23. Bộ Công thương

24/05/2017 14:36

1. Cử tri các tỉnh, thành phố Hà Nội, Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Thái Bình, Tiền Giang, Lào Cai, Bình Định, An Giang, Long An, Vĩnh Long, Sóc Trăng, Đồng Tháp, Bà Rịa Vũng Tàu, Đà Nẵng, Nghệ An, Bến Tre, Điện Biên, Đắk Lắk, Hậu Giang, Quảng Nam, Ninh Thuận, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Phú Yên kiến nghị: Cử tri tiếp tục phản ánh tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng, nhất là các loại nông sản, vật tư nông nghiệp, dược phẩm, thực phẩm chức năng, thực phẩm có nhiều hóa chất độc hại, dựng cụ vật lý trị liệu không rõ nguồn gốc xuất xứ…, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người tiêu dùng và thị trường hàng hóa trong nước. Có mặt hàng nhập khẩu đã qua kiểm định hải quan, các bộ, ngành có liên quan nhưng khi ra thị trường thì hàng hóa lại không đảm bảo chất lượng, nhất là hoàng hóa xuất xứ từ Trung Quốc gây ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của người dân, gây thiệt hại đến kinh tế đất nước; việc kiểm soát, quản lý chất lượng và nguồn gốc thuốc bảo vệ thực vật ở nhiều nơi đặc biệt là vùng nông thôn, vùng sâu còn buông lỏng, việc xử lý vi phạm chưa nghiêm dẫn đến tình trạng thuốc giả, thuốc kém chất lượng gây nhiều thiệt hại cho người nông dân; việc xử lý sai phạm còn quá nhẹ chưa tương xứng với thiệt hại của người tiêu dùng, lợi nhuận do hoạt động kinh doanh phi pháp mang lại. Cử tri đề nghị Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các bộ, ngành có liên quan tăng cường hơn nữa công tác quản lý thị trường, thanh tra, kiểm tra, có biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời, nghiêm minh các cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm và thông báo công khai cho nhân dân biết cụ thể về cá nhân, cơ sở kinh doanh vi phạm và kết quả xử lý vi phạm.

Trả lời: Tại công văn số 1188/BCT-KH ngày 15/02/2017

Để chỉ đạo, điều hành chung công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên cả nước, Chính phủ thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (gọi tắt là Ban chỉ đạo 389 Quốc gia) do Phó Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng Ban, Bộ Tài chính là Cơ quan thường trực với thành viên là các Bộ ngành trong đó có Bộ Công Thương. Việc phân công trách nhiệm cụ thể của các Bộ, ngành, chính quyền địa phương trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả theo Quyết định số 19/2016/QĐ-TTg ngày 6 tháng 5 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ, theo đó:

- Tại biên giới, trên biển: Lực lượng Hải quan, Bộ đội biên phòng, Cảnh sát biển có trách nhiệm kiểm tra, ngăn chặn hàng hóa nhập lậu vào thị trường nội địa.

- Trong thị trường nội địa: Các Bộ, ngành phối hợp với chính quyền địa phương chỉ đạo các lực lượng Công an, Quản lý thị trường, Thanh tra chuyên ngành có trách nhiệm kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm đối với hành vi vi phạm về sản xuất, kinh doanh hàng hóa nhập lậu, gian lận thương mại, hàng giả và vi phạm an toàn thực phẩm trên thị trường.

- Trách nhiệm của chính quyền địa phương: Chỉ đạo các lực lượng chức năng tại địa phương thực hiện việc kiểm tra, kiểm soát các hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ trên địa bàn trong việc chấp hành pháp luật; phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả trên địa bàn; tổ chức bộ máy, trang bị phương tiện, điều kiện làm việc của Quản lý thị trường và Thanh tra chuyên ngành địa phương để thực hiện tốt nhiệm vụ phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

- Trách nhiệm của Bộ Công Thương: Phối hợp với cơ quan chức năng các cấp thực thi công tác quản lý thị trường trong thị trường nội địa, hướng dẫn nghiệp vụ, chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát thị trường, đấu tranh chống các vi phạm pháp luật trong hoạt động thương mại ở thị trường trong nước.

Trong thời gian qua, Bộ Công thương đã nghiêm túc quán triệt, thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia trong đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả và vi phạm an toàn thực phẩm, riêng năm 2016, Bộ Công Thương đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo như:

+ Kế hoạch số 1630/KH-BCT ngày 26 tháng 02 năm 2016 về công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả năm 2016 (thực hiện Kế hoạch số 03/KH-BCĐ389 của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia);

+ Kế hoạch số 1635/KH-BCĐ389 ngày 26 tháng 02 năm 2016 của Ban Chỉ đạo 389 Bộ Công Thương về tăng cường thanh tra, kiểm tra việc sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi, thức ăn thuỷ sản và chất cấm dung trong chăn nuôi, chế biến thực phẩm (thực hiện Kế hoạch số 01/KH-BCĐ389 của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia);

+ Kế hoạch của Bộ Công Thương (ban hành kèm theo Quyết định số 2650/QĐ-BCT ngày 28 tháng 6 năm 2016) thực hiện Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 09 tháng 5 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm;

+ Quyết định số 3835/QĐ-BCT ngày 23 tháng 9 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Công Thương về Kế hoạch tăng cường công tác quản lý phân bón vô cơ năm 2016 - 2017;

+ Kế hoạch số 11219/KH-BCĐ389 ngày 23 tháng 11 năm 2016 của Ban Chỉ đạo 389 Bộ Công Thương về cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trước, trong và sau Tết Nguyên Đán Đinh Dậu 2017(thực hiện Kế hoạch số 358/KH-BCĐ389 của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia).

Đồng thời, Bộ Công Thương đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc chủ trì hoặc phối hợp với các Bộ, ngành xây dựng và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật và các tài liệu hướng dẫn bảo đảm an toàn thực phẩm; chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, kiểm soát các mặt hàng thực phẩm lưu thông trên thị trường nhằm bảo đảm an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng; chỉ đạo các đơn vị thuộc Bộ Công Thương triển khai thanh tra, kiểm tra liên ngành và chuyên ngành định kỳ như: Thanh tra, kiểm tra liên ngành trong dịp Tết Trung thu, Tết Nguyên đán, Tháng hành động vì chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm… cũng như thường xuyên chỉ đạo các đơn vị chuyên ngành tiến hành thanh tra, kiểm tra đột xuất nhằm kịp thời phát hiện, xử lý và hướng dẫn khắc phục các sai phạm về an toàn vệ sinh thực phẩm.

Nhằm nâng cao hoạt động liên ngành trong công tác thanh tra, kiểm tra bảo đảm an toàn thực phẩm, Bộ Công Thương đã tích cực cử cán bộ tham gia các đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành do Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn chủ trì. Các thành viên của Bộ Công Thương đã chủ động phối hợp chặt chẽ trong công tác thanh, kiểm tra tại các địa phương được kiểm tra, góp phần tích cực vào công tác phổ biến, tuyên truyền, hướng dẫn cụ thể kiến thức vệ sinh an toàn thực phẩm cho người quản lý, người lao động trực tiếp của các cơ sở sản xuất, kinh doanh và bếp ăn công nghiệp tại các địa phương hiểu thêm nhiều kiến thức về đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, đồng thời giúp các đoàn thanh tra, kiểm tra phát hiện được nhiều vi phạm của các cơ sở không chấp hành các quy định của Nhà nước về vệ sinh an toàn thực phẩm...

Mặc dù, đã chỉ đạo sát sao, tích cực, công tác thanh tra, kiểm tra đã thường xuyên được thực hiện, đã có các biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, vi phạm an toàn thực phẩm và đã xử lý nghiêm minh nhiều vụ việc, tuy nhiên vẫn chưa đáp được như mong muốn của nhân dân và cử tri cả nước. Trong thời gian tới, Bộ Công Thương tiếp tục triển khai các giải pháp như sau:

- Tiếp tục tập trung thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

- Tiếp tục rà soát, kiến nghị sửa đổi bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật nhằm nâng cao hiệu quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Hiện nay, Bộ Công Thương đang hoàn thiện, trình ban hành Đề án chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tại một số địa bàn trọng điểm (Đề án 8) theo phân công của Chính phủ.

- Chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm thực hiện thường xuyên, liên tục, có trọng tâm, trọng điểm; tập trung mặt hàng thuốc lá ngoại nhập lậu, phân bón, xăng dầu, khí hóa lỏng, rượu, bia, nước giải khát, sữa chế biến và các hàng hóa thực phẩm khác là hàng giả, không rõ nguồn gốc, không đảm bảo chất lượng, gian lận thương mại, nhập lậu; kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; tổ chức kiểm tra, đánh giá việc thực hiện các chương trình, kế hoạch để rút kinh nghiệm, đề ra các giải pháp đấu tranh phù hợp với tình hình thực tiễn.

- Thực hiện tốt công tác phối hợp với các lực lượng chức năng, đặc biệt là lực lượng Công an trong việc xử lý các đường dây, ổ nhóm. Tập trung ngăn chặn tình trạng buôn bán, vận chuyển hàng nhập lậu, hàng giả như thuốc lá, mỹ phẩm, rượu, đường tại các tỉnh miền Nam và miền Trung; trong thị trường nội địa, tập trung ngăn chặn tình trạng bày bán công khai hàng nhập lậu, hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ tại các thành phố lớn như Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.

- Tiếp tục duy trì thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 14/CT-BCT và Chỉ thị số 23/CT-BCT của Bộ trưởng Bộ Công Thương để xây dựng lực lượng Quản lý thị trường trong sạch, vững mạnh, không tham nhũng, tiêu cực. Tăng cường công tác đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ kiểm tra, xử lý vi phạm cho công chức thực thi; chú trọng công tác kiểm tra nội bộ để kịp thời chấn chỉnh, xử lý nghiêm các trường hợp tiêu cực, tham nhũng vi phạm trong hoạt động công vụ.

- Đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu; nếu để xảy ra tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại kéo dài hoặc nghiêm trọng trên địa bàn thì người đứng đầu đơn vị phải chịu trách nhiệm; thực hiện việc luân chuyển công chức theo đúng quy định, đặc biệt là tại các vị trí dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng;

- Đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục chính sách pháp luật cho mọi đối tượng, biến nhận thức về chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại thành ý thức tự giác thường trực và hành động cụ thể của mỗi cấp, mỗi ngành, mỗi doanh nghiệp, mỗi người dân.

2. Cử tri các tỉnh, thành phố Hồ Chí Minh, Hải Dương, Tiền Giang, Thừa Thiên Huế kiến nghị: Trước việc tư thương Trung Quốc làm ăn gian dối, có nhiều thủ đoạn làm lũng loạn thị trường, ảnh hưởng đến sản xuất hàng hóa nông sản trong nước, cử tri kiến nghị cần chủ động kiểm tra, kịp thời ngăn chặn và xử lý nghiêm minh, tránh tái diễn để ổn định tình hình sản xuất nông nghiệp.

Trả lời: Tại công văn số 1173/BCT-KH ngày 15/02/2017

Việt Nam là một nước nông nghiệp, việc tiêu thụ nông sản cho người nông dân luôn luôn được Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ và dư luận xã hội quan tâm. Thời gian qua, doanh nghiệp FDI, thương nhân nước ngoài phần lớn đã hoạt động theo đúng quy định của pháp luật, đã góp phần tích cực trong việc thu mua, tiêu thụ và xuất khẩu nông sản. Tuy nhiên, vẫn còn có hiện tượng một số tổ chức, cá nhân nước ngoài lợi dụng chính sách mở cửa của Đảng và nhà nước vào Việt Nam bằng con đường du lịch, chữa bệnh, thăm thân… để tiến hành hoạt động mua bán nông sản trái phép.

Trước tình hình đó, Bộ Công Thương đã chủ động triển khai một số nội dung công việc như:

- Trực tiếp tham mưu trình Chính phủ ban hành hoặc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật quy định về hoạt động mua bán hàng hóa của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam (Nghị định số 187/2013/NĐ-CP ngày 20 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế và các hoạt động đại lý mua, bán, gia công và quá cảnh hàng hóa với nước ngoài; Nghị định số 185/2013/NĐ-CP ngày 15 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; Thông tư số 04/2014/TT-BCT ngày 27 tháng 01 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị định số 187/2013/NĐ-CP; Thông tư số 08/2013/TT-BCT ngày 22 tháng 4 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định chi tiết về hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam theo Nghị định số 23/2007/NĐ-CP; Thông tư số 28/2012/TT-BCT ngày 27 tháng 9 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định chi tiết việc đăng ký quyền xuất khẩu, quyền nhập khẩu của thương nhân nước ngoài không có hiện diện tại Việt Nam theo Nghị định số 90/2007/NĐ-CP).

- Tổ chức Hội nghị tại các vùng trọng điểm (Đồng bằng sông Cửu Long; Đồng bằng Trung du Bắc Bộ; Tây Nguyên Nam Trung Bộ) để tuyên truyền, phổ biến pháp luật có liên quan đến hoạt động mua bán hàng hoá của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam cho các sở, ban ngành, lực lượng kiểm soát của các địa phương trong vùng.

- Chỉ đạo các Sở Công Thương, Chi cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương yêu cầu báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố và chủ trì hoặc phối hợp với các cơ quan chức năng ở địa phương tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm của người nước ngoài mua bán hàng hóa tại Việt Nam.

- Lập các đoàn công tác đến các địa bàn nóng, có xẩy ra vụ việc để trực tiếp tìm hiểu, chỉ đạo (đến Bắc Giang, Lào Cai để kiểm tra công tác thu mua và xuất khẩu vải; đến Thái Nguyên, Tuyên Quang kiểm tra công tác thu mua chè bẩn; đến Bình Thuận, Long An kiểm tra tình hình thu mua thanh long của thương nhân Trung Quốc; đến Cà Mau kiểm tra việc thu mua thủy sản; đến Quảng Ngãi, Bình Định, Lạng Sơn để nắm bắt tình hình sản xuất và tháo gỡ ùn tắc dưa hấu tại cửa khẩu…).

- Cung cấp thông tin kịp thời để các phương tiện thông tin đại chúng đưa tin, tuyên truyền...

- Tăng cường công tác xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường, đàm phán hiệp định song phương và đa phương....

- Chỉ đạo Cục Quản lý thị trường, địa phương triển khai phối hợp với các đơn vị chức năng trên địa bàn tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, kiểm tra, kiểm soát hoạt động thu mua hàng hóa của người nước ngoài trên địa bàn.

- Xây dựng, cập nhật cơ sở dữ liệu về doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, về chi nhánh, văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài hoạt động tại Việt Nam để cung cấp, làm cơ sở cho lực lượng quản lý thị trường, các Sở Công Thương, các Bộ, ngành có liên quan thực hiện công tác quản lý, hậu kiểm sau cấp phép; Nắm tình hình hoạt động xuất khẩu hàng nông sản, thủy sản qua các cửa khẩu, đường mòn, lối mở... để kịp thời phản ánh khi có hiện tượng bất thường;

- Đề xuất các cơ chế điều hành, quản lý cần thiết để kiểm soát tốt hơn hàng hóa xuất nhập khẩu qua biên giới; tham gia tổ chức hệ thống phân phối từ vùng sản xuất đến các khu vực cửa khẩu và xuất khẩu hàng nông sản qua biên giới; sự vào cuộc của lực lượng chức năng tại địa phương dưới sự hướng dẫn của các Bộ, ngành như công an, biên phòng, đặc biệt trong đó có lực lượng quản lý thị trường đã thường xuyên, chủ động tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát và xử lý các hành vi vi phạm trong việc thu mua nông sản của các tổ chức cá nhân người nước ngoài...

- Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ thỏa thuận, ký kết Bản ghi nhớ việc hợp tác trong lĩnh vực thương mại nông sản giữa Bộ Thương mại nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa và Bộ Công Thương nước CHXHCN Việt Nam.

- Bộ đã chỉ đạo các Thương vụ tại Trung Quốc (nhất là Nam Ninh, Quảng Châu và Côn Minh) và các nước trong khu vực theo dõi, nắm bắt thị trường để chủ động, kịp thời cung cấp thông tin và đề xuất những chương trình hợp tác nhằm thúc đẩy xuất khẩu bền vững, lâu dài đối với sản phẩm nông sản, thuỷ sản.

Nhờ đó, hoạt động thu mua nông sản trái phép của tổ chức, cá nhân người nước ngoài đã từng bước được ngăn chặn, ngày càng thu hẹp về phạm vi, qui mô và số lượng vụ việc, cụ thể:

- Trong năm 2012, hiện tượng người nước ngoài vào Việt Nam tiến hành hoạt động thu mua nông sản, thủy sản diễn ra trên diện rộng và diễn biến theo chiều hướng ngày càng phức tạp tại 17 tỉnh, thành phố.

- Trong năm 2013, tại một số thời điểm ở một số địa phương, xuất hiện hiện tượng người nước ngoài vào Việt Nam thu mua nhỏ lẻ các loại nông sản, lâm sản, thủy sản (kể cả một số loại khác lạ) tại 12 tỉnh, thành phố.

- Năm 2014 chỉ còn xuất hiện việc thu mua hải sản, cây trắc dây tại tỉnh Khánh Hòa.

Đến nay, các hoạt động đã không còn diễn ra công khai, phạm vi rộng, số lượng đông... mà đi vào hoạt động lén lút, bí mật, qui mô nhỏ..., hoạt động thương nhân nước ngoài tại Việt Nam trong lĩnh vực này dần đi vào ổn định, tình trạng thương nhân nước ngoài thu mua nông sản, hải sản ở Việt Nam giảm dần (năm 2015 không có thương lái nước ngoài đến thu mua nông sản gây bất ổn thị trường). 

Năm 2016, xuất hiện hiện tượng thương nhân nước ngoài thu mua thanh long trên địa bàn các tỉnh Long An, Bình Thuận. Tại Long An, một số đối tượng là người nước ngoài đến địa bàn thu mua trái, hoa thanh long, khảo sát thị trường thanh long bất thường đã bị cơ quan chức năng phát hiện, lập biên bản và buộc rời khỏi địa bàn; tại Bình Thuận trong 6 tháng đầu năm 2016, Đoàn kiểm tra liên ngành đã phát hiện hiện tượng thương lái Trung Quốc hoạt động thương mại trái phép trên địa bàn và đã tiến hành xử lý đối với các tổ chức cá nhân vi phạm theo quy định: Phạt 235 triệu đồng/11 đối tượng người nước ngoài với hành vi nhập cảnh hành nghề trái phép tại Việt Nam; xử phạt 50 triệu đồng đối với 02 đối tượng người nước ngoài có hành vi kinh doanh trái phép trên lãnh thổ Việt Nam, đồng thời tịch thu 12 tấn thanh long đã được đóng gói; rút ngắn thời gian lưu trú tại Việt Nam đối với các đối tượng bị xử phạt hành chính lần đầu và áp dụng tình tiết tăng nặng và kiến nghị Cục Quản lý xuất nhập cảnh áp dụng biện pháp cấm nhập cảnh có thời hạn đối với các đối tượng tái phạm.

Về phía Bộ Công Thương, thực hiện Quyết định số 3597/QĐ-BCT ngày 05 tháng 9 năm 2016, Bộ Công Thương thành lập đoàn công tác triển khai việc khảo sát, nghiên cứu, kiểm tra, đánh giá tình hình sản xuất, tiêu thụ thanh long tỉnh Bình Thuận, tổ chức Hội nghị "Xúc tiến tiêu thụ thanh long tại tỉnh Bình Thuận" vào ngày 23 tháng 11 năm 2016 với hơn 300 đại biểu tham dự (bao gồm các Sở, ban, ngành tại các tỉnh, thành phố, các doanh nghiệp sản xuất, doanh nghiệp phân phối trong nước và doanh nghiệp Trung Quốc) và đã có nhiều biên bản thỏa thuận hợp tác tại hội nghị nhằm tạo thuận lợi cho việc tiêu thụ nông sản nói chung và tiêu thụ thanh long nói riêng của tỉnh Bình Thuận và các tỉnh lân cận.

Các địa phương trong cả nước hiện vẫn đang tiếp tục thực hiện nghiêm túc và đầy đủ việc tuyên truyền phổ biến pháp luật theo nội dung chỉ đạo của Bộ Công Thương về công tác quản lý hoạt động mua bán hàng hóa của người nước ngoài tại Việt Nam theo các Văn bản số 4456/BCT-TTTN ngày 25/5/2012 và Văn bản số 1910/BCT-TTTN ngày 12/3/2014. Để tiếp tục tăng cường quản lý hoạt động thu mua nông sản theo đúng quy định của pháp luật, truyền thông kịp thời, chính xác về hoạt động thu mua nông sản, ngày 20 tháng 5 năm 2015, Bộ Công Thương tiếp tục ban hành Văn bản số 4929/BCT/TTTN gửi 63 Sở Công Thương các tỉnh, thành phố yêu cầu tiếp tục thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của Bộ Công Thương (Văn bản số 4456/BCT-TTTN ngày 25/5/2012 và Văn bản số 1910/BCT-TTTN ngày 12/3/2014) , chủ động định hướng truyền thông kịp thời về hoạt động thu mua nông sản và các kết quả triển khai, kiểm tra xử lý vi phạm (nếu có). Thường xuyên cùng các địa phương nắm bắt và chỉ đạo lực lượng chức năng kiểm tra, kiểm soát hoạt động của thương nhân nước ngoài.

Bộ Công Thương tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp đã thực hiện qua các năm, đồng thời tiếp tục chỉ đạo các Sở Công Thương: 

- Tiếp tục chỉ đạo Cục Quản lý thị trường có văn bản hướng dẫn và chỉ đạo các Chi cục Quản lý thị trường tại các địa phương tăng cường hoạt động kiểm tra, kiểm soát và kịp thời xử lý các hành vi vi phạm hoạt động thu mua nông sản, thủy sản của thương nhân nước ngoài tại các địa phương và báo cáo Bộ kết quả xử lý.

- Tiếp tục chỉ đạo địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật quy định về hoạt động mua bán hàng hóa của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam cho các cán bộ quản lý địa phương doanh nghiệp và hộ nông dân; kịp thời phối hợp với cơ quan báo chí để định hướng việc phản ánh đúng hiện trạng thu mua nông, thủy, hải sản trên các địa phương.

- Thành lập các Đoàn công tác phối hợp với các địa phương nắm bắt hiện tượng người nước ngoài thu mua nông sản, thủy, hải sản diễn tra trên địa bàn để tìm biện pháp xử lý kịp thời, triệt để.

- Tăng cường phối hợp với các lực lượng chức năng, trong đó có Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả Trung ương nâng cao công tác quản lý, kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm của thương nhân nước ngoài mua bán hàng hóa tại Việt Nam không tuân thủ các quy định của pháp luật.

- Triển khai chương trình xúc tiến thương mại quốc gia, mở rộng thị trường trong và ngoài nước; Xúc tiến thành lập các văn phòng đại diện, văn phòng xúc tiến thương mại ở các thị trường trọng điểm, để chủ động, kịp thời cung cấp thông tin, đề xuất những chương trình hợp tác nhằm thúc đẩy xuất khẩu nông sản, thuỷ sản.

- Nhân rộng và tiếp tục thực hiện mô hình tiêu thụ nông sản, cung ứng vật tư nông nghiệp theo Quyết định 23/QĐ-TTg ngày 06 tháng 01 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt Đề án “Phát triển thương mại nông thôn giai đoạn 2010-2015 và định hướng đến năm 2020”. Thực hiện “Dự án đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thương mại nông thôn” năm 2016 theo Quyết định số 23/QĐ-TTg, Bộ Công Thương đã tổ chức 09 lớp đào tạo tại Khánh Hòa, Tiền Giang, Cần Thơ, Lào Cai. Các lớp đào tạo đã thu hút được tổng số trên 1.000 học viên bao gồm các cán bộ quản lý chợ, các hộ kinh doanh quy mô hộ gia đình tham gia. Tiếp tục hướng dẫn các địa phương và phối hợp triển khai thực hiện các dự án của Quyết định số 23/QĐ-TTg về phát triển thương mại nông thôn giai đoạn 2016-2020, các dự án mô hình chợ thí điểm ATTP trong chương trình mục tiêu Y tế và dân số năm 2016-2017.

- Phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẩn trương triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường mới, xây dựng thương hiệu rau quả; thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng (theo Bản Ghi nhớ phối hợp công tác được ký kết giữa 2 Bộ vào ngày 3/6/2014 và Biên bản ghi nhớ được sửa đổi, bổ sung ký kết vào ngày 09/11/2016). Phối hợp triển khai Quyết định số 62/2013/QĐ-TTg ngày 25 tháng 10 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn; xử lí các vấn đề liên quan tới chống bán phá giá và các rào cản thương mại, đồng thời chú trọng hơn nữa vào thị trường tiêu thụ nông sản nội địa thông qua việc triển khai thực hiện Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam”.

- Chỉ đạo địa phương khuyến cáo người dân nên sản xuất, nuôi trồng theo quy hoạch của địa phương và của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, không chạy theo lợi ích trước mắt, tuân thủ các quy định về mua bán hàng hóa, kịp thời cung cấp thông tin, phản ánh những khó khăn, vướng mắc đến các cơ quan quản lý để kịp thời xử lý, tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ cho người dân một cách tốt nhất.

3. Cử tri các tỉnh, thành phố Hải Phòng, Sóc Trăng, Long An kiến nghị: Việc phối hợp giữa các bộ ngành trong quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm thời gian qua chưa được đồng bộ, thiếu chặt chẽ, tình trạng thực phẩm bẩn tràn lan trên thị trường từ thành thị đến nông thôn ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người dân. Đề nghị Bộ Công Thương tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm đối với tổ chức, cá nhân vi phạm. Đồng thời ban hành các chính sách cụ thể để hỗ trợ và khuyến khích doanh nghiệp, hộ gia đình sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn.

Trả lời: Tại công văn số 1166/BCT-KH ngày 15/02/2017

Thực hiện nhiệm vụ được giao tại Điều 64 Luật An toàn thực phẩm và Điều 22 Nghị định số 38/2012/NĐ-CP ngày 25 tháng 4 năm 2012 của Chính phủ quy định thi hành một số điều của Luật an toàn thực phẩm, hàng năm, Bộ Công Thương chủ trì và phối hợp tổ chức nhiều đợt thanh tra, kiểm tra, gồm:

- Tổ chức thanh tra, kiểm tra tại tuyến Trung ương (Bộ Công Thương):

+ Bộ Công Thương đã chủ trì tiến hành nhiều đợt thanh, kiểm tra bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) đối với các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trên thị trường: Thanh tra, kiểm tra định kỳ (06 - 08 Đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành Trung ương theo kế hoạch định kỳ của Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương về vệ sinh an toàn thực phẩm); thanh tra, kiểm tra đột xuất nhằm khắc phục tình trạng nhập khẩu trái phép thực phẩm, sử dụng hóa chất, phụ gia trong sản xuất kinh doanh thực phẩm vi phạm các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm.

Là thành viên Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương về vệ sinh an toàn thực phẩm, Bộ Công Thương đã tham gia tích cực xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện: Tháng hành động về ATTP; Tết Nguyên đán; Tết Trung thu và các đợt thanh kiểm tra đột xuất, hậu kiểm theo yêu cầu của Ban chỉ đạo liên ngành.

+ Công tác phối hợp thanh tra, kiểm tra bảo đảm ATTP: Hàng năm, Bộ Công Thương đã cử cán bộ tham gia các đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành trong cá dịp: Tết Nguyên đán, Tháng hành động về ATTP, Tết Trung thu, (do Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) chủ trì tại các tỉnh/thành phố  trực thuộc Trung ương theo sự phân công của Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương về vệ sinh an toàn thực phẩm tại nhiều tỉnh thành trong cả nước.

- Tổ chức thanh tra, kiểm tra tại các địa phương (Sở Công Thương):

Tùy theo đặc thù công tác quản lý ATTP tại các địa Phương, hàng năm Sở Công Thương chủ trì hoặc phối hợp với các Sở, ngành tại địa phương tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm tra do UBND tỉnh thành lập (do Sở Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì), tiến hành thanh tra, kiểm tra tại địa phương theo kế hoạch định kỳ (trong dịp Tết Nguyên đán, Tháng hành động về ATTP, Tết Trung thu, hậu kiểm) hoặc thanh tra, kiểm tra đột xuất theo yêu cầu về quản lý ATTP tại địa phương hoặc chỉ đạo của đơn vị cấp trên. Đồng thời, các Chi cục Quản lý thị trường tích cực tham gia công tác kiểm tra, kiểm soát việc thực hiện các quy định pháp luật hiện hành về bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp và hộ kinh doanh, chợ, siêu thị trên địa bàn. Chủ động phối hợp với cơ quan truyền thông (đài truyền thanh, đài truyền hình, báo địa phương) thực hiện công tác truyền thông về đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, gian lận thương mại bảo đảm an toàn thực phẩm trong các dịp lễ.

Kết quả đánh giá công tác quản lý an toàn thực phẩm hàng năm cho thấy: Các vi phạm quy định ATTP đã giảm đáng kể theo từng năm. Các đơn vị thuộc Cục Quản lý thị trường trên phạm vi toàn quốc đã tịch thu và xử phạt hàng ngàn vụ vi phạm quy định ATTP thuộc quản lý của các Bộ (như: hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng lậu, hàng trốn thuế, hàng vi phạm quy định nhãn mác, vi phạm điều kiện vận chuyển,…) với tổng số tiền hàng chục tỷ đồng/năm (Kết quả chi tiết đã được Bộ Công Thương báo cáo định kỳ và đột xuất bằng văn bản tới Chính phủ và Đoàn giám sát của Quốc hội vào tháng 12 năm 2016). Nhiệm vụ chống buôn lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, thực phẩm bẩn là lâu dài và thường xuyên. Vì vậy, để công tác quản lý bảo đảm ATTP đạt hiệu quả thì không thể thiếu vai trò, trách nhiệm quản lý nhà nước của các cấp chính quyền, trong đó đặc biệt chú trọng công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cộng động gắn liền với việc cương quyết xử lý triệt để các vụ vi phạm.     

- Hiện nay, Bộ Công Thương đang chủ động phối hợp với Đoàn giám sát của Quốc hội triển khai kế hoạch chi tiết giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011-2016” để rà soát, điều chỉnh và hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, các cơ chế, chính sách thực hiện Luật an toàn thực phầm nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm đặc biệt là việc đảm bảo phục vụ có hiệu quả nhu cầu sản xuất, kinh doanh, phát triển và hội nhập của doanh nghiệp.

4. Cử tri tỉnh Long An kiến nghị: Cử tri kiến nghị quan tâm tăng cường công tác phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại.

Trả lời: Tại công văn số 1189/BCT-KH ngày 15/02/2017

Để chỉ đạo, điều hành chung công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên cả nước, Chính phủ thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (gọi tắt là Ban chỉ đạo 389 Quốc gia) do Phó Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng Ban, Bộ Tài chính là Cơ quan thường trực với thành viên là các Bộ ngành trong đó có Bộ Công Thương. Việc phân công trách nhiệm cụ thể của các Bộ, ngành, chính quyền địa phương trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả theo Quyết định số 19/2016/QĐ-TTg ngày 6 tháng 5 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ, Theo đó:

- Tại biên giới, trên biển: Lực lượng Hải quan, Bộ đội biên phòng, Cảnh sát biển có trách nhiệm kiểm tra, ngăn chặn hàng hóa nhập lậu vào thị trường nội địa.

- Trong thị trường nội địa: Các Bộ, ngành phối hợp với chính quyền địa phương chỉ đạo các lực lượng Công an, Quản lý thị trường, Thanh tra chuyên ngành có trách nhiệm kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm đối với hành vi vi phạm về sản xuất, kinh doanh hàng hóa nhập lậu, gian lận thương mại, hàng giả và vi phạm an toàn thực phẩm trên thị trường.

- Trách nhiệm của chính quyền địa phương: Chỉ đạo các lực lượng chức năng tại địa phương thực hiện việc kiểm tra, kiểm soát các hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ trên địa bàn trong việc chấp hành pháp luật; phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả trên địa bàn; tổ chức bộ máy, trang bị phương tiện, điều kiện làm việc của Quản lý thị trường và Thanh tra chuyên ngành địa phương để thực hiện tốt nhiệm vụ phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

- Trách nhiệm của Bộ Công Thương: Phối hợp với cơ quan chức năng các cấp thực thi công tác quản lý thị trường trong thị trường nội địa, hướng dẫn nghiệp vụ, chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát thị trường, đấu tranh chống các vi phạm pháp luật trong hoạt động thương mại ở thị trường trong nước.

Công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả là nhiệm vụ cấp bách và lâu dài của nhiều Bộ, ngành, nhiều lực lượng chức năng trong đó có Bộ Công Thương. Trong thời gian qua Bộ Công thương đã nghiêm túc quán triệt, thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia trong đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm về buôn lậu, hàng giả, vi phạm an toàn thực phẩm và đã đạt được kết quả nhất định. Tuy nhiên, tình trạng buôn bán hàng nhập lậu, gian lận thương mại và hàng giả diễn biến vẫn phức tạp, công tác kiểm tra, kiểm soát của lực lượng Quản lý thị trường chưa đạt được hiệu quả như mong muốn.

Giải pháp trong thời gian tới của Bộ Công Thương:

- Tiếp tục tập trung thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

 - Nghiên cứu, đề xuất Chính phủ về mô hình tổ chức của Quản lý thị trường theo nguyên tắc tập trung, thống nhất từ Trung ương đến địa phương theo Pháp lệnh Quản lý thị trường để bảo đảm hiệu quả trong công tác chỉ đạo, điều hành.    

- Tiếp tục rà soát, kiến nghị sửa đổi bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật nhằm nâng cao hiệu quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Hiện nay, Bộ Công Thương đang hoàn thiện, trình ban hành Đề án chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tại một số địa bàn trọng điểm (Đề án 8) theo phân công của Chính phủ.

- Chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm thực hiện thường xuyên, liên tục, có trọng tâm, trọng điểm; tập trung mặt hàng thuốc lá ngoại nhập lậu, phân bón, xăng dầu, khí hóa lỏng, rượu, bia, nước giải khát, sữa chế biến và các hàng hóa thực phẩm khác là hàng giả, không rõ nguồn gốc, không đảm bảo chất lượng, gian lận thương mại, nhập lậu; kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; tổ chức kiểm tra, đánh giá việc thực hiện các chương trình, kế hoạch để rút kinh nghiệm, đề ra các giải pháp đấu tranh phù hợp với tình hình thực tiễn.

- Thực hiện tốt công tác phối hợp với các lực lượng chức năng, đặc biệt là lực lượng Công an trong việc xử lý các đường dây, ổ nhóm. Tập trung ngăn chặn tình trạng buôn bán, vận chuyển hàng nhập lậu, hàng giả như thuốc lá, mỹ phẩm, rượu, đường tại các tỉnh miền Nam và miền Trung; trong thị trường nội địa, tập trung ngăn chặn tình trạng bày bán công khai hàng nhập lậu, hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ tại các thành phố lớn như Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.

- Tiếp tục duy trì thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 14/CT-BCT và Chỉ thị số 23/CT-BCT của Bộ trưởng Bộ Công Thương để xây dựng lực lượng Quản lý thị trường trong sạch, vững mạnh, không tham nhũng, tiêu cực. Tăng cường công tác đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ kiểm tra, xử lý vi phạm cho công chức thực thi; chú trọng công tác kiểm tra nội bộ để kịp thời chấn chỉnh, xử lý nghiêm các trường hợp tiêu cực, tham nhũng vi phạm trong hoạt động công vụ.

- Đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu; nếu để xảy ra tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại kéo dài hoặc nghiêm trọng trên địa bàn thì người đứng đầu đơn vị phải chịu trách nhiệm; thực hiện việc luân chuyển công chức theo đúng quy định, đặc biệt là tại các vị trí dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng;

- Đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục chính sách pháp luật cho mọi đối tượng, biến nhận thức về chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại thành ý thức tự giác thường trực và hành động cụ thể của mỗi cấp, mỗi ngành, mỗi doanh nghiệp, mỗi người dân.

5. Cử tri tỉnh Bến Tre kiến nghị: Cử tri phản ánh tình trạng “loạn” về sử dụng đồng phục, cầu vai, huy hiệu đang khá phổ biến trong một số ngành hiện nay như các công ty bảo vệ tư nhân, thanh tra chuyên ngành, quản lý thị trường….làm nhân dân khó phân biệt, gây nhầm lẫn.

Trả lời: Tại công văn số 1184/BCT-KH ngày 15/02/2017

Hiện nay, việc sử dụng đồng phục, cầu vai, huy hiệu của từng ngành đã được quy định cụ thể tại các văn bản quy phạm pháp luật như: Trang phục bảo vệ thực hiện thống nhất theo quy định tại Thông tư 08/2016/TT-BCA ngày 16 tháng 01 năm 2016 của Bộ Công an; trang phục thanh tra thực hiện theo quy định tại Thông tư số 02/2015/TT-TTCP ngày 16 tháng 3 năm 2015 của Thanh tra Chính phủ; trang phục của lực lượng Quản lý thị trường thực hiện thống nhất theo quy định tại Thông tư số 07/2014/TT-BCT ngày 14 tháng 02 năm 2014 của Bộ Công Thương.

6. Cử tri tỉnh Bình Định kiến nghị: Cử tri kiến nghị Bộ Công Thương phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương tăng cường thực hiện các giải pháp thúc đẩy xuất khẩu các mặt hàng chủ lực; tận dụng cơ hội và phát huy lợi thế khi tham gia thị trường ASEAN và các thị trường tiềm năng khác, không để phụ thuộc quá lớn vào một thị trường.

Trả lời: Tại công văn số 1163/BCT-KH ngày 15/02/2017

Chính phủ và các Bộ, ngành, trong đó có Bộ Công Thương, luôn quan tâm đến công tác phát triển thị trường cho xuất khẩu và việc tận dụng các cơ hội từ hội nhập để thúc đẩy xuất khẩu.

Năm 2016, trong hoàn cảnh sức mua toàn cầu giảm sút và xuất khẩu của các nước trong khu vực đều đình trệ, xuất khẩu đã đạt kết quả tích cực với kim ngạch cả năm  ước đạt 175,94 tỷ USD, tăng 8,6% so với năm 2015. Hàng hóa Việt Nam đã tiếp tục khai thác các thị trường truyền thống và mở rộng tìm kiếm, phát triển thêm nhiều thị trường mới. Việt Nam đã có quan hệ thương mại với trên 200 quốc gia, trong đó có khoảng 70 thị trường mà Việt Nam có kim ngạch xuất khẩu trên 100 triệu USD.

Để phát triển thị trường xuất khẩu, Bộ Công Thương đã và đang thực hiện nhiều giải pháp trên các lĩnh vực: (i) đàm phán mở cửa thị trường; (ii) tháo gỡ rào cản kỹ thuật; (iii) xúc tiến thương mại; (iv) thông tin tuyên truyền.

1. Về đàm phán mở cửa thị trường

Để tiếp tục mở cửa thị trường cho hàng xuất khẩu, sau khi gia nhập WTO, Việt Nam đã chủ động, tích cực đàm phán một số hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và nhiều bên. Các FTA này sẽ góp phần không nhỏ cho tăng trưởng xuất khẩu của ta trong thời gian tới.

Việc tận dụng tốt các lợi thế có được từ cam kết cắt giảm thuế quan của các nước đối tác FTA đối với hàng xuất khẩu có xuất xứ Việt Nam. Xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường các nước này có tăng trưởng cao trong năm 2016. Xuất khẩu sang Trung Quốc ước đạt 21,8 tỷ USD, tăng 27,4%; sang Hàn Quốc ước đạt 11,5 tỷ USD, tăng 29%; sang Nhật Bản ước đạt 14,6 tỷ USD, tăng 3,4%; sang Ấn Độ ước đạt 2,7 tỷ USD, tăng 7,7%.

