24. Bộ Công an

24/05/2017 14:36

1.Cử tri tỉnh Lào Cai kiến nghị: Đề nghị quan tâm và có biện pháp đủ mạnh đối với tội phạm ma túy, buôn người, cờ bạc

Trả lời: (Tại Công văn số 333/BCA-V11 ngày 27 tháng 2 năm 2017)

Trong những năm qua, lực lượng Công an nhân dân đã chủ động tham mưu với cấp ủy, chính quyền các cấp nhiều chủ trương, giải pháp đấu tranh phòng, chống tội phạm nói chung, tội phạm ma túy, mua bán người, cờ bạc nói riêng; phối hợp với các cấp, các ngành và vận động các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia; tổ chức nhiều cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, nhất là trên các tuyến, địa bàn trọng điểm. Năm 2016, đã phát hiện, xử lý 20.705 vụ, 31.413 đối tượng phạm tội ma túy; 13.303 vụ, 59.127 đối tượng đánh bạc và 100 vụ mua bán người, nhất là các vụ án đặc biệt nghiêm trọng đều được điều tra, khám phá nhanh, kịp thời đưa ra truy tố, xét xử trước pháp luật, được dư luận đánh giá cao.

Tuy nhiên, một số loại tội phạm vẫn diễn biến phức tạp, trong đó tội phạm ma túy, mua bán người, cờ bạc... xảy ra với tính chất, mức độ nghiêm trọng ở một số địa phương. Trước tình hình đó, Bộ Công an đã và đang tập trung chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương thực hiện các giải pháp trọng tâm sau:

(1) Tham mưu với cấp ủy, chính quyền các cấp chỉ đạo tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chủ trương của Đảng, Nhà nước về công tác phòng, chống tội phạm, bảo đảm an ninh, trật tự, nhằm huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân tích cực tham gia phòng, chống tội phạm nói chung, tội phạm ma túy, mua bán người và cờ bạc nói riêng.

(2) Phối hợp chặt chẽ với các ngành, đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao ý thức pháp luật trong nhân dân; phát huy và nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến; quản lý, giáo dục các đối tượng có nguy cơ phạm tội cao; phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm ma túy, mua bán người, cờ bạc để chủ động phòng ngừa và tích cực tham gia đấu tranh. Thực hiện có hiệu quả Đề án xây dựng xã, phường, thị trấn không tệ nạn ma túy; nâng cao chất lượng hoạt động của các trung tâm cai nghiện, bảo đảm có hiệu quả; thực hiện tốt chủ trương tái hòa nhập cộng đồng đối với người sau cai nghiện.

(3) Tăng cường công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tự, nhất là công tác quản lý xuất nhập cảnh; quản lý nhân, hộ khẩu; quản lý vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, quản lý ngành, nghề kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự... không để đối tượng lợi dụng hoạt động phạm tội. Duy trì, nâng cao hiệu quả hoạt động của các đường dây “nóng”, hòm thư tố giác tội phạm; đồng thời, có biện pháp bảo vệ tổ chức, cá nhân tố giác tội phạm.

(4) Triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ nắm chắc, kiểm soát được tình hình, nhất là các tuyến, địa bàn, lĩnh vực, đối tượng trọng điểm; tổ chức các cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, tập trung trấn áp các băng, nhóm tội phạm tổ chức đánh bạc, mua bán người; các đường dây vận chuyển, mua bán trái phép chất ma túy với số lượng lớn hoạt động liên tỉnh, xuyên quốc gia. Điều tra khám phá nhanh các vụ án đặc biệt nghiêm trọng, gây bức xúc trong dư luận xã hội; phối hợp với Viện kiểm sát, Tòa án đưa ra xét xử kịp thời các vụ án điểm nhằm răn đe tội phạm.

(5) Mở rộng và nâng cao hiệu quả hợp tác với các nước, các tổ chức quốc tế, nhất là đối với tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế (INTERPOL), Cảnh sát khu vực Đông Nam Á (ASEANAPOL), các nước tiểu vùng sông Mê Kông và các thiết chế song phương, đa phương khác trong đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy, mua bán người, cờ bạc.

(6) Tiếp tục nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện hệ thống pháp luật nhằm tạo hành lang pháp lý phù hợp, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội trong tình hình mới.

2.Cử tri tỉnh Lào Cai kiến nghị: Chương trình xây dựng Nông thôn mới, tiêu chí số 19 về An ninh trật tự quy định còn bất cập, vì trường hợp người dân địa phương chấp hành tốt luật giao thông nhưng người dân ở nơi khác đến bị tai nạn giao thông nhưng lại chấm điểm làm căn cứ hoàn thành tiêu chí an ninh trật tự làm ảnh hưởng đến tiến độ hoàn thành nông thôn mới của xã. Cử tri đề nghị xem xét không đưa các trường hợp tai nạn giao thông xảy ra trên địa bàn làm căn cứ đánh giá tình hình an ninh tại địa phương nếu người bị tai nạn hay gây tai nạn không phải là người địa phương.

Trả lời: (Tại Công văn số 329/BCA-V11 ngày 27 tháng 2 năm 2017)

Ngày 17/10/2016, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1980/QĐ-TTg về việc ban hành bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 (có hiệu lực thi hành 01/12/2016). Trong đó, tiêu chí số 19 về an ninh, trật tự quy định: “Xã đạt chuẩn an toàn về an ninh, trật tự xã hội và đảm bảo bình yên: không có khiếu kiện đông người kéo dài; không để xảy ra trọng án; tội phạm và tệ nạn xã hội (ma túy, trộm cắp, cờ bạc, nghiện hút) được kiềm chế, giảm liên tục so với các năm trước”.

Thực hiện Quyết định số 1980/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công an đã ban hành Hướng dẫn số 07/HD-BCA-V28 ngày 18/11/2016; trong đó quy định, xã đạt chuẩn an toàn về an ninh, trật tự xã hội và đảm bảo bình yên cần đáp ứng một trong những nội dung sau: Xã được công nhận đạt tiêu chuẩn an toàn về an ninh, trật tự quy định tại Thông tư số 23/2012/TT-BCA ngày 27/4/2012 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định về khu dân cư, xã, phường, thị trấn, cơ quan, doanh nghiệp, nhà trường đạt tiêu chuẩn an toàn về an ninh, trật tự (trừ các xã đảo, xã có đường biên giới quốc gia) phải bảo đảm tiêu chí kiềm chế, làm giảm các loại tội phạm, tai nạn, tệ nạn xã hội và vi phạm pháp luật khác so với năm trước (Điều 6).

Theo quy định điểm b khoản 2 Điều 6, Thông tư số 58/2009/TT-BCA(C11) ngày 28/10/2009 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định và hướng dẫn thống kê, tổng hợp, xây dựng cơ sở dữ liệu, cung cấp thông tin về tai nạn giao thông đường bộ thì tai nạn giao thông hiện nay được thống kê theo địa giới hành chính (xã, phường, thị trấn). Do vậy, các địa phương căn cứ vào tiêu chí này làm một trong những căn cứ đánh giá tình hình an ninh, trật tự tại địa phương.

Trong thời gian tới, Bộ Công an sẽ báo cáo, đề xuất xây dựng Nghị định của Chính phủ quy định về thống kê, báo cáo, chia sẻ dữ liệu tai nạn giao thông, trong đó sẽ tính toán điều chỉnh những vấn đề còn bất cập mà cử tri nêu trên để phù hợp với tình hình thực tiễn.

3.Cử tri tỉnh Trà Vinh kiến nghị: Đề nghị sớm ban hành Thông tư hướng dẫn thực hiện Pháp lệnh Công an xã để các địa phương triển khai thực hiện.

Trả lời: (Tại Công văn số 353/BCA-V11 ngày 27 tháng 2 năm 2017)

Pháp lệnh Công an xã có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2009; ngày 7/9/2009, Chính Phủ đã ban hành Nghị định số 73/2009/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Công an xã. Bộ Công an đã ban hành nhiều Thông tư hướng dẫn thi hành, như: Thông tư số 12/2010/TT-BCA ngày 08/4/2010 quy định cụ thể thi hành một số điều của Pháp lệnh Công an xã và Nghị định số 73/2009/NĐ-CP ngày 07/9/2009 quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Công an xã; Thông tư số 32/2009/TT-BCA-V19 ngày 28/5/2009 quy định về chương trình bồi dưỡng, huấn luyện đối với Công an xã; Thông tư số 15/2010/TT-BCA ngày 24/5/2010 quy định điều động sĩ quan, hạ sĩ quan Công an nhân dân đảm nhiệm chức danh Công an xã ở các xã trọng điểm, phức tạp về an ninh, trật tự; Thông tư số 43/2013/TT-BCA ngày 15/10/2013 quy định tiêu chuẩn, định mức trang bị cho Công an xã…

4.Cử tri tỉnh Tây Ninh kiến nghị: Hiện tại người dân khi làm thẻ căn cước thay cho Giấy chứng minh nhân dân, ngoài việc được cấp Thẻ căn cước, cơ quan Công an lại cấp thêm cho người dân 01 giấy xác nhận số chứng minh nhân dân cũ (bằng giấy A4) nhằm giúp người dân tiếp tục thực hiện các giao dịch với ngân hàng (vì có trường hợp trước đây người dân sử dụng số CMND cũ để giao dịch với ngân hàng). Việc này gây khó khăn cho người dân trong việc bảo quản “Giấy xác nhận”, cử tri kiến nghị nên ghi vào thẻ căn cước 01 dòng về số của Giấy CMND cũ, sẽ thuận lợi hơn.

Trả lời: (Tại Công văn số 340/BCA-V11 ngày 27 tháng 2 năm 2017)

Thực hiện Luật căn cước công dân, Bộ Công an đã ban hành Thông tư số 61/2015/TT-BCA, ngày 16/11/2015 quy định về mẫu thẻ Căn cước công dân, cụ thể hóa các quy định về hình dáng, kích thước, nội dung, quy cách và chất liệu thẻ Căn cước công dân, không quy định về dòng số Chứng minh nhân dân cũ trên thẻ Căn cước công dân là đúng quy định tại Điều 18, Luật căn cước công dân.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho công dân trong việc thực hiện các giao dịch với các cơ quan, tổ chức, cá nhân mà trước đây đã sử dụng số Chứng minh nhân dân cũ, Bộ Công an có quy định việc cấp Giấy xác nhận số Chứng minh nhân dân khi công dân chuyển dung từ giấy Chứng minh nhân dân sang thẻ Căn cước công dân. Giấy xác nhận số Chứng minh nhân dân chỉ mang tính chất tạm thời, xác nhận số Chứng minh nhân dân cũ với số thẻ Căn cước công dân là của cùng một người nhằm phục vụ công dân trong lần đầu giao dịch với các cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan. Khi các cơ quan, tổ chức, cá nhân đã ghi nhận sự thay đổi số Chứng minh nhân dân của công dân và lưu vào hệ thống thì Giấy xác nhận số Chứng minh nhân dân không cần thiết nữa.

5.Cử tri tỉnh Đắk Lắk kiến nghị: Cử tri cho rằng thủ tục hành chính còn rườm rà, gây khó khăn cho người dân, đề nghị thực hiện quyết liệt công tác cải cách thủ tục hành chính, giảm bớt các thủ tục, rút ngắn thời gian giải quyết, nhất là việc xin cấp giấy chứng minh nhân dân, cấp sổ hộ khẩu.

Trả lời: (Tại Công văn số 354/BCA-V11 ngày 27 tháng 2 năm 2017)

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 08/QĐ-TTg ngày 06/01/2015 về rà soát thủ tục hành chính trọng tâm năm 2015, Bộ Công an đã chuẩn hóa Bộ thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ Công an với 237 thủ tục hành chính; tiến hành rà soát, đơn giản hóa nhóm thủ tục hành chính thực hiện ở 04 cấp trên 11 lĩnh vực thuộc phạm vi, chức năng quản lý nhà nước về an ninh, trật tự thực hiện tại Bộ Công an và Công an, Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy các địa phương; đồng thời, công khai, minh bạch các thủ tục hành chính, góp phần tháo gỡ các rào cản, tạo thuận lợi cho hoạt động của tổ chức và công dân.

   Đối với công tác cấp giấy Chứng minh nhân dân và sổ hộ khẩu: Bộ Công an đã chỉ đạo Công an các địa phương niêm yết công khai các thủ tục hành chính liên quan đến cấp, quản lý Chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu. Thời gian hoàn chỉnh và trả Chứng minh nhân dân được rút ngắn so với trước đây theo đúng quy định tại khoản 2 Điều 1, Nghị định số 106/2013/NĐ-CP ngày 17/9/2013 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 05/1999/NĐ-CP ngày 03/02/1999 về Chứng minh nhân dân. Thời gian tới, Bộ Công an sẽ triển khai ứng dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 đối với việc kê khai các thủ tục đề nghị cấp Chứng minh nhân dân và một số thủ tục hành chính trong đăng ký cư trú.

Hiện nay, Bộ Công an đang triển khai dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trên toàn quốc, theo đó mỗi công dân sẽ được cấp một số định danh cá nhân nhằm thực hiện cải cách hành chính, giảm giấy tờ cho công dân.

6.Cử tri tỉnh Đồng Tháp, Quảng Bình, Bắc Ninh, Quảng Nam, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bến Tre, Bình Dương, Long An và thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng kiến nghị: Cử tri tiếp tục phản ánh, hiện nay tình trạng bạo lực do sử dụng các chất ma túy ngày càng gia tăng, nhất là nạn sử dụng ma túy đá của học sinh, ma túy “tem” (ma túy được tẩm vào giấy) thâm nhập các trường phổ thông có xu hướng ngày một gia tăng, ảnh hưởng đến lứa tuổi vị thành niên, gia đình và xã hội, đối tượng ngáo đá, nghiện hút gây mất kiểm soát, hành vi vô cớ, cuồng dâm, hoang tưởng khiến nhiều người vô tội bỗng chốc trở thành nạn nhân, oan uổng, tức tưởi mất đi mạng sống để lại nỗi đau cho gia đình, người thân và cả xã hội. Đề nghị cơ quan chuyên môn tăng cường công tác quản lý nhà nước về phòng, chống ma túy và xử lý nghiêm tình trạng buôn bán ma túy, tăng cường việc tuyên truyền hướng dẫn nhận diện các dạng ma túy mới xuất hiện, tác hại của việc sử dụng ma túy nhất là các dạng ma túy tổng hợp cho người dân, có chế tài thật mạnh ngăn chặn các hành vi gây mất ổn định xã hội, bắt buộc người sử dụng ma túy phải cai nghiện tập trung, quy định về đơn giản thủ tục đưa đối tượng  nghiện ma túy đi cai nghiện tập trung, đồng thời, phối hợp với các bộ, ngành, các lực lượng liên quan trong việc quản lý, kiểm soát sử dụng vũ khí, vật liệu nổ.

Trả lời: (Tại Công văn số 349/BCA-V11 ngày 27 tháng 2 năm 2017)

Trước tình hình phức tạp về sử dụng ma túy tổng hợp, để phòng ngừa, ngăn chặn người nghiện ma túy tổng hợp gây ra các vụ án hình sự đặc biệt nghiêm trọng hoặc có hành vi gây rối trật tự xã hội, Bộ Công an đã chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương tập trung triển khai nhiều chương trình, kế hoạch, tổ chức cao điểm tấn công trấn áp tội phạm ma túy; đặc biệt chú trọng các tụ điểm phức tạp về ma túy tổng hợp. Tập trung rà soát, thống kê và quản lý chặt chẽ những người nghiện ma túy có biểu hiện “ngáo đá” có xu hướng bạo lực để tăng cường các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm do đối tượng này gây ra. Năm 2016, đã phát hiện, khởi tố điều tra 15.366 vụ, 19.167 bị can phạm tội ma túy (nhiều hơn 18,85% số vụ, 17,65% bị can so với năm 2015), thu giữ 602,642kg heroin, 816,596kg và 374.538 viên ma túy tổng hợp; triệt phá nhiều đường dây mua bán, vận chuyển ma túy lớn.

Tuy nhiên, hoạt động của tội phạm ma tuý vẫn diễn biến phức tạp cả về tính chất và mức độ phạm tội, với nhiều thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt, trắng trợn, manh động, sẵn sàng sử dụng “vũ khí nóng” chống trả khi bị phát hiện, truy bắt. Đáng chú ý, xuất hiện ma túy dạng tem giấy (LSD) và phát hiện số lượng lớn thảo mộc khô “lá Khát”, “cỏ Mỹ” chứa chất gây nghiện mới được thanh, thiếu niên sử dụng, nhưng rất khó khăn trong xử lý, do vướng mắc ở khâu giám định hàm lượng chất ma túy. Công tác quản lý cai nghiện ma túy còn nhiều bất cập nên số người nghiện ma túy ngoài xã hội vẫn còn cao (hiện có khoảng trên 200.000 người nghiện có hồ sơ quản lý).

Trước tình hình trên, Bộ Công an đã và đang tập trung chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương thực hiện một số giải pháp trọng tâm sau:

(1) Tham mưu với cấp ủy, chính quyền các cấp thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Nhà nước về công tác phòng, chống tội phạm ma túy, gắn với Chiến lược quốc gia phòng, chống tội phạm giai đoạn 2016 - 2025, định hướng đến năm 2030, phòng, chống tội phạm và ma túy giai đoạn 2016 - 2020... nhằm huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia phòng, chống tội phạm ma túy.

(2) Tăng cường phối hợp tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống ma túy, tác hại của các loại ma túy tổng hợp, cách nhận biết về phương thức, thủ đoạn hoạt động của loại tội phạm này đến quần chúng nhân dân để phòng ngừa và quản lý con em trong gia đình không bị lôi kéo vào sử dụng và tham gia phạm tội; phát huy và nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến; thực hiện có hiệu quả Đề án xây dựng xã, phường, thị trấn không tệ nạn ma túy.

(3) Đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tự; nâng cao hiệu quả công tác lập hồ sơ đưa đối tượng vào cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng, trung tâm cai nghiện; thực hiện tốt chủ trương tái hòa nhập cộng đồng đối với người sau cai nghiện, tăng cường công tác giáo dục, dạy nghề, hướng nghiệp, tạo việc làm nhằm giúp họ nhanh chóng hòa nhập, tránh nguy cơ tái nghiện.

(4) Tiếp tục triển khai các cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm ma túy, tập trung ở các tuyến, địa bàn trọng điểm; mở rộng và nâng cao hiệu quả hợp tác với các nước, các tổ chức quốc tế, tăng cường phối hợp với các lực lượng chức năng (Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển, Hải quan...) phát hiện, triệt phá các tổ chức, đường dây mua bán, vận chuyển ma túy lớn, hoạt động liên tỉnh, xuyên quốc gia.

(5) Tiếp tục nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện hệ thống pháp luật nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác giám định hàm lượng chất ma túy, lập hồ sơ đề nghị đưa người nghiện ma túy vào cơ sở cai nghiện bắt buộc… tạo hành lang pháp lý phù hợp, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống tội phạm và tệ nạn ma túy trong tình hình mới.

7.Cử tri tỉnh Khánh Hòa kiến nghị: Về Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ và Luật Công an xã: Cử tri đề nghị cho phép Công an xã được trang bị và sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ để kịp thời trấn áp các đối tượng manh động, gây nguy hiểm cho tính mạng người dân, ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội, song đề nghị phải có quy định chặt chẽ về sử dụng vũ khí, để tránh việc lạm dụng vũ khí gây tác động xấu cho xã hội.

Trả lời: (Tại Công văn số 356/BCA-V11 ngày 27 tháng 2 năm 2017)

Theo quy định tại khoản 11, Điều 9 Pháp lệnh Công an xã thì Công an xã là lực lượng được sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ và thực hiện một số biện pháp công tác công an theo quy định của pháp luật và hướng dẫn của Bộ trưởng Bộ Công an để bảo vệ an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn xã.

Tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV, Bộ trưởng Bộ Công an, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, đã trình Quốc hội cho ý kiến về Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, trong đó quy định Công an xã được trang bị, sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ; đồng thời, quy định chi tiết, cụ thể về: nguyên tắc, tiêu chuẩn, điều kiện, trách nhiệm của người được giao sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ và người được giao sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ phải được huấn luyện về chuyên môn và có giấy chứng nhận sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ, nhằm quản lý, sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ được chặt chẽ.

8.Cử tri tỉnh Gia Lai kiến nghị: Cử tri phản ánh, tệ nạn mãi lộ vẫn còn xảy ra phổ biến và ngày càng tinh vi, Công an giao thông chặn xe quá tải chỉ để lấy tiền mà không kiểm tra, xử lý vi phạm, làm tăng giá vận chuyển hàng hóa, gây bức xúc trong nhân dân. Đề nghị Bộ Công an chỉ đạo, sớm chấn chỉnh tình trạng nêu trên.

Trả lời: (Tại Công văn số 285/BCA-V11 ngày 22 tháng 2 năm 2017)

Xây dựng lực lượng Công an nhân dân trong sạch, vững mạnh là mục tiêu, yêu cầu và nhiệm vụ trọng tâm mà Đảng ủy Công an Trung ương và lãnh đạo Bộ Công an luôn quán triệt thực hiện đối với Công an các đơn vị, địa phương; trong đó, có lực lượng Cảnh sát giao thông. Để phòng ngừa, phát hiện và xử lý sai phạm, tiêu cực của cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát giao thông trong khi thi hành nhiệm vụ, Bộ Công an đã ban hành Chỉ thị số 12/2011/CT-BCA ngày 28/9/2011 về tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, ngăn chặn, chấn chỉnh, xử lý vi phạm và các hiện tượng tiêu cực trong thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, chiến sĩ Công an; Thông tư số 16/TT-BCA ngày 08/4/2016 quy định việc xử lý kỷ luật cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân; Thông tư số 01/2016/TT- BCA ngày 04/01/2016 quy định nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ của Cảnh sát giao thông; Thông tư số 02/2016/TT- BCA ngày 04/01/2016 quy định về quy trình tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ của Cảnh sát giao thông; Thông tư số 03/2016/TT- BCA ngày 04/01/2016 quy định về quy trình tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính trên đường cao tốc của Cảnh sát giao thông và nhiều văn bản quy định về quy trình, thủ tục trong thực hiện nhiệm vụ của các lực lượng Công an khi thi hành nhiệm vụ và quan hệ tiếp xúc với quần chúng nhân dân.

Theo đó, Bộ Công an đã chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, giáo dục truyền thống, văn hóa giao tiếp, ứng xử; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, chấn chỉnh cán bộ, chiến sĩ chấp hành nghiêm Điều lệnh Công an nhân dân, quy chế làm việc, quy trình công tác, tạo bước chuyển biến tích cực trong công tác phòng ngừa sai phạm, tiêu cực của Cảnh sát giao thông. Hầu hết cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát giao thông đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, tận tụy với công việc, nêu gương liêm khiết không nhận hối lộ. Năm 2016, có 700 lượt cán bộ, chiến sĩ không nhận hối lộ của lái xe, chủ hàng, góp phần nâng cao hiệu quả công tác và hình ảnh của cán bộ, chiến sĩ Công an.

Tuy nhiên, vẫn còn một số cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát giao thông vi phạm kỷ luật, quy chế, quy trình công tác, ảnh hưởng đến uy tín, hình ảnh người chiến sĩ Công an nhân dân. Trước dư luận về tiêu cực, thái độ không đúng mực của cán bộ trong tuần tra, kiểm soát giao thông, Bộ Công an đã có Công văn số 2612/BCA-X11 ngày 28/10/2016 về siết chặt kỷ luật, kỷ cương và chấn chỉnh trong công tác quản lý cán bộ trong lực lượng Công an nhân dân; Công văn số 3181/C67 ngày 09/8/2016 về chấn chỉnh công tác tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ. Các trường hợp vi phạm được phát hiện, đều được xử lý kịp thời, nghiêm minh; đồng thời, xử lý trách nhiệm liên đới của người đứng đầu đơn vị để cán bộ, chiến sỹ vi phạm.

Thời gian tới, để phòng ngừa sai phạm, tiêu cực trong lực lượng Cảnh sát giao thông, Bộ Công an tiếp tục chỉ đạo thực hiện các giải pháp trọng tâm, sau đây:

- Tiếp tục thực hiện nghiêm túc có hiệu quả Chỉ thị số 18-CT/TW ngày 04-9-2012 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XI) về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông”; Chỉ thị số 02/CT-BCA ngày 03/4/2015 của Bộ trưởng Bộ Công an về “Tăng cường thực hiện công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông của lực lượng Công an nhân dân trong tình hình mới”; Chỉ thị số 12/2011/CT-BCA ngày 28/9/2011 về tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, ngăn chặn, chấn chỉnh, xử lý vi phạm và các hiện tượng tiêu cực trong thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, chiến sĩ Công an...

- Đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, giáo dục truyền thống, tạo chuyển biến sâu sắc hơn về phẩm chất, đạo đức, tác phong, tinh thần trách nhiệm, ý thức phục vụ nhân dân, ý thức chấp hành quy trình, chế độ công tác, điều lệnh Công an nhân dân của cán bộ, chiến sĩ.

- Tiếp tục cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính, thực hiện công khai, minh bạch các hoạt động của Cảnh sát giao thông có liên quan đến quyền lợi của nhân dân, để nhân dân chấp hành và ủng hộ, giúp đỡ lực lượng Cảnh sát giao thông; đồng thời tham gia giám sát, phát hiện sai phạm của cán bộ, chiến sĩ.

- Thực hiện nghiêm túc việc rà soát, đánh giá, phân loại, điều chuyển cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát giao thông, gắn với yêu cầu phòng ngừa, ngăn chặn sai phạm.

- Tập trung trang thiết bị, huấn luyện, đào tạo lực lượng Cảnh sát giao thông đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ; tăng cường các biện pháp quản lý cán bộ, kiểm tra, thanh tra phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp sai phạm và trách nhiệm liên đới của lãnh đạo, chỉ huy. Chăm lo cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của cán bộ, chiến sĩ; biểu dương, khen thưởng kịp thời các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc.

Ngoài việc thực hiện các giải pháp trọng tâm nêu trên, Bộ Công an đề nghị cử tri cả nước tiếp tục quan tâm, giúp đỡ, ủng hộ, kịp thời động viên lực lượng Công an hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước, Nhân dân giao phó; đồng thời, phát huy sức mạnh của toàn dân tham gia bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, cũng như giám sát hoạt động của cán bộ, chiến sĩ được giao nhiệm vụ thanh tra, kiểm soát trật tự, an toàn giao thông nhằm phát hiện các biểu hiện sai phạm để phản ánh với cấp có thẩm quyền chấn chỉnh kịp thời, xử lý nghiêm minh.

9.Cử tri tỉnh Bình Phước kiến nghị: Thời gian gần đây xảy ra một số trường hợp chống người thi hành công vụ, làm khó khăn cho việc thi hành nhiệm vụ của các cán bộ và gây bức xúc trong nhân dân. Đề nghị Chính phủ chỉ đạo các ngành chức năng xử lý nghiêm đối với hành vi chống người thi hành công vụ để răn đe và thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật.

Trả lời: (Tại Công văn số 359/BCA-V11 ngày 27 tháng 2 năm 2017)

Trong những năm qua, xảy ra một số vụ chống người thi hành công vụ, có vụ số đối tượng tham gia đông, sử dụng vũ khí, gây hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự, gây bức xúc trong nhân dân.

Trước tình hình trên, Bộ Công an đã tham mưu với Chính phủ ban hành Nghị định số 208/CP-NĐ, ngày 17/12/2013 quy định các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý hành vi chống người thi hành công vụ; ban hành Chỉ thị số 13/CT-BCA, ngày 01/11/2011 chỉ đạo tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm chống người thi hành công vụ. Đồng thời, chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương tham mưu với cấp uỷ, chính quyền các cấp huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia công tác phòng, chống tội phạm; đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật trong nhân dân; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về an ninh, trật tự; tăng cường các biện pháp nghiệp vụ, tập trung điều tra, xử lý nghiêm các vụ chống người thi hành công vụ; phối hợp với Viện kiểm sát, Tòa án đưa ra xét xử lưu động một số vụ án điểm nhằm tuyên truyền, giáo dục và răn đe tội phạm.

Tuy nhiên, tình hình tội phạm chống người thi hành công vụ vẫn còn diễn biến phức tạp. Nguyên nhân chủ yếu, là do: (1) Công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tuy được đẩy mạnh, nhưng chưa sâu rộng; (2) Việc xây dựng và triển khai thực hiện một số dự án về kinh tế - xã hội có lúc, có nơi chưa phù hợp, gây bức xúc trong nhân dân; (3) Mức hình phạt đối với tội chống người thi hành công vụ còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe; (4) Trình độ pháp luật, nghiệp vụ, trách nhiệm và đạo đức nghề nghiệp của một số cán bộ, nhất là ở cấp cơ sở chưa cao…

Trước tình hình trên, Bộ Công an đã và đang tập trung chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương thực hiện tốt các giải pháp trọng tâm sau:

 (1) Tham mưu với cấp uỷ, chính quyền các cấp tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân tích cực tham gia công tác phòng, chống tội phạm nói chung, tội phạm chống người thi hành công vụ nói riêng.

(2) Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật trong nhân dân; kịp thời định hướng thông tin đối với những vụ việc có tính chất nhạy cảm, tránh để người dân hiểu không đúng về hoạt động của lực lượng thi hành công vụ.

(3) Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về an ninh, trật tự. Tăng cường các biện pháp nghiệp vụ, quản lý các đối tượng xấu không cho lợi dụng kích động, lôi kéo tụ tập gây rối. Tập trung điều tra, xử lý nghiêm các vụ chống người thi hành công vụ.

(4) Thường xuyên tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ, pháp luật, đạo đức nghề nghiệp, văn hóa ứng xử, quy trình công tác cho cán bộ thực thi công vụ; thanh tra, kiểm tra, phát hiện kịp thời, xử lý nghiêm các sai phạm và biểu hiện tiêu cực của cán bộ trong thi hành công vụ.

(5) Quan tâm thực hiện chế độ, chính sách đối với người thi hành công vụ, người trực tiếp tham gia ngăn chặn, xử lý hành vi chống người thi hành công vụ; tăng cường trang bị vũ khí, công cụ hỗ trợ, thiết bị kỹ thuật cho lực lượng thi hành công vụ, nâng cao khả năng đấu tranh, trấn áp tội phạm.

(6) Nghiên cứu đề xuất sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật theo hướng tăng thẩm quyền, chủ động phòng, chống các hành vi chống người thi hành công vụ nhằm bảo vệ người thi hành công vụ, bảo đảm sự nghiêm minh của pháp luật.

10.Cử tri tỉnh Bắc Giang kiến nghị: Cử tri phản ánh việc cấp biển số xe như hiện nay đã tránh được nhiều biểu hiện phiền hà, tiêu cực so với trước đây, tuy nhiên, thực tế hiện nay người dân khi đi đăng ký biển số xe rất sợ “ấn” phải những số “xấu” (theo quan niệm của người Việt Nam), nên có những biểu hiện tiêu cực nhất định để tránh những số “xấu”. Để khắc phục tình trạng nêu trên, đồng thời cũng đáp ứng nguyện vọng của người dân, đề nghị Bộ Công an loại bỏ những số “xấu” (theo quan niệm của người Việt Nam) ra khỏi danh mục biển số xe. (Ví dụ hiện nay trên các máy bay thương mại sản xuất từ phương tây không có hàng ghế số 13- theo quan niệm của phương tây 13 là số “xấu”).

Trả lời: (Tại Công văn số 286/BCA-V11 ngày 22 tháng 2 năm 2017)

Thời gian qua, để bảo đảm công bằng, công khai, minh bạch trong công tác đăng ký, cấp biển số xe, Bộ Công an đã triển khai dự án đăng ký, quản lý xe trên mạng Internet trong phạm vi toàn quốc. Cơ sở dữ liệu quản lý tập trung tại Cục Cảnh sát giao thông với phương thức chọn số ngẫu nhiên, được nhân dân ghi nhận, đánh giá cao.

Về kiến nghị của cử tri, Bộ Công an xin tiếp thu, nghiên cứu, khảo sát để có sự điều chỉnh phù hợp với quy định của pháp luật về đăng ký biển số xe, nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước và phục vụ nhân dân được tốt hơn.

11.Cử tri tỉnh Thanh Hóa, An Giang kiến nghị: Cử tri phản ánh, tình trạng thanh, thiếu niên vi phạm pháp luật, nhất là các tội trộm, cướp, ma túy, gây rối trật tự… ngày càng nhiều, đặc biệt là tình trạng các thanh, thiếu niên bị lôi kéo vào các nhóm tội phạm có tổ chức, điều này không chỉ ảnh hưởng đến vấn đề quản lý xã hội mà còn tạo tâm lý hoang mang, lo sợ trong nhân dân, nhất là những phụ huynh có con trong độ tuổi thanh, thiếu niên. Đề nghị Bộ Công an và các địa phương có giải pháp đồng bộ để trấn áp tội phạm, nhất là vào dịp tết nguyên đán, đề nghị ngành giáo dục tăng cường giáo dục đạo đức, pháp luật cho học sinh, sinh viên, đồng thời triển khai các hoạt động bổ ích nhằm tuyên truyền, giáo dục pháp luật dành cho lứa tuổi thanh, thiếu niên góp phần hạn chế tình trạng phạm tội của thanh niên, thiếu niên.

Trả lời: (Tại Công văn số 330/BCA-V11 ngày 27 tháng 2 năm 2017)

Thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác đảm bảo an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, Bộ Công an luôn tập trung chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương chủ động tham mưu với cấp ủy, chính quyền các cấp huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân trong công tác bảo đảm an ninh, trật tự; triển khai đồng bộ các biện pháp đấu tranh phòng, chống tội phạm, góp phần bảo đảm an ninh, trật tự, phục vụ đắc lực sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế của đất nước. Tuy nhiên, âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch và tội phạm thời gian qua diễn biễn vẫn hết sức phức tạp, đã xảy ra nhiều vụ việc có tính chất nghiêm trọng, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự của đất nước.

