếp xúc cử tri, đề nghị Đoàn đại biểu Quốc hội có ý kiến với Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc nơi tổ chức cuộc tiếp xúc cử tri tiếp thu về nội dung này và tổ chức thực hiện nghiêm chỉnh các quy định về trách nhiệm của Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam địa phương được quy định tại Điều 11 Nghị quyết 525.
Về tổng kết, đánh giá việc thực hiện nghị quyết, Ban Dân nguyện đã được Ủy ban thường vụ Quốc hội giao thực hiện nhiệm vụ này. Hiện nay, Ban Dân nguyện đã xây dựng đề cương để gửi các Đoàn Đại biểu Quốc hội tiến hành tổng kết. Khi tiến hành tổng kết, đề nghị Đoàn đại biểu Quốc hội tổ chức đánh giá việc thực hiện Nghị quyết thật sự khách quan, hiệu quả.