Cử tri tỉnh Bến Tre, Bình Thuận kiến nghị: Cử tri tiếp tục bày tỏ sự lo lắng về tình hình biển Đông diễn biến hết sức phức tạp, bất bình trước việc Trung Quốc tăng cường các hoạt động cải tạo, bồi đắp, xây dựng các công trình tại quần đảo thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền của Việt Nam và ngang nhiên tấn công các tàu cá của ngư dân trong vùng biển thuộc chủ quyền của ta. Trước tình trạng này, hầu hết người dân đều mong muốn Đảng, Quốc hội và Nhà nước tiếp tục kịp thời triển khai các chủ trương, giải pháp hiệu quả, kết hợp chặt chẽ các hình thức, biện pháp chính trị, ngoại giao, pháp lý, kinh tế, quốc phòng để bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo và thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc. Đề nghị Quốc hội nên ra Nghị quyết về vấn đề Biển Đông, đồng thời cần thông tin kịp thời trên các phương tiện thông tin đại chúng về Biển Đông cho cử tri được biết.
Trả lời: (Tại Công văn số 1080/UBDN14 ngày 9/5/2014)
Từ thế kỷ XVII đến nay, hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa được Nhà nước Việt Nam thực thi chủ quyền một cách liên tục và hòa bình. Pháp luật quốc tế đã hình thành nguyên tắc xác lập chủ quyền là nguyên tắc chiếm hữu thật sự và thực hiện quyền lực Nhà nước một cách thật sự, liên tục và hòa bình. Nguyên tắc này đã được các nước và các cơ quan tài phán quốc tế áp dụng để giải quyết nhiều vụ tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ trên thế giới. Bên cạnh đó, chủ quyền, quyền chủ quyền biển đảo là hai khái niệm pháp lý được quy định trong pháp luật về biển của các quốc gia ven biển trên cơ sở Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982), đã được 157 quốc gia ký kết, trong đó có Việt Nam. Căn cứ vào Công ước 1982, Luật Biển của nước ta được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ ba Quốc hội khóa XIII, ngày 21/6/2012, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2013 cũng đã quy định về đường cơ sở, nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa, các đảo; hoạt động trong vùng biển Việt Nam; phát triển kinh tế biển; quản lý và bảo vệ biển, đảo. Theo đó, Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và chứng cứ lịch sử để khẳng định chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Tranh chấp chủ quyền lãnh thổ ở Biển Đông liên quan đến Việt Nam bao gồm tranh chấp song phương đối với quần đảo Hoàng Sa giữa Việt Nam và Trung Quốc (bao gồm cả Đài Loan) và tranh chấp nhiều bên đối với quần đảo Trường Sa, giữa 5 nước gồm Việt Nam, Bru-nây, Phi-líp-pin, Ma-lai-xi-a và Trung Quốc (bao gồm cả Đài Loan). Phi-líp-pin yêu sách hầu hết quần đảo Trường Sa. Ma-lay-xi-a Malaysia đòi chủ quyền đối với phía Nam của quần đảo Trường Sa. Bru-nây yêu sách đối với đá Lu-xi-a, một rạn san hô phía Nam quần đảo Trường Sa. Đài Loan được coi là một bộ phận của Trung Quốc song là một bên chiếm đóng tại Trường Sa. Trung Quốc, bên cạnh yêu sách chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, cingx đòi hỏi quyền chủ quyền, quyền tài phán và quyền lịch sử đối với vùng biển rộng lớn bên trong “đường chín đoạn” tại Biển Đông.
Ngày 12/7/2016, Tòa trọng tài Vụ kiện Biển đông giữa Phi-líp-pin và Trung Quốc ra phán quyết bác bỏ yêu sách đường lưỡi bò phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông và làm rõ các khu vực thực sự có tranh chấp, tạo cơ sở pháp lý để các quốc gia ven Biển Đông thúc đẩy giải quyết các vùng biển thực sự chồng lấn theo luật pháp quốc tế.
Thời gian gần đây, tình hình Biển Đông diễn biến phức tạp khi Trung Quốc một mặt thúc đẩy đàm phán song phương với các nước ven Biển Đông về hợp tác trên biển, thúc đẩy đàm phán xây dựng khung Bộ Quy tắc ứng xử tại Biển Đông giữa ASEAN và Trung Quốc (COC), mặt khác liên tục mở rộng và đẩy mạnh các hoạt động tôn tạo, bồi lấp, xây dựng các công trình và quân sự hóa các cấu trúc ở Biển Đông, đe dọa hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở khu vực. Lập trường nhất quán của Việt Nam là các tranh chấp ở Biển Đông cần phải được giải quyết bằng các biện pháp hòa bình, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, tôn trọng đầy đủ tiến trình ngoại giao và pháp lý, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982.
Từ lập trường trên, Việt Nam đã kiên quyết, kiên trì đấu tranh trước những hành vi xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam ở Biển Đông. Trước các hoạt động xâm phạm chủ quyền của ta do Trung Quốc triển khai nhằm duy trì, củng cố ưu thế trên thực địa, đẩy mạnh quân sự hóa ở khu vực hai quần đảo…, ta đã triển khai các biện pháp đấu tranh kiên quyết dưới nhiều hình thức và nhiều kênh khác nhau. Ta đã chủ động nêu vấn đề Biển Đông trong các cuộc đàm phán, tiếp xúc song phương ở tất cả các cấp và tại các diễn đàn đa phương như Hội nghị ASEAN các cấp, Diễn đàn an ninh khu vực (ARF), Hội nghị Thượng đỉnh Á – Âu (ASEM) và các hội nghị quốc tế khác; xây dựng và lưu hành tại Liên hợp quốc các tài liệu khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Bộ Ngoại giao đã nhiều lần tiếp xúc, trao công hàm và phát biểu phản đối Trung Quốc. Đáng chú ý, trong vụ việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng biển Việt Nam, Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội đã có thư gửi Nghị viện các nước, các Tổ chức liên nghị viện khu vực và thế giới phản đối hành động trên và kêu gọi các bên ủng hộ mạnh mẽ lập trường của Việt Nam.
Bên cạnh đấu tranh ngoại giao, ta cũng triển khai nhiều chính sách, hoạt động quan trọng liên quan đến việc khẳng định chủ quyền biển đảo của ta ở Biển Đông. Quốc hội đã thông qua nhiều dự án Luật quan trọng tạo cơ sở pháp lý cho việc bảo vệ, quản lý nhà nước và hợp tác quốc tế về biển đảo, nổi bật là Luật Biển Việt Nam, Luật Tài nguyên Môi trường biển và hải đảo. Trên thực địa, ta đã triển khai nhiều chính sách khuyến khích, hỗ trợ ngư dân hoạt động khai thác hải sản ở khu vực hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, duy trì sự hiện diện và hoạt động của ta ở khu vực này, góp phần quan trọng khẳng định chủ quyền trên thực tế của ta. Đồng thời, ta duy trì tuần tra trong các vùng biển của Việt Nam, nhất là ở các khu vực nhạy cảm, theo dõi sát hoạt động của nước ngoài, sẵn sàng có biện pháp ứng phó phù hợp và cần thiết bảo vệ các hoạt động kinh tế biển.
Trên tinh thần đó, Ủy ban Đối ngoại sẽ kiến nghị Quốc hội ra Nghị quyết chuyên đề về vấn đề Biển Đông vào một thời điểm thích hợp để tiếp tục bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo, toàn vẹn lãnh thổ, đảm bảo lợi ích biển chính đáng của ta, đồng thời giữ gìn môi trường biển hòa bình, ổn định để xây dựng và phát triển đất nước.