Để nâng cao hiệu quả công tác đảm bảo an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, Bộ Công an chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương tập trung thực hiện các công tác trọng tâm sau:

 (1) Tham mưu với cấp ủy, chính quyền các cấp chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các chủ trương của Đảng, Quốc hội, Chính phủ về đảm bảo an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội; huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân tích cực tham gia đấu tranh với âm mưu, hành động chống phá của các thế lực thù địch, phản động và các loại tội phạm, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội của đất nước.

(2) Tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức tự giác cho cán bộ, đảng viên và nhân dân về âm mưu, thủ đoạn hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động. Chủ động nắm tình hình, tham mưu giải quyết kịp thời các vụ việc phức tạp trong nhân dân, không để hình thành các “điểm nóng”, kéo dài về an ninh, trật tự. Xử lý nghiêm các đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật, nhất là số chủ mưu, cầm đầu, cốt cán, chống đối cực đoan.

 (3) Triển khai đồng bộ các biện pháp nắm tình hình, quản lý hiệu quả đối tượng, địa bàn, nhất là các địa bàn, đối tượng trọng điểm về an ninh, trật tự. Tiếp tục tổ chức các cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, tập trung đấu tranh với tội phạm có tổ chức, hoạt động theo kiểu “xã hội đen”, tội phạm sử dụng vũ khí, vật liệu nổ gây án…

 (4) Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về an ninh, trật tự, quản lý cư trú, quản lý vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự. Tổ chức tốt công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm; thiết lập và duy trì hoạt động của các đường dây “nóng” (điện thoại, email), hòm thư tố giác tội phạm để tiếp nhận, xử lý kịp thời mọi thông tin, tài liệu liên quan đến an ninh, trật tự. Phối hợp chặt chẽ với các ngành tư pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án nhằm răn đe và phòng ngừa tội phạm.

12.Cử tri tỉnh Bắc Kạn, Hồ Chí Minh, Quảng Bình kiến nghị: Đề nghị tăng cường quản lý chặt chẽ du khách nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam theo hình thức đi du lịch, nhằm phòng ngừa các thế lực thù địch lợi dụng việc đi du lịch để tuyên truyền sai sự thật về tình hình kinh tế -xã hội, quốc phòng an ninh và chủ quyền biển đảo Việt Nam, Cử tri đề nghị kiểm sát chặt chẽ việc nhập cảnh của người nước ngoài vào lãnh thổ Việt Nam để đảm bảo tình hình an ninh trật tự trong nước, nhất là đối với người Trung Quốc, tránh để xảy ra tình trạng hướng dẫn viên du lịch người Trung Quốc hoạt động trái phép, khách du lịch Trung Quốc quấy rối trật tự, đốt tiền Việt Nam như đã xảy ra, không vì lợi nhuận do du lịch mang lại mà lỏng lẻo, phớt lờ các hành vi phản cảm, xúc phạm đến văn hóa, danh dự dân tộc.

Trả lời: (Tại Công văn số 362/BCA-V11 ngày 27 tháng 2 năm 2017)

Công tác quản lý xuất nhập cảnh nói chung và quản lý người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam theo hình thức đi du lịch nói riêng luôn được Bộ Công an quan tâm, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện đảm bảo tạo điều kiện thuận lợi cho khách nước ngoài đến Việt Nam thăm quan, du lịch và công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tự trên lĩnh vực du lịch. Tình hình du khách nước ngoài đến Việt Nam ngày càng tăng, chỉ tính riêng năm 2016, đã có 10.078.482 lượt người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam, trong đó với mục đích đi du lịch là 8.259.008 lượt (tăng 1.919.144 lượt so với năm 2015).

Tuy nhiên, thời gian qua đã xảy ra một số vụ việc ảnh hưởng đến an ninh, trật tự trong hoạt động động du lịch, nhất là việc hướng dẫn viên du lịch người nước ngoài hoạt động trái phép tại một số khu du lịch, tổ chức đoàn không đúng chương trình... Nguyên nhân chủ yếu là do: (1) Năng lực tổ chức của một số doanh nghiệp lữ hành quốc tế của Việt Nam yếu kém, còn có doanh nghiệp “khoán trắng” cho phía đối tác nước ngoài điều hành tổ chức Tour; nhiều đoàn du lịch do hướng dẫn viên nước ngoài phụ trách; (2) Công tác quản lý du lịch của một số địa phương còn hạn chế; (3) Việc phối kết hợp giữa các cơ quan chức năng có liên quan trong quản lý du lịch thiếu chặt chẽ; (4) Hành lang pháp lý chưa hoàn thiện.

Thời gian tới, để nâng cao hiệu quả quản lý khách du lịch nước ngoài, Bộ Công an đã và đang chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương thực hiện một số công tác trọng tâm, sau:

- Triển khai các giải pháp để quản lý tốt hoạt động du lịch và khách du lịch nước ngoài đến Việt Nam, đặc biệt là quản lý chặt chẽ các doanh nghiệp lữ hành quốc tế; kịp thời phát hiện và xử lý các doanh nghiệp kinh doanh du lịch và khách du lịch nước ngoài vi phạm làm ảnh hưởng đến tình hình an ninh, trật tự của đất nước.

- Phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường thanh tra, kiểm tra liên ngành, kiểm soát chặt chẽ việc cấp Giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế; quản lý việc xuất, nhập cảnh đối với khách du lịch nước ngoài... đảm bảo an ninh, trật tự trong hoạt động du lịch.

- Phối hợp với các bộ, ngành tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân trong việc phát hiện, cung cấp thông tin và đấu tranh đối với những sai phạm của các doanh nghiệp lữ hành và khách du lịch nước ngoài.

- Tiếp tục rà soát, bổ sung sửa đổi, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, tạo hành lang pháp đầy đủ và toàn diện trong việc bảo đảm an ninh, trật tự đối với hoạt động du lịch và quản lý khách du lịch nước ngoài.

13.Cử tri tỉnh Bắc Kạn kiến nghị: Đề nghị có biện pháp quản lý, cấm xuất cảnh những cá nhân, người đứng đầu và cấp phó người đứng đầu các tổ chức có dấu hiệu vi phạm pháp luật, tránh tình trạng các đối tượng bỏ trốn ra nước ngoài.

Trả lời: (Tại Công văn số 368/BCA-V11 ngày 27 tháng 2 năm 2017)

Thực tiễn quá trình đấu tranh phòng, chống tội phạm cho thấy, đã có một số trường hợp người đang bị tố giác, kiến nghị khởi tố bỏ trốn ra nước ngoài gây khó khăn cho công tác điều tra vụ án. Trong quá trình xây dựng Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, Bộ Công an đã đề nghị bổ sung Điều 124 về tạm hoãn xuất cảnh: “Người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố mà qua kiểm tra, xác minh có đủ căn cứ xác định người đó bị nghi thực hiện và xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn hoặc tiêu hủy chứng cứ…”.

Khi Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 có hiệu lực thi hành, đây là một trong những biện pháp ngăn chặn có hiệu quả đối với các trường hợp bị can, bị cáo, người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố trốn ra nước ngoài, phục vụ công tác điều tra, truy tố, xét xử tội phạm trước pháp luật.

14.Cử tri tỉnh Cao Bằng kiến nghị: Đối với dự án Luật công an xã, cử tri đề nghị Phó công an xã phải được coi là công chức nhà nước và được đóng bảo hiểm. Vì không có sự khác biệt về nội dung và tính chất công việc giữa trưởng và phó trưởng công an cấp xã. Cử tri cũng cho biết về nội dung đóng bảo hiểm xã hội trước đây pháp lệnh công an xã đã quy định nhưng không có hiệu lực trên thực tế. Đề nghị việc thiết kế điều luật liên quan và kế hoạch triển khai phải có tính khả thi trên thực tế.

Trả lời: (Tại Công văn số 347/BCA-V11 ngày 22 tháng 2 năm 2017)

Hiện nay, dự thảo Luật Công an xã đang được cơ quan chủ trì soạn thảo phối hợp với các bộ, ngành nghiên cứu, chỉnh lý theo hướng bố trí biên chế Công an xã chuyên trách cân đối trong tổng biên chế của lực lượng Công an nhân dân. Theo đó, dự thảo Luật quy định việc điều động sĩ quan Công an nhân dân đảm nhiệm chức danh Trưởng Công an xã và Phó trưởng Công an xã. Việc quy định chính quy hóa lực lượng Công an xã là để bảo đảm cho lực lượng này thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ được giao, nhất là những nhiệm vụ, quyền hạn liên quan đến quyền con người, quyền công dân cũng như để bảo đảm đầy đủ các điều kiện hoạt động, chế độ, chính sách, đào tạo, bồi dưỡng, huấn luyện đối với Công an xã.

15.Cử tri tỉnh Hà Tĩnh, Vĩnh Long, Hà Nam, Bến Tre, An Giang, Quảng Ngãi, Tiền Giang và thành phố Hải Phòng, Đà Nẵng, Hồ Chí Minh kiến nghị: Cử tri bức xúc và lo lắng về anh ninh trật tự xã hội vừa qua nhiều vụ án giết người cả gia đình, giết nhiều người liên tục xảy ra, đối tượng vi phạm ngày càng trẻ hóa, vấn đề này cho thấy đạo đức xã hội đang xuống cấp nghiêm trọng, Nhà nước đã có nhiều giải pháp để ngăn chặn nhưng hiệu quả chưa cao. Nguyên nhân là chế tài đối với các đối tượng vi phạm còn quá nhẹ, chưa đủ sức răn đe, tội phạm có tổ chức hoạt động theo kiểu “ xã hội đen ” (giải quyết mâu thuẫn bằng cách thuê sát thủ giết người), hung thủ ra tay manh động (dễ dàng sử dụng bạo lực để giải quyết mâu thuẫn nhỏ), thủ đoạn ra tay rất tàn ác (giết nhiều người trong cùng một vụ án) diễn ra tại một số địa bàn, công khai thách thức dư luận, chính quyền gây lo lắng trong nhân dân nhưng chưa được ngăn chặn, xử lý kịp thời, nạn trộm cắp, cướp giật, những mâu thuẫn với nhau được giải quyết mang tính chất lưu manh, côn đồ, có tổ chức, ngang nhiên trắng trợn ngày càng diễn ra nhiều, Đề nghị các ngành chức năng cần tăng cường kiểm soát và có giải pháp quyết liệt hơn nữa đấu tranh phòng ngừa ngăn chặn loại tội phạm này, nhất là tội phạm xuyên quốc gia. Đề nghị tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện xử lý thật nghiêm các loại tội phạm, tệ nạn xã hội… Thực tế vừa qua mức xử phạt nhẹ, không đủ sức tác động làm giảm các loại tội phạm.

Trả lời: (Tại Công văn số 339/BCA-V11 ngày 27 tháng 2 năm 2017)

Những năm qua, lực lượng Công an luôn chủ động tham mưu với cấp ủy, chính quyền các cấp huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân trong công tác đảm bảo an ninh, trật tự; triển khai đồng bộ các biện pháp, liên tục mở các cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, góp phần bảo đảm an ninh, trật tự, phục vụ đắc lực sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế của đất nước. Năm 2016, toàn quốc xảy ra 51.928 vụ phạm pháp hình sự (giảm 9,5% so với năm 2015), hầu hết các loại tội phạm nghiêm trọng giảm (giết người giảm 8,11%; cướp tài sản giảm15,22%; trộm cắp tài sản giảm 9,89%; chống người thi hành công vụ giảm 16,72%; tội phạm có tổ chức giảm 14,67%...); lực lượng Công an đã điều tra, khám phá 42.799 vụ, bắt, xử lý 73.796 đối tượng, nhất là các vụ án đặc biệt nghiêm trọng đều được điều tra, khám phá nhanh, kịp thời đưa ra truy tố, xét xử trước pháp luật, được dư luận đánh giá cao.

Tuy nhiên, tình hình tội phạm và tệ nạn xã hội vẫn diễn biến phức tạp. Để nâng cao hiệu quả của công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, đảm bảo an ninh, trật tự, Bộ Công an tiếp tục chỉ đạo Công an các đơn vị địa phương tập trung thực hiện các công tác trọng tâm sau:

(1) Tham mưu với cấp ủy, chính quyền các cấp chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các chủ trương của Đảng, Nhà nước về đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo đảm an ninh, trật tự, nhằm huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội.

(2) Phối hợp chặt chẽ với các ngành, đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức pháp luật trong nhân dân; phát động nhân dân tham gia xây dựng khu dân cư văn hóa, các mô hình tự quản; quản lý, giáo dục các trường hợp có nguy cơ cao phạm tội; chủ động phát hiện và giải quyết kịp thời các mâu thuẫn trong nhân dân, để phòng ngừa, ngăn chặn các loại tội phạm do nguyên nhân xã hội. Triển khai thực hiện các chương trình, nghị quyết, thông tư liên tịch nhằm nâng cao hiệu quả phòng ngừa tội phạm, quản lý  giáo dục các đối tượng có nguy cơ cao phạm tội, vi phạm pháp luật hoặc bị tội phạm xâm hại.

(3) Tăng cường công tác nắm tình hình, tập trung rà soát số đối tượng có dấu hiệu hoạt động phạm tội để chủ động phòng ngừa, ngăn chặn. Triển khai các cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, tập trung trấn áp các băng, nhóm tội phạm nguy hiểm, hoạt động đâm thuê, chém mướn, tội phạm sử dụng vũ khí gây án, giết người, cướp, cướp giật tài sản..., tập trung ở các thành phố lớn, các tuyến, địa bàn trọng điểm, không để tội phạm lộng hành.

(4) Đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tự, nhất là quản lý vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự. Nâng cao hiệu quả công tác lập hồ sơ đưa đối tượng vào cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng, trung tâm cai nghiện; thực hiện tốt chủ trương tái hòa nhập cộng đồng đối với người sau cai nghiện, tăng cường công tác giáo dục, dạy nghề, hướng nghiệp, tạo việc làm nhằm giúp họ nhanh chóng hòa nhập, tránh nguy cơ tái nghiện.

(5) Tổ chức thực hiện có hiệu quả các quy định về tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm; thiết lập và duy trì hoạt động của các đường dây “nóng” (điện thoại, email), hòm thư tố giác tội phạm để tiếp nhận, xử lý kịp thời mọi thông tin, tài liệu liên quan đến tội phạm, nhất là tội phạm hoạt động theo băng, nhóm; cướp, cướp giật, giết người...

(6) Phối hợp chặt chẽ với các ngành tư pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác điều tra, truy tố, xét xử; tổ chức xét xử kịp thời các vụ án điểm nhằm răn đe tội phạm.

(7) Rà soát, xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, tạo hành lang pháp lý trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, trọng tâm là xây dựng dự án Luật Phòng, chống tội phạm có tổ chức; Luật Truy nã tội phạm; tham gia xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự năm 2015 theo chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội.

(8) Đẩy mạnh công tác đối ngoại và hợp tác quốc tế trong đấu tranh phòng, chống tội phạm trong khuôn khổ tổ chức INTERPOL, ASEANAPOL, các nước tiểu vùng sông Mê Kông và các thiết chế song phương, đa phương khác.

16.Cử tri tỉnh Hà Tĩnh kiến nghị: Đề nghị điều chỉnh lại Điều 16, Điều 17, Thông tư số 01/2016/TT-BCA ngày 04/01/2016 của Bộ Công an quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng Cảnh sát Giao thông (CSGT) về phân công và phối hợp trong công tác tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ vì theo quy định Công an cấp huyện không được xử phạt các hành vi vi phạm dọc tuyến Quốc lộ mà là nhiệm vụ của Phòng cảnh sát giao thông Công an tỉnh. Quy định như vậy, ảnh hưởng đến việc đảm bảo trật tự ATGT tại những địa phương có Quốc lộ đi qua do lực lượng của phòng ít tuần tra, lại phải bố trí nhiều khu vực nên không thường xuyên kiểm soát hết, trong khi đó tình trạng vi phạm trật tự ATGT chủ yếu xảy ra trên các tuyến Quốc lộ. Đề nghị có phân tuyến giao cho chính quyền và Công an cấp huyện xử lý.

Trả lời: (Tại Công văn số 287/BCA-V11 ngày 22 tháng 2 năm 2017)

Ngày 30/10/2012, Bộ Công an ban hành Thông tư 65/2012/TT-BCA quy định nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung tuần tra, kiểm soát của Cảnh sát giao thông đường bộ; theo đó, tại khoản 2 Điều 6 quy định phân công trách nhiệm và quan hệ phối hợp trong công tác tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ đối với Công an cấp huyện: Trên đoạn quốc lộ đi qua thành phố, thị xã thuộc tỉnh, thị trấn thuộc huyện, nếu phát hiện các hành vi vi phạm về giao thông tĩnh và các hành vi vi phạm như: chạy xe lạng lách đánh võng; tụ tập gây rối trật tự công cộng; đua xe trái phép; đi ngược chiều đường, không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông; điều khiển xe mô tô, xe gắn máy chở quá số người quy định; điều khiển, ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy tham gia giao thông không đội mũ bảo hiểm thì được xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, qua tổng kết 3 năm thực hiện Thông tư 65/2012/TT-BCA cho thấy phải phân cấp cho lực lượng của Phòng Cảnh sát giao thông chủ trì tổ chức hoạt động tuần tra, kiểm soát trên các tuyến quốc lộ, không phân cấp cho nhiều lực lượng vì sẽ gây sự chồng chéo, chia cắt về địa bàn các tuyến quốc lộ; hơn nữa, việc nhiều tổ Cảnh sát giao thông đồng thời hoạt động trên một tuyến quốc lộ sẽ gây bức xúc và phản cảm cho người tham gia giao thông.

Trên cơ sở đó, Bộ Công an ban hành Thông tư số 01/2016/TT- BCA (thay thế Thông tư 65/2012/TT-BCA) ngày 04/01/2016 quy định nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ của Cảnh sát giao thông, quy định:

- Tại đoạn 2 điểm b khoản 2 Điều 17 quy định: Căn cứ tình hình thực tế, công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trên đoạn quốc lộ đi qua địa giới hành chính quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thị trấn thuộc huyện, Phòng Cảnh sát giao thông tham mưu Giám đốc Công an cấp tỉnh có kế hoạch bố trí lực lượng của Phòng Cảnh sát giao thông chủ trì, phối hợp với Cảnh sát giao thông Công an cấp huyện tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông theo quy định của pháp luật.

- Tại khoản 3 Điều 17 quy định: Công an cấp huyện phối hợp với Phòng Cảnh sát giao thông tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trên đoạn quốc lộ đi qua địa giới hành chính quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thị trấn thuộc huyện theo kế hoạch của Giám đốc Công an cấp tỉnh.

Do vậy, theo quy định của Thông tư số 01/2016/TT-BCA, nếu Phòng Cảnh sát giao thông không đủ lực lượng thực hiện việc tuần tra, kiểm soát bảo đảm trật tự, an toàn giao thông thì phải báo cáo Giám đốc Công an cấp tỉnh để có kế hoạch phối hợp với Cảnh sát giao thông Công an cấp huyện tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trên đoạn quốc lộ đi qua địa giới hành chính quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thị trấn thuộc huyện.

17.Cử tri tỉnh Bình Thuận kiến nghị: Theo Luật Nghĩa vụ quân sự số 78/2015/QH13 quy định thời gian tham gia nghĩa vụ quân sự của công dân là 24 tháng. Tuy nhiên, theo Nghị định 129/2015/NĐ-CP ngày 15/12/2015 của Chính Phủ lại quy định thời gian thực hiện nghĩa vụ quân sự tham gia công an nhân dân là 3 năm. Việc quy định thời gian tham gia nghĩa vụ quân sự của công an nhân dân là gây khó khăn cho anh em về cơ hội tìm kiếm vệc làm khi hết thời gian nghĩa vụ quân sự. Đề nghị điều chỉnh lại thời gian tham gia nghĩa vụ công an là 24 tháng.

Trả lời: (Tại Công văn số 335/BCA-V11 ngày 27 tháng 2 năm 2017)

Căn cứ khoản 1, Điều 8 Luật Công an nhân dân năm 2014 (có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2015) quy định: “Công dân thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân là thực hiện nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc trong lĩnh vực vũ trang nhân dân. Hằng năm, Công an nhân dân được tuyển chọn công dân trong độ tuổi gọi nhập ngũ phục vụ trong Công an nhân dân với thời hạn là 3 năm”. Tiếp thu ý kiến Đại biểu, Bộ Công an sẽ nghiên cứu, đánh giá kết quả triển khai việc thực hiện nghĩa vụ của công dân phục vụ trong Công an nhân dân, trên cơ sở đó, báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của Chính phủ trình Quốc hội khi có chủ trương sửa đổi, bổ sung Luật Công an nhân dân đảm bảo phù hợp với yêu cầu thực tiễn.

18.Cử tri tỉnh Bà Rịa – Vũng tàu, Long An kiến nghị: Người dân rất hoang mang, lo lắng với thông tin một số vũ khí quân dụng, công cụ hỗ trợ rơi vào tay kẻ gian, Nhằm tăng cường các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh phòng chống tội phạm và ngăn chặn tình trạng buôn bán, tàng trử, sử dụng vũ khí, vật liệu nỗ và công cụ hỗ trợ trái phép trong quần chúng nhân dân. Cử tri đề nghị Bộ Công an có biện pháp ngăn chặn và quản lý chặt chẽ hơn các loại vũ khí này, tiếp tục chỉ đạo các địa phương tăng cường quản lý nhà nước về sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.

Trả lời: (Tại Công văn số 360/BCA-V11 ngày 27 tháng 2 năm 2017)

Bộ Công an đã ban hành nhiều Kế hoạch và chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương triển khai thực hiện quyết liệt công tác quản lý nhà nước về sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, như: Kế hoạch số 240/KH-BCA ngày 22/8/2016 về triển khai thực hiện Chỉ thị 20/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường thực hiện các giải pháp cấp bách nhằm ngăn chặn và giảm thiểu tai nạn bom, mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh; Kế hoạch số 312/KH-BCA-C41 ngày 07/11/2016 về tăng cường phòng ngừa, phát hiện, xử lý vi phạm liên quan đến vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo;… Đồng thời, triển khai nhiều cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, gắn với cuộc vận động thu hồi vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ. Chỉ tính riêng năm 2016 đã thu hồi 1.121 súng các loại, 181 công cụ hỗ trợ, 13.981 viên đạn, 10 quả mìn, 10 quả bom, 206 lựu đạn, 120 đầu đạn, 53 quả đạn, 386 kg thuốc nổ, 432 kíp nổ, 163m dây cháy chậm và 1.177 vũ khí thô sơ.

Tuy nhiên, tình trạng buôn bán, tàng trữ, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ trái phép vẫn còn diễn biến phức tạp. Trước tình hình trên, Bộ Công an đã và đang tập trung chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương thực hiện một số công tác trọng tâm, sau:

1. Phối hợp với các Bộ, ngành chức năng thực hiện có hiệu quả Nghị định số 25/2012/NĐ-CP ngày 5/4/2012 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; Thông tư số 31/2012/TT-BCA ngày 29/5/2012 quy định chi tiết việc tiếp nhận, thu gom, phân loại, bảo quản, thanh lý, tiêu hủy vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ;… Đồng thời, tiếp tục thực hiện các Kế hoạch của Bộ Công an nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước về sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.

2. Chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương phối hợp với các ngành chức năng tăng cường công tác tuyên truyền, vận động quần chúng giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ, không để lọt vào tay kẻ xấu.

3. Tiếp tục triển khai các cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, đặc biệt là, tội phạm có sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; tội phạm buôn lậu vũ khí, vật liệu nổ, nhất là, địa bàn các tỉnh vùng biên giới.

4. Tăng cường công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tự, tập trung quản lý ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự. Đẩy mạnh công tác tuần tra, kiểm soát; duy trì và nhân rộng mô hình tổ công tác phối hợp các lực lượng trong phòng, chống tội phạm, nhất là phòng, chống cướp, cướp giật tài sản, tàng trữ vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ...

5. Tích cực hoàn chỉnh Dự án Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ đã được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV để trình Quốc hội thảo luận và thông qua tại kỳ họp thứ 3 nhằm tạo hành lang pháp lý trong công tác quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ chặt chẽ hơn.

19.Cử tri tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu kiến nghị: tăng cường công tác đảm bảo an ninh trật tự xã hội, vì hiện nay tệ nạn ma túy, cướp của giết người ngày càng nhiều, kiểm soát việc sản xuất, sử dụng rượu bia nhằm làm giảm các tệ nạn do rượu, bia gây ra.

Trả lời: (Tại Công văn số 327/BCA-V11 ngày 27 tháng 2 năm 2017)

Những năm qua, Bộ Công an đã tập trung chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương tham mưu với cấp ủy, chính quyền các cấp huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm; liên tục triển khai các chương trình, kế hoạch, biện pháp tăng cường phòng ngừa, đấu tranh, kiềm chế sự gia tăng của các loại tội phạm. Năm 2016, khởi tố điều tra 51.928 vụ phạm tội về trật tự xã hội, giảm 9,5%; khởi tố điều tra 15.366 vụ liên quan đến tội phạm ma túy, nhiều hơn 18,85% số vụ so với 2015; nhiều vụ án lớn đã được điều tra, khám phá nhanh chóng, mang lại niềm tin trong nhân dân.

Tuy nhiên, tình hình tội phạm và tệ nạn xã hội còn diễn biến phức tạp, những nguyên nhân chủ yếu là do: (1) Tình hình kinh tế còn khó khăn, số người lao động chưa có việc làm nhiều, tạo áp lực lớn đến các vấn đề xã hội; (2) Đạo đức xã hội xuống cấp, lối sống thực dụng, hưởng thụ, chạy theo lợi ích vật chất, nhất là trong thanh, thiếu niên rất đáng lo ngại; (3) Tác động tiêu cực của ấn phẩm đồi trụy, trò chơi trực tuyến trên mạng Internet (game online) đối với thanh, thiếu niên đang ở độ tuổi phát triển về nhận thức, tâm, sinh lý; (4) Số người nghiện ma túy ngoài xã hội còn nhiều, tiềm ẩn yếu tố làm nảy sinh tội phạm; (5) Công tác phòng ngừa xã hội, phòng ngừa nghiệp vụ còn hạn chế; (6) Trách nhiệm của người đứng đầu trong việc đấu tranh, phòng chống tội phạm ở một số nơi chưa được đề cao; (7) Hệ thống pháp luật phục vụ công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm còn nhiều bất cập.

Để nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo đảm an ninh, trật tự, Bộ Công an đã và đang tập trung chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương tiếp tục thực hiện các công tác trọng tâm sau:

(1) Tham mưu với cấp ủy, chính quyền các cấp thực hiện có hiệu quả các chủ trương của Đảng, Nhà nước, các Nghị quyết của Quốc hội về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn dân tích cực tham gia phòng, chống tội phạm bảo đảm an ninh, trật tự phục vụ phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.

 (2) Triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ nắm chắc và kiểm soát tình hình, nhất là các tuyến, địa bàn, lĩnh vực, đối tượng trọng điểm; mở các cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, tập trung trấn áp các băng nhóm tội phạm nguy hiểm, hoạt động đâm thuê, chém mướn, tội phạm sử dụng vũ khí gây án, giết người, cướp tài sản, tội phạm về ma túy...

(3) Phối hợp chặt chẽ với các ngành, đoàn thể, cơ quan truyền thông đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức và vận động nhân dân tích cực tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm. Xây dựng các mô hình tự quản, như: “Tuần tra nhân dân”, “Tổ an ninh xã hội”, “Khu dân cư an toàn về an ninh, trật tự”...; quản lý, giáo dục các đối tượng có nguy cơ phạm tội cao; chủ động phát hiện và giải quyết kịp thời các mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân để phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm giết người, cố ý gây thương tích do mâu thuẫn, thù tức cá nhân.

(4) Nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tự, nhất là quản lý vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự; quản lý nhân, hộ khẩu, dịch vụ Internet. Đẩy mạnh công tác lập hồ sơ đưa đối tượng vào cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng, trung tâm cai nghiện bắt buộc; làm tốt công tác tái hòa nhập cộng đồng đối với người sau cai nghiện, nhất là, giáo dục, dạy nghề, hướng nghiệp, tạo việc làm nhằm giúp họ nhanh chóng hòa nhập, tránh nguy cơ tái nghiện. Đẩy mạnh công tác tuần tra, kiểm soát, bảo đảm an ninh, trật tự; duy trì và nhân rộng mô hình tổ công tác phối hợp các lực lượng trong phòng, chống tội phạm, nhất là phòng, chống cướp, cướp giật tài sản, tàng trữ vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ...

(5) Tổ chức tiếp nhận, giải quyết kịp thời tố giác, tin báo về tội phạm; duy trì các đường dây “nóng”, hòm thư tố giác tội phạm. Nâng cao hiệu quả hoạt động điều tra, xử lý các vụ án, không để xảy ra oan, sai hoặc bỏ lọt tội phạm. Điều tra khám phá nhanh các vụ án, phối hợp với Viện kiểm sát, Tòa án đưa ra xét xử kịp thời các vụ án điểm nhằm răn đe tội phạm và phòng ngừa chung.

(6) Nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định của pháp luật có liên quan, tạo cơ sở pháp lý đầy đủ trong đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm.

(7) Phối hợp với các lực lượng chức năng tăng cường quản lý sản xuất, kinh doanh rượu theo Nghị định số 94/2012/NĐ-CP ngày 12/11/2012 của Chính phủ; tập trung phát hiện các hoạt động sản xuất, kinh doanh rượu, bia trái pháp luật, nhất là, hành vi sản xuất rượu giả, kém chất lượng, rượu nhập lậu, không rõ nguồn gốc... Phối hợp với các bộ, ngành xây dựng và đề xuất Chính phủ ban hành quy định về việc sản xuất, kinh doanh rượu, bia; đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, khuyến cáo người dân hạn chế sử dụng rượu, bia nhằm làm giảm các tệ nạn do rượu, bia gây ra.

20.Cử tri tỉnh Bạc Liêu kiến nghị: Hiện nay tình trạng buôn bán nội tạng, buôn người, bắt cóc trẻ em, tình trạng giết người, cướp của xảy ra ngày càng nhiều, hình phạt chưa đủ sức răn đe. Đề nghị cơ quan chức năng có biện pháp mạnh, có chế tài nghiêm khắc đối với các loại tội phạm này. Trong đó, cử tri đề nghị cụ thể là: Mức xử phạt tội danh buôn bán người và nội tạng người phải tương đương mức tội danh buôn bán, tàng trữ ma túy trái phép,…

Trả lời: (Tại Công văn số 332/BCA-V11 ngày 27 tháng 2 năm 2017)

Những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, lực lượng Công an nhân dân đã tập trung tham mưu với cấp ủy, chính quyền các cấp chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành, nhằm huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân trong công tác phòng, chống tội phạm, liên tục triển khai các chương trình, kế hoạch, biện pháp tăng cường phòng ngừa, đấu tranh, kiềm chế sự gia tăng các loại tội phạm, góp phần giữ vững an ninh, trật tự của đất nước. Tuy nhiên, một số loại tội phạm vẫn diễn biến phức tạp, đặc biệt là tội phạm buôn bán nội tạng, buôn bán người, bắt cóc trẻ em, giết người, cướp, cướp giật tài sản...

Trước tình hình trên, Bộ Công an đã và đang chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương tập trung thực hiện các giải pháp trọng tâm sau:

(1) Tham mưu với cấp ủy, chính quyền các cấp chỉ đạo tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chủ trương của Đảng, Nhà nước về công tác phòng, chống tội phạm, bảo đảm an ninh, trật tự, nhằm huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân tích cực tham gia phòng, chống tội phạm.

(2) Phối hợp chặt chẽ với các ngành, đoàn thể, cơ quan truyền thông đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho nhân dân về hậu quả, tác hại của tội phạm giết người, cướp tài sản; hành vi mua, bán mô và nội tạng bất hợp pháp; phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm mua bán người, mua bán trái phép và trộm cắp nội tạng để chủ động phòng ngừa và tích cực tham gia đấu tranh. Làm tốt công tác giáo dục, nâng cao ý thức pháp luật trong nhân dân; xây dựng các mô hình tự quản, như: “Tuần tra nhân dân”, “Tổ an ninh xã hội”, “Khu dân cư an toàn về an ninh, trật tự”...; quản lý, giáo dục các đối tượng có nguy cơ phạm tội cao; chủ động phát hiện và giải quyết kịp thời các mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân để phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm.

(3) Nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tự, nhất là công tác quản lý vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự; công tác quản lý xuất nhập cảnh, kiểm soát biên giới, cửa khẩu, quản lý người nước ngoài, quản lý nhân, hộ khẩu, dịch vụ Internet; công tác lập hồ sơ đưa đối tượng vào cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng, trung tâm cai nghiện; tái hòa nhập cộng đồng đối với người sau cai nghiện, công tác giáo dục, dạy nghề, hướng nghiệp, tạo việc làm nhằm giúp họ nhanh chóng hòa nhập, tránh nguy cơ tái nghiện. Đẩy mạnh công tác tuần tra, kiểm soát, bảo đảm an ninh, trật tự; duy trì, nhân rộng mô hình tổ công tác phối hợp các lực lượng trong phòng, chống tội phạm, nhất là phòng, chống cướp, cướp giật tài sản, tàng trữ vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ...

