29. Bộ Xây dựng

24/05/2017 14:37

1. Cử tri tỉnh Cần Thơ kiến nghị: Vừa qua, trật tự, kỷ cương Nhà nước ở nhiều nơi không nghiêm (điển hình như vụ nhà 8B Lê Trực - Hà Nội và nhiều vụ việc khác), đã gây bức xúc và giảm lòng tin trong Nhân dân. Kiến nghị cần có các giải pháp kiên quyết hơn để chấn chỉnh, lập lại kỷ luật, kỷ cương trong việc cấp phép xây dựng, xử lý, khắc phục hậu quả, làm rõ trách nhiệm tổ chức, cá nhân liên quan, nhằm tạo niềm tin trong Nhân dân và đảm bảo tính ”thượng tôn pháp luật”.

Trả lời: (Tại Công văn số 255/BXD-TTr ngày 15/2/2017)

Thực trạng công tác quản lý trật tự xây dựng đô thị tại một số địa phương thời gian qua có biểu hiện buông lỏng quản lý, dẫn đến những sai phạm nghiêm trọng, gây bức xúc trong dư luận (điển hình như vụ việc vi phạm trật tự xây dựng tại công trình 8B Lê Trực và một số vụ việc khác).

Nguyên nhân của tình trạng vi phạm trật tự kéo dài, chậm được xử lý là do lực lượng Thanh tra xây dựng tại các địa phương còn mỏng, chính quyền một số địa phương và lực lượng Thanh tra xây dựng trên địa bàn chưa làm hết trách nhiệm trong việc theo dõi, xử lý, đôn đốc việc thực hiện trật tự xây dựng. Bên cạnh đó, ở một số địa phương, tiến độ xây dựng các loại quy hoạch xây dựng theo quy định (nhất là quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết - công cụ quan trọng để quản lý đô thị) chưa được quan tâm đúng mức, thực hiện còn rất chậm.

Để góp phần chấn chỉnh, lập lại kỷ cương trật tự xây dựng đô thị, hiện nay Bộ Xây dựng đang trình Chính phủ ban hành Nghị định thay thế Nghị định số 180/2007/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Xây dựng về xử lý vi phạm trật tự xây dựng đô thị, Nghị định số 121/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng; kinh doanh bất động sản; khai thác, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; quản lý phát triển nhà và công sở. Đồng thời, để tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý trật tự xây dựng đô thị, yêu cầu chính quyền địa phương cần nâng cao hơn nữa trách nhiệm quản lý, phát hiện kịp thời vi phạm ngay từ giai đoạn khởi công xây dựng, ngăn chặn và xử lý dứt điểm vi phạm, không để tái diễn vi phạm; kiên quyết xử lý những cán bộ, công chức còn thiếu trách nhiệm, có biểu hiện bao che cho hành vi vi phạm. Mặt khác, các địa phương cần đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch xây dựng, quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị hoặc thiết kế đô thị là cơ sở cho việc cấp phép và quản lý xây dựng theo giấy phép.

Với trách nhiệm của mình, trong thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục tăng cường công tác phổ biến pháp luật; hướng dẫn, đôn đốc các địa phương đẩy nhanh tiến độ phủ kín quy hoạch xây dựng đô thị, nhất là quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết; phối hợp với các địa phương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, chấn chỉnh công tác quy hoạch, thực hiện quy hoạch và cấp phép xây dựng trên địa bàn cả nước.

2. Cử tri tp Hà Nội kiến nghị: Đề nghị ban hành Nghị định mới thay thế Nghị định 180/2007/NĐ-CP ngày 7/12/2007 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Xây dựng về xử lý vi phạm trật tự xây dựng đô thị; sửa đổi Nghị định số 121/2013/NĐ-CP ngày 10/10/2013 của Chính phủ hiện hành quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng; kinh doanh bất động sản; khai thác, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; quản lý phát triển nhà và công sở để phù hợp với Luật xây dựng năm 2014.

Trả lời: (Tại Công văn số 252/BXD-TTr ngày 15/2/2017)

Theo Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật năm 2016 của Chính phủ, Bộ Xây dựng được giao chủ trì soạn thảo Nghị định thay thế Nghị định số 180/2007/NĐ-CP ngày 07/12/2007 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Xây dựng về xử lý vi phạm trật tự xây dựng đô thị (viết tắt là Nghị định số 180/2007/NĐ-CP) và Nghị định số 121/2013/NĐ-CP ngày 10/10/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng; kinh doanh bất động sản; khai thác, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; quản lý phát triển nhà và công sở (viết tắt là Nghị định số 121/2013/NĐ-CP).