2.Về công tác tháo gỡ rào cản kỹ thuật

Trước xu hướng các thị trường nhập khẩu ngày càng tăng cường rào cản thương mại và kỹ thuật, Bộ Công Thương đã chủ trì, phối hợp với các Bộ đưa nội dung tháo gỡ rào cản thị trường và thúc đẩy tiêu thụ nông lâm thủy sản vào các phiên họp của các Ủy ban liên Chính phủ với các nước; chủ động nêu vấn đề rào cản kỹ thuật tại các diễn đàn khu vực (ASEAN, APEC) và đa phương (WTO).

Bộ đã chỉ đạo các cơ quan Thương vụ của Việt Nam kịp thời, chủ động làm việc với các cơ quan chức năng của nước sở tại để giải quyết, khắc phục, tháo gỡ các rào cản thương mại và kịp thời thông tin về chính sách, các rào cản mới của thị trường nhập khẩu tới các Hiệp hội, doanh nghiệp.

3. Về công tác xúc tiến thương mại (XTTM)

Tăng cường hiệu quả các hoạt động xúc tiến và tạo thuận lợi thương mại, tập trung khai thác các hoạt động XTTM thiết thực, mang lại hiệu quả cao như tổ chức, tham gia hội chợ triển lãm chuyên ngành tại nước ngoài, tổ chức hội nghị ngành hàng quốc tế, mời các nhà nhập khẩu đến Việt Nam mua hàng, trong đó, tập trung nguồn lực hỗ trợ các ngành hàng xuất khẩu truyền thống của Việt Nam như thủy sản, nông sản thực phẩm, dệt may, da giày, phầm mềm, sản phẩm công nghiệp phụ trợ....

Riêng đối với nhóm ngành nông, lâm, thủy sản, Chương trình ưu tiên phê duyệt phê duyệt 29 đề án với tổng kinh phí là 34,3 tỷ đồng, chiếm hơn 38% tổng kinh phí Chương trình bao gồm các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển thị trường xuất khẩu, đặc biệt chú ý tới các thị trường Việt Nam đã hoặc chuẩn bị ký kết các hiệp định tự do thương mại, nơi hàng nông sản thực phẩm Việt Nam sẽ có cơ hội xuất khẩu lớn trong tương lai.

4. Về công tác thông tin, tuyên truyền

Bộ Công Thương đã tổ chức nhiều Hội thảo cung cấp thông tin về thị trường ASEAN và các thị trường tiềm năng khác, về các FTA đã ký kết tại nhiều địa phương, qua đó giúp các doanh nghiệp hiểu hơn về các cơ hội có thể tận dụng để đẩy mạnh xuất khẩu.

Bộ cũng đã và sẽ tổ chức tốt hoạt động cung cấp thông tin thị trường lên Cổng thông tin điện tử của Bộ; viết bài tuyên truyền về các FTA; đẩy mạnh các hoạt động giới thiệu về thị trường ngoài tới cộng đồng doanh nghiệp, trong đó tập trung vào các thị trường mà Việt Nam đã ký FTA và các thị trường có tiềm năng khác như các nước Đông Âu, Trung Đông, Nam Mỹ.

7. Cử tri thành phố Hải Phòng kiến nghị: Đề nghị Bộ Công Thương tham mưu Chính phủ xây dựng đề án hỗ trợ đào tạo về quản trị kinh doanh, xây dựng và phát triển thương hiệu cho các làng nghề. Đồng thời kiến nghị Chính phủ ban hành các chính sách hỗ trợ nguồn vốn, nhân lực cho các làng nghề xây dựng quản lý và phát triển các trang thông tin điện tử để quảng bá thương hiệu làng nghề.

Trả lời: Tại công văn số 1305/BCT-KH ngày 17/02/2017

Theo quy định tại Nghị định số 66/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 7 năm 2006 về phát triển ngành nghề nông thôn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì triển khai thực hiện nội dung về quản lý, hỗ trợ phát triển làng nghề. Tuy nhiên, việc xây dựng và phát triển thương hiệu cho các làng nghề cũng là nội dung đang được Bộ Công Thương quan tâm hỗ trợ. Thời gian qua, Bộ Công Thương đã ký biên bản ghi nhớ về hoạt động hỗ trợ xây dựng và phát triển thương hiệu của Hiệp hội thủ công mỹ nghệ (Vietcraft) với vai trò thương hiệu ngành; phối hợp với các địa phương và hiệp hội ngành hàng tổ chức tư vấn cho các làng nghề về xây dựng và phát triển thương hiệu, tuy nhiên vẫn chưa bao quát, hỗ trợ được hết các làng nghề. Bên cạnh đó, hàng năm Bộ Công Thương luôn ưu tiên kinh phí khuyến công quốc gia hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn trong các làng nghề phát triển sản xuất kinh doanh, xúc tiến mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm theo quy định tại Nghị định số 45/2012/NĐ-CP ngày 21 tháng 5 năm 2012 của Chính phủ về khuyến công. 

Ngoài ra, Bộ Công Thương sẽ nghiên cứu, đề xuất đưa vấn đề đào tạo, phát triển thương hiệu và phát triển website, thương mại điện tử vào Chương trình Xúc tiến thương mại quốc gia. Tuy nhiên, do Chương trình Xúc tiến thương mại quốc gia được thực hiện dựa trên đề xuất đề án của các đơn vị chủ trì, do đó Bộ Công Thương đề nghị các làng nghề đăng ký đề án với Trung tâm Xúc tiến thương mại của tỉnh và thông qua tỉnh báo cáo Bộ Công Thương để Bộ có thể triển khai các đề án hỗ trợ  xây dựng và phát triển thương hiệu, quảng bá thương hiệu của các làng nghề.

8. Cử tri tỉnh Phú Yên kiến nghị: Về chính sách xuất nhập khẩu, cử tri kiến nghị xem xét có chính sách hợp lý vừa đảm bảo kinh tế đối ngoại đạt mục tiêu, hiệu quả nhưng đồng thời hỗ trợ khuyến khích sản xuất trong nước phát triển.

Trả lời: Tại công văn số 1191/BCT-KH ngày 15/02/2017

Thời gian qua, nỗ lực của Chính phủ, các Bộ, ngành trong việc đẩy mạnh đàm phán mở cửa thị trường có ý nghĩa quan trọng đối với tăng trưởng xuất khẩu. Các hiệp định thương mại tự do (FTA) góp phần tạo ra lực đẩy cùng chiều với nỗ lực cải cách trong nước như: cơ cấu lại nền kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh,… Các FTA được kỳ vọng sẽ đem lại nhiều cơ hội cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, tạo tiền đề cho phát triển sản xuất trong nước và tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Thông qua lộ trình cắt giảm và xóa bỏ hàng rào thuế quan và phi thuế quan theo cam kết tại các Hiệp định này, hàng hóa Việt Nam có thể dễ dàng tiếp cận các thị trường các quốc gia đối tác trong FTA.

Việc tham gia các FTA giúp Việt Nam cơ cấu lại mặt hàng, thị trường xuất khẩu, tránh phụ thuộc quá mức vào một thị trường.      Bên cạnh đó, việc ký kết và thực hiện các FTA này cũng sẽ giúp thúc đẩy đầu tư vào Việt Nam.

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là làm sao để các doanh nghiệp xuất khẩu tận dụng được tối đa các lợi ích mà các FTA này mang lại để đẩy mạnh xuất khẩu, mở rộng thị trường. Do vậy, chính sách phát triển thị trường được thực hiện song song với chính sách phát triển sản xuất, tạo nguồn hàng cho xuất khẩu, đảm bảo đáp ứng yêu cầu về chất lượng, xuất xứ để được hưởng ưu đãi tại các thị trường nhập khẩu.

Đối với một số mặt hàng sản xuất trong nước, việc tham gia các FTA khiến các doanh nghiệp phải đối mặt với sức ép cạnh tranh từ hàng hóa nhập khẩu, đòi hỏi doanh nghiệp phải đẩy mạnh việc tái cơ cấu, nâng cao chất lượng sản phẩm, hàm lượng công nghệ, giá trị gia tăng trong sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh cho sản phẩm cũng như năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.

Để góp phần hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp trong nước, thời gian qua, Bộ Công Thương và các Bộ ngành đã và đang tích cực triển khai nhiều biện pháp phù hợp nhằm khuyến khích mặt hàng trong nước đã sản xuất được để kích thích sản xuất và tiêu dùng sản phẩm nội địa. Tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, mở rộng phát triển hệ thống phân phối các sản phẩm nội địa; Thực hiện cải cách thủ tục hành chính, góp phần cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp với mục tiêu tái cơ cấu, nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển sản xuất, tiêu dùng, xuất khẩu theo hướng bền vững. Đồng thời, khuyến khích các doanh nghiệp cải tiến công nghệ kỹ thuật, nâng cao chất lượng, hạ giá thành, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm, xây dựng được thương hiệu quốc gia cho nhiều sản phẩm hàng hóa Việt Nam trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

9. Cử tri các tỉnh Lâm Đồng, Vĩnh Phúc, Nghệ An kiến nghị: Trong thời gian qua, nhiều doanh nghiệp kinh doanh hàng đa cấp lừa đảo gây hậu quả nghiêm trọng. Một số vụ việc diễn ra trong thời gian dài, phạm vi rộng ở nhiều địa phương, gây thiệt hại lớn cho nhiều người dân nhưng chậm được phát hiện, ngăn chặn và xử lý. Đề nghị Bộ Công thương và chính quyền các cấp siết chặt việc cấp phép kinh doanh và giám sát chặt chẽ việc bán hàng đa cấp, xử lý nghiêm các vi phạm theo Nghị định về bổ sung và nâng cao chế tài xử lý đối với các hành vi vi phạm trong hoạt động bán hàng đa cấp có hiệu lực từ ngày 05/01/2016.

Trả lời: Tại công văn số 1196/BCT-KH ngày 15/02/2017

Từ nửa sau năm 2015, hoạt động bán hàng đa cấp đã có những biểu hiện, diễn biến phức tạp, gây khó khăn cho công tác quản lý nhà nước, gây hoang mang trong dư luận xã hội và gây thiệt hại về tài sản cho người dân. Bức xúc đã lên đến đỉnh điểm với sự kiện các lãnh đạo Công ty Liên Kết Việt bị khởi tố, truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trước tình hình đó, dưới sự chỉ đạo quyết liệt, thường xuyên của Lãnh đạo Bộ, trong năm 2016, Bộ Công Thương đã triển khai nhiều giải pháp nhằm giám sát chặt chẽ, xử lý nghiêm các vi phạm trong hoạt động bán hàng đa cấp.

- Về công tác chỉ đạo điều hành:

Đầu năm 2016, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ban hành Chỉ thị số 02/CT-BCT ngày 09 tháng 3 năm 2016 về tăng cường kiểm tra, giám sát xử lý vi phạm trong hoạt động bán hàng đa cấp, trong đó yêu cầu sự vào cuộc đồng bộ của các cơ quan, đơn vị liên quan của Bộ, các Sở Công Thương cũng như lực lượng quản lý thị trường. Tháng 11 năm 2016, Bộ Công Thương tiếp tục trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Chỉ thị số 30/CT-TTg về tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước đối với hoạt động bán hàng đa cấp nhằm huy động sự vào cuộc của các Bộ, ngành và cơ quan liên quan.

Trong năm 2016, Bộ Công Thương liên tục ban hành nhiều văn bản đề nghị các Sở Công Thương triển khai các hoạt động kiểm tra, xử lý vi phạm trên địa bàn, xác minh thông tin về dấu hiệu vi phạm do báo chí phản ánh để xử lý kịp thời.

- Về công tác kiểm tra, xử lý vi phạm: Tháng 3 năm 2016, Bộ Công Thương đã thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành trực tiếp tiến hành kiểm tra hoạt động của 7 doanh nghiệp bán hàng đa cấp với sự tham gia của nhiều cơ quan liên quan như C46 Bộ Công an, các cơ quan đơn vị thuộc Bộ Công Thương...

Bộ Công Thương cũng tiếp nhận từ các Sở Công Thương và lực lượng quản lý thị trường các hồ sơ, tài liệu liên quan đến dấu hiệu vi phạm trong hoạt động bán hàng đa cấp để xử lý theo thẩm quyền.

- Việc phối hợp với các cơ quan công an trong đấu tranh phòng chống tội phạm: Bộ Công Thương thường xuyên phối hợp với các cơ quan công an các cấp trong việc trao đổi thông tin, cung cấp tài liệu, chuyển hồ sơ về dấu hiệu vi phạm để xử lý theo thẩm quyền.

- Về công tác tập huấn chuyên môn và tuyên truyền: Bộ Công Thương đã phối hợp với các Sở Công Thương Kiên Giang, Kon Tum, Đà Nẵng, Nghệ An, Hải Dương, Hưng Yên, Thái Nguyên, Nam Định... tổ chức các hội nghị tập huấn chuyên môn về công tác quản lý hoạt động bán hàng đa cấp; tuyên truyền phổ biến kiến thức nhằm nâng cao nhận thức của người dân.

- Công tác xây dựng chính sách, pháp luật: Trên cơ sở đề xuất của các Sở Công Thương, Bộ Công Thương đã tổng hợp và báo cáo Chính phủ để triển khai sửa đổi, bổ sung Nghị định số 42/2014/NĐ-CP về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp nhằm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, nâng cao hiệu quả quản lý. Hiện nay Dự thảo chuẩn bị được trình Chính phủ xem xét.

Với sự vào cuộc tích cực và phối hợp thường xuyên, liên tục giữa các cơ quan, đơn vị liên quan, công tác quản lý đối với hoạt động bán hàng đa cấp đã đạt được những kết quả tích cực:

- Từ tháng 6/2015 đến tháng 11 năm 2016, Bộ Công Thương đã kiểm tra, khởi xướng điều tra 65 vụ việc đối với các Công ty bán hàng đa cấp, xử phạt 64 trường hợp với tổng tiền phạt là 11 tỷ 014 triệu đồng;

- Từ đầu năm 2016, 38/57 Sở Công Thương đã tổ chức Đoàn kiểm tra liên ngành để tiến hành kiểm tra các doanh nghiệp bán hàng đa cấp hoạt động trên địa bàn. Đã có 37 Sở Công Thương ra quyết định xử phạt 21 doanh nghiệp đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp với 65 trường hợp vi phạm với số tiền phạt là 3.936.105.000 đồng; phát hiện và xử lý 18 doanh nghiệp bán hàng đa cấp nhưng không có giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp theo quy định.

- Từ đầu năm 2015 đến tháng 9/2016, lực lượng Quản lý thị trường đã kiểm tra, xử lý 353 vụ việc liên quan đến kinh doanh đa cấp với tổng số tiền phạt là 4.942.060.000 đồng.

Từ tháng 03 năm 2016 đến nay, Bộ Công Thương không cấp thêm giấy chứng nhận mới cho doanh nghiệp bán hàng đa cấp nào, thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp đối với 15 doanh nghiệp, chấm dứt hoặc tạm ngừng hoạt động đối với 11 doanh nghiệp

Tính đến nay, số lượng doanh nghiệp chính thức đăng ký hoạt động chỉ còn khoảng 40 doanh nghiệp, trong đó có nhiều doanh nghiệp hoạt động cầm chừng hoặc không hoạt động; số lượng người tham gia bán hàng đa cấp đã giảm mạnh (giảm khoảng 60%), hoạt động bán hàng đa cấp của các doanh nghiệp có đăng ký hoạt động cơ bản đã được kiểm soát tốt.

Năm 2017, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp nêu trên nhằm tăng cường hơn nữa hiệu quả quản lý hoạt động bán hàng đa cấp.

10. Cử tri tỉnh Bình Dương kiến nghị: Hiện nay, sức cạnh tranh của doanh nghiệp bán lẻ trong nước đang kém hơn các doanh nghiệp bán lẻ trong khu vực và trên thế giới, khiến cho hàng hóa của nước ta gặp khó khăn trong khâu tiêu thụ, quảng bá sản phẩm đến người tiêu dùng trong ngoài nước. Cử tri đề nghị cần có những chính sách, định hướng quy hoạch để phát triển doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam đủ sức cạnh tranh với các doanh nghiệp trong khu vực, cũng như trên thế giới, giúp tăng thu nhập cho người dân, phát triển doanh nghiệp và nền kinh tế đất nước.

Trả lời: Tại công văn số 1195/BCT-KH ngày 15/02/2017

Trong thời gian qua, Chính phủ và các Bộ ngành, trong đó có Bộ Công Thương đã tiến hành xây dựng, tổ chức triển khai nhiều chính sách, giải pháp nhằm nâng cao sức cạnh tranh của các doanh nghiệp phân phối bán lẻ trong nước để cạnh tranh thành công trong quá trình hội nhập. Trong thời gian tới, các giải pháp trọng tâm để thúc đẩy phát triển và nâng cao sức cạnh tranh cho doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam tập trung vào những nhóm cơ bản như sau:

- Tiến hành rà soát, hoàn thiện các quy định pháp luật có liên quan đến hoạt động phân phối nhằm bảo vệ tối đa quyền và lợi ích mà Việt Nam đã đạt được trong cam kết quốc tế. Tiếp tục thực hiện cam kết gia nhập WTO và quy định pháp luật của Việt Nam về kiểm tra nhu cầu kinh tế (ENT) trong quá trình xem xét, chấp thuận cấp phép lập cơ sở bán lẻ ngoài sở bán lẻ thứ nhất của doanh nghiệp FDI.

- Trong việc xây dựng Nghị định thay thế Nghị định số 23/2007/NĐ-CP ngày 12 tháng 02 năm 2007 của Chính phủ quy định chi tiết Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam: nghiên cứu bổ sung các quy định nhằm quản lý chặt chẽ, hiệu quả hơn nữa lĩnh vực phân phối, tạo dư địa cho doanh nghiệp phân phối trong nước có điều kiện phát triển.

- Quán triệt các địa phương thống nhất về chủ trương hỗ trợ phát triển doanh nghiệp và mạng lưới phân phối trong nước thông qua việc ưu tiên bố trí quỹ đất, mặt bằng dành cho hoạt động phân phối; Đưa các dự án đầu tư hạ tầng thương mại của doanh nghiệp vốn trong nước vào đối tượng được hưởng các chính sách ưu đãi (Nghị định số 75/2011/NĐ-CP ngày 30 tháng 8 năm 2011 và Nghị định số 54/2013/NĐ-CP ngày 22 tháng 5 năm 2013 về tín dụng đầu tư và tín dụng xuất khẩu; Nghị định số 69/2008/NĐ-CP ngày 30 tháng 5 năm 2008 về chính sách khuyến khích xã hội hóa).

- Chú trọng đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực làm việc trong lĩnh vực phân phối thông qua chương trình xúc tiến thương mại quốc gia và các chương trình đào tạo đã thỏa thuận với phía Nhật Bản, Hàn Quốc và các đối tác khác, đồng thời mở rộng diện hỗ trợ cho hoạt động này; tiếp tục triển khai chương trình đã đề ra trong Quyết định số 23/QĐ-TTg ngày 06/01/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Phát triển thương mại nông thôn giai đoạn 2010 - 2015 và định hướng đến năm 2020” về hỗ trợ đào tạo, phát triển nguồn nhân lực cho thương mại trong nước.

- Tiếp tục thực hiện và nghiên cứu bổ sung giải pháp để hỗ trợ các doanh nghiệp phân phối trong nước về xúc tiến thương mại (xúc tiến phát triển thị trường trong nước), ứng dụng công nghệ thông tin, tư vấn pháp lý, áp dụng công nghệ và kỹ năng quản lý từ các tập đoàn bán lẻ uy tín.

- Có chính sách khuyến khích doanh nghiệp bán buôn, bán lẻ liên kết với nhà sản xuất trong việc tạo nguồn hàng sản xuất trong nước để cung ứng cho các cơ sở bán lẻ nhằm giảm sự phụ thuộc vào hàng cùng loại nhập khẩu.

- Đối với cơ sở bán lẻ của hộ kinh doanh ở các khu dân cư, đường phố cũ, khuyến khích các doanh nghiệp bán lẻ trong nước có thương hiệu đủ mạnh đứng ra tập hợp, liên kết các cửa hàng thực phẩm và tạp hóa hiện hữu, hỗ trợ họ nâng cấp trang bị, thay đổi phương thức quản lý, cung cách phục vụ để hướng các cửa hàng này chuyển thành cửa hàng tiện lợi theo mô hình chuỗi thông qua phương thức nhượng quyền thương mại.

- Triển khai 03 nhóm chương trình hành động đã đề ra tại Quyết định số 634/QGG-TTg ngày 29/4/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2014 – 2020.

11. Cử tri thành phố Hà Nội kiến nghị: Cử tri phản ánh thuốc lá rất có hại cho sức khỏe đối với người hút và cộng đồng, tuy nhiên việc nhập khẩu, sản xuất, mua bán và sử dụng thuốc lá trong nước không giảm. Đề nghị ban hành quy định theo hướng hạn chế tối đa việc nhập khẩu và sản xuất thuốc lá.

Trả lời: Tại công văn số 1324/BCT-KH ngày 20/02/2017

Ngoài các chính sách theo quy định của Nhà nước về việc hạn chế, sản xuất và tiêu dùng thuốc lá, để nhận biết một số tác hại của thuốc lá, Quốc hội khóa XIII đã ban hành Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá, trong đó xác định ngành thuốc lá là ngành sản xuất và kinh doanh có điều kiện cần được kiểm soát chặt chẽ, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước, hạn chế nhập khẩu và nhập lậu thuốc lá, đồng thời đặt mục tiêu giảm nguồn cung bằng nhiều hình thức như tuyên truyền, in hình cảnh báo tác hại của thuốc lá,…

Về việc nhập khẩu thuốc lá: Theo cam kết của Việt Nam tại WTO, nhập khẩu sản phẩm thuốc lá thực hiện theo cơ chế chỉ định doanh nghiệp thương mại nhà nước.

Để hạn chế việc nhập khẩu, theo Điều 30, Nghị định số 67/2013/NĐ-CP ngày 27 tháng 6 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá về kinh doanh thuốc lá quy định: “Bộ Công Thương chỉ định doanh nghiệp thực hiện thương mại Nhà nước nhập khẩu đối với sản phẩm thuốc lá và Bộ Công Thương hướng dẫn cụ thể cơ chế quản lý thương mại nhà nước đối với sản phẩm thuốc lá nhập khẩu”. Tại Điều 6 Thông tư số 37/2013/TT-BCT ngày 30 tháng 12 năm 2013 của Bộ Công Thương quy định nhập khẩu thuốc lá điếu, xì gà: Bộ Công Thương chỉ định Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam (VINATABA) là thương nhân nhập khẩu thuốc lá điếu, xì gà theo cơ chế thương mại nhà nước. Thuế nhập khẩu sản phẩm thuốc lá cũng được duy trì ở mức cao: Thuế nhập khẩu của sản phẩm thuốc lá 100-135%, thuế tiêu thụ đặc biệt 70% đến hết năm 2018, sau năm 2018 là 75%. Thuế VAT: 10%

Ngoài ra, để thực hiện Luật Phòng chống tác hại thuốc lá, việc nhập khẩu máy móc, nguyên liệu để sản xuất thuốc lá cũng chỉ có doanh nghiệp có Giấy phép sản xuất thuốc lá được nhập khẩu và việc nhập khẩu phải có sự quản lý của Bộ Công Thương theo định mức sản xuất của doanh nghiệp.

Các nhà sản xuất thuốc lá trong nước cũng ý thức được trách nhiệm với cộng đồng và thực hiện các công việc nhằm giảm tác hại do thuốc lá mang lại như:

- Các công ty sản xuất thuốc lá điếu hàng năm nộp từ 1% và tương lai lên đến 2% vào Quỹ phòng chống tác hại thuốc lá và quỹ này sẽ chi cho các hoạt động truyền thông về tác hại thuốc lá, trong đó có ảnh hưởng, tác hại của thuốc lá giả, thuốc lá lậu đối với người hút và xã hội, các hoạt động hỗ trợ cai nghiện thuốc lá,…

- Các nhà sản xuất thuốc lá nộp kinh phí cho công tác chống buôn lậu để loại bỏ dần tình trạng buôn lậu thuốc lá, tránh các tác hại của thuốc lá giả, thuốc lá lậu đối với người hút và người xung quanh, cũng như ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách của nhà nước;

- Các đơn vị tham gia vào các hoạt động xã hội như chương trình 30a về xóa đói giảm nghèo: Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam hàng năm đều đóng góp kinh phí để xây dựng và phát triển các hộ nghèo tại huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận; Tổng công ty Khánh Việt đóng góp kinh phí, tham gia các hoạt động để xây dựng bảo vệ môi trường tại tỉnh Khánh Hòa;…

- Ngoài ra các đơn vị sản xuất thuốc lá liên tục tiến hành nghiên cứu, cải tiến công nghệ, máy móc thiết bị để đưa ra các sản phẩm tốt hơn về chất lượng, đưa tỷ lệ Tar và Nicotin trong điếu thuốc về theo tiêu chuẩn nhằm giảm tác hại của thuốc lá đối với người trực tiếp hút và người xung quanh.

12. Cử tri tỉnh Vĩnh Phúc kiến nghị: Đề nghị nhà nước có chính sách trợ giá, ưu đãi hơn nữa đối với các mặt hàng được sản xuất trong nước, để cho bà con được tiếp cận với hàng Việt Nam chất lượng cao.

Trả lời: Tại công văn số 1165/BCT-KH ngày 15/02/2017

Hiện nay, thực hiện các cam kết quốc tế, theo cơ chế thị trường và quá trình cổ phần hóa đang diễn ra mạnh mẽ, các doanh nghiệp sản xuất hàng hóa trong nước phần lớn tự chủ về hiệu quả kinh doanh và nộp thuế theo quy định nên ngân sách nhà nước sẽ không hỗ trợ trực tiếp để giảm giá hàng hóa. Tuy nhiên, để tạo điều kiện cho hàng hóa Việt Nam cạnh tranh được với hàng nhập khẩu, trên cơ sở cân đối cung cầu và đánh giá năng lực sản xuất trong nước đáp ứng đủ cho tiêu dùng, nhà nước sẽ có các chính sách nhằm hạn chế nhập khẩu thông qua các hàng rào kỹ thuật hoặc thuế nhập khẩu. Bên cạnh đó, nhà nước có các chính sách cho vay vốn ưu đãi để đầu tư sản xuất kinh doanh theo từng chương trình cụ thể hoặc ưu đãi thuế...

Để vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, bên cạnh việc đẩy mạnh triển khai thực hiện Thông báo Kết luận số 264-TB/TƯ, ngày 31 tháng 7 năm 2009 của Bộ Chính trị về tổ chức cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 17 tháng 9 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, từ năm 2014 đến nay, Bộ Công Thương đang tập trung Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2014 – 2020, đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 634/QĐ-TTg ngày 29 tháng 4 năm 2014, trong đó, nhóm các giải pháp, chương trình hành động chủ yếu sẽ được tập trung triển khai thực hiện bao gồm:

- Nhóm chương trình hỗ trợ nhằm thay đổi tích cực về nhận thức và hành vi của cộng đồng, bao gồm các chương trình:

+ Chương trình hỗ trợ xây dựng chuyên mục “Tự hào hàng Việt Nam” trên các kênh truyền thông như báo nói, báo hình, báo in, báo điện tử, nhằm nâng cao nhận thức và hành vi của cộng đồng thông qua các phương tiện thông tin đại chúng về chất lượng của hàng Việt Nam cũng như khả năng của doanh nghiệp Việt, từ đó thay đổi thói quen tiêu dùng và lựa chọn hàng hóa.

+ Chương trình hỗ trợ hoạt động thông tin, tuyên truyền “Tự hào hàng Việt Nam” đối với cộng đồng, đoàn thể (thanh thiếu niên, phụ nữ…) nhằm nâng cao nhận thức của các đoàn thể, tổ chức về mục tiêu, ý nghĩa Cuộc vận động cũng như về lợi ích của việc sử dụng hàng Việt Nam, từ đó thay đổi thói quen tiêu dùng và lựa chọn hàng hóa.

+ Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam quảng bá và mở rộng kênh phân phối hàng hóa trên môi trường trực tuyến nhằm xây dựng được 1 cổng thông tin chính thức của Bộ Công Thương giới thiệu, tuyên truyền, quảng bá hàng Việt Nam trên môi trường trực tuyến và xây dựng được 1 hệ thống phân phối hàng Việt Nam trên môi trường trực tuyến kết hợp với thanh toán điện tử, giao vận hiện đại.

+ Chương trình xác nhận và công bố, quảng bá các máy móc, thiết bị, vật tư, nguyên liệu trong nước đã sản xuất được nhằm tăng cường việc sử dụng máy móc, thiết bị, vật tư, nguyên liệu trong nước đã sản xuất được.

+ Chương trình nhận diện hàng Việt Nam thường niên trên quy mô toàn quốc với tên “Tự hào hàng Việt Nam” nhằm hỗ trợ người tiêu dùng phân biệt hàng giả/hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, giúp dễ dàng nhận diện hàng Việt Nam.

+ Chương trình vinh danh và trao giải thưởng cho các doanh nhân, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện Cuộc vận động nhằm phát hiện, tôn vinh và động viên kịp thời các doanh nhân và doanh nghiệp có hàng hóa thương hiệu Việt Nam đã tích cực hưởng ứng Cuộc vận động, đồng thời góp phần xúc tiến thương mại, thu hút du lịch và đầu tư, động viên cộng đồng người Việt Nam.

 - Nhóm chương trình hỗ trợ phát triển hệ thống phân phối hàng Việt Nam cố định và bền vững, bao gồm các chương trình:

+ Chương trình hỗ trợ xây dựng cơ sở dữ liệu và cập nhật mạng lưới phân phối hàng Việt Nam trên cả nước nhằm cung cấp thông tin về mạng lưới phân phối hàng Việt Nam trên cả nước, đặc biệt là vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, để người tiêu dùng trên cả nước tiếp cận dễ dàng hơn với hàng Việt Nam chất lượng cao, giá cả hợp lý.

+ Chương trình xây dựng mô hình thí điểm về Điểm bán hàng Việt Nam với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam” nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, tiểu thương xây dựng mới điểm bán hàng Việt Nam uy tín (ưu tiên triển khai tại chợ) và tại các huyện vùng sâu, vùng xa, khu vực liên xã, biên giới.

+ Chương trình nghiên cứu giải pháp xây dựng Kho phân phối hàng Việt Nam tại địa bàn nông thôn ở phía Bắc, Trung và Nam nhằm xây dựng mô hình thí điểm Kho phân phối hàng Việt Nam, hỗ trợ phát triển hệ thống phân phối chuyên nghiệp mang tính hiện đại, tập trung, tăng hiệu quả của chuỗi cung ứng hàng hóa, tạo điều kiện phát triển dịch vụ logistics cho chuỗi cung ứng hàng hóa.

+ Chương trình tăng cường hoạt động liên kết trong chuỗi cung ứng hàng Việt Nam bền vững nhằm kết nối các doanh nghiệp sản xuất, tiêu thụ nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; củng cố, tăng cường trao đổi, cung cấp thông tin trong chuỗi cung ứng.

- Nhóm chương trình hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt Nam và hàng Việt Nam bao gồm các chương trình:

+ Chương trình hỗ trợ đào tạo, tư vấn kỹ năng cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất, kinh doanh... nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất, kinh doanh về phân phối hàng hóa, xây dựng thương hiệu, kết nối cung cầu… 

+ Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp Việt ứng dụng các phần mềm tiện ích, nghiệp vụ trong thương mại điện tử, nâng cao năng lực trong hoạt động sản xuất, kinh doanh nhằm giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực trong hoạt động sản xuất, kinh doanh thông qua việc ứng dụng các phần mềm tiện ích, nghiệp vụ trong thương mại điện tử.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng đang nghiên cứu, bổ sung các cơ chế, chính sách, giải pháp, chương trình dự án hỗ trợ phát triển hạ tầng thương mại phân phối hàng Việt Nam trong dự thảo Chiến lược phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến 2025, tầm nhìn đến năm 2035 và trình Chính phủ trong năm 2017.

13. Cử tri tỉnh Tây Ninh kiến nghị: Hiện nay thanh tra Sở chỉ có 02 biên chế trong khi các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Sở là tương đối rộng nên đôi khi không đáp ứng đủ khả năng chuyên môn để phát huy hiệu quả của công tác thanh, kiểm tra. Kiến nghị bổ sung thêm biên chế cho Thanh tra Sở; tăng cường tổ chức các khóa bồi dưỡng, tập huấn nhằm trang bị và nâng cao kiến thức cho cán bộ, công chức trực tiếp thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra; phổ biến và cập nhật kịp thời thông tin trong một số lĩnh vực như sở hữu trí tuệ, bán hàng đa cấp và an toàn vệ sinh thực phẩm.

Trả lời: Tại công văn số 1172/BCT-KH ngày 15/02/2017

Hiện nay tổ chức và hoạt động của Thanh tra Sở Công Thương được quy định cụ thể tại Luật Thanh tra năm 2010, Nghị định số 86/2011/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số Điều của Luật Thanh tra, Nghị định số 127/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định về tổ chức và hoạt động thanh tra ngành Công Thương.

Sở Công Thương là cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Điều 9 Luật Tổ chức chính quyền địa phương quy định Cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân chịu sự chỉ đạo, quản lý về tổ chức, biên chế và công tác của Ủy ban nhân dân cùng cấp. Vì vậy, thẩm quyền xem xét bổ sung biên chế cho Thanh tra Sở Công Thương thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và Giám đốc Sở Công Thương.

14. Cử tri tỉnh Tây Ninh kiến nghị: Hiện nay các đối tượng vi phạm hoạt động trong lĩnh vực công thương rất tinh vi khó phát hiện để kiểm tra, xử lý. Ngoài ra trong quá trình phối hợp triển khai thực hiện trong nội bộ đơn vị ngành công thương hoặc địa phương nhưng không thuộc về cơ chế chính sách như: phối hợp kiểm dịch hàng hóa, nông sản qua lại biên giới, quản lý đầu tư dự án vào khu, cụm công nghiệp...

Trả lời: Tại công văn số 1172/BCT-KH ngày 15/02/2017

Để chỉ đạo, điều hành chung công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên cả nước, Chính phủ thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả do Phó Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng Ban, Bộ Tài chính là Cơ quan thường trực với thành viên là các Bộ ngành trong đó có Bộ Công Thương. Việc phân công trách nhiệm cụ thể của các Bộ, ngành, chính quyền địa phương trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả theo Quyết định số 19/2016/QĐ-TTg ngày 6 tháng 5 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ, Theo đó:

- Tại biên giới, trên biển: Lực lượng Hải quan, Bộ đội biên phòng, Cảnh sát biển có trách nhiệm kiểm tra, ngăn chặn hàng hóa nhập lậu vào thị trường nội địa.

- Trong thị trường nội địa: Các Bộ, ngành phối hợp với chính quyền địa phương chỉ đạo các lực lượng Công an, Quản lý thị trường, Thanh tra chuyên ngành có trách nhiệm kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm đối với hành vi vi phạm về sản xuất, kinh doanh hàng hóa nhập lậu, gian lận thương mại, hàng giả và vi phạm an toàn thực phẩm trên thị trường.

- Trách nhiệm của chính quyền địa phương: Chỉ đạo các lực lượng chức năng tại địa phương thực hiện việc kiểm tra, kiểm soát các hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ trên địa bàn trong việc chấp hành pháp luật; phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả trên địa bàn; tổ chức bộ máy, trang bị phương tiện, điều kiện làm việc của Quản lý thị trường và Thanh tra chuyên ngành địa phương để thực hiện tốt nhiệm vụ phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

- Trách nhiệm của Bộ Công Thương: Phối hợp với cơ quan chức năng các cấp thực thi công tác quản lý thị trường trong thị trường nội địa, hướng dẫn nghiệp vụ, chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát thị trường, đấu tranh chống các vi phạm pháp luật trong hoạt động thương mại ở thị trường trong nước.

Trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng của các Bộ, ngành, địa phương để nâng cao hiệu quả của công tác này.

15. Cử tri tỉnh An Giang kiến nghị: Các doanh nghiệp cạnh tranh với nhau trên thị trường thế giới, nhưng bị thiệt nhất là người nông dân. Đề nghị kịp thời can thiệp, điều chỉnh hoạt động các doanh nghiệp hạn chế cạnh tranh không lành mạnh nhằm bảo vệ lợi ích cho nông dân.

Trả lời: Tại công văn số 1164/BCT-KH ngày 15/02/2017

Tranh mua, tranh bán giữa các doanh nghiệp xuất khẩu gây thiệt hại đến lợi ích quốc gia và quyền lợi của người nông dân là một thực tế trong những năm vừa qua. Tình trạng này bắt nguồn từ tính chất của cơ chế thị trường sơ khai cũng như từ ý thức đoàn kết còn yếu giữa các doanh nghiệp.

Để giải quyết tình trạng này, thời gian vừa qua Chính phủ đã đưa ra một số giải pháp như quy định giá sàn xuất khẩu, hạn chế đầu mối xuất khẩu, đầu mối nhập khẩu... Tuy nhiên, thực tế cho thấy các giải pháp trên chưa mang lại hiệu quả, và cũng hạn chế quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp, đi ngược lại triết lý kiến tạo.

Trên cơ sở thực tiễn và để bảo vệ tối đa quyền lợi của người nông dân, trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tư vấn cho Chính phủ chuyển hướng chính sách như sau:

- Thứ nhất, nâng cao vai trò của các hiệp hội ngành hàng để tạo mối đoàn kết giữa các doanh nghiệp xuất khẩu, tạo tiếng nói chung giữa doanh nghiệp xuất khẩu và người nông dân.

- Thứ hai, đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, giáo dục văn hóa kinh doanh, kêu gọi doanh nghiệp cạnh tranh lành mạnh, vì lợi ích cộng đồng cũng như lợi ích của người nông dân.

- Thứ ba, với những hành vi có dấu hiệu vi phạm Luật Cạnh tranh, Bộ Công Thương sẽ xem xét xử lý nghiêm minh, đảm bảo môi trường cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng.

Ngoài ra, để tăng cường hiệu quả, các cơ quan báo chí truyền thông cũng cần tăng cường phê phán các doanh nghiệp vì mục tiêu lợi nhuận mà bất chấp mục tiêu chính sách, gây thiệt hại cho người nông dân.

16. Cử tri tỉnh An Giang kiến nghị: Đề nghị tích cục xúc tiến thương mại tìm đầu ra cho lúa gạo xuất khẩu ổn định.

Trả lời: Tại công văn số 1164/BCT-KH ngày 15/02/2017

Được sự đồng ý của Chính phủ, Bộ Công Thương đã dành riêng một phần kinh phí của Chương trình Xúc tiến thương mại quốc gia (7 tỷ đồng) để hỗ trợ tìm đầu ra cho sản phẩm gạo xuất khẩu.

Để phát triển thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu gạo, Chính phủ, Bộ Công Thương và các Bộ, ngành liên quan đã tích cực triển khai nhiều hoạt động xúc tiến thương mại cho mặt hàng lúa gạo, cụ thể:

- Triển khai thực hiện hiệu quả các chương trình xúc tiến thương mại (XTTM) gạo để củng cố các thị trường trọng điểm, truyền thống và mở đường cho xuất khẩu gạo Việt Nam vào các thị trường mới, thị trường tiềm năng như Tham gia hoạt động quảng bá sản phẩm gạo Việt Nam tại Nghị viện Pháp nhân sự kiện Việt Nam - Con rồng Châu Á mới và XTTM tại thị trường Pháp và Hà Lan; tổ chức các Đoàn XTTM gạo tại Trung Quốc và Ghana; tổ chức các hoạt động giao thương với các doanh nghiệp kinh doanh nhập khẩu lương thực Trung Quốc vào Việt Nam giao dịch và tìm hiểu về các sản phẩm gạo Việt Nam tại thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long.

- Đối với các thị trường tập trung truyền thống, Bộ Công Thương chỉ đạo tăng cường nắm sát tình hình thị trường, có các giải pháp linh hoạt, phù hợp để tranh thủ tối đa cơ hội thị trường khi đối tác có nhu cầu nhập khẩu.