(4) Triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ nắm chắc, kiểm soát được tình hình, nhất là các tuyến, địa bàn, lĩnh vực, đối tượng trọng điểm; tổ chức các cao điểm tấn công, trấn áp, truy nã tội phạm, tập trung triệt phá các băng, nhóm tội phạm nguy hiểm, hoạt động đâm thuê, chém mướn, tội phạm sử dụng vũ khí gây án, giết người, cướp, cướp giật tài sản, các vụ án mua bán người, mua bán trái phép nội tạng.

(5) Tổ chức tiếp nhận, giải quyết kịp thời tố giác, tin báo về tội phạm; duy trì, nâng cao hiệu quả hoạt động của các đường dây “nóng”, hòm thư tố giác tội phạm; đồng thời, có biện pháp bảo vệ tổ chức, cá nhân tố giác tội phạm. Nâng cao hiệu quả hoạt động điều tra, xử lý các vụ án, không để xảy ra oan, sai, lọt tội phạm. Điều tra khám phá nhanh các vụ án đặc biệt nghiêm trọng; phối hợp với Viện kiểm sát, Tòa án đưa ra xét xử kịp thời các vụ án điểm nhằm răn đe tội phạm

(6) Đẩy mạnh công tác đối ngoại và hợp tác quốc tế trong đấu tranh phòng, chống tội phạm trong khuôn khổ tổ chức INTERPOL, ASEANAPOL, các nước tiểu vùng sông Mê Kông và các thiết chế song phương, đa phương khác. Các địa phương có đường biên giới duy trì giao ban, gặp gỡ, đàm phán, thiết lập đường dây nóng với các đơn vị, địa phương của các nước láng giềng nhằm chủ động trao đổi thông tin, phối hợp điều tra, truy bắt tội phạm, giải cứu, tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về; tổ chức các diễn đàn truyền thông chung về phòng, chống mua bán người.

(7) Nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định của pháp luật có liên quan phù hợp với tình hình thực tiễn, tạo cơ sở pháp lý đầy đủ trong đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm. Trong đó, tham mưu bổ sung một điều luật trong Bộ luật hình sự năm 2015 quy định tội mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể (Điều 154), với hình phạt nghiêm khắc; phối hợp Bộ Y tế tham mưu với Chính phủ ban hành các quy định về việc cho, ghép nội tạng theo hướng tạo điều kiện thuận lợi, dễ dàng, nhanh chóng theo nguyện vọng chính đáng của công dân.

21.Cử tri tỉnh Bạc Liêu kiến nghị: Cử tri đề nghị tiêu chuẩn Trưởng Công xã phải là chính qui nhằm nâng cao vai trò, trách nhiệm trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm tại các địa phương. Vì hiện nay lực lượng Công xã đa phần là không có trình độ chuyên môn nghiệp vụ, chỉ tốt nghiệp phổ thông trung học cơ sở.

Trả lời: (Tại Công văn số 325/BCA-V11 ngày 27 tháng 2 năm 2017)

Hiện nay, dự thảo Luật Công an xã đang được cơ quan chủ trì soạn thảo phối hợp với các bộ, ngành nghiên cứu, chỉnh lý theo hướng bố trí biên chế Công an xã chuyên trách cân đối trong tổng biên chế của lực lượng Công an nhân dân. Việc quy định chính quy hóa lực lượng Công an xã là để bảo đảm cho lực lượng này thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ được giao, cũng như để bảo đảm đầy đủ các điều kiện hoạt động, chế độ, chính sách, đào tạo, bồi dưỡng, huấn luyện đối với Công an xã.

22.Cử tri tỉnh Long An kiến nghị: Tình trạng phong tướng, phong tá trong lực lượng quân đội và công an trong thời gian qua có đúng quy trình hay không, cử tri phản ánh có tình trạng phong hàm trước thời hạn, trước khi Luật Công an có hiệu lực (7/2015), đề nghị các Bộ liên quan có xử lý nghiêm.

Trả lời: (Tại Công văn số 344/BCA-V11 ngày 27 tháng 2 năm 2017)

Tại khoản 1 Điều 22, Luật Công an nhân dân năm 2014 quy định: “Sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ Công an nhân dân lập thành tích đặc biệt xuất sắc trong bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm, nghiên cứu khoa học, học tập mà cấp bậc hàm hiện tại thấp hơn cấp bậc hàm cao nhất đối với chức vụ, chức danh sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ đang đảm nhiệm thì được xét phong, thăng cấp bậc hàm trước thời hạn”  và khoản 3, Điều 22 quy định:“Chủ tịch nước quyết định việc phong, thăng cấp bậc hàm trước thời hạn và phong, thăng cấp bậc hàm vượt cấp đối với cấp bậc hàm cấp tướng. Bộ trưởng Bộ Công an quyết định việc phong, thăng cấp bậc hàm trước thời hạn và phong, thăng cấp bậc hàm vượt cấp từ Đại tá trở xuống”.

Thời gian qua, Đảng ủy Công an Trung ương đã đề nghị phong, thăng cấp bậc hàm cấp tướng và phong, thăng cấp bậc hàm cấp tá trước thời hạn đối với một số trường hợp sĩ quan lập thành tích đặc biệt xuất sắc trong bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm… Các trường hợp này đều được thực hiện theo đúng trình tự, thủ tục, quy định của Đảng, Luật Công an nhân dân và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đảm bảo chặt chẽ, công khai, dân chủ, minh bạch từ khâu xin chủ trương, tổ chức lấy ý kiến tín nhiệm của tập thể, biểu quyết của Đảng ủy, lãnh đạo đơn vị, đến khâu thẩm định, đề xuất. Riêng các trường hợp đề nghị thăng cấp bậc hàm cấp tướng đều được Đảng ủy Công an Trung ương báo cáo xin chủ trương và được Ban Bí thư, Chủ tịch nước đồng ý mới thực hiện quy trình đề nghị phong, thăng cấp bậc hàm.

23.Cử tri tỉnh Bến Tre kiến nghị: Có ý kiến cử tri phản ánh còn tình trạng Cảnh sát giao thông trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh thời gian gần đây có hành vi hạch sách dân, đây là nỗi ám ảnh của các lái xe. Cử tri kiến nghị lãnh đạo Bộ Công an cần có biện pháp chỉ đạo thanh tra, kiểm tra nhằm phát hiện, xử lý dứt điểm những hành vi vi phạm này để những chiến sĩ công an thật sự là công an của nhân dân.

Trả lời: (Tại Công văn số 285/BCA-V11 ngày 22 tháng 2 năm 2017)

Xây dựng lực lượng Công an nhân dân trong sạch, vững mạnh là mục tiêu, yêu cầu và nhiệm vụ trọng tâm mà Đảng ủy Công an Trung ương và lãnh đạo Bộ Công an luôn quán triệt thực hiện đối với Công an các đơn vị, địa phương; trong đó, có lực lượng Cảnh sát giao thông. Để phòng ngừa, phát hiện và xử lý sai phạm, tiêu cực của cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát giao thông trong khi thi hành nhiệm vụ, Bộ Công an đã ban hành Chỉ thị số 12/2011/CT-BCA ngày 28/9/2011 về tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, ngăn chặn, chấn chỉnh, xử lý vi phạm và các hiện tượng tiêu cực trong thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, chiến sĩ Công an; Thông tư số 16/TT-BCA ngày 08/4/2016 quy định việc xử lý kỷ luật cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân; Thông tư số 01/2016/TT- BCA ngày 04/01/2016 quy định nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ của Cảnh sát giao thông; Thông tư số 02/2016/TT- BCA ngày 04/01/2016 quy định về quy trình tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ của Cảnh sát giao thông; Thông tư số 03/2016/TT- BCA ngày 04/01/2016 quy định về quy trình tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính trên đường cao tốc của Cảnh sát giao thông và nhiều văn bản quy định về quy trình, thủ tục trong thực hiện nhiệm vụ của các lực lượng Công an khi thi hành nhiệm vụ và quan hệ tiếp xúc với quần chúng nhân dân.

Theo đó, Bộ Công an đã chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, giáo dục truyền thống, văn hóa giao tiếp, ứng xử; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, chấn chỉnh cán bộ, chiến sĩ chấp hành nghiêm Điều lệnh Công an nhân dân, quy chế làm việc, quy trình công tác, tạo bước chuyển biến tích cực trong công tác phòng ngừa sai phạm, tiêu cực của Cảnh sát giao thông. Hầu hết cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát giao thông đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, tận tụy với công việc, nêu gương liêm khiết không nhận hối lộ. Năm 2016, có 700 lượt cán bộ, chiến sĩ không nhận hối lộ của lái xe, chủ hàng, góp phần nâng cao hiệu quả công tác và hình ảnh của cán bộ, chiến sĩ Công an.

Tuy nhiên, vẫn còn một số cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát giao thông vi phạm kỷ luật, quy chế, quy trình công tác, ảnh hưởng đến uy tín, hình ảnh người chiến sĩ Công an nhân dân. Trước dư luận về tiêu cực, thái độ không đúng mực của cán bộ trong tuần tra, kiểm soát giao thông, Bộ Công an đã có Công văn số 2612/BCA-X11 ngày 28/10/2016 về siết chặt kỷ luật, kỷ cương và chấn chỉnh trong công tác quản lý cán bộ trong lực lượng Công an nhân dân; Công văn số 3181/C67 ngày 09/8/2016 về chấn chỉnh công tác tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ. Các trường hợp vi phạm được phát hiện, đều được xử lý kịp thời, nghiêm minh; đồng thời, xử lý trách nhiệm liên đới của người đứng đầu đơn vị để cán bộ, chiến sỹ vi phạm.

Thời gian tới, để phòng ngừa sai phạm, tiêu cực trong lực lượng Cảnh sát giao thông, Bộ Công an tiếp tục chỉ đạo thực hiện các giải pháp trọng tâm, sau đây:

- Tiếp tục thực hiện nghiêm túc có hiệu quả Chỉ thị số 18-CT/TW ngày 04-9-2012 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XI) về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông”; Chỉ thị số 02/CT-BCA ngày 03/4/2015 của Bộ trưởng Bộ Công an về “Tăng cường thực hiện công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông của lực lượng Công an nhân dân trong tình hình mới”; Chỉ thị số 12/2011/CT-BCA ngày 28/9/2011 về tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, ngăn chặn, chấn chỉnh, xử lý vi phạm và các hiện tượng tiêu cực trong thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, chiến sĩ Công an...

- Đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, giáo dục truyền thống, tạo chuyển biến sâu sắc hơn về phẩm chất, đạo đức, tác phong, tinh thần trách nhiệm, ý thức phục vụ nhân dân, ý thức chấp hành quy trình, chế độ công tác, điều lệnh Công an nhân dân của cán bộ, chiến sĩ.

- Tiếp tục cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính, thực hiện công khai, minh bạch các hoạt động của Cảnh sát giao thông có liên quan đến quyền lợi của nhân dân, để nhân dân chấp hành và ủng hộ, giúp đỡ lực lượng Cảnh sát giao thông; đồng thời tham gia giám sát, phát hiện sai phạm của cán bộ, chiến sĩ.

- Thực hiện nghiêm túc việc rà soát, đánh giá, phân loại, điều chuyển cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát giao thông, gắn với yêu cầu phòng ngừa, ngăn chặn sai phạm.

- Tập trung trang thiết bị, huấn luyện, đào tạo lực lượng Cảnh sát giao thông đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ; tăng cường các biện pháp quản lý cán bộ, kiểm tra, thanh tra phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp sai phạm và trách nhiệm liên đới của lãnh đạo, chỉ huy. Chăm lo cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của cán bộ, chiến sĩ; biểu dương, khen thưởng kịp thời các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc.

Ngoài việc thực hiện các giải pháp trọng tâm nêu trên, Bộ Công an đề nghị cử tri cả nước tiếp tục quan tâm, giúp đỡ, ủng hộ, kịp thời động viên lực lượng Công an hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước, Nhân dân giao phó; đồng thời, phát huy sức mạnh của toàn dân tham gia bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, cũng như giám sát hoạt động của cán bộ, chiến sĩ được giao nhiệm vụ thanh tra, kiểm soát trật tự, an toàn giao thông nhằm phát hiện các biểu hiện sai phạm để phản ánh với cấp có thẩm quyền chấn chỉnh kịp thời, xử lý nghiêm minh.

24.Cử tri tỉnh An Giang kiến nghị: Đề nghị ngành chức năng xem lại việc thi tuyển vào ngành công an thì điểm chuẩn của nữ lại cao hơn nam, là thiếu công bằng, bên cạnh, việc đổi giấy chứng minh nhân dân người dân phải đi đến tỉnh làm lại, như vậy rất khó khăn cho người dân ở xa, đề nghị nên giao lại cho cấp huyện thị giải quyết để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân.

Trả lời: (Tại Công văn số 351/BCA-V11 ngày 27 tháng 2 năm 2017)

1. Về quy định trong công tác thi tuyển vào ngành Công an:

Công an nhân dân là lực lượng vũ trang, có nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội. Đây là nhiệm vụ vô cùng vất vả, cường độ cao, yêu cầu thời gian làm việc linh hoạt, sử dụng nhiều thời gian ngoài giờ hành chính, thường xuyên tiếp xúc với phức tạp của xã hội, trực diện đấu tranh với tội phạm, nên ngành Công an chủ yếu sử dụng nam giới. Tuy nhiên, một số công việc có thể sử dụng nữ giới, như: tham mưu, tổng hợp, hồ sơ, văn phòng... nhưng với tỷ lệ ít. Vì vậy, kế hoạch tuyển sinh đào tạo xác định tuyển nữ giới với số lượng từ 10 - 15% tổng chỉ tiêu tuyển mới hàng năm để bổ sung lực lượng, cân đối với biên chế của từng đơn vị, địa phương và mang tính chất kế thừa. Do đó, ngành Công an quy định điểm trúng tuyển của nữ thường cao hơn nam, phù hợp với cơ cấu, yêu cầu, nhiệm vụ, tính chất công việc của lực lượng Công an nhân dân.

2. Về việc cấp, đổi, cấp lại Chứng minh nhân dân:

Tại mục c, điểm 4, phần III, Thông tư số 04/1999/TT-BCA ngày 29/4/1999 của Bộ Công an Hướng dẫn một số quy định của Nghị định số 05/1999/NĐ-CP ngày 03/02/1999 của Chính phủ về Chứng minh nhân dân, quy đinh: "Công an cấp huyện, thị, thành phố thuộc tỉnh tiếp nhận hồ sơ để làm thủ tục cấp Chứng minh nhân dân cho công dân”.

Bộ Công an cũng đã chỉ đạo Công an các địa phương tổ chức tổ công tác lưu động cấp Chứng minh nhân dân tại vùng sâu, vùng xa, hải đảo, cho người già yếu, bệnh tật... để tạo điều kiện cho người dân trong việc cấp, đổi, cấp lại Chứng minh nhân dân.

25.Cử tri thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị: Cử tri phản ảnh thời gian gần đây nổi lên một số vụ việc ứng xử chưa đúng mực của lực lượng công an trong khi thi hành nhiệm vụ. Cử tri đề nghị các cơ quan chức năng, lực lượng vũ trang cần tăng cường công tác giáo dục về nhận thức và tư tưởng cho cán bộ chiến sĩ, cán bộ, công chức về tác phong, ứng xử giao tiếp trong khi thi hành nhiệm vụ.

Trả lời: (Tại Công văn số 292/BCA-V11 ngày 22 tháng 2 năm 2017)

Xây dựng lực lượng Công an nhân dân trong sạch, vững mạnh luôn được Đảng ủy Công an Trung ương và lãnh đạo Bộ Công an xác định là mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm của toàn lực lượng. Bộ Công an đã ban hành và chỉ đạo tổ chức triển khai có hiệu quả nhiều chủ trương, giải pháp về công tác quản lý, giáo dục cán bộ, chiến sỹ, như: Chỉ thị số 03/CT-BCA, ngày 18/4/2014 về “Tiếp tục siết chặt  kỷ luật, kỷ cương, điều lệnh; xây dựng nếp sống văn hóa vì nhân dân phục vụ”; Thông tư số 16/2016/TT-BCA, ngày 08/4/2016 quy định về việc xử lý kỷ luật cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân; Chỉ thị số 07/CT-BCA, ngày 26/10/2016 về “Tăng cường sự lãnh đạo nâng cao văn hóa ứng xử Công an nhân dân trong tình hình mới”. Qua đó, cán bộ, chiến sỹ Công an nhân dân, nhìn chung, chấp hành tốt quy chế, quy trình công tác; kỷ luật, kỷ cương, lối sống văn hóa, quan hệ giao tiếp, ứng xử, ý thức phục vụ nhân dân được nâng cao. Tuy nhiên, bên cạnh rất nhiều tấm gương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt, mưu trí, dũng cảm trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo vệ sự bình yên cho nhân dân, vẫn còn một số ít cán bộ, chiến sỹ, chủ yếu ở cấp cơ sở và chiến sỹ nghĩa vụ có hành vi ứng xử chưa đúng mực, vi phạm quy định, điều lệnh của ngành, một số trường hợp vi phạm pháp luật. Bộ Công an đã chỉ đạo các đơn vị, địa phương khẩn trương làm rõ, xử lý kịp thời nghiêm túc, đúng quy định của pháp luật và của ngành.

Để phát hiện ngăn ngừa sai phạm trong cán bộ, chiến sỹ, Bộ Công an đang tiếp tục chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng; đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 03/CT-BCA, ngày 18/4/2014 về “Tiếp tục siết chặt  kỷ luật, kỷ cương, điều lệnh; xây dựng nếp sống văn hóa vì nhân dân phục vụ”; Chỉ thị số 07/CT-BCA, ngày 26/10/2016 về “Tăng cường sự lãnh đạo nâng cao văn hóa ứng xử Công an nhân dân trong tình hình mới”. Rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện quy chế, quy trình làm việc, chế độ công tác, khắc phục những sơ hở, thiếu sót trong công tác quản lý cán bộ và công tác nghiệp vụ. Thường xuyên tổ chức thanh tra, kiểm tra việc chấp hành điều lệnh Công an nhân dân, quy chế, quy trình công tác, văn hóa ứng xử của cán bộ, chiến sĩ. Kịp thời biểu dương khen thưởng những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc; xử lý nghiêm cán bộ, chiến sĩ có sai phạm.

26.Cử tri thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị: cần tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại trong công tác đảm bảo an ninh trật tự xã hội. Cử tri cho rằng việc gắn camera an ninh trong thời gian qua đã phát huy hiệu quả trong phòng chống tội phạm, nhờ có hệ thống camera mà tình trạng phạm pháp hình sự được kéo giảm, tình hình an ninh trật tự trên địa bàn có sự chuyển biến tích cực, cử tri đề nghị nên nhân rộng mô hình gắn camera, đặc biệt là những nơi tình hình an ninh trật tự phức tạp, nơi thường xuyên xảy ra các vụ trộm cướp tài sản, phạm pháp hình sự.

Trả lời: (Tại Công văn số 338/BCA-V11 ngày 27 tháng 2 năm 2017)

27.Cử tri tỉnh Tiền Giang, Hải Phòng kiến nghị: Qua sự việc ông Trịnh Xuân Thanh ra nước ngoài trước có quyết định khởi tố bị can. Cử tri kiến nghị Bộ cần tham mưu Chính phủ ban hành quy chế quản lý đặc biệt đối với những người đang bị xem xét kỷ luật về mặt Đảng hoặc về mặt chính quyền để đảm bảo cho công tác điều tra, xử lý, trong đó, chú ý đến quy định việc tăng cường công tác giám sát các đối tượng này của cộng đồng dân cư,  chỉ đạo điều tra rõ trách nhiệm của các cá nhân, tập thể có liên quan trong vụ việc Trịnh Xuân Thanh trốn ra nước ngoài, làm rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý xuất nhập cảnh trong việc theo dõi, báo cáo sự việc đối với cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Trả lời: (Tại Công văn số 345/BCA-V11 ngày 27 tháng 2 năm 2017)

Để khắc phục những bất cập, hạn chế trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, Bộ Công an đã và đang rà soát, nghiên cứu, tham mưu với Quốc hội, Chính phủ sửa đổi quy định của Bộ luật hình sự, Bộ luật tố tụng hình sự, Luật phòng, chống tham nhũng, Luật tố cáo, Luật giám định và các văn bản pháp luật có liên quan theo hướng bổ sung các quy định về việc giám sát đặc biệt đối với các đối tượng có dấu hiệu phạm tội liên quan đến kinh tế, tham nhũng, cho phép được áp dụng biện pháp tố tụng đặc biệt.

Thực tiễn công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm cho thấy, đã có  một số trường hợp người đang bị tố giác, kiến nghị khởi tố bỏ trốn ra nước ngoài gây khó khăn cho công tác điều tra vụ án. Trong quá trình xây dựng Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, Bộ Công an đã đề nghị Chính phủ bổ sung Điều 124 về tạm hoãn xuất cảnh: “Người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố mà qua kiểm tra, xác minh có đủ căn cứ xác định người đó bị nghi thực hiện và xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn hoặc tiêu hủy chứng cứ…”. Khi Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 có hiệu lực thi hành, đây là một trong những biện pháp ngăn chặn có hiệu quả đối với các trường hợp bị can, bị cáo, người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố trốn ra nước ngoài, phục vụ công tác điều tra, truy tố, xét xử tội phạm trước pháp luật.

Đối với vụ án Trịnh Xuân Thanh, Bộ Công an đã và đang chỉ đạo các đơn vị khẩn trương điều tra, truy bắt đối tượng, nếu phát hiện hành vi bao che, tiếp tay, thiếu trách nhiệm để đối tượng bỏ trốn, sẽ kiên quyết xử lý theo đúng quy định của pháp luật.

28.Cử tri tỉnh Tiền Giang kiến nghị: Bộ sớm thực hiện tổng kết 03 năm thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật cư trú để kịp thời báo cáo Chính phủ các vướng mắc, bất cập trong quá trình tổ chức thực hiện nhằm sớm có các giải pháp kịp thời tháo gỡ giúp các địa phương thực hiện chặt chẽ và hiệu quả công tác quản lý cư trú của công dân đi, đến, đây là một trong những công cụ hữu hiệu để đảm bảo an ninh trật tự tại địa phương, đồng thời, giúp công dân thực hiện tốt quyền và nghĩa vụ của mình trong việc đăng ký nơi cư trú, tạm trú, tạm vắng…

Trả lời: (Tại Công văn số 346/BCA-V11 ngày 27 tháng 2 năm 2017)

Bộ Công an xin tiếp thu ý kiến cử tri và sẽ phối hợp với các Bộ, ngành chức năng tổ chức tổng kết, đánh giá quá trình thực hiện Luật cư trú, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật cư trú và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành để phát hiện những vướng mắc, bất cập, từ đó đề xuất giải pháp tháo gỡ, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

29.Cử tri tỉnh Lai Châu kiến nghị: Hiện nay, công tác phòng cháy chữa cháy nói chung và của tỉnh Lai Châu nói riêng ngày càng được các cấp các ngành đặc biệt quan tâm. Tuy nhiên, trang thiết bị phục vụ cho công tác này còn rất thiếu thốn, kể cả các phương tiện thiết yếu nhất. Đề nghị Bộ Công an xem xét trang cấp xe cứu nạn, cứu hộ, xe thang cho lực lượng phòng cháy chữa cháy của tỉnh, xe cứu hỏa cho lực lượng phòng cháy, chữa cháy cấp huyện để phục vụ tốt nhất công tác phòng cháy, chữa cháy đảm bảo hạn chế tối đa thiệt hại người và của khi có cháy xảy ra.

Trả lời: (Tại Công văn số 358/BCA-V11 ngày 27 tháng 2 năm 2017)

Những năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các trang thiết bị, phương tiện về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đã được đầu tư, trang bị, góp phần từng bước nâng cao năng lực cho lực lượng Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy. Tuy nhiên, các trang thiết bị, phương tiện về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ ở các địa phương vẫn còn thiếu (lực lượng Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy tỉnh Lai Châu hiện có 08 xe chữa cháy, 01 xe cứu nạn, cứu hộ, 01 xe chỉ huy chữa cháy). Hiện nay, do nguồn kinh phí đầu tư của Nhà nước còn hạn chế, mặc dù đã huy động tối đa các nguồn lực khác, như: nguồn viện trợ của các nước, các tổ chức quốc tế, nguồn xã hội hóa và nhiều địa phương đã sử dụng ngân sách cấp tỉnh để đầu tư cho công tác phòng cháy và chữa cháy địa phương nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu thực tế.

Bộ Công an xin ghi nhận kiến nghị của cử tri và sẽ xây dựng lộ trình cụ thể, báo cáo cấp có thẩm quyền về trang bị phương tiện phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cho các đơn vị, địa phương, đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra.

30.Cử tri tỉnh Yên Bái và thành phố Hải Phòng kiến nghị: quy định trong Luật công an xã các chính sách đãi ngộ, điều kiện, chế độ tuyển dụng phù hợp đối với lực lượng Công an xã, đồng thời quy định chế độ đào tạo, điều kiện tuyển dụng, bố trí điều động cán bộ đảm nhận chức danh Trưởng Công an xã là chiến sĩ Công an nhân dân, Công an nghĩa vụ thuộc biên chế Công an quận, huyện để đáp ứng yêu cầu bảo đảm an ninh trật tự tại địa phương, cần quan tâm và có chế độ chính sách đối với lực lượng Phó Trưởng Công an xã và lực lượng công an viên.

Trả lời: (Tại Công văn số 350/BCA-V11 ngày 27 tháng 2 năm 2017)

Hiện nay, dự thảo Luật Công an xã đang được cơ quan chủ trì soạn thảo, phối hợp với các bộ, ngành nghiên cứu theo hướng bố trí biên chế Công an xă chuyên trách cân đối trong tổng biên chế của lực lượng Công an nhân dân. Theo đó, dự thảo Luật quy định việc điều động sĩ quan Công an nhân dân đảm nhiệm chức danh Trưởng Công an xã và Phó trưởng Công an xã. Đối với các xã trọng điểm, phức tạp về an ninh, trật tự sẽ điều động sĩ quan, hạ sĩ quan Công an nhân dân đảm nhiệm chức danh Công an viên. Đối với người hoạt động không chuyên trách (hiện nay gọi là Công an xã), dự thảo Luật sẽ bổ sung các quy định về chế độ, chính sách, bảo đảm các điều kiện hoạt động nhằm khuyến khích, động viên và phát huy hơn nữa hiệu quả hoạt động của lực lượng này.

31.Cử tri thành phố Hải Phòng kiến nghị: Cử tri phản ánh, trong thời gian qua đã xảy ra nhiều vụ án liên quan đến sai phạm tại một số ngân hàng thương mại làm thất thoát hàng nghìn tỷ đồng gây mất niềm tin trong nhân dân. Đề nghị Bộ Công an phối hợp các cơ quan tố tụng sớm điều tra, truy tố, xử lý nghiêm các tổ chức tín dụng và người đứng đầu các tổ chức tín dụng yếu kém để xảy ra thất thoát, vi phạm pháp luật và công khai kết quả xử lý để nhân dân theo dõi, giám sát.

Trả lời: (Tại Công văn số 855/BCA-V11 ngày 26 tháng 4 năm 2017)

Trong những năm qua, Bộ Công an đã tập trung chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương phát hiện, điều tra, kết luận chuyển Viện kiểm sát đề nghị truy tố nhiều vụ án đặc biệt nghiêm trọng có liên quan đến lĩnh vực tín dụng, ngân hàng. Điển hình như: Vụ Phạm Thị Bích Lương, nguyên Giám đốc Agribank CN Nam Hà Nội và đồng phạm, phạm tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” xảy ra tại Agribank Nam Hà Nội; Vụ Phạm Công Danh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Xây dựng và đồng phạm, phạm tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, xảy ra tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Xây dựng Việt Nam (VNCB); Vụ Hà Văn Thắm, Chủ tịch Ngân hàng Đại Dương và đồng phạm phạm tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” xảy ra tại Ngân hàng Đại Dương...

Hiện nay, Công an các đơn vị, địa phương đang tiếp tục khẩn trương điều tra, làm rõ một số vụ án có liên quan đến sai phạm trong lĩnh vực tín dụng, ngân hàng, như: Vụ “Vi phạm các quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” liên quan đến Hội đồng tín dụng Ngân hàng Đại Tín; Vụ Huỳnh Công Thiện và đồng phạm phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “Vi phạm các quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” xảy ra tại Ngân hàng BIDV chi nhánh Tây Sài Gòn…

Bộ Công an đang tiếp tục tập trung chỉ đạo cơ quan điều tra phối hợp với các cơ quan bảo vệ pháp luật, đặc biệt là phối hợp chặt chẽ với với cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, sớm đưa ra xét xử các đối tượng phạm tội trước pháp luật, đảm bảo công khai, minh bạch, đúng pháp luật. Tiếp tục triển khai quyết liệt các kế hoạch tấn công, trấn áp tội phạm với quyết tâm, tinh thần và trách nhiệm cao trước Đảng, Nhà nước và nhân dân. Đồng thời, mong muốn tiếp tục nhận được sự chia sẻ, động viên, giúp đỡ về mọi mặt của cả hệ thống chính trị, Quốc hội, cử tri, góp phần đảm bảo ổn định phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

32.Cử tri thành phố Hải Phòng kiến nghị: Tại điểm đ khoản 3 Điều 21 dự thảo Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ quy định việc nổ súng cảnh báo đối với các trường hợp “khi biết rõ trên phương tiện cố tình chạy trốn có đối tượng phạm tội hoặc vũ khí, vật liệu nổ trái phép, tài liệu phản động, bí mật nhà nước, ma túy, tài sản đặc biệt quý hiếm, bảo vật quốc gia, trừ trường hợp trên phương tiện có chở khách hoặc có con tin”. Cử tri đề nghị Luật cần quy định cụ thể việc xác định tính chất nghiêm trọng của vụ việc (số lượng ma túy, vật liệu nổ, vũ khí) và các trường hợp được phép nổ súng cụ thể.

Trả lời: (Tại Công văn số 341/BCA-V11 ngày 27 tháng 2 năm 2017)

Dự án Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ đã được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 2, dự kiến thông qua tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV. Bộ Công an xin ghi nhận ý kiến tham gia của cử tri và sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu đưa vào nội dung báo cáo Chính phủ, trình Quốc hội xem xét, quyết định.

33.Cử tri tỉnh Quảng Ninh kiến nghị: Chỉ đạo các Bộ, ngành, chính quyền các địa phương tiếp tục triển khai quyết liệt các chương trình, đề án về phòng, chống ma túy, triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm ngăn chặn hiệu quả ma túy thẩm lậu ngay từ tuyến biên giới Lào - Việt Nam - Trung Quốc.

Trả lời: (Tại Công văn số 336/BCA-V11 ngày 27 tháng 2 năm 2017)

Để tăng cường công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy, Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị số 21-CT/TW, ngày 26-3-2008 về “Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy trong tình hình mới”. Chính phủ đã ban hành “Chương trình mục tiêu đảm bảo trật tự, an toàn giao thông, phòng cháy, chữa cháy, phòng, chống tội phạm và ma túy giai đoạn 2016 - 2020”, chỉ đạo các bộ, ngành ở Trung ương và các địa phương triển khai thực hiện nhiều giải pháp, huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia đấu tranh phòng chống ma túy, nhằm kiềm chế, ngăn chặn, làm giảm tội phạm và tệ nạn ma túy.

Trong những năm qua, đối với tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc, Việt Nam - Lào, Bộ Công an luôn xác định đây là địa bàn trọng điểm phức tạp về tội phạm ma tuý. Thực tế công tác đấu tranh, đã phát hiện nhiều đường dây mua bán, vận chuyển ma tuý với số lượng lớn, cung cấp cho cả trong và ngoài nước được thẩm lậu qua các tuyến biên giới này. Lực lượng Công an đã chủ động tham mưu với cấp ủy, chính quyền các cấp nhiều chủ trương, giải pháp đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy; tổ chức các cao điểm cũng như ký kết nhiều kế hoạch, thỏa thuận hợp tác với các cơ quan chức năng của Trung Quốc, Lào về hợp tác đấu tranh phòng, chống tội phạm về ma túy và đã đạt được những kết quả tích cực. Năm 2016, đã phát hiện, khởi tố điều tra 15.366 vụ, 19.167 bị can phạm tội về ma túy (nhiều hơn 18,85% số vụ, 17,65% bị can so với năm 2015), thu giữ 602,642kg heroin, 816,596kg và 374.538 viên ma túy tổng hợp, 118,28 kg thuốc phiện; triệt phá nhiều đường dây mua bán, vận chuyển ma túy lớn.

Tuy nhiên, hoạt động của tội phạm ma tuý trên tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc, Việt Nam - Lào vẫn diễn biến phức tạp cả về tính chất và mức độ phạm tội, thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt, trắng trợn, manh động, sẵn sàng sử dụng “vũ khí nóng” chống trả khi bị phát hiện, truy bắt.

Thời gian tới, Bộ Công an tiếp tục chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương tập trung thực hiện một số giải pháp trọng tâm sau:

(1) Tham mưu với cấp ủy, chính quyền các cấp thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Nhà nước về công tác phòng, chống tội phạm ma túy và xây dựng, triển khai các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội ở khu vực biên giới, nhằm nâng cao đời sống kinh tế và nhận thức về pháp luật cho nhân dân, tiến tới đẩy lùi tệ nạn ma túy ra khỏi mỗi gia đình, bản, làng.

 (2) Tăng cường phối hợp tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống ma túy, tác hại của các loại ma túy, cách nhận biết về phương thức, thủ đoạn hoạt động của loại tội phạm này đến quần chúng nhân dân để phòng ngừa và quản lý con em trong gia đình không bị lôi kéo vào sử dụng và tham gia phạm tội; phát huy và nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến; thực hiện có hiệu quả Đề án xây dựng xã, phường, thị trấn không tệ nạn ma túy.