Thực hiện nhiệm vụ được giao, ngày 17/3/2016, Bộ Xây dựng đã trình Chính phủ Dự thảo Nghị định kèm theo Tờ trình số 24/TTr-BXD. Dự thảo Nghị định và Tờ trình của Bộ Xây dựng đã được Văn phòng Chính phủ tiếp nhận, tổ chức lấy ý kiến Thành viên Chính phủ. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại vẫn còn ý kiến khác nhau về một vài nội dung của Dự thảo Nghị định.

Để đẩy nhanh tiến độ xây dựng và ban hành Nghị định, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại Văn bản số 1133/VPCP-KTN ngày 10/02/2017 của Văn phòng Chính phủ về việc giao “Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ nghiên cứu, thống nhất, hoàn thiện nội dung… và trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 02/2017”. Bộ Xây dựng đang tích cực phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ hoàn thiện một số nội dung của Dự thảo Nghị định để trình Chính phủ theo tiến độ.

3. Cử tri tp Hà Nội kiến nghị: Cử tri phản ánh tại Điều 13 Thông tư số 02/2016/TT-BXD ngày 15/2/2016 ban hành quy chế quản lý và sử dụng nhà chung cư quy định: “Đối với hội nghị của tòa nhà chung cư thì phải có tối thiểu 75% đại diện chủ sở hữu căn hộ đã nhận bàn giao tham dự; trường hợp triệu tập hội nghị lần đầu mà không đủ 75% đại diện chủ sở hữu căn hộ tham dự thì triệu tập hội nghị lần thứ hai khi có tối thiểu 50% đại diện chủ sở hữu căn hộ đã nhận bàn giao tham dự…” như vậy là không khả thi, vì trên thực tế rất khó tổ chức hội nghị có tối thiểu 50% đại diện chủ sở hữu căn hộ tham dự. Đề nghị Chính phủ chỉ đạo cơ quan chức năng sửa đổi quy định trên.

Trả lời: (Tại Công văn số 248/BXD-TTr ngày 15/2/2017)

Trước khi có Luật Nhà ở số 65/2014/QH13, việc quản lý, sử dụng nhà chung cư được thực hiện theo quy định của Luật Nhà ở 2005 và Quy chế quản lý sử dụng nhà chung cư ban hành kèm theo Quyết định số 08/2008/QĐ-BXD ngày 28/5/2008 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng (gọi chung là Quyết định số 08). Quyết định 08 được ban hành đã bước đầu tạo hành lang pháp lý cho việc quản lý, sử dụng nhà chung cư, góp phần giải quyết các vướng mắc phát sinh trong quá trình quản lý, sử dụng, nâng cao điều kiện sống, đảm bảo an toàn cho người sử dụng, tạo nếp sống văn minh đô thị, duy trì chất lượng, kiến trúc, cảnh quan, vệ sinh - môi trường của nhà chung cư.

Sau khi Quốc hội thông qua Luật Nhà ở số 65/2014/QH13, quy định về quản lý, sử dụng nhà chung cư có nhiều nội dung mới được bổ sung so với quy định của Quyết định 08, như quy định về việc tổ chức Hội nghị nhà chung cư; việc thành lập hoặc không thành lập Ban quản trị, về mô hình hoạt động, thành phần, quyền và trách nhiệm của Ban quản trị... Để triển khai hướng dẫn Luật Nhà ở số 65/2014/QH13 Quốc hội đã giao Bộ Xây dựng ban hành Quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư nhằm đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, khắc phục những tồn tại, vướng mắc trong quản lý, sử dụng nhà chung cư theo quy định của Quyết định số 08 trước đây. Thực hiện nhiệm vụ được Quốc hội giao, Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư số 02/2016/TT-BXD ngày 15/2/2016 về Quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư (gọi tắt là Quy chế 02).

Theo quy định tại Điều 102 của Luật Nhà ở số 65/2014/QH13, Hội nghị nhà chung cư được tổ chức họp để quyết định các vấn đề quan trọng liên quan đến việc quản lý, sử dụng nhà chung cư như: đề cử, bầu, bãi miễn thành viên Ban quản trị; thông qua mức giá dịch vụ quản lý vận hành nhà chung cư; quyết định lựa chọn đơn vị quản lý vận hành...Các vấn đề này liên quan trực tiếp đến quyền và trách nhiệm của người dân đang sinh sống trong chung cư và chỉ thực hiện được khi có sự đồng thuận của đại đa số cư dân.

Xuất phát từ yêu cầu nêu trên Điều 13 của Quy chế 02 đã quy định Hội nghị nhà chung cư tổ chức lần đầu phải có tối thiểu 75% đại diện chủ sở hữu căn hộ đã nhận bàn giao tham dự. Nếu lần đầu không đủ 75% thì tổ chức lần hai khi có đủ 50% đại diện chủ sở hữu căn hộ đã nhận bàn giao tham dự. Số lượng đại biểu này được tính trên tổng số tối thiểu 50% số căn hộ đã nhận bàn giao, không phải tính trên tổng số căn hộ của cả tòa nhà chung cư. Nếu triệu tập hội nghị lần thứ hai mà không có đủ 50% số người tham dự thì chủ đầu tư hoặc đại diện chủ sở hữu nhà chung cư có quyền yêu cầu Ủy ban nhân dân cấp phường tổ chức Hội nghị nhà chung cư.