- Đối với các thị trường khó tính như (EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ) tiếp tục đàm phán về mở cửa thị trường và các biện pháp phi thuế quan đối với mặt hàng gạo, phối hợp với các cơ quan liên quan giải quyết các khó khăn, vướng mắc liên quan đến kiểm dịch; dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, kháng sinh, tạo thuận lợi cho xuất khẩu gạo của Việt Nam.

- Phối hợp với Bộ Ngoại giao và chỉ đạo Thương vụ Việt Nam tại các quốc gia, vùng lãnh thổ tăng cường vận động, tháo gỡ khó khăn, rào cản, thúc đẩy phát triển thị trường xuất khẩu gạo, nhất là các đối với các thị trường trọng điểm, truyền thống, thị trường mới, tiềm năng.

- Công tác đàm phán, ký kết các Bản Ghi nhớ về Thương mại gạo được Bộ Công Thương tích cực triển khai. Bộ Công Thương đã đàm phán, gia hạn ký kết Bản Nghị định thư sửa đổi Bản Ghi nhớ về Thương mại gạo với Phi-líp-pin, theo đó, mỗi năm Phi-líp-pin sẽ có thể nhập khẩu số lượng lên tới 1,5 triệu tấn gạo của Việt Nam; thời gian thực hiện từ năm 2017-2019. Ngoài ra, để mở rộng thị phần xuất khẩu gạo tại khu vực thị trường tiềm năng Châu Phi, Bộ Công Thương đã ký kết Bản Ghi nhớ về Thương mại gạo với Bộ Thương nghiệp và Tiêu dùng Ma-đa-gát-xca vào tháng 12 năm 2016 nhân chuyến thăm của Chủ tịch nước Trần Đại Quang; đồng thời đang tiến hành xúc tiến đàm phán, ký kết các Bản Ghi nhớ mới với một số thị trường như Ni-giê-ria, Băng-la-đét.

Năm 2017, Bộ Công Thương dự kiến tiếp tục triển khai một số hoạt động XTTM tại các thị trường: Phi-líp-pin, Hồng Công, Nga, Bờ Biển Ngà, Đức, Trung Quốc,.... trong đó tập trung quảng bá, giới thiệu các sản phẩm gạo có thương hiệu, chất lượng cao đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

17. Cử tri tỉnh An Giang kiến nghị: Cử tri cho rằng, Việt Nam có nhiều mặt hàng nông sản, thủy sản xuất khẩu, nhưng khó cạnh tranh trên thị trường thế giới, nguyên nhân là do mặt hàng này không có thương hiệu, chất lượng kém. Đề nghị sớm xây dựng thương hiệu các mặt hàng nông sản Việt Nam để quảng bá trên thị trường thế giới, đồng thời đẩy mạnh xúc tiến thương mại tạo đầu ra cho nông sản, thủy sản.

Trả lời: Tại công văn số 1164/BCT-KH ngày 15/02/2017

- Về xây dựng thương hiệu cho các mặt hàng nông sản Việt Nam để quảng bá trên thị trường thế giới:

Nhận thức rõ tầm quan trọng của việc xây dựng và quảng bá thương hiệu nông sản Việt Nam đối với sức cạnh tranh của nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế, Bộ Công Thương đã phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các cơ quan, tổ chức trong và ngoài nước triển khai Chương trình xây dựng Chiến lược thương hiệu ngành thực phẩm Việt Nam từ năm 2016.

Chương trình xây dựng Chiến lược thương hiệu ngành thực phẩm Việt Nam đã được Chính phủ chỉ đạo tại Công văn số 8981/VPCP-KTTH ngày 20/10/2016. Theo đó, Chính phủ giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, cơ quan, hiệp hội ngành hàng có liên quan tập trung triển khai Chương trình xây dựng Chiến lược Thương hiệu ngành thực phẩm Việt Nam. Mục đích của Chương trình nhằm xây dựng, quảng bá hiệu quả một hình ảnh chung của ngành thực phẩm Việt Nam, tăng cường nhận thức và công nhận ở quy mô quốc tế về giá trị của thực phẩm Việt Nam, qua đó góp phần thúc đẩy sự tăng trưởng của ngành thực phẩm, tăng cường công tác xúc tiến thương mại và đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng thực phẩm của Việt Nam ra thị trường thế giới. 

Chương trình đã được Bộ Công Thương chuẩn bị từ năm 2014 và được thực hiện với sự hỗ trợ kỹ thuật của Tổ chức Xúc tiến nhập khẩu từ các nước đang phát triển của Hà Lan (CBI), Dự án Hỗ trợ Chính sách Thương mại và Đầu tư của châu Âu (EU-MUTRAP), sự phối hợp của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các tổ chức địa phương và 09 hiệp hội ngành hàng liên quan (lương thực, cà phê, chè, rau quả, thủy sản, tiêu, điều, mật ong, dừa). Theo kế hoạch, Quý III năm 2017, việc xây dựng Chiến lược thương hiệu ngành thực phẩm Việt Nam sẽ được hoàn thành. Giai đoạn thực hiện sẽ được tiến hành ngay từ cuối năm 2017 đến năm 2020. 

Ngày 04/10/2016, Bộ Công Thương đã tổ chức Hội thảo và Lễ ký Biên bản ghi nhớ về hợp tác thực hiện Chương trình với Tổ chức Xúc tiến nhập khẩu từ các nước đang phát triển của Hà Lan (CBI) và Dự án EU-MUTRAP, tạo đà cho các hoạt động của Chương trình trong các giai đoạn tiếp theo.

Bên cạnh đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đang chủ trì xây dựng thương hiệu một số mặt hàng nông sản, thủy sản xuất khẩu, trong đó Bộ Công Thương được giao phối hợp thực hiện. Đối với mặt hàng gạo, Đề án xây dựng thương hiệu gạo quốc gia đang trong giai đoạn triển khai theo phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ. Đối với các mặt hàng nông sản, thủy sản khác, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đang phối hợp với Bộ Công Thương nghiên cứu xây dựng các hoạt động cụ thể.

Ngoài ra, trong khuôn khổ Chương trình Thương hiệu quốc gia, Bộ Công Thương thực hiện xét chọn các doanh nghiệp có sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia 02 năm một lần từ năm 2008, trong đó có một số thương hiệu sản phẩm về nông sản, và thủy sản đã đạt Thương hiệu quốc gia. Thương hiệu của các sản phẩm nông sản thủy sản này cũng đã được quảng bá trong các chương trình quảng bá chung của Chương trình Thương hiệu quốc gia trong nước và nước ngoài.

- Về đẩy mạnh xúc tiến thương mại tìm thị trường cho các mặt hàng nông sản, thủy sản:

Triển khai Chương trình Xúc tiến thương mại quốc gia, Bộ Công Thương phối hợp với các cơ quan liên quan luôn chú trọng hỗ trợ các đề án trong lĩnh vực nông sản, thủy sản, cụ thể như sau:

Năm 2016, Chương trình đã triển khai 29 đề án với tổng kinh phí là 34,3 tỷ đồng, chiếm hơn 38% tổng kinh phí Chương trình. Trong kế hoạch triển khai hoạt động xúc tiến thương mại các năm tiếp theo, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục ưu tiên đẩy mạnh xúc tiến thương mại đối với ngành hàng nông sản, thủy sản, góp phần hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển thị trường xuất khẩu cho các mặt hàng nông sản, thủy sản, đặc biệt chú ý tới các thị trường Việt Nam đã hoặc chuẩn bị ký kết các hiệp định tự do thương mại nhằm tận dụng hiệu quả cơ hội thị trường cho hàng nông sản, thủy sản Việt Nam.

Ngay sau khi Chương trình Xúc tiến thương mại quốc gia hàng năm được phê duyệt, Ban quản lý Chương trình Xúc tiến thương mại quốc gia (Bộ Công Thương) đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan xúc tiến thương mại của các Bộ, ngành, các hiệp hội ngành hàng, các cơ quan xúc tiến thương mại địa phương, các cơ quan thông tin đại chúng phổ biến thông tin, hướng dẫn các doanh nghiệp chủ động lựa chọn tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại phù hợp; đồng thời phối hợp với các Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài, các tổ chức xúc tiến thương mại nước ngoài hỗ trợ các đơn vị chủ trì triển khai các đề án xúc tiến thương mại nông sản, thủy sản tại nước ngoài thông qua các hoạt động quảng bá, hỗ trợ làm việc với Ban tổ chức Hội chợ chuyên ngành nông sản tại nước ngoài tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia; mời các nhà nhập khẩu tới thăm quan khu gian hàng Việt Nam, bố trí chương trình làm việc, giao thương giữa doanh nghiệp Việt Nam và nước ngoài.

Ngoài các hoạt động xúc tiến thương mại thực hiện mục tiêu đẩy mạnh xuất khẩu, Chương trình Xúc tiến thương mại quốc gia cũng hỗ trợ các hoạt động xúc tiến thương mại phát triển thị trường nội địa, tạo lập kênh phân phối ở nông thôn, miền núi, biên giới, góp phần giúp các doanh nghiệp đưa các mặt hàng nông sản, thủy sản tiếp cận người tiêu dùng.

Trong năm 2017, trên cơ sở đề xuất của các đơn vị chủ trì, Bộ Công Thương đã ưu tiên phê duyệt các đề án xúc tiến thương mại nhóm hàng nông sản, thủy sản, bao gồm tổ chức tham gia các Hội chợ chuyên ngành nông sản, thủy sản có uy tín tại nước ngoài như tại Hoa Kỳ, Bỉ, Nhật Bản, Hàn Quốc...; tiếp tục hỗ trợ tổ chức các Hội chợ chuyên ngành nông nghiệp trong nước như Triển lãm Quốc tế về Công nghiệp thực phẩm (Food Expo), Hội chợ nông nghiệp quốc tế Đồng bằng Sông Hồng tại Thái Bình, Hội chợ Nông nghiệp quốc tế Cần Thơ...; các đoàn giao dịch xúc tiến thương mại tại các thị trường Trung Quốc, Châu Âu; tổ chức Hội nghị quốc tế ngành hàng chè, điều, cao su và đón các nhà nhập khẩu vào Việt Nam mua hàng. Đồng thời chương trình tiếp tục nâng cao hiệu quả các hoạt động xúc tiến thương mại trong nước, tăng cường các hoạt động giao thương, kết nối các doanh nghiệp sản xuất, doanh nghiệp phân phối góp phần hỗ trợ phát triển thị trường nội địa cho nhóm hàng nông sản, thủy sản.

18. Cử tri tỉnh Hà Tĩnh kiến nghị: Đề nghị Bộ Công Thương có giải pháp kết nối, đẩy nhanh tiêu thụ lượng thủy sản, muối, ruốc, nước mắm, hải sản khô... tồn kho (đủ điều kiện tiêu thụ tại các kho đông, kho lạnh trên địa bàn tỉnh) theo tinh thần tại Thông báo số 259/TB-CP ngày 31/8/2016 của Văn phòng Chính phủ. Có chính sách bổ sung thêm 6 nhóm đối tượng trực tiếp sản xuất, tiêu thụ, chế biến và cung cấp các dịch vụ giám tiếp chưa được quy định trong 7 nhóm đối tượng được bồi thường (1. Dịch vụ cung cấp xăng dầu cho tàu thuyền đi biển; 2. Dịch vụ cung cấp than nướng cá; 3. Công nhân sửa chữa máy công nghiệp phục vụ nghề cá, nuôi trồng thủy sản; 4. Chủ cơ sở chế biến nước mắm, ruốc có hàng tồn đọng; 5. Những người buôn bán hàng cá khô, tép khô, có kho lạnh; 6. người buôn bán cá đường xa; 7. Chủ tàu và lao động trên tàu có công suất từ 90CV trở lên). Ngoài ra đề nghị xem xét lại việc áp giá đền bù đối với các đối tượng có hàng tồn kho đông lạnh (hàng bị nhiễm độc đề nghị tiêu hủy và hỗ trợ 100%).

Trả lời: Tại công văn số 1175/BCT-KH ngày 15/02/2017

1. Về các giải pháp kết nối, đẩy nhanh tiêu thụ lượng thủy sản, muối, ruốc, nước nắm, hải sản khô… tồn kho (đủ điều kiện tiêu thụ tại các kho đông, kho lạnh trên địa bàn tỉnh) theo tinh thần tại Thông báo số 259/TB-CP ngày 31/8/2016 của Văn phòng Chính phủ:

Thực hiện các Thông báo Kết luận số 259/TB-VPCP ngày 29 tháng 8 năm 2016 về việc giao Bộ Công Thương hướng dẫn các địa phương giải pháp tiêu thụ lô hàng thủy sản tồn kho đảm bảo an toàn thực phẩm; Thông báo Kết luận số 299/TB-VPCP ngày 20 tháng 9 năm 2016 về các giải pháp ổn định đời sống và sản xuất, kinh doanh cho nhân dân 04 tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng sự cố môi trường; Quyết định số 1880/QĐ-TTg ngày 29 tháng 9 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành định mức bồi thường thiệt hại cho các đối tượng tại các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế bị thiệt hại do sự cố môi trường biển, giao Bộ Công Thương phối hợp với các Bộ: Y tế, Tài nguyên và Môi trường đề xuất các giải pháp xử lý lô hàng tồn kho được thu mua trước ngày 30 tháng 8 năm 2016 nhằm giải quyết dứt điểm sản phẩm tồn kho, tháo gỡ khó khăn cho các cơ sở thu mua, tạm trữ thủy sản; góp phần duy trì ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh, giữ vững an ninh, trật tự xã hội, Bộ Công Thương đã chủ động thực hiện:

- Ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn:

+ Bộ Công Thương đã có Công văn số 6118/BCT-TTTN ngày 6 tháng 7 năm 2016 về việc báo cáo tình hình thu mua, tạm trữ, tiêu thụ hải sản, trong đó, yêu cầu Sở Công Thương rà soát, tổng hợp đánh giá tình hình thu mua, tạm trữ và tiêu thụ hải sản, làm căn cứ để xác định thiệt hại, ảnh hưởng của hiện tượng hải sản chết bất thường trong thời gian qua.

+ Ngày 8 tháng 9 năm 2016, Bộ Công Thương có Công văn 8358/BCT-TTTN gửi Sở Công Thương các tỉnh: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế về việc tiêu thụ thủy sản tồn kho đảm bảo an toàn.

+ Ngày 28 tháng 10 năm 2016, Bộ Công Thương có Công văn 10297/BCT-TTTN, chỉ đạo Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các Hiệp hội ngành nghề sản xuất, chế biến, kinh doanh trong lĩnh vực thủy sản và các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh, chế biến, thu mua, phân phối thủy sản hỗ trợ tiêu thụ thủy sản an toàn đã được xác nhận của ngành y tế tại 04 Tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường.

- Kiểm tra, khảo sát đánh giá tình hình hỗ trợ tiêu thụ thủy sản an toàn tại 04 Tỉnh:

Thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình tại Thông báo Kết luận số 311a/TB-VPCP ngày 02 tháng 10 năm 2016, giao Bộ Công Thương chỉ đạo, huy động các doanh nghiệp thương mại chủ động thu mua ngay các lô hàng đạt chất lượng an toàn tại 04 tỉnh, Bộ Công Thương đã tổ chức Đoàn công tác liên Bộ có sự tham gia của: Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, Sở Công Thương thành phố Hồ Chí Minh, các Doanh nghiệp phân phối, bán buôn, bán lẻ (gồm hệ thống siêu thị BigC, Liên hiệp Hợp tác xã thương mại thành phố Hồ Chí Minh, Tổng công ty TNHH Aeon Việt Nam, Công ty TNHH Thương mại Lotte Việt Nam…) làm việc tại 04 Tỉnh bị ảnh hưởng từ ngày 10-15 tháng 10 năm 2016 để nghiên cứu, khảo sát nắm bắt thực tiễn, từ đó đề xuất giải pháp hỗ trợ tiêu thụ dứt điểm thủy sản an toàn còn tồn kho tại các địa phương nêu trên. Ngày sau khi kết thúc chuyến công tác, Bộ Công Thương đã:

+ Đề xuất các giải pháp nhằm giải quyết dứt điểm hải sản tồn kho tại 04 Tỉnh miền Trung kính gửi Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình (Công văn mật số 580/BCT-TTTN ngày 24 tháng 10 năm 2016).

+ Chỉ đạo Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các Hiệp hội ngành nghề sản xuất, chế biến, kinh doanh trong lĩnh vực thủy sản và các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh, chế biến, thu mua, phân phối thủy sản hỗ trợ tiêu thụ thủy sản an toàn đã được xác nhận của ngành y tế tại 04 Tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường (Công văn số 10297/BCT-TTTN ngày 28 tháng 10 năm 2016).

Tiếp theo, thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình tại Thông báo Kết luận số 432/TB-VPCP ngày 25 tháng 12 năm 2016 về thành lập Tổ công tác liên ngành với nhiệm vụ đánh giá, xác nhận kết quả phân loại hải sản (đã được xác nhận an toàn nhưng không đủ điều kiện để làm thực phẩm cho người) của 04 tỉnh miền Trung bị thiệt hại bởi sự cố môi trường và Công văn số 64/VPCP-NN ngày 05 tháng 01 năm 2017 về việc khẩn trương hoàn thành nhiệm vụ liên quan đến hỗ trợ, bồi thường thiệt hại do sự cố môi trường biển, Bộ Công Thương đã chủ trì tổ chức Tổ công tác liên ngành làm việc tại tỉnh Hà Tĩnh và tỉnh Quảng Bình từ ngày 06-08 tháng 01 năm 2017.

Căn cứ đề xuất, kiến nghị và tình hình thực tế của các địa phương trong công tác tiêu thụ hải sản, hỗ trợ, bồi thường cho các đối tượng bị ảnh hưởng của sự cố môi trường biển tại 02 tỉnh, Bộ Công Thương đã đề xuất, kiến nghị Chính phủ một số giải pháp, chính sách nhằm giải quyết dứt điểm hải sản tồn kho và đẩy nhanh công tác hỗ trợ, bồi thường của các tỉnh

2. Đối với việc bổ sung thêm 6 nhóm đối tượng trực tiếp sản xuất, tiêu thụ, chế biến và cung cấp các dịch vụ gián tiếp chưa được quy định trong 7 nhóm đối tượng được bồi thường:

Đoàn công tác do Bộ Công Thương chủ trì (nêu trên) đã làm việc tại các tỉnh miền Trung chịu ảnh hưởng bởi sự cố môi trường biển, Đoàn đã tiếp thu các ý kiến; các khó khăn, vướng mắc trong tiêu thụ thủy sản; khó khăn trong xử lý thủy sản tồn kho; các đề xuất, kiến nghị của địa phương và các tổ chức cá nhân có hải sản tồn kho, từ đó đưa ra các đề xuất, kiến nghị của Đoàn công tác báo cáo Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình (Công văn mật số 580/BCT-TTTN ngày 28/10/2016 về việc đề xuất các giải pháp nhằm giải quyết dứt điểm hải sản tồn kho tại 04 tỉnh miền Trung). Bên cạnh đó, theo phân công của Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là đơn vị chủ trì xây dựng Đề án “Xác định, bồi thường thiệt hại và hỗ trợ khắc phục hậu quả khôi phục sản xuất, chuyển đổi nghề cho người dân bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường”, vì vậy, đề nghị Đại biểu có ý kiến thêm với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

3. Đối với việc xác định giá đền bù đối với các đối tượng có hàng tồn kho đông lạnh (hàng bị nhiễm độc đề nghị tiêu hủy và hỗ trợ 100%):

Thực hiện nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao tại Thông báo Kết luận số 373/TB-VPCP ngày 16/11/2016, Thông báo Kết luận số 380/TB-VPCP ngày 28/11/2016, giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân các địa phương xác định giá để làm căn cứ bồi thường, hỗ trợ đối với hàng hải sản tồn kho; căn cứ ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại công văn số 10814/VPCP-KTTH ngày 14/12/2016, Bộ Công Thương đã có công văn số 12024/BCT-TTTN ngày 14/12/2016 đề xuất Chính phủ phương án giá để làm căn cứ bồi thường, hỗ trợ, cụ thể:

- Giá bình quân tháng 10 năm 2016 để làm căn cứ, rà soát, xác định giá đền bù, hỗ trợ là giá mua vào bình quân tháng 10 năm 2016 của từng loại hải sản (kích cỡ, chủng loại…) trên địa bàn mỗi tỉnh.

- Giao UBND 04 tỉnh chịu trách nhiệm xác định giá mua vào bình quân tháng 10 năm 2016 của từng loại hải sản trên địa bàn tỉnh.

Đồng thời Bộ Công Thương đã có văn bản hướng dẫn Ủy ban nhân dân 04 Tỉnh triển khai thực hiện việc xác định giá thu mua hải sản bình quân, tính số lượng hải sản tồn kho để bồi thường, hỗ trợ (Công văn số 12039/BCT-TTTN ngày 14/12/2016).

19. Cử tri tỉnh Thừa Thiên Huế kiến nghị: Kiến nghị Chính phủ và Bộ Công thương xem xét sửa đổi, bổ sung cho thống nhất quy định về phạm vi điều chỉnh tại Điều 1 Thông tư số 60/2014/TT-BCT ngày 27/12/2014 của Bộ Công thương về nội dung “Thông tư này không áp dụng đối với hoạt động bán rượu tiêu dùng tại chỗ (dịch vụ bán lẻ đồ uống tiêu dùng tại chỗ)”, nhưng tại Nghị định số 94/2012/NĐ-CP ngày 12/11/2012 của Chính phủ về sản xuất, kinh doanh rượu lại không quy định nội dung này, nên khi triển khai thực hiện gặp nhiều khó khăn.

Trả lời: Tại công văn số 1185/BCT-KH ngày 15/02/2017

Ngày 07 tháng 4 năm 2015, Bộ Công Thương có văn bản số 3414/BCT-TTTN về việc thực hiện Thông tư số 60/2014/TT-BCT ngày 27 tháng 12 năm 2014 quy định chi tiết một số điều của Nghị định số 94/2012/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2012 về sản xuất, kinh doanh rượu gửi các địa phương. Công văn hướng dẫn cụ thể việc Thông tư số 60/2014/TT-BCT không áp dụng đối với hoạt động bán rượu tiêu dùng tại chỗ (dịch vụ bán lẻ đồ uống tiêu dùng tại chỗ), điều này được hiểu là các tổ chức, cá nhân bán rượu tiêu dùng tại chỗ không thuộc đối tượng cấp Giấy phép kinh doanh sản phẩm rượu theo Thông tư số 60/2014/TT-BCT nên không phải là thương nhân phân phối, thương nhân bán buôn, thương nhân bán lẻ. Do đó, tổ chức, cá nhân bán sản phẩm rượu tiêu dùng tại chỗ không phải xin cấp Giấy phép kinh doanh bán lẻ sản phẩm rượu.

Đối với Nghị định số 94/2012/NĐ-CP, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, đến nay Bộ Công Thương đã cùng các Bộ, ngành, hiệp hội doanh nghiệp hoàn thiện Dự thảo nghị định mới thay thế Nghị định số 94/2012/NĐ-CP và đang trình Chính phủ xem xét, ký ban hành. Đối với nội dung bán rượu tiêu dùng tại chỗ, Dự thảo Nghị định đã có những quy định rất cụ thể.

20. Cử tri tỉnh Lào Cai kiến nghị: Cử tri đề nghị không cho phép xuất khẩu quặng Apatit sau năm 2016 (trừ đối với quặng Apatit có hàm lượng thấp, hiện nay trong nước chưa có công nghệ tuyển khoáng để nâng cao hàm lượng, không có nhu cầu sử dụng) để chế biến sâu quặng loại 1, loại 2; xem xét cấp giấy phép khai thác quặng Apatit thông qua hình thức đấu giá quyền khai thác khoáng sản.

Trả lời: Tại công văn số 1162/BCT-KH ngày 15/02/2017

1. Về việc đề nghị không cho phép xuất khẩu quặng Apatit sau năm 2016 (trừ đối với quặng Apatit có hàm lượng thấp, hiện nay trong nước chưa có công nghệ tuyển khoáng để nâng cao hàm lượng, không có nhu cầu sử dụng) để chế biến sâu quặng loại 1, loại 2:

Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 12/2016/TT-BCT ngày 05/7/2016, có hiệu lực từ ngày 20/8/2016 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 41/2012/TT-BCT ngày 21/12/2012 quy định về xuất khẩu khoáng sản, theo đó apatit không có trong danh mục khoáng sản được phép xuất khẩu. Theo quy định tại Điều 6 (sửa đổi, bổ dung): Trường hợp“Sản phẩm khoáng sản đã qua chế biến nhưng không thể đạt tiêu chuẩn chất lượng xuất khẩu theo quy định”, phải được Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh nơi có khoáng sản khai thác, chế biến kiểm tra thực tế và có văn bản gửi Bộ Công Thương xem xét, giải quyết. Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan xem xét, giải quyết đối với từng trường hợp cụ thể.

2. Về xem xét cấp giấy phép khai thác quặng Apatit thông qua hình thức đấu giá quyền khai thác khoáng sản:

Tại Điều 22 Nghị định số 158/2016/NĐ-CP ngày 29/11/2016 quy định chi tiết thi hành một số nội dung của Luật khoáng sản, tại khoản 1 quy định các tiêu chí khoanh định khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản; khoản 2 quy định “Bộ Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khoanh định khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản trình cấp có thẩm quyền quy định tại khoản 3, khoản 4 Điều 78 Luật khoáng sản phê duyệt. Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương hoặc Bộ Xây dựng xác định một số khu vực có kết quả đánh giá tài nguyên thuộc diện tích đã được điều tra, đánh giá khoáng sản bằng nguồn vốn của tổ chức, cá nhân và trường hợp khác trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.” Vì vậy, Ủy ban nhân dân tỉnh phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét khoanh định đối với từng khu vực dự án cụ thể theo tiêu chí nêu trên.

Trường hợp không thống nhất, đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

21. Cử tri các tỉnh, thành phố Bình Định, Đà Nẵng kiến nghị: Đề nghị Bộ Công Thương phối hợp với các bộ, ngành, địa phương thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động sản xuất, kinh doanh. Chuẩn bị tốt các điều kiện để khai thác có hiệu quả các lợi thế trong các Hiệp định thương mại tự do (FTA), nhất là FTA với EU và TPP trong thời gian tới. Kiểm soát nhập khẩu phù hợp với thông lệ và các cam kết quốc tế.

Trả lời: Tại công văn số 1192/BCT-KH ngày 15/02/2017

Hoạt động xuất nhập khẩu trong thời gian qua đã có nhiều đóng góp trong phát triển kinh tế chung của cả nước, đưa nền kinh tế nước ta hội nhập với nền kinh tế khu vực và thế giới, đồng thời cũng được Chính phủ, Bộ Công Thương và các Bộ, ngành liên quan rất quan tâm chỉ đạo. Trong đó, chú trọng hướng tới phát triển sản xuất để tăng nhanh xuất khẩu, tận dụng tốt các cơ hội mở cửa thị trường các nước đối tác đã ký FTA và chủ động điều chỉnh, kiểm soát nhập khẩu phù hợp với các cam kết quốc tế.

Năm 2016, ngay từ đầu năm, nhận định được những khó khăn của xuất khẩu, bên cạnh việc tiếp tục triển khai những nhiệm vụ, giải pháp tại Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2011-2020, định hướng đến năm 2030, Bộ Công Thương và các Bộ, ngành đã chủ động thực hiện nhiều nhóm biện pháp, giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu, cụ thể là:

(i) Xây dựng, hoàn thiện hành lang pháp lý cho công tác điều hành quản lý hoạt động xuất nhập khẩu phù hợp với tình hình thực tế.

(ii) Triển khai các giải pháp phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp.

(iii) Tăng cường công tác phát triển thị trường, mở cửa thị trường cho hàng hóa Việt Nam thông qua các kênh ngoại giao, đàm phán, ký kết các Hiệp định, Thỏa thuận song phương và đa phương.

(iv) Tuyên truyền, phổ biến cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do cho từng địa phương, ngành hàng cụ thể, hướng tận dụng và cách thức tận dụng các Hiệp định này để nâng cao khả năng cạnh tranh, đẩy mạnh xuất khẩu.

(v) Tích cực rà soát, nắm bắt thông tin để chủ động ứng phó với các biện pháp phòng vệ thương mại và các rào cản thương mại của các nước đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp xuất khẩu.

(vi) Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi hóa thương mại giúp giảm chi phí cho doanh nghiệp, giảm thời gian vận chuyển, thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu.

(vii) Áp dụng các biện pháp quản lý nhập khẩu phù hợp với các cam kết quốc tế, trong đó tăng cường sử dụng công cụ phòng vệ thương mại đối với hàng nhập khẩu. Đẩy mạnh tuyên truyền thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Năm 2017, tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01 tháng 01 năm 2017 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2017, Chính phủ đã giao nhiều nhiệm vụ cho Bộ Công Thương và các Bộ, ngành liên quan đến điều hành xuất nhập khẩu. Bộ Công Thương đã ban hành Chương trình hành động của ngành Công Thương thực hiện Nghị quyết trên tại Quyết định số 47/QĐ-BCT ngày 09 tháng 01 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Công Thương. Theo đó, xác định cụ thể trách nhiệm thực hiện nhiều nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy xuất khẩu, kiểm soát nhập khẩu trong năm 2017.

Do vậy, để có thể tham gia hiệu quả các FTA đã có hiệu lực, thời gian tới Việt Nam cần thực hiện các giải pháp sau:

Một là, đổi mới mạnh mẽ hơn trong hợp tác và phát triển.

Hai là, phải thực sự coi trọng và làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức; nâng cao kỹ năng trong hội nhập kinh tế quốc tế gắn với yêu cầu phát triển bền vững, phát triển xanh.

Ba là, tạo cơ chế, chính sách mới phát huy tối ưu các lợi thế so sánh và lợi thế cạnh tranh của quốc gia, doanh nghiệp trong phân công lao động và hợp tác quốc tế.

Bốn là, tiếp tục đổi mới chính sách thu hút FDI theo hướng không quá nhấn mạnh số lượng mà là chất lượng, thu hút có điều kiện về cả kinh tế, xã hội và môi trường.

Chú trọng thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài của các đối tác chiến lược trong FTA (đặc biệt là các nước phát triển) và cần có cơ chế, chính sách khuyến khích họ tham gia đầu tư vào phát triển công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chế tạo, chế biến nhằm tạo ra giá trị gia tăng cao cho Việt Nam và chuyển giao công nghệ có hiệu quả cho các doanh nghiệp trong nước.

Năm là, nâng cao hiệu lực, hiệu quả và năng lực quản lý, kiểm tra, giám sát của Nhà nước trong nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế.

22. Cử tri tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu kiến nghị: Cử tri đề nghị chỉ tính giá điện sinh hoạt cùng một mức giá, không nên chia thành nhiều mức giá như  hiện nay. Vì theo cách tính giá điện hiện nay thì người dùng điện càng dùng nhiều thì càng phải trả tiền giá cao cho một đơn vị điện, sẽ không khuyến khích được các hộ gia đình dùng điện để sản xuất, nhất là sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp.

Trả lời: Tại công văn số 1180/BCT-KH ngày 15/02/2017

Điện năng là một hàng hóa đặc biệt, việc sản xuất và tiêu dùng diễn ra đồng thời, người dùng sử dụng điện trước và trả tiền sau. Hiện nay, phần lớn lượng điện năng được sản xuất từ các nguồn nguyên liệu hóa thạch, không tái tạo được như than đá, dầu mỏ, khí đốt trong khi các nguồn năng lượng tái tạo như: năng lượng mặt trời, gió… chưa được phát triển mạnh, nguyên nhân là do hiệu quả chưa cao, cách thức sử dụng còn khá phức tạp và chi phí đắt đỏ. Trong khi chờ đợi những giải pháp hiệu quả hơn cho việc sử dụng nguồn năng lượng tái tạo, việc sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả được xem như là biện pháp quan trọng và cần thiết trong giai đoạn hiện nay.

Nhằm khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả, hiện nay rất nhiều nước trên thế giới áp dụng giá điện theo các bậc để phù hợp với các mức sử dụng điện khác nhau của các hộ dân với giá điện của các bậc tăng dần (hộ sử dụng điện càng nhiều, không tiết kiệm điện, sử dụng các thiết bị tiêu hao nhiều năng lượng sẽ phải áp dụng giá điện cao hơn), cụ thể:

Quốc gia

Hình thức áp dụng giá điện

sinh hoạt

Số bậc thang điện sinh hoạt

Nhật Bản

Lũy tiến theo bậc

3 bậc

Thái Lan

- Lũy tiến theo bậc

- Được lựa chọn áp dụng giá theo thời gian sử dụng (TOU)

- Dưới 150 kWh/tháng: 7 bậc

- Trên 150 kWh/tháng: 3 bậc

Malaisia

Lũy tiến theo bậc

10 bậc

Philipines

Lũy tiến theo bậc

8 bậc

Hàn Quốc

Lũy tiến theo bậc

6 bậc

Indonesia

Lũy tiến theo bậc

3 bậc

Hồng Kông

Lũy tiến theo bậc

7 bậc

Nam Phi

Lũy tiến theo bậc

6 bậc

Lào

Lũy tiến theo bậc

3 bậc

Thực hiện khoản 13 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực trong đó quy định giá điện theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước và khoản 15 Điều 1 giao Thủ tướng Chính phủ quy định cơ cấu biểu giá bán lẻ điện, ngày 07 tháng 4 năm 2014, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 28/2014/QĐ-TTg về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện có hiệu lực từ ngày ngày 01 tháng 6 năm 2014 (thay thế Quyết định số 268/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 23/02/2011) với các mục tiêu chính sau:

- Giảm dần việc bù chéo giá điện giữa các đối tượng sử dụng điện và không bán điện dưới giá thành.

- Tách bạch hoạt động sản xuất kinh doanh điện của doanh nghiệp điện với thực hiện chính sách an sinh - xã hội của Đảng, Nhà nước đối với hộ nghèo, hộ chính sách xã hội thông qua hỗ trợ tiền điện trực tiếp từ ngân sách Nhà nước.

- Biểu giá bán lẻ điện được xây dựng phù hợp theo hướng không quy định quá nhiều bậc thang, qua đó tạo thuận lợi cho người tiêu dùng và cơ quan quản lý theo dõi, áp dụng.

Thực hiện các mục tiêu nêu trên, giá bán lẻ điện cho sinh hoạt tiếp tục được thiết kế theo các bậc để phù hợp với các mức sử dụng điện khác nhau của các hộ dân với giá điện của các bậc tăng dần nhằm khuyến khuyến khích các hộ dân sử dụng điện hiệu quả, tiết kiệm. Thực tế áp dụng trong những năm qua cho thấy việc áp dụng giá bán điện sinh hoạt theo các bậc là đơn giản trong áp dụng nhưng vẫn đạt được mục tiêu khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm hiệu quả.

Có thể cho rằng, việc thiết kế giá bán điện sinh hoạt theo các bậc là phù hợp trong giai đoạn hiện nay. Trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục đánh giá việc thực hiện và nghiên cứu cơ chế giá bán điện sinh hoạt phù hợp với thực tế sử dụng điện của các hộ sử dụng điện cũng như phù hợp với sự phát triển trong kỹ thuật đo đếm điện năng khi công tơ điện tử hiện đại dần được lắp đặt, thay thế cho công tơ cơ truyền thống.

23. Cử tri tỉnh Kiên Giang kiến nghị: Cử tri cho rằng, theo Quyết định số 2081/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chương trình điện cho nông thôn miền núi, hải đảo, thì ngân sách trung ương phân bổ 85%, ngành điện 15%. Tổng Công ty điện lực Miền Nam lập dự án điện và đã được Bộ Công thương phê duyệt theo Quyết định số 11828/QĐ-BCT ngày 30/10/2015, với tổng vốn đầu tư tại Kiên Giang giai đoạn 2016-2020 là 1.195 tỷ đồng (Trong đó: Điện sinh hoạt là 503 tỷ đồng; điện bơm tát là 692 tỷ đồng), nhưng đến nay chưa phân bổ vốn cho tỉnh. Đề nghị Bộ Công thương sớm phân bổ vốn hàng năm cho tỉnh để sớm triển khai thực hiện dự án này.

Trả lời: Tại công văn số 1179/BCT-KH ngày 15/02/2017

Việc kiến nghị của cử tri về đề nghị Bộ Công Thương sớm phân bổ vốn hàng năm cho tỉnh để sớm triển khai thực hiện dự án điện cho nông miền núi, hải đảo của tỉnh thôn của tỉnh Kiên Giang là rất cần thiết, tuy nhiên với nguồn lực hạn chế trong giai đoạn vừa qua (2013-2015) chỉ tập trung nguồn lực để thực hiện mục tiêu về cấp điện cho các xã vùng xâu vùng xa, các đảo, xã đảo, huyện đảo chưa có điện (khoảng 165.820 hộ dân, 40/57 xã, 2.250/12.300 thôn bản, 07/11 đảo), theo đúng thứ tự ưu tiên của Quyết định số 2081/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 08 tháng 11 năm 2013. Giai đoạn 2016-2020, Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 4989/QĐ-BCT ngày 22 tháng 12 năm 2016 về kế hoạch thực hiện Chương trình điện cho nông thôn miền núi và hải đảo, theo đó đề nghị Chính phủ cho phép sử dụng vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và Liên minh châu Âu (EU) dự kiến đề xuất Chính phủ để phân bổ cho tỉnh là 898 tỷ đồng trong giai đoạn 2016-2020.

Theo quy định, Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan xem xét phân bổ kế hoạch ngân sách trung ương đầu tư hàng năm, vì vậy đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang có kiến nghị với Bộ Kế hoạch và Đầu tư ưu tiên nguồn lực cấp cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam theo đề nghị của Bộ Công Thương là 70 tỷ đồng để cùng với đề xuất huy đồng các nguồn vốn ODA, các nguồn huy động hợp pháp khác cho đầu tư lưới điện nông thôn đạt mục tiêu tại Quyết định số 2081/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đến năm 2020 hầu hết các hộ dân được sử dụng điện, đảm bảo cấp điện an toàn, thường xuyên cho sinh hoạt và sản xuất của nhân dân, trong đó có cả phần điện cho trạm bơm.

24. Cử tri tỉnh Hà Tĩnh kiến nghị: Hiện nay, lưới điện 110kV, 220kV qua địa bàn tỉnh Hà Tĩnh được xây dựng từ lâu, khi xây dựng các khu vực dưới hành lang lưới điện chủ yếu là đất nông nghiệp, đất lâm nghiệp, không có dân cư. Mặt khác, do áp dụng các tiêu chuẩn về xây dựng theo các quy định trước đây, nên chiều cao cột điện và hành lang thiết kế của các đường dây này hạn chế. Hiện nay, các khu vực dưới hành lang lưới điện được quy hoạch, phát triển các khu công nghiệp (Khu công nghiệp Phú Vinh - Khu kinh tế Vũng Áng), các công trình giao thông..., tình trạng vi phạm hành lang an toàn lưới điện khá phổ biến. Do đó, đề nghị Bộ chỉ đạo các đơn vị quản lý vận hành hệ thống lưới điện truyền tải Quốc gia thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam tiến hành rà soát, đầu tư, nâng cấp cải tạo các tuyến đường dây để đảm bảo hành lang an toàn lưới điện.

Trả lời: Tại công văn số 1181/BCT-KH ngày 15/02/2017

- Theo Nghị định số 44/2015/NĐ-CP ngày 06 tháng 05 năm 2015 quy định chi tiết một số nội dung của Luật Xây dựng số 50/2014/QH13, trong quá trình lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch xây dựng phải xác định các nguồn lực để đảm bảo quy hoạch, trong đó có kinh phí di dời hành lang lưới điện thuộc thuộc diện phải di chuyển ra khỏi khu được quy hoạch để phát triển các khu công nghiệp.