(3) Triển khai các cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm ma túy, tập trung ở các tuyến, địa bàn trọng điểm, nhất là tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc, Việt Nam - Lào; tăng cường phối hợp với cơ quan chức năng của các nước có chung đường biên giới và lực lượng chức năng (Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển, Hải quan...) phát hiện, triệt phá các tổ chức, đường dây mua bán, vận chuyển ma túy lớn, hoạt động liên tỉnh, xuyên quốc gia.

 (4) Phối hợp triển khai thực hiện có hiệu quả các giải pháp cai nghiện tại cộng đồng dân cư theo hướng động viên, khuyến khích cai nghiện tự nguyện tại gia đình; nâng cao chất lượng hoạt động của các trung tâm cai nghiện, bảo đảm có hiệu quả; thực hiện tốt chủ trương tái hòa nhập cộng đồng đối với người sau cai nghiện, tăng cường công tác giáo dục, dạy nghề, hướng nghiệp, tạo việc làm nhằm giúp họ nhanh chóng hòa nhập, tránh nguy cơ tái nghiện.

(5) Đẩy mạnh hợp tác quốc tế về phòng, chống tội phạm ma túy. Các địa phương có đường biên giới duy trì giao ban, gặp gỡ, thiết lập đường dây nóng với các đơn vị, địa phương của các nước láng giềng nhằm chủ động trao đổi thông tin, phối hợp điều tra, truy bắt, dẫn giải tội phạm và đối tượng truy nã; thu giữ, trao đổi vật chứng của vụ án; tổ chức các diễn đàn truyền thông chung về phòng, chống ma túy.

 (6) Tập trung nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện các quy định của pháp luật có liên quan phù hợp với tình hình thực tiễn, tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống tội phạm và tệ nạn ma túy trong tình hình mới.

34.Cử tri tỉnh Bình Định kiến nghị: Cử tri lo lắng về tình hình tội phạm có tổ chức, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, tội phạm là người chưa thành niên thời gian gần đây có chiều hướng gia tăng. Cử tri tiếp tục kiến nghị Bộ Công an, các ngành liên quan và các địa phương tăng cường công tác phòng, chống tội phạm, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, nhất là dịp cuối năm. Thực hiện các giải pháp bảo đảm an toàn giao thông, kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông.

Trả lời: (Tại Công văn số 352/BCA-V11 ngày 27 tháng 2 năm 2017)

1. Về tăng cường công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm

Những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, lực lượng Công an nhân dân đã tập trung tham mưu với cấp ủy, chính quyền các cấp chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong công tác phòng, chống tội phạm, liên tục triển khai các chương trình, kế hoạch, biện pháp phòng ngừa, đấu tranh, kiềm chế sự gia tăng các loại tội phạm (đặc biệt là tội phạm có tổ chức, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, tội phạm là người chưa thành niên) góp phần giữ vững an ninh, trật tự của đất nước. Bộ Công an đã thành lập Ban Chỉ đạo giải quyết tình hình tội phạm có tổ chức, mở các cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, tập trung vào các địa bàn trọng điểm, triệt phá các băng, nhóm tội phạm, các tụ điểm phức tạp về trật tự, an toàn xã hội. Năm 2016, lực lượng Công an đã điều tra, khám phá 42.799 vụ tội phạm và vi phạm pháp luật về trật tự xã hội, 73.796 đối tượng, 1.486 vụ tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, 314 vụ phạm tội có tổ chức; triệt phá 4.172 băng, ổ, nhóm.

Để tiếp tục nâng cao hiệu quả của công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm đảm bảo an ninh, trật tự, Bộ Công an tiếp tục chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương tập trung thực hiện các công tác trọng tâm sau:

- Tham mưu với cấp ủy, chính quyền các cấp chỉ đạo tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chủ trương, giải pháp của Đảng, Nhà nước về đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo đảm an ninh, trật tự, nhằm huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội.

- Phối hợp chặt chẽ với các ngành, đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức pháp luật trong nhân dân; phát động nhân dân tham gia xây dựng khu dân cư văn hóa, các mô hình tự quản; quản lý, giáo dục các trường hợp có nguy cơ cao phạm tội; chủ động phát hiện và giải quyết kịp thời các mâu thuẫn trong nhân dân, để phòng ngừa, ngăn chặn các loại tội phạm do nguyên nhân xã hội. Triển khai thực hiện các chương trình, nghị quyết, thông tư liên tịch nhằm nâng cao hiệu quả phòng ngừa tội phạm, giáo dục các đối tượng có nguy cơ cao về tội phạm, vi phạm pháp luật hoặc bị tội phạm xâm hại, nhất là trong thanh, thiếu niên, học sinh, sinh viên, trẻ em.

- Tăng cường công tác nắm tình hình, tập trung rà soát số đối tượng có dấu hiệu hoạt động phạm tội để chủ động phòng ngừa, ngăn chặn. Triển khai các cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, tập trung trấn áp các băng, nhóm tội phạm nguy hiểm, hoạt động đâm thuê, chém mướn, tội phạm sử dụng vũ khí gây án, giết người, cướp, cướp giật tài sản..., tập trung ở các thành phố lớn, các tuyến, địa bàn trọng điểm, không để tội phạm lộng hành.

- Đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tự, nhất là quản lý vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự. Nâng cao hiệu quả công tác lập hồ sơ đưa đối tượng vào cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng, trung tâm cai nghiện; thực hiện tốt chủ trương tái hòa nhập cộng đồng đối với người sau cai nghiện, tăng cường công tác giáo dục, dạy nghề, hướng nghiệp, tạo việc làm nhằm giúp họ nhanh chóng hòa nhập, tránh nguy cơ tái nghiện.

- Tổ chức thực hiện có hiệu quả các quy định về tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm; thiết lập và duy trì hoạt động của các đường dây “nóng” (điện thoại, email), hòm thư tố giác tội phạm để tiếp nhận, xử lý kịp thời mọi thông tin, tài liệu liên quan đến tội phạm, nhất là tội phạm hoạt động theo băng, nhóm.

- Phối hợp chặt chẽ với các ngành tư pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác điều tra, truy tố, xét xử, nhất là đối với tội phạm hoạt động theo băng, nhóm; tổ chức xét xử kịp thời các vụ án điểm nhằm răn đe tội phạm.

- Rà soát, xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, tạo hành lang pháp lý trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, trọng tâm là xây dựng dự án Luật Phòng, chống tội phạm có tổ chức; Luật Truy nã tội phạm...

- Tăng cường hợp tác quốc tế về đấu tranh phòng, chống tội phạm, nhất là trong tương trợ tư pháp hình sự, trao đổi thông tin, nhằm đấu tranh có hiệu quả với tội phạm có tổ chức, tội phạm có yếu tố nước ngoài.

 2. Về thực hiện các giải pháp đảm bảo an toàn giao thông, kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông

Thực hiện các giải pháp của Chính phủ về đảm bảo trật tự, an toàn giao thông, Bộ Công an đã chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương tập trung lực lượng, triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông. Tăng cường tuần tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, nhất là các hành vi trực tiếp gây tai nạn giao thông như: Chạy quá tốc độ; chở quá tải trọng; điều khiển không có bằng lái, chứng chỉ chuyên môn; vi phạm nồng độ cồn; tránh, vượt sai quy định; chở quá số người quy định, quá khổ, quá tải; xe không đảm bảo tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật, bảo vệ môi trường... Năm 2016, lực lượng Cảnh sát giao thông đã xử lý 4.229.693 trường hợp vi phạm trật tự, an toàn giao thông; phạt trên 3.060 tỷ đồng. Vì vậy, tình hình trật tự, an toàn giao thông đã có nhiều chuyển biến tích cực, tai nạn giao thông giảm cả ba tiêu chí so với năm 2015 (giảm 5,22% số vụ, 2,02% số người chết, 5,97% số người bị thương). Tuy nhiên, tình hình trật tự an toàn giao thông vẫn diễn biến phức tạp, vi phạm về trật tự an toàn giao thông còn phổ biến; tai nạn giao thông vẫn ở mức cao, hậu quả do tai nạn giao thông vẫn còn rất nghiêm trọng; ùn tắc giao thông vẫn thường trực, có nguy cơ ùn tắc nhiều hơn, lâu hơn, nhất là ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.

Thời gian tới, Bộ Công an tiếp tục chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương tập trung thực hiện các giải pháp trọng tâm sau đây:

- Tham mưu với cấp ủy, chính quyền các cấp thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Nhà nước về công tác đảm bảo trât tự, an toàn giao thông, như: Chỉ thị số 18-CT/TW, ngày 04-9-2012 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XI) về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông”; Chương trình mục tiêu đảm bảo trật tự, an toàn giao thông, phòng cháy, chữa cháy, phòng, chống tội phạm và ma túy giai đoạn 2016 - 2020... nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân trong công tác đảm bảo trât tự, an toàn giao thông.

- Tham mưu với cấp uỷ, chính quyền các cấp chỉ đạo các cơ quan chức năng đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân nhằm nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông, tạo sự đồng thuận trong toàn xã hội. Phối hợp với ngành Giao thông, vận tải tiếp tục tổ chức ký cam kết và kiểm tra việc thực hiện cam kết đảm bảo trật tự, an toàn giao thông của các tổ chức, cá nhân làm công tác vận tải.

- Tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát và xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm trật tự, an toàn giao thông, nhất là phương tiện chở khách, chở hàng quá trọng tải, quá khổ giới hạn trên tất cả các tuyến giao thông, ngay từ nơi xuất phát.

- Tăng cường công tác nắm tình hình, kịp thời phát hiện các biểu hiện “bảo kê”, môi giới, dẫn dắt, tiếp tay cho các hành vi vi phạm chở quá trọng tải, quá khổ giới hạn, cản trở, chống người thi hành công vụ; điều tra, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật; phối hợp với Viện kiểm sát, Toà án sớm đưa ra xét xử lưu động các vụ án điểm nhằm răn đe và giáo dục chung.  

- Kiến nghị với Chính phủ chỉ đạo các ngành chức năng rà soát, chấn chỉnh khắc phục những sơ hở, hạn chế trong đào tạo, sát hạch, cấp bằng và chứng chỉ cho người điều khiển phương tiện giao thông.

- Tổ chức khảo sát xác định các “điểm đen” về tai nạn giao thông, các điểm ùn tắc giao thông, các bất hợp lý về tổ chức giao thông để khắc phục. Chủ động phối hợp với các đơn vị chức năng phân luồng, phân tuyến, bố trí lực lượng hướng dẫn, điều khiển giao thông, làm tốt công tác phòng ngừa và giải quyết ùn tắc giao thông.

35.Cử tri tỉnh Bình Định kiến nghị: Cử tri phản ánh tình trạng cháy nổ thời gian qua có chiều hướng gia tăng, gây thiệt hại lớn đến tính mạng, tài sản của nhân dân và của nhà nước, đề nghị Bộ Công an phối hợp với các địa phương tăng cường các biện pháp chủ động phòng, chống cháy nổ, hạn chế tối đa các vụ việc cháy nổ, giảm đến mức thấp nhất các thiệt hại, nhất là gần Tết Nguyên Đán là thời điểm các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chợ, trung tâm thương mại tập trung khối lượng hàng hóa lớn để phục vụ thị trường Tết nên nguy cơ cháy nổ rất cao, kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Công an, Bộ Tư pháp và các Bộ, ngành liên quan trong quá trình xây dựng dự thảo Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ cần mở rộng phạm vi được sử dụng các loại vũ khí cho các lực lượng Hải quan, Quản lý thị trường, Kiểm lâm trong quá trình thực thi công vụ để đáp ứng yêu cầu và nâng cao hiệu quả của công tác phòng, chống buôn lậu, hạn chế tình trạng phá rừng có chiều hướng gia tăng như hiện nay.

Trả lời: (Tại Công văn số 355/BCA-V11 ngày 22 tháng 2 năm 2017)

1. Thời gian qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành và người dân, công tác phòng, chống cháy, nổ đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Tuy nhiên, tình hình cháy, nổ còn diễn biến phức tạp. Năm 2016, cả nước xảy ra 3.149 vụ cháy, làm chết 92 người, gây thiệt hại khoảng 1.283,522 tỷ đồng; 49 vụ nổ, làm chết 20 người, tài sản thiệt hại khoảng 3,699 tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu là do: (1) Việc chấp hành các quy định về an toàn phòng, chống cháy, nổ chưa nghiêm, nhiều chủ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh và hộ cá nhân chưa quan tâm đúng mức đến công tác phòng, chống cháy, nổ; (2) Công tác kiểm tra, tự kiểm tra và xử lý vi phạm, khắc phục tồn tại, thiếu sót trong phòng chống cháy, nổ chưa triệt để; (3) Việc phát hiện sớm và xử lý tình huống cháy khi mới phát sinh còn nhiều hạn chế; phương tiện, trang thiết bị và các điều kiện để chữa cháy còn thiếu, dẫn đến cháy lan, cháy lớn, gây thiệt hại đến tính mạng, tài sản của Nhà nước và nhân dân.

Thời gian tới, để hạn chế mức thấp nhất số vụ cháy, nổ, giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản do cháy, nổ gây ra, Bộ Công an đã và đang chỉ đạo các lực lượng chức năng thực hiện một số giải pháp trọng tâm, sau:

- Tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác phòng, chống cháy, nổ, như: Luật phòng cháy và chữa cháy; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng cháy và chữa cháy; Chỉ thị số 47-CT/TW ngày 25-6-2015 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng cháy, chữa cháy”; Nghị định số 25/2012/NĐ-CP ngày 5/4/2012 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.

- Đẩy nhanh tiến độ triển khai Đề án tổng thể quy hoạch hệ thống cơ sở phòng cháy, chữa cháy đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, các Dự án đầu tư trang bị phương tiện phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, Dự án xây dựng trung tâm ứng cứu khẩn cấp phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ quốc gia...

- Tuyên truyền, phổ biến kiến thức, giáo dục pháp luật về phòng, chống cháy, nổ; đẩy mạnh công tác điều tra cơ bản, nâng cao vai trò quản lý phòng, chống cháy, nổ của lực lượng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và Công an các cấp. Thực hiện có hiệu quả chương trình phối hợp phòng, chống cháy, nổ với các ngành kinh tế trọng điểm (Tập đoàn Xăng dầu, Điện lực, Dầu khí, Hàng không, Bưu chính...).

- Tăng cường kiểm tra các cơ sở có nguy cơ cao về cháy, nổ (nơi tập trung đông người, nhà cao tầng, cơ sở kinh doanh khí gas, vật liệu nổ công nghiệp, khu tập trung đông dân cư, chợ, trung tâm thương mại...) để có biện pháp phòng ngừa.

- Chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương phối hợp với các ngành chức năng tăng cường công tác quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; đồng thời, tuyên truyền, vận động nhân dân giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.

2. Dự án Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ đã được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 2 và dự kiến thông qua tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV. Tiếp thu ý kiến đóng góp của cử tri, Bộ Công an sẽ phối hợp với các bộ, ngành chức năng nghiên cứu đưa vào nội dung báo cáo Chính phủ, trình Quốc hội xem xét, quyết định.

36.Cử tri tỉnh Tuyên Quang kiến nghị: Đề nghị Bộ Công an quan tâm đầu tư trang thiết bị cho Công an các địa phương, đặc biệt là thiết bị về giám định, đảm bảo đủ điều kiện giám định về hàm lượng các chất ma túy, phục vụ cho công tác điều tra.

Trả lời: (Tại Công văn số 334/BCA-V11 ngày 27 tháng 2 năm 2017)

Để nâng cao hiệu quả hoạt động giám định chất ma túy, phục vụ kịp thời công tác điều tra, xử lý tội phạm về ma túy, Bộ Công an đã tập trung chỉ đạo đầu tư cơ sở, vật chất cho lực lượng làm công tác này của Công an các đơn vị, địa phương. Đến nay, Bộ Công an đã triển khai 31 đơn vị giám định hàm lượng ma túy, trong đó 03 đơn vị thuộc Viện Khoa học hình sự tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và 28 tỉnh, thành phố trọng điểm, phức tạp về ma túy. Qua đó, đã góp phần giải quyết kịp thời, chính xác các vụ án phạm tội về ma túy.

Mặt khác, để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về giám định hàm lượng các chất ma túy thu giữ trong các vụ án phạm tội về ma túy, Bộ Công an đã chủ trì, phối hợp với Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp xây dựng, ban hành Thông tư liên tịch số 08/2015/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP, ngày 14/11/2015 sửa đổi, bổ sung một số điểm của Thông tư liên tịch số 17/2007/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP, ngày 24/12/2007 hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Chương XVIII “Các tội phạm về ma túy” của Bộ luật hình sự năm 1999 và có hiệu lực thi hành từ ngày 30/12/2015, theo đó chỉ giám định hàm lượng để xác định trọng lượng chất ma túy trong các trường hợp: “Chất ma túy, tiền chất dùng vào việc sản xuất chất ma túy ở thể rắn được hòa thành dung dịch; chất ma túy, tiền chất dùng vào việc sản xuất chất ma túy ở thể lỏng được pha loãng; xái thuốc phiện; thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần”.

Thời gian tới, Bộ Công an tiếp tục nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện hệ thống pháp luật nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác giám định hàm lượng chất ma túy; tăng cường đầu tư trang thiết bị kỹ thuật chuyên dùng cho lực lượng Kỹ thuật hình sự Công an các đơn vị, địa phương nhằm đáp ứng tốt hơn yêu cầu công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm nói chung và tội phạm về ma túy nói riêng.

37.Cử tri tỉnh Tuyên Quang kiến nghị: Sửa đổi, bổ sung Khoản a, điểm 1, Điều 20 Nghị định số 59/2010/NĐ-CP ngày 02/6/2010 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều về chế độ, chính sách đối với sĩ quan, hạ sĩ quan Công an nhân dân và điểm 2, Điều 9, Thông tư liên tịch số 03/2010/TTLT-BCA-BLĐTBXH-BTC-BNV ngày 15/7/2010 của Bộ Công an - Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội – Bộ Tài chính – Bộ Nội vụ hướng dẫn về chế độ, chính sách đối với sĩ quan, hạ sĩ quan Công an nhân dân để những đối tượng là sĩ quan, hạ sỹ quan hưởng lương có thời gian trực tiếp chiến đấu, phục vụ chiến đấu hoặc công tác ở địa bàn, ngành nghề có tính chất đặc thù thì được quy đổi thời gian để tính hưởng chế độ trợ cấp một lần khi thôi phục vụ trong Công an nhân dân được hưởng chế độ chính sách theo các quy định tại Nghị định này. Cử tri phản ánh, theo thông tư số 03/2010/TTLT-BCA-BLĐTBXH-BTC-BNV quy định thì những đối tượng là sĩ quan, hạ sĩ quan hưởng lương có thời gian trực tiếp chiến đấu, phục vụ chiến đấu hoặc công tác ở địa bàn, ngành nghề có tính chất đặc thù mà về nghỉ hưu trước thời điểm này thì không được hưởng chế độ chính sách theo Nghị định.

Trả lời: (Tại Công văn số 343/BCA-V11 ngày 27 tháng 2 năm 2017)

Hiện nay, Nghị định số 59/2010/NĐ-CP ngày 02/6/2010 của Chính phủ sửa đổi bổ sung một số điều về chế độ, chính sách đối với sĩ quan, hạ sĩ quan Công an nhân dân nghỉ hưu, hy sinh, từ trần quy định tại Nghị định số 43/2007/NĐ-CP ngày 26/3/2007 của Chính phủ và Thông tư liên tịch số 03/2010/TTLT-BCA-BLĐTBXH-BTC-BNV ngày 15/7/2010 hướng dẫn thực hiện Nghị định số 59/2010/NĐ-CP đã hết hiệu lực thi hành và đã được thay thế bằng Nghị định số 103/2015/NĐ-CP  ngày 20/10/2015 của Chính phủ (có hiệu lực kể từ ngày 06/12/2015) quy định chi tiết và biện pháp thi hành một số điều của Luật Công an nhân dân năm 2014. Đồng thời, Bộ Công an đang xây dựng và sớm ban hành Thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định số 103/2015/NĐ-CP để thay thế Thông tư số 03/2010/ TTLT-BCA-BLĐTBXH-BTC-BNV. Do vậy, trước thời điểm Nghị định số 59/2010/NĐ-CP có hiệu lực (tức trước ngày 20/7/2010), chính sách nêu trên được áp dụng theo quy định tại Thông tư liên tịch số 01/2008/TTLT-BCA-BLĐTBXH-BTC-BNV ngày 15/01/2008 hướng dẫn thi hành Nghị định số 43/2007/NĐ-CP ngày 26/3/2007 của Chính phủ.

38.Cử tri thành phố Đà Nẵng kiến nghị: Cử tri bày tỏ bức xúc về một số thông tin không tốt gần đây về ngành công an như hành hung đồng nghiệp ở Quảng Ninh, đánh nhà báo ở Đông Anh (Hà Nội), túm tóc người bán hàng rong ở thành phố Hồ Chí Minh kéo đi... làm ảnh hưởng tới hình ảnh của người công an nhân dân, ảnh hưởng tới truyền thống tốt đẹp của ngành. Cử tri đề nghị Bộ Công an cần có sự kiểm tra, chấn chỉnh và xử lý nghiêm những hành vi trên.

Trả lời: (Tại Công văn số 331/BCA-V11 ngày 27 tháng 2 năm 2017)

Xây dựng lực lượng Công an nhân dân trong sạch, vững mạnh luôn được Đảng ủy Công an Trung ương và lãnh đạo Bộ Công an xác định là mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm của toàn lực lượng. Bộ Công an đã ban hành và chỉ đạo tổ chức triển khai có hiệu quả nhiều chủ trương, giải pháp về công tác quản lý, giáo dục cán bộ, chiến sỹ, như: Chỉ thị số 03/CT-BCA, ngày 18/4/2014 về “Tiếp tục siết chặt  kỷ luật, kỷ cương, điều lệnh; xây dựng nếp sống văn hóa vì nhân dân phục vụ”; Thông tư số 16/2016/TT-BCA, ngày 08/4/2016 quy định về việc xử lý kỷ luật cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân; Chỉ thị số 07/CT-BCA, ngày 26/10/2016 về “Tăng cường sự lãnh đạo nâng cao văn hóa ứng xử Công an nhân dân trong tình hình mới”. Qua đó, cán bộ, chiến sỹ Công an nhân dân, nhìn chung, chấp hành tốt quy chế, quy trình công tác; kỷ luật, kỷ cương, lối sống văn hóa, quan hệ giao tiếp, ứng xử, ý thức phục vụ nhân dân được nâng cao. Tuy nhiên, bên cạnh rất nhiều tấm gương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt, mưu trí, dũng cảm trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo vệ sự bình yên cho nhân dân, vẫn còn một số ít cán bộ, chiến sỹ, chủ yếu ở cấp cơ sở và chiến sỹ nghĩa vụ có hành vi ứng xử chưa đúng mực, vi phạm quy định, điều lệnh của ngành, một số trường hợp vi phạm pháp luật. Bộ Công an đã chỉ đạo các đơn vị, địa phương khẩn trương làm rõ, xử lý kịp thời nghiêm túc, đúng quy định của pháp luật và của ngành.

Đối với các vụ việc nêu trên, Bộ Công an đã chỉ đạo Công an 03 địa phương tiến hành kiểm tra, kiểm điểm, xử lý nghiêm cán bộ sai phạm theo đúng quy định với tinh thần không bao che, dung túng cán bộ, chiến sỹ vi phạm, cụ thể: Công an Hà Nội đã khiển trách 01 cán bộ, phê bình kiểm điểm 01 cán bộ; Công an thành phố Hồ Chí Minh đã cảnh cáo và bố trí công tác khác 01 cán bộ; Công an tỉnh Quảng Ninh đã cảnh cáo 01 cán bộ, khiển trách 01 cán bộ, bố trí công tác khác 02 cán bộ.

Để phát hiện ngăn ngừa sai phạm trong cán bộ, chiến sỹ, Bộ Công an đang tiếp tục chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng; đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 03/CT-BCA, ngày 18/4/2014 về “Tiếp tục siết chặt  kỷ luật, kỷ cương, điều lệnh; xây dựng nếp sống văn hóa vì nhân dân phục vụ”; Chỉ thị số 07/CT-BCA, ngày 26/10/2016 về “Tăng cường sự lãnh đạo nâng cao văn hóa ứng xử Công an nhân dân trong tình hình mới”. Rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện quy chế, quy trình làm việc, chế độ công tác, khắc phục những sơ hở, thiếu sót trong công tác quản lý cán bộ và công tác nghiệp vụ. Thường xuyên tổ chức thanh tra, kiểm tra việc chấp hành điều lệnh Công an nhân dân, quy chế, quy trình công tác, văn hóa ứng xử của cán bộ, chiến sĩ. Kịp thời biểu dương khen thưởng những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc; xử lý nghiêm cán bộ, chiến sĩ có sai phạm.

39.Cử tri tỉnh Yên Bái kiến nghị: Cử tri kiến nghị Bộ Công an cần tăng cường công tác đảm bảo an ninh, trật tự an toàn xã hội ở vùng nông thôn, địa bàn hẻo lánh. Vì thời gian qua đã xảy ra một số vụ thảm sát lớn gây hoang mang trong dư luận.

Trả lời: (Tại Công văn số 860/BCA-V11 ngày 27 tháng 2 năm 2017)

Trong thời gian qua, phạm pháp hình sự ở địa bàn nông thôn chiếm 53,25% tổng số vụ phạm pháp trong toàn quốc. Bộ Công an đã chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương triển khai nhiều biện pháp đấu tranh phòng, chống tội phạm ở địa bàn nông thôn. Tổ chức nhiều cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, như: cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm có tổ chức tại 18 địa bàn trọng điểm; cao điểm phòng, chống mua bán người, buôn bán, vận chuyển ma túy trên các tuyến biên giới…Hàng năm, lực lượng Công an điều tra khám phá đạt tỷ lệ 80,73% các vụ án xảy ra ở địa bàn nông thôn, bắt trên 40 nghìn đối tượng, chiếm khoảng 54% tổng số đối tượng bị bắt trong toàn quốc.

Tuy nhiên, tình hình tội phạm, tệ nạn xã hội ở địa bàn nông thôn vẫn diễn biến phức tạp. Nổi lên là tội phạm về ma túy, tội phạm trộm cắp tài sản, cố ý gây thương tích, mua bán người… đặc biệt là xảy ra một số vụ giết nhiều người, gây bức xúc dư luận xã hội. Nguyên nhân chủ yếu là do: (1) Ở vùng nông thôn, dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa trình độ dân trí chưa cao, hiểu biết pháp luật của người dân còn hạn chế, dễ bị các đối tượng lợi dụng. (2) Công tác giải quyết các vấn đề phức tạp liên quan đến đất đai, quản lý rừng… còn nhiều bất cập. (3) Chế tài xử phạt một số loại tội phạm còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe. (4) Một số cấp ủy, chính quyền cơ sở chưa có sự chỉ đạo quyết liệt trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm; sự phối hợp giữa các ban, ngành, đoàn thể chưa chặt chẽ, chưa huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn dân trong công tác đảm bảo an ninh, trật tự. (5) Công an xã ở một số địa phương chưa được quan tâm đúng mức, chất lượng, hiệu quả hoạt động chưa đáp ứng với yêu cầu thực tiễn; hiệu quả công tác nắm và giải quyết các mâu thuẫn phát sinh trong nội bộ nhân dân còn hạn chế.

Trước tình hình đó, Bộ Công an đã và đang chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương thực hiện các giải pháp trọng tâm sau:

(1) Tham mưu với cấp ủy, chính quyền các cấp thực hiện có hiệu quả các chủ trương của Đảng, Nhà nước, các Nghị quyết của Quốc hội về công tác đảm bảo an ninh, trật tự, như: Chỉ thị số 48-CT/TW, ngày 22-10-2010 của Bộ Chính trị (Khóa X) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới; Chiến lược quốc gia phòng, chống tội phạm giai đoạn 2016 - 2025, định hướng đến năm 2030; Nghị quyết số 111/2015/QH13 ngày 27/11/2013 của Quốc hội... gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (Khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 – 2020... nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân trong công tác bảo đảm an ninh, trật tự xã hội.

(2) Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, nâng cao nhận thức của người dân đối với chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật Nhà nước, tham gia tích cực công tác bảo đảm an ninh, trật tự ở địa phương. Đổi mới nội dung, hình thức để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ Tổ quốc phù hợp với địa bàn nông thôn; đồng thời, tích cực vận động, tranh thủ người có uy tín trong dân tộc thiểu số, phát huy vai trò của các tổ chức quần chúng bảo đảm, quán xuyến tình hình, tác động ngăn chặn và giải quyết các vụ việc phức tạp nảy sinh từ cơ sở và là nòng cốt trong phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.

 (3) Chủ động nắm tình hình, tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai các biện pháp giữ vững ổn định an ninh, trật tự tại các vùng nông thôn hẻo lánh, dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, không để kẻ xấu lợi dụng kích động chống phá, hoạt động phạm tội. Tăng cường các biện pháp quản lý, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, rà soát quy trình cấp đất cho các doanh nghiệp tại các địa bàn, từ đó có biện pháp giải quyết theo hướng bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người dân.

(4)  Triển khai các biện pháp nghiệp vụ, rà soát các tuyến, địa bàn phức tạp về an ninh, trật tự, nhất là các tuyến, địa bàn giáp ranh giữa nông thôn và thành thị, địa bàn biên giới, địa bàn giáp ranh giữa các tỉnh, địa bàn tập trung các khu, cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề… để chủ động nắm chắc tình hình, phát hiện, đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật và tội phạm, bảo đảm an ninh, trật tự cho hoạt động sản xuất nông nghiệp, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng nông thôn mới.

(5) Nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động điều tra, xử lý tội phạm, chấp hành nghiêm quy định của pháp luật trong công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố; công tác bắt, giam giữ, điều tra, xử lý tội phạm, không để xảy ra các trường hợp bức cung, nhục hình, oan sai hoặc bỏ lọt tội phạm trong hoạt động điều tra, gây bức xúc dư luận xã hội ở địa bàn nông thôn. Triệt xóa các băng, nhóm tội phạm, xử lý nghiêm đối tượng chủ mưu, cầm đầu, không để tội phạm lộng hành, tạo niềm tin trong nhân dân.

 (6) Tiếp tục rà soát, bổ sung sửa đổi, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, tạo hành lang pháp lý đầy đủ trong việc đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo đảm an ninh, trật tự đối với địa bàn nông thôn.

40.Cử tri tỉnh Tiền Giang kiến nghị: Bộ cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp như tăng cường truyền thông nâng cao nhận thức cũng như xây dựng hoàn thiện các quy định của pháp luật, tăng cường hợp tác quốc tế... về an ninh mạng nhằm đảm bảo an toàn, an ninh thông tin, nhất là đối với các khu vực công, góp phần bảo đảm an ninh, quốc phòng, an ninh đất nước. Bởi, việc mất an toàn thông tin sẽ dẫn tới thiết bị cũng như hệ thống thông tin có thể bị khống chế để thực hiện các cuộc tấn công mạng quy mô lớn nhằm vào mục tiêu quan trọng, hoặc đánh cắp thông tin bí mật, nhạy cảm, hoặc bị lợi dụng để phát tán thông tin độc hại, như vụ việc vừa qua tại các cảng hàng không. Qua đó, cử tri cũng kiến nghị Bộ, sớm phát hiện và xử lý nghiêm, triệt để các đối tượng thực hiện hành vi gây mất an toàn thông tin trên, đồng thời, kiểm điểm trách nhiệm của các cá nhân để xảy ra vụ việc vừa qua.

Trả lời: (Tại Công văn số 361//BCA-V11 ngày 27 tháng 2 năm 2017)

Thời gian qua, các thế lực thù địch, phản động sử dụng không gian mạng, nhất là hệ thống cổng thông tin, blog, mạng xã hội để tuyên truyền phá hoại tư tưởng, tán phát thông tin xuyên tạc, đả kích chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; kích động tụ tập đông người, phá rối an ninh trật tự… Trước tình hình trên, Bộ Công an đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành tham mưu Đảng, Nhà nước ban hành nhiều chủ trương, chính sách về đảm bảo an ninh, an toàn thông tin mạng; đồng thời, chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương triển khai đồng bộ các giải pháp đảm bảo an ninh thông tin, an ninh mạng, chủ động phát hiện, đấu tranh ngăn chặn có hiệu quả hoạt động sử dụng công nghệ thông tin xâm phạm an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội. Năm 2016, phát hiện 4.505 trang, cổng thông tin điện tử có tên miền quốc gia (.vn) bị tấn công, chiếm quyền điều khiển, thay đổi giao diện, đã khởi tố, điều tra 217 vụ, 493 đối tượng sử dụng công nghệ cao phạm tội (tăng 75% số vụ và 129,3% số bị can so với năm 2015).

Tình hình an toàn, an ninh thông tin mạng còn diễn biến phức tạp, nguyên nhân chủ yếu là do: (1) Thủ đoạn hoạt động của loại tội phạm mạng rất tinh vi; (2) Tốc độ phát triển công nghệ thông tin rất nhanh, trong khi đó, kinh tế - xã hội, trình độ khoa học - công nghệ và quản lý của ta còn hạn chế; (3) Hành lang pháp lý chưa hoàn thiện; (4) Sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong quản lý nhà nước về bảo đảm an toàn, an ninh thông tin mạng chưa chặt chẽ, hiệu quả chưa cao.