Việc quy định số lượng tối thiểu đại diện các chủ sở hữu căn hộ đã nhận bàn giao khi tổ chức hội nghị nhà chung cư lần đầu như Điều 13 Quy chế 02 nhằm mục đích bảo đảm quyền lợi của đa số các chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư và để các quyết định của Hội nghị nhà chung cư dễ dàng triển khai trên thực tế.

Trước khi ban hành Quy chế 02, Bộ Xây dựng cũng đã tổ chức nhiều hội thảo, hội nghị để lấy ý kiến đóng góp của các địa phương, các tổ chức, cá nhân có liên quan, trong đó có quy định về tỷ lệ số lượng đại biểu cần phải có khi tổ chức Hội nghị nhà chung cư lần đầu. Hầu hết các ý kiến tham gia góp ý đều nhất trí với quy định về số lượng đại biểu này.

Qua theo dõi việc thi hành Luật Nhà ở số 65/2014/QH13, Quy chế 02 nói chung và quy định nêu trên cho thấy, các quy định này đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ của nhiều chủ đầu tư, đông đảo cư dân đang sinh sống trong các nhà chung cư. Tuy nhiên, Bộ Xây dựng xin ghi nhận ý kiến nêu trên của cử tri và sẽ tiếp tục theo dõi, đánh giá việc triển khai thi hành Quy chế này trên thực tế để có những sửa đổi, bổ sung cho phù hợp nhằm đáp ứng yêu cầu về quản lý nhà nước và nguyện vọng của người dân.

4. Cử tri tp Hải Phòng kiến nghị: Sau nhiều năm thiếu hụt, đến nay sản lượng xi măng trong nước đã cân đối được cung cầu và trong thời gian tới sẽ dư thừa với khối lượng lớn. Tuy nhiên việc xuất khẩu xi măng gặp nhiều sự cạnh tranh từ các quốc gia khác, cả về công nghệ lẫn giá thành. Bên cạnh đó, nhiều nhà máy sử dụng các công nghệ lò đứng lạc hậu, phát thải khí độc, khói bụi ra môi trường. Cử tri đề nghị Bộ Xây dựng sớm quy hoạch lại ngành công nghiệp xi măng để ổn định cung – cầu và phát triển bền vững, ưu tiên các dự án đầu tư sử dụng công nghệ sản xuất hiện đại, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Trả lời: (Tại Công văn số 267/BXD-VLXD ngày 15/2/2017)

1. Về vấn đề cung cầu xi măng

a) Theo Quy hoạch phát triển công nghiệp xi măng Việt Nam đã được phê duyệt

Ngày 29/8/2011 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1488/QĐ-TTg Phê duyệt Quy hoạch phát triển công nghiệp xi măng Việt Nam giai đoạn 2011-2020 và định hướng đến năm 2030 (sau đây gọi tắt là Quy hoạch 1488). Dự báo sản lượng và nhu cầu tiêu thụ trong giai đoạn 2015-2020 như sau:

- Năm 2015, cả nước có 91 dây chuyền sản xuất xi măng với tổng công suất thiết kế là 94,24 triệu tấn; nhu cầu tiêu thụ xi măng là 75-76 triệu tấn.

- Năm 2020, cả nước có 113 dây chuyền sản xuất xi măng với tổng công suất thiết kế là 129,52 triệu tấn; nhu cầu tiêu thụ xi măng là 93-95 triệu tấn.

b) Thực tiễn thực hiệnQuy hoạch 1488

Theo số liệu tổng hợp từ Tổng Công ty xi măng Việt Nam, Hiệp hội xi măng Việt Nam và các địa phương, thực tế sản lượng xi măng sản xuất và tiêu thụ như sau:

- Năm 2015, cả nước có 76 dây chuyền sản xuất xi măng với tổng công suất thiết kế là 81,56 triệu tấn. Tiêu thụ năm 2015 là 72,7 triệu tấn, trong đó tiêu thụ trong nước 56,45 triệu tấn, xuất khẩu 16,25 triệu tấn.

- Năm 2016, cả nước có 79 dây chuyền sản xuất xi măng với tổng công suất thiết kế 87,86 triệu tấn. Tiêu thụ 75,5 triệu tấn, trong đó tiêu thụ trong nước đạt 60 triệu tấn, xuất khẩu 15,5 triệu tấn.

Qua điều tra khảo sát, thực tiễn đầu tư, sản xuất, Bộ Xây dựng dự báo cung cầu xi măng trong giai đoạn từ năm 2017-2020:

- Năm 2017 cả nước sẽ có 81 dây chuyền với tổng công suất thiết kế là 94,66 triệu tấn, dự kiến tiêu thụ 78-80 triệu tấn.