- Đối với lưới điện cũ có chiều cao cột điện và hành lang thiết kế của các đường dây này hạn chế, tuy nhiên cơ bản không làm ảnh hưởng đến việc trồng lúa, cây ngắn ngày ở dưới hành lang theo quy định tại Nghị định số 14/2014/NĐ-CP ngày 26 tháng 12 năm 2014 về quy định chi tiết thi hành luật điện lực về an toàn đối với khu vực ngoài thành phố, thị xã, thị trấn.

- Hiện nay, Bộ Công Thương đang chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) sử dụng các nguồn lực (vốn Ngân hàng Phát triển châu Á, Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển KFW của Đức, Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản) để nâng cấp cải tạo các tuyến đường dây phân phối, trung áp để đảm bảo hành lang an toàn lưới điện đồng thời đảm bảo nguồn cấp phục vụ sinh hoạt, sản xuất của nhân dân. Quá trình đầu tư phụ thuộc quy hoạch phát triển điện lực tỉnh do Ủy ban nhân dân các tỉnh thực hiện để làm cơ sở triển khai thực hiện đầu tư và phân trách nhiệm đầu tư.

25. Cử tri tỉnh Sóc Trăng kiến nghị: Đề nghị xem xét bố trí vốn cho Công ty Điện lực Sóc Trăng sớm triển khai "Dự án cấp điện nông thôn từ lưới điện Quốc gia tỉnh Sóc Trăng" đã được Bộ Công Thương phê duyệt theo Quyết định 11830/QĐ-BCT ngày 30/10/2015, đặc biệt là cấu phần trạm bơm để chống xâm nhập mặn.

Trả lời: Tại công văn số 1194/BCT-KH ngày 15/02/2017

Việc kiến nghị của cử tri về đề nghị Bộ Công Thương sớm phân bổ vốn hàng năm cho tỉnh để sớm triển khai thực hiện dự án điện cho nông miền núi, hải đảo của tỉnh thôn của tỉnh Sóc Trăng là rất cần thiết, tuy nhiên với nguồn lực hạn chế trong giai đoạn vừa qua (2013-2015) chỉ tập trung nguồn lực để thực hiện mục tiêu về cấp điện cho các xã vùng xâu vùng xa, các đảo, xã đảo, huyện đảo chưa có điện (khoảng 165.820 hộ dân, 40/57 xã, 2.250/12.300 thôn bản, 07/11 đảo), theo đúng thứ tự ưu tiên của Quyết định số 2081/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 08 tháng 11 năm 2013. Giai đoạn 2016-2020, Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 4989/QĐ-BCT ngày 22 tháng 12 năm 2016 về kế hoạch thực hiện Chương trình điện cho nông thôn miền núi và hải đảo, theo đó đề nghị Chính phủ cho phép sử dụng vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và Liên minh châu Âu (EU) dự kiến đề xuất Chính phủ để phân bổ cho tỉnh là 898 tỷ đồng trong giai đoạn 2016-2020.

Theo quy định, Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan xem xét phân bổ kế hoạch ngân sách trung ương đầu tư hàng năm, vì vậy đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng có kiến nghị với Bộ Kế hoạch và Đầu tư ưu tiên nguồn lực cấp cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam theo đề nghị của Bộ Công Thương là 70 tỷ đồng để cùng với đề xuất huy đồng các nguồn vốn ODA, các nguồn huy động hợp pháp khác cho đầu tư lưới điện nông thôn đạt mục tiêu tại Quyết định số 2081/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đến năm 2020 hầu hết các hộ dân được sử dụng điện, đảm bảo cấp điện an toàn, thường xuyên cho sinh hoạt và sản xuất của nhân dân, trong đó có cả phần điện cho trạm bơm.

26. Cử tri tỉnh Đắk Lắk kiến nghị: Cử tri phản ánh hiện nay nhiều thôn, buôn trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk chưa có điện thắp sáng. Số đường điện xuống cấp trầm trọng, nhiều bình hạ thế quá tải không bảo đảm an toàn; tình trạng trụ chính (cột bê tông) cách xa các nhà dân nên nhân dân kéo dây điện trên một số loại trụ gỗ, cây sống không đảm bảo an toàn, đôi khi rất nguy hiểm, nhất vào mùa mưa. Đề nghị Bộ Công Thương chỉ đạo Tập đoàn điện lực Việt Nam đầu tư để đảm bảo tất cả các thôn, buôn trong tỉnh đều được sử dụng điện sinh hoạt, ngành điện tiếp nhận, quản lý, đầu tư trụ xi măng để nhân dân kéo điện vào nhà sinh hoạt đảm bảo an toàn hơn.

Trả lời: Tại công văn số 1169/BCT-KH ngày 15/02/2017

Ngày 22 tháng 12 năm 2016, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 4989/QĐ-BCT về kế hoạch thực hiện Chương trình điện cho nông thôn miền núi và hải đảo trong đó có đề nghị Chính phủ cho phép sử dụng vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và Liên minh châu Âu (EU) dự kiến phân bổ cho tỉnh là 683 tỷ đồng giai đoạn 2016-2020 có kết hợp  đầu tư lưới điện sinh hoạt không đạt tiêu chí số 4 về điện để không còn tình trang lưới điện xuống cấp như ý kiến của cử tri như đã nêu; Quyết định số 5131/QĐ-BCT ngày 30 tháng 12 năm 2016 về đánh giá tiêu chí điện huyện nông thôn mới, theo đó Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) là đơn vị chịu trách nhiệm vận hành hệ thống lưới điện trung áp đảm bảo các thông số theo quy định phục vụ và đáp ứng nhu cầu sử dụng điện sinh hoạt, sản xuất của nhân dân giai đoạn 2016 2020.

Hiện nay, Bộ Công Thương đã yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) báo cáo tại Văn bản số 12382/BCT-TCNL ngày 22 tháng 12 năm 2016 về kết quả thực hiện nội dung số 03 “Cải tạo, nâng cấp, mở rộng hệ thống lưới điện nông thôn” theo Quyết định số 1600/QĐ-TTg của Chính phủ ngày 16 tháng 8 năm 2016 về Phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, để có giải pháp và chỉ đạo kịp thời theo lộ trình như phản ánh của cử tri.

27. Cử tri tỉnh Long An kiến nghị: Cử tri cho rằng giá điện ngày càng tăng cao làm ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân. Chất lượng điện tại một số nơi còn thấp, chưa đảm bảo nhu cầu tiêu dùng tối thiểu của người dân. Cử tri thắc mắc có phải do EVN độc quyền kinh doanh điện tạo ra sự thiếu công bằng với doanh nghiệp tư nhân. Do đó, cần xây dựng một thị trường cạnh tranh thực sự lành mạnh trong sản xuất và mua bán, tiêu thụ điện.

Trả lời: Tại công văn số 1170/BCT-KH ngày 15/02/2017

Về công tác điều tiết giá điện

Nhằm phát triển năng lượng bền vững, đáp ứng nhu cầu sử dụng điện của doanh nghiệp và người dân, đảm bảo tạo môi trường cạnh tranh và nâng cao hiệu quả kinh tế của ngành điện thì giá bán điện cần phản ánh được các chi phí sản xuất, kinh doanh điện cũng như đảm bảo các đơn vị điện lực có lợi nhuận hợp lý, đảm bảo các chỉ tiêu tài chính đáp ứng yêu cầu của các tổ chức tài chính cho vay vốn, từ đó tái đầu tư phát triển và khuyến khích các thành phần kinh tế khác đầu tư phát triển nguồn và lưới điện. Thực hiện mục tiêu trên, trong các năm vừa qua và những năm sắp tới việc điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân đã, đang và sẽ tiếp tục được thực hiện theo cơ chế thị trường trong phạm vi khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân do Thủ tướng Chính phủ quy định (khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân các năm 2013-2015 thực hiện theo quy định tại Quyết định số 2165/QĐ-TTg ngày 11 tháng 11 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ; đối với khung giá bán lẻ điện bình quân các năm 2016-2020, Bộ Công Thương đã có Báo cáo số 135/BC-BCT báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định) và cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân quy định tại Quyết định số 69/2013/QĐ-TTg ngày 19 tháng 11 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ (ngày 23 tháng 11 năm 2016, Bộ Công Thương đã có Công văn số 11234/BCT-ĐTĐL gửi Văn phòng Chính phủ về Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân thay thế Quyết định số 69/2013/QĐ-TTg). Tuy nhiên, để ổn định giá bán điện, đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng, thời điểm điều chỉnh và lượng điều chỉnh sẽ được xem xét, căn cứ vào tình hình kinh tế, xã hội của từng thời kỳ.

Về công tác kiểm tra tình hình cung cấp điện

Bộ Công Thương đã yêu cầu Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thường xuyên kiểm tra, giám sát các Công ty Điện lực trong quá trình thực hiện cung cấp điện cho khách hàng. Đồng thời, hàng năm Bộ Công Thương đã tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra việc tuân thủ các quy định của pháp luật về điện lực đối với các đơn vị điện lực và thực hiện các biện pháp xử lý đối với các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật.

Về xây dựng và phát triển thị trường điện Việt Nam

Hình thành và phát triển thị trường điện cạnh tranh là chiến lược phát triển dài hạn của ngành điện Việt Nam đã được quy định trong Luật Điện lực năm 2004 và được cụ thể hóa trong Quyết định số 63/2013/QĐ-TTg ngày 08 tháng 11 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ quy định về lộ trình, các điều kiện và cơ cấu ngành điện để hình thành và phát triển các cấp độ thị trường điện lực tại Việt Nam (thay thế Quyết định số 26/2006/QĐ-TTg). Theo đó, thị trường phát điện cạnh tranh chính thức vận hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2012. Các nguyên tắc vận hành thị trường điện và trách nhiệm của các đơn vị tham gia Thị trường phát điện cạnh tranh được quy định tại Thông tư số 30/2014/TT-BCT ngày 02 tháng 10 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định vận hành thị trường phát điện cạnh tranh và Thông tư số 51/2015/TT-BCT ngày 29 tháng 12 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Công Thương sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 30/2014/TT-BCT ngày 02 tháng 10 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định vận hành thị trường phát điện cạnh tranh và Thông tư số 56/2014/TT-BCT ngày 19 tháng 12 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định phương pháp xác định giá phát điện, trình tự kiểm tra hợp đồng mua bán điện.

Tiếp tục thực hiện quy định tại Lộ trình phát triển thị trường điện tại Việt Nam, từ năm 2015 thị trường điện Việt Nam sẽ chuyển từ thị trường phát điện cạnh tranh sang thị trường bán buôn điện cạnh tranh. Theo đó, thị trường bán buôn điện cạnh tranh Việt Nam sẽ được phát triển qua một số giai đoạn: i) Thí điểm bước 1 (trong năm 2016); ii) Thí điểm bước 2 (2017 - 2018); và iii) Chính thức (từ năm 2019).

 Đến thời điểm hiện tại, các công tác chuẩn bị cho thị trường bán buôn điện cạnh tranh theo Lộ trình đã được Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các đơn vị điện lực triển khai thực hiện và đã cơ bản hoàn thành; Hệ thống hạ tầng kỹ thuật, công nghệ thông tin phục vụ vận hành thị trường phát điện cạnh tranh đã được Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các đơn vị triển khai và hoàn thành các hạng mục cơ bản trong năm 2015; Bộ Công Thương cũng đã chỉ đạo các đơn vị tổ chức và hoàn thành các khóa đào tạo về thị trường bán buôn điện cạnh tranh cho các đơn vị tham gia thị trường trong năm 2016. Cụ thể, Bộ Công Thương đã ban hành:

- Quyết định 6463/2014/QĐ-BCT ngày 22 tháng 7 năm 2014 phê duyệt Thiết kế tổng thể thị trường bán buôn điện cạnh tranh Việt Nam.

- Quyết định số 8266/QĐ-BCT ngày 10 tháng 8 năm 2015 phê duyệt Thiết kế chi tiết Thị trường bán buôn điện cạnh tranh Việt Nam.

- Quyết định số 12751/QĐ-BCT ngày 23 tháng 11 năm 2015 phê duyệt Kế hoạch thực hiện vận hành Thị trường bán buôn điện cạnh tranh thí điểm năm 2016.

- Quyết định số 2760/QĐ-BCT ngày 30 tháng 6 năm 2016 phê duyệt Thiết kế tổng thể cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ Thị trường bán buôn điện cạnh tranh Việt Nam.

Trong năm 2017, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục triển khai thực hiện vận hành thị trường bán buôn thí điểm nhằm thực hiện các mục tiêu như: tạo điều kiện cho các đơn vị làm quen với các cơ chế vận hành của thị trường, đào tạo nâng cao năng lực cho các đơn vị, đồng thời đánh giá kiểm tra các cơ chế, quy trình vận hành thị trường bán buôn điện; hoàn thiện khung pháp lý cho thị trường bán buôn điện thông qua việc xây dựng và ban hành Thông tư quy định vận hành Thị trường bán buôn điện cạnh tranh (dự kiến ban hành trong tháng 6/2017), sau khi ban hành Thông tư này, Bộ Công Thương sẽ rà soát, đánh giá để sửa đổi bổ sung các văn bản pháp lý có liên quan nhằm hoàn thiện khung pháp lý cho thị trường bán buôn điện. Ngoài ra, Bộ Công Thương sẽ chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và các đơn vị đẩy mạnh công tác đầu tư cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ thị trường bán buôn điện theo phân công nhiệm vụ tại Quyết định 2760/QĐ-BCT ngày 30 tháng 6 năm 2016 của Bộ Công Thương.

28. Cử tri các tỉnh, thành phố Quảng Nam, Đà Nẵng kiến nghị: Đề nghị Bộ Công Thương tổ chức kiểm tra, đánh giá chất lượng các công trình thủy điện; xác định trách nhiệm của ngành, cá nhân có liên quan đến sự cố vỡ ống tại thủy điện Sông Bung 2; đồng thời, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chức năng thực hiện đúng quy trình xả lũ, có thông tin, thông báo kịp thời cho nhân dân khi có sự cố, thiên tai xẩy ra.

Trả lời: Tại công văn số 1183/BCT-KH ngày 15/02/2017

Những năm gần đây, các quy định của pháp luật về quản lý xây dựng và vận hành là tương đối đầy đủ và đảm bảo cho việc thực hiện quản lý, kiểm tra, kiểm soát chất lượng từ khảo sát, thiết kế, thi công đến nghiệm thu, khai thác sử dụng các công trình xây dựng, trong đó có công trình thủy lợi, thủy điện. Việc tổ chức kiểm tra, đánh giá chất lượng các công trình thủy điện trong thời gian vừa qua của Bộ Công Thương đã thực hiện đầy đủ theo các quy định của pháp luật về quản lý chất lượng xây dựng công trình xây dựng. Bộ Công Thương cũng sẽ tiếp tục tổ chức kiểm tra, đánh giá chất lượng các công trình thủy điện.

Ngoài ra, thực hiện Nghị quyết số 62/2013/QH13  ngày 27 tháng 11 năm 2013 của Quốc hội khóa XIII về tăng cường công tác quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng và vận hành khai thác công trình thủy điện và Nghị quyết số 11/NQ-CP  ngày 18 tháng 02 năm 2014 của Chính phủ, Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Xây dựng và địa phương đã tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát chất lượng công trình từ giai đoạn nghiên cứu đầu tư đến hoàn thành xây dựng công trình. Trường hợp vi phạm trong quản lý chất lượng xây dựng công trình xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.

Về sự cố vỡ ống tại thủy điện Sông Bung 2

Ngày 13 tháng 9 năm 2016, đã xảy ra sự cố hầm dẫn dòng công trình thủy điện Sông Bung 2 gây thiệt hại về tài sản và người. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ngay thời điểm sau sự cố, Bộ Công Thương đã thành lập Tổ Điều tra sự cố với sự tham gia của Bộ Xây dựng, địa phương, các cơ quan và chuyên gia độc lập. Bộ Công Thương đã lựa chọn Tổng công ty Tư vấn xây dựng thủy lợi Việt Nam (HEC) làm cơ quan tư vấn kiểm định nguyên nhân sự cố. Qua xem xét, đánh giá ban đầu có thể nói, sự cố có nguyên nhân liên quan đến chất lượng công trình chưa đảm bảo. Hiện nay, Bộ Công Thương đang tích cực chỉ đạo Tổ Điều tra và Tư vấn kiểm định khẩn trương đánh giá nguyên nhân sự cố (từ công tác quản lý dự án của Chủ đầu tư, tư vấn thiết kế, thi công xây dựng...) và làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, đơn vị có liên quan.

Về chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chức năng thực hiện đúng quy trình xả lũ, có thông tin, thông báo kịp thời cho nhân dân khi có sự cố, thiên tai xảy ra

Trong các năm gần đây, Bộ Công Thương đã ban hành các Chỉ thị, văn bản đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, cơ quan của địa phương, Chủ hồ chứa thủy điện tuân thủ việc vận hành đúng quy định của Quy trình vận hành liên hồ chứa và quy trình đơn hồ chứa; tổ chức kiểm tra và kiên quyết xử lý những nhà máy thuỷ điện không thực hiện đúng quy trình vận hành đã được phê duyệt, trong trường hợp vi phạm, đề nghị chuyển cho cơ quan chức năng xử lý; rà soát, xem xét, để điều chỉnh hoặc có kiến nghị điều chỉnh những nội dung của Quy trình vận hành hồ chứa thủy điện đã được phê duyệt cho phù hợp hơn với thực tế; xây dựng cơ chế phối hợp, trao đổi, cung cấp số liệu vận hành hồ chứa; tăng cường công tác tuyên truyền, giải thích cho nhân dân địa phương các nội dung của Quy trình vận hành, quy định về hệ thống các tín hiệu thông báo, cảnh báo lũ lụt vùng hạ du của việc vận hành nhà máy và xả lũ hồ chứa thủy điện; phối hợp với các đơn vị quản lý vận hành công trình thủy điện trong việc thông báo kịp thời tới người dân hạ du khi các hồ chứa thủy điện tiến hành xả lũ.

Trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ ban hành Chương trình hành động cụ thể và tiếp tục chỉ đạo và phối hợp với Ủy ban nhân dân các tỉnh để tăng cường hơn nữa công tác quản lý vận hành khai thác hồ chứa đảm bảo an toàn công trình và hạ du.

29. Cử tri tỉnh Quảng Nam kiến nghị: Đề nghị Bộ Công Thương chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Điện lực Miền trung sớm xúc tiến các thủ tục đầu tư xây dựng hệ thống lưới điện Quốc gia tại các huyện Nam Trà My, Bắc Trà My theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc (nay là Thủ tướng Chính phủ).

Trả lời: Tại công văn số 1190/BCT-KH ngày 15/02/2017

Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến chỉ đạo tại Văn bản số 838/TTg-KTN ngày 20 tháng 5 năm 2016 về việc giao Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thực hiện đầu tư tại các huyện Nam Trà My, Bắc Trà My, đến nay Tổng Công ty Điện lực miền Trung đang lập hồ sơ Báo cáo nghiên cứu khả thi để triển khai các bước tiếp theo.

30. Cử tri tỉnh Long An kiến nghị: Hiện  nay, nhu cầu sử dụng điện phục vụ sản xuất của tỉnh Long An ngày càng nhiều, trong khi đó sản lượng điện không đáp ứng đủ yêu cầu thực tế. Kiến nghị cho chủ trương thực hiện Dự án năng lượng mặt trời tại huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An và đồng thời, bổ sung vào quy hoạch phát triển năng lượng quốc gia đến năm 2020 (với quy mô khoảng 100 ha, với tổng mức đầu tư khoảng 23 triệu USD)

Trả lời: Tại công văn số 1170/BCT-KH ngày 15/02/2017

Bộ Công Thương ủng hộ việc phát triển các dạng năng lượng mới, năng lượng tái tạo, trong đó có các dự án điện mặt trời nhằm góp phần bổ sung nguồn năng lượng sạch, thân thiện môi trường cho hệ thống điện quốc gia, góp phần thực hiện Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2068/QĐ-TTg ngày 25 tháng 11 năm 2015.

Để có cơ sở xem xét, bổ sung dự án đầu tư Nhà máy điện mặt trời như kiến nghị của Tỉnh, đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh Long An chỉ đạo Sở Công Thương Long An thực hiện các thủ tục bổ sung dự án Nhà máy điện mặt trời vào Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh Long An theo quy định tại Thông tư số 43/2013/TT-BCT ngày 31 tháng 12 năm 2013 của Bộ Công Thương quy định nội dung, trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt và điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực, trình Bộ Công Thương thẩm định, phê duyệt. Bộ Công Thương sẽ hướng dẫn và phối hợp với Ủy ban nhân dân Tỉnh trong quá trình bổ sung quy hoạch.

31. Cử tri tỉnh An Giang kiến nghị: Đề nghị có chính sách thống nhất một giá điện, không tính giờ cao điểm đối với điện sử dụng phục vụ sản xuất nông nghiệp (tưới - tiêu ứng) để giúp nông dân giảm chi phí đầu vào. Với lý do, khi bơm nước vào ruộng phải đợi nước lớn, nhưng thủy triều thay đổi thời gian đôi khi rơi vào giờ cao điểm hoặc khi thời tiết bị mưa lớn ngập úng, phải bơm rút nước tiêu úng kịp thời để cứu lúa; do đó, bơm tưới - tiêu úng thường vào giờ cao điểm nên chi phí sản xuất rất cao, trong khi giá lúa thấp, bấp bênh nông dân sản xuất không có lời, đời sống khó khăn.

Trả lời: Tại công văn số 1171/BCT-KH ngày 15/02/2017

Đặc điểm của hệ thống điện luôn có sự chênh lệch giữa cao điểm và thấp điểm của biểu đồ phụ tải, cụ thể:

Biểu đồ phụ tải Hệ thống điện Quốc gia ngày 03/7/2015

Sự chênh lệch lớn giữa giờ cao điểm và thấp điểm làm cho hệ thống điện phải có dự phòng lớn. Một số nhà máy điện được đầu tư chỉ cho vận hành cao điểm có số giờ vận hành ít nên giá rất cao, việc điều hành hệ thống điện rất khó khăn, làm gia tăng tổn thất điện năng, tạo ra áp lực vốn đầu tư rất lớn để xây dựng nguồn điện mới chạy cao điểm, tính kinh tế toàn hệ thống giảm thấp. Do vậy, biện pháp áp dụng giá điện theo giờ bình thường, cao điểm và thấp điểm đã được áp dụng tại rất nhiều nước trên thế giới để giảm bớt nhu cầu phụ tải đỉnh của hệ thống, điều chỉnh biểu đồ phụ tải sao cho đạt hiệu quả kinh tế cao nhất, đem lại lợi ích cho vận hành hệ thống điện và nền kinh tế quốc dân.

Trong các giờ cao điểm, để đảm bảo đủ công suất, hệ thống điện quốc gia phải huy động các nhà máy tua bin khí chạy dầu hoặc nhà máy chạy dầu có giá phát điện rất cao. Vì vậy, giá phát điện là cao nhất và giá bán lẻ điện cũng sẽ là cao nhất vào giờ cao điểm hệ thống. Do đó, để phản ánh đúng thực tế chi phí sản xuất điện, biểu giá điện vào các giờ cao điểm cần phải cao hơn giá giờ bình thường hoặc thấp điểm.

Ngoài ra, việc áp dụng biểu giá bán lẻ điện theo thời gian sử dụng trong ngày nhằm khuyến khích khách hàng tiết kiệm chi phí dùng điện trong sản xuất và kinh doanh bằng cách dịch chuyển một phần những phụ tải không cần thiết từ giờ cao điểm sang giờ thấp điểm hay giờ bình thường, giảm nhu cầu phụ tải toàn hệ thống trong các giờ cao điểm, góp phần giảm áp lực vốn đầu tư xây dựng nguồn mới. Nếu không áp dụng giá cao điểm vào những giờ cao điểm của hệ thống, nhu cầu công suất của hệ thống sẽ còn tăng cao hơn nữa và sẽ dẫn tới tình trạng thiếu công suất giờ cao điểm phải sa thải phụ tải, cắt điện luân phiên.

Thực tế thực hiện trong những năm vừa qua cho thấy việc áp dụng giá điện theo thời gian sử dụng điện trong ngày thay vì áp dụng một mức giá điện là phù hợp trong giai đoạn hiện nay. Trong thời gian tới, tiếp thu ý kiến của cử tri, Bộ Công Thương sẽ có nghiên cứu, đánh giá sự phù hợp của cơ cấu biểu giá đối với từng đối tượng khách hàng sử dụng điện (trong đó có có khách hàng sử dụng điện cho mục đích bơm nước tưới tiêu) để có những điều chỉnh phù hợp với thực tế.

32. Cử tri thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị: Cử tri kiến nghị xem xét ngừng xây dựng các đập thuỷ điện, nhà máy thuỷ điện và khu công nghiệp gần bờ biển nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường.

Trả lời: Tại công văn số 1225/BCT-KH ngày 15/02/2017

Hiện nay, Bộ Công Thương chưa phê duyệt quy hoạch thủy điện và công trình thủy điện nào gần biển. Đối với các công trình thủy điện khác, nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường, theo quy định, Bộ Tài nguyên và môi trường hoặc Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường khi thực hiện đầu tư dự án.

33. Cử tri tỉnh Hà Tĩnh kiến nghị: Đề nghị sớm xây dựng và hướng dẫn về tiêu chí, định mức hỗ trợ kỹ thuật đối với các cơ sở áp dụng sản xuất sạch hơn trong công nghiệp kèm theo hồ sơ thanh quyết toán để các địa phương có căn cứ xây dựng dự toán và đề nghị hỗ trợ?

Trả lời: Tại công văn số 1181/BCT-KH ngày 15/02/2017

- Hướng dẫn nội dung chi và mức chi đối với hoạt động sản xuất sạch hơn hiện đang được quy định tại 02 văn bản: Thông tư liên tịch số 221/TTLT-BTC-BCT ngày 25 tháng 12 năm 2012 giữa Bộ Tài Chính và Bộ Công Thương về hướng dẫn chế độ quản lý, sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước thực hiện Chiến lược sản xuất sạch hơn trong công nghiệp đến năm 2020 và Thông tư liên tịch số 26/2014/TTLT-BTC-BCT giữa Bộ Tài chính và Bộ Công Thương ngày 18 tháng 02 năm 2014 về hướng dẫn trình tự lập, quản lý, sử dụng kinh phí khuyến công quốc gia và kinh phí khuyến công địa phương.

- Đối với định mức chi cho các hoạt động thực hiện sản xuất sạch hơn: theo các văn bản nêu trên, về cơ bản, các hoạt động thực hiện sản xuất sạch hơn được áp định mức chi theo các văn bản hiện hành mà không quy định mới. Tại Thông tư 26/2014/TTLT-BTC-BCT mức chi cho các hoạt động đã dẫn chiếu tới các văn bản hướng dẫn có liên quan để thuận tiện cho việc áp dụng trong thực tế. Riêng một số hoạt động mang tính đặc thù (đánh giá sản xuất sạch hơn) đã được quy định bổ sung định mức trong Thông tư 221/TTLT-BTC-BCT: “Mức chi hỗ trợ đánh giá sản xuất sạch hơn cho các cơ sở sản xuất công nghiệp tối đa không quá 50%  phí tư vấn nhưng không quá 50 triệu đồng/1 cơ sở” (Khoản 2, Điều 3, Thông tư 221).

Hiện nay, Bộ Tài chính đang chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan để sửa đổi Thông tư 221/TTLT-BTC-BCT theo hướng cụ thể và chi tiết hóa các nội dung chi, định mức chi phù hợp với điều kiện thực tiễn và tạo thuận lợi cho các đơn vị trong quá trình triển khai thực hiện. Thời gian qua, Bộ Công Thương đã chủ động phối hợp, trao đổi thông tin và đề xuất các nội dung cần sửa đổi, bổ sung của Thông tư 221. Trong thời gian tới, khi văn bản thay thế Thông tư 221/TTLT-BTC-BCT được ban hành, Bộ Công Thương sẽ tích cực phối hợp với Bộ Tài chính để phổ biến và hướng dẫn các địa phương, đơn vị có liên quan tổ chức thực hiện theo quy định.

34. Cử tri tỉnh Hà Tĩnh kiến nghị: Đề nghị sớm hoàn thiện và trình Chính phủ ban hành Nghị định về quản lý, phát triển cụm công nghiệp. Trong đó, quy định chặt chẽ việc đầu tư các cơ sở sản xuất công nghiệp phải được thực hiện trong cụm công nghiệp (ngoài các dự án đầu tư trong khu kinh tế, khu công nghiệp).

Trả lời: Tại công văn số 1181/BCT-KH ngày 15/02/2017

Thực hiện nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao, Bộ Công Thương đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành xây dựng Nghị định về quản lý, phát triển cụm công nghiệp. Trong quá trình thực hiện, Bộ Công Thương đã phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành và địa phương; đã tổ chức 2 Hội thảo lấy ý kiến góp ý của các nhà quản lý, chuyên gia, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong các lĩnh vực liên quan và trình Chính phủ xem xét ban hành (Tờ trình số 6688/TTr-BCT ngày 20 tháng 7 năm 2016).

Sau đó, Văn phòng Chính phủ đã chuyển ý kiến của các Thành viên Chính phủ đối với Dự thảo Nghị định để Bộ Công Thương hoàn thiện, đa số các Thành viên Chính phủ đã đồng ý thông qua Dự thảo, một số Thành viên Chính phủ đồng ý thông qua sau khi nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến góp ý. Hiện nay, Bộ Công Thương đã giải trình, tiếp thu ý kiến của Thành viên Chính phủ để hoàn thiện Dự thảo Nghị định, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, chính thức ký ban hành (Công văn số 10807 /BCT-CNĐP ngày 11 tháng 11 năm 2016). 

- Về đề nghị quy định chặt chẽ việc đầu tư các cơ sở sản xuất công nghiệp phải được thực hiện trong cụm công nghiệp (ngoài các dự án đầu tư trong khu kinh tế, khu công nghiệp), Bộ Công Thương báo cáo như sau: Trong năm 2012, Bộ Công Thương đã phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 07/CT-TTg ngày 02 tháng 3 năm 2012 về việc chấn chỉnh công tác quản lý và nâng cao hiệu quả hoạt động của các khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp; trong đó, yêu cầu Ủy ban nhân dân các tỉnh/thành phố chỉ đạo Ban quản lý khu kinh tế, khu công nghiệp và các sở, ngành liên quan tập trung các dự án đầu tư sản xuất kinh doanh trên địa bàn vào các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, kiên quyết không thu hồi thêm diện tích đất cho các dự án đầu tư sản xuất kinh doanh ngoài khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Đến nay, Chỉ thị 07/CT-TTg nêu trên của Thủ tướng Chính phủ đang có hiệu lực thi hành và được nhiều địa phương nghiêm túc thực hiện.

35. Cử tri tỉnh Hải Dương kiến nghị: Cử tri phản ánh dự án nhiệt điện BOT Hải Dương tại huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương đã hoàn thành việc thu hồi đất từ năm 2011 nhưng đến nay vẫn chưa hoạt động gây lãng phí, đề nghị có biện pháp giải quyết.

Trả lời: Tại công văn số 1186/BCT-KH ngày 15/02/2017

Liên quan đến tiến độ và biện pháp xử lý những tồn tại để đẩy nhanh quá trình xây dựng Dự án BOT Nhà máy nhiệt điện Hải Dương, Bộ Công Thương đã có Công văn số 6503/BCT-KH ngày 14 tháng 7 năm 2016 trả lời Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương và tiếp tục có Công văn số 8687/BCT-TCNL ngày 19 tháng 9 năm 2016 gửi Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương, Chủ đầu tư/Công ty BOT của Dự án hướng dẫn chi tiết biện pháp đẩy nhanh tiến độ.

Hiện nay, Bộ Công Thương vẫn đang tiếp tục theo dõi và đôn đốc Chủ đầu tư thực hiện theo cam kết với Chính phủ Việt Nam để đảm bảo tiến độ Dự án.

36. Cử tri tỉnh An Giang kiến nghị: Để chủ động trong tưới tiêu, từng bước thay thế trạm bơm dầu sang trạm bơm điện. Năm 2008, Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang đã ký hợp đồng trách nhiệm với Công ty Điện lực 2 (nay là Tổng Công ty Điện lực Miền Nam) đầu tư kéo mới, cải tạo đường dây trung thế, trạm biến áp, tổng giá trị đầu tư vốn gốc là 170,25 tỷ đồng theo hình thức vay thương mại. An Giang đã tích cực trả 133,74 tỷ đồng (lãi: 63,32 tỷ đồng, vốn gốc: 70,74 tỷ đồng); vốn gốc còn phải trả tiếp: 99,5 tỷ đồng. Do việc trả vốn và lãi của dự án từ nguồn thu của nông dân, nên tỉnh đề nghị cho khoanh nợ gốc còn phải trả (99,5 tỷ đồng) để không phát sinh lãi mới, giảm gánh nặng cho bà con nông dân. Việc này được Chính phủ giao Bộ Công Thương chỉ đạo tập đoàn Điện lực xem xét giải quyết đề nghị của Tỉnh khoanh nợ gốc, để không phát sinh lãi mới (Thông báo số 15/TB-VPCP ngày 18 tháng 01 năm 2016 của Văn phòng Chính phủ). Nhưng đến nay, vấn đề này chưa được giải quyết, đề nghị Bộ Công Thương sớm giải quyết cho An Giang.

Trả lời: Tại công văn số 1176/BCT-KH ngày 15/02/2017

Bộ Công Thương đã có Văn bản số 11252/BCT-TCNL ngày 24 tháng 11 năm 2016 về giải quyết khoản vay đầu tư lưới điện phát triển trạm bơm phục vụ sản xuất nông nghiệp, theo đó đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang làm việc với Tổng công ty điện lực miền Nam phối hợp giải quyết theo các nội dung tại Thông báo số 15/TB-VPCP ngày 18 tháng 01 năm 2016 của Văn phòng Chính phủ (gửi kèm theo).

37. Cử tri tỉnh An Giang kiến nghị: Người dân ở nông thôn đa số sử dụng điện chủ yếu cho ánh sáng và một số phục vụ sinh hoạt gia đình (không có sản xuất hoặc kinh doanh) nhưng phải chịu cách tính giá bậc thang là chưa phù hợp. Kiến nghị cần Bộ Công Thương xem xét lại.

Trả lời: Tại công văn số 1176/BCT-KH ngày 15/02/2017

Hiện nay, phần lớn lượng điện năng được sản xuất từ các nguồn nguyên liệu hóa thạch, không tái tạo được như than đá, dầu mỏ, khí đốt trong khi các nguồn năng lượng tái tạo như: năng lượng mặt trời, gió… chưa phát triển mạnh, nguyên nhân là do hiệu quả chưa cao, cách thức sử dụng còn khá phức tạp và chi phí đắt đỏ. Trong khi chờ những giải pháp hiệu quả hơn cho việc sử dụng nguồn năng lượng tái tạo, việc sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả được xem như là biện pháp quan trọng và cần thiết trong giai đoạn hiện nay.

Nhằm khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả, rất nhiều nước trên thế giới đã và đang áp dụng giá điện theo các bậc để phù hợp với các mức sử dụng điện khác nhau của các hộ dân với giá điện của các bậc tăng dần (hộ sử dụng điện càng nhiều, không tiết kiệm điện, sử dụng các thiết bị tiêu hao nhiều năng lượng sẽ phải áp dụng giá điện cao hơn), cụ thể:

TT

Quốc gia

Hình thức áp dụng giá điện

sinh hoạt

Số bậc thang điện sinh hoạt

1

Nhật Bản

Lũy tiến theo bậc

3 bậc

2

Thái Lan

- Lũy tiến theo bậc

 

- Được lựa chọn áp dụng giá theo thời gian sử dụng (TOU)

- Dưới 150 kWh/tháng: 7 bậc

- Trên 150 kWh/tháng: 3 bậc

3

Malaisia

Lũy tiến theo bậc

10 bậc

4

Philipines

Lũy tiến theo bậc

8 bậc

5

Hàn Quốc

Lũy tiến theo bậc

6 bậc

7

Indonesia

Lũy tiến theo bậc

3 bậc

8

Hồng Kông

Lũy tiến theo bậc

7 bậc

9

Nam Phi

Lũy tiến theo bậc

6 bậc

10

Lào

Lũy tiến theo bậc

3 bậc

Thực hiện khoản 13 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực trong đó quy định giá điện theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước và khoản 15 Điều 1 giao Thủ tướng Chính phủ quy định cơ cấu biểu giá bán lẻ điện, ngày 07 tháng 4 năm 2014, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 28/2014/QĐ-TTg về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện có hiệu lực từ ngày ngày 01 tháng 6 năm 2014 (thay thế Quyết định số 268/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 23 tháng 02 năm 2011) với các mục tiêu chính sau:

- Giảm dần việc bù chéo giá điện giữa các đối tượng sử dụng điện và không bán điện dưới giá thành.

- Tách bạch hoạt động sản xuất kinh doanh điện của doanh nghiệp điện với thực hiện chính sách an sinh - xã hội của Đảng, Nhà nước đối với hộ nghèo, hộ chính sách xã hội thông qua hỗ trợ tiền điện trực tiếp từ ngân sách Nhà nước.

- Biểu giá bán lẻ điện được xây dựng phù hợp theo hướng không quy định quá nhiều bậc thang, qua đó tạo thuận lợi cho người tiêu dùng và cơ quan quản lý theo dõi, áp dụng.

Thực hiện các mục tiêu nêu trên, giá bán lẻ điện cho sinh hoạt tiếp tục được thiết kế theo các bậc để phù hợp với các mức sử dụng điện khác nhau của các hộ dân với giá điện của các bậc tăng dần nhằm khuyến khuyến khích các hộ dân sử dụng điện hiệu quả, tiết kiệm. Thực tế áp dụng trong những năm qua cho thấy việc áp dụng giá bán điện sinh hoạt theo các bậc là đơn giản trong áp dụng nhưng vẫn đạt được mục tiêu khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm hiệu quả.

Trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục đánh giá việc thực hiện và nghiên cứu cơ chế giá bán điện sinh hoạt phù hợp với thực tế sử dụng điện của các hộ sử dụng điện cũng như phù hợp với sự phát triển trong kỹ thuật đo đếm điện năng.

38. Cử tri tỉnh Lâm Đồng kiến nghị: Việc triển khai khu tái định cư lòng hồ thủy điện Đạ Dâng – Đạ Chomo chưa thanh toán tiền đền bù đã được Bộ Công Thương trả lời tại văn bản số 6547/BCT-KH ngày 15 tháng 7 năm 2016. Tuy nhiên, cử tri xã Lát, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng tiếp tục kiến nghị chủ đầu tư sớm triển khai dự án và thanh toán tiền đền bù để nhân dân ổn định cuộc sống.

Trả lời: Tại công văn số 1177/BCT-KH ngày 15/02/2017

Công tác bồi thường giải phóng mặt bằng: 

 - Căn cứ vào Quyết định số 660/QĐ-UBND ngày 10 tháng 4 năm 2009 của Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng về việc bồi thường giải phóng mặt bằng (BTGPMB) hạng mục tái định cư, số tiền BTGPMB cho 23 hộ dân là: 4.659.586.900 đồng.

- Căn cứ vào Quyết định số 750/QĐ-UBND ngày 18 tháng 5 năm 2009 của Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng về việc chi thưởng cho các hộ dân nhận tiền BTGPMB đúng hạn, số tiền BTGPMB chi thưởng cho 23 hộ dân là: 220.000.000 đồng.

Ngày 17 tháng 4 năm 2009, Công ty Cổ phần đầu tư và Xây dựng điện Long Hội (Công ty) đã trả cho 23 hộ dân là: 4.879.586.900 đồng. Các hộ dân đều đã nhận đủ tiền.

Công tác san lấp mặt bằng và xin thủ tục phê duyệt thiết kế của khu tái định cư

- Từ năm 2009 và năm 2010, Chủ đầu tư đã thực hiện việc san lấp mặt bằng khu tái định cư và đã thuê thiết kế hạ tầng của khu tái định cư, tại thời điểm năm 2010 do thiết kế của Công ty chưa phù hợp vì vậy chưa được Ủy ban nhân dân huyện Lạc Dương phê duyệt.