Thời gian tới, Bộ Công an đã và đang chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương tập trung thực hiện một số công tác trọng tâm, sau:

- Triển khai quyết liệt các giải pháp đấu tranh, ngăn chặn, vô hiệu hóa âm mưu, hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia trên không gian mạng; phản bác các luận điệu sai trái, định hướng dư luận, vạch mặt số đối tượng chống phá; điều tra, làm rõ hành vi phạm tội, lập hồ sơ đề nghị truy tố các đối tượng theo quy định của pháp luật.

- Phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường thanh tra, kiểm tra liên ngành, kiểm soát chặt chẽ việc cấp, bán tên miền quốc gia (.vn), việc cấp giấy xác nhận đối với các trang mạng xã hội, các trang web có tên miền trong nước, xử lý kiên quyết đối với chủ sở hữu các trang mạng có sai phạm.

- Phối hợp với các bộ, ngành tuyên truyền nâng cao ý thức cảnh giác của quần chúng nhân dân trước những luận điệu tuyên truyền, xuyên tạc của các thế lực thù địch.

- Tiếp tục rà soát, bổ sung sửa đổi, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, tạo hành lang pháp lý đầy đủ và toàn diện trong công tác bảo đảm an toàn, an ninh thông tin mạng.

41.Cử tri tỉnh Tiền Giang kiến nghị: Kiến nghị Bộ cần có các giải pháp hữu hiệu hơn để hỗ trợ và kiểm soát chặt chẽ hoạt động tái hòa nhập cộng đồng của những người đã chấp hành xong hình phạt tù nhưng chưa được xóa án tích, nhằm đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn xã hội cho các địa phương, nhất là tại các thành phố lớn, đồng thời cần có các biện pháp giáo dục  tâm lý thích hợp để họ hướng thiện và chủ động không vi phạm pháp luật sau khi kết thúc thời gian chấp hành hình phạt tù và trở về với cộng đồng. Bởi thực tế cho thấy, các đối tượng này sa khi được tái hòa nhập cộng đồng phần đông lại tái phạm gây mất an ninh trật tự, an toàn xã hội, nhất là các loại tội phạm về ma túy.

Trả lời: (Tại Công văn số 326/BCA-V11 ngày 27 tháng 2 năm 2017)

Thực hiện Nghị định số 80/2011/NĐ-CP, ngày 16/9/2011 của Chính phủ quy định các biện pháp bảo đảm tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù, Bộ Công an đã ban hành Thông tư số 71/2012/TT-BCA, ngày 27/11/2012 quy định về phân công trách nhiệm và quan hệ phối hợp giữa các đơn vị Công an nhân dân trong việc thực hiện công tác tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù; chỉ đạo các trại giam tiếp tục đổi mới nội dung, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý, giáo dục cải tạo phạm nhân; thành lập Trung tâm dạy nghề, hướng nghiệp cho phạm nhân; lập Quỹ tái hòa nhập cộng đồng trích từ kết quả lao động của phạm nhân, nhằm giúp họ có điều kiện thuận lợi tái hòa nhập cộng đồng. Công an các đơn vị, địa phương tham mưu với cấp ủy, chính quyền các cấp chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Nghị định số 80/2011/NĐ-CP, ngày 16/9/2011 của Chính phủ; tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cộng đồng và tổ chức tiếp nhận, quản lý giáo dục người chấp hành xong án phạt tù ngay từ khi họ trở về địa phương.

Theo thống kê của Bộ Công an, từ năm 2002 - 2015, tổng số người chấp hành xong án phạt tù về địa phương cư trú là 275.274, trong đó 226.434 người có việc làm, chiếm 82,26%; 48.840 người chưa có việc làm, chiếm 17,74%; 79.906 người tái phạm, chiếm 29,03%, trong số này người tái phạm tội chiếm 18,86%;  3.249 người đặc xá tái phạm, chiếm 1,18%.

Nguyên nhân chủ yếu là do: (1) Số lượng người bị kết án phạt tù và chấp hành xong án phạt tù trong những năm qua tăng nhanh, gây áp lực rất lớn cho công tác quản lý giam giữ cũng như tái hòa nhập cộng đồng. (2) Đa số người chấp hành xong án phạt tù hiểu biết về pháp luật còn hạn chế, không có việc làm, thu nhập không ổn định, bị đối tượng xấu lôi kéo, dẫn đến tái phạm tội. (3) Một số cấp ủy, chính quyền địa phương chưa thực sự quan tâm chỉ đạo công tác tái hòa nhập cộng đồng; chưa huy động được các ngành, các cấp, các tổ chức xã hội và cộng đồng dân cư tham gia quản lý, giám sát, giáo dục, trợ giúp người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương.

Để công tác quản lý, giáo dục, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng đạt hiệu quả, đòi hỏi phải có sự tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Bộ Công an tiếp tục chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương thực hiện một số công tác trọng tâm sau:

(1) Tham mưu với cấp ủy, chính quyền chỉ đạo các ban, ngành, tổ chức xã hội, đoàn thể làm tốt công tác tiếp nhận, phối hợp theo dõi, quản lý, giáo dục, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia quản lý, giáo dục, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù; tích cực tham gia phong trào toàn dân bảo vệ An ninh Tổ quốc, kịp thời phát hiện, tố giác tội phạm, giúp lực lượng Công an triệt xóa các băng, nhóm tội phạm, các tụ điểm về tệ nạn xã hội, góp phần tạo môi trường an toàn, lành mạnh và tạo điều kiện cho người chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng.

 (2) Phối hợp chặt chẽ với ngành Lao động - Thương binh và Xã hội triển khai thực hiện Dự án “Tăng cường năng lực giáo dục dạy nghề cho phạm nhân các trại giam”; phối hợp với Trung ương Hội Luật gia Việt Nam tổ chức phổ biến, giáo dục, tư vấn pháp luật, hỗ trợ cho phạm nhân chuẩn bị chấp hành xong án phạt tù, người chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng; phối hợp với Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam trong việc giáo dục phạm nhân trong độ tuổi thanh niên và giúp đỡ họ tái hòa nhập cộng đồng.

(3) Xây dựng và nhân rộng các mô hình hiệu quả trong quản lý, giáo dục, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng. Vận động, khuyến khích các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân nhất là các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, thu hút người chấp hành xong án phạt tù tham gia lao động để có điều kiện tự rèn luyện, phấn đấu trở thành công dân tốt.

 (4) Thường xuyên rà soát, phân loại, cập nhật, trao đổi thông tin và hướng dẫn người chấp hành xong án phạt tù đăng ký hộ khẩu, cấp thẻ căn cước công dân, cấp phiếu lý lịch tư pháp, chủ động quản lý, giám sát, giúp đỡ, không để họ tái phạm tội. Xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các trường hợp tái phạm tội sau khi được mãn hạn tù hoặc được đặc xá.

42.Cử tri tỉnh Hậu Giang, Nghệ An kiến nghị: “Kiến nghị về việc khi xem xét đưa vào dự thảo Luật Công an xã chế định: Phó Trưởng Công an xã và lực lượng chính quy của công an xã có từ 05-07 cán bộ, chiến sĩ, nâng mức phụ cấp cho Phó trưởng Công an xã, công an viên, đưa chức danh Phó trưởng Công an xã vào biên chế. Cán bộ, chiến sĩ Công an được xếp và hưởng ngạch bậc như công chức cấp xã và được hưởng các chế độ khác theo quy định của pháp luật, nâng cao chất lượng trang phục, công cụ hỗ trợ cho lực lượng công an xã trong quá trình công tác nhằm đáp ứng yêu cầu đảm bảo an ninh trật tự ở cơ sở trong tình hình mới”.

Trả lời: (Tại Công văn số 348/BCA-V11 ngày 27 tháng 2 năm 2017)

Hiện nay, dự thảo Luật Công an xã đang được cơ quan chủ trì soạn thảo, phối hợp với các bộ, ngành nghiên cứu theo hướng bố trí biên chế Công an xã chuyên trách cân đối trong tổng biên chế của lực lượng Công an nhân dân. Theo đó, dự thảo Luật quy định việc điều động sĩ quan Công an nhân dân đảm nhiệm chức danh Trưởng Công an xã và Phó trưởng Công an xã. Đối với các xã trọng điểm, phức tạp về an ninh, trật tự sẽ điều động sĩ quan, hạ sĩ quan Công an nhân dân đảm nhiệm chức danh Công an viên. Đối với người hoạt động không chuyên trách (hiện nay gọi là Công an xã), dự thảo Luật sẽ bổ sung các quy định về chế độ, chính sách, bảo đảm các điều kiện hoạt động nhằm khuyến khích, động viên và phát huy hiệu quả hoạt động của lực lượng này.

43.Cử tri tỉnh Hậu Giang kiến nghị: Kiến nghi Bộ Công an sửa đổi quy định Cảnh sát giao thông cấp huyện được tuần tra, kiểm soát giao thông trên các tuyến quốc lộ nhằm giảm bớt quá tải cho Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt Công an tỉnh, thành phố.

Trả lời: (Tại Công văn số 287/BCA-V11 ngày 22 tháng 2 năm 2017)

Ngày 30/10/2012, Bộ Công an ban hành Thông tư 65/2012/TT-BCA quy định nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung tuần tra, kiểm soát của Cảnh sát giao thông đường bộ; theo đó, tại khoản 2 Điều 6 quy định phân công trách nhiệm và quan hệ phối hợp trong công tác tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ đối với Công an cấp huyện: Trên đoạn quốc lộ đi qua thành phố, thị xã thuộc tỉnh, thị trấn thuộc huyện, nếu phát hiện các hành vi vi phạm về giao thông tĩnh và các hành vi vi phạm như: chạy xe lạng lách đánh võng; tụ tập gây rối trật tự công cộng; đua xe trái phép; đi ngược chiều đường, không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông; điều khiển xe mô tô, xe gắn máy chở quá số người quy định; điều khiển, ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy tham gia giao thông không đội mũ bảo hiểm thì được xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, qua tổng kết 3 năm thực hiện Thông tư 65/2012/TT-BCA cho thấy phải phân cấp cho lực lượng của Phòng Cảnh sát giao thông chủ trì tổ chức hoạt động tuần tra, kiểm soát trên các tuyến quốc lộ, không phân cấp cho nhiều lực lượng vì sẽ gây sự chồng chéo, chia cắt về địa bàn các tuyến quốc lộ; hơn nữa, việc nhiều tổ Cảnh sát giao thông đồng thời hoạt động trên một tuyến quốc lộ sẽ gây bức xúc và phản cảm cho người tham gia giao thông.

Trên cơ sở đó, Bộ Công an ban hành Thông tư số 01/2016/TT- BCA (thay thế Thông tư 65/2012/TT-BCA) ngày 04/01/2016 quy định nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ của Cảnh sát giao thông, quy định:

- Tại đoạn 2 điểm b khoản 2 Điều 17 quy định: Căn cứ tình hình thực tế, công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trên đoạn quốc lộ đi qua địa giới hành chính quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thị trấn thuộc huyện, Phòng Cảnh sát giao thông tham mưu Giám đốc Công an cấp tỉnh có kế hoạch bố trí lực lượng của Phòng Cảnh sát giao thông chủ trì, phối hợp với Cảnh sát giao thông Công an cấp huyện tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông theo quy định của pháp luật.

- Tại khoản 3 Điều 17 quy định: Công an cấp huyện phối hợp với Phòng Cảnh sát giao thông tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trên đoạn quốc lộ đi qua địa giới hành chính quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thị trấn thuộc huyện theo kế hoạch của Giám đốc Công an cấp tỉnh.

Do vậy, theo quy định của Thông tư số 01/2016/TT-BCA, nếu Phòng Cảnh sát giao thông không đủ lực lượng thực hiện việc tuần tra, kiểm soát bảo đảm trật tự, an toàn giao thông thì phải báo cáo Giám đốc Công an cấp tỉnh để có kế hoạch phối hợp với Cảnh sát giao thông Công an cấp huyện tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trên đoạn quốc lộ đi qua địa giới hành chính quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thị trấn thuộc huyện.

44.Cử tri tỉnh Tây Ninh kiến nghị: Góp ý xây dựng Luật Công an xã:

 Về bố cục, để tương thích với bố cục của Luật Công an nhân dân và bố cục của các Luật khác quy định về tổ chức của các lực lượng trong tổ chức bộ máy Nhà nước, đề nghị Ban soạn thảo xem xét bố cục lại dự án Luật như sau:

Chương I: QUY ĐỊNH CHUNG

Chương II: NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN, HOẠT ĐỘNG CỦA CÔNG AN XÃ

Chương III: XÂY DỰNG, TUYỂN CHỌN, ĐÀO TẠO, TỔ CHỨC CÔNG AN XÃ

Chương IV: BẢO ĐẢM ĐIỀU KIỆN HOẠT ĐỘNG, CHẾ ĐỘ CHÍNH SÁCH  ĐỐI VỚI CÔNG AN XÃ

Chương V: ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Việc đề xuất bố cuc lại như trên là để đảm bảo tính logich, tính hệ thống, các quy định sẽ rõ ràng, dễ hiểu hơn, bởi lẻ:

Thứ nhất, nếu để bố cục như Dự thảo Luật, sẽ không thống nhất đối với từng vấn đề. Ví dụ: Đối với vấn đề xây dựng, tuyển chọn, đào tạo, tổ chức Công an xã quy định tại nhiều chương như:

+ Chương I: QUY ĐỊNH CHUNG: Điều 5 về xây dựng lực lượng Công an xã, Điều 6 quy định về tuyển chọn công dân vào Công an xã.

+ Chương II: NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN, HOẠT ĐỘNG CỦA CÔNG AN XÃ VÀ BỐ TRÍ LỰC LƯỢNG CÔNG AN XÃ: Điều 23 về bố trí các chức danh Công an xã, Điều 24 về bổ nhiệm, điều động, công nhận chức danh Công an xã, Điều 25 về Miễn nhiệm, cách chức  chức danh Công an xã.

+ Chương III: ĐẢM BẢO ĐIỀU KIỆN HOẠT ĐỘNG ĐỐI VỚI CÔNG AN XÃ: Mục 1: ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG, HUẤN LUYỆN CÔNG AN XÃ có Điều 26 về Đào tạo Trưởng Công an xã, Phó Trưởng Công an xã, đối tượng dự nguồn chức danh Trưởng Công an xã, Điều 27 về Bồi dưỡng, huấn luyện Công an xã.

+ Chương IV lại quy định riêng về QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ CÔNG AN XÃ.

Thứ hai, hiện tại các điều kiện về cơ sở vật chất và chế độ chính sách cho công an xã là những vấn đề quan trọng đảm bảo và quyết định hoạt động của Công an xã, nhưng chưa được quy định thống nhất trong tất cả các văn bản Luật và dưới luật. Do đó đề nghị cần có 01 chương riêng là Chương IV: ĐẢM BẢO ĐIỀU KIỆN HOẠT ĐỘNG, CHẾ ĐỘ CHÍNH SÁCH ĐỐI VỚI CÔNG AN XÃ.

2. Đề nghị đưa Điều 9 quy định Ngày truyền thống của Công an xã lên Điều 3 và bổ sung từ “lực lượng” trước cụm từ Công an xã tại điều này. Bởi vì:

- Việc đưa quy định Ngày truyền thống của lực lượng Công an xã để nâng cao ý nghĩa, truyền thống và niềm tự hào của lực lượng Công an xã.

- Bổ sung từ “lực lượng” trước cụm từ “Công an xã” để thể hiện tính có tổ chức, bán vũ trang của lực lượng cấu thành lực lượng Công an nhân dân.

3. Nhiệm vụ, quyền hạn của Công an xã, đề nghị bỏ các chức năng quy định tại:

- Điểm b Khoản 1, Điều 11 quy định Công an xã phải nắm vững “Tình hình về tham nhũng, tiêu cực, lãng phí” là không khả thi. Vì hiện tại công tác phòng, chống tham nhũng và đấu tranh với các loại tội phạm về chức vụ, kinh tế đã có các lực lượng chuyên trách của Công an chính quy thực hiện, nhưng hiệu quả thực hiện chưa thật sự đáp ứng yêu cầu phòng ngừa, đấu tranh phòng, chống tội phạm  này nên không quy định thêm nhiệm vụ này cho Công an xã.

- Khoản 2 Điều 15 quy định lực lượng Công an xã thực hiện các quy định của pháp luật “về bảo vệ môi trường” là không khả thi. Vì lĩnh vực môi trường là lĩnh vực phức tạp, để thực hiện đầy đủ các quy định pháp luật về môi trường trong đó có xử lý vi phạm hành chính về môi trường đòi hỏi phải có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và hiểu biết sâu về lĩnh vực môi trường trong khi trình độ chung của lực lượng Công an xã không đáp ứng được.

4. Về xây dựng lực lượng Công an xã, đề nghị giao cho Chính phủ quy định thống nhất đối với vấn đề sau:

- Khung số lượng Phó Công an xã và Công an viên (Khoản 2 Điều 23).

- Trình tự, thủ tục xem xét, quyết định việc miễn nhiệm, cách chức đối với Phó Trưởng Công an xã và miễn nhiệm, công nhận đối với Công an viên. Bổ sung quy định công nhận Công an viên thay cho việc quy định cụ thể trong luật giao cho UBND xã công nhận. Vì quy định như hiện nay về việc xây dựng lực lượng Công an xã giao cho Chính phủ và UBND cấp tỉnh quy định 02 vấn đề này sẽ dẫn đến không thống nhất trong toàn quốc.

5. Quy định về Bồi dưỡng, huấn luyện Công an xã:

- Công an viên là lực lượng quyết định chất lượng hoạt động và thực hiện các chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Công an xã. Luật chỉ quy định về việc đào tạo Đào tạo Trưởng Công an xã, Phó Trưởng Công an xã, đối tượng dự nguồn chức danh Trưởng Công an xã (Điều 26), Bồi dưỡng, huấn luyện Công an xã (Điều 27) nhưng Luật không có quy định về đào tạo Công an viên là không có khung pháp lý để điều chỉnh, do đó đề nghị trong Luật nên có quy định rõ ràng việc tổ chức đào tạo Công an viên, kinh phí đào tạo Công an viên nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của lực lượng này và từng bước đưa lực lượng này vào nền nếp trong tương lai. Bởi vì, hiện tại mỗi Công an cấp tỉnh đều có Trung tâm huấn luyện và bồi dưỡng nghiệp vụ đảm bảo điều kiện về con người, cơ sở vật chất để đào tạo lực lượng Công an xã.

6. Về Chế độ, chính sách đối với Công an xã, đề nghị ngang bằng như Chế độ, chính sách đối với dân quân tự vệ được quy định trong Luật Dân quân tự vệ.

Trả lời: (Tại Công văn số 291/BCA-V11 ngày 22 tháng 2 năm 2017)

Bộ Công an xin ghi nhận ý kiến đóng góp của cử tri và phối hợp với các bộ, ngành chức năng nghiên cứu, tiếp thu, đề xuất Quốc hội xem xét, quyết định.

45.Cử tri tỉnh Tây Ninh kiến nghị: Góp ý xây dựng Luật Cảnh vệ:

1. Tại Khoản 1, Điều 15 về Quyền và trách nhiệm của người là đối tượng cảnh vệ có quy định “Có quyền yêu cầu lực lượng Cảnh vệ bố trí bảo vệ tiếp cận là người cùng giới tính”.

Đề nghị quy định cụ thể trong Luật theo hướng “phải bố trí bảo vệ tiếp cận là người cùng giới tính” để đảm bảo có thể tiếp cận trực tiếp thực hiện nhiệm vụ bảo vệ đối tượng cảnh vệ trong mọi tình huống, nhất là những tình huống nhạy cảm liên quan đến vấn đề giới tính và phòng ngừa việc bị lợi dụng vấn đề giới tính để xuyên tạc, tuyên truyền gây ảnh hưởng đến uy tín, hình ảnh của đối tượng cảnh vệ.

2. Khoản 1 Điều 17 quy định Tổ chức Cảnh vệ thuộc Bộ Công an có quy định cụ thể các lực lượng Cảnh vệ thuộc Bộ Công an nhưng tại khoản 1 Điều 18 quy định Tổ chức Cảnh vệ thuộc Bộ Quốc phòng lại không quy định cụ thể các lực lượng Cảnh vệ thuộc Bộ Quốc phòng.

Quy định như vậy về mặt kỹ thuật xây dựng văn bản không đảm bảo sự tương quan giữa lực lượng Cảnh vệ của Bộ Công an và Bộ Quốc phòng.

Đề nghị nếu giữ nguyên Khoản 1 Điều 17 thì  phải quy định cụ thể thêm cụ thể các lực lượng Cảnh vệ thuộc Bộ Quốc Phòng. Nếu không quy định cụ thể thêm  các lực lượng Cảnh vệ thuộc Bộ Quốc Phòng thì bỏ quy định cụ thể lực lượng Cảnh vệ thuộc Bộ Công an và giao cho Chính phủ hoặc Bộ trưởng Bộ Công an quy định cụ thể về lực lượng Cảnh vệ đối với từng bộ.

3. Đối với Điều 34 quy định Xử lý vi phạm trong hoạt động cảnh vệ:

- Tại Khoản 1 quy định: “Nếu gây thiệt hại cho sức khỏe, tính mạng của người khác, tài sản hoặc lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật”.

Quy định như trên là chưa rõ ràng về trường hợp gây thiệt hại, gây tâm lý dè dặt cho cán bộ, tổ chức làm công tác cảnh vệ. Đề nghị quy định theo hướng bổ sung làm rõ nghĩa cụm từ “Tổ chức, cá nhân khi thực hiện các quyền, nghĩa vụ liên quan đến công tác cảnh vệ sai quy định về nhiệm vụ, chức năng, quyền hạn theo của pháp luật đối với công tác cảnh vệ” trước quy định hiện hành tại Khoản 1 “nếu gây thiệt hại cho sức khỏe, tính mạng của người khác, tài sản hoặc lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật”.

- Tại Khoản 2: “Không áp dụng hình thức kỷ luật tước danh hiệu Công an nhân dân đối với sĩ quan công an, buộc thôi việc công nhân công an là nữ khi mang thai, nghỉ thai sản, nuôi con dưới 12 tháng tuổi” là chưa bao quát hết đối tượng thực hiện nhiệm vụ cảnh vệ thuộc Bộ Quốc phòng.

Đề nghị điều chỉnh lại quy định theo hướng “Không áp dụng hình thức kỷ luật tước danh hiệu Công an nhân dân đối với sĩ quan công an và hình thức kỷ luật tước danh hiệu quân nhân, buộc thôi việc công nhân công an và công nhân viên quốc phòng là nữ khi mang thai, nghỉ thai sản, nuôi con dưới 12 tháng tuổi”.

Trả lời: (Tại Công văn số 290/BCA-V11 ngày 22 tháng 2 năm 2017)

Bộ Công an xin ghi nhận ý kiến đóng góp của cử tri và tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành chức năng nghiên cứu, tiếp thu, báo cáo, đề xuất Quốc hội xem xét, quyết định.

46.Cử tri tỉnh Tây Ninh kiến nghị: Góp ý xây dựng Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ

1. Tại Điều 15  quy định Nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, kinh doanh, sửa chữa, xuất khẩu, nhập khẩu vũ khí.

Đề nghị thực hiện theo phương án 1 theo hướng các tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an được chế tạo, sản xuất vũ khí. Quy định này nhằm cụ thể hóa Điều 68 Hiến pháp năm 2013 và Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII.

2. Tại Điều 21 quy định về nổ súng.

Đề nghị chỉ quy định các nguyên tắc về trường hợp nổ súng, do: Trong thực tế khi nổ súng người nổ súng không thể nhớ hết các trường hợp nổ súng để quyết định có được nổ súng hay không và thời gian để quyết định việc nổ súng rất ngắn, nếu đắn đo có thể gây thiệt hại rất lớn về tính mạng, tài sản.

Trả lời: (Tại Công văn số 342/BCA-V11 ngày 27 tháng 2 năm 2017)

Dự án Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ đã được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 2, dự kiến thông qua tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV. Bộ Công an xin ghi nhận ý kiến tham gia của cử tri và sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu đưa vào nội dung báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định.

47.Cử tri tỉnh Quảng Ninh kiến nghị: Đề nghị sớm bàn và thống nhất ký kết Hiệp định dẫn độ tội phạm với Trung Quốc để nâng cao hiệu quả quá trình hợp tác quốc tế trong phòng chống tội phạm, giữ gìn an ninh, trật tự khu vực biên giới.

Trả lời: (Tại Công văn số 289/BCA-V11 ngày 22 tháng 2 năm 2017)

Nhân chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới Trung Quốc (từ ngày 07-10/4/2015), được sự ủy quyền của hai nhà nước, Bộ Công an Việt Nam và Bộ Ngoại giao nước Cộng hòa nhân dân Trung hoa đã ký Hiệp định về dẫn độ tội phạm giữa nước Cộng hòa XHCN Việt Nam và nước Cộng hòa nhân dân Trung hoa tại Bắc Kinh, Trung Quốc vào ngày 07/4/2015. Tuy nhiên, do Hiệp định được ký sau thời điểm Hiến pháp năm 2013 có hiệu lực, trong đó, thẩm quyền phê chuẩn điều ước quốc tế nhân danh Nhà nước theo Hiến pháp năm 2013 có quy định khác với Luật điều ước quốc tế năm 2005, dẫn đến thủ tục phê chuẩn Hiệp định bị kéo dài.

Ngày 01/7/2016, Luật điều ước quốc tế năm 2016 (được Quốc hội khóa XIII thông qua tại Kỳ họp thứ 11) có hiệu lực, đã có quy định cụ thể về thẩm quyền phê chuẩn điều ước quốc tế nhân danh Nhà nước, phù hợp với Hiến pháp năm 2013. Trên cơ sở đó, Bộ Công an đang hoàn thiện các thủ tục cần thiết để báo cáo Chính phủ trình Chủ tịch nước phê chuẩn Hiệp định.

48.Cử tri tỉnh Đăk Nông kiến nghị: Cử tri phản ánh về xử phạt vi phạm giao thông mà bắt buộc người vi phạm giao thông ở đâu thì phải về nơi vi phạm nộp tiền phạt là chưa phù hợp với thực tế, làm lãng phí thời gian, tiền bạc của người dân. Do đó, đề nghị nghiên cứu sửa đổi quy định này cho phù hợp hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho công dân.

Trả lời: (Tại Công văn số 288/BCA-V11 ngày 22 tháng 2 năm 2017)

- Tại khoản 2 Điều 10 Nghị định số 81/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định áp dụng hình thức phạt tiền mà cá nhân bị xử phạt không cư trú, tổ chức bị xử phạt không đóng trụ sở tại nơi xảy ra hành vi vi phạm thì có thể đề nghị nộp tiền phạt qua hình thức chuyển khoản vào tài khoản của Kho bạc Nhà nước và yêu cầu người có thẩm quyền xử phạt gửi quyết định xử phạt và chuyển trả giấy tờ tạm giữ qua bưu điện bằng hình thức bảo đảm.

   - Ngày 04/02/2016, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 10/NQ-CP về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 01 năm 2016. Theo đó, tại Điều 3 quy định về việc thu, nộp tiền phạt vi phạm hành chính về an toàn giao thông đường bộ của Tổng công ty Bưu điện Việt Nam: “Chính phủ thống nhất cho phép thực hiện dịch vụ thu, nộp hộ tiền phạt vi phạm hành chính và chuyển phát giấy tờ tạm giữ cho người bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ trên phạm vi toàn quốc qua hệ thống bưu điện; các Bộ: Thông tin và Truyền thông, Công an, Tài chính, Giao thông vận tải, Tư pháp, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và cơ quan liên quan hỗ trợ, hướng dẫn Tổng công ty Bưu điện Việt Nam tổ chức thực hiện; giao Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 81/2013/NĐ-CP cho phù hợp”.

Thực hiện Nghị quyết của Chính phủ, Bộ Công an phối hợp Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo Cục Cảnh sát giao thông và Tổng công ty Bưu điện Việt Nam ký kết Thỏa thuận hợp tác số 69/TTHT-C67-BĐVN, ngày 15/6/2016, về thu, nộp hộ tiền xử phạt và chuyển trả giấy tờ tạm giữ trong lĩnh vực giao thông đường bộ tới tay công dân theo yêu cầu. Thỏa thuận hợp tác đã được triển khai thực hiện trên cả nước từ ngày 01/7/2016 và mang lại hiệu quả tích cực. Trong đó quy định cụ thể:

Việc cung cấp dịch vụ được thực hiện trên cơ sở đăng ký tự nguyện của cá nhân hoặc đại diện cá nhân, tổ chức vi phạm (gọi tắt là người vi phạm). Người vi phạm có nhu cầu nộp tiền xử phạt và chuyển phát giấy tờ tạm giữ qua Bưu điện có thể đăng ký sử dụng dịch vụ trực tiếp với cơ quan Công an hoặc đăng ký với Bưu điện. Việc đăng ký với cơ quan Công an được thực hiện thông qua hình thức ghi và ký vào mặt sau tờ Biên bản vi phạm (bản cơ quan Công an lưu). Việc đăng ký với Bưu điện được thực hiện thông qua điện thoại hoặc đến Bưu cục cung cấp thông tin, nộp tiền và ký nhận trên tờ giấy chứng nhận nộp tiền do Bưu điện cung cấp.

Người vi phạm sau khi đăng ký dịch vụ có thể đến bất kỳ Bưu cục nào trên cả nước để làm thủ tục nộp tiền phạt. Bưu điện có trách nhiệm bảo quản tiền đã thu được của người nộp phạt và nộp vào Kho bạc Nhà nước/Ngân hàng theo quy định. Sau khi hoàn thành thủ tục nộp phạt, người vi phạm được cung cấp 01 liên giấy chứng nhận nộp tiền phạt. Căn cứ địa chỉ trong danh sách in ra từ hệ thống thu hộ, Bưu điện thực hiện chuyển phát giấy tờ tạm giữ kèm theo quyết định xử phạt cho người vi phạm. Trường hợp làm thất lạc, hỏng, mất mát giấy tờ tạm giữ do bất kỳ nguyên nhân gì, Bưu điện tỉnh/thành phố trên địa bàn có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan liên quan để cấp lại cho người vi phạm. Bưu điện chịu trách nhiệm về các chi phí cấp lại giấy tờ tạm giữ theo quy định và phí dịch vụ chuyển phát giấy tờ tạm giữ.

Như vậy, người vi phạm giao thông có thể lựa chọn các hình thức nộp phạt trực tiếp, chuyển khoản vào tài khoản của Kho bạc nhà nước được ghi trong quyết định xử phạt hoặc qua Bưu điện.

49.Cử tri tỉnh Bình Phước kiến nghị: Về việc xử phạt tước giấy phép lái xe của người vi phạm luật giao thông đường bộ trên thực tế có vướng mắc gây khó khăn cho các cán bộ khi xử lý tình huống trên thực tế. Cụ thể có những trường hợp khi kiểm tra xử lý vi phạm hành chính thì giấy phép lái xe của người vi phạm đã bị cơ quan khác có thẩm quyền xử phạt trước đó lập biên bản tạm giữ giấy phép lái xe (thời gian hẹn xử lý trong biên bản còn hiệu lực). Vì vậy, khi ra quyết định tước giấy phép lái xe của người vi phạm thì không có giấy phép lái xe để tạm giữ. Đề nghị Chính phủ có văn bản hướng dẫn rõ hơn về các trường hợp bị tước giấy phép lái xe để công tác xử phạt vi phạm giao thông đường bộ được thống nhất.

Trả lời: (Tại Công văn số 284/BCA-V11 ngày 22 tháng 2 năm 2017)

Ngày 26/5/2016, Chính phủ ban hành Nghị định số 46/2016/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt (có hiệu lực thi hành từ ngày 01/8/2016). Trong đó, điểm b khoản 3 Điều 77 quy định về thời điểm bắt đầu tính thời hạn tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt như sau: Trường hợp tại thời điểm ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính mà người có thẩm quyền xử phạt chưa tạm giữ được giấy phép, chứng chỉ hành nghề của cá nhân, tổ chức vi phạm thì người có thẩm quyền xử phạt vẫn ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo quy định đối với hành vi vi phạm. Trong nội dung quyết định xử phạt phải ghi rõ thời điểm bắt đầu tính hiệu lực thi hành của hình thức xử phạt bổ sung tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề là kể từ thời điểm mà người vi phạm xuất trình giấy phép, chứng chỉ hành nghề cho người có thẩm quyền xử phạt tạm giữ”.

50.Cử tri thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị: cần làm rõ và xử lý nghiêm trách nhiệm tổ chức, cá nhân trong việc vỡ ống dẫn nước sạch Sông Đà nhiều lần gây thiệt hại lớn cho ngân sách nhà nước.

Trả lời: (Tại Công văn số 849/BCA-V11 ngày 26 tháng 4 năm 2017)

Ngày 24/7/2014, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an đã khởi tố vụ án “Vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Tổng công ty Vinaconex, khởi tố 09 bị can nguyên là cán bộ lãnh đạo của các đơn vị liên quan trong quá trình thực hiện Dự án cấp nước sông Đà – Hà Nội. Hiện nay, vụ án đang được điều tra bổ sung theo quyết định của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, trong đó có nội dung xem xét trách nhiệm của một số cá nhân nguyên là thành viên Hội đồng quản trị Tổng Công ty Vinaconex.

51. Cử tri tỉnh Hải Dương kiến nghị: Cử tri kiến nghị các Bộ, ban ngành, địa phương cần quyết liệt với các tệ nạn xã hội. Hiện nay tình trạng nghiện hút, tội phạm như trộm, cướp, trấn lột diễn ra phổ biến, đặc biệt là tội phạm mạng...vv chưa được ngăn chặn kịp thời.