- Dự kiến năm 2018 cả nước sẽ có 83 dây chuyền với tổng công suất thiết kế là 98,76 triệu tấn, tiêu thụ 86-88 triệu tấn.

- Dự kiến năm 2019 cả nước sẽ có 85 dây chuyền với tổng công suất thiết kế là 101,96 triệu tấn, tiêu thụ 93-95 triệu tấn.

- Dự kiến năm 2020 cả nước sẽ có 88 dây chuyền với tổng công suất thiết kế 109,46 triệu tấn,tiêu thụ 100-102 triệu tấn.

Như vậy, từ công tác quy hoạch và thực tiễn sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, Bộ Xây dựng thấy rằng nguồn cung xi măng cả nước đến năm 2020 sẽ thấp hơn khoảng 20 triệu tấn so với Quy hoạch 1488, tổng nhu cầu tiêu thụ sẽ tăng khoảng 7 triệu tấn so với Quy hoạch 1488. Trong điều kiện hiện nay và dự báo phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020, chưa có khả năng xảy ra đột biến gây mất cân đối lớn về cung cầu xi măng trong thời gian tới. Tuy vậy, Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương tăng cường kiểm tra, nắm bắt kịp thời tình hình sản xuất và tiêu thụ xi măng để đề xuất các giải pháp phù hợp.

2. Về vấn đề chuyển đổi công nghệ sản xuất xi măng

Theo Quyết định số 1488/QĐ-TTg ngày 29/8/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển công nghiệp xi măng Việt Nam giai đoạn 2011-2020 và định hướng đến năm 2030, đến hết năm 2015 sẽ hoàn thành việc chuyển đổi công nghệ sản xuất xi măng từ lò đứng sang lò quay. Hiện tại, theo số liệu khảo sát của Bộ Xây dựng, các nhà máy sản xuất xi măng theo công nghệ lò đứng trên toàn quốc đã dừng sản xuất hoặc chuyển đổi sang công nghệ lò quay theo Quy hoạch 1488.

3. Về vấn đề sớm quy hoạch lại ngành xi măng

Hiện nay, Bộ Xây dựng đang tiến hành rà soát để điều chỉnh Quy hoạch phát triển công nghiệp xi măng Việt Nam giai đoạn 2017-2025 và định hướng đến năm 2035 theo ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng tại văn bản số 7762/VPCP-KTN ngày 16/9/2016 của Văn phòng Chính phủ. Quy hoạch phát triển công nghiệp xi măng trong giai đoạn tới sẽ đề cập một số vấn đề liên quan, trong đó có định hướng ưu tiên công nghệ sản xuất hiện đại, tiết kiệm tài nguyên khoáng sản, năng lượng, sử dụng chất thải, phế thải làm nguyên, nhiên liệu trong sản xuất và giảm thiểu ô nhiễm môi trường để đảm bảo ngành xi măng ổn định và phát triển bền vững.

5. Cử tri tp Hải Phòng kiến nghị: Cử tri đề nghị Bộ Xây dựng phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan sớm ban hành Bộ tiêu chuẩn kỹ thuật Việt Nam về thạch cao nhân tạo làm phụ gia xi măng, để có căn cứ pháp lý cho các đơn vị sản xuất xi măng trong nước sử dụng. Đồng thời ban hành các chính sách cụ thể khuyến khích các doanh nghiệp xi măng trong nước tăng cường sử dụng sử dụng nguồn thạch cao nhân tạo có sẵn trong nước làm phụ gia xi măng, vật liệu xây dựng, hạn chế nhập khẩu thạch cao từ nước ngoài.

Trả lời: (Tại Công văn số 258/BXD-TTr ngày 15/2/2017)

1. Hiện nay, trong bộ tiêu chuẩn Quốc gia đã có tiêu chuẩn TCVN 9807:2013 “Thạch cao để sản xuất xi măng” do Bộ Xây dựng tổ chức biên soạn. Tiêu chuẩn này áp dụng cho các loại thạch cao thiên nhiên và nhân tạo dùng làm phụ gia điều chỉnh thời gian đông kết cho xi măng và đã được các nhà máy xi măng sử dụng hiệu quả để áp dụng cho loại thạch cao được thu hồi từ khói lò đốt của các nhà máy nhiệt điện, viết tắt là thạch cao FGD (Flue Gas Desulfurization). Đồng thời, để sử dụng thạch cao nhân tạo thu được từ xử lý phế thải của các nhà máy hóa chất, phân bón, viết tắt là thạch cao PG (Phosphogypsum) làm phụ gia cho xi măng, Bộ Xây dựng đã tiến hành tổ chức biên soạn tiêu chuẩn Quốc gia TCVN“Thạch cao phốt pho (phosphogypsum) làm phụ gia cho xi măng”. Hiện nay, dự thảo tiêu chuẩn này đã được nghiệm thu và chuyển đến Bộ Khoa học và Công nghệ thẩm định để sớm ban hành tiêu chuẩn chính thức.