- Từ năm 2014 cho đến tháng 8 năm 2016, dự án gặp sự cố sập hầm do vậy công trường đã dừng thi công tất cả các hạng mục, đến tháng 8 năm 2016 UBND tỉnh Lâm Đồng mới cấp phép cho Chủ đầu tư được thi công trở lại.

- Đến tháng 9 năm 2016 Chủ đầu tư đã ký hợp đồng số 346/2016 ngày 22 tháng 9 năm 2016 với Công ty Cổ phần Xây dựng tuổi trẻ Đất Việt về việc lập đồ án quy hoạch chi tiết khu tái định cư Păng Tiêng, xã Lát, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng. Đến tháng 12 năm 2016, Công ty điện Long Hội đã lập tờ trình gửi Ủy ban nhân dân huyện Lạc Dương phê duyệt quy hoạch chi tiết, hiện tại Chủ đầu tư đang lập dự toán và trình Ủy ban nhân dân huyện Lạc Dương phê duyệt dự toán công trình để tiến hành thi công.

Bộ Công Thương sẽ tiếp tục chỉ đạo Chủ đầu tư phối hợp với địa phương sớm triển khai dự án để nhân dân ổn định cuộc sống.

39. Cử tri tỉnh Lâm Đồng kiến nghị: Thủy điện Đa Nhim đầu tư thêm 01 đường ống xuống Ninh Thuận gây khô hạn nguồn nước sông Đa Nhim, đề nghị Tập đoàn điện lực Việt Nam đầu tư đắp thêm đập để tạo nguồn nước dự trữ.

Trả lời: Tại công văn số 1177/BCT-KH ngày 15/02/2017

Theo quy định của Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Đồng Nai đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Quyết định số 471/QĐ-TTg ngày 24 tháng 3 năm 2016. Trong đó, hồ chứa thủy điện Đơn Dương (Đa Nhim) trong mùa cạn bắt buộc phải xả xuống hạ du sông Đa Nhim với lưu lượng theo yêu cầu của UBND tỉnh Lâm Đồng.

Ý kiến kiến nghị của cử tri về đầu tư đắp thêm đập để tạo nguồn nước dự trữ còn phụ thuộc vào điều kiện kỹ thuật và điều kiện địa hình, thủy văn trên khu vực. Nên đối với việc đầu tư đắp thêm đập, đề nghị cử tri có ý kiến với Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, luận chứng sự cần thiết và kiến nghị với các Bộ, ngành liên quan.

40. Cử tri tỉnh Lâm Đồng kiến nghị: Đề nghị Bộ Công Thương, Tập đoàn điện lực Việt Nam quan tâm tới việc điều tiết nước thủy điện Đa Nhim vào mùa khô không gây ảnh hưởng tới việc sản xuất nông nghiệp trong toàn huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng.

Trả lời: Tại công văn số 1177/BCT-KH ngày 15/02/2017

Bộ Công Thương sẽ tiếp tục chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Công ty Cổ phần thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi điều tiết hồ chứa thủy điện Đa Nhim vào mùa khô không gây ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, tuân thủ đúng theo Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Đồng Nai theo Quyết định số 471/QĐ-TTg ngày 24 tháng 3 năm 2016.

41. Cử tri tỉnh Quảng Trị kiến nghị: Nhân dân vùng biên giới tỉnh Quảng Trị, tỉnh Savannakhet và tỉnh Salavan của nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào gặp rất nhiều khó khăn trong việc kinh doanh, buôn bán qua lại khu vực biên giới hai nước Việt- Lào. Trước đây, quy định người lao động Việt Nam khi qua kinh doanh trên nước bạn Lào chỉ phải nộp thuế các mặt hàng kinh doanh. Nhưng nay, theo quy định từ phía Chính phủ Lào bắt buộc phải có thẻ lao động, phải chi phí thêm khoảng trên 2 triệu Việt Nam đồng/quý và không cho buôn bán nhỏ lẻ. Đề nghị Chính phủ kiến nghị Chính phủ Lào tạo cơ chế thông thoáng cho nhân dân vùng biên giới Việt - Lào thuận lợi trong kinh doanh, hỗ trợ giúp nhau cùng phát triển kinh tế - xã hội.

Trả lời: Tại công văn số 1193/BCT-KH ngày 15/02/2017

Việt Nam và Lào đã có các Hiệp định và Thỏa thuận về việc tạo thuận lợi cho phương tiện, hàng hóa qua lại biên giới nhằm đẩy mạnh hơn nữa việc khuyến khích phát triển hợp tác đầu tư, thương mại giữa hai nước. Trong thời gian qua, theo chức năng, nhiệm vụ được Chính phủ phân công, Bộ Công Thương đã phối hợp với phía Lào tổ chức các đoàn công tác đi kiểm tra và tiếp thu tình hình hoạt động tại khu vực biên giới, cửa khẩu biên giới hai nước. Tuy nhiên, phía Lào cũng có những quy định về quản lý lao động nước ngoài, đề nghị ta cần tôn trọng và hướng dẫn cập nhật cụ thể cho lao động Việt Nam. Bộ Công Thương hai nước sẽ phối hợp, cung cấp thông tin, đề xuất các phương án thực hiện đảm bảo việc thực hiện đúng các quy định mà hai nước ký kết.

Tại cuộc họp thường niên lần thứ XXVI Đoàn đại biểu biên giới Việt Nam - Lào ngày 05 tháng 01 năm 2017, phía ta đã đề nghị phía Lào báo cáo Lãnh đạo cấp cao về việc quan tâm, giải quyết khó khăn của lao động Việt Nam đang làm ăn chân chính tại Lào và thực hiện Chỉ thị số 62/TTg ngày 13 tháng 11 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ Lào “về việc tạo điều kiện và hợp tác trong đăng ký, cấp thẻ lao động tạm thời cho người nước ngoài”.

Bên cạnh đó, hàng năm Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Công Thương Lào đã thành lập đoàn công tác đi thực tế và kiểm tra việc thực hiện các quy định nhằm giải quyết kịp thời và tháo gỡ khó khăn cho người lao động hai nước.

42. Cử tri thành phố Hải Phòng kiến nghị: Cử tri đề nghị rà soát các nhóm sản phẩm cơ khí để xây dựng mới danh mục các ngành cơ khí trọng điểm sát với thực tế năng lực sản xuất của các doanh nghiệp cơ khí trong nước. Đồng thời, nghiên cứu sửa đổi Quyết định số 10/QĐ-TTg ngày 16 tháng 01 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế hỗ trợ phát triển sản xuất sản phẩm cơ khí trọng điểm, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp cơ khí chế tạo đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu.

Trả lời: Tại công văn số 1167/BCT-KH ngày 15/02/2017

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng tại Công văn số 986/TTg-KTN ngày 09 tháng 6 năm 2016, Bộ Công Thương đã hoàn thiện và trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo “Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Chính sách hỗ trợ, ưu đãi phát triển sản xuất sản phẩm cơ khí trọng điểm giai đoạn từ năm 2017 đến năm 2020” (thay cho Quyết định số 10/2009/QĐ-TTg ngày 16 tháng 01 năm 2009). Nội dung dự thảo Quyết định  bao gồm những cơ chế, chính sách hỗ trợ về tài chính, tín dụng đầu tư, hạ tầng, hỗ trợ đào tạo, nghiên cứu phát triển... phù hợp với các quy định của pháp luật hiện hành như Luật Đầu tư số 67/2014/QH 13 ngày 20 tháng 11 năm 2014; Luật Đầu tư công số 49/2014/QH 13 ngày 18 tháng 6 năm 2014; Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13 ngày 26 tháng 11 năm 2013 và dự kiến tập trung vào các chuyên ngành cơ khí trọng điểm có lợi thế phát triển, phù hợp với năng lực của doanh nghiệp trong nước như: ô tô, thiết bị điện, thiết bị nhà máy điện, cơ khí phục vụ nông nghiệp... Quyết định này sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt sẽ có tác dụng tích cực trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp cơ khí trong nước đầu tư sản xuất các sản phẩm cơ khí trọng điểm giai đoạn đến năm 2020 phục vụ nhu cầu trong nước và thay thế nhập khẩu, tiến tới xuất khẩu.

43. Cử tri thành phố Hải Phòng kiến nghị: Chính sách phát triển một số ngành công nghiệp hỗ trợ theo Quyết định số 12/2011/QĐ-TTg ngày 24 tháng 02 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ chưa đủ mạnh để tạo đột biến phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam, các chính sách mang tính lồng ghép trong nhiều chính sách và Chương trình khác nhau. Trong khi đó, nguồn lực ngân sách nhà nước đầu tư cho ngành công nghiệp hỗ trợ rất hạn chế, các doanh nghiệp rất khó tiếp cận với sự hỗ trợ của nhà nước. Cử tri đề nghị sửa đổi, ban hành chính sách hỗ trợ phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam đặc biệt hỗ trợ các ngành cơ khí trọng điểm.

Trả lời: Tại công văn số 1167/BCT-KH ngày 15/02/2017Trong thời gian qua, Chính phủ đã ban hành các Quyết định số 12/2011/QĐ-TTg ngày 24 tháng 02 năm 2011 quy định về chính sách phát triển một số ngành công nghiệp hỗ trợ (CNHT) và Quyết định số 1483/QĐ-TTg ngày 26 tháng 8 năm 2011 ban hành danh mục sản phẩm CNHT ưu tiên phát triển.

Từ khi Quyết định số 12/2011/QĐ-TTg và Quyết định 1483/QĐ-TTg có hiệu lực đến nay, chỉ có duy nhất 1 doanh nghiệp FDI (Công ty TNHH Kyocera Việt Nam) nộp hồ sơ và được Hội đồng xem xét thẩm định và trình Chính phủ chấp thuận hưởng ưu đãi. Công ty TNHH Kyocera Việt Nam được hưởng các chính sách ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp cho Dự án CNHT linh kiện dán bề mặt. Tuy nhiên, các ưu đãi này được hưởng dựa trên cơ sở các ưu đãi của Luật Công nghệ cao.

Ngày 03 tháng 11 năm 2015, Bộ Công Thương đã trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành  Nghị định số 111/2015/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2016, theo đó, tập trung vào 6 ngành ưu tiên phát triển: dệt - may, da - giày, điện tử, sản xuất lắp ráp ô tô, cơ khí chế tạo (trong đó có các sản phẩm cơ khí trọng điểm), sản phẩm CNHT cho công nghệ cao.

Nghị định số 111/2015/NĐ-CP đã đưa ra nhiều cơ chế ưu đãi cho các doanh nghiệp có dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ thuộc Danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển, gồm các ưu đãi về thuế (thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng), về tín dụng đầu tư - đặc biệt là đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, về bảo vệ môi trường, tiền thuê đất, mặt nước...

Ngày 30 tháng 12 năm 2015, Bộ trưởng Bộ Công Thương cũng đã ban hành Thông tư số 55/2015/TT-BCT quy định trình tự, thủ tục xác nhận ưu đãi và hậu kiểm ưu đãi đối với Dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ thuộc Danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển, cụ thể hóa các thủ tục xác nhận ưu đãi và hậu kiểm ưu đãi, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận với các chính sách ưu đãi của Nghị định số 111/2015/NĐ-CP.

Ngày 18 tháng 01 năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 68/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ từ năm 2016 đến năm 2025, với nhiều chính sách hỗ trợ cụ thể cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ nội địa.

Hiện nay, Bộ Công Thương đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định ban hành Quy chế quản lý và thực hiện Chương trình nhằm tạo khung pháp lý rõ ràng cho việc thực hiện các nội dung, chính sách của Chương trình.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương đang nghiên cứu sự cần thiết xây dựng và ban hành Luật phát triển công nghiệp hỗ trợ, dự kiến sẽ trình Quốc hội trong thời gian tới, nhằm tạo ra các cơ chế, chính sách mạnh mẽ hơn nữa thúc đẩy sự phát triển của ngành này.

44. Cử tri thành phố Hải Phòng kiến nghị: Cử tri phản ánh, việc quản lý nguồn gốc xuất xứ, truy suất hồ sơ khoáng sản rất quan trọng để quản lý hoạt động khai thác tài nguyên và chống khai thác trái phép, xuất khẩu lậu ra nước ngoài. Tuy nhiên, hiện nay quy định của pháp luật trong quản lý khoáng sản chưa đầy đủ, đề nghị Bộ Công Thương sớm ban hành bổ sung quy định pháp luật về kiểm soát nguồn gốc, xuất xứ của khoáng sản được đưa vào chế biến, sản xuất, vận chuyển, lưu trữ và kinh doanh hợp pháp để phân biệt với khoáng sản được khai thác, vận chuyển, xuất khẩu trái phép (không có giấy phép hoặc vượt sản lượng nộp thuế).

Trả lời: Tại công văn số 1167/BCT-KH ngày 15/02/2017

Liên quan đến quy định về kiểm soát nguồn gốc, xuất xứ của khoáng sản được đưa vào chế biến, sản xuất, vận chuyển, lưu trữ và kinh doanh hợp pháp để phân biệt với khoáng sản được khai thác, vận chuyển, xuất khẩu trái phép, ngày 05 tháng 7 năm 2016, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 12/2016/TT-BCT về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 41/2012/TT-BCT ngày 21 tháng 12 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định về xuất khẩu khoáng sản, có hiệu lực từ ngày 20 tháng 8 năm 2016, theo đó đã quy định cụ thể hơn đối với nguồn gốc khoáng sản xuất khẩu để ngăn chặn nguồn gốc khoáng sản trái phép.

Hiện nay quy định của pháp luật trong quản lý khoáng sản chưa thực sự đủ mạnh, ngoài việc quản lý nguồn gốc khoáng sản xuất khẩu nêu trên, để kiểm soát chặt chẽ hơn nguồn gốc, xuất xứ của khoáng sản được đưa vào chế biến, sản xuất, vận chuyển, lưu trữ và kinh doanh hợp pháp để phân biệt với khoáng sản được khai thác, vận chuyển, xuất khẩu trái phép, Bộ Công Thương đang xây dựng Nghị định về quản lý hoạt động khai thác và kinh doanh khoáng sản, dự thảo Nghị định hiện đã được đăng tải trên mạng nội bộ của Bộ Công Thương để lấy ý kiến rộng rãi của các tổ chức, cá nhân trước khi gửi xin ý kiến các Bộ, ngành và địa phương, dự kiến hoàn thành, trình Thủ tướng Chính phủ vào tháng 6 năm 2017.

45. Cử tri thành phố Hải Phòng kiến nghị: Cử tri đề nghị nghiên cứu ban hành chính sách khuyến khích, ưu tiên các doanh nghiệp trong nước trong việc sản xuất vật liệu mới để các doanh nghiệp có điều kiện, động lực nghiên cứu, sản xuất, chế tạo các vật liệu mới, tạo ưu thế mới cho Việt Nam và hạn chế nhập khẩu.

Trả lời: Tại công văn số 1167/BCT-KH ngày 15/02/2017

Vật liệu mới bao gồm nhiều sản phẩm được ứng dụng trong nhiều ngành khác nhau như xây dựng, y tế, công nghệ thông tin và truyền thông, công nghiệp. Hiện nay theo chức năng nhiệm vụ được Chính phủ phân công, phát triển công nghệ và phát triển sản xuất sản phẩm vật liệu mới thuộc trách nhiệm quản lý của nhiều Bộ ngành khác nhau.

Về phía Bộ Công Thương được Chính phủ phân công nhiệm vụ triển khai Chương trình phát triển một số ngành công nghệ cao và Kế hoạch phát triển một số ngành công nghiệp công nghệ cao đến năm 2020. Theo đó, các doanh nghiệp có dự án đầu tư khi đăng ký tham gia các Chương trình, Kế hoạch sẽ được Bộ Công Thương xem xét phê duyệt hoặc trình cấp có thẩm quyền phê duyệt hưởng các cơ chế, chính sách ưu đãi hỗ trợ để nghiên cứu, sản xuất, chế tạo các vật liệu mới theo quy định của pháp luật về Công nghệ cao nhằm tạo ưu thế mới cho doanh nghiệp Việt Nam và hạn chế nhập khẩu.

Một số chính sách hiện hành khuyến khích, ưu tiên các doanh nghiệp trong nước trong việc sản xuất vật liệu mới:

- Tại Luật số 21/2008/QH12 ngày 13 tháng 11 năm 2008 ban hành Luật Công nghệ cao, theo đó tại Điểm c, Khoản 1, Điều 5 quy định Công nghệ vật liệu mới là Công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển.

- Nghị định số 111/2015/NĐ-CP ngày 03 tháng 11 năm 2015 của Chính phủ về phát triển công nghiệp hỗ trợ, trong đó, Khoản 3, Điều 5 quy định “Nhà nước hỗ trợ tối đa đến 75% chi phí chuyển giao công nghệ đối với Dự án sản xuất vật liệu có sử dụng trên 85% nguyên liệu là sản phẩm của quá trình chế biến sâu khoáng sản trong nước bao gồm quặng kim loại, quặng phi kim loại và sản phẩm hóa dầu để phục vụ cho sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ”. Ngoài ra, một số vật liệu sản xuất linh kiện điện tử: Chất bán dẫn, vật liệu từ cứng, vật liệu từ mềm, chất cách điện tích cực; vật liệu giảm chấn trong ngành sản xuất lắp ráp ô tô; thép chế tạo trong ngành cơ khí chế tạo… cũng thuộc Danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển.

- Tại Điểm c, Khoản 2, Điều 10 “Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ” của Nghị định 111 quy định chính sách hỗ trợ cho hoạt động nghiên cứu, chế tạo vật liệu mới: “Hỗ trợ nghiên cứu phát triển, ứng dụng chuyển giao và đổi mới công nghệ trong sản xuất thử nghiệm linh kiện, phụ tùng và vật liệu”. Hiện tại, Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ được Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Quyết định số 68/QĐ-TTg ngày 18 tháng 01 năm 2017 đã cụ thể hóa các quy định này.

46. Cử tri tỉnh Long An kiến nghị: Cử tri và nhân dân rất bức xúc về một số dự án của ngành công thương có số vốn đầu tư rất lớn này nhưng lại không hiệu quả, gây lãng phí, kiến nghị có xử lý trách nhiệm và công khai cho nhân dân biết.

Trả lời: Tại công văn số 1187/BCT-KH ngày 15/02/2017

Thời gian vừa qua, Thủ tướng Chính phủ cũng như các Bộ ngành, địa phương liên quan đã rất quyết liệt vào cuộc để giải quyết khó khăn tại các dự án thua lỗ, chậm tiến độ, trong đó có dự án Nhà máy bột giấy Phương Nam. Cụ thể, ngày 30 tháng 12 năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã ký, ban hành Quyết định số 2551/QĐ-TTg về việc thành lập Ban Chỉ đạo xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án và doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành công thương, đồng thời Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ký Quyết định số 4898/QĐ-BCT ngày 15 tháng 12 năm 2016 về việc thành lập Ban Chỉ đạo xử lý các vấn tồn tại ở các dự án lớn chậm tiến độ, kém hiệu quả trong ngành Công Thương. Ban Chỉ đạo có nhiệm vụ rà soát, đánh giá toàn diện các vấn đề tồn tại trong quá trình thực hiện các dự án lớn ở một số Tập đoàn, Tổng công ty thuộc ngành Công Thương; đánh giá nguyên nhân dẫn đến tình trạng thua lỗ, kém hiệu quả của các dự án; xác định vai trò, trách nhiệm của tập thể, cá nhân có liên quan trong quá trình xây dựng và triển khai dự án; chỉ đạo triển khai thực hiện các nhiệm vụ đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ kết luận; kiến nghị các phương án giải quyết cụ thể đối với từng dự án để báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định và tổ chức triển khai thực hiện.

Đến nay, Ban chỉ đạo của Chính phủ đã tiến hành triển khai kiểm tra tại các Dự án và đồng chí Trưởng ban chỉ đạo đã trực tiếp chỉ đạo các thành viên, Bộ, ngành và Doanh nghiệp liên quan thực hiện các công việc cấp bách như đánh giá toàn diện các vấn đề tồn tại trong quá trình thực hiện các dự án, nguyên nhân dẫn đến dự án chậm tiến độ, thua lỗ, trách nhiệm của các tổ chức cá nhân… Như vậy, có thể thấy sự vào cuộc của Chính phủ, các Bộ, ngành liên quan là hết sức khẩn trương, trong thời gian tới, hướng xử lý, giải pháp khắc phục, kết quả xử lý các Dự án, cũng như trách nhiệm của các tổ chức cá nhân liên quan sẽ được công bố công khai cho nhân dân.

47. Cử tri tỉnh Long An kiến nghị: Đề nghị công bố công khai cho người dân biết việc xử lý Nhà máy Bột giấy Phương Nam (Long An). Nêu rõ trách nhiệm quản lý của các tổ chức, cá nhân có liên quan đến Dự án Nhà máy có số vốn đầu tư trên 3.000 tỉ đồng bị phá sản. Hướng khắc phục tình trạng lãng phí đất đai của dự án này trong thời gian tới như thế nào?

Trả lời: Tại công văn số 1187/BCT-KH ngày 15/02/2017

Thời gian vừa qua, Thủ tướng Chính phủ cũng như các Bộ ngành, địa phương liên quan đã rất quyết liệt vào cuộc để giải quyết khó khăn tại các dự án thua lỗ, chậm tiến độ, trong đó có dự án Nhà máy bột giấy Phương Nam. Cụ thể, ngày 30 tháng 12 năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã ký, ban hành Quyết định số 2551/QĐ-TTg về việc thành lập Ban Chỉ đạo xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án và doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành công thương, đồng thời Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ký Quyết định số 4898/QĐ-BCT ngày 15 tháng 12 năm 2016 về việc thành lập Ban Chỉ đạo xử lý các vấn tồn tại ở các dự án lớn chậm tiến độ, kém hiệu quả trong ngành Công Thương. Ban Chỉ đạo có nhiệm vụ rà soát, đánh giá toàn diện các vấn đề tồn tại trong quá trình thực hiện các dự án lớn ở một số Tập đoàn, Tổng công ty thuộc ngành Công Thương; đánh giá nguyên nhân dẫn đến tình trạng thua lỗ, kém hiệu quả của các dự án; xác định vai trò, trách nhiệm của tập thể, cá nhân có liên quan trong quá trình xây dựng và triển khai dự án; chỉ đạo triển khai thực hiện các nhiệm vụ đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ kết luận; kiến nghị các phương án giải quyết cụ thể đối với từng dự án để báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định và tổ chức triển khai thực hiện.

Đến nay, Ban chỉ đạo của Chính phủ đã tiến hành triển khai kiểm tra tại các Dự án và đồng chí Trưởng ban chỉ đạo đã trực tiếp chỉ đạo các thành viên, Bộ, ngành và Doanh nghiệp liên quan thực hiện các công việc cấp bách như đánh giá toàn diện các vấn đề tồn tại trong quá trình thực hiện các dự án, nguyên nhân dẫn đến dự án chậm tiến độ, thua lỗ, trách nhiệm của các tổ chức cá nhân… Như vậy, có thể thấy sự vào cuộc của Chính phủ, các Bộ, ngành liên quan là hết sức khẩn trương, trong thời gian tới, hướng xử lý, giải pháp khắc phục, kết quả xử lý các Dự án, cũng như trách nhiệm của các tổ chức cá nhân liên quan sẽ được công bố công khai cho nhân dân.

48. Cử tri tỉnh Quảng Nam kiến nghị: Đề nghị Chính phủ có chủ trương, chính sách khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô nội địa; bảo vệ và phát triển ngành công nghiệp ô tô trong nước theo định hướng chiến lược ô tô Việt Nam, tránh tình trạng các doanh nghiệp trong nước dần chuyển thành các nhà nhập khẩu, nhất là khi ngành ô tô đang trong lộ trình giảm thuế theo các cam kết hội nhập Quốc tế.

Trả lời: Tại công văn số 1174/BCT-KH ngày 15/02/2017

Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 (Quyết định số 1168/QĐ-TTg ngày 16 tháng 7 năm 2014) và Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 (Quyết định số 1211/QĐ-TTg ngày 24 tháng 7 năm 2014) gồm những nội dung chủ yếu sau:

1. Mục tiêu, định hướng phát triển công nghiệp ô tô Việt Nam

1.1. Mục tiêu:

Phát triển công nghiệp ô tô trở thành ngành công nghiệp quan trọng để phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh, quốc phòng của đất nước.

1.2. Định hướng:

- Về phát triển sản phẩm: Đối với xe chở người đến 9 chỗ ngồi: định hướng cho giai đoạn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 là tập trung vào phát triển các sản phẩm xe con phù hợp với người Việt Nam và xu hướng phát triển xe con của thế giới (xe thân thiện môi trường: eco car, hybrid…) gồm: Xe cá nhân, kích thước nhỏ, tiêu thụ ít năng lượng, thân thiện với môi trường và giá cả phù hợp với người tiêu dùng Việt Nam. Đối với xe tải và xe khách: tập trung vào phát triển các chủng loại sản phẩm sản xuất trong nước có lợi thế và các sản phẩm phục vụ nông nghiệp, nông thôn; các loại xe chuyên dùng, gồm có: xe tải nhỏ đa dụng phục vụ cho nông nghiệp, nông thôn; xe khách tầm trung và tầm ngắn; xe chở bê tông, xi téc và đặc chủng an ninh - quốc phòng; xe nông dụng đa chức năng.

- Về công nghiệp hỗ trợ: định hướng cho thời gian tới là tăng cường hợp tác giữa các doanh nghiệp trong nước và các doanh nghiệp lớn nước ngoài trong việc sản xuất linh kiện và phụ tùng, trong đó tập trung vào các bộ phận quan trọng, hàm lượng công lượng công nghệ cao để phục vụ nhu cầu của thị trường trong nước, thay thế nhập khẩu, tiến tới xuất khẩu.

- Hình thành doanh nghiệp qui mô lớn (dẫn dắt thị trường): xem xét, hỗ trợ các doanh nghiệp có Dự án đầu tư sản xuất các dòng xe ưu tiên có quy mô công suất trên 50.000 xe/năm.

 2. Cơ chế, chính sách

Để triển khai thực hiện Chiến lược phát triển ngành ô tô Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 229/QĐ-TTg ngày 04 tháng 02 năm 2016 ban hành cơ chế, chính sách thực hiện Chiến lược và Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam  để thực hiện nhất quán trong thời gian tối thiểu 10 năm, phù hợp với xu thế hội nhập nhằm đạt mục tiêu phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam, bao gồm các nhóm chính sách chủ yếu sau:

2.1. Chính sách bảo vệ thị trường trong nước

- Chính sách kích cầu, hỗ trợ phát triển thị trường; 

- Xây dựng các hàng rào kỹ thuật để kiểm soát chặt chẽ chất lượng xe nhập khẩu để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, tạo sự bình đẳng trong kinh doanh giữa xe nhập khẩu và xe sản xuất, lắp ráp trong nước;

- Tăng cường kiểm tra việc khai báo trị giá hải quan đối với xe nhập khẩu nguyên chiếc và linh kiện nhập khẩu;

- Tăng cường công tác quản lý thị trường, quản lý hoạt động xuất nhập khẩu động cơ, xe ô tô; chống buôn lậu, gian lận thương mại.

2.2. Chính sách hỗ trợ

- Chính sách hỗ trợ tín dụng đầu tư và tín dụng xuất khẩu;

- Chính sách đầu tư cho nghiên cứu, phát triển, ứng dụng khoa học công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực.

2.3. Chính sách ưu đãi về  thuế, phí

- Thuế nhập khẩu;

- Thuế thu nhập doanh nghiệp;

- Thuế tiêu thụ đặc biệt

Bộ Công Thương và các Bộ ngành, địa phương đang tích cực triển khai thực hiện các chính sách trên để hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô nội địa; bảo vệ và phát triển ngành công nghiệp ô tô trong nước trong bối cảnh hội nhập kinh tế thế giới và khu vực sâu rộng, tránh tình trạng các doanh nghiệp trong nước dần chuyển thành các nhà nhập khẩu, nhất là khi ngành ô tô đang trong lộ trình giảm thuế theo các cam kết hội nhập Quốc tế.

49. Cử tri tỉnh Quảng Ninh kiến nghị: Đề nghị Bộ Công Thương nghiên cứu, xem xét việc giảm đầu mối nhập khẩu than, giảm thuế xuất khẩu đối với than sản xuất, áp dụng thuế xuất nhập khẩu than phù hợp để đảm bảo cạnh tranh bình đẳng giữa than trong nước và than nhập khẩu, góp phần tháo gỡ khó khăn của ngành than và đời sống công nhân lao động.

Trả lời: Tại công văn số 1178/BCT-KH ngày 15/02/2017

1. Về vấn đề giảm đầu mối nhập khẩu than:

1.1. Nhập khẩu than cho sản xuất khác (không phải nhập khẩu than trực tiếp cho sản xuất điện)

Theo quy định của Luật Đầu tư số 67/2014/QH13 và Nghị định 59/2006/NĐ-CP ngày 12 tháng 6 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết Luật Thương mại về hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh, hạn chế kinh doanh và kinh doanh có điều kiện, than là hàng hóa kinh doanh có điều kiện không cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh. Như vậy, trường hợp các thương nhân đáp ứng đủ điều kiện quy định của Luật Đầu tư số 67/2014/QH13 và Nghị định 59/2006/NĐ-CP hoàn toàn có thể kinh doanh nhập khẩu than.

1.2. Nhập khẩu than trực tiếp để cung cấp cho sản xuất điện

Cũng theo quy định của Luật Đầu tư số 67/2014/QH13 và Nghị định 59/2006/NĐ-CP, các doanh nghiệp có nhu cầu nhập khẩu than trực tiếp để cung cấp cho sản xuất điện thì phải được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ.

Hiện nay, Thủ tướng Chính phủ đã giao các đơn vị Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, Tổng công ty Đông Bắc, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam là đầu mối nhập khẩu than phục vụ sản xuất điện (Thông báo 346/TB-VPCP ngày 26 tháng 8 năm 2014; Công văn số 3508/VPCP-KTN ngày 15 tháng 5 năm 2015 về đầu mối nhập khẩu than; Thông báo số 351/TB-VPCP ngày 29 tháng 10 năm 2016 của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về Đề án Tái cơ cấu ngành điện giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025).

Tuy nhiên, trên cơ sở ý kiến của các doanh nghiệp, địa phương, cơ quan liên quan; căn cứ quy định hiện hành của Luật Đầu tư số 67/2014/QH13, Nghị định số 59/2006/NĐ-CP và quan điểm phát triển ngành than Việt Nam theo hướng thực hiện kinh doanh than theo cơ chế thị trường đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 403/QĐ-TTg ngày 14 tháng 3 năm 2016; nhằm mục đích đảm bảo việc cung cấp than cho các nhà máy nhiệt điện ổn định dài hạn về chất lượng, khối lượng, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, ngày 28 tháng 11 năm 2016, Bộ Công Thương đã có Công văn số 11391/BCT-TCNL kiến nghị Thủ tướng Chính phủ như sau:

- Đối với nhà máy điện sử dụng than sản xuất trong nước: Giao Bộ Công Thương trên cơ sở kết quả cân đối cung cầu than hàng năm, giao nhiệm vụ cho TKV, Tổng công ty Đông Bắc cấp than cho từng nhà máy nhiệt điện;

- Đối với nhà máy nhiệt điện sử dụng than nhập khẩu: Chủ đầu tư nhà máy nhiệt điện than (gồm cả chủ đầu tư nhà máy nhiệt điện BOT, chủ đầu tư nhà máy nhiệt điện là doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài,…) chịu trách nhiệm thu xếp nguồn than để cung cấp cho nhà máy theo quy định (trực tiếp nhập khẩu hay mua than qua đầu mối TKV, Tổng công ty Đông Bắc hoặc qua doanh nghiệp thương mại).

2. Về vấn đề giảm thuế suất thuế xuất khẩu than

- Việc điều chỉnh thuế suất thuế xuất khẩu than không thuộc thẩm quyền của Bộ Công Thương.

- Đề phát triển bền vững ngành Than, phù hợp theo nguyên tắc thị trường, Bộ Công Thương đã có các Văn bản báo cáo, kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ xem xét, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét điều chỉnh các loại thuế, phí đảm bảo linh hoạt, phù hợp với biến động của thị trường và phù hợp từng giai đoạn phát triển của ngành Than (Công văn số 7871/BCT-KH ngày 24 tháng 8 năm 2016, số 9394/BCT-TCNL ngày 04 tháng 10 năm 2016).

50. Cử tri tỉnh Quảng Ninh kiến nghị: Để giúp các doanh nghiệp ngành than ổn định sản xuất, công ăn, việc làm cho người lao động chủ động, bảo đảm an sinh xã hội vùng than, đồng thời chủ động thực hiện kế hoạch sản xuất, kinh doanh theo Quy hoạch đã được Thủ tướng phê duyệt; có điều kiện để duy trì và khai thác nguồn tín dụng dài hạn nước ngoài, bảo lãnh cho các khoản vay nước ngoài phục vụ sản xuất, chuyển giao công nghệ, bảo vệ môi trường và phát triển ngành than, bổ sung nguồn ngoại tệ phục vụ nhập khẩu vật tư, thiết bị. Đề nghị Chính phủ xem xét, phê duyệt Kế hoạch xuất khẩu than từ năm 2017 – 2020 của Tổng công ty Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) và Tổng công ty Đông Bắc.

Trả lời: Tại công văn số 1206/BCT-KH ngày 15/02/2017

Ngày 05 tháng 10 năm 2016, Bộ Công Thương đã có Công văn số 9449/BCT-TCNL đề nghị Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch xuất khẩu than giai đoạn 2017 - 2020 của TKV và Tổng công ty Đông Bắc. Trên cơ sở đề nghị của Bộ Công Thương và ý kiến của các Bộ, địa phương liên quan, ngày 02 tháng 12 năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận Kế hoạch xuất khẩu than giai đoạn 2017 - 2020 của TKV và Tổng công ty Đông Bắc tại Văn bản số 10450/VPCP-KTN.

51. Cử tri tỉnh Quảng Ninh kiến nghị: Theo báo cáo của Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam (TKV), dự kiến đến cuối năm 2016, TKV sẽ tồn khoảng 9 triệu tấn than, trong đó khoảng 2,4 triệu tấn than thương phẩm loại than cám 4b3, 5a3 khu vực Vàng Danh – Uông Bí theo TCVN 8910:2015 có hàm lượng lưu huỳnh cao, chất bốc thấp, đây là loại than mà khách hàng trong nước ít có nhu cầu sử dụng. Trước năm 2015, hàng năm TKV duy trì xuất khẩu khối lượng khoảng 2-4 triệu tấn than chủng loại trên đi sang thị trường Trung Quốc nhằm ổn định hoạt động sản xuất tiêu thụ than của TKV, tạo công ăn việc làm cho công nhân mỏ. Tuy nhiên, từ năm 2015 đến nay do thị trường trong nước ít có nhu cầu sử dụng chủng loại than trên nên có xu hướng tồn kho cao, gây khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của TKV. Vì vậy kính đề nghị cho phép TKV được xuất khẩu bổ sung khoảng 2 triệu tấn than cám Vàng Danh – Uông Bí trong nước chưa có nhu cầu sử dụng trong kế hoạch xuất khẩu năm 2016.

Trả lời: Tại công văn số 1205/BCT-KH ngày 15/02/2017

Để giảm lượng than tồn kho về mức hợp lý và tháo gỡ khó khăn cho Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam (TKV), Bộ Công Thương đã báo cáo và đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép TKV được xuất khẩu bổ sung khoảng 2 triệu tấn than cám 4b.3, 5a.3 và 5b.3 khu vực Vàng Danh - Uông Bí theo TCVN 8910:2015 có hàm lượng lưu huỳnh cao, chất bốc thấp trong nước chưa có nhu cầu sử dụng vào kế hoạch xuất khẩu năm 2016 và năm 2017 của TKV (Công văn số 9394/BCT-TCNL ngày 04 tháng 10 năm 2016, số 9449/BCT-TCNL ngày 05 tháng 10 năm 2016). Ngày 02 tháng 12 năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận Kế hoạch xuất khẩu than giai đoạn 2017 - 2020 của TKV và Tổng công ty Đông Bắc (Văn bản số 10450/VPCP-KTN), theo đó 2 triệu tấn than cám 4b.3, 5a.3 và 5b.3 khu vực Vàng Danh - Uông Bí theo TCVN 8910:2015 của TKV có hàm lượng lưu huỳnh cao, chất bốc thấp, trong nước chưa có nhu cầu sử dụng đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép xuất khẩu trong năm 2017.   

52. Cử tri tỉnh Phú Yên kiến nghị: Quá trình cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước đã diễn ra được một thời gian dài nhưng đến nay các doanh nghiệp vẫn chưa cổ phần hóa đồng bộ, nhất là các tập đoàn trực thuộc Bộ Công thương. Cử tri đề nghị Bộ có biện pháp tích cực để xử lý nhanh chóng.

Trả lời: Tại công văn số 1209/BCT-KH ngày 15/02/2017

Quá trình cổ phần hóa tại các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước nói chung và các doanh nghiệp trực thuộc Bộ Công Thương nói riêng thời gian qua có chậm trễ xuất phát từ các nguyên nhân sau:

1. Nguyên nhân

1.1. Nguyên nhân khách quan:

- Các doanh nghiệp này có quy mô lớn, theo quy định giá trị tài sản của doanh nghiệp trên 5000 tỷ thì Chính phủ sẽ quyết định việc thực hiện cổ phần hóa (từ lựa chọn tư vấn, phê duyệt phương án, tổ chức IPO...), bởi vậy phải lấy ý kiến của các Bộ, ngành;

- Theo quy định pháp luật thì sau khi tư vấn xác định giá trị doanh nghiệp phải qua kiểm toán nhà nước nên thời gian kéo dài (có khi mất khoảng từ 3 – 6 tháng).

- Cơ cấu tổ chức doanh nghiệp lớn, địa bàn hoạt động rộng, tình trạng tài chính lại khác nhau, nhiều doanh nghiệp có dự án đầu tư kém hiệu quả;

- Một số doanh nghiệp thuộc các ngành có diễn biến thị trường thế giới bất lợi như dầu khí, khai thác, dệt may, năng lượng, cơ khí; chưa thu hút được sự quan tâm của các nhà đầu tư bên ngoài.

1.2. Nguyên nhân chủ quan:

- Các tồn đọng về tài chính, tài sản, cơ chế bảo lãnh vốn vay của nhà nước thay đổi qua từng thời kỳ, làm cho việc xác định giá trị doanh nghiệp khó khăn;

- Nguồn tài sản hình thành của các doanh nghiệp này khá đa dạng, nhiều nguồn gốc xuất xứ nên việc đánh giá tài sản gặp nhiều khó khăn;

- Đội ngũ quản lý chưa đồng đều dẫn đến công tác thực hiện các trình tự, thủ tục cổ phần hóa còn chậm trễ;

- Báo cáo tài chính chưa phù hợp với chuẩn mực quốc tế nên nhà đầu tư, nhất là nước ngoài khó tiếp cận.

2. Biện pháp để khắc phục trong thời gian tới

Bộ Công Thương đã và đang quyết liệt thực hiện nhiều biện pháp để đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp đạt hiệu quả cao như:

- Bộ đã và đang tiến hành rà soát, bổ sung, hoàn thiện các quy định về quyền hạn, trách nhiệm, nghĩa vụ của đại diện chủ sở hữu nhà nước trong các doanh nghiệp có vốn nhà nước. Tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra, giám sát của Bộ Công Thương; nâng cao vai trò, trách nhiệm tham mưu của các đơn vị thuộc Bộ trong công tác cổ phần hóa, sắp xếp doanh nghiệp;

- Ban hành Quy chế quản lý người đại diện vốn nhà nước tại doanh nghiệp, trong đó giao người đại diện vốn nhà nước khẩn trương phối hợp với các cơ quan quản lý, các tổ chức tư vấn để tiến hành xác định giá trị doanh nghiệp, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện cổ phần hóa.