Trả lời: (Tại Công văn số 896/BCA-V11 ngày 26 tháng 4 năm 2017)

Trong những năm qua, lực lượng Công an nhân dân đã chủ động tham mưu với cấp ủy, chính quyền các cấp nhiều chủ trương, giải pháp đấu tranh phòng, chống tội phạm nói chung, tội phạm trộm cắp, cýớp tài sản, sử dụng công nghệ cao, tội phạm và tệ nạn ma túy nói riêng; tổ chức nhiều cao ðiểm tấn công trấn áp tội phạm. Năm 2016, đã phát hiện, xử lý 23.678 vụ trộm cắp tài sản, 1.381 vụ cướp tài sản, 20.705 vụ ma túy, 445 vụ sử dụng công nghệ cao phạm tội... các vụ án đặc biệt nghiêm trọng đều được khẩn trương điều tra, khám phá và đưa ra truy tố, xét xử trước pháp luật, được dư luận đánh giá cao.

Tuy nhiên, một số loại tội phạm vẫn diễn biến phức tạp, với tính chất, mức độ nghiêm trọng ở một số địa phương; trong đó, có tội phạm trộm cắp, cướp tài sản, tội phạm sử dụng công nghệ cao, tội phạm và tệ nạn ma túy... Nguyên nhân chủ yếu là do: (1) Tình hình kinh tế còn khó khăn, số người lao động chưa có việc làm nhiều, tạo áp lực lớn đến các vấn đề xã hội. (2) Một bộ phận thanh, thiếu niên có lối sống đua đòi, lười lao động, thiếu tu dưỡng, rèn luyện. (3) Tác động tiêu cực của các ấn phẩm đồi trụy, bạo lực, trò chơi trực tuyến trên mạng Internet (game online); (4) Số người nghiện ma túy ngoài xã hội còn nhiều.

Bộ Công an đã và đang tập trung chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương thực hiện các giải pháp trọng tâm sau:

(1) Tham mưu với cấp ủy, chính quyền các cấp chỉ đạo tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chủ trương của Đảng, Nhà nước về công tác phòng, chống tội phạm, bảo đảm an ninh, trật tự, nhằm huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân tích cực tham gia phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội.

(2) Phối hợp chặt chẽ với các ngành, đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao ý thức pháp luật, ý thức cảnh giác của người dân trước những phương thức, thủ đoạn hoạt động của các loại tội phạm và tệ nạn xã hội; từ đó, chủ động phòng ngừa và tham gia đấu tranh, phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội. Phát huy và nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến; tăng cường quản lý, giáo dục các đối tượng có nguy cơ phạm tội cao; thực hiện có hiệu quả Đề án xây dựng xã, phường, thị trấn không tệ nạn ma túy. Phối hợp nâng cao chất lượng hoạt động của các trung tâm cai nghiện; thực hiện tốt chủ trương tái hòa nhập cộng đồng đối với người sau cai nghiện.

(3) Nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước về an ninh, trật tự, nhất là quản lý nhân, hộ khẩu; quản lý vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, quản lý ngành, nghề kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự; phối hợp với ngành chức năng tăng cường thanh tra, kiểm tra liên ngành, kiểm soát chặt chẽ việc cấp, bán tên miền quốc gia (.vn), việc cấp giấy xác nhận đối với các trang mạng xã hội, các trang web có tên miền trong nước, xử lý kiên quyết đối với chủ sở hữu các trang mạng có sai phạm, không để đối tượng lợi dụng hoạt động phạm tội. Duy trì, nâng cao hiệu quả hoạt động của các đường dây “nóng”, hòm thư tố giác tội phạm; đồng thời, có biện pháp bảo vệ tổ chức, cá nhân tố giác tội phạm.

(4) Triển khai đồng bộ các biện pháp công tác để nắm, kiểm soát tình hình, nhất là các tuyến, địa bàn, ngành, lĩnh vực, đối tượng trọng điểm; tổ chức các cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, tập trung vào các băng, nhóm tội phạm, đường dây vận chuyển, mua bán trái phép chất ma túy với số lượng lớn hoạt động liên tỉnh, xuyên quốc gia. Phối hợp với các ngành tư pháp điều tra khám phá, truy tố, xét xử các vụ án để răn đe và phòng ngừa tội phạm.

(5) Tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện hệ thống pháp luật nhằm tạo hành lang pháp lý phù hợp, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội trong tình hình mới.

(6) Mở rộng và nâng cao hiệu quả hợp tác với các nước, các tổ chức quốc tế, nhất là đối với tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế (INTERPOL), Cảnh sát khu vực Đông Nam Á (ASEANAPOL), các nước tiểu vùng sông Mê Kông và các thiết chế song phương, đa phương trong đấu tranh phòng, chống  các loại tội phạm.

52. Cử tri tỉnh Hải Dương, Quảng Nam kiến nghị: Đề nghị Bộ Công an xem xét trách nhiệm trong việc để các đối tượng tham nhũng bỏ trốn, gây bất bình trong nhân dân (như vụ ông Trịnh Xuân Thanh).

Trả lời: (Tại Công văn số 852/BCA-V11 ngày 26 tháng 4 năm 2017)

Căn cứ Điều 79 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 quy định: Chỉ áp dụng các biện pháp ngăn chặn đối với các bị can, bị cáo. Trong quá trình các cơ quan chức năng đang thu thập tài liệu, xác minh làm rõ các sai phạm, chưa khởi tố bị can, thì Trịnh Xuân Thanh đã tìm cách bỏ trốn, cho nên việc cơ quan Công an chưa áp dụng các biện pháp ngăn chặn đối với Trịnh Xuân Thanh là theo quy định của pháp luật. Ngày 15/9/2016, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an đã khởi tố bị can Trịnh Xuân Thanh về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” theo Điều 165 Bộ luật hình sự và ra lệnh truy nã quốc tế.

Bộ Công an đã và đang chỉ đạo các đơn vị triển khai các biện pháp cần thiết để truy bắt bằng được Trịnh Xuân Thanh phục vụ cho công tác điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật. Trong quá trình điều tra, nếu phát hiện cá nhân nào bao che, tiếp tay cho các đối tượng bỏ trốn sẽ kiên quyết xử lý theo đúng quy định của pháp luật.

53. Cử tri tỉnh Sóc Trăng kiến nghị: Cử tri phản ánh tình hình an ninh, trật tự ở các vùng nông thôn có chiều hướng gia tăng như trộm cắp, mua bán, sử dụng trái phép các loại ma túy ảnh hưởng xấu đến tình hình trật tự, an toàn xã hội, trong khi đó biên chế của lực lượng công an xã còn ít so với nhiệm vụ và địa bàn quản lý. Đề nghị Bộ Công an và chính quyền địa phương các cấp quyết liệt hơn nữa trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, xem xét tăng cường nguồn lực và biên chế cho công an xã góp phần bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

Trả lời: (Tại Công văn số 898/BCA-V11 ngày 27 tháng 4 năm 2017)

1. Về đấu tranh, phòng chống tội phạm khu vực nông thôn

Thời gian qua, phạm pháp hình sự ở địa bàn nông thôn chiếm 53,25% tổng số vụ phạm pháp trong toàn quốc. Bộ Công an đã có nhiều chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương triển khai các kế hoạch, biện pháp đấu tranh phòng, chống tội phạm ở địa bàn nông thôn. Hàng năm, lực lượng Công an điều tra khám phá đạt tỷ lệ 80,73% các vụ án xảy ra ở địa bàn nông thôn, bắt trên 40 nghìn đối tượng, chiếm khoảng 54% tổng số đối tượng bị bắt trong toàn quốc.

Đê nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác đấu tranh, phòng, chống tội phạm ở địa bàn nông thôn, Bộ Công an đã và đang chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương thực hiện các giải pháp trọng tâm sau:

- Tham mưu với cấp ủy, chính quyền các cấp thực hiện có hiệu quả các chủ trương của Đảng, Nhà nước, các Nghị quyết của Quốc hội về công tác đảm bảo an ninh, trật tự gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 – 2020... nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân trong công tác bảo đảm an ninh, trật tự xã hội.

- Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, nâng cao nhận thức của người dân đối với chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật Nhà nước, tham gia tích cực công tác bảo đảm an ninh, trật tự ở địa phương. Đổi mới nội dung, hình thức để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ Tổ quốc phù hợp với địa bàn nông thôn.

- Triển khai rà soát các tuyến, địa bàn phức tạp về an ninh, trật tự, nhất là các tuyến, địa bàn giáp ranh giữa nông thôn và thành thị, địa bàn giáp ranh giữa các tỉnh, địa bàn tập trung các khu, cụm công nghiệp, làng nghề… để chủ động nắm chắc tình hình, phát hiện, đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật và tội phạm, bảo đảm an ninh, trật tự cho hoạt động sản xuất nông nghiệp, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng nông thôn mới.

- Nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động điều tra, xử lý tội phạm, chấp hành nghiêm quy định của pháp luật trong công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố; công tác bắt, giam giữ, điều tra, xử lý tội phạm, không để xảy ra các trường hợp bức cung, nhục hình, oan sai hoặc bỏ lọt tội phạm trong hoạt động điều tra, gây bức xúc dư luận xã hội ở địa bàn nông thôn. Triệt xóa các băng, nhóm tội phạm, xử lý nghiêm đối tượng chủ mưu, cầm đầu, không để tội phạm lộng hành, tạo niềm tin trong nhân dân.

2. Về kiến nghị tăng cường lực lượng Công an xã:

 Căn cứ Thông tư số 15/2010/TT-BCA, ngày 24/5/2010 của Bộ Công an về điều động sỹ quan, hạ sỹ quan Công an nhân dân đảm nhiệm các chức danh Công an xã ở các xã trọng điểm, phức tạp về an ninh, trật tự, quy định: Giám đốc Công an chủ động nghiên cứu, áp dụng việc bố trí lực lượng Công an chính quy đảm nhiệm các chức danh Công an xã tại các xã, thị trấn được Bộ Công an xác định là địa bàn trọng điểm, phức tạp về an ninh trật tự. Riêng đối với thị trấn có tình hình an ninh, trật tự phức tạp, Bộ Công an đã quy định Công an cấp tỉnh khi xét thấy cần thiết có thể báo cáo, đề xuất Bộ trưởng Bộ Công an quyết định bố trí Công an chính quy tại các thị trấn (thực hiện chức năng, nhiệm vụ như Công an phường). Như vậy, đối với những xã, thị trấn ở các vùng nông thôn có tình hình an ninh, trật tự phức tạp, Giám đốc Công an tỉnh có thể quyết định tăng cường lực lượng Công an chính quy để thực hiện nhiệm vụ đảm bảo an ninh, trật tự địa bàn.

Hiện nay, dự thảo Luật Công an xã đang được cơ quan chủ trì soạn thảo, phối hợp với các bộ, ngành nghiên cứu, đề xuất theo hướng bố trí biên chế Công an xã chuyên trách cân đối trong tổng biên chế của lực lượng Công an nhân dân. Theo đó, dự thảo Luật quy định việc điều động sĩ quan Công an nhân dân đảm nhiệm chức danh Trưởng Công an xã và Phó trưởng Công an xã. Đối với các xã trọng điểm, phức tạp về an ninh, trật tự sẽ điều động sĩ quan, hạ sĩ quan Công an nhân dân đảm nhiệm chức danh Công an viên. Đối với người hoạt động không chuyên trách (hiện nay gọi là Công an xã), dự thảo Luật sẽ bổ sung các quy định về chế độ, chính sách nhằm khuyến khích, động viên và phát huy hiệu quả hoạt động của lực lượng này.

54. Cử tri Tây Ninh, TP Hồ Chí Minh kiến nghị: Tình trạng đạo đức xã hội hiện nay đang có chiều hướng suy giảm, nhiều vụ án mạng nghiêm trọng tại một số tỉnh, thành phố liên tục xảy ra, tội phạm có xu hướng trẻ hóa…, Cử tri kiến nghị cần có giải pháp tối ưu trong việc ngăn chặn các loại tội phạm, đảm bảo tình hình an ninh trật tự xã hội ngày càng tốt hơn.

Trả lời: (Tại Công văn số 861/BCA-V11 ngày 26 tháng 4 năm 2017)

Năm 2016, tội phạm hình sự giảm 4,4%, nhưng tính chất tội phạm còn nghiêm trọng, diễn biến rất phức tạp, nổi lên là tội phạm giết người do nguyên nhân xã hội chiếm đến 96% trong tổng số vụ giết người. Trong đó: có 13,8% số vụ giết người thân trong gia đình; 43% số vụ do mâu thuẫn trong sinh hoạt; 17,8% số vụ liên quan đến rượu, bia; 11% số vụ liên quan đến tình ái, 24 vụ giết từ 02 người trở lên... Đáng chú ý, xảy ra nhiều vụ thanh, thiếu niên giết người do ảnh hưởng từ trò chơi điện tử trên Internet, mâu thuẫn xã hội trên mạng. Lực lượng Công an đã điều tra, khám phá 42.799 vụ, xử lý 73.796 đối tượng, các vụ án đặc biệt nghiêm trọng đã được điều tra, khám phá nhanh, kịp thời đưa ra truy tố, xét xử trước pháp luật, được dư luận đánh giá cao.

Để tăng cường hiệu quả công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm, Bộ Công an chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương tập trung thực hiện các công tác trọng tâm sau:

(1) Tham mưu với cấp ủy, chính quyền các cấp thực hiện có hiệu quả các chủ trương của Đảng, Nhà nước, các Nghị quyết của Quốc hội về công tác phòng, chống tội phạm; huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn dân tích cực tham gia phòng, chống tội phạm bảo đảm an ninh, trật tự phục vụ phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.

(2) Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các quy chế phối hợp, nghị quyết liên tịch giữa Bộ Công an với các bộ, ngành, đoàn thể về phòng ngừa tội phạm trong thanh, thiếu niên. Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc và hoạt động của các mô hình phòng, chống tội phạm trong thanh, thiếu niên, như: “Khu nội trú sinh viên an toàn, văn minh, không có tội phạm và tệ nạn xã hội”, “Uống nước nhớ nguồn”, “Thắp sáng ước mơ hoàn lương”...  Phối hợp xây dựng và thực hiện Đề án “Bảo vệ trẻ em trong môi trường mạng”, Dự án “Đấu tranh phòng, chống tội phạm xâm hại trẻ em, tội phạm trong lứa tuổi chưa thành niên”.

(3) Tổ chức có hiệu quả các cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm trên các tuyến, địa bàn trọng điểm, chuyển hóa địa bàn phức tạp về tội phạm; tập trung đấu tranh với tội phạm có tổ chức, hoạt động theo kiểu ”xã hội đen”, tội phạm sử dụng vũ khí gây án, tội phạm chống người thi hành công vụ, giết người do nguyên nhân xã hội, tội phạm mua bán người, tội phạm trong lứa tuổi thanh, thiếu niên...

(4) Đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tự, nhất là quản lý vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự. Nâng cao hiệu quả công tác lập hồ sơ đưa đối tượng vào cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng, trung tâm cai nghiện; thực hiện tốt chủ trương tái hòa nhập cộng đồng đối với người sau cai nghiện, tăng cường công tác giáo dục, dạy nghề, hướng nghiệp, tạo việc làm nhằm giúp họ nhanh chóng hòa nhập, tránh nguy cơ tái nghiện.

(5) Tổ chức thực hiện có hiệu quả các quy định về tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm; thiết lập và duy trì hoạt động của các đường dây “nóng” (điện thoại, email), hòm thư tố giác tội phạm để tiếp nhận, xử lý kịp thời mọi thông tin, tài liệu liên quan đến tội phạm. Phối hợp chặt chẽ với các ngành tư pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác điều tra, truy tố, xét xử nhằm răn đe và phòng ngừa tội phạm.

55. Cử tri tỉnh Bến Tre kiến nghị: Hiện nay, tình trạng tội phạm ngày càng gia tăng và mức độ nguy hiểm của tội phạm ngày càng cao, phần lớn các vụ án xảy ra đều có sử dụng hung khí nguy hiểm, vật liệu nổ (đa phần do tự chế, đặc biệt là thuốc nổ và súng) người dân vô cùng hoang mang và lo lắng về tình hình tội phạm diễn biến rất phức tạp như hiện nay. Cử tri kiến nghị cần có biện pháp quyết liệt hơn nữa để phòng, chống tội phạm và quản lý vật liệu nổ, vật liệu chế tạo chất nổ và súng.

Trả lời: (Tại Công văn số 885/BCA-V11 ngày 27 tháng 4 năm 2017)

Thời gian qua, tình hình tội phạm có sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ xảy ra ở nhiều địa phương gây hậu quả rất nghiêm trọng. Bộ Công an đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương trong công tác phòng, chống tội phạm và quản lý vũ  khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; đồng thời, tổ chức triển khai nhiều cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, gắn với vận động thu hồi vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ. Năm 2016, đã thu hồi 1.121 súng các loại, 181 công cụ hỗ trợ, 13.981 viên đạn, 10 quả mìn, 10 quả bom, 206 lựu đạn, 120 đầu đạn, 53 quả đạn, 386 kg thuốc nổ, 432 kíp nổ, 163m dây cháy chậm và 1.177 vũ khí thô sơ.

   Để tăng cường công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, Bộ Công an chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương tập trung thực hiện một số công tác trọng tâm sau:

- Tham mưu với cấp ủy, chính quyền các cấp chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các chủ trương của Đảng, Nhà nước về đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo đảm an ninh, trật tự, Nghị định số 25/2012/NĐ-CP, ngày 05/4/2012 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; Thông tư số 31/2012/TT-BCA, ngày 29/5/2012 quy định chi tiết việc tiếp nhận, thu gom, phân loại, bảo quản, thanh lý, tiêu hủy vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ;… Các chỉ đạo của Bộ Công an về tăng cường công tác quản lý nhà nước về sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.

- Tiếp tục triển khai các cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, tập trung vào các tuyến, địa bàn, lĩnh vực trọng điểm, tội phạm có tổ chức, tội phạm ma túy... Tổ chức thực hiện có hiệu quả các quy định về tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm; thiết lập và duy trì hoạt động của các đường dây “nóng” (điện thoại, email), hòm thư tố giác tội phạm để tiếp nhận, xử lý kịp thời mọi thông tin liên quan đến tội phạm.

- Chủ động phối hợp với các ngành chức năng tăng cường công tác tuyên truyền, vận động quần chúng không sản xuất, tự chế các loại vũ khí, chất nổ, chủ động giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ theo quy định. Duy trì và nâng cao hiệu quả mô hình tổ công tác phối hợp các lực lượng trong phòng, chống tội phạm. Phối hợp chặt chẽ với các ngành tư pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án nhằm răn đe và phòng ngừa tội phạm.

- Phối hợp hoàn chỉnh Dự án Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ để trình Quốc hội khóa XIV thông qua tại Kỳ họp thứ 3, nhằm tạo hành lang pháp lý trong công tác quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ chặt chẽ, hiệu quả hơn.

56. Cử tri tỉnh Bến Tre, Vũng Tàu kiến nghị: Tệ nạn ma túy là vấn nạn của toàn xã hội, trước đây nó chỉ xảy ra ở các thành phố lớn nhưng hiện tại tệ nạn này len lỏi vào học đường, vùng nông thôn vốn yên bình gây ra nhiều hệ lụy cho cộng đồng và gia đình, làm mất an ninh trật tự xã hội. Cử tri đề nghị Nhà nước tăng cường hơn nữa công tác an ninh, kiểm tra, tuần tra để ngăn chặn kịp thời không để tình trạng buôn bán ma túy công khai và lộng hành như hiện nay.

Trả lời: (Tại Công văn số 887/BCA-V11 ngày 27 tháng 4 năm 2017)

Thời gian qua, thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về đấu tranh, phòng, chống và kiểm soát ma túy, Bộ Công an đã chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương chủ động tham mưu với cấp ủy, chính quyền các cấp nhiều chủ trương, giải pháp đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy; tổ chức các cao điểm tấn công trấn áp tội phạm ma túy và đã đạt được những kết quả tích cực. Năm 2016, lực lượng Công an đã phát hiện, bắt giữ 18.742 vụ, 28.970 đối tượng phạm tội về ma túy; thu giữ 513,58kg heroin, 383.373 viên ma túy tổng hợp, 1.356,51kg cần sa.

Tuy nhiên, tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy vẫn diễn biến rất phức tạp cả về tính chất và mức độ phạm tội, với nhiều thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt, manh động, sẵn sàng sử dụng “vũ khí nóng” chống trả khi bị phát hiện, truy bắt. Đáng chú ý, tội phạm và tệ nạn ma túy đã mở rộng địa bàn hoạt động ra vùng nông thôn, khu vực học đường. Xuất hiện ma túy dạng tem giấy (LSD) và phát hiện số lượng lớn thảo mộc khô “lá Khát”, “cỏ Mỹ” chứa chất gây nghiện mới được thanh, thiếu niên sử dụng.

Trước tình hình trên, Bộ Công an chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương tập trung thực hiện một số giải pháp trọng tâm sau:

(1) Tham mưu với cấp ủy, chính quyền các cấp thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Nhà nước về công tác phòng, chống tội phạm ma túy, gắn với Chiến lược quốc gia phòng, chống tội phạm giai đoạn 2016 - 2025, định hướng đến năm 2030, Chương trình mục tiêu đảm bảo trật tự an toàn giao thông, phòng cháy, chữa cháy, phòng, chống tội phạm và ma túy giai đoạn 2016 - 2020... nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy.

(2) Phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, đoàn thể, các cơ quan thông tin đại chúng đẩy mạnh tuyên truyền để nhân dân hiểu rõ tác hại của ma túy và vận động quần chúng tham gia phát hiện, tố giác tội phạm; tham gia tích cực vào công tác cai nghiện và quản lý giáo dục người phạm tội tại gia đình và cộng đồng dân cư; quản lý giáo dục con em không vướng vào các tệ nạn xã hội và phạm tội. Rà soát, phối hợp xác định tình trạng nghiện, phân loại người nghiện ma túy, lập hồ sơ đưa đi cai nghiện bắt buộc và động viên người nghiện đi cai tại các trung tâm cai nghiện, lập danh sách, quản lý chặt chẽ người nghiện ma túy tổng hợp để phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi phạm tội.

(3) Tiếp tục mở các cao điểm đấu tranh phòng, chống tội phạm theo chuyên đề, hệ loại đối tượng, giải quyết những vấn đề phức tạp nổi lên về tội phạm hình sự trên các tuyến, địa bàn trọng điểm, kiên quyết không để tồn tại các tụ điểm về hình sự, không để tội phạm lộng hành, gây bức xúc trong nhân dân. Tập trung đấu tranh với tội phạm sử dụng vũ khí, vật liệu nổ gây án, tội phạm có tổ chức hoạt động theo kiểu “xã hội đen”, siết nợ, đòi nợ thuê, tội phạm, tệ nạn ma túy, cờ bạc, mại dâm.

(4) Đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tự, nhất là các ngành, nghề, loại hình kinh doanh giải trí có điều kiện như vũ trường, quán bar, nhà hàng, khách sạn, nhà nghỉ. Nâng cao hiệu quả công tác lập hồ sơ đưa đối tượng vào cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng, trung tâm cai nghiện; thực hiện tốt công tác tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án án phạt tù, người sau cai nghiện; triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án tha tù trước thời hạn có điều kiện; tăng cường công tác giáo dục, dạy nghề, hướng nghiệp, tạo việc làm nhằm giúp họ nhanh chóng hòa nhập, tránh nguy cơ tái phạm tội.

 (5) Tiếp tục phối hợp nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện hệ thống pháp luật nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác giám định hàm lượng chất ma túy, lập hồ sơ đề nghị đưa người nghiện ma túy vào cơ sở cai nghiện bắt buộc… tạo hành lang pháp lý phù hợp, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống tội phạm và tệ nạn ma túy trong tình hình mới.

(6) Tổ chức thực hiện có hiệu quả các quy định về tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm; thiết lập và duy trì hoạt động của các đường dây “nóng” (điện thoại, email), hòm thư tố giác tội phạm để tiếp nhận, xử lý kịp thời mọi thông tin, tài liệu liên quan đến tội phạm. Phối hợp chặt chẽ với các ngành tư pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác điều tra, truy tố, xét xử nhằm răn đe và phòng ngừa tội phạm.

57. Cử tri tỉnh Thái Bình, Trà Vinh, Bình Thuận kiến nghị: Cần tăng cường biện pháp đấu tranh phòng, ngừa và xử lý nghiêm đối với các loại tội phạm đặc biệt nghiêm trọng giết chết nhiều người đã xảy ra trong thời gian vừa qua như các thông tin đã đưa. Cử tri tỏ ra lo ngại trước tình hình an ninh trật tự, an toàn xã  hội một số nơi diễn biến phức tạp trong thời gian qua, nhất là tội phạm giết người, cướp của một cách dã man xảy ra nhiều trong khi đợt đặc xá tha tù năm 2016 lại sắp đến, nếu không làm tốt công tác tuyên truyền, đấu tranh phòng chống tội phạm thì tình hình an ninh trật tự còn diễn biến phức tạp và xấu hơn nữa.

Trả lời: (Tại Công văn số 884/BCA-V11 ngày 27 tháng 4 năm 2017)

Những năm qua, lực lượng Công an luôn chủ động tham mưu với cấp ủy, chính quyền các cấp huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân trong công tác đảm bảo an ninh, trật tự; triển khai các biện pháp, liên tục mở các cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, góp phần bảo đảm an ninh, trật tự, phục vụ đắc lực sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế của đất nước. Năm 2016, lực lượng Công an đã điều tra, khám phá 42.799 vụ án, bắt, xử lý 73.796 đối tượng phạm tội; các vụ án đặc biệt nghiêm trọng đều được điều tra, khám phá nhanh, kịp thời đưa ra truy tố, xét xử trước pháp luật. Các loại tội phạm nghiêm trọng đều giảm so với năm 2015 (giết người giảm 8,11%; cướp tài sản giảm 15,22%; trộm cắp tài sản giảm 9,89%; chống người thi hành công vụ giảm 16,72%; tội phạm có tổ chức giảm 14,67%...).

Bộ Công an đang tiếp tục chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương tập trung thực hiện các công tác trọng tâm sau:

(1) Tham mưu với cấp ủy, chính quyền các cấp chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các chủ trương của Đảng, Nhà nước, các Nghị quyết của Quốc hội về đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo đảm an ninh, trật tự, nhằm huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội.

(2) Phối hợp chặt chẽ với các ngành, đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức pháp luật ý thức cảnh giác trong nhân dân; phát động phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; xây dựng khu dân cư văn hóa, các mô hình tự quản; quản lý, giáo dục các trường hợp có nguy cơ cao phạm tội, để phòng ngừa, ngăn chặn các loại tội phạm.

(3) Tăng cường công tác nắm tình hình, tập trung rà soát số đối tượng có dấu hiệu hoạt động phạm tội để chủ động phòng ngừa, ngăn chặn. Triển khai các cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, tập trung trấn áp các băng, nhóm tội phạm nguy hiểm, đâm thuê, chém mướn, tội phạm sử dụng vũ khí gây án, giết người, cướp, cướp giật tài sản..., tập trung ở các thành phố lớn, các tuyến, địa bàn trọng điểm, không để tội phạm lộng hành.

(4) Đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tự, nhất là quản lý vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự. Nâng cao hiệu quả công tác lập hồ sơ đưa đối tượng vào cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng, trung tâm cai nghiện; thực hiện tốt chủ trương tái hòa nhập cộng đồng đối với người sau cai nghiện, tăng cường công tác giáo dục, dạy nghề, hướng nghiệp, tạo việc làm nhằm giúp họ nhanh chóng hòa nhập, tránh nguy cơ tái nghiện.

(5) Tổ chức thực hiện có hiệu quả các quy định về tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm; thiết lập và duy trì hoạt động của các đường dây “nóng” (điện thoại, email), hòm thư tố giác tội phạm để tiếp nhận, xử lý kịp thời mọi thông tin, tài liệu liên quan đến tội phạm.

(6) Phối hợp chặt chẽ với các ngành tư pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác điều tra, truy tố, xét xử nhằm răn đe và phòng ngừa tội phạm. Phối hợp với các bộ, ngành nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện hệ thống pháp luật nhằm tạo hành lang pháp lý đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội trong tình hình hiện nay.

58. Cử tri tỉnh Bình Thuận kiến nghị: Đề nghị giám sát chặt chẽ việc các đối tượng cho ra tù trước thời gian, tránh tình trạng ra tù rồi tái phạm lại.

Trả lời: (Tại Công văn số 866/BCA-V11 ngày 26 tháng 4 năm 2017)

Thực hiện Nghị định số 80/2011/NĐ-CP, ngày 16/9/2011 quy định các biện pháp bảo đảm tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù, Bộ Công an đã ban hành Thông tư số 71/2012/TT-BCA, ngày 27/11/2012 quy định về phân công trách nhiệm và quan hệ phối hợp giữa các đơn vị Công an nhân dân trong việc thực hiện công tác tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù; chỉ đạo các trại giam tiếp tục đổi mới nội dung, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý, giáo dục cải tạo phạm nhân; thành lập Trung tâm dạy nghề, hướng nghiệp cho phạm nhân; lập Quỹ tái hòa nhập cộng đồng trích từ kết quả lao động của phạm nhân, nhằm giúp họ có điều kiện thuận lợi tái hòa nhập cộng đồng. Công an các đơn vị, địa phương tham mưu với cấp ủy, chính quyền các cấp chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Nghị định số 80/2011/NĐ-CP; tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cộng đồng và tổ chức tiếp nhận, quản lý giáo dục người chấp hành xong án phạt tù ngay từ khi họ trở về địa phương.

Tuy nhiên, theo thống kê từ năm 2002 - 2015, tổng số người chấp hành xong án phạt tù về địa phương cư trú là 275.274, trong đó 226.434 người có việc làm, chiếm 82,26%; 48.840 người chưa có việc làm, chiếm 17,74%; 79.906 người tái phạm, chiếm 29,03%;  3.249 người đặc xá tái phạm, chiếm 1,18%. Nguyên nhân chủ yếu là do: (1) Số lượng người chấp hành xong án phạt tù trong những năm qua tăng nhanh, gây áp lực rất lớn cho công tác quản lý tái hòa nhập cộng đồng. (2) Đa số người chấp hành xong án phạt tù hiểu biết về pháp luật còn hạn chế, không có việc làm, thu nhập không ổn định, bị đối tượng xấu lôi kéo, dẫn đến tái phạm tội. (3) Một số cấp ủy, chính quyền địa phương chưa thực sự quan tâm chỉ đạo công tác tái hòa nhập cộng đồng; chưa huy động được các ngành, các cấp, các tổ chức xã hội và cộng đồng dân cư tham gia quản lý, giám sát, giáo dục, trợ giúp người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương.

Để công tác quản lý, giáo dục, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng đạt hiệu quả, đòi hỏi phải có sự tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Bộ Công an tiếp tục chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương thực hiện một số công tác trọng tâm sau:

(1) Tham mưu với cấp ủy, chính quyền chỉ đạo các ban, ngành, tổ chức xã hội, đoàn thể làm tốt công tác tiếp nhận, phối hợp giám sát, quản lý, giáo dục, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia quản lý, giáo dục, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù; kịp thời phát hiện, tố giác tội phạm, giúp lực lượng Công an triệt xóa các băng, nhóm tội phạm, các tụ điểm về tệ nạn xã hội, góp phần tạo môi trường an toàn, lành mạnh và tạo điều kiện cho người chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng.

 (2) Phối hợp chặt chẽ với ngành Lao động - Thương binh và Xã hội triển khai thực hiện Dự án “Tăng cường năng lực giáo dục dạy nghề cho phạm nhân các trại giam”; phối hợp với Trung ương Hội Luật gia Việt Nam tổ chức phổ biến, giáo dục, tư vấn pháp luật, hỗ trợ cho phạm nhân sắp chấp hành xong án phạt tù, người chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng; phối hợp với Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam trong việc giáo dục phạm nhân trong độ tuổi thanh niên và giúp đỡ họ tái hòa nhập cộng đồng.

(3) Xây dựng và nhân rộng các mô hình hiệu quả trong quản lý, giáo dục, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng. Vận động, khuyến khích các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân nhất là các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, thu hút người chấp hành xong án phạt tù tham gia lao động để có điều kiện tự rèn luyện, phấn đấu trở thành công dân tốt.

 (4) Thường xuyên rà soát, phân loại, cập nhật, trao đổi thông tin và hướng dẫn người chấp hành xong án phạt tù đăng ký hộ khẩu, cấp thẻ căn cước công dân, cấp phiếu lý lịch tư pháp, chủ động quản lý, giám sát, giúp đỡ, không để họ tái phạm tội. Xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các trường hợp tái phạm tội sau khi được mãn hạn tù hoặc được đặc xá.

59. Cử tri tỉnh Bạc Liêu, Đồng Tháp kiến nghị: Cử tri rất băn khoăn về vấn đề tội phạm, luật pháp nước ta tuy đủ nhưng việc thực thi chưa nghiêm hoặc chưa đủ sức răn đe, dẫn đến tình trạng vi phạm pháp luật ngày càng gia tăng; tình trạng một lúc giết nhiều người ngày càng xảy ra nhiều hơn. Đề nghị cần có biện pháp mạnh, tăng hình phạt để hạn chế tình trạng nêu trên.