   2. Về việc ban hành các chính sách cụ thể khuyến khích các doanh nghiệp xi măng trong nước tăng cường sử dụng nguồn thạch cao nhân tạo sẵn có trong nước làm phụ gia xi măng, vật liệu xây dựng, hạn chế nhập khẩu thạch cao từ nước ngoài, Bộ Xây dựng đã xây dựng Đề án trình Chính phủ về “Đẩy mạnh xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện, hóa chất, phân bón để làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng và sử dụng trong các công trình xây dựng”. Nội dung của Đề án đã đề ra các chính sách nhằm khuyến khích các doanh nghiệp xi măng trong  nước tăng cường sử dụng nguồn thạch cao nhân tạo trong nước làm phụ gia xi măng nói riêng và các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng tăng cường sử dụng phế thải tro, xỉ thạch cao từ các nhà máy nhiệt điện, phân bón hóa chất nói chung. Dự thảo Đề án đang được trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt.

6. Cử tri tp Hải Phòng kiến nghị: Luật Xây dựng số 50/2014/QH13 (có hiệu lực từ 01/01/2015), nhưng hiện nay một số nội dung về xử lý các hành vi vi phạm trong quản lý xây dựng và đô thị chưa có văn bản, Nghị định hướng dẫn chi tiết thi hành. Trong khi đó, Nghị định 180/2007/NĐ-CP ngày 07/12/2007 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của luật xây dựng về xử lý vi phạm trật tự xây dựng đô thị đã hết hiệu lực, nên các địa phương gặp nhiều khó khăn, vướng mắc khi xử phạt vi phạm hành chính đối với các đối tượng vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn các quận, huyện. Đề nghị Chính phủ sớm ban hành các văn bản hướng dẫn chi tiết thi hành Luật xây dựng.

Trả lời: (Tại Công văn số 253/BXD-TTr ngày 15/2/2017)

Theo Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật năm 2016 của Chính phủ, Bộ Xây dựng được giao chủ trì soạn thảo Nghị định thay thế Nghị định số 180/2007/NĐ-CP ngày 07/12/2007 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Xây dựng về xử lý vi phạm trật tự xây dựng đô thị (viết tắt là Nghị định số 180/2007/NĐ-CP) và Nghị định số 121/2013/NĐ-CP ngày 10/10/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng; kinh doanh bất động sản; khai thác, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; quản lý phát triển nhà và công sở (viết tắt là Nghị định số 121/2013/NĐ-CP).

Thực hiện nhiệm vụ được giao, ngày 17/3/2016, Bộ Xây dựng đã trình Chính phủ Dự thảo Nghị định kèm theo Tờ trình số 24/TTr-BXD. Dự thảo Nghị định và Tờ trình của Bộ Xây dựng đã được Văn phòng Chính phủ tiếp nhận, tổ chức lấy ý kiến Thành viên Chính phủ. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại vẫn còn ý kiến khác nhau về một vài nội dung của Dự thảo Nghị định.

Để đẩy nhanh tiến độ xây dựng và ban hành Nghị định, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại Văn bản số 1133/VPCP-KTN ngày 10/02/2017 của Văn phòng Chính phủ về việc giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ nghiên cứu, thống nhất, hoàn thiện nội dung Dự thảo Nghị định và trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 02/2017, Bộ Xây dựng đang tích cực phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ  hoàn thiện Dự thảo Nghị định để trình Chính phủ theo tiến độ.

Đồng thời, để đảm bảo tính ổn định, liên tục của hoạt động quản lý nhà nước, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 09/5/2016, trong đó có nêu: “Đối với các văn bản quy định chi tiết của các luật, pháp lệnh đã hết hiệu lực nhưng chưa ban hành kịp thời văn bản thay thế, Chính phủ thống nhất tiếp tục áp dụng nếu không trái với tinh thần của luật, pháp lệnh mới ban hành”. Vì vậy, trong thời gian chờ Chính phủ ban hành Nghị định thay thế, Nghị định số 180/2007/NĐ-CP vẫn được triển khai thi hành trên tinh thần không trái với những quy định của Luật Xây dựng năm 2014.

7. Cử tri tp Hải Phòng kiến nghị: Cử tri đề nghị bỏ khoản 9 Điều 13 Nghị định số 121/2013/NĐ-CP và sửa đổi theo hướng không cấp phép bổ sung cho các dự án xây dựng sai phép, không phép, sai thiết kế được phê duyệt hoặc sai quy hoạch xây dựng hoặc thiết kế đô thị được duyệt. Vì, đây là những hành vi cố tình vi phạm pháp luật, cần xử lý nghiêm khắc.