- Bộ Công Thương đang yêu cầu các Tập đoàn, Tổng công ty hoàn thiện để trình Đề án tái cơ cấu theo tinh thần của Quyết định 58/2016/QĐ-TTg ngày 28 tháng 12 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ về tiêu chí phân loại doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp có vốn Nhà nước và Danh mục doanh nghiệp Nhà nước thực hiện sắp xếp giai đoạn 2016-2020.

- Bộ đã yêu cầu các Tập đoàn, Tổng công ty thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn phải xây dựng lộ trình, phương thức thực hiện theo đúng yêu cầu của Chính phủ.

53. Cử tri tỉnh Hà Tĩnh kiến nghị: Đề nghị sớm ban hành các quy định về phân cấp quản lý nhà nước đối với ngành Công Thương theo nội dung tại Quyết định số 3567/QĐ-BCT ngày 31/8/2016 về việc ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Nghị định số 21/NQ-CP ngày 21/3/2016 của Chính phủ về phân cấp quản lý nhà nước giữa Chính phủ và UBND tỉnh.

Trả lời: Tại công văn số 1204/BCT-KH ngày 15/02/2017

Việc phân cấp quản lý nhà nước trong lĩnh vực công thương được thực hiện trong quá trình xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Bộ để thực hiện chức năng quản lý nhà nước. Đây là nhiệm vụ thường xuyên của Bộ và được Bộ thực hiện hàng năm. Năm 2016, Bộ đã xây dựng và trình 1 Luật, 15 Nghị định, 6 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và ban hành theo thẩm quyền 43 Thông tư. Trong năm 2017, Bộ Công Thương đã có kế hoạch xây dựng văn bản quy phạm pháp luật theo Quyết định số 5144/QĐ-BCT ngày 30 tháng 12 năm 2016 và kế hoạch thực hiện Phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính trong lĩnh vực quản lý Nhà nước của Bộ theo Quyết định số 4846/QĐ-BCT ngày 09 tháng 12 năm 2016. Theo đó, Bộ đã rà soát, dự kiến xây dựng và trình cấp có thẩm quyền ban hành và ban hành theo thẩm quyền 38 văn bản.

54. Cử tri tỉnh Lâm Đồng kiến nghị: Đề nghị bãi bỏ quy định bắt buộc các doanh nghiệp phải có kết quả giám định trong hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận dán nhãn năng lượng; giảm số lượng tài liệu phải kèm theo trong bộ hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận dán nhãn năng lượng (hiện nay là 8 loại đầu tài liệu).

Trả lời: Tại công văn số 1207/BCT-KH ngày 15/02/2017

Theo quy định tại Thông tư số 07/2012/TT-BCT ngày 04 tháng 04 năm 2012 về quy định dán nhãn năng lượng cho các phương tiện và thiết bị sử dụng năng lượng, các doanh nghiệp đăng ký chứng nhận nhãn năng lượng phải nộp hồ sơ đăng ký dán nhãn năng lượng về Bộ Công Thương và được dán nhãn năng lượng sau khi Bộ Công Thương có Quyết định chứng nhận dán nhãn năng lượng cho sản phẩm hàng hóa đăng ký, danh mục hồ sơ bao gồm 08 đầu mục tài liệu.

Thực hiện Nghị quyết số 19/2016/NQ-CP ngày 28 tháng 4 năm 2016 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2016 - 2017, định hướng đến năm 2020 (Nghị quyết số 19), ngày 28 tháng 12 năm 2016, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 36/2016/TT-BCT quy định dán nhãn năng lượng cho các phương tiện, thiết bị sử dụng năng lượng thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công Thương (Thông tư số 36), thay thế cho Thông tư số 07/2012/TT-BCT nêu trên, Thông tư số 36 có hiệu lực từ ngày 10 tháng 02 năm 2017, theo đó đã quy định việc giảm thiểu các thủ tục hành chính về dán nhãn năng lượng, cụ thể như sau:

- Thay đổi phương thức chứng nhận cho phương tiện thiết bị, tạo thông thoáng cho doanh nghiệp trong việc thực hiện thủ tục dán nhãn năng lượng: Áp dụng hình thức để doanh nghiệp tự công bố mức hiệu suất năng lượng và dán nhãn năng lượng trên phương tiện thiết bị sản xuất, nhập khẩu. Theo đó doanh nghiệp được tự thực hiện dán nhãn năng lượng và công bố mức hiệu suất năng lượng cho các phương tiện, thiết bị.

- Cho phép doanh nghiệp sử dụng kết quả thử nghiệm hiệu suất năng lượng một lần đối với mỗi model sản phẩm, áp dụng cho tất cả các sản phẩm hàng hóa sản xuất trong nước cũng như các lô hàng nhập khẩu có cùng model, cùng nhà sản xuất, xuất xứ, và cùng đặc tính kỹ thuật (Không giới hạn thời gian hiệu lực của phiếu thử nghiệm).

- Cho phép việc thử nghiệm dán nhãn năng lượng được thực hiện bởi các Tổ chức thử nghiệm độc lập hoặc các phòng thử nghiệm của nhà sản xuất trong nước và nước ngoài. Không giới hạn về việc phải thử nghiệm dán nhãn năng lượng tại các tổ chức thử nghiệm độc lập.

- Bổ sung quy định về việc miễn trừ dán nhãn năng lượng đối với hàng hóa nhập khẩu phi thương mại, hàng hóa, phụ tùng thay thế, dự phòng nhập khẩu đơn chiếc phục vụ cho các công trình, dự án, nhà máy sản xuất; Hàng hóa, vật tư thiết bị tạm nhập - tái xuất; Hàng quá cảnh chuyển khẩu; Hàng hóa doanh nghiệp trong nước sản xuất, gia công phục vụ xuất khẩu; Hàng hóa thuộc lĩnh vực an ninh quốc phòng, bí mật quốc gia, an toàn bức xạ hạt nhân.

- Bổ sung quy định về dán nhãn năng lượng điện tử, theo đó, doanh nghiệp có quyền lựa chọn nhãn năng lượng điện tử đối với các phương tiện, thiết bị phù hợp cho việc sử dụng nhãn năng lượng điện tử hoặc sử dụng nhãn năng lượng giấy thông thường.

- Ứng dụng công nghệ thông tin tiếp nhận hồ sơ qua trang thông tin điện tử dán nhãn năng lượng của Bộ Công Thương, theo đó doanh nghiệp đăng ký dán nhãn năng lượng được lựa chọn hình thức gửi hồ sơ qua mạng internet tại trang thông tin điện tử dán nhãn năng lượng của Bộ Công Thương hoặc gửi hồ sơ về Bộ Công Thương qua đường bưu điện.

Số lượng hồ sơ tài liệu phải nộp được tối giảm từ 08 đầu mục tài liệu xuống còn 04 đầu mục. Các tài liệu, hồ sơ đăng ký dán nhãn năng lượng gửi về Bộ Công Thương chỉ để phục vụ công tác hậu kiểm của Bộ Công Thương đối với các phương tiện, thiết bị dán nhãn năng lượng được lưu thông trên thị trường. Theo đó doanh nghiệp được tự thực hiện dán nhãn năng lượng và công bố mức hiệu suất năng lượng cho các phương tiện, thiết bị ngay sau khi gửi hồ sơ đăng ký dán nhãn năng lượng về Bộ Công Thương mà không cần chờ đợi kết quả kiểm tra của Bộ Công Thương.

55. Cử tri thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị: Cử tri phản ảnh ngành cơ khí từ lâu được xem là ngành mũi nhọn của ngành công nghiệp, tuy nhiên chính sách thuế đối với ngành cơ khí còn bất cập, không tạo điều kiện thuận lợi cho ngành cơ khí phát triển. Bên cạnh đó, có những chính sách không phù hợp. Khi các nhà chế tạo khuôn mẫu nhập một lô thép theo một đơn hàng thì từ việc xin phép nhập khẩu của Bộ Công Thương, cho tới nhập hàng về, kiểm tra thông quan là hết thời gian giao hàng, doanh nghiệp rất khó khăn. Do chính sách của chúng ta không phân biệt được đâu là thép chế tạo, đâu là thép xây dựng cho nên nó trở thành chính sách chung là nhập thép và kiểm tra chất lượng thép giống như thép xây dựng. Do đó, kiến nghị rà soát sửa đổi các quy định có liên quan, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp cơ khí trong nước phát triển.

Trả lời: Tại công văn số 1208/BCT-KH ngày 15/02/2017

Để khắc phục những khó khăn, tồn tại trong sản xuất, kinh doanh thép, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp cơ khí trong nước phát triển. Ngày 31 tháng 12 năm 2015 Bộ Công Thương và Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành Thông tư liên tịch số 58/2015/TTLT-BCT-BKHCN quy định quản lý chất lượng thép sản xuất trong nước và thép nhập khẩu (sau đây gọi tắt là Thông tư 58) thay thế Thông tư liên tịch số 44/2013/TTLT-BCT-BKHCN ngày 31 tháng 12 năm 2013 của Bộ Công Thương và Bộ Khoa học và Công nghệ. Theo đó, tại Điều 1 Thông tư 58 về phạm vi điều chỉnh, Bộ Công Thương và Bộ Khoa học và Công nghệ đã quy định chi tiết các sản phẩm thép sản xuất trong nước, nhập khẩu phục vụ chế tạo trong nước; các sản phẩm thép phải kiểm tra chất lượng được nêu tại Phụ lục I, II, III Thông tư 58.

56. Cử tri các tỉnh, thành phố Nam Định, Bình Định, Đồng Nai, Tây Ninh, An Giang, Hưng Yên, Vĩnh Long, Bà Rịa Vũng Tàu, Đồng Tháp, Thừa Thiên Huế, Đắk Lắk, Hà Nam, Nghệ An, Quảng Bình, Ninh Bình, Bạc Liêu, Cần Thơ, Đà Nẵng, Trà Vinh, Tiền Giang, Bình Dương, Long An kiến nghị: Cử tri tiếp tục phản ánh tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng, nhất là các loại nông sản, vật tư nông nghiệp, dược phẩm, thực phẩm độc hại không rõ nguồn gốc xuất xứ… ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng người dân, gây thiệt hại kinh tế của đất nước; việc kiểm soát, quản lý chất lượng và nguồn gốc thuốc bảo vệ thực vật, phân bón ở vùng nông thôn, vùng sâu còn buông lỏng; việc xử lý sai phạm còn quá nhẹ chưa tương xứng với thiệt hại của người tiêu dùng so với lợi nhuận kinh doanh phi pháp mang lại. Đề nghị Bộ Công Thương phối hợp với các bộ, ngành liên quan tăng cường hơn nữa trong công tác quản lý thị trường, thanh tra, kiểm tra, có biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời, nghiêm minh các cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm và thông báo công khai cho nhân dân biết cụ thể cá nhân, cơ sở kinh doanh vi phạm và kết quả xử lý vi phạm.

Trả lời: Tại công văn số 3204/BCT-KH ngày 17/4/2017

Để chỉ đạo, điều hành chung công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên cả nước, Chính phủ thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 398) do Phó Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng Ban, Bộ Tài chính là Cơ quan thường trực với thành viên là các Bộ, ngành trong đó có Bộ Công Thương. Việc phân công trách nhiệm cụ thể của các Bộ, ngành, chính quyền địa phương trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tại Quyết định số 19/2016/QĐ-TTg ngày 06 tháng 5 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ, theo đó:

- Tại biên giới, trên biển: Lực lượng Hải quan, Bộ đội biên phòng, Cảnh sát biển có trách nhiệm kiểm tra, ngăn chặn hàng hóa nhập lậu vào thị trường nội địa.

- Trong thị trường nội địa: Các Bộ, ngành phối hợp với chính quyền địa phương chỉ đạo các lực lượng Công an, Quản lý thị trường, Thanh tra chuyên ngành có trách nhiệm kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm đối với hành vi vi phạm về sản xuất, kinh doanh hàng hóa nhập lậu, gian lận thương mại, hàng giả và vi phạm an toàn thực phẩm trên thị trường.

- Trách nhiệm của chính quyền địa phương: Chỉ đạo các lực lượng chức năng tại địa phương thực hiện việc kiểm tra, kiểm soát các hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ trên địa bàn trong việc chấp hành pháp luật; phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả trên địa bàn; tổ chức bộ máy, trang bị phương tiện, điều kiện làm việc của Quản lý thị trường và Thanh tra chuyên ngành địa phương để thực hiện tốt nhiệm vụ phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

- Trách nhiệm của Bộ Công Thương: Phối hợp với cơ quan chức năng các cấp thực thi công tác quản lý thị trường trong thị trường nội địa, hướng dẫn nghiệp vụ, chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát thị trường, đấu tranh chống các vi phạm pháp luật trong hoạt động thương mại ở thị trường trong nước.

Trong thời gian qua, Bộ Công Thương đã nghiêm túc quán triệt, thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia trong đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả và vi phạm an toàn thực phẩm; riêng năm 2016 và 3 tháng đầu năm 2017, Bộ Công Thương đã ban hành hoặc chỉ đạo ban hành văn bản để triển khai thực hiện những kế hoạch, chương trình đáng chú ý như:

+ Kế hoạch số 1630/KH-BCT ngày 26 tháng 02 năm 2016 về công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả năm 2016 (thực hiện Kế hoạch số 03/KH-BCĐ389 của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia);

+ Kế hoạch số 1635/KH-BCĐ389 ngày 26 tháng 02 năm 2016 về tăng cường thanh tra, kiểm tra việc sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi, thức ăn thuỷ sản và chất cấm dung trong chăn nuôi, chế biến thực phẩm (thực hiện Kế hoạch số 01/KH-BCĐ389 của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia);

+ Kế hoạch của Bộ Công Thương (ban hành kèm theo Quyết định số 2650/QĐ-BCT ngày 28 tháng 6 năm 2016) thực hiện Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 09 tháng 5 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm;

+ Quyết định số 3835/QĐ-BCT ngày 23 tháng 9 năm 2016 về Kế hoạch tăng cường công tác quản lý phân bón vô cơ năm 2016-2017;

+ Kế hoạch số 11219/KH-BCĐ389 ngày 23 tháng 11 năm 2016 về cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trước, trong và sau Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017 (thực hiện Kế hoạch số 358/KH-BCĐ389 của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia).

+ Văn bản số 207/QLTT-KSCLHH ngày 20 tháng 02 năm 2017 chỉ đạo Chi cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc kiểm tra và xử lý vi phạm trong sản xuất, kinh doanh phân bón.

+ Văn bản số 210/QLTT-KSCLHH ngày 20 tháng 02 năm 2017 chỉ đạo Chi cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm về an toàn thực phẩm.

Riêng trong lĩnh vực an toàn thực phẩm, Bộ Công Thương đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc chủ trì hoặc phối hợp với các Bộ, ngành xây dựng và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật và các tài liệu hướng dẫn bảo đảm an toàn thực phẩm; chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, kiểm soát các mặt hàng thực phẩm lưu thông trên thị trường nhằm bảo đảm an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng; chỉ đạo các đơn vị thuộc Bộ Công Thương triển khai thanh tra, kiểm tra liên ngành và chuyên ngành định kỳ như: Thanh tra, kiểm tra liên ngành trong dịp Tết Trung thu, Tết Nguyên đán, Tháng hành động vì chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm… cũng như thường xuyên chỉ đạo các đơn vị chuyên ngành tiến hành thanh tra, kiểm tra đột xuất nhằm kịp thời phát hiện, xử lý và hướng dẫn khắc phục các sai phạm về an toàn vệ sinh thực phẩm.

Nhằm nâng cao hoạt động liên ngành trong công tác thanh tra, kiểm tra bảo đảm an toàn thực phẩm, Bộ Công Thương đã tích cực cử cán bộ tham gia các đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành do Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn chủ trì. Các thành viên của Bộ Công Thương đã chủ động phối hợp chặt chẽ trong công tác thanh, kiểm tra tại các địa phương được kiểm tra, góp phần tích cực vào công tác phổ biến, tuyên truyền, hướng dẫn cụ thể kiến thức vệ sinh an toàn thực phẩm cho người quản lý, người lao động trực tiếp của các cơ sở sản xuất, kinh doanh và bếp ăn công nghiệp tại các địa phương, đồng thời giúp các đoàn thanh tra, kiểm tra phát hiện được nhiều vi phạm của các cơ sở không chấp hành các quy định của Nhà nước về vệ sinh an toàn thực phẩm.

Kết quả: Riêng năm 2016, lực lượng Quản lý thị trường cả nước phát hiện, xử lý 104.807 vụ vi phạm (tăng 1.061 vụ, tăng 1 % so với năm 2015); với tổng số thu nộp ngân sách  548,9 tỷ đồng (tăng 89,1 tỷ đồng, tăng 19,4 %  so với năm 2015); giá trị hàng tịch thu 380,9 tỷ đồng (tăng 14,9 tỷ đồng, tăng 4,3 % so với năm); ước trị giá hàng tiêu hủy 162,5 tỷ đồng (tăng 47,8 tỷ đồng, tăng 41,6 % so với năm 2015). Về lĩnh vực an toàn thực phẩm, trong năm 2016 lực lượng Quản lý thị trường đã xử lý 15.455 vụ vi phạm, xử phạt hành chính gần 34 tỷ, trị giá hàng vi phạm trên 91 tỷ đồng.

Quý I năm 2017, lực lượng Quản lý thị trường kiểm tra gần 42.000 vụ; phát hiện, xử lý trên 25.500 vụ vi phạm; tổng số thu nộp ngân sách nhà nước trên 100 tỷ đồng.

Giải pháp trong thời gian tới của Bộ Công Thương:

- Tiếp tục tập trung thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia về công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

- Tiếp tục rà soát, kiến nghị sửa đổi bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật nhằm nâng cao hiệu quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

- Chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm thực hiện thường xuyên, liên tục, có trọng tâm, trọng điểm; tập trung mặt hàng thuốc lá ngoại nhập lậu, phân bón, xăng dầu, khí hóa lỏng, rượu, bia, nước giải khát, sữa chế biến và các hàng hóa thực phẩm khác là hàng giả, không rõ nguồn gốc, không đảm bảo chất lượng, gian lận thương mại, nhập lậu; kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; tổ chức kiểm tra, đánh giá việc thực hiện các chương trình, kế hoạch để rút kinh nghiệm, đề ra các giải pháp đấu tranh phù hợp với tình hình thực tiễn.

- Thực hiện tốt công tác phối hợp với các lực lượng chức năng, đặc biệt là lực lượng Công an trong việc xử lý các đường dây, ổ nhóm. Tập trung ngăn chặn tình trạng buôn bán, vận chuyển hàng nhập lậu, hàng giả như thuốc lá, mỹ phẩm, rượu, đường tại các tỉnh miền Nam và miền Trung; trong thị trường nội địa, tập trung ngăn chặn tình trạng bày bán công khai hàng nhập lậu, hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ tại các thành phố lớn như Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.

- Tiếp tục duy trì thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 14/CT-BCT và Chỉ thị số 23/CT-BCT của Bộ trưởng Bộ Công Thương để xây dựng lực lượng Quản lý thị trường trong sạch, vững mạnh, không tham nhũng, tiêu cực. Tăng cường công tác đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ kiểm tra, xử lý vi phạm cho công chức thực thi; chú trọng công tác kiểm tra nội bộ để kịp thời chấn chỉnh, xử lý nghiêm các trường hợp tiêu cực, tham nhũng vi phạm trong hoạt động công vụ.

- Đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu; nếu để xảy ra tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại kéo dài hoặc nghiêm trọng trên địa bàn thì người đứng đầu đơn vị phải chịu trách nhiệm; thực hiện việc luân chuyển công chức theo đúng quy định, đặc biệt là tại các vị trí dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng.

- Đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục chính sách pháp luật cho mọi đối tượng, biến nhận thức về chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại thành ý thức tự giác thường trực và hành động cụ thể của mỗi cấp, mỗi ngành, mỗi doanh nghiệp, mỗi người dân.

57. Cử tri tỉnh Kiên Giang kiến nghị: Cử tri đề nghị có cơ chế quản lý chặt chẽ việc sản xuất, nhập khẩu đối với các loại hoá chất, phẩm màu, chất phụ gia tại nơi sản xuất và ở các cửa khẩu trên toàn quốc.

Trả lời: Tại công văn số 3205/BCT-KH ngày 17/4/2017

Thực hiện quy định của Luật Hóa chất, thời gian qua các văn bản quy phạm pháp luật quy định cụ thể và hướng dẫn thi hành Luật đã được ban hành làm cơ sở pháp lý cho việc quản lý có điều kiện các hóa chất độc hại, hóa chất nguy hiểm, hóa chất hạn chế, hóa chất cấm, hóa chất phải khai báo trong lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, y tế, …

Hiện nay, cùng với quá trình phát triển kinh tế thì nhu cầu nhập khẩu hóa chất để sản xuất các sản phẩm hàng hóa trong nước ngày càng tăng. Các hóa chất đang được sản xuất, nhập khẩu và sử dụng hầu như là các loại hóa chất lưỡng dụng. Tính lưỡng dụng của các loại hóa chất đang đặt ra những khó khăn nhất định cho các cơ quan quản lý. Yêu cầu đặt ra đối với công tác quản lý, kiểm tra, kiểm soát hóa chất là vừa đảm bảo mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, vừa phòng ngừa việc sử dụng hóa chất vào các mục đích bất hợp pháp. Đây cũng là một thách thức trong công tác quản lý nhà nước về hóa chất. Việc quản lý chặt chẽ sản xuất, nhập khẩu đối với các loại hóa chất, phẩm màu, chất phụ gia cần được thực hiện tại nơi sản xuất và ở các cửa khẩu trên toàn quốc.

Để tăng cường quản lý sản xuất, nhập khẩu các hóa chất, thời gian tới Bộ Công Thương sẽ nghiên cứu để tăng cường hơn nữa khâu kiểm tra, thanh tra đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh, sử dụng hóa chất độc hại, đặc biệt kiểm tra thường xuyên các hộ kinh doanh, sử dụng hóa chất nhỏ lẻ không đủ điều kiện sản xuất, kinh doanh; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật, nâng cao mức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hóa chất; nghiên cứu xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quy định giới hạn hàm lượng hóa chất độc hại trong sản phẩm công nghiệp tiêu dùng; tiếp tục rà soát để bổ sung vào Danh mục các hóa chất nguy hiểm, hóa chất độc hại cần quản lý trong từng giai đoạn cho phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội.

Hiện nay, Bộ Công Thương đã trình Chính phủ dự thảo Nghị định mới quy định về quản lý hóa chất thay thế các quy định hiện hành, trong đó có nội dung liên quan đến quản lý hóa chất công nghiệp cho phù hợp với thực tế của hoạt động sản xuất, kinh doanh hóa chất.

58. Cử tri tỉnh Tiền Giang kiến nghị: Kiến nghị chỉ đạo các Bộ, ngành có biện pháp xử lý nghiêm đối với các doanh nghiệp, cá nhân của Việt Nam có hàng hóa xuất khẩu bị trả về do có hành vi gian lận thương mại, nhằm kịp thời chấn chỉnh hoạt động xuất khẩu của Việt Nam trong thời gian tới, tránh làm ảnh hưởng đến uy tín của hàng hóa nội địa khi tham gia vào thị trường thế giới.

Trả lời: Tại công văn số 3224/BCT-KH ngày 17/4/2017

Trong những năm gần đây, các sản phẩm nông sản, thủy sản xuất khẩu đã có đóng góp quan trọng trong tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước, góp phần tiêu thụ hàng hóa, ổn định, nâng cao thu nhập, đời sống của người nông dân. Trong đó, nhiều mặt hàng như hồ tiêu, cà phê, hạt điều, gạo,… đã có những thành tích đáng ghi nhận, chiếm vị trí cao trên thị trường thế giới. Kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này năm 2016 đạt 22,18 tỷ USD, tăng 7,7% so với năm 2015.

Tuy nhiên, thương mại nông sản cũng là lĩnh vực nhạy cảm đối với hầu hết các quốc gia, nhiều nước áp dụng các tiêu chuẩn, các quy định và quy trình vệ sinh an toàn thực phẩm rất chặt chẽ để vừa đảm bảo các mục tiêu công cộng như sức khỏe người dân, bảo vệ môi trường nhưng cũng đồng thời bảo vệ sản xuất nội địa. Thời gian qua, đã có một số trường hợp các lô hàng nông sản, thủy sản xuất khẩu của Việt Nam bị trả về do có dư lượng các hoạt chất trong thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng hay không phù hợp với các tiêu chí về vệ sinh an toàn thực phẩm của nước nhập khẩu.

Đây là các biện pháp được Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) cho phép áp dụng nên để hàng hóa Việt Nam thâm nhập được vào các thị trường có tiêu chuẩn cao này, ngoài việc Chính phủ tích cực đàm phán, trao đổi để các nước xem xét hạ thấp các tiêu chuẩn đối với hàng hóa xuất xứ Việt Nam thì biện pháp cốt lõi nằm ở khâu nuôi trồng và khâu sau thu hoạch, chất lượng phải đảm bảo và đáp ứng quy định của các thị trường.

Thực tiễn thời gian qua, chất lượng sản phẩm xuất khẩu cũng đã có nhiều tiến bộ, tỷ trọng xuất khẩu sản phẩm đã qua chế biến tiếp tục gia tăng. Tuy vậy, xét về tổng thể, năng lực cạnh tranh của các mặt hàng nông, thủy sản xuất khẩu của Việt Nam vẫn chưa được cải thiện nhiều. Chất lượng một số sản phẩm xuất khẩu chưa đồng đều, chưa đa dạng về chủng loại. Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là do nhiều mặt hàng nông, thuỷ sản xuất khẩu được sản xuất bởi các hộ gia đình phân tán, quy mô nhỏ lẻ, khó có thể kiểm soát được chất lượng đầu vào và đầu ra của hoạt động sản xuất. Tình trạng này cũng làm cho việc áp dụng các tiêu chuẩn kỹ thuật, xây dựng thương hiệu, cấp chứng chỉ chất lượng hàng hoá gặp nhiều khó khăn.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - cơ quan chủ trì kiểm soát chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm trong thời gian qua đã triển khai nhiều biện pháp nhằm quản lý chất lượng nông sản xuất khẩu như thường xuyên tổ chức tập huấn nâng cao nhận thức cho hộ nông dân, doanh nghiệp sơ chế, chế biến… trên cả nước về việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng quy định nhằm đảm bảo nguồn hàng sạch, có chất lượng phục vụ xuất khẩu; tăng cường kiểm soát việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất cũng như kiểm tra chất lượng thuốc bảo vệ thực vật sản xuất, nhập khẩu và lưu thông trên thị trường…

Bộ Công Thương đã và đang tích cực phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, cụ thể là công tác nắm bắt thông tin thị trường, những phản ánh của thị trường nước ngoài về chất lượng của nông sản, thủy sản Việt Nam, kịp thời thông báo cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các cơ quan liên quan và cộng đồng doanh nghiệp để có biện pháp khắc phục và nâng cao chất lượng nông sản, thủy sản xuất khẩu nhằm đáp ứng yêu cầu thị trường; tăng cường đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, phát triển thị trường tiêu thụ nông, lâm, thủy sản.

Đồng thời Bộ Công Thương đang tiếp tục phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong việc triển khai xây dựng, áp dụng với lộ trình phù hợp tiêu chuẩn và quy chuẩn các mặt hàng nông lâm thủy sản xuất khẩu kết hợp với một chương trình xây dựng thương hiệu quốc gia để từng bước khẳng định và nâng dần giá trị thương hiệu nông sản, thủy sản Việt Nam.

59. Cử tri các tỉnh Long An, Bình Thuận kiến nghị: Hiện nay, hoạt động kinh doanh đa cấp đang diễn biến rất phức tạp, có dấu hiệu ảnh hưởng đến trật tự an ninh xã hội, gây thiệt hại cho người tham gia. Đề nghị Nhà nước và các cơ quan chức năng liên quan cần hoàn thiện chính sách pháp luật để quản lý chặt chẽ loại hình kinh doanh này và đưa tội danh vi phạm bán hàng đa cấp vào Bộ luật hình sự để tạo sự răn đe.

Trả lời: Tại công văn số 3236/BCT-KH ngày 17/4/2017

Thời gian gần đây, hoạt động bán hàng đa cấp có những biểu hiện, diễn biến phức tạp, gây khó khăn cho công tác quản lý nhà nước, hoang mang trong dư luận xã hội và gây thiệt hại về tài sản cho người dân. Vi phạm trong hoạt động bán hàng đa cấp gồm hai dạng chính và được quản lý theo các phương thức khác nhau:

- Dạng thứ nhất là vi phạm của doanh nghiệp đã đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp nhưng vi phạm trong quá trình hoạt động:

Đối với dạng vi phạm này, từ đầu năm 2016, Bộ Công Thương đã triển khai nhiều giải pháp nhằm giám sát chặt chẽ, xử lý nghiêm. Đến nay, hoạt động bán hàng đa cấp về cơ bản đã được kiểm soát tốt, nhiều doanh nghiệp bán hàng đa cấp đã bị thu hồi giấy chứng nhận hoặc tự chấm dứt hoạt động (trong tổng số 67 doanh nghiệp đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp, tính đến 15 tháng 3 năm 2017 chỉ còn 37 doanh nghiệp hoạt động), số lượng người tham gia bán hàng đa cấp đã giảm xuống nhiều so với năm 2015.

Bên cạnh hoạt động kiểm tra, xử lý vi phạm, Bộ Công Thương cũng tích cực triển khai công tác xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp, cụ thể:

- Năm 2016, Bộ Công Thương đã báo cáo và được Chính phủ giao chủ trì xây dựng Nghị định thay thế Nghị định số 42/2014/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2014 của Chính phủ về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp với các định hướng cơ bản như: minh bạch hóa hoạt động bán hàng đa cấp; nâng cao thẩm quyền của cơ quan quản lý ở địa phương đối với hoạt động bán hàng đa cấp; nâng cao trách nhiệm của người tham gia bán hàng đa cấp... Dự thảo Nghị định đã được Bộ Tư pháp thẩm định và Bộ Công Thương đã hoàn thiện trình Chính phủ ngày 22 tháng 3 năm 2017.

- Song song với việc hoàn thiện quy định về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp tại Nghị định 42/2014/NĐ-CP, Bộ Công Thương cũng đã được Chính phủ giao xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 71/2014/NĐ-CP ngày 21 tháng 7 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết Luật Cạnh tranh về xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực cạnh tranh nhằm hoàn thiện quy định về xử lý vi phạm trong hoạt động bán hàng đa cấp, đảm bảo thống nhất với quy định về nội dung quản lý, nâng cao hiệu quả thực thi. Hiện nay Bộ Công Thương đang thành lập Ban soạn thảo, Tổ biên tập xây dựng Nghị định này.

- Dạng vi phạm thứ hai là dạng lợi dụng phương thức kinh doanh đa cấp để huy động vốn trái phép:

Đây là hình thức kinh doanh trái phép nhưng chế tài hình sự chưa đầy đủ và nghiêm khắc nên chưa đủ sức răn đe. Chính vì vậy, từ tháng 10 năm 2016, Bộ Công Thương đã có văn bản kiến nghị Ủy ban Tư pháp của Quốc hội bổ sung tội danh về kinh doanh trái phép theo phương thức đa cấp vào Bộ luật hình sự 2015 để nâng tính răn đe đồng thời có căn cứ xử lý nghiêm minh đối với các đối tượng vi phạm.

Hiện nay, Bộ Công Thương đang phối hợp với các cơ quan liên quan để hoàn thiện quy định cụ thể liên quan đến tội danh này.

60. Cử tri tỉnh Lâm Đồng kiến nghị: Trong quy định xử phạt các hành vi vi phạm sản xuất, kinh doanh phân bón, mức xử phạt tiền đối với trường hợp sản xuất phân bón giả về chất lượng thì công dụng thấp hơn trường hợp phân bón không đạt chất lượng. Vì sản xuất phân bón giả xử lý theo Nghị định 185/2013/NĐ-CP ngày 15/11/2013 về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ người tiêu dùng, áp dụng mức xử phạt từ 1 triệu đồng đến 200 triệu đồng, trong khi sản xuất phân bón kém chất lượng lại có mức xử phạt 80 – 180 triệu đồng. Với mức phạt này, thực tế vẫn chưa đủ mạnh để răn đe. Cử tri kiến nghị về sản xuất phân bón giả thì bất cứ vụ việc vi phạm ít hay nhiều, nặng hay nhẹ cũng phải khởi tố vụ án để truy cứu trách nhiệm hình sự. Đồng thời xem xét điều chỉnh áp dụng mức xử phạt cao hơn so với quy định hiện nay.

Trả lời: Tại công văn số 3234/BCT-KH ngày 17/4/2017

- Về kiến nghị xử lý hình sự đối với hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả là phân bón:

Việc xử lý hình sự đối với hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả là phân bón được thực hiện theo các quy định của pháp luật hình sự, cụ thể: tội sản xuất, buôn bán hàng giả là phân bón hiện nay đã được quy định tại Điều 158 Bộ Luật hình sự năm 1999; Điều 195 Bộ Luật hình sự năm 2015.

- Về kiến nghị điều chỉnh mức xử phạt hành chính đối với hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả là phân bón cao hơn so với hiện nay:

Theo quy định tại Điều 24 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012, mức phạt tiền cao nhất đối với sản xuất, buôn bán hàng giả là 200 triệu đồng đối với cá nhân và 400 triệu đồng đối với tổ chức. Theo quy định tại Nghị định số 185/2013/NĐ-CP ngày 15 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 124/2015/NĐ-CP ngày 19 tháng 11 năm 2015 của Chính phủ, việc xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả là phân bón được thực hiện căn cứ theo giá trị tang vật vi phạm để bảo đảm tương xứng với tính chất, mức độ của hành vi vi phạm hành chính và phù hợp với quy định chung của Luật xử lý vi phạm hành chính. Về kiến nghị của cử tri, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục rà soát, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét.

61. Cử tri tỉnh Kiên Giang kiến nghị: Tại điểm 3, Điều 5 Thông tư 45/2012/TT-BCT ngày 28/12/2012 về hoạt động kiểm tra chất lượng, an toàn thực phẩm, có quy định: “Cơ quan kiểm tra phải thông báo kế hoạch kiểm tra cho cơ sở sản xuất chậm nhất 15 ngày trước ngày kiểm tra”. Quy định này là kẽ hở cho các cơ sở kinh doanh đối phó, gây khó khăn trong việc kiểm tra phát hiện vi phạm về an toàn thực phẩm của cơ sở sản xuất thực phẩm. Cử tri đề nghị Bộ Công Thương sớm sửa đổi, bổ sung Thông tư số 45/2012/TT-BCT ngày 28/12/2012 cho phù hợp hơn.

Trả lời: Tại công văn số 3233/BCT-KH ngày 17/4/2017

Thông tư số 45/2012/TT-BCT ngày 28 tháng12 năm 2012 của Bộ Công Thương về hoạt động kiểm tra chất lượng, an toàn thực phẩm trong quá trình sản xuất thực phẩm đã quy định chi tiết đối với các hoạt động kiểm tra chất lượng, an toàn thực phẩm, cụ thể như sau:

Tại Điều 5 của Thông tư số 45/2012/TT-BCT nêu trên đã quy định rõ việc kiểm tra định kỳ đối với Doanh nghiệp, cơ quan kiểm tra phải thông báo kế hoạch kiểm tra cho cơ sở sản xuất chậm nhất mười lăm (15) ngày trước ngày kiểm tra. Tần suất kiểm tra không quá một lần/năm đối với mỗi cơ sở sản xuất. Hoạt động kiểm tra này bao gồm các nhiệm vụ: kiểm tra hồ sơ liên quan đến sản phẩm, quy trình sản xuất thực phẩm…, do vậy, thời gian báo trước là quy định bắt buộc để doanh nghiệp có thời gian chuẩn bị hồ sơ.

Trường hợp kiểm tra đột xuất theo quy định tại Điều 6 của Thông tư số 45/2012/TT-BCT, cơ quan kiểm tra không cần phải thông báo trước việc kiểm tra cho cơ sở sản xuất thực phẩm.

62. Cử tri tỉnh Kiên Giang kiến nghị: Cử tri đề nghị Bộ Công Thương sớm ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể việc phân cấp quản lý và điều kiện cam kết đảm bảo an toàn thực phẩm đối với các cơ sở kinh doanh thực phẩm nhỏ, lẻ. Đồng thời sớm ban hành tiêu chuẩn chợ an toàn thực phẩm; nghiên cứu để có một hệ thống tổ chức quản lý về an toàn thực phẩm đồng bộ như các ngành nông nghiệp, y tế.

Trả lời: Tại công văn số 3233/BCT-KH ngày 17/4/2017

1. Về phân cấp quản lý và điều kiện cam kết đối với cơ sở kinh doanh thực phẩm nhỏ, lẻ:

   Khoản 1 Điều 3 Thông tư số 58/2014/TT-BCT ngày 22 tháng 12 năm 2014 của Bộ Công Thương quy định cấp, thu hồi Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Công Thương (Thông tư số 58) quy định: Cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ là cơ sở do cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình thực hiện đăng ký hộ kinh doanh và cơ sở không được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đầu tư theo quy định của pháp luật.

Đồng thời, điểm a, khoản 3 Điều 2 Thông tư số 58 cũng quy định: Cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ không thuộc đối tượng cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm.

Khoản 2 Điều 24 Nghị định số 77/2016/NĐ-CP của Chính phủ ngày 01 tháng 7 năm 2016 sửa đổi, bổ sung một số quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực mua bán hàng hóa quốc tế, hóa chất, vật liệu nổ công nghiệp, phân bón, kinh doanh khí, kinh doanh thực phẩm thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Công Thương (Nghị định số 77) quy định: Cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm không thuộc đối tượng phải cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm phải đáp ứng các điều kiện sau:

- “Có đủ điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm phù hợp với từng loại hình sản xuất, kinh doanh thực phẩm theo quy định tại Mục 8 Chương VI của Nghị định này”. Theo đó, điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm đối với cơ sở kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ bao gồm điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm đối với khu vực kinh doanh thực phẩm, điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm đối với khu vực kho và điều kiện đối với chủ cơ sở, người trực tiếp kinh doanh thực phẩm.

- “Thực hiện ký cam kết với cơ quan có thẩm quyền do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phân cấp quản lý về an toàn thực phẩm trên địa bàn”.

Đồng thời, khoản 2 Điều 65 Luật An toàn thực phẩm 2010 quy định: Ủy ban nhân dân các cấp chịu trách nhiệm “quản lý điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ”.

Theo đó, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, tùy thuộc vào tình hình thực tế của địa phương, giao đầu mối cơ quan phụ trách triển khai việc ký cam kết đối với cơ sở kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ như mô hình phân cấp của một số địa phương sau:

+ Tại Đồng Nai: Ủy ban nhân dân tỉnh giao cho Sở Y tế phụ trách.

+ Tại Ninh Bình, Bình Định, Phú Yên: Ủy ban nhân dân tỉnh giao Ủy ban nhân dân huyện phụ trách.

+ Tại Cần Thơ: Ủy ban nhân dân thành phố giao cho cả 3 Sở: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và Công Thương phụ trách.