Trả lời: (Tại Công văn số 862/BCA-V11 ngày 26 tháng 4 năm 2017)

Năm 2016, lực lượng Công an đã điều tra, khám phá 42.799 vụ, xử lý 73.796 đối tượng, các vụ án đặc biệt nghiêm trọng đã được điều tra, khám phá nhanh, kịp thời đưa ra truy tố, xét xử trước pháp luật, được dư luận đánh giá cao. Tuy nhiên, tình hình tội phạm vẫn diễn biến rất phức tạp, tính chất nghiêm trọng, nổi lên là tội phạm giết người do nguyên nhân xã hội chiếm đến 96% trong tổng số vụ giết người. Trong đó: có 13,8% số vụ giết người thân trong gia đình; 43% số vụ do mâu thuẫn trong sinh hoạt; 17,8% số vụ liên quan đến rượu, bia; 11% số vụ liên quan đến tình ái, 24 vụ giết từ 02 người trở lên...

Để tăng cường hiệu quả công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm, Bộ Công an chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương tập trung thực hiện các công tác trọng tâm sau:

- Tham mưu với cấp ủy, chính quyền các cấp thực hiện có hiệu quả các chủ trương của Đảng, Nhà nước, các Nghị quyết của Quốc hội về công tác phòng, chống tội phạm; huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn dân tích cực tham gia phòng, chống tội phạm bảo đảm an ninh, trật tự phục vụ phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.

- Phối hợp chặt chẽ với các ngành, đoàn thể, cơ quan truyền thông đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức và vận động nhân dân tích cực tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm. Xây dựng các mô hình tự quản, như: “Tuần tra nhân dân”, “Tổ an ninh xã hội”, “Khu dân cư an toàn về an ninh, trật tự”...; quản lý, giáo dục các đối tượng có nguy cơ phạm tội cao; chủ động phát hiện và giải quyết kịp thời các mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân để phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm.

- Tổ chức có hiệu quả các cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm trên các tuyến, địa bàn trọng điểm, chuyển hóa địa bàn phức tạp về tội phạm; tập trung đấu tranh với tội phạm có tổ chức, hoạt động theo kiểu ”xã hội đen”, tội phạm sử dụng vũ khí gây án, tội phạm chống người thi hành công vụ, giết người do nguyên nhân xã hội, tội phạm mua bán người, tội phạm trong lứa tuổi thanh, thiếu niên...

- Đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tự, nhất là quản lý vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự. Nâng cao hiệu quả công tác lập hồ sơ đưa đối tượng vào cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng, trung tâm cai nghiện; thực hiện tốt chủ trương tái hòa nhập cộng đồng đối với người sau cai nghiện, tăng cường công tác giáo dục, dạy nghề, hướng nghiệp, tạo việc làm nhằm giúp họ nhanh chóng hòa nhập, tránh nguy cơ tái nghiện.

- Tổ chức thực hiện có hiệu quả các quy định về tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm; thiết lập và duy trì hoạt động của các đường dây “nóng” (điện thoại, email), hòm thư tố giác tội phạm để tiếp nhận, xử lý kịp thời mọi thông tin, tài liệu liên quan đến tội phạm. Phối hợp chặt chẽ với các ngành tư pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác điều tra, truy tố, xét xử nhằm răn đe và phòng ngừa tội phạm.

- Phối hợp với các bộ, ngành nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định của pháp luật tạo cơ sở pháp lý đủ mạnh, đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm trong tình hình mới.

60. Cử tri Cần Thơ kiến nghị: Cử tri góp ý dự án Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cự hỗ trợ: kiến nghị cần nghiên cứu và quy định cấm người dân mang vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ nơi công cộng, góp phần hạn chế điều kiện làm phát sinh tội phạm, nhất là tội cố ý gây thương tích, tội giết người.

Trả lời: (Tại Công văn số 870/BCA-V11 ngày 26 tháng 4 năm 2017)

Dự thảo Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ đã được Quốc hội khóa XIVcho ý kiến tại Kỳ họp thứ 2 và dự kiến thông qua tại Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV. Trong đó, tại khoản 1, Điều 5 dự thảo Luật quy định nghiêm cấm cá nhân sở hữu vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, trừ vũ khí thô sơ là hiện vật trưng bày, triển lãm; đồ gia bảo.

61. Cử tri Đà Nẵng kiến nghị: Cử tri phản ảnh, vừa qua có nhiều vụ việc xảy ra gây ảnh hưởng không tốt đến tình hình an ninh, trật tự an toàn xã hội, gây lo lắng trong nhân dân. Cử tri kiến nghị, ngành công an cần tăng cường hơn nữa công tác đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội; tăng cường theo dõi các thế lực thù địch, bạo loạn và nhất là khâu theo dõi, quản lý đối tượng tại địa bàn trong thời gian đến

Trả lời: (Tại Công văn số 897/BCA-V11 ngày 27 tháng 4 năm 2017)

Những năm qua, Bộ Công an thường xuyên chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương chủ động tham mưu với cấp ủy, chính quyền các cấp huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân trong công tác bảo đảm an ninh, trật tự; triển khai đồng bộ các biện pháp, liên tục mở các cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, góp phần bảo đảm an ninh, trật tự, phục vụ đắc lực sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế của đất nước. Năm 2016, lực lượng Công an đã tham mưu, phối hợp giải quyết ổn định gần 30 vụ tranh chấp, khiếu kiện đông người; gần 70 vụ tụ tập biểu tình có dấu hiệu các đối tượng phản động kích động phá rối an ninh, trật tự; khởi tố, bắt giam 05 đối tượng cực đoan, chống đối chính trị trong nước; đã khám phá 42.799 vụ tội phạm về trật tự xã hội, bắt giữ, xử lý 73.796 đối tượng, nhất là các vụ án đặc biệt nghiêm trọng đều được điều tra, khám phá nhanh, kịp thời đưa ra truy tố, xét xử trước pháp luật, được dư luận đánh giá cao.

Tuy nhiên, các thế lực thù địch, phản động vẫn gia tăng hoạt động chống phá; tình hình vi phạm pháp luật và tội phạm còn diễn biến phức tạp. Bộ Công an đã và đang tiếp tục chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương tập trung thực hiện các công tác trọng tâm sau:

 (1) Tham mưu với cấp ủy, chính quyền các cấp chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các chủ trương của Đảng, Quốc hội, Chính phủ; huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân tích cực tham gia đấu tranh với âm mưu, hành động chống phá của các thế lực thù địch, phản động và các loại tội phạm, đảm bảo an ninh, trật tự an toàn xã hội của đất nước.

(2) Tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức tự giác cho cán bộ, đảng viên và nhân dân về âm mưu, thủ đoạn hoạt động chóng phá của các thế lực thù địch, phản động trong và ngoài nước. Chủ động nắm tình hình, tham mưu giải quyết kịp thời các tranh chấp, khiếu kiện, mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân, không để hình thành các “điểm nóng” về an ninh nông thôn, an ninh dân tộc và an ninh tôn giáo. Xử lý nghiêm các đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật, nhất là số chủ mưu, cầm đầu, cốt cán, chống đối cực đoan nhằm răn đe, phòng ngừa chung...

 (3) Tập trung công tác quản lý đối tượng tại địa bàn. Tiếp tục tổ chức các cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, nhất là trên các tuyến, địa bàn trọng điểm, chuyển hóa địa bàn phức tạp về về tội phạm; tập trung đấu tranh với tội phạm có tổ chức, hoạt động theo kiểu “xã hội đen”, tội phạm sử dụng vũ khí, vật liệu nổ gây án…

 (4) Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về an ninh, trật tự,  nhất là quản lý cư trú, quản lý vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự; nâng cao hiệu quả công tác lập hồ sơ đưa đối tượng vào cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng, trung tâm cai nghiện; thực hiện tốt chủ trương tái hòa nhập cộng đồng đối với người sau cai nghiện.

(5) Tổ chức thực hiện có hiệu quả các quy định về tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm; thiết lập và duy trì hoạt động của các đường dây “nóng” (điện thoại, email), hòm thư tố giác tội phạm để tiếp nhận, xử lý kịp thời mọi thông tin, tài liệu liên quan đến tội phạm. Phối hợp chặt chẽ với các ngành tư pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án hình sự.

(6) Tiếp tục rà soát, nghiên cứu tham mưu xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho công tác đảm bảo an ninh, trật tự, phù hợp với tiến trình cải cách tư pháp, hành chính nhà nước; trọng tâm là xây dựng dự án Luật an ninh mạng; Luật phòng, chống tội phạm có tổ chức; Luật truy nã tội phạm...

(7) Đẩy mạnh công tác hợp tác quốc tế đấu tranh phòng, chống tội phạm trong khuôn khổ tổ chức Interpol, Aseanapol, các nước tiểu vùng sông Mê Kông và các thiết chế song phương, đa phương khác.

62. Cử tri tỉnh Phú Thọ, Tiền Giang kiến nghị: cần có thông tin chính thức và hướng dẫn nhân dân về các quy định thủ tục để đảm bảo việc đăng ký, sử dụng xe chính chủ nhằm tạo cách hiểu đúng và đầy đủ cho người dân trong lĩnh vực này để họ thực hiện cho tốt. Bởi, hiện nay, nhiều luồn thông tin trên báo chí với nhiều cách hiểu khác nhau đã gây hoang mang cho người dân trong việc thực hiện các quy định có liên quan đến việc sử dụng xe không chính chủ. Cử tri đề nghị Bộ Công an nên nghiên cứu lại quy định về kiểm tra xe  chính chủ và cho rằng quy định này gây khó khăn cho người dân, nhất là đối với những gia đình chỉ có một phương tiện giao thông duy nhất.

Trả lời: (Tại Công văn số 889/BCA-V11 ngày 27 tháng 4 năm 2017)

1. Về hướng dẫn nhân dân các quy định thủ tục đăng ký xe chính chủ

Bộ Công an đã ban hành Thông tư số 15/2014/TT-BCA ngày 04/4/2014, quy định về đăng ký xe; số 54/2015/TT-BCA ngày 22/10/2015 bổ sung Thông tư số 15/2014/TT-BCA; Thông tư số 41/2016/TT-BCA ngày 12/10/2016 quy định quy trình đăng ký xe. Các văn bản này đều được niêm yết công khai tại trụ sở đăng ký xe của Công an các đơn vị, địa phương và trên Trang thông tin điện tử của Cục Cảnh sát giao thông.

Thời gian qua, lực lượng Cảnh sát giao thông đã phối hợp với các cơ quan truyền thông báo chí, truyền hình tổ chức tuyên truyền sâu rộng các quy định về đăng ký xe, sang tên xe chính chủ; đồng thời, triển khai thực hiện việc đăng ký xe chính chủ đến tận xã, phường, thị trấn đối với các trường hợp xe đã đăng ký, chuyển nhượng qua nhiều người. Từ ngày 15/4/2013 đến nay, cơ quan Công an đã thực hiện đăng ký sang tên cho gần 2 triệu phương tiện thiếu hoặc không có chứng từ chuyển nhượng được dư luận, nhân dân đồng thuận, ủng hộ.

2.  Về xử phạt hành chính liên quan đến xe chính chủ

Điểm b khoản 1 và khoản 5 Điều 30 Nghị định số 46/2016/NĐ-CP ngày 26/52016 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt (có hiệu lực thi hành từ ngày 01/8/2016), quy định: Tổ chức, cá nhân là chủ xe (mô tô, xe gắn máy, ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng và các loại xe tương tự xe mô tô, ô tô) có hành vi không làm thủ tục đăng ký sang tên xe (để chuyển tên chủ xe trong Giấy đăng ký xe sang tên của mình) theo quy định khi mua, được cho, được tặng, được phân bổ, được điều chuyển, được thừa kế tài sản là xe thì bị xử phạt vi phạm hành chính.

Hiện nay, việc xử phạt đối với hành vi không làm thủ tục đăng ký sang tên xe chỉ thực hiện thông qua công tác đăng ký, cấp biển số; điều tra, giải quyết vụ tai nạn giao thông; qua phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ; các trường hợp phương tiện vi phạm bị tạm giữ theo quy định và qua điều tra các vụ án hình sự.

Tại Điều 12 Thông tư số 01/2016/TT- BCA ngày 04/01/2016 của Bộ Công an quy định nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ của Cảnh sát giao thông, quy định cụ thể về các trường hợp lực lượng Cảnh sát giao thông được dừng phương tiện để kiểm tra, xử lý các phương tiện vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ. Qua kiểm tra, xử lý các phương tiện vi phạm nếu phát hiện có vi phạm “không làm thủ tục đăng ký sang tên xe” thì lực lượng Cảnh sát giao thông sẽ phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ có liên quan xác minh, làm rõ. Việc mượn xe, thuê xe hay vợ chồng điều khiển xe của nhau, con lấy xe bố, mẹ để di chuyển… không bị xử phạt với hành vi không làm thủ tục đăng ký sang tên xe.

63. Cử tri tỉnh Phú Thọ kiến nghị: Cử tri cho rằng: Trong khi tình hình an ninh trật tự ở các xã phức tạp, công an xã luôn phải đối diện với những tình huống nguy hiểm đến sức khỏe, tính mạng thì chế độ lương đối với lực lượng công an xã hoạt động không chuyên trách từ phó công an xã trở xuống không vượt quá hệ số lương 1,0 là thấp. Vì vậy, việc tuyển dụng công an xã gặp nhiều khó khăn, không thu hút được những người trẻ tuổi, có chuyên môn tham gia. Cử tri đề nghị có chính sách phù hợp để phát triển lực lượng công an xã, đáp ứng yêu cầu bảo vệ an ninh, trật tự tại địa phương, tăng phụ cấp cho Công an xã và hỗ trợ kinh phí hoạt động, chế độ phụ cấp hàng tháng cho Phó Trưởng Công an xã, Phó ban Chỉ huy Quân sự xã, Đồng thời hỗ trợ 100% mức đóng bảo hiểm y tế. Vì quy định mức phụ cấp như hiện nay là rất thấp.

Trả lời: (Tại Công văn số 857/BCA-V11 ngày 26 tháng 4 năm 2017)

Điều 18, Điều 19 và Điều 23 của Pháp lệnh Công an xã; Điều 7, Điều 8, Nghị định số 73/2009/NĐ-CP, ngày 07/9/2009 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Công an xã và Điều 1, Nghị định số 29/2013/NĐ-CP, ngày 08/4/2013 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2009/NĐ-CP ngày 22/10/2009 về chức danh, số lượng và một số chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã; đều quy định: Chế độ chính sách đối với Công an xã thuộc trách nhiệm của Ủy ban nhân dân, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh. Vì vậy, đề nghị Đoàn đại biểu Quốc hội chuyển nội dung kiến nghị đến Ủy ban nhân dân, Hội đồng nhân dân tỉnh Phú Thọ để được giải quyết.

Hiện nay, dự thảo Luật Công an xã đang được cơ quan chủ trì soạn thảo, phối hợp với các bộ, ngành nghiên cứu, đề xuất theo hướng bố trí biên chế Công an xã chuyên trách cân đối trong tổng biên chế của lực lượng Công an nhân dân. Theo đó, dự thảo Luật quy định việc điều động sĩ quan Công an nhân dân đảm nhiệm chức danh Trưởng Công an xã và Phó trưởng Công an xã. Đối với các xã trọng điểm, phức tạp về an ninh, trật tự sẽ điều động sĩ quan, hạ sĩ quan Công an nhân dân đảm nhiệm chức danh Công an viên. Đối với người hoạt động không chuyên trách (hiện nay gọi là Công an xã), dự thảo Luật sẽ bổ sung các quy định về chế độ, chính sách nhằm khuyến khích, động viên và phát huy hiệu quả hoạt động của lực lượng này.

64. Cử tri tỉnh Tiền Giang kiến nghị: Cử tri kiến nghị trong việc ban hành các quy định hướng dẫn cần thiết để thực hiện việc mua BHYT và BHXH cho lực lượng công an viên ở cơ sở. Bởi, tại Khoản 1 Điều 19 của Pháp lệnh công an xã được Ủy ban thường vụ Quốc hội Khóa 12 ban hành ngày 21/11/2008 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2009 quy định: “Trưởng Công an xã, Phó Trưởng công an xã và Công an viên thực hiện bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật.” Tuy nhiên, đến nay đã hơn 9 năm kể từ khi Pháp lệnh này có hiệu lực, các quy định này vẫn chưa thực hiện được bởi còn thiếu các hướng dẫn chi tiết từ phía các cơ quan có thẩm quyền đã gây rất nhiều thiệt thòi cho lực lượng này, trong khi tình hình tội phạm không chỉ ở các đô thị mà ở các nông thôn cũng đang diễn biến phức tạp và ẩn chứa nhiều nguy hiểm. Hơn nữa, hoạt động của lực lượng công an viên hiện nay chỉ hưởng phụ cấp chứ không hưởng lương và mức này rất thấp, nên việc sớm ban hành các quy định là nhu cầu cấp thiết để khuyến khích, động viên lực lượng này yên tâm công tác, giữ gìn an ninh trật tự tại địa bàn nông thôn trong cả nước.

Trả lời: (Tại Công văn số 856/BCA-V11 ngày 26 tháng 4 năm 2017)

Tại Điều 1, Nghị định số 29/2013/NĐ-CP, ngày 08/4/2013 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2009/NĐ-CP, ngày 22/10/2009 về chức danh, số lượng và một số chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, quy định: Chế độ chính sách đối với Công an xã thuộc trách nhiệm của Ủy ban nhân dân, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh. Vì vậy, đề nghị Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang chuyển kiến nghị trên đến Ủy ban nhân dân, Hội đồng nhân dân tỉnh Tiền Giang để được giải quyết.

Hiện nay, dự thảo Luật Công an xã đang được cơ quan chủ trì soạn thảo, phối hợp với các bộ, ngành nghiên cứu, đề xuất theo hướng bố trí biên chế Công an xã chuyên trách cân đối trong tổng biên chế của lực lượng Công an nhân dân. Theo đó, dự thảo Luật quy định việc điều động sĩ quan Công an nhân dân đảm nhiệm chức danh Trưởng Công an xã và Phó trưởng Công an xã. Đối với các xã trọng điểm, phức tạp về an ninh, trật tự sẽ điều động sĩ quan, hạ sĩ quan Công an nhân dân đảm nhiệm chức danh Công an viên. Đối với người hoạt động không chuyên trách (hiện nay gọi là Công an xã), dự thảo Luật sẽ bổ sung các quy định về chế độ, chính sách nhằm khuyến khích, động viên và phát huy hiệu quả hoạt động của lực lượng này.

65. Cử tri tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu kiến nghị: Cử tri đề nghị Bộ Công an và các cơ quan chức năng hướng dẫn người cao tuổi khi làm thủ tục căn cước công dân đối với những người không có giấy khai sinh. Khi làm căn cước công dân, ngành công an đòi phải về quê xác minh ngày tháng năm sinh, đã gây khó khăn, tốn kém cho người dân khi dời nơi sinh đến địa phương khác sinh sống

Trả lời: (Tại Công văn số 871/BCA-V11 ngày 26 tháng 4 năm 2017)

Để tạo điều kiện thuận lợi cho người cao tuổi, bệnh tật, già yếu không có giấy khai sinh khi làm thủ tục cấp Căn cước công dân, Cục Cảnh sát đăng ký quản lý cư trú và dữ liệu quốc gia về dân cư/Bộ Công an đã có văn bản số: 1031/C72-P3, ngày 18/8/2016 hướng dẫn bổ sung ngày, tháng sinh đối với người lớn tuổi, bệnh tật, già yếu, như sau: Trường hợp người lớn tuổi, bệnh tật, già yếu không có điều kiện về nơi đăng ký khai sinh để bổ sung ngày, tháng sinh vào giấy khai sinh thì Công an nơi tiếp nhận hồ sơ cấp Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân hướng dẫn công dân đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của công dân để đề nghị giải quyết đăng ký, thay đổi, bổ sung hộ tịch, hoặc ủy quyền cho người khác thực hiện thay. Sau khi công dân đã thực hiện việc đăng ký, thay đổi, bổ sung hộ tịch và điều chỉnh thông tin về ngày, tháng sinh trong sổ hộ khẩu thì cơ quan Công an nơi tiếp nhận hồ sơ làm thủ tục cấp Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân theo quy định.

66. Cử tri tỉnh Quảng Bình, Bình Dương kiến nghị: Cử tri tiếp tục phản ánh, hiện nay tình trạng bạo lực do sử dụng các chất ma túy ngày càng gia tăng, đề nghị Bộ Công an tăng cường hoạt động đấu tranh phòng chống tội phạm ma túy một cách quyết liệt hơn nữa; đồng thời, phối hợp với các bộ, ngành, các lực lượng liên quan trong việc quản lý, kiểm soát sử dụng vũ khí, vật liệu nổ.

Trả lời: (Tại Công văn số 888/BCA-V11 ngày 27 tháng 4 năm 2017)

1. Về công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy

Thời gian qua, thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về đấu tranh, phòng, chống và kiểm soát ma túy, Bộ Công an đã chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương chủ động tham mưu với cấp ủy, chính quyền các cấp nhiều chủ trương, giải pháp đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy; tổ chức các cao điểm tấn công trấn áp tội phạm ma túy và đã đạt được những kết quả tích cực. Năm 2016, lực lượng Công an đã phát hiện, bắt giữ 18.742 vụ, 28.970 đối tượng phạm tội về ma túy; thu giữ 513,58kg heroin, 383.373 viên ma túy tổng hợp, 1.356,51kg cần sa; triệt phá nhiều đường dây mua bán, vận chuyển ma túy lớn. Tuy nhiên, hoạt động của tội phạm ma tuý vẫn diễn biến phức tạp cả về tính chất và mức độ phạm tội, với nhiều thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt, manh động, sẵn sàng sử dụng “vũ khí nóng” chống trả khi bị phát hiện, truy bắt.

Trước tình hình trên, Bộ Công an chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương tập trung thực hiện một số giải pháp trọng tâm sau:

- Tham mưu với cấp ủy, chính quyền các cấp thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Nhà nước về công tác phòng, chống tội phạm ma túy, gắn với Chiến lược quốc gia phòng, chống tội phạm giai đoạn 2016 - 2025, định hướng đến năm 2030, Chương trình mục tiêu đảm bảo trật tự an toàn giao thông, phòng cháy, chữa cháy, phòng, chống tội phạm và ma túy giai đoạn 2016 - 2020... nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy.

- Tăng cường phối hợp tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống ma túy, tác hại của các loại ma túy tổng hợp, cách nhận biết về phương thức, thủ đoạn hoạt động của loại tội phạm này đến quần chúng nhân dân để phòng ngừa và quản lý con em trong gia đình không bị lôi kéo vào sử dụng và hoạt động phạm tội; không sản xuất, tự chế các loại vũ khí, các chất nổ. Phát huy và nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến; thực hiện có hiệu quả Đề án xây dựng xã, phường, thị trấn không tệ nạn ma túy.

- Nâng cao hiệu quả công tác lập hồ sơ đưa đối tượng vào cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng, trung tâm cai nghiện; thực hiện tốt chủ trương tái hòa nhập cộng đồng đối với người sau cai nghiện, tăng cường công tác giáo dục, dạy nghề, hướng nghiệp, tạo việc làm nhằm giúp họ nhanh chóng hòa nhập, tránh nguy cơ tái nghiện.

- Tiếp tục triển khai các cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm ma túy, tội phạm buôn lậu vũ khí, vật liệu nổ, tập trung ở các tuyến, địa bàn trọng điểm; mở rộng và nâng cao hiệu quả hợp tác với các nước, các tổ chức quốc tế, tăng cường phối hợp với các lực lượng chức năng (Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển, Hải quan...) phát hiện, triệt phá các tổ chức, đường dây mua bán, vận chuyển ma túy lớn, hoạt động liên tỉnh, xuyên quốc gia.

- Tiếp tục phối hợp nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện hệ thống pháp luật nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác giám định hàm lượng chất ma túy, lập hồ sơ đề nghị đưa người nghiện ma túy vào cơ sở cai nghiện bắt buộc… tạo hành lang pháp lý phù hợp, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống tội phạm và tệ nạn ma túy trong tình hình mới.

2. Về quản lý, kiểm soát sử dụng vũ khí, vật liệu nổ.

Thời gian qua, Bộ Công an đã chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương tăng cường đấu tranh triệt phá nhiều vụ vận chuyển, mua bán trái phép vũ khí, vật liệu nổ số lượng lớn tại Lai Châu, Hải Dương, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Quảng Nam, Tây Ninh, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng; vũ khí được mua bán trái phép chủ yếu qua Internet, mạng xã hội, vận chuyển trái phép qua biên giới đường bộ, đường hàng không và sản xuất trong nước. Tăng cường vận động, thu hồi vũ khí, vật liệu nổ trong dân (năm 2016, đã thu hồi 1.121 súng các loại, 181 công cụ hỗ trợ, 13.981 viên đạn, 10 quả mìn, 10 quả bom, 206 lựu đạn, 120 đầu đạn, 53 quả đạn, 386 kg thuốc nổ, 432 kíp nổ, 163m dây cháy chậm và 1.177 vũ khí thô sơ).

   Để nâng cao hiệu quả công tác quản lý, kiểm soát vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, Bộ Công an chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương tập trung thực hiện một số công tác trọng tâm sau:

- Tham mưu với cấp ủy, chính quyền các cấp chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị định số 25/2012/NĐ-CP, ngày 05/4/2012 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; Thông tư số 31/2012/TT-BCA, ngày 29/5/2012 quy định chi tiết việc tiếp nhận, thu gom, phân loại, bảo quản, thanh lý, tiêu hủy vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.

- Tiếp tục mở các cao điểm đấu tranh phòng, chống tội phạm theo chuyên đề, hệ loại đối tượng, giải quyết những vấn đề phức tạp nổi lên về tội phạm hình sự trên các tuyến, địa bàn trọng điểm, kiên quyết không để tồn tại các tụ điểm về hình sự, không để tội phạm lộng hành, gây bức xúc trong nhân dân. Tập trung đấu tranh với tội phạm sử dụng vũ khí, vật liệu nổ gây án, tội phạm có tổ chức hoạt động theo kiểu “xã hội đen”, siết nợ, đòi nợ thuê, tội phạm, tệ nạn ma túy, cờ bạc, mại dâm.

- Chủ động phối hợp với các ngành chức năng tăng cường công tác tuyên truyền, vận động quần chúng không sản xuất, tự chế các loại vũ khí, chất nổ, chủ động giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ theo quy định. Duy trì và nâng cao hiệu quả mô hình tổ công tác phối hợp các lực lượng trong phòng, chống tội phạm.

- Phối hợp hoàn chỉnh Dự án Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ để trình Quốc hội khóa XIV thông qua tại Kỳ họp thứ 3, nhằm tạo hành lang pháp lý trong công tác quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ chặt chẽ, hiệu quả hơn.

67. Cử tri tỉnh Nghệ An kiến nghị: Cử tri đề nghị xây dựng và sớm ban hành Luật Công an xã, đồng thời quan tâm biên chế cho cấp phó Công an xã và phụ cấp chế độ hoạt động của vùng đặc thù, tăng số lượng Công an thường trực từ 5 đến 7 người để đáp ứng tình hình nhiệm vụ. Luật nên có quy định rõ ràng việc tổ chức đào tạo Công an viên, kinh phí đào tạo Công an viên nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của lực lượng này và từng bước đưa lực lượng này vào nền nếp trong tương lai. Về chế độ, chính sách đối với Công an xã, đề nghị ngang bằng như chế độ, chính sách đối với dân quân tự vệ được quy định trong Luật Dân quân tự vệ.

Trả lời: (Tại Công văn số 847/BCA-V11 ngày 26 tháng 4 năm 2017)

Hiện nay, dự thảo Luật Công an xã đang được cơ quan chủ trì soạn thảo, phối hợp với các bộ, ngành nghiên cứu, đề xuất theo hướng bố trí biên chế Công an xã chuyên trách cân đối trong tổng biên chế của lực lượng Công an nhân dân. Theo đó, dự thảo Luật quy định việc điều động sĩ quan Công an nhân dân đảm nhiệm chức danh Trưởng Công an xã và Phó trưởng Công an xã. Đối với các xã trọng điểm, phức tạp về an ninh, trật tự sẽ điều động sĩ quan, hạ sĩ quan Công an nhân dân đảm nhiệm chức danh Công an viên. Đối với người hoạt động không chuyên trách (hiện nay gọi là Công an xã), dự thảo Luật sẽ bổ sung các quy định về chế độ, chính sách nhằm khuyến khích, động viên và phát huy hiệu quả hoạt động của lực lượng này.

68. Cử tri tỉnh Long An kiến nghị: Cử tri kiến nghị Bộ Công An tiếp tục chỉ đạo các địa phương tăng cường công tác đấu tranh các loại tội phạm hình sự, ma túy; có kế hoạch phối hợp, quản lý có hiệu quả các Trung tâm cai nghiện tránh tình trạng học viên gây mất trật tự và bỏ trốn như thời gian qua.

Trả lời: (Tại Công văn số 865/BCA-V11 ngày 26 tháng 4 năm 2017)

1. Về tăng cường công tác đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm hình sự, ma túy

Những năm qua, lực lượng Công an đã tập trung tham mưu với cấp ủy, chính quyền các cấp chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân trong công tác phòng, chống tội phạm, liên tục triển khai các chương trình, kế hoạch, biện pháp phòng ngừa, đấu tranh, kiềm chế sự gia tăng của các loại tội phạm, góp phần giữ vững an ninh, trật tự của đất nước. Năm 2016, lực lượng Công an đã điều tra, khám phá 42.799 vụ án, 73.796 đối tượng xâm phạm trật tự xã hội; 20.705 vụ, 31.413 đối tượng phạm tội về ma túy; các vụ án đặc biệt nghiêm trọng đều được khẩn trương điều tra, khám phá, kịp thời đưa ra truy tố, xét xử trước pháp luật.

Tuy nhiên, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật, nhất là các loại tội phạm hình sự, ma túy còn diễn biến phức tạp. Để nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh, phòng ngừa tội phạm, Bộ Công an chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương tập trung thực hiện một số công tác trọng tâm sau:

- Tham mưu với cấp ủy, chính quyền các cấp chỉ đạo tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chủ trương của Đảng, Nhà nước, các Nghị quyết của Quốc hội về đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo đảm an ninh, trật tự, nhằm huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội.

- Phối hợp chặt chẽ với các ngành, đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức pháp luật trong nhân dân; phát động nhân dân tham gia xây dựng khu dân cư văn hóa, các mô hình tự quản; quản lý, giáo dục các trường hợp có nguy cơ cao phạm tội. Triển khai thực hiện có hiệu quả các kế hoạch, chương trình phối hợp với các bộ, ban, ngành trong công tác đấu tranh, phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm.

- Triển khai quyết liệt các biện pháp đấu tranh, phát hiện, xử lý tội phạm; tổ chức các cao điểm tấn công trấn áp tội phạm hình sự, ma túy, tập trung ở các tuyến, địa bàn trọng điểm, nhất là tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc, Việt Nam - Lào; phối hợp với các nước có chung đường biên giới và các cơ quan chức năng (Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển, Hải quan...) nhằm huy động tối đa lực lượng, phương tiện phát hiện, đấu tranh với các tổ chức, đường dây mua bán, vận chuyển ma túy lớn, hoạt động liên tỉnh, xuyên quốc gia; triệt phá các tụ điểm phức tạp về ma túy, nhất là ma túy tổng hợp dạng đá tại các nhà hàng, khách sạn, quán karaoke...; đẩy mạnh truy bắt đối tượng truy nã về hình sự, ma túy đang lẩn trốn ngoài xã hội.

- Nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tự, nhất là quản lý vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự. Thực hiện có hiệu quả Đề án xây dựng xã, phường, thị trấn không tệ nạn ma túy. Nâng cao hiệu quả công tác lập hồ sơ đưa đối tượng vào cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng, trung tâm cai nghiện; thực hiện tốt chủ trương tái hòa nhập cộng đồng đối với người sau cai nghiện, tăng cường công tác giáo dục, dạy nghề, hướng nghiệp, tạo việc làm, giúp họ nhanh chóng hòa nhập, tránh nguy cơ tái nghiện.

- Tổ chức thực hiện có hiệu quả các quy định về tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm; thiết lập và duy trì hoạt động của các đường dây “nóng” (điện thoại, email), hòm thư tố giác tội phạm để tiếp nhận, xử lý kịp thời mọi thông tin, tài liệu liên quan đến tội phạm. Điều tra và điều tra mở rộng, đề ngị đưa ra xét xử nghiêm khắc các trường hợp phạm tội, phối hợp mở các phiên toàn lưu động đối với các đối tượng phạm tội hình sự, ma túy nhằm tăng tính răn đe và phòng ngừa tội phạm.

2. Về công tác phối hợp, quản lý có hiệu quả các trung tâm cai nghiện tránh tình trạng học viên gây mất trật tự và bỏ trốn thời gian qua.

Thực hiện Công điện số 1995/CĐ-TTg ngày 07/11/2016 của Chính phủ về “tăng cường công tác quản lý, cai nghiện trong các cơ sở cai nghiện ma túy”, Bộ Công an đã thường xuyên chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương phối hợp chặt chẽ với ngành Lao động, Thương binh và Xã hội tăng cường bảo đảm an ninh, trật tự tại các khu vực có cơ sở cai nghiện ma túy, xử lý nghiêm những hành vi vi phạm pháp luật; tăng cường lực lượng, biện pháp, phối hợp bảo đảm ổn định trật tự trong các trung tâm cai nghiện cũng như truy bắt tìm được những người nghiện bỏ trốn khỏi trung tâm cai nghiện, góp phần đưa công tác cai nghiện có hiệu quả, bảo đảm an ninh, trật tự tại địa bàn.