Trả lời: (Tại Công văn số 253/BXD-TTr ngày 15/2/2017)

Trong quá trình tổng kết tình hình thực hiện Nghị định số 121/2013/NĐ-CP ngày 10/10/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng; kinh doanh bất động sản; khai thác, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; quản lý phát triển nhà và công sở (viết tắt là Nghị định số 121/2013/NĐ-CP), Bộ Xây dựng đã nhận được một số ý kiến tương tự ý kiến của cử tri thành phố Hải Phòng. Để có những đánh giá khách quan về vấn đề này, Bộ đã tổ chức lấy ý kiến rộng rãi các địa phương về khoản 9 Điều 13 Nghị định số 121/2013/NĐ-CP. Trên cơ sở báo cáo của 56/63 UBND cấp tỉnh, có 05/56 địa phương đề nghị bãi bỏ khoản 9 Điều 13 Nghị định số 121/2013/NĐ-CP với lý do quy định này tạo tiền lệ cho việc nộp tiền phạt để tồn tại, 51/56 địa phương đồng ý với quy định tại khoản 9 Điều 13 Nghị định số 121/2013/NĐ-CP nhưng đề nghị cần đánh giá kỹ và bổ sung, sửa đổi để đảm bảo tính khả thi, phù hợp tình hình thực tế. Tiếp thu các ý kiến góp ý, Bộ Xây dựng đã đánh giá và thấy một số bất cập của khoản 9 Điều 13 như sau:

 - Không quy định rõ hành vi vi phạm tại thời điểm nào thì được áp dụng khoản 9 Điều 13 Nghị định số 121/2013/NĐ-CP, dẫn đến trường hợp tổ chức, cá nhân cố ý vi phạm để áp dụng quy định này thay vì xin giấy phép xây dựng.

- Không quy định cụ thể cách tính số lợi bất hợp pháp phải thu.

- Khó xác định và áp dụng biện pháp buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp là 50% giá trị phần xây dựng vi phạm đối với nhà ở riêng lẻ.

Trên cơ sở này, Bộ Xây dựng cân nhắc và đề xuất với Chính phủ không bãi bỏ hoàn toàn khoản 9 Điều 13 Nghị định số 121/2013/NĐ-CP và sửa đổi, bổ sung khoản 9 Điều 13 Nghị định số 121/2013/NĐ-CP thành khoản 14 Điều 15 Dự thảo Nghị định, bổ sung những nội dung mới như sau:

- Chỉ những hành vi vi phạm xảy ra sau ngày 04/01/2008 và kết thúc trước ngày 30/11/2013 mới thuộc phạm vi áp dụng quy định tại khoản 14 Điều 15 Dự thảo Nghị định. Như vậy, quy định này sẽ không tạo tiền lệ cho việc nộp phạt để được “tồn tại” hoặc lợi dụng để xây dựng không phép, sai phép.

- Không áp dụng biện pháp buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp đối với trường hợp xây dựng nhà ở riêng lẻ.

- Số lợi bất hợp pháp phải thu đối với các công trình vi phạm khác là toàn bộ số lợi bất hợp pháp có được do vi phạm hành chính gây ra, đồng thời, quy định cụ thể phương pháp xác định số lợi bất hợp pháp.

Tình hình xây dựng và trình ban hành Nghị định đã được nêu tại nội dung 1 nêu trên.

8. Cử tri tỉnh Kiên Giang kiến nghị: Cử tri cho rằng, ngày 12/05/2015 Chính phủ đã ban hành Nghị định số: 46/2015/NĐ-CP về quản lý chất lượng và bảo hành công trình xây dựng, có hiệu lực từ ngày 01/07/2015. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có văn bản hướng dẫn chi tiết về kiểm tra công tác nghiệm thu công trình xây dựng. Đề nghị Bộ Xây dựng sớm ban hành Thông tư hướng dẫn để địa phương tổ chức thực hiện. 

Trả lời: (Tại Công văn số 2880/BXD-GĐ ngày 21/2/2017)

Ngày 26/10/2016, Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư số 26/2016/TT-BXD quy định chi tiết một số nội dung về quản lý chất lượng và bảo trì công trình xây dựng có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/12/2016. Theo đó, công tác kiểm tra nghiệm thu được hướng dẫn chi tiết tại Điều 13, 14 của Thông tư nêu trên.

9. Cử tri tỉnh Tây Ninh kiến nghị: Đề nghị Bộ Xây dựng ban hành thông tư hướng dẫn Nghị định 59/2014/ND-CP theo hướng quy định Ban Quản lý là đầu mối về thẩm định cấp phép xây dựng và thực hiện thẩm định, phê duyệt thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công và dự toán xây dựng đi với các công trình xây dựng trong khu công nghiệp.