2. Ban hành tiêu chuẩn chợ an toàn thực phẩm

Thực trạng hệ thống chợ nước ta hiện nay chủ yếu là chợ hạng III (khoảng 86%), cơ sở vật chất còn lạc hậu; tập quán kinh doanh nhỏ lẻ; nguồn hàng khó kiểm soát, chưa đáp ứng được yêu cầu về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm theo các quy định hiện hành. Trước tình hình này, để đáp ứng yêu cầu hướng dẫn công tác bảo đảm an toàn thực phẩm tại chợ, Bộ Công Thương đã xây dựng Dự thảo Tiêu chuẩn quốc gia về chợ kinh doanh thực phẩm để khuyến khích các chợ áp dụng. Tháng 8 năm 2016, Bộ đã lấy ý kiến của các cơ quan liên quan (Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hiệp hội phát triển chợ), Sở Công Thương các tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương; tháng 12 năm 2016, đăng tải trên cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương. Bộ đã tổ chức Hội đồng thẩm định nghiệm thu và thông qua nhiệm vụ xây dựng Tiêu chuẩn quốc gia về chợ kinh doanh thực phẩm thuộc Dự án Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa ngành công nghiệp. Bộ Công Thương sẽ tiếp tục tổ chức Hội đồng thẩm định Tiêu chuẩn Việt Nam về chợ kinh doanh thực phẩm, dự kiến trong quý II năm 2017 sẽ chuyển Bộ Khoa học và Công nghệ thẩm định, công bố.

63. Cử tri thành phố Hà Nội kiến nghị: Cử tri cho rằng tình trạng nhập thiết bị, công nghệ lạc hậu và rác thải công nghiệp sẽ khiến nước ta phải đối mặt nhiều mối nguy hại như: ô nhiễm môi trường, mất an ninh năng lượng, kéo dài quá trình hiện đại hóa nền công nghiệp, giảm năng lực cạnh tranh quốc gia... Đề nghị cần có biện pháp khắc phục triệt để tình trạng này.

Trả lời: Tại công văn số 3210/BCT-KH ngày 17/4/2017

Ngày 13 tháng 11 năm 2015 Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành Thông tư số 23/2015/TT-BKHCN quy định việc nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng, cụ thể tại Khoản 3 Điều 4 của Thông tư số 23/2015/TT-BKHCN về nguyên tắc quản lý đã quy định rõ: “Không được phép nhập khẩu thiết bị đã qua sử dụng mà các nước đã công bố loại bỏ do lạc hậu, kém chất lượng, gây ô nhiễm môi trường, do Bộ Khoa học và Công nghệ công bố trên Cổng Thông tin điện tử”.

Trong quá trình thực hiện Thông tư số 23/2015/TT-BKHCN, Bộ Công Thương đã thụ lý 12 hồ sơ đề nghị nhập khẩu máy móc, thiết bị đã qua sử dụng chủ yếu trong lĩnh vực cơ khí chế tạo, có tuổi trên 10 năm theo quy định tại Điều 13 của Thông tư số 23/2015/TT-BKHCN nêu trên; đánh giá chung về các hồ sơ nhập khẩu: Chưa tuân thủ các quy định về hồ sơ nhập khẩu thiết bị đã qua sử dụng được quy định tại Điều 7 của Thông tư số 23/2015/TT-BKHCN và chưa đưa ra được các yêu cầu để chứng minh được sự cần thiết phải nhập khẩu theo quy định tại Điều 13 của Thông tư số 23/2015/TT-BKHCN. Qua đó có thể thấy rằng các doanh nghiệp nhập khẩu thiết bị đã qua sử dụng vẫn chưa nắm vững các quy định của Thông tư số 23/2015/TT-BKHCN.

Hiện nay, Bộ Khoa học và Công nghệ đang tiến hành rà soát, sửa đổi bổ sung Thông tư số 23/2015/TT-BKHCN theo yêu cầu của Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP ngày 06 tháng 02 năm 2017 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2017, định hướng đến năm 2020. Ngày 23 tháng 3 năm 2017 Bộ Công Thương có công văn số 2361/BCT-KHCN gửi Bộ Khoa học và Công nghệ đánh giá về tình hình thực hiện Thông tư số 23/2015/TT-BKHCN  và kiến nghị một số hướng sửa đổi, bổ sung Thông tư số 23/2015/TT-BKHCN.

Như vậy, có thể thấy rằng việc nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng trong thời gian qua đã được quy định và kiểm soát khá chặt chẽ. Trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Khoa học và Công nghệ để kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện các quy định này.

Liên quan đến vấn đề cử tri kiến nghị, Quốc hội, Chính phủ và các bộ ngành đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật trong các lĩnh vực đầu tư, thương mại, xây dựng, môi trường, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả ..., nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước, hạn chế, ngăn chặn thiết bị, công nghệ lạc hậu, rác thải công nghiệp vào Việt Nam.

Hiện nay, Bộ Công Thương đang phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ là cơ quan chủ trì xây dựng, trình Quốc hội ban hành Luật Chuyển giao công nghệ (sửa đổi). Dự thảo Luật đã được Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 2, tháng 11 năm 2016, dự kiến xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 3, tháng 6 năm 2017. Luật này quy định về hoạt động chuyển giao công nghệ tại Việt Nam, từ nước ngoài vào Việt Nam. Dự thảo Luật sẽ quy định hoặc giao Chính phủ quy định chi tiết Danh mục khuyến khích chuyển giao, hạn chế chuyển giao và cấm chuyển giao; quy định về thẩm định công nghệ dự án đầu tư; quản lý nhà nước về hoạt động chuyển giao công nghệ; các chế tài kiểm tra, giám sát công nghệ trong dự án đầu tư. Luật Chuyển giao công nghệ (sửa đổi) sẽ khắc phục triệt để hơn các các kẽ hở hiện nay ngăn chặn công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh môi trường, sức khỏe con người và phát triển bền vững quốc gia

64. Cử tri tỉnh An Giang kiến nghị: Cử tri phản ánh, thời gian qua, các doanh nghiệp Trung Quốc sang Việt Nam hợp đồng tiêu thụ sản phẩm của nông dân, nhưng không ổn định, có lúc mua, lúc không mua, làm cho nông dân thua lỗ, khó khăn trong kế hoạch sản xuất. Đề nghị quan tâm việc quan hệ làm ăn với các doanh nghiệp của Trung Quốc để người dân an tâm.

Trả lời: Tại công văn số 3223/BCT-KH ngày 17/4/2017

Việt Nam là một nước nông nghiệp, việc tiêu thụ nông sản cho người nông dân luôn luôn được Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ và dư luận xã hội quan tâm. Thời gian qua, doanh nghiệp FDI, thương nhân nước ngoài phần lớn đã hoạt động theo đúng quy định của pháp luật, đã góp phần tích cực trong việc thu mua, tiêu thụ và xuất khẩu nông sản. Tuy nhiên, vẫn còn có hiện tượng một số tổ chức, cá nhân nước ngoài lợi dụng chính sách mở cửa của Đảng và nhà nước vào Việt Nam bằng con đường du lịch, chữa bệnh, thăm thân… để tiến hành hoạt động mua bán nông sản trái phép.

Trước tình hình đó, Bộ Công Thương đã chủ động triển khai một số nội dung công việc chủ yếu như sau:

- Trực tiếp ban hành hoặc tham mưu trình Chính phủ ban hành các văn bản quy phạm pháp luật quy định về hoạt động mua bán hàng hóa của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam (Nghị định số 187/2013/NĐ-CP ngày 20 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế và các hoạt động đại lý mua, bán, gia công và quá cảnh hàng hóa với nước ngoài; Nghị định số 185/2013/NĐ-CP ngày 15 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; Thông tư số 04/2014/TT-BCT ngày 27 tháng 01 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị định số 187/2013/NĐ-CP; Thông tư số 08/2013/TT-BCT ngày 22 tháng 4 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định chi tiết về hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam theo Nghị định số 23/2007/NĐ-CP; Thông tư số 28/2012/TT-BCT ngày 27 tháng 9 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định chi tiết việc đăng ký quyền xuất khẩu, quyền nhập khẩu của thương nhân nước ngoài không có hiện diện tại Việt Nam theo Nghị định số 90/2007/NĐ-CP).

- Tổ chức Hội nghị tại các vùng trọng điểm (Đồng bằng sông Cửu Long; Đồng bằng Trung du Bắc Bộ; Tây Nguyên Nam Trung Bộ) để tuyên truyền, phổ biến pháp luật có liên quan đến hoạt động mua bán hàng hoá của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam cho các sở, ban ngành, lực lượng kiểm soát của các địa phương trong vùng.

- Lập các đoàn công tác đến các địa bàn nóng, có xẩy ra vụ việc để trực tiếp tìm hiểu, chỉ đạo (đến Bắc Giang, Lào Cai để kiểm tra công tác thu mua và xuất khẩu vải; đến Thái Nguyên, Tuyên Quang kiểm tra công tác thu mua chè bẩn; đến Bình Thuận, Long An kiểm tra tình hình thu mua thanh long của thương nhân Trung Quốc; đến Cà Mau kiểm tra việc thu mua thủy sản; đến Quảng Ngãi, Bình Định, Lạng Sơn để nắm bắt tình hình sản xuất và tháo gỡ ùn tắc dưa hấu tại cửa khẩu…).

- Cung cấp thông tin kịp thời để các phương tiện thông tin đại chúng đưa tin, tuyên truyền...

- Tăng cường công tác xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường, đàm phán các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương....

- Chỉ đạo các Sở Công Thương, Chi cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai phối hợp với các đơn vị chức năng trên địa bàn tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, kiểm tra, kiểm soát hoạt động thu mua hàng hóa của người nước ngoài trên địa bàn.

- Xây dựng, cập nhật cơ sở dữ liệu về doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, về chi nhánh, văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài hoạt động tại Việt Nam để cung cấp, làm cơ sở cho lực lượng quản lý thị trường, các Sở Công Thương, các Bộ, ngành có liên quan thực hiện công tác quản lý, hậu kiểm sau cấp phép; Nắm tình hình hoạt động xuất khẩu hàng nông sản, thủy sản qua các cửa khẩu, đường mòn, lối mở... để kịp thời phối hợp với các cơ quan chức năng xử lý khi có hiện tượng bất thường;

- Đề xuất các cơ chế điều hành, quản lý cần thiết để kiểm soát tốt hơn hàng hóa xuất nhập khẩu qua biên giới; tham gia tổ chức hệ thống phân phối từ vùng sản xuất đến các khu vực cửa khẩu và xuất khẩu hàng nông sản qua biên giới; sự vào cuộc của lực lượng chức năng tại địa phương dưới sự hướng dẫn, chỉ đạo của các Bộ, ngành như công an, biên phòng, đặc biệt trong đó có lực lượng quản lý thị trường đã thường xuyên, chủ động và tăng cường hơn công tác kiểm tra, kiểm soát và xử lý các hành vi vi phạm trong việc thu mua nông sản của các tổ chức cá nhân người nước ngoài...

- Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ thỏa thuận, ký kết Bản ghi nhớ việc hợp tác trong lĩnh vực thương mại nông sản giữa Bộ Thương mại nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa và Bộ Công Thương nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

- Bộ cũng đã chỉ đạo các Thương vụ tại Trung Quốc (nhất là Nam Ninh, Quảng Châu và Côn Minh) và các nước trong khu vực theo dõi, nắm bắt thị trường để chủ động, kịp thời cung cấp thông tin và đề xuất những chương trình hợp tác nhằm thúc đẩy xuất khẩu bền vững, lâu dài đối với sản phẩm nông sản, thuỷ sản của Việt Nam.

Với những nỗ lực như trên trong thời gian qua, hoạt động thu mua nông sản trái phép của tổ chức, cá nhân người nước ngoài đã từng bước được ngăn chặn, ngày càng thu hẹp về phạm vi, qui mô và số lượng vụ việc, cụ thể:

- Trong năm 2012, hiện tượng người nước ngoài vào Việt Nam tiến hành hoạt động thu mua nông sản, thủy sản diễn ra trên diện rộng và diễn biến theo chiều hướng ngày càng phức tạp tại 17 tỉnh, thành phố.

- Trong năm 2013, tại một số thời điểm ở một số địa phương, xuất hiện hiện tượng người nước ngoài vào Việt Nam thu mua nhỏ lẻ các loại nông sản, lâm sản, thủy sản (kể cả một số loại khác lạ) tại 12 tỉnh, thành phố.

- Năm 2014 chỉ còn xuất hiện việc thu mua hải sản, cây trắc dây tại tỉnh Khánh Hòa.

Đến nay, các hoạt động đã không còn diễn ra công khai, phạm vi rộng, số lượng đông... mà đi vào hoạt động lén lút, bí mật, qui mô nhỏ..., hoạt động thương nhân nước ngoài tại Việt Nam trong lĩnh vực này dần đi vào ổn định, tình trạng thương nhân nước ngoài thu mua nông sản, hải sản ở Việt Nam giảm dần (năm 2015 không có thương lái nước ngoài đến thu mua nông sản gây bất ổn thị trường). 

Năm 2016, xuất hiện hiện tượng thương nhân nước ngoài thu mua thanh long trên địa bàn các tỉnh Long An, Bình Thuận. Tại Long An, một số đối tượng là người nước ngoài đến địa bàn thu mua trái, hoa thanh long, khảo sát thị trường thanh long bất thường đã bị cơ quan chức năng phát hiện, lập biên bản và buộc rời khỏi địa bàn; tại Bình Thuận năm 2016, Đoàn kiểm tra liên ngành đã phát hiện hiện tượng thương lái Trung Quốc hoạt động thương mại trái phép trên địa bàn và đã tiến hành xử lý đối với các tổ chức cá nhân vi phạm theo quy định: Phạt 235 triệu đồng/11 đối tượng người nước ngoài với hành vi nhập cảnh hành nghề trái phép tại Việt Nam; xử phạt 50 triệu đồng đối với 02 đối tượng người nước ngoài có hành vi kinh doanh trái phép trên lãnh thổ Việt Nam, đồng thời tịch thu 12 tấn thanh long đã được đóng gói; rút ngắn thời gian lưu trú tại Việt Nam đối với các đối tượng bị xử phạt hành chính lần đầu và áp dụng tình tiết tăng nặng và kiến nghị Cục Quản lý xuất nhập cảnh áp dụng biện pháp cấm nhập cảnh có thời hạn đối với các đối tượng tái phạm.

Thực hiện Quyết định số 3597/QĐ-BCT ngày 05 tháng 9 năm 2016, Bộ Công Thương đã thành lập đoàn công tác triển khai việc khảo sát, nghiên cứu, kiểm tra, đánh giá tình hình sản xuất, tiêu thụ thanh long tại tỉnh Bình Thuận, tổ chức Hội nghị "Xúc tiến tiêu thụ thanh long tại tỉnh Bình Thuận" vào ngày 23 tháng 11 năm 2016 với hơn 300 đại biểu tham dự (bao gồm các Sở, ban, ngành tại các tỉnh, thành phố, các doanh nghiệp sản xuất, doanh nghiệp phân phối trong nước và doanh nghiệp Trung Quốc) và đã có nhiều biên bản thỏa thuận hợp tác tại hội nghị nhằm tạo thuận lợi cho việc tiêu thụ nông sản nói chung và tiêu thụ thanh long nói riêng của tỉnh Bình Thuận và các tỉnh lân cận.

Đến nay, các địa phương trong cả nước hiện vẫn đang tiếp tục thực hiện nghiêm túc và đầy đủ việc tuyên truyền phổ biến pháp luật theo nội dung chỉ đạo của Bộ Công Thương về công tác quản lý hoạt động mua bán hàng hóa của người nước ngoài tại Việt Nam theo các Văn bản số 4456/BCT-TTTN ngày 25/5/2012 và Văn bản số 1910/BCT-TTTN ngày 12/3/2014. Để tiếp tục tăng cường quản lý hoạt động thu mua nông sản theo đúng quy định của pháp luật, truyền thông kịp thời, chính xác về hoạt động thu mua nông sản, ngày 20 tháng 5 năm 2015, Bộ Công Thương tiếp tục ban hành Văn bản số 4929/BCT/TTTN gửi 63 Sở Công Thương các tỉnh, thành phố yêu cầu tiếp tục thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của Bộ Công Thương (Văn bản số 4456/BCT-TTTN ngày 25/5/2012 và Văn bản số 1910/BCT-TTTN ngày 12/3/2014), chủ động định hướng truyền thông kịp thời về hoạt động thu mua nông sản và các kết quả triển khai, kiểm tra xử lý vi phạm (nếu có). Thường xuyên cùng các địa phương nắm bắt và chỉ đạo lực lượng chức năng kiểm tra, kiểm soát hoạt động của thương nhân nước ngoài.

Thời gian tới, Bộ Công Thương tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp đã thực hiện qua các năm, đồng thời chỉ đạo các Sở Công Thương: 

- Tiếp tục chỉ đạo Cục Quản lý thị trường có văn bản hướng dẫn và chỉ đạo các Chi cục Quản lý thị trường tại các địa phương tăng cường hoạt động kiểm tra, kiểm soát và kịp thời xử lý các hành vi vi phạm hoạt động thu mua nông sản, thủy sản của thương nhân nước ngoài tại các địa phương và báo cáo Bộ kết quả xử lý.

- Tiếp tục chỉ đạo Sở Công Thương các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật quy định về hoạt động mua bán hàng hóa của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam cho các cán bộ quản lý địa phương doanh nghiệp và hộ nông dân; kịp thời phối hợp với cơ quan báo chí để định hướng việc phản ánh đúng hiện trạng thu mua nông, thủy, hải sản ở các địa phương.

- Thành lập các Đoàn công tác phối hợp với các địa phương nắm bắt hiện tượng người nước ngoài thu mua nông sản, thủy, hải sản diễn ra trên địa bàn để tìm biện pháp xử lý kịp thời, triệt để.

- Tăng cường phối hợp với các lực lượng chức năng, trong đó có Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả Trung ương nâng cao công tác quản lý, kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm của thương nhân nước ngoài mua bán hàng hóa tại Việt Nam không tuân thủ các quy định của pháp luật.

- Triển khai chương trình xúc tiến thương mại quốc gia, mở rộng thị trường trong và ngoài nước; Xúc tiến thành lập các văn phòng đại diện, văn phòng xúc tiến thương mại ở các thị trường trọng điểm, để chủ động, kịp thời cung cấp thông tin, đề xuất những chương trình hợp tác nhằm thúc đẩy xuất khẩu nông sản, thuỷ sản.

- Nhân rộng và tiếp tục thực hiện mô hình tiêu thụ nông sản, cung ứng vật tư nông nghiệp; thực hiện “Dự án đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thương mại nông thôn” theo Quyết định 23/QĐ-TTg ngày 06 tháng 01 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt Đề án “Phát triển thương mại nông thôn giai đoạn 2010-2015 và định hướng đến năm 2020”; tiếp tục hướng dẫn các địa phương và phối hợp triển khai thực hiện các dự án về phát triển thương mại nông thôn giai đoạn 2016-2020, các dự án mô hình chợ thí điểm an toàn thực phẩm trong chương trình mục tiêu Y tế và dân số năm 2016-2017.

- Phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẩn trương triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường mới, xây dựng thương hiệu rau quả; thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng (theo Bản Ghi nhớ phối hợp công tác được ký kết giữa 2 Bộ vào ngày 3/6/2014 và Biên bản ghi nhớ được sửa đổi, bổ sung ký kết vào ngày 09/11/2016). Phối hợp triển khai Quyết định số 62/2013/QĐ-TTg ngày 25 tháng 10 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn; xử lí các vấn đề liên quan tới chống bán phá giá và các rào cản thương mại, đồng thời chú trọng hơn nữa vào thị trường tiêu thụ nông sản nội địa thông qua việc triển khai thực hiện Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

- Chỉ đạo địa phương khuyến cáo người dân sản xuất, nuôi trồng theo quy hoạch của địa phương và của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, không chạy theo lợi ích trước mắt, tuân thủ các quy định về mua bán hàng hóa, kịp thời cung cấp thông tin, phản ánh những khó khăn, vướng mắc đến các cơ quan quản lý để kịp thời xử lý, tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ cho người dân một cách tốt nhất.

65. Cử tri tỉnh An Giang kiến nghị: Đề nghị Bộ Tài chính, Bộ Công Thương nghiên cứu chỉ tính giá điện sinh hoạt cùng một mức giá, không nên chia thành nhiều mức giá như hiện nay, người dân dùng điện càng nhiều thì phải trả giá cao cho một đơn vị điện, không khuyến khích các hộ gia đình dùng điện để sản xuất, nhất là sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp.

Trả lời: Tại công văn số 3223/BCT-KH ngày 17/4/2017

Điện năng là một hàng hóa đặc biệt, việc sản xuất và tiêu dùng diễn ra đồng thời, người dùng sử dụng điện trước và trả tiền sau. Hiện nay, phần lớn lượng điện năng được sản xuất từ các nguồn nguyên liệu hóa thạch, không tái tạo được như than đá, dầu mỏ, khí đốt trong khi các nguồn năng lượng tái tạo như: năng lượng mặt trời, gió… chưa được phát triển mạnh do hiệu quả chưa cao, cách thức sử dụng còn khá phức tạp và chi phí đắt đỏ. Cùng với việc thực hiện những giải pháp hiệu quả hơn cho việc sử dụng nguồn năng lượng tái tạo, việc sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả được xem như là biện pháp quan trọng và cần thiết trong giai đoạn hiện nay.

Nhằm khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả, hiện nay rất nhiều nước trên thế giới áp dụng giá điện theo các bậc để phù hợp với các mức sử dụng điện khác nhau của các hộ dân với giá điện của các bậc tăng dần (hộ sử dụng điện càng nhiều, không tiết kiệm điện, sử dụng các thiết bị tiêu hao nhiều năng lượng sẽ phải áp dụng giá điện cao hơn), cụ thể:

TT

Quốc gia

Hình thức áp dụng giá điện

sinh hoạt

Số bậc thang điện sinh hoạt

1

Nhật Bản

Lũy tiến theo bậc

3 bậc

2

Thái Lan

- Lũy tiến theo bậc

- Được lựa chọn áp dụng giá theo thời gian sử dụng (TOU)

- Dưới 150 kWh/tháng: 7 bậc

- Trên 150 kWh/tháng: 3 bậc

3

Malaisia

Lũy tiến theo bậc

10 bậc

4

Philipines

Lũy tiến theo bậc

8 bậc

5

Hàn Quốc

Lũy tiến theo bậc

6 bậc

7

Indonesia

Lũy tiến theo bậc

3 bậc

8

Hồng Kông

Lũy tiến theo bậc

7 bậc

9

Nam Phi

Lũy tiến theo bậc

6 bậc

10

Lào

Lũy tiến theo bậc

3 bậc

Tại Việt Nam, thực hiện khoản 13 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực trong đó quy định giá điện theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước và khoản 15 Điều 1 giao Thủ tướng Chính phủ quy định cơ cấu biểu giá bán lẻ điện, ngày 07 tháng 4 năm 2014, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 28/2014/QĐ-TTg về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện có hiệu lực từ ngày 01 tháng 6 năm 2014 (thay thế Quyết định số 268/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 23/02/2011) với các mục tiêu chính sau:

- Giảm dần việc bù chéo giá điện giữa các đối tượng sử dụng điện và không bán điện dưới giá thành.

- Tách bạch hoạt động sản xuất kinh doanh điện của doanh nghiệp điện với thực hiện chính sách an sinh - xã hội của Đảng, Nhà nước đối với hộ nghèo, hộ chính sách xã hội thông qua hỗ trợ tiền điện trực tiếp từ ngân sách Nhà nước.

- Biểu giá bán lẻ điện được xây dựng phù hợp theo hướng không quy định quá nhiều bậc thang, qua đó tạo thuận lợi cho người tiêu dùng và cơ quan quản lý theo dõi, áp dụng.

Thực hiện các mục tiêu nêu trên, giá bán lẻ điện cho sinh hoạt tiếp tục được thiết kế theo các bậc để phù hợp với các mức sử dụng điện khác nhau của các hộ dân với giá điện của các bậc tăng dần nhằm khuyến khích các hộ dân sử dụng điện hiệu quả, tiết kiệm. Thực tế áp dụng trong những năm qua cho thấy việc áp dụng giá bán điện sinh hoạt theo các bậc là đơn giản trong áp dụng nhưng vẫn đạt được mục tiêu khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm hiệu quả.

Có thể thấy rằng, việc thiết kế giá bán điện sinh hoạt theo các bậc là phù hợp trong giai đoạn hiện nay. Trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục đánh giá việc thực hiện và nghiên cứu cơ chế giá bán điện sinh hoạt phù hợp với thực tế sử dụng điện của các hộ sử dụng điện cũng như phù hợp với sự phát triển trong kỹ thuật đo đếm điện năng khi công tơ điện tử hiện đại dần được lắp đặt, thay thế cho công tơ cơ truyền thống.

66. Cử tri tỉnh Bình Thuận kiến nghị: Cử tri cho rằng việc tính giá thành điện tăng liên tục như hiện nay là không hợp lý, gây khó khăn cho các hộ, trong khi đó việc hạch toán giá thành của ngành điện là không rõ ràng. Đề nghị Chính phủ cần làm rõ vấn đề này và trả lời cho cử tri được rõ.

Trả lời: Tại công văn số 3224/BCT-KH ngày 17/4/2017

Về thực hiện công tác điều tiết giá điện

Nhằm phát triển năng lượng bền vững, đáp ứng nhu cầu sử dụng điện của doanh nghiệp và người dân, đảm bảo tạo môi trường cạnh tranh và nâng cao hiệu quả kinh tế của ngành điện thì giá bán điện cần phản ánh được các chi phí sản xuất, kinh doanh điện cũng như đảm bảo các đơn vị điện lực có lợi nhuận hợp lý, đảm bảo các chỉ tiêu tài chính đáp ứng yêu cầu của các tổ chức tài chính cho vay vốn, từ đó tái đầu tư phát triển và khuyến khích các thành phần kinh tế khác đầu tư phát triển nguồn và lưới điện.

Thực hiện mục tiêu trên, trong các năm vừa qua và những năm sắp tới việc điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân đã, đang và sẽ tiếp tục được thực hiện theo cơ chế thị trường trong phạm vi khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân do Thủ tướng Chính phủ quy định (khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân các năm 2013 - 2015 thực hiện theo quy định tại Quyết định số 2165/QĐ-TTg ngày 11 tháng 11 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ; đối với khung giá bán lẻ điện bình quân các năm 2016 - 2020, Bộ Công Thương đã có Báo cáo số 135/BC-BCT ngày 29 tháng 12 năm 2016 báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định) và cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân quy định tại Quyết định số 69/2013/QĐ-TTg ngày 19 tháng 11 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ (ngày 23 tháng 02 năm 2017, Bộ Công Thương đã có Công văn số 1423/BCT-ĐTĐL gửi Văn phòng Chính phủ về Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân thay thế Quyết định số 69/2013/QĐ-TTg). Tuy nhiên, để ổn định giá bán điện, đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng, thời điểm điều chỉnh và lượng điều chỉnh sẽ được xem xét thận trọng và kỹ lưỡng, căn cứ vào tình hình kinh tế, xã hội của từng thời kỳ.

Về công khai, minh bạch giá điện

Thực hiện quy định về kiểm tra, công bố giá thành sản xuất kinh doanh điện tại Quyết định số 24/2011/QĐ-TTg ngày 15 tháng 4 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ về điều chỉnh giá bán điện theo cơ chế thị trường (nay là Quyết định số 69/2013/QĐ-TTg ngày 19 tháng 11 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân), từ năm 2011, Tổ công tác liên ngành gồm đại diện của Bộ Công Thương; Bộ Tài chính; Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam; Hội Điện lực; Ủy ban Kinh tế Quốc hội đã triển khai công tác kiểm tra giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2010, năm 2011, năm 2012, năm 2013, năm 2014, năm 2015 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam - EVN trên cơ sở các báo cáo của EVN và các kết quả kiểm toán. Căn cứ vào kết quả kiểm tra của Tổ công tác, Bộ Công Thương đã tổ chức họp báo, công bố công khai các nội dung về giá thành sản xuất kinh doanh điện cũng như tình hình hoạt động (lỗ/lãi) sản xuất, kinh doanh điện năm 2010, năm 2011, năm 2012, năm 2013, năm 2014, năm 2015 của EVN. Như vậy, giá thành sản xuất kinh doanh điện của EVN đã được các cơ quan quản lý nhà nước kiểm tra, tính toán và công bố công khai theo quy định.

Trong năm 2017, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan có liên quan tổ chức kiểm tra, tính toán giá thành sản xuất, kinh doanh điện năm 2016 của EVN và thực hiện công bố công khai theo quy định.

Ngoài ra, để tăng cường hơn nữa việc công khai, minh bạch hoạt động sản xuất, kinh doanh điện, ngày 22 tháng 4 năm 2014, Bộ Công Thương đã ban hành Chỉ thị số 11/CT-BCT về tăng cường công khai, minh bạch đối với hoạt động kinh doanh điện, xăng dầu. Chỉ thị số 11/CT-BCT đã quy định cụ thể, chi tiết về các nội dung, hình thức, phương thức, thời gian cần công khai, phân công cụ thể đơn vị thực hiện việc công khai, địa chỉ tra cứu, truy cập thông tin về các nội dung công khai, minh bạch đối với hoạt động kinh doanh điện, xăng dầu để người dân có thể theo dõi, giám sát. Từ ngày 01 tháng 6 năm 2014, Bộ Công Thương đã triển khai công bố các thông tin theo quy định của Chỉ thị số 11/CT-BCT tại chuyên trang công khai, minh bạch hoạt động kinh doanh điện trên website của Bộ Công Thương theo địa chỉ: http://minhbach.moit.gov.vn/.

67. Cử tri tỉnh Gia Lai kiến nghị: Hiện nay, mạng lưới điện nông thôn nhiều xã trên địa bàn tỉnh Gia Lai chưa được đầu tư, nâng cấp, gây mất an toàn cho người dân, đặc biệt trong mùa mưa bão. Cử tri đề nghị Bộ chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam quan tâm sớm đầu tư, nâng cấp.

Trả lời: Tại công văn số 3231/BCT-KH ngày 17/4/2017

Ngày 08 tháng 11 năm 2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2081/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình Cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo giai đoạn 2013-2020 (Chương trình), theo đó giao Tập đoàn Điện lực Việt Nam - EVN làm chủ đầu tư Dự án điện nông thôn. Ngày 30 tháng 10 năm 2015, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 11817/QĐ-BCT phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi dự án cấp điện nông thôn từ lưới điện Quốc gia, theo đó tỉnh Gia Lai giai đoạn 2015-2020 cấp điện cho 41.529 hộ tại 1.078 thôn, 166 xã, 14 huyện, với vốn đầu tư 971,2 tỷ đồng, Dự án có quy mô: Tổng số trạm: 564 trạm; Tổng số chiều dài đường dây trung áp: 355,34 km; Tổng số chiều dài đường dây hạ áp xây dựng mới: 1.277,4 km.

Trong giai đoạn 2013 – 2015, với nguồn ngân sách Nhà nước hạn chế nên chủ yếu đưa điện về xã, thôn bản và hải đảo chưa có điện (khoảng 165.820 hộ dân, 40/57 xã, 2.250/12.300 thôn bản, 07/11 đảo trên cả nước). Đến giai đoạn 2016 - 2020 để đảm bảo được sử dụng điện an toàn ở khu vực “có điện cũng như không” như theo phản ánh kiến nghị của cử tri, Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 4989/QĐ-BCT ngày 22 tháng 12 năm 2016 về kế hoạch thực hiện Chương trình điện cho nông thôn miền núi và hải đảo, theo đó đề nghị Chính phủ cho phép sử dụng vốn vay ưu đãi, vốn ODA từ ADB và EU, trong đó dự kiến đề xuất Chính phủ phân bổ cho tỉnh là 826 tỷ đồng để làm cơ sở cho EVN đầu tư, nâng cấp hệ thống lưới điện nông thôn đạt chuẩn theo tiêu chí số 4 về điện.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương đã chỉ đạo EVN sử dụng các nguồn vốn vay ODA (như Tiểu dự án vốn KFW, WB) để đầu tư nâng cấp hệ thống lưới điện phân phối đảm bảo khả năng truyền tải nguồn điện để đáp ứng nhu cầu sử dụng điện khu vực nông thôn (Văn bản chỉ đạo số 9569/BCT-TCNL ngày 10 tháng 10 năm 2016 của Bộ Công Thương về thực hiện cải tạo, nâng cấp, mở rộng hệ thống lưới điện nông thôn mục tiêu đến năm 2020, có 100% xã đạt chuẩn tiêu chí số 4 về điện).

68. Cử tri tỉnh Nghệ An kiến nghị: Cử tri các xã Tà Cạ, Mường Típ, Mường Ải huyện Kỳ Sơn đề nghị Chính phủ ngưng việc cấp phép các dự án thủy điện trên địa bàn huyện Kỳ Sơn. Hiện nay, do ảnh hưởng của việc làm các nhà máy thủy điện, đường đi từ trung tâm huyện vào các xã, các bản bị hư hỏng, sạt lở, người dân đi lại khó khăn, không đảm bảo an toàn, bên cạnh đó việc đầu tư xây dựng quá nhiều dự án thủy điện đã ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân.

Trả lời: Tại công văn số 3230/BCT-KH ngày 17/4/2017

Trên địa bàn xã Tà Cạ, huyện Kỳ Sơn (tỉnh Nghệ An) có 3 nhà máy thủy điện nhỏ đã phát điện là nhà máy thủy điện Nậm Mô, nhà máy thủy điện Bản Cánh, nhà máy thủy điện Nậm Cắn 2. Cả 3 nhà máy này đều nằm trên trục đường từ cầu Tám (vị trí đường nhựa gần thị trấn Kỳ Sơn) đi đến tràn Bản Cánh và được thực hiện đầu tư xây dựng theo đúng các quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt và các trình tự thủ tục theo quy định của pháp luật. Hiện nay, con đường này đã được Công ty Cổ phần Tổng công ty Phát triển năng lượng Nghệ An (Chủ đầu tư công trình thủy điện Nâm Mô) phối hợp với Công ty Cổ phần thủy điện sông Nậm Cắn (Chủ đầu tư công trình thủy điện Nậm Cắn 2 và thủy điện Bản Cánh) sửa chữa xong, hoàn thành công tác nghiệm thu theo biên bản được lập ngày 23 tháng 12 năm 2016 giữa đại diện Chủ đầu tư và chính quyền địa phương (Ủy ban nhân dân xã Tà Cạ, huyện Kỳ Sơn). Ngoài ra, trên địa bàn xã Mường Típ, Mường Ải, huyện Kỳ Sơn chưa có dự án thủy điện nào đã phát điện hoặc đang thi công.

Thực hiện Nghị quyết số 62/2013/QH13 ngày 27 tháng 11 năm 2013 của Quốc hội Khóa XIII về tăng cường công tác quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng, vận hành khai thác công trình thủy điện, Bộ Công Thương hiện đang tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương và các Chủ đầu tư dự án thủy điện để tháo gỡ những vướng mắc của đồng bào trong di dân, tái định cư, đặc biệt là những khó khăn, vướng mắc về cơ sở hạ tầng liên quan đến việc đầu tư xây dựng các Dự án thủy điện.

Đối với kiến nghị nêu trên của Cử tri các xã Tà Cạ, Mường Típ, Mường Ải huyện Kỳ Sơn tỉnh Nghệ An, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục chỉ đạo Sở Công Thương tỉnh Nghệ An và Chủ đầu tư các Dự án thủy điện trên địa bàn huyện Kỳ Sơn tỉnh Nghệ An tổ chức kiểm tra, rà soát các dự án có ảnh hưởng đến dân cư, hạ tầng giao thông trong khu vực, nếu có ảnh hưởng, sẽ chỉ đạo thực hiện khắc phục kịp thời, không để ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân.

69. Cử tri tỉnh An Giang kiến nghị: Cử tri cho rằng, hiện nay giá điện phục vụ cho sản xuất nông nghiệp còn cao, đề nghị nhà nước nghiên cứu giảm giá điện để giảm chi phí đầu vào, nông dân có lời, nâng cao thu nhập.

Trả lời: Tại công văn số 3200/BCT-KH ngày 17/4/2017

Thực hiện chủ trương tách bạch chức năng kinh doanh và chức năng công ích của ngành điện, ngày 07 tháng 4 năm 2014, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 28/2014/QĐ-TTg về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện (có hiệu lực từ ngày 01 tháng 6 năm 2014) quy định giá bán điện cho các đối tượng khách hàng sử dụng điện được tính toán căn cứ theo giá thành sản xuất, kinh doanh điện và phù hợp với biểu đồ phụ tải điện của các hộ sử dụng điện cũng như cơ cấu sản lượng điện phát trong hệ thống điện, Nhà nước chỉ hỗ trợ trực tiếp tiền điện cho những hộ nghèo, hộ chính sách xã hội.

Tiếp thu ý kiến của cử tri, trong thời gian tới Bộ Công Thương sẽ có nghiên cứu, đánh giá sự phù hợp của cơ cấu biểu giá đối với từng đối tượng khách hàng sử dụng điện (trong đó có khách hàng sử dụng điện cho mục đích sản xuất nông nghiệp) để có những điều chỉnh phù hợp với thực tế.

70. Cử tri tỉnh An Giang kiến nghị: Cử tri phản ánh, Hợp tác xã và Tổ hợp tác trong nông nghiệp vẫn phải trả tiền điện theo giá bậc thang, hoạt động không có lãi. Đề nghị Bộ Công thương xem xét lại.

Trả lời: Tại công văn số 3200/BCT-KH ngày 17/4/2017

Theo quy định tại Khoản 3 Điều 7 Thông tư số 16/2014/TT-BCT ngày 29 tháng 5 năm 2014 của Bộ Công Thương về thực hiện giá bán điện (Thông tư số 16/2014/TT-BCT), giá bán lẻ điện cho sản xuất áp dụng đối với bên mua điện sử dụng điện vào mục đích nông nghiệp gồm: trồng trọt; bơm nước tưới tiêu; chăn nuôi gia súc, thủy hải sản và các loại chăn nuôi khác; sản xuất thuốc bảo quản và chống dịch bệnh.

   Như vậy, các hợp tác xã và tổ hợp tác nông nghiệp thực hiện các hoạt động sản xuất nông nghiệp thuộc đối tượng áp dụng giá bán lẻ điện cho sản xuất quy định tại Khoản 3 Điều 7 Thông tư số 16/2014/TT-BCT không thuộc đối tượng áp dụng giá bán lẻ điện sinh hoạt bậc thang; giá bán lẻ điện sinh hoạt bậc thang chỉ áp dụng đối với các khách hàng ký hợp đồng sử dụng điện phục vụ mục đích sinh hoạt.

Về vấn đề cử tri phản ánh, Bộ Công Thương sẽ chỉ đạo Sở Công Thương tỉnh An Giang thực hiện kiểm tra, giám sát việc thực hiện giá bán điện của các đơn vị bán lẻ điện trên địa bàn để thực hiện theo đúng quy định nêu tại Thông tư số 16/2014/TT-BCT.

71. Cử tri tỉnh Bình Định kiến nghị: Đề nghị Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính sớm triển khai dự án cấp điện lưới quốc gia cho xã đảo Nhơn Châu, thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định.

Trả lời: Tại công văn số 3201/BCT-KH ngày 17/4/2017

Thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải tại Văn bản số 8978/VPCP-KTN ngày 10 tháng 11 năm 2014 của Văn phòng Chính phủ về chủ trương đầu tư Dự án cấp điện cho xã đảo Nhơn Châu, tỉnh Bình Định, Bộ Công Thương đã có Văn bản số 11702/BCT-TCNL ngày 21 tháng 11 năm 2014 về việc hướng dẫn lập Dự án đầu tư cấp điện cho xã đảo Nhơn Châu, tỉnh Bình Định theo cơ chế 85% vốn ngân sách Trung ương, 15% vốn Chủ đầu tư.

Ngày 23 tháng 5 năm 2016, Chính phủ có Văn bản số 3752/VPCP-KTN  đồng ý phương án cấp điện đảo Nhơn Châu bằng lưới điện Quốc gia, theo đó dự án có tổng vốn khoảng 350 tỷ đồng với quy mô: Xây dựng lưới điện 22kV đấu nối gồm: 4,85 km ĐDK và 0,288 km cáp ngầm; cáp ngầm xuyên biển cấp điện áp 22kV: 10,31 km; xây dựng 03 trạm biến áp, tổng dung lượng 650 kVA; xây dựng mới đường dây hạ áp 0,4 kV trên Đảo: 4,649 km. Theo đó, Bộ Công Thương đã có Văn bản số 5735/BCT-TCNL ngày 27 tháng 6 năm 2016 hướng dẫn Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định triển khai thực hiện Dự án.