69. Cử tri tỉnh Long An kiến nghị: Hiện nay, tỷ lệ người được đặc xá tái phạm ngày càng tăng, trở thành mối lo ngại trong cộng đồng. Đề nghị cần có biện pháp hỗ trợ người được đặc xá tái hòa nhập xã hội hiệu quả hơn.

Trả lời: (Tại Công văn số 866/BCA-V11 ngày 26 tháng 4 năm 2017)

Thực hiện Nghị định số 80/2011/NĐ-CP, ngày 16/9/2011 quy định các biện pháp bảo đảm tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù, Bộ Công an đã ban hành Thông tư số 71/2012/TT-BCA, ngày 27/11/2012 quy định về phân công trách nhiệm và quan hệ phối hợp giữa các đơn vị Công an nhân dân trong việc thực hiện công tác tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù; chỉ đạo các trại giam tiếp tục đổi mới nội dung, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý, giáo dục cải tạo phạm nhân; thành lập Trung tâm dạy nghề, hướng nghiệp cho phạm nhân; lập Quỹ tái hòa nhập cộng đồng trích từ kết quả lao động của phạm nhân, nhằm giúp họ có điều kiện thuận lợi tái hòa nhập cộng đồng. Công an các đơn vị, địa phương tham mưu với cấp ủy, chính quyền các cấp chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Nghị định số 80/2011/NĐ-CP; tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cộng đồng và tổ chức tiếp nhận, quản lý giáo dục người chấp hành xong án phạt tù ngay từ khi họ trở về địa phương.

Tuy nhiên, theo thống kê từ năm 2002 - 2015, tổng số người chấp hành xong án phạt tù về địa phương cư trú là 275.274, trong đó 226.434 người có việc làm, chiếm 82,26%; 48.840 người chưa có việc làm, chiếm 17,74%; 79.906 người tái phạm, chiếm 29,03%;  3.249 người đặc xá tái phạm, chiếm 1,18%. Nguyên nhân chủ yếu là do: (1) Số lượng người chấp hành xong án phạt tù trong những năm qua tăng nhanh, gây áp lực rất lớn cho công tác quản lý tái hòa nhập cộng đồng. (2) Đa số người chấp hành xong án phạt tù hiểu biết về pháp luật còn hạn chế, không có việc làm, thu nhập không ổn định, bị đối tượng xấu lôi kéo, dẫn đến tái phạm tội. (3) Một số cấp ủy, chính quyền địa phương chưa thực sự quan tâm chỉ đạo công tác tái hòa nhập cộng đồng; chưa huy động được các ngành, các cấp, các tổ chức xã hội và cộng đồng dân cư tham gia quản lý, giám sát, giáo dục, trợ giúp người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương.

Để công tác quản lý, giáo dục, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng đạt hiệu quả, đòi hỏi phải có sự tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Bộ Công an tiếp tục chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương thực hiện một số công tác trọng tâm sau:

(1) Tham mưu với cấp ủy, chính quyền chỉ đạo các ban, ngành, tổ chức xã hội, đoàn thể làm tốt công tác tiếp nhận, phối hợp giám sát, quản lý, giáo dục, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia quản lý, giáo dục, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù; kịp thời phát hiện, tố giác tội phạm, giúp lực lượng Công an triệt xóa các băng, nhóm tội phạm, các tụ điểm về tệ nạn xã hội, góp phần tạo môi trường an toàn, lành mạnh và tạo điều kiện cho người chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng.

 (2) Phối hợp chặt chẽ với ngành Lao động - Thương binh và Xã hội triển khai thực hiện Dự án “Tăng cường năng lực giáo dục dạy nghề cho phạm nhân các trại giam”; phối hợp với Trung ương Hội Luật gia Việt Nam tổ chức phổ biến, giáo dục, tư vấn pháp luật, hỗ trợ cho phạm nhân sắp chấp hành xong án phạt tù, người chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng; phối hợp với Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam trong việc giáo dục phạm nhân trong độ tuổi thanh niên và giúp đỡ họ tái hòa nhập cộng đồng.

(3) Xây dựng và nhân rộng các mô hình hiệu quả trong quản lý, giáo dục, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng. Vận động, khuyến khích các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân nhất là các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, thu hút người chấp hành xong án phạt tù tham gia lao động để có điều kiện tự rèn luyện, phấn đấu trở thành công dân tốt.

 (4) Thường xuyên rà soát, phân loại, cập nhật, trao đổi thông tin và hướng dẫn người chấp hành xong án phạt tù đăng ký hộ khẩu, cấp thẻ căn cước công dân, cấp phiếu lý lịch tư pháp, chủ động quản lý, giám sát, giúp đỡ, không để họ tái phạm tội. Xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các trường hợp tái phạm tội sau khi được mãn hạn tù hoặc được đặc xá.

70. Cử tri TP Hồ Chí Minh kiến nghị: Chính phủ và các Bộ ngành chức năng chấp thuận cho thành phố Hồ Chí Minh bố trí lực lượng công an chính quy tại địa bàn các xã, phường, thị trấn để đảm bảo công tác quản lý trật tự an toàn xã hội; quan tâm bổ sung trang thiếu bị phương tiện kỹ thuật cho lực lượng Cảnh sát giao thông và các lực lượng vũ trang khác để đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ. Đồng thời quan tâm đến các chế độ chính sách, đặc biệt là chế độ chính sách về tiền lương, về nhà ở cho cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang để họ yên tâm công tác.

Trả lời: (Tại Công văn số 859/BCA-V11 ngày 26 tháng 4 năm 2017)

Căn cứ Nghị định số 106/2014/NĐ-CP, ngày 17/11/2014 của Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công an đã quy định: Công an phường được bố trí lực lượng Công an chính quy. Thông tư số 15/2010/TT-BCA, ngày 24/5/2010 của Bộ Công an về điều động sỹ quan, hạ sỹ quan Công an nhân dân đảm nhiệm các chức danh Công an xã ở các xã trọng điểm, phức tạp về an ninh, trật tự, quy định: Giám đốc Công an chủ động nghiên cứu, áp dụng việc bố trí lực lượng Công an chính quy đảm nhiệm các chức danh Công an xã tại các xã, thị trấn được Bộ Công an xác định là địa bàn trọng điểm, phức tạp về an ninh trật tự. Riêng đối với thị trấn có tình hình an ninh, trật tự phức tạp, Bộ Công an đã quy định Công an cấp tỉnh khi xét thấy cần thiết có thể báo cáo, đề xuất Bộ trưởng Bộ Công an quyết định bố trí Công an chính quy tại các thị trấn (thực hiện chức năng, nhiệm vụ như Công an phường).

Hiện nay, 100% số xã thuộc 05 huyện và 05 thị trấn của Thành phố Hồ Chí Minh đã được Bộ Công an xác định là địa bàn trọng điểm, phức tạp về an ninh, trật tự. Công an Thành phố Hồ Chí Minh đã bố trí Công an chính quy tại 52/58 xã đảm nhiệm các chức danh Trưởng Công an và Phó Trưởng Công an xã; bố trí Công an chính quy thực hiện chức năng, nhiệm vụ như Công an phường tại 05 thị trấn.

Bộ Công an luôn cố gắng, huy động mọi nguồn lực để đầu tư, trang bị phương tiện kỹ thuật, từng bước hiện đại cho lực lượng Công an nhân dân nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra hiện nay. Đồng thời, chủ động phối hợp với các bộ, ngành nghiên cứu, đề xuất nhiều chế độ ưu tiên, đặc thù cho lực lượng Công an nhân dân, nhất là những chế độ về tiền lương, nhà ở. Chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương rà soát, nắm tình hình nhu cầu nhà ở của cán bộ, chiến sỹ để đề nghị cấp ủy, chính quyền các địa phương quan tâm, tạo điều kiện hỗ trợ quỹ đất, nhà ở; liên kết, phối hợp triển khai thực hiện các dự án đầu tư, xây dựng nhà ở cho cán bộ, chiến sỹ từ mọi nguồn lực và có chính sách hỗ trợ cán bộ, chiến sỹ thuê, mua nhà đất.

71. Cử tri TP Hồ Chí Minh kiến nghị: Khoản 2 Điều 32 Luật Cư trú quy định Người trong độ tuổi làm nghĩa vụ quân sự, dự bị động viên đi khỏi huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh nơi mình cư trú từ ba tháng trở lên có trách nhiệm khai báo tạm vắng. Khoản 4 Điều 1 Thông tư số 07/2013/TT-BCA ngày 30/1/2013 Sửa đổi, bổ sung một số điểm của Thông tư số 27/2007/TT-BCA ngày 29/11/2007 của Bộ Công an hướng dẫn việc cấp, sửa đổi, bổ sung hộ chiếu phổ thông ở trong nước quy định “Tờ khai không phải xác nhận của Công an xã, phường, thị trấn nơi thường trú hoặc tạm trú”. Điều này ảnh hưởng rất nhiều đến công tác quản lý đăng ký gọi công dân nhập ngũ, điều động quân nhân dự bị động viên huấn luyện. Kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ ngành liên quan có văn bản hướng dẫn đối với công dân nam trong độ tuổi thi hành nghĩa vụ quân sự, pháp lệnh dự bị động viên từ 18 đến 45 tuổi, khi di chuyển khỏi địa phương trên 10 ngày phải thông báo với địa phương nơi cư trú biết và khi làm tờ khai, hồ sơ xuất nhập cảnh, tờ khai phải có xác nhận của Công an xã, phường, thị trấn nơi thường trú hoặc tạm trú.

Trả lời: (Tại Công văn số 864/BCA-V11 ngày 26 tháng 4 năm 2017)

Căn cứ khoản 2, Điều 32, Luật Cư trú quy định: Người trong độ tuổi làm nghĩa vụ quân sự, dự bị động viên đi khỏi huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh nơi mình cư trú từ ba tháng trở lên có trách nhiệm khai báo tạm vắng. Do vậy, đối với công dân nam trong độ tuổi thi hành nghĩa vụ quân sự, dự bị động viên từ 18 - 45 tuổi phải thực hiện theo đúng luật Cư trú, Bộ Công an không thể đề xuất như kiến nghị của cử tri.

Khoản 1, Điều 4 Thông tư 07/2013/TT-BCA ngày 30/01/2013 của Bộ Công an “Sửa đổi, bổ sung một số điểm của Thông tư số 27/2007/TT-BCA ngày 29/11/2007 của Bộ Công an hướng dẫn việc cấp, sửa đổi, bổ sung hộ chiếu phổ thông ở trong nước và Thông tư số 10/2006/TT-BCA của Bộ Công an hướng dẫn thực hiện quy chế cấp và quản lý thẻ đi lại của doanh nhân APEC” quy định “Tờ khai không phải xác nhận của Công an xã, phường, thị trấn nơi thường trú hoặc tạm trú”. Tuy nhiên, khi nộp hồ sơ, người đề nghị cấp hộ chiếu phải xuất trình Chứng minh nhân dân còn giá trị sử dụng, nếu tạm trú phải xuất trình thêm sổ tạm trú do cơ quan có thẩm quyền cấp… Quy định như vậy là bảo đảm chặt chẽ, phù hợp với quy định tại Điều 23, Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; đồng thời, nhằm đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho công dân.

72. Cử tri TP Hồ Chí Minh kiến nghị: Kiến nghị Bộ công an cho thành lập Trung tâm tiếp nhận và xử lý tai nạn, sự cố, yêu cầu cứu nạn, cứu hộ đặt tại Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy trên cơ sở Trung tâm thông tin chỉ huy hiện tại của Cảnh sát PCCC. Cụ thể, đầu tư, nâng cấp Tổng đài 114 (có liên thông kết nối với các Tổng đài 113 và 115); đầu tư thiết lập kênh thông tin liên lạc vô tuyến giữa Cảnh sát PCCC với các lực lượng phối hợp trên địa bàn thành phố để thống nhất trong chỉ huy, điều hành khi xảy ra các tai nạn, sự cố, yêu cầu cứu nạn, cứu hộ.

Trả lời: (Tại Công văn số 858/BCA-V11 ngày 26 tháng 4 năm 2017)

Hiện nay, Trung tâm thông tin chỉ huy đặt tại Phòng Tham mưu của Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy Thành phố Hồ Chí Minh có nhiệm vụ tiếp nhận thông tin báo cháy và tiếp nhận, xử lý tai nạn, sự cố, yêu cầu cứu nạn, cứu hộ. Tổng đài 114 được kết nối liên thông, tiếp nhận, xử lý thông tin với các Tổng đài 113 và 115. Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy Thành phố Hồ Chí Minh đã được Bộ Công an hỗ trợ triển khai mạng thông tin vô tuyến kỹ thuật số thế hệ mới, trên cơ sở hạ tầng hệ thống thông tin vô tuyến vùng rộng chuẩn Tetra của Bộ Công an đầu tư tại Thành phố Hồ Chí Minh và một số địa phương lân cận; đồng thời, sử dụng mạng thông tin vô tuyến Analog chia tách từ Công an Thành phố Hồ Chí Minh.

Ngày 02/11/2016, Bộ Công an đã ban hành Thông tư số 45/2016/TT-BCA quy định về việc phối hợp công tác giữa Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trong đó có cơ chế trao đổi thông tin, phối hợp xử lý các vụ cháy, nổ, tai nạn, sự cố, yêu cầu cứu nạn, cứu hộ được quy định chi tiết, chặt chẽ thông qua hệ thống trực chỉ huy, trực ban tác chiến.

Như vậy, hoạt động của Trung tâm thông tin chỉ huy tại Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy Thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương hiện nay là phù hợp, cơ bản đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra hiện.

73.  Cử tri TP Hồ Chí Minh kiến nghị: Hiện nay, tình trạng phương tiện trang thiết bị kỹ thuật, phương tiện phục vục công tác PCCC và cứu nạn, cứu hộ của Cảnh sát PCCC Thành phố vẫn chưa đầy đủ làm ảnh hưởng đến hiệu quả công tác, chiến đấu; trang thiết bị bảo hộ cá nhân cho cán bộ, chiến sĩ trực tiếp chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ chưa được trang bị đáp ứng theo yêu cầu chiến đấu. Kiến nghị Chính phủ nên tăng mức chi từ ngân sách nhà nước trong việc đầu tư trang bị các phương tiện phục vụ công tác PCCC, cứu nạn, cứu hộ.

Trả lời: (Tại Công văn số 868/BCA-V11 ngày 26 tháng 4 năm 2017)

Về trang thiết bị kỹ thuật, phương tiện phục vụ công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ của Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy:

 Những năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các trang thiết bị, phương tiện về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đã được đầu tư, trang bị, góp phần từng bước nâng cao năng lực cho lực lượng Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy. Ngoài nguồn kinh phí ngân sách nhà nước cấp, Bộ Công an đã tích cực huy động các nguồn kinh phí khác như: nguồn vốn ODA từ chính phủ các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Áo, Phần Lan... nguồn viện trợ của các nước, các tổ chức quốc tế, nguồn xã hội hóa và nhiều địa phương đã sử dụng vốn ngân sách của địa phương để đầu tư, trang bị, nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu trang thiết bị, phương tiện về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trong tình hình hiện nay.

Bộ Công an xin ghi nhận kiến nghị của cử tri và sẽ xây dựng lộ trình cụ thể, báo cáo cấp có thẩm quyền về trang bị phương tiện phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cho các đơn vị, địa phương nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

74. Cử tri TP Hồ Chí Minh kiến nghị: Lực lượng làm công tác cứu nạn, cứu hộ của các đơn vị làm công tác PCCC hiện nay phải đảm nhận công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm như: cứu nạn, cứu hộ dưới nước, trên cao, trong các công trình bị sập đổ, thiên tai, bão lũ. Nhưng lực lượng cứu nạn, cứu hộ không nằm trong danh mục nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm trong lực lượng CAND được quy định tại Quyết định số 44/LĐTBXH-QĐ ngày 29/01/1997 của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và công văn số 103/X11-X33 ngày 04/01/2013. Kiến nghị Bộ Công an, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội bổ sung công việc trực tiếp cứu nạn, cứu hộ vào danh mục công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, đề xuất xếp loại VI (do công việc nặng nhọc, khẩn trương, nguy hiểm, căng thẳng thần kinh tâm lý, tiếp xúc trực tiếp với xác chết, môi trường ô nhiễm, các công trình sập đổ,…).

Trả lời: (Tại Công văn số /BCA-V11 ngày 26 tháng 4 năm 2017)

Về bổ sung công việc trực tiếp cứu nạn, cứu hộ vào danh mục công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm:

Trên cơ sở tính chất, đặc điểm về điều kiện làm việc thực tế của lực lượng làm công tác cứu nạn, cứu hộ, Bộ Công an đã có văn bản đề nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội bổ sung, điều chỉnh danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; trong đó, có lực lượng trực tiếp làm công tác cứu nạn, cứu hộ. Tuy nhiên, đến nay Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chưa có ý kiến phản hồi. Thời gian tới, Bộ Công an tiếp tục đề nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội bổ sung, điều chỉnh danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm đối với lực lượng trực tiếp làm công tác cứu nạn, cứu hộ như ý kiến đề nghị của cử tri.

75. Cử tri TP Hồ Chí Minh kiến nghị: Hiện nay, theo quy định ngành (Thông tư 63 của Bộ Công an), với số lượng cơ sở thuộc diện quản lý về PCCC như hiện nay thì biên chế của lực lượng Cảnh sát PCCC thành phố Hồ Chí Minh còn thiếu trên 200 cán bộ làm công tác hướng dẫn, kiểm tra an toàn PCCC. Bên cạnh đó, khi thành lập 05 Phòng Cảnh sát PCCC ở các quận, huyện còn lại và dự kiến thành lập 20 đội chữa cháy khu vực (theo lộ trình triển khai Dự án quy hoạch ngành PCCC trên địa bàn Thành phố đến năm 2025), cũng như thành lập các đơn vị cứu nạn, cứu hộ chuyên nghiệp thì đến năm 2020 biên chế sẽ thiếu hụt trầm trọng và sẽ ảnh hưởng đến cơ cấu tổ chức của lực lượng trong thời gian tới. Kiến nghị Bộ Công an cho phép Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy Thành phố tiêp tục tuyển dụng, bổ sung thêm biên chế.

Trả lời: (Tại Công văn số /BCA-V11 ngày 26 tháng 4 năm 2017)

Theo Thông tư số 63/2013/TT-BCA ngày 21/11/2013 của Bộ Công an quy định về điều lệnh kiểm tra của Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy thì biên chế của lực lượng Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy Thành phố Hồ Chí Minh còn thiếu trên 200 cán bộ làm công tác hướng dẫn, kiểm tra an toàn phòng cháy, chữa cháy. Tuy nhiên, thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW, ngày 17-4-2015 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (trong đó, nêu rõ từ nay đến năm 2021, các bộ, ban, ngành phải bảo đảm tinh giản tối thiểu 10% biên chế), Bộ Công an đã ban hành Kế hoạch số 186/KH-BCA ngày 27/7/2015 về thực hiện tinh giản biên chế trong Công an nhân dân; trong đó, yêu cầu Công an các đơn vị, địa phương từ năm 2015 đến năm 2021, mỗi năm các đơn vị phải tinh giản tối thiểu 1,5% tổng biên chế. Như vậy, việc tăng cường biên chế trong giai đoạn hiện nay hết sức khó khăn, đây là vấn đề trọng tâm cần giải quyết không chỉ riêng lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy mà cả lực lượng Công an nhân dân nói chung. Thời gian tới, Bộ Công an chỉ đạo các đơn vị chức năng tiếp tục rà soát lại đội ngũ cán bộ, bố trí công tác hợp lý, luân chuyển, điều động cán bộ từ nơi thừa biên chế đến nơi thiếu, theo hướng tăng cường cho các đơn vị trực tiếp chiến đấu. Đồng thời, quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, năng lực cho đội ngũ cán bộ.

76. Cử tri TP Hồ Chí Minh kiến nghị: Ngày 16/5/2011, Bộ Công an có văn bản số 1472/BCA-X11 về chủ trương thành lập các Phòng Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy quận, huyện trên địa bàn thành phố. Tuy nhiên, ngày 06/9/2016, Tổng cục Chính trị Công an nhân dân – Bộ Công an có văn bản số 10321/X11-X13 về việc thành lập Phòng, Đội thực hiện nhiệm vụ PCCC và cứu nạn, cứu hộ; trong đó nêu rõ chủ trương của Bộ Công an là tạm ngưng thành lập các Phòng, Đội thực hiện nhiệm vụ PCCC và cứu nạn, cứu hộ. Trong những năm gần đây, tình cháy nổ, cứu nạn, cứu hộ có xu thế gia tăng, tuy nhiên hệ thống mạng lưới các đơn vị, cơ sở của lực lượng PCCC Thành phố mặc dù được Thành phố đầu tư xây dựng nhưng vẫn còn chưa đảm bảo, khoảng cách các đơn vị còn xa, bán kính bảo vệ lớn, thời gian đưa lực lượng, phương tiện đến đám cháy, nơi xảy ra tai nạn, sự cố còn dài làm hiệu quả công tác PCCC và cứu nạn, cứu hộ bị ảnh hưởng đáng kể. Kiến nghị Bộ Công an tiếp tục cho phép Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy thành phố Hồ Chí Minh thành lập các Phòng Cảnh sát PCCC tại các quận, huyện còn thiếu và tiếp tục xây dựng các đội chữa cháy khu vực để rút ngắn bán kính bảo vệ.

Trả lời: (Tại Công văn số 868/BCA-V11 ngày 26 tháng 4 năm 2017)

Hiện nay, Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy thành phố Hồ Chí Minh có 31 đơn vị cấp phòng (12 phòng nghiệp vụ, 18 phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy quận, huyện và 01 Trung tâm Thiết bị phòng cháy và chữa cháy),  110 đơn vị cấp đội, trong đó có 28 đơn vị cấp đội trực tiếp thực hiện công tác chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ phụ trách địa bàn của 24 quận, huyện với diện tích 2.095 km2;. Với số lượng đơn vị như hiện nay, mạng lưới chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ còn mỏng, bán kính bảo vệ lớn, dẫn đến hiệu quả công tác chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ bị ảnh hưởng đáng kể nên việc thành lập thêm các Phòng và Đội Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy khu vực trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh là rất cần thiết. Tuy nhiên, để các Phòng và Đội này hoạt động hiệu quả, đáp ứng yêu cầu công tác thì phải đảm bảo các điều kiện cần thiết về biên chế, trụ sở, trang bị, phương tiện… Vì vậy, việc thành lập thêm các Phòng và Đội Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy khu vực cần được nghiên cứu, tính toán kỹ lưỡng, bảo đảm phù hợp với điều kiện hiện có về biên chế, cơ sở vật chất và trang bị phương tiện...

Để khắc phục vấn đề này, thời gian tới, Bộ Công an đã chỉ đạo Công an các đơn vị tiếp tục rà soát lại đội ngũ cán bộ, bố trí công tác hợp lý, luân chuyển, điều động cán bộ từ nơi thừa biên chế đến nơi thiếu, theo hướng tăng cường cho các đơn vị trực tiếp chiến đấu; tận dụng tối đa sức mạnh toàn dân, các lực lượng dân phòng, phòng cháy, chữa cháy cơ sở để tham gia thực hiện công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; nghiên cứu, xây dựng mô hình chữa cháy tình nguyện, thành lập các tổ, đội chữa cháy do nhân dân làm chủ, phối hợp với lượng lượng Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy xử lý các tình huống cháy, nổ góp phần khắc phục những khó khăn về biên chế trong tình hình hiện nay.

77. Cử tri TP Hồ Chí Minh kiến nghị: Về công tác cứu hộ, cứu nạn, hiện nay chỉ có Quyết định số 44/2012/QĐ-TTg ngày 15/10/2012 của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư số 65/2013/TT-BCA ngày 26/11/2013 quy định chi tiết thi hành một số điều của Quyết định số 44/2012/QĐ-TTg, cho nên việc triển khai chưa đầy đủ, rõ ràng, hiệu lực pháp luật chưa cao. Kiến nghị Quốc hội, Chính phủ sớm ban hành Luật, nghị định về lĩnh vực công tác này để thực hiện tốt hơn trong thời gian tới.

Trả lời: (Tại Công văn số 848/BCA-V11 ngày 26 tháng 4 năm 2017)

Dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định về công tác cứu nạn, cứu hộ của lực lượng phòng cháy, chữa cháy do Bộ Công an chủ trì soạn thảo đã được Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến. Bộ Công an đang khẩn trương tiếp thu chỉ đạo của Ủy ban thường vụ Quốc hội và hoàn thiện dự thảo Nghị định trình Chính phủ xem xét, ban hành.

78. Cử tri TP Hồ Chí Minh kiến nghị: Cử tri lo lắng trong thời gian gần đây có nhiều vụ cháy lớn trên cả nước để lại hậu quả nghiêm trọng về người và tài sản. Cử tri đề nghị Nhà nước cần quan tâm đầu tư trực thăng chữa cháy lớn ở các thành phố đông dân cư để kịp thời chữa cháy khi có xảy ra hỏa hoạn.

Trả lời: (Tại Công văn số 851/BCA-V11 ngày 26 tháng 4 năm 2017)

Hiện nay, Bộ Công an đang phối hợp với các Bộ, ngành xây dựng và hoàn chỉnh hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đầu tư trang bị máy bay trực thăng cho lực lượng Công an nhân dân. Sau khi Đề án được phê duyệt và có đủ các điều kiện bảo đảm cho hoạt động bay, Bộ Công an sẽ nghiên cứu, báo cáo đề xuất Thủ tướng xem xét trang bị máy bay trực thăng chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn tại các thành phố đông dân cư để kịp thời chữa cháy khi xảy ra hỏa hoạn.

79. Cử tri TP Hồ Chí Minh kiến nghị: Thành phố Hồ Chí Minh là đô thị lớn, có dân số đông, tốc độ đô thị hóa nhanh; ở khu vực nội thành mật độ dân số cao, bên cạnh những công trình dân sinh hiện đại vẫn còn tồn tại các khu dân cư tạm và nhiều cơ sở sản xuất, kho tàng có nguy cơ cháy nổ cao xen cài trong khu dân cư, phát sinh nhiều vấn đề liên quan dến công tác phòng cháy và chữa cháy mà các văn bản pháp luật, quy chuẩn về phòng cháy và chữa cháy chưa được đề cập. Kiến nghị Chính phủ cho phép thành phố Hồ Chí Minh ban hành và áp dụng các quy chuẩn phòng cháy và chữa cháy địa phương trên một số lĩnh vực, đối tượng đặc thù để điều chỉnh công tác phòng cháy và chữa cháy cho phù hợp với thực tế, đảm bảo an toàn phòng cháy và chữa cháy trên địa bàn thành phố.

Trả lời: (Tại Công văn số 868/BCA-V11 ngày 26 tháng 4 năm 2017)

Tại khoản 2, Điều 27 Luật tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, quy định: Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng và ban hành quy chuẩn, kỹ thuật địa phương để áp dụng trong phạm vi quản lý của địa phương đối với sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ và yêu cầu cụ thể về môi trường cho phù hợp với đặc điểm về địa lý, khí hậu, thủy văn, trình độ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Quy chuẩn kỹ thuật địa phương được ban hành sau khi được sự đồng ý của Bộ, cơ quan ngang Bộ được phân công quản lý, ban hành quy chuẩn, kỹ thuật tương ứng ở phạm vi cấp quốc gia.

Như vậy, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh được phép ban hành và áp dụng một số quy chuẩn phòng cháy và chữa cháy địa phương trên một số lĩnh vực, đối tượng đặc thù đối với địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, phải bảo đảm tuân thủ các quy định của Luật tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật.

80. Cử tri tỉnh Vĩnh Long kiến nghị: Cử tri phản ánh tình trạng mãi lộ, bán biển số xe đẹp đang diễn ra, đề nghị có biện pháp chấn chỉnh kịp thời.

Trả lời: (Tại Công văn số 890/BCA-V11 ngày 27 tháng 4 năm 2017)

- Xây dựng lực lượng Công an nhân dân trong sạch, vững mạnh là mục tiêu, yêu cầu và nhiệm vụ trọng tâm mà Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an luôn quán triệt thực hiện đối với Công an các đơn vị, địa phương; trong đó, có lực lượng Cảnh sát giao thông. Bộ Công an đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo về quản lý, ngăn chặn, xử lý sai phạm của cán bộ, chiến sỹ, như: Chỉ thị số 12/2011/CT-BCA ngày 28/9/2011 về tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, ngăn chặn, chấn chỉnh, xử lý vi phạm và các hiện tượng tiêu cực trong thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, chiến sĩ Công an; Thông tư số 16/TT-BCA ngày 08/4/2016 quy định việc xử lý kỷ luật cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân; Thông tư số 01/2016/TT- BCA ngày 04/01/2016 quy định nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ của Cảnh sát giao thông; Thông tư số 02/2016/TT- BCA ngày 04/01/2016 quy định về quy trình tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ của Cảnh sát giao thông... Nhìn chung, cán bộ, chiến sĩ lực lượng Cảnh sát giao thông đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, nỗ lực, tận tụy, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Năm 2016, có gần 700 lượt cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát giao thông không nhận hối lộ của lái xe, chủ hàng, góp phần nâng cao hiệu quả công tác và hình ảnh của cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân.

- Đối với Công tác đăng ký xe: Bộ Công an đã ban hành Thông tư số 15/2014/TT-BCA ngày 04/4/2014 quy định về đăng ký xe và Thông tư số 41/2016/TT-BCA ngày 12/10/2016 quy định quy trình đăng ký xe. Từ năm 2012 đến nay, Bộ Công an đã triển khai đăng ký cấp, đổi biển số và quản lý xe ôtô, môtô đều thực hiện trên mạng Internet trong phạm vi toàn quốc. Cơ sở dữ liệu này được quản lý tập trung tại Cục Cảnh sát giao thông, với hình thức chọn số ngẫu nhiên (không theo số thứ tự) trên máy vi tính, người dân khi đến điểm đăng ký xe sẽ được cán bộ đăng ký hướng dẫn thực hiện các thao tác bấm số, nhận số ngẫu nhiên. Hệ thống cơ sở dữ liệu đăng ký được quản lý chặt chẽ, cán bộ làm công tác đăng ký phương tiện không thể xâm nhập hệ thống kho biển số để lấy số xe theo ý muốn.

Thời gian tới, để phòng ngừa sai phạm, tiêu cực trong lực lượng Cảnh sát giao thông, Bộ Công an chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương tập trung thực hiện các giải pháp trọng tâm sau:

- Tiếp tục thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Chỉ thị số 18-CT/TW ngày 04-9-2012 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XI) về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông” và các văn bản chỉ đạo của Bộ Công an về tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, ngăn chặn, chấn chỉnh, xử lý vi phạm và các hiện tượng tiêu cực trong thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, chiến sĩ Công an.

- Đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, nêu cao tinh thần trách nhiệm, ý thức phục vụ nhân dân, chấp hành quy trình, chế độ công tác, điều lệnh Công an nhân dân của cán bộ, chiến sĩ. Tiếp tục cải cách thủ tục hành chính theo hướng công khai, minh bạch, để nhân dân chấp hành và ủng hộ, giúp đỡ lực lượng Cảnh sát giao thông.

- Tăng cường trang bị phương tiện, huấn luyện, đào tạo lực lượng Cảnh sát giao thông đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ. Chú trọng quản lý cán bộ, kiểm tra, thanh tra phát hiện và xử lý nghiêm, kịp thời các trường hợp sai phạm và trách nhiệm liên đới của lãnh đạo, chỉ huy. Quan tâm chế độ, chính sách, biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác.

81. Cử tri tỉnh Lào Cai kiến nghị: Đề nghị có chính sách đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng đối với Công an cấp huyện, trụ sở làm việc Công an phường, đồn, công an thị trấn; bổ sung trang thiết bị kỹ thuật, tăng biên chế cho lực lượng công an nhân dân để tăng cường cho công an cấp huyện; bổ sung kinh phí bồi dưỡng, huấn luyện công an xã hằng năm nhằm xây dựng toàn diện công an cấp huyệnd dáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đảm bảo an ninh, trật tự trong tình hình mới.

Trả lời: (Tại Công văn số 893/BCA-V11 ngày 27 tháng 4 năm 2017)

Tại Điều 18, Điều 19 và Điều 23 của Pháp lệnh Công an xã; Điều 7, Điều 8, Nghị định số 73/2009/NĐ-CP, ngày 07/9/2009 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Công an xã và Điều 1, Nghị định số 29/2013/NĐ-CP, ngày 08/4/2013 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2009/NĐ-CP ngày 22/10/2009 về chức danh, số lượng và một số chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, đều quy định: Chế độ chính sách đối với Công an xã thuộc trách nhiệm của Ủy ban nhân dân, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh. Vì vậy, đề nghị Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh chuyển nội dung kiến nghị đến Ủy ban nhân dân tỉnh, Hội đồng nhân dân tỉnh để được giải quyết.

Hiện nay, dự thảo Luật Công an xã đang được cơ quan chủ trì soạn thảo, phối hợp với các bộ, ngành nghiên cứu, đề xuất theo hướng bố trí biên chế Công an xã chuyên trách cân đối trong tổng biên chế của lực lượng Công an nhân dân. Theo đó, dự thảo Luật quy định việc điều động sĩ quan Công an nhân dân đảm nhiệm chức danh Trưởng Công an xã và Phó trưởng Công an xã. Đối với các xã trọng điểm, phức tạp về an ninh, trật tự sẽ điều động sĩ quan, hạ sĩ quan Công an nhân dân đảm nhiệm chức danh Công an viên. Đối với người hoạt động không chuyên trách (hiện nay gọi là Công an xã), dự thảo Luật sẽ bổ sung các quy định về chế độ, chính sách nhằm khuyến khích, động viên và phát huy hiệu quả hoạt động của lực lượng này.

 

 

 

 

Ban Dân nguyện

File download