Trả lời: (Tại Công văn số 260/BXD-TTr ngày 15/5/2017)

Thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng đã được quy định Điều 103 Luật Xây dựng năm 2014. Theo đó, công trình xây dựng trong khu công nghiệp (trừ công trình xây dựng cấp đặc biệt) do UBND cấp tỉnh cấp giấy phép xây dựng. UBND cấp tỉnh được phân cấp cho ban quản lý khu công nghiệp cấp giấy phép xây dựng thuộc phạm vi quản lý, chức năng của Ban này theo quy định tại Khoản 2 Điều này.

Về thẩm quyền thẩm định dự án, thiết kế và dự toán công trình xây dựng trong khu công nghiệp, theo quy định tại Khoản 2 Điều 11 Thông tư số 18/2016/TT-BXD ngày 30/6/2016 của Bộ Xây dựng, UBND cấp tỉnh quyết định việc thực hiện phân cấp hoặc ủy quyền thẩm định dự án, thiết kế và dự toán xây dựng đối với công trình thuộc thẩm quyền thẩm định của Sở quản lý công trình xây dựng chuyên ngành cho Ban Quản lý khu công nghiệp. Nội dung này đã được Bộ Xây dựng đề xuất quy định tại dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 59/2015/NĐ-CP, hiện đang trình Chính phủ xem xét ban hành.

10. Cử tri tp Hà Nội kiến nghị: Cử tri phản ánh về vấn đề quy hoạch các đô thị, trong quá trình thực thi không tuân thủ quy hoạch tổng thể, không tuân thủ các quy định của pháp luật… dẫn đến quy hoạch bị phá nát, nhà chung cư đưa vào nội đô quá nhiều, giao thông ùn tắc, ô nhiễm môi trường… gây ảnh hưởng đến đời sống của người dân. Đề nghị các cơ quan chức năng có biện pháp giải quyết triệt để vấn đề này. 

Trả lời: (Tại Công văn số /BXD-TTr ngày 15/2/2017)

Sau khi Quy hoạch chung  xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 26/7/2011, UBND thành phố Hà nội đã tổ chức triển khai lập 33 đồ án quy hoạch chung và 35 đồ án quy hoạch phân khu (đến tháng 12/2016 đã phê duyệt 29 đồ án quy hoạch chung, 26 đồ án quy hoạch phân khu); Ban hành các quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc gồm: Quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc chung thành phố Hà Nội, Quy chế quản lý kiến trúc công trình cao tầng (từ 9 tầng trở lên) trong khu vực nội đô lịch sử thành phố Hà Nội; Quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc khu phố Cổ, Quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc khu phố cũ làm cơ sở lập quy hoạch chi tiết, triển khai dự án đầu tư xây dựng và cấp giấy phép xây dựng.

Tuy nhiên hiện nay trong quá trình triển khai thực hiện theo quy hoạch được duyệt, một số dự án đầu tư xây dựng đã không tuân thủ đúng theo quy hoạch chung đô thị được phê duyệt; nhiều công trình cao tầng khi triển khai xây dựng không thực hiện đúng với giấy phép xây dựng về chiều cao công trình, mật độ xây dựng, khoảng lùi công trình gây quá tải về hạ tầng trong khu vực nội đô, gây ảnh hưởng tới không gian kiến trúc, cảnh quan chung của thành phố.

Nguyên nhân của các tồn tại, bất cập trên là do:

-  Chủ đầu tư công trình đã không tuân thủ đúng Giấy phép xây dựng được cấp. Trình độ hiểu biết pháp luật của một số chủ thể tham gia hoạt động xây dựng (chủ đầu tư, nhà thầu quản lý dự án, nhà thầu thiết kế, nhà thầu giám sát, nhà thầu thi công xây dựng,…) còn hạn chế.

- Công tác quản lý nhà nước về quy hoạch xây dựng đã được phân cấp cho cơ quan chuyên môn tại địa phương tuy nhiên việc tổ chức thực hiện có lúc, có nơi chưa nghiêm túc, chưa đúng quy định, lực lượng cán bộ quản lý nhà nước tại địa phương còn thiếu.

- Các cơ quan chức năng có trách nhiệm quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn theo quy định của pháp luật đã không cương quyết và không áp dụng biện pháp hữu hiệu đối với một số Chủ đầu tư thực hiện không đúng Giấy phép xây dựng.

Để giải quyết vấn đề trên, trong thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ phối hợp với Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội trong một số nội dung:

- Tổ chức thực hiện các Quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc chung thành phố Hà Nội; Quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc khu phố cũ; Quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc khu phố cổ; Quy chế quản lý kiến trúc công trình cao tầng trong khu vực nội đô lịch sử thành phố Hà Nội đã được ban hành.

- Tăng cường kiểm tra, giám sát, hướng dẫn, kịp thời phát hiện những vi phạm, bất cập để ngăn ngừa các sai phạm trong hoạt động xây dựng, kiến nghị điều chỉnh hoặc điều chỉnh theo thẩm quyền, đáp ứng yêu cầu thực tế.