Về nguồn vốn: Bộ Công Thương đang phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính đề nghị Chính phủ cho phép sử dụng vốn vay ưu đãi từ ADB và EU, dự kiến đề xuất Chính phủ để phân bổ cho dự án là 148 tỷ trong kế hoạch triển khai giai đoạn 2016 – 2020.

72. Cử tri tỉnh Lạng Sơn kiến nghị: Đề nghị Nhà nước tiếp tục quan tâm đầu tư đưa điện lưới quốc gia, nâng cấp đường điện chiếu sáng đến các thôn, bản đặc biệt khó khăn.

Trả lời: Tại công văn số 3199/BCT-KH ngày 17/4/2017

Theo Quyết định số 2081/QĐ-TTg ngày 08 tháng 11 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo giai đoạn 2013-2020 (gọi tắt là Chương trình), Dự án điện nông thôn tỉnh Lạng Sơn có tổng vốn 727 tỷ đồng để thực hiện mục tiêu đưa điện về xã, thôn bản chưa có điện và khu vực “có điện cũng như không” phấn đấu đến năm 2020 hầu hết số hộ dân nông thôn được sử dụng điện.

Để thực hiện Chương trình trong giai đoạn 2016-2020, Bộ Công Thương đang đề xuất huy động các nguồn vốn vay tổ chức tín dụng ADB, vốn EU cho giai đoạn 2016 – 2020 để thực hiện mục tiêu Chương trình và tỉnh Lạng Sơn đề xuất mức vốn dự án là 558 tỷ đồng, trong đó không có danh mục “nâng cấp đường điện chiếu sáng đến các thôn, bản đặc biệt khó khăn”. Vì vậy, đề nghị Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét giải quyết.

73. Cử tri thành phố Hà Nội kiến nghị: Cử tri đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường quản lý, giám sát chặt và công khai quy trình xả lũ của các công trình thủy điện nhằm đảm bảo an toàn, ổn định cuộc sống của người dân trong khu vực; đồng thời truy cứu trách nhiệm hình sự đối với tổ chức, cá nhân để xảy ra tình trạng xả lũ gây thiệt hại về người và tài sản của người dân thời gian qua.

Trả lời: Tại công văn số 3202/BCT-KH ngày 17/4/2017

Thời gian vừa qua, thực hiện Nghị quyết 62/2013/QH13 ngày 27 tháng 11 năm 2013 của Quốc hội khóa XIII về tăng cường công tác quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng và vận hành khai thác công trình thủy điện, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP  ngày 18 tháng 02 năm 2014 để thực hiện Nghị quyết 62/2013/QH13 của Quốc hội, theo đó đã giao các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh có dự án thủy điện trên địa bàn tăng cường công tác quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng và vận hành khai thác công trình thủy điện.

Với chức năng, nhiệm vụ được Chính phủ giao quản lý chung về thủy điện, Bộ Công Thương đã ban hành các chỉ thị, văn bản đề nghị các địa phương tăng cường kiểm tra, nếu có sai phạm xử lý theo quy định của pháp luật và gửi kết quả sai phạm về Bộ Công Thương để xem xét thu hồi Giấy phép hoạt động điện lực, trong trường hợp vi phạm nghiêm trọng, đề nghị chuyển cho cơ quan chức năng xử lý theo quy định của pháp luật.

Thời gian vừa qua, một số hồ chứa thủy điện trong quá trình vận hành chưa thông báo đến các cơ quan liên quan đầy đủ theo quy định, cơ quan chức năng của Bộ Công Thương đã lập Biên bản vi phạm hành chính, quyết định xử phạt theo quy định pháp luật. Trường hợp tái phạm sẽ xem xét thu hồi Giấy phép hoạt động điện lực.

Trong thời gian tới, các Bộ, ngành và địa phương tiếp tục thực hiện quyết liệt Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 18 tháng 02 năm 2014 của Chính phủ Ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 62/2013/QH13 ngày 27 tháng 11 năm 2013 của Quốc hội khoá XIII về tăng cường công tác quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng và vận hành khai thác công trình thủy điện. Trong đó, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các địa phương tăng cường hơn nữa công tác quản lý, giám sát chặt và công khai quy trình xả lũ của các công trình thủy điện nhằm đảm bảo an toàn, ổn định cuộc sống của người dân trong khu vực.

74. Cử tri tỉnh Kon Tum kiến nghị: Đề nghị Bộ Công Thương chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam sớm đầu tư xây dựng đường dây và trạm biến áp 110KV tại khu vực huyện IaH’ĐRai, tỉnh Kon Tum để phục vụ cho mục đích dân sinh của huyện (trước mắt là các dự án chế biến nông sản), vì việc cấp điện qua đường dây 35 KV hiện nay bị quá tải, ảnh hưởng đến đời sống và sản xuất của nhân dân trên địa bàn.

Trả lời: Tại công văn số 3220/BCT-KH ngày 17/4/2017

Theo Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh Kon Tum giai đoạn 2016-2025, có xét đến năm 2035 đã được Bộ Công Thương phê duyệt tại Quyết định số 83/QĐ-BCT ngày 12 tháng 01 năm 2017, trạm biến áp 110 kV Ia H’Đrai có quy mô công suất 2x25 MVA (lắp trước 1 máy biến áp) và đường dây 110 kV Ia H’Drai - Ia Grai (Gia Lai), vận hành năm 2022.

Khu vực huyện Ia H’Đrai hiện đang được cấp điện một phần từ trạm 110 kV Kon Tum và trạm 110 kV Diên Hồng (Gia Lai). Theo tính toán trong đề án quy hoạch, giai đoạn đến năm 2020, trạm 110 kV Kon Tum sẽ được cải tạo, nâng công suất nhằm đáp ứng đủ nhu cầu phụ tải của khu vực thành phố Kon Tum và huyện Ia H’Đrai. Tập đoàn Điện lực Việt Nam/Tổng công ty Điện lực miền Trung có trách nhiệm đầu tư các công trình lưới điện theo Quy hoạch được duyệt.

Vì vậy, đề nghị Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum chỉ đạo Sở Công Thương Kon Tum phối hợp với Tổng công ty Điện lực miền Trung để xem xét thời điểm đầu tư, lắp đặt trạm biến áp 110 kV Ia H’Đrai và đường dây đấu nối nhằm cấp điện đầy đủ, kịp thời, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của huyện Ia H’Đrai nói riêng cũng như tỉnh Kon Tum nói chung.

75. Cử tri tỉnh Lai Châu kiến nghị: Đề nghị Bộ Công Thương bố trí nguồn vốn từ ngân sách nhà nước (130 tỷ đồng) để Điện lực tỉnh Lai Châu giải ngân và thanh toán kịp thời cho các dự án cấp điện cho các thôn bản chưa có điện giai đoạn 2013 - 2015 và tạm ứng vốn cho các dự án cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia giai đoạn 2016 - 2020.

Trả lời: Tại công văn số 3198/BCT-KH ngày 17/4/2017

Thực hiện Quyết định số 2081/QĐ-TTg ngày 08 tháng 11 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo giai đoạn 2013 - 2020, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính chịu trách nhiệm tổng hợp nhu cầu vốn và cân đối, bố trí vốn cho Chương trình. Vì vậy, đề nghị Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lai Châu có kiến nghị với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính để cấp vốn cho Dự án theo quy định.

76. Cử tri tỉnh Thừa Thiên Huế kiến nghị: Thời gian qua, hoạt động xả lũ của các thủy điện ở miền Trung gây thiệt hại rất nhiều về tính mạng và tài sản của nhân dân. Đề nghị Bộ cần nghiêm túc rút kinh nghiệm và nghiên cứu sửa đổi quy trình xả nước hồ chứa tại các đập thủy điện; đồng thời, kiểm soát chặt chẽ việc vận hành hồ chứa nhằm tránh gây thiệt hại cho người dân vùng hạ du mỗi khi thủy điện xả lũ.

Trả lời: Tại công văn số 3239/BCT-KH ngày 17/4/2017

Thời gian vừa qua, thông tin về hồ chứa thủy điện ở miền Trung để xảy ra tình trạng xả lũ gây thiệt hại về người và tài sản của người dân là chưa chính xác (các hồ chứa thủy điện trong thời gian vừa qua không gây ra lũ lụt cho hạ du). Tuy nhiên, có một số hồ chứa thủy điện trong quá trình vận hành chưa thông báo đầy đủ theo quy định, cơ quan chức năng của Bộ Công Thương đã lập Biên bản vi phạm hành chính, quyết định xử phạt theo quy định pháp luật. Trường hợp tái phạm sẽ xem xét thu hồi Giấy phép hoạt động điện lực.

Hiện nay, ngoài việc thực hiện quyết liệt Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 18 tháng 02 năm 2014 của Chính phủ Ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 62/2013/QH13 ngày 27 tháng 11 năm 2013 của Quốc hội khoá XIII về tăng cường công tác quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng và vận hành khai thác công trình thủy điện, Bộ Công Thương đã ban hành Kế hoạch hành động của ngành Công Thương tại Quyết định Số 396/QĐ-BCT ngày 10 tháng 02 năm 2017 để triển khai thực hiện Nghị quyết số 33/2016/QH14 về chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV trong lĩnh vực thủy điện. Theo đó, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các địa phương có dự án thủy điện trên địa bàn rà soát kỹ nội dung các Quy trình vận hành (QTVH) hồ chứa thủy điện để đảm bảo tuân thủ các quy định pháp luật hiện hành; đánh giá tình hình thực hiện các quy định tại QTVH liên hồ chứa trên lưu vực sông, QTVH hồ chứa của Chủ đập thủy điện và các cơ quan, đơn vị liên quan; tổng hợp thông tin về các hồ chứa chưa tuân thủ quy định về việc lập, trình phê duyệt QTVH; đánh giá các khó khăn, vướng mắc trong thực hiện và đề xuất, kiến nghị điều chỉnh, bổ sung các quy định liên quan tại QTVH hồ chứa thủy điện đã được cấp thẩm quyền phê duyệt. Từ đó, chủ động giải quyết hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền giải quyết nhằm đảm bảo vận hành khai thác các công trình thủy điện an toàn, bảo vệ môi trường - xã hội, đạt hiệu quả khai thác tổng hợp, phù hợp với điều kiện khí tượng, thủy văn, địa hình, hiện trạng hành lang thoát lũ, bố trí dân cư, hạ tầng kỹ thuật... vùng hạ du đập.

77. Cử tri tỉnh Nam Định kiến nghị: Đề nghị Chính phủ có chính sách quan tâm đẩy mạnh phát triển công nghiệp làng nghề ở nông thôn vì đây là ngành có vị trí vô cùng quan trọng trong việc giải quyết việc làm cho một lượng lớn lao động nông nghiệp và tăng thu nhập cho nhân dân sinh sống ở các khu vực nông thôn.

Trả lời: Tại công văn số 3222/BCT-KH ngày 17/4/2017

Bộ Công Thương ủng hộ kiến nghị của cử tri tỉnh Nam Định. Phát triển công nghiệp làng nghề đóng vai trò rất quan trọng trong việc giải quyết việc làm cho một lượng lớn lao động nông nghiệp và tăng thu nhập cho nhân dân sinh sống ở các khu vực nông thôn.

Tại Nghị định số 66/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 7 năm 2006 về phát triển ngành nghề nông thôn, Chính phủ giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì triển khai thực hiện, trong đó có nội dung về quản lý, hỗ trợ phát triển làng nghề. Thời gian qua, công tác quản lý nhà nước về làng nghề còn có bất cập, chồng chéo dẫn đến việc các địa phương khó thực hiện đối với ngành nghề nông thôn nói riêng và lĩnh vực chuyên ngành nói chung; nhiều nội dung chưa phù hợp, chưa sát thực tế, đặc biệt là còn thiếu các cơ chế, chính sách cần thiết để khuyến khích, tạo được động lực thúc đẩy sự bảo tồn, duy trì và phát triển mạnh mẽ các làng nghề. Do đó, việc phát triển làng nghề công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp nói riêng và làng nghề nói chung ở nông thôn còn gặp nhiều khó khăn.

Hiện nay, Chính phủ đang giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương sửa đổi, bổ sung Nghị định số 66/2006/NĐ-CP theo hướng khắc phục các bất cập nêu ở trên. Bộ Công Thương đang tích cực phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các Bộ, ngành triển khai thực hiện nhiệm vụ này.

Về phía Bộ Công Thương, trong thời gian qua luôn ưu tiên nguồn kinh phí khuyến công quốc gia và đề nghị các địa phương đặc biệt quan tâm bố trí nguồn kinh phí khuyến công địa phương để hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn trong các làng nghề nói riêng và ở khu vực nông thôn nói chung phát triển sản xuất kinh doanh, xúc tiến mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm theo quy định tại Nghị định số 45/2012/NĐ-CP ngày 21 tháng 5 năm 2012 của Chính phủ về khuyến công.

78. Cử tri thành phố Hải Phòng kiến nghị: Cử tri phản ánh, nhà máy DAP Đình Vũ thuộc Công ty TNHH Một thành viên DAP-VINACHEM (Tập đoàn Hóa Chất Việt Nam) được xây dựng vào năm 1990 tại khu Công nghiệp Đình Vũ (quận Hải An, Hải Phòng). Đến nay, công nghệ đã lạc hậu, việc xử lý chất thải của nhà máy sau sản xuất ít được chú trọng, nên từ khi sản xuất đến nay nhà máy vẫn chỉ sử dụng một bãi chứa chất thải tạm, hiện đang quá tải tiềm tàng nguy cơ gây ô nhiễm đất đai và ô nhiễm nguồn nước cục bộ. Đề nghị Bộ Công Thương và Tập đoàn Hóa chất Việt Nam sớm tiến hành cơ cấu lại sản xuất nhằm đem lai hiệu quả kinh tế cao hơn; đầu tư công nghệ hiện đại để xử lý chất thải sau sản xuất, phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp nghiên cứu phương án xử lý bãi thải tạm hiện nay.

Trả lời: Tại công văn số 3235/BCT-KH ngày 17/4/2017

Bộ Công Thương xin tóm tắt một số nội dung liên quan về Nhà máy sản xuất phân bón Dimonphotphat công suất 330.000 tấn/năm tại Nhà máy Đình Vũ Hải Phòng như sau:

a) Về thời điểm đầu tư

 Dự án khởi công xây dựng ngày 27 tháng 7 năm 2003, chạy thử ra tấn sản phẩm phân bón cao cấp DAP đầu tiên ngày 12 tháng 4 năm 2009, chạy thương mại từ năm 2010, hoàn thành dự án ngày 30 tháng 8 năm 2011 và hoàn thành quyết toán dự án vào tháng 11 năm 2013.

b) Về công nghệ

Nhà máy sản xuất phân bón Dimonphotphat (DAP) mua bản quyền công nghệ của hãng Incro - Tây Ban Nha. Công nghệ của Dự án là công nghệ đang được áp dụng phổ biến trên thế giới, khoảng 66% các dây chuyền DAP trên thế giới đang áp dụng của hãng Incro (Tây Ban Nha). Nhà máy sản xuất axít sun-phu-ríc (Hãng Monsanto, Mỹ); sản xuất axít phốt-pho-ríc (Hãng Prayon Max IV, Bỉ); tổng hợp DAP (Hãng Incro, Tây Ban Nha). Các thiết bị sử dụng trong nhà máy, đặc biệt là các thiết bị bản quyền được nhập khẩu từ các nước G7, một số thiết bị ít được nhập khẩu từ Trung Quốc, được nhà công nghệ chấp thuận và đều đáp ứng với các yêu cầu kỹ thuật đã được phê duyệt, 70% dây chuyền trên thế giới đang áp dụng công nghệ sản xuất H2SO4 của hãng Monsanto (Mỹ), 60% dây chuyền sản xuất axit phôtphoric trên thế giới vẫn đang áp dụng công nghệ của hãng PRAYON Max IV- Vương quốc Bỉ. Bộ Khoa học và Công nghệ chấp thuận và ban hành xác nhận đăng ký hợp đồng chuyển giao công nghệ và đã được ký vào Sổ đăng ký Quốc gia về chuyển giao công nghệ tại Bộ Khoa học và Công nghệ.

c) Về môi trường

Báo cáo đánh giá tác động môi trường của Dự án được Bộ Tài nguyên và Môi trường thẩm định phê duyệt tại Quyết định số 446/QĐ-BTNMT ngày 20 tháng 4 năm 2004, được Tổng cục Môi trường xác nhận đã hoàn thành các công trình bảo vệ môi trường trước khi đi vào sản xuất, được địa phương cấp giấy phép xả thải, đảm bảo quy định về quan trắc, kê khai và nộp phí bảo vệ môi trường, ký kết và triển khai hợp đồng thu gom xử lý chất thải rắn sinh hoạt (Công ty Môi trường đô thị Hải Phòng), được cấp Sổ đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại mã số QLCTNH 31.000221.T cấp lại lần 4 ngày 08 tháng 4 năm 2015 (toàn bộ Chất thải nguy hại được thu gom, lưu giữ trong kho lưu giữ có mái che, kho đã có biển cảnh báo, chất thải nguy hại được phân loại, có tên, mã chất thải nguy hại, có trang bị dấu hiệu cảnh báo phòng ngừa...  đầy đủ theo quy định, kho chứa xây dựng, đáp ứng đầy đủ theo yêu cầu kỹ thuật theo Nghị định số 38/2015/NĐ-CP ngày 24 tháng 4 năm 2015 của Chính phủ quy định về quản lý chất thải và phế liệu và được Công ty TNHH Tân Thuận Phong, là đơn vị có tư cách pháp nhân vận chuyển và xử lý chất thải nguy hại vận chuyển và xử lý), các chỉ tiêu khí thải đều thấp và dưới giới hạn cho phép...

Bã thải gyps (CaSO4.2H2O và một số tạp chất khác) sinh ra trong quá trình tách lân (P2O5) có trong quặng apatit được Công ty quản lý theo đúng cam kết tại Báo cáo đánh giá tác động môi trường. Theo Quyết định số 1052/QĐ-UB ngày 19 tháng 5 năm 2003 của Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng, diện tích gyps là 41,93 ha tương ứng với 13,9 triệu tấn trong 20 năm vận hành đủ công suất. Năm 2010, Công ty đã giao lại 3 ha cho Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng để chuyển đổi mục đích sử dụng và bàn giao cho Công ty cổ phần Thạch cao Đình Vũ để thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà máy chế biến thạch cao làm phụ gia xi măng từ bã thạch cao của Công ty DAP.

Theo Báo cáo đánh giá tác động môi trường, khu vực lưu giữ bã thạch cao được phân chia thành 02 khu vực, khu vực chứa tạm thời (13ha trong 5 năm, chiều cao 45m tương ứng với 4,8 triệu tấn) và khu vực chứa lâu dài. Sau thời gian tối thiểu từ 3 - 5 năm sẽ chuyển gyps từ bãi tạm thời sang bãi chứa lâu dài).  Các bãi thải được thiết kế theo đúng yêu cầu, có giám sát môi trường xung quanh. Tính đến hết 2016, tổng lượng bã thải khoảng 2,7 triệu tấn, đã chuyển khoảng 800.000 tấn sang bãi thải lâu dài, hạ độ cao bãi thải tạm còn 25m và bãi thải lâu dài còn 18 m.

d) Về xử lý bã thải

Việc xử lý bã thải còn nhiều khó khăn do chưa có công nghệ chuẩn về chế biến bã thải gyps, phụ thuộc vào từng chủng loại quặng apatit. Công ty đang tích cực hợp tác với Tổng Công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam, Viện Vật liệu Xây dựng - Bộ Xây dựng, Công ty TNHH Ngọc Linh và một số đơn vị khác để xử lý.

Tháng 9 năm 2016, Công ty đã ký kết với Công ty TNHH Ngọc Linh về việc triển khai dự án chế biến bã thải thạch cao với công suất 1-1,5 triệu tấn/năm được Hội đồng khoa học công nghệ do Viện Vật liệu xây dựng - Bộ Xây dựng nghiệm thu, thống nhất thông qua để lập dự án triển khai đầu tư xây dựng trong năm 2017.

e) Về chất lượng sản phẩm và phương hướng sản xuất kinh doanh

Công ty đã thành lập Tổ nghiên cứu nâng cao chất lượng sản phẩm, làm việc với các chuyên gia và Nhà thầu EPC để giảm hàm lượng tạp chất, nâng cao hàm lượng dinh dưỡng trong phân bón. Dự kiến từ 2017 sẽ nâng dần sản lượng phân bón DAP 64% có giá trị kinh tế cao hơn đồng thời tích cực mở rộng phát triển thị trường trong và ngoài nước.

Để cơ cấu lại sản xuất nhằm đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn, đầu tư công nghệ hiện đại để xử lý chất thải sau sản xuất, Bộ Công Thương đã chỉ đạo Tập đoàn Hóa chất Việt Nam và Công ty Cổ phần DAP-VINACHEM thực hiện những giải pháp sau:

- Xây dựng phương án tổng thể tái cơ cấu hoạt động sản xuất kinh doanh (thực hiện đồng bộ các giải pháp về quản trị sản xuất, vật tư, nhân lực, tài chính...) để vận hành nhà máy sản xuất ổn định trong trước mắt theo hướng chấm dứt thua lỗ trong năm 2017, ổn định có lãi sau 2018 (phấn đấu tiết kiệm giảm tối đa các chi phí sản xuất, tối ưu hóa sản xuất, mở rộng thị trường tiêu thụ,...).

- Tiếp tục thực hiện thoái vốn Nhà nước tại doanh nghiệp theo Quyết định số 58/QĐ-TTg ngày 28 tháng 12 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ về tiêu chí phân loại doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước và danh mục doanh nghiệp nhà nước thực hiện sắp xếp giai đoạn 2016-2020.

+ Công ty đẩy mạnh nghiên cứu, tính toán cân đối về hiệu quả kinh tế, đầu tư các thiết bị cần thiết (công nghệ và thiết bị đáp ứng yêu cầu về chất lượng phân bón và bảo vệ môi trường) để nâng cao chất lượng sản phẩm phân bón DAP từ 61% lên 64% nhằm tăng sức cạnh tranh trên thị trường.

- Công ty Cổ phần DAP-Vinachem tiếp tục hợp tác chặt chẽ với các đơn vị bên ngoài như Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam, Viện Vật liệu xây dựng - Bộ Xây dựng, Công ty TNHH Ngọc Linh và một số đơn vị khác tập trung giải quyết bãi thải gyps hiện có.

79. Cử tri tỉnh Bình Dương kiến nghị: Cử tri kiến nghị Nhà nước cần có cơ chế, chính sách để phát triển ngành công nghiệp nặng, công nghiệp mũi nhọn, các ngành công nghiệp sản xuất, lắp ráp để tăng tính chủ động cho nền kinh tế trong nước đồng thời hạn chế sự lệ thuộc, nhập khẩu các loại máy móc của nước ngoài.

Trả lời: Tại công văn số 3206/BCT-KH ngày 17/4/2017

Về vấn đề cử tri nêu, thời gian qua Bộ Công Thương đã xây dựng và tham mưu với Chính phủ ban hành một số chính sách để thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp nặng, công nghiệp mũi nhọn, công nghiệp sản xuất lắp ráp, cụ thể như:

- Quyết định số 1791/QĐ-TTg ngày 29 tháng 11 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt cơ chế thực hiện thí điểm thiết kế, chế tạo trong nước thiết bị các nhà máy nhiệt điện giai đoạn 2012-2025, theo đó, các doanh nghiệp sản xuất trong lĩnh vực cơ khí có điều kiện để tham gia thiết kế, chế tạo thiết bị phụ của nhà máy nhiệt điện.

- Quyết định số 10/2009/QĐ-TTg ngày 16 tháng 01 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế hỗ trợ phát triển sản xuất sản phẩm cơ khí trọng điểm và Danh mục các sản phẩm cơ khí trọng điểm, Danh mục dự án đầu tư sản xuất sản phẩm cơ khí trọng điểm giai đoạn từ 2009 đến năm 2015, theo đó quy định các chính sách hỗ trợ, ưu đãi phát triển sản xuất sản phẩm cơ khí trọng điểm giai đoạn từ năm 2016 đến năm 2020 đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất các sản phẩm cơ khí trọng điểm và có liên quan đến hoạt động sản xuất các sản phẩm cơ khí trọng điểm.

- Quyết định số 1168/QĐ-TTg và Quyết định số 1211/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược và Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam; Quyết định số 229/QĐ-TTg ngày 04 tháng 02 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ về Cơ chế, chính sách thực hiện Chiến lược và Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam, theo đó có những ưu đãi và hỗ trợ cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, lắp ráp ô tô.

- Nghị định số 111/NĐ-CP ngày 03 tháng 11 năm 2015 về phát triển công nghiệp hỗ trợ. Theo đó, có 06 ngành bao gồm: Dệt may, Da giày, Điện tử, Cơ khí chế tạo, Sản xuất lắp ráp ô tô và công nghiệp hỗ trợ cho công nghệ cao được hỗ trợ và ưu đãi để phát triển.

Thời gian tới, để phù hợp với tình hình thực tiễn cũng như bối cảnh Việt Nam hội nhập sâu, rộng với các nước trong khu vực và trên thế giới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục tham mưu với Chính phủ những giải pháp tiếp theo để có những chính sách phù hợp nhằm phát triển ngành công nghiệp nặng, công nghiệp mũi nhọn, ngành công nghiệp sản xuất, lắp ráp để tăng tính chủ động cho nền kinh tế trong nước đồng thời hạn chế sự lệ thuộc, nhập khẩu các loại máy móc của nước ngoài.

80. Cử tri các tỉnh, thành phố Hồ Chí Minh, Long An, Phú Yên kiến nghị: Tại kỳ họp thứ hai, Quốc hội đã biểu quyết dừng thực hiện chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận. Có ý kiến cử tri cho rằng điện hạt nhân là nguồn cung cấp năng lượng sạch với độ ổn định và tin cậy cao mà các loại nguồn năng lượng khác khó có thể thay thế, phát triển điện hạt nhân sẽ đáp ứng yêu cầu đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và chống biến đổi khí hậu toàn cầu. Vì vậy, nếu dừng việc triển khai các dự án điện hạt nhân ở tỉnh Ninh Thuận thì cần tính toán giải pháp tìm nguồn năng lượng thay thế.

Trả lời: Tại công văn số 3221/BCT-KH ngày 17/4/2017

Ngày 22 tháng 11 năm 2016, tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khoá XIV đã thông qua chủ trương dừng thực hiện Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận (Dự án). Lý do chủ yếu là do điều kiện kinh tế nước ta hiện nay có nhiều thay đổi so với thời điểm quyết định chủ trương đầu tư Dự án, dư địa về tiết kiệm điện còn nhiều, khả năng liên kết lưới điện khu vực để trao đổi mua bán điện với các nước láng giềng dự kiến sẽ tăng cường trong thời gian tới và đặc biệt là tiềm năng sử dụng các dạng năng lượng tái tạo như gió, mặt trời trở nên khả thi về kinh tế.

Một số giải pháp, hướng xử lý để đảm bảo cung cấp điện khi dừng thực hiện Dự án cũng đã được nêu rõ, đó là có thể bổ sung các loại hình nguồn điện khác trong hệ thống như các nguồn nhiệt điện than, nguồn điện từ năng lượng tái tạo, nguồn điện sử dụng khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG), cũng như xem xét biện pháp tăng cường mua điện từ các nước láng giềng nhất là từ Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào.

Hiện tại, Bộ Công Thương đang chỉ đạo các bên liên quan khẩn trương nghiên cứu tính toán cập nhật cung cầu điện đến năm 2030, đề xuất giải pháp các nguồn điện thay thế hoặc các giải pháp khác trong bối cảnh dừng thực hiện dự án điện hạt nhân Ninh Thuận cũng như trường hợp một số dự án điện chậm tiến độ để xem xét báo cáo Thủ tướng Chính phủ nhằm đảm bảo cung ứng điện của hệ thống điện quốc gia.

Với trách nhiệm được Chính phủ giao đảm bảo đủ điện, đảm bảo an ninh năng lượng phục vụ các ngành kinh tế, xã hội của đất nước, đồng thời bảo vệ môi trường bền vững, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với các Bộ, Ngành để tiếp tục đẩy mạnh phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, thực hiện đồng bộ các giải pháp kiểm soát, quản lý để đảm bảo các nhà máy nhiệt điện được đầu tư, xây dựng và vận hành phù hợp theo quy định của pháp luật về môi trường.

81. Cử tri tỉnh Quảng Ngãi kiến nghị: Về quản lý cơ sở kinh doanh hóa chất, theo Nghị định số 26/2011/NĐ-CP ngày 8 tháng 4 năm 2011 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 108/2008/NĐ-CP ngày 7 tháng 10 năm 2008 Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hóa chất, quy định điều kiện kinh doanh hóa chất phải đáp ứng các yêu cầu về cơ sở vật chất, kỹ thuật như: kho, trang thiết bị phòng chống cháy nổ, trang thiết bị bảo hộ lao động,… Tuy nhiên, hiện có trường hợp các cơ sở kinh doanh hóa chất bán hàng trực tiếp (cơ sở này không có kho lưu trữ, hợp đồng thuê kho hoặc sử dụng kho của đơn vị bán hóa chất) và giao hàng trực tiếp đến đơn vị sử dụng. Do đó, gây khó khăn cho đơn vị quản lý ở địa phương khi thực hiện cấp Giấy chứng nhận kinh doanh hóa chất. Đề nghị Bộ Công Thương có văn bản quy định cụ thể việc cấp Giấy chứng nhận kinh doanh hóa chất cho các đối tượng nêu trên để địa phương có cơ sở thực hiện và hướng dẫn giải quyết cho doanh nghiệp.

Trả lời: Tại công văn số 3219/BCT-KH ngày 17/4/2017

Thực hiện Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 28 tháng 4 năm 2016 của Chính phủ những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2016-2017, định hướng đến năm 2020, Bộ Công Thương đã trình Chính phủ dự thảo Nghị định mới quy định về quản lý hóa chất thay thế các quy định hiện hành. Dự thảo Nghị định  quy định về điều kiện cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh hóa chất sản xuất, kinh doanh có điều kiện đã được chỉnh sửa theo hướng: Cơ sở kinh doanh phải có kho lưu trữ hoặc có hợp đồng thuê kho lưu trữ hóa chất hoặc sử dụng kho của tổ chức, cá nhân mua hóa chất đáp ứng điều kiện. Sau khi Nghị định được ban hành (dự kiến đầu quý III năm 2017) sẽ tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh hóa chất theo hình thức trung gian, không lưu trữ hóa chất, đồng thời, tạo cơ sở pháp lý để quản lý đối với trường hợp này.

82. Cử tri tỉnh Bình Thuận kiến nghị: Qua các phương tiện thông tin đại chúng, cử tri được biết các cơ quan chức năng đang xem xét việc triển khai dự án Thép Cà Ná (Ninh Thuận). Để bảo đảm môi trường ở địa bàn này, cử tri kiến nghị cần phải cân nhắc và thận trọng khi xem xét dự án này.

Trả lời: Tại công văn số 3240/BCT-KH ngày 17/4/2017

Trong thời gian vừa qua Đảng, Nhà nước cũng như người dân rất quan tâm đến các vấn đề môi trường. Đặc biệt sau sự cố về môi trường do Công ty Formosa gây ra đã làm ảnh hưởng đến 4 tỉnh miền Trung. Lo lắng, quan ngại của cử tri như đã nêu trên là hoàn toàn chính đáng. Với vai trò là Bộ quản lý ngành, Bộ Công Thương ý thức được sự cần thiết phải xem xét kỹ lưỡng chủ trương đầu tư các Dự án thuộc lĩnh vực được giao quản lý, đảm bảo tuân thủ các quy định hiện hành của nhà nước.

Liên quan đến chủ trương đầu tư Dự án thép Cà Ná, tỉnh Ninh Thuận, ngày 08 tháng 3 năm 2017, Thường trực Chính phủ đã tổ chức họp, theo đó, Thủ tướng Chính phủ có ý kiến đánh giá tỉnh Ninh Thuận là một tỉnh còn nhiều khó khăn, đặc biệt là việc dừng đầu tư xây dựng nhà máy điện hạt nhân đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh. Trong thời gian vừa qua, Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận đã có nhiều cố gắng trong việc xúc tiến, kêu gọi đầu tư để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo công ăn việc làm cho người lao động tại địa phương, trong đó có Dự án thép Cà Ná. Tuy nhiên, hiện nay, Dự án đang mới ở mức đánh giá sơ bộ, thông tin về Dự án còn chưa đầy đủ, chưa toàn diện do đó Chỉnh phủ đã chỉ đạo tỉnh Ninh Thuận và các cơ quan có liên quan đề nghị tạm dừng việc đề xuất Dự án thép Cà Ná để làm rõ một số nội dung như: Tính toán kỹ nhu cầu thị trường thép trong nước và thế giới; Đánh giá kỹ các vấn đề môi trường, công nghệ, thiết bị của Dự án, đặc biệt nghiên cứu đánh giá tác động môi trường đảm bảo Dự án an toàn không xảy ra sự cố tương tự như Formosa; Xác định tổng mức đầu tư tổng thể trong đó có tính đến cảng biển nước sâu, đường sắt, đường bộ, đồng thời xác định rõ nguồn nguyên liệu cho Dự án.

Chính phủ cũng như các Bộ, ngành, địa phương liên quan xác định đây là Dự án luyện cán thép có quy mô lớn, các bước nghiên cứu đề xuất chủ trương cần phải nghiên cứu kỹ (ở mức nghiên cứu khả thi của Dự án). Sau khi nghiên cứu kỹ, làm rõ các vấn đề trên, tỉnh Ninh Thuận có trách nhiệm phối hợp cùng các cơ quan liên quan hoàn thiện lại để báo cáo các cấp có thẩm quyền xem xét theo quy định hiện hành.

83. Cử tri tỉnh Hà Tĩnh kiến nghị: Đề nghị Chính phủ sửa đổi Nghị định số 202/2013/NĐ-CP ngày 27 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ về quản lý phân bón.

Trả lời: Tại công văn số 3229/BCT-KH ngày 17/4/2017

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 2384/VPCP-KTN ngày 06 tháng 4 năm 2016 của Văn phòng Chính phủ giao Bộ Công Thương chủ trì phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trung ương Hiệp hội Phân bón Việt Nam và các cơ quan có liên quan, khẩn trương rà soát, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 202/2013/NĐ-CP, Bộ Công Thương đã xây dựng và hoàn thiện dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 202/2013/NĐ-CP. Dự thảo đã được Bộ Công Thương tổ chức lấy ý kiến của các tổ chức, cá nhân bằng văn bản và thông qua Cổng thông tin điện tử của Bộ Công Thương.

Ngày 17 tháng 02 năm 2017, Chính phủ ban hành Nghị định số 15/2017/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày ký ban hành. Theo quy định tại điểm đ khoản 8 Điều 2 của Nghị định số 15/2017/NĐ-CP, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là cơ quan thực hiện quản lý nhà nước về phân bón theo quy định của pháp luật.

Để thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ theo thông báo tại văn bản số 2000/VPCP-NN ngày 7 tháng 3 năm 2017 của văn phòng Chính phủ, Bộ Công Thương đã khẩn trương chuyển giao hồ sơ xây dựng dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 202/2013/NĐ-CP sang Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì xây dựng, hoàn thiện dự thảo Nghị định. Hiện nay, Bộ Công Thương vẫn đang tích cực phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để thực hiện nhiệm vụ này.

84. Cử tri thành phố Đà Nẵng kiến nghị: Vừa qua UBND tỉnh Quảng Nam có chủ trương di dời Nhà máy thép Việt Pháp thuộc Công ty TNHH Thép Việt Pháp từ phường Điện Nam Đông, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam đến khu vực đầu nguồn sông Vu Gia - Thu Bồn thuộc huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam. Liên quan đến vấn đề này, cử tri bày tỏ hết sức lo ngại sẽ tác động xấu đến môi trường, nhất là đối với thành phố Đà Nẵng khi mà nguồn nước sản xuất, sinh hoạt chủ yếu được lấy từ sông Vu Gia. Đề nghị Bộ tài nguyên Môi trường, Bộ Công Thương có sự kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc cấp phép đối với dự án này nhằm đảm bảo khi đi vào hoạt động không gây ô nhiễm môi trường, tránh sự cố đáng tiếc như vụ Formosa Hà Tĩnh vừa qua.

Trả lời: Tại công văn số 3229/BCT-KH ngày 17/4/2017

Dự án nhà máy thép Việt Pháp do Công ty TNHH thép Việt Pháp làm chủ đầu tư đi vào hoạt động từ năm 2011. Dự án được đầu tư tại Cụm Công nghiệp Thương Tín 1, xã Điện Nam Đông, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam do UBND thị xã Điện Bàn cấp phép. Tuy nhiên, theo báo cáo của UBND tỉnh Quảng Nam do nhu cầu phát triển đô thị tại thị xã Điện Bàn, xét thấy Cụm Công nghiệp Thương Tín 1 gần khu dân cư sẽ ảnh hưởng đến phát triển kinh tế xã hội, môi trường cho nên tỉnh Quảng Nam đã đồng ý về nguyên tắc để Công ty TNHH thép Việt Pháp lựa chọn di dời Nhà máy luyện cán thép Việt Pháp sang vị trí mới tại thôn Hoa, thị trấn Thạch Mỹ, huyện Nam Giang.

Về việc này, ngày 21 tháng 02 năm 2017, Lãnh đạo Bộ Công Thương đã có buổi làm việc với Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam, theo đó, Bộ Công Thương ghi nhận những vướng mắc mà tỉnh Quảng Nam và Công ty TNHH thép Việt Pháp đang gặp phải. Tuy nhiên, đối chiếu với các quy định hiện hành, Dự án Nhà máy luyện cán thép Việt Pháp hiện chưa có trong Quy hoạch phát triển hệ thống sản xuất và hệ thống phân phối thép giai đoạn đến 2020, có xét đến năm 2025 được phê duyệt tại Quyết định số 694/QĐ-BCT ngày 31 tháng 01 năm 2013 của Bộ Công Thương; đồng thời quy mô, công suất của hệ thống dây chuyền sản xuất của Dự án chưa phù hợp với quy định tại Điều 10 và Điều 11 Thông tư số 03/2014/TT-BCT ngày 25 tháng 01 năm 2014 của Bộ Công Thương quy định về công nghệ và thiết bị sản xuất gang thép. Với những vướng mắc nêu trên, Bộ Công Thương đã đề nghị tỉnh Quảng Nam cần sớm báo cáo với Thủ tướng Chính phủ để được xem xét, quyết định.

85. Cử tri thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị: Đề nghị cơ quan thẩm quyền quan tâm việc tăng cường tuyên truyền, vận động người dân tiết kiệm điện.

Trả lời: Tại công văn số 3207/BCT-KH ngày 17/4/2017

Tuyên truyền các tầng lớp nhân dân sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đã được Bộ Công Thương tập trung đẩy mạnh thực hiện từ năm 2006 đến hết năm 2015 thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (Chương trình). Tính đến hết năm 2015, Bộ Công Thương đã thực hiện tuyên truyền về ý thức sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trên 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thông qua giao các nhiệm vụ thuộc Chương trình cho các Trung tâm Tiết kiệm năng lượng, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp, Trung tâm Xúc tiến thương mại các tỉnh, thành phố thực hiện. Bên cạnh đó, hàng năm Bộ Công Thương phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương triển khai Chỉ thị 171/CT-TTg ngày 26 tháng 01 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường thực hiện tiết kiệm điện, trong đó đặc biệt chú trọng đến việc tuyên truyền thực hiện các giải pháp tiết kiệm điện mùa khô.

Trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục tập trung, tăng cường tuyên truyền phổ biến và vận động người dân sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả hơn.

 

Ban Dân nguyện