- Tăng cường hiệu quả, hiệu lực của công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực xây dựng.

- Xây dựng và ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quy hoạch kiến trúc của 4 quận nội thành cũ.

- Tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền phổ biến kiến thức pháp luật về xây dựng.

11. Cử tri tp Hà Nội kiến nghị: Cử tri phản ánh thực tế hiện nay tình trạng người có nhu cầu về nhà ở thì không có điều kiện để mua nhà vì giá nhà cao trong khi mức thu nhập thấp. Đề nghị tiếp tục có biện pháp hỗ trợ để tạo điều kiện tối đa cho người dân có mức thu nhập trung bình cũng có thể mua được nhà ở.

Trả lời: (Tại Công văn số 244/BXD-TTr ngày 15/2/2017)

Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm và có nhiều chủ trương, cơ chế, chính sách chăm lo nhà ở cho nhân dân như:

- Chương trình hỗ trợ nhà ở cho người có công: Thực hiện Nghị quyết số 494/NQ-UBTVQH13 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, trong giai đoạn 1 (2013-2016), có 80.000 hộ người có công được triển khai hỗ trợ nhà ở, với nguồn kinh phí cấp từ NSTW khoảng 2.500 tỷ đồng.

- Chương trình hỗ trợ nhà ở cho các hộ nghèo khu vực nông thôn: Giai đoạn 1 (2008 - 2012) được thực hiện theo Quyết định số 167/2008/QĐ-CP và đã hoàn thành hỗ trợ 531.000 hộ (đạt 107% so với kế hoạch); hiện nay đang tiếp tục triển khai giai đoạn 2 theo Quyết định số 33/2015/QĐ-TTg, với khoảng 311.000 hộ, theo đề án của các địa phương có 268.000 hộ thuộc diện đối tượng được hỗ trợ đã đăng ký vay vốn.

- Chương trình xây dựng cụm, tuyến dân cư và nhà ở vùng thường xuyên ngập lũ đồng bằng sông Cửu Long: Giai đoạn 1 (2001 -2008) thực hiện theo Quyết định số 1548/2001/QĐ-TTg, đã hoàn thành đầu tư xây dựng 804/804 cụm, tuyến dân cư và bờ bao (đạt 100%), đã bố trí cho gần 140.000 hộ khu vực ngập lũ vào ở (đạt 94,7%); Giai đoạn 2 (2008 - 2015) thực hiện theo Quyết định số 1151/QĐ-TTg.

- Chương trình hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt khu vực Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung: Giai đoạn thí điểm thực hiện theo Quyết định số 716/QĐ-TTg, đã hoàn thành hỗ trợ cho 700 hộ (đạt 100%); giai đoạn mở rộng (2013-2016) thực hiện theo Quyết định số 48/2014/QĐ-TTg.

- Các dự án phát triển nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp tại khu vực đô thị, công nhân khu công nghiệp: Thực hiện theo quy định tại Nghị quyết số 18/NQ-CP ngày 20/4/2009 của Chính phủ và Quyết định số 66, 67/2009/QĐ-TTg ngày 20/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ, Nghị định 188/2013/NĐ-CP, Nghị định 100/2015/NĐ-CP và Nghị quyết 02/NQ-CP ngày 07/01/2013 của Chính phủ đã thực hiện hỗ trợ cho khoảng 57.000 hộ.

- Chương trình đầu tư xây dựng nhà ở cho sinh viên, học sinh các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và dạy nghề: Thực hiện theo quy định tại Nghị quyết số 18/NQ-CP ngày 20/4/2009 của Chính phủ và Quyết định số 65/2009/QĐ-TTg ngày 20/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ: Trong giai đoạn 2009-2015, Nhà nước đã dành nguồn vốn từ TPCP với hơn 12.600 tỷ đồng để đầu tư xây dựng 95 dự án nhà ở cho sinh viên các cơ sở đào tạo tại 29 địa phương và các cơ sở đào tạo thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an (tổng mức đầu tư là 19.000 tỷ đồng, vốn TPCP là 17.000 tỷ đồng, sau hoàn thành sẽ giải quyết chỗ ở cho khoảng 330.000 sinh viên)...

Ngày 30/11/2011, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Quan điểm chỉ đạo của Chiến lược là: Việc chăm lo hỗ trợ nhà ở cho các đối tượng có thu nhập thấp, hộ nghèo khó khăn về nhà ở là trách nhiệm của Nhà nước, của xã hội và của người dân, đảm bảo mọi người đều có chỗ ở phù hợp với điều kiện và khả năng của mình, đặc biệt là các đối tượng người có công, hộ nghèo, hộ gia đình thu nhập thấp có điều kiện cải thiện nhà ở của mình. Trong thời gian qua, trong điều kiện kinh tế đất nước còn nhiều khó khăn nhưng các ngành, địa phương đã cố gắng thực hiện chủ trương, cơ chế chính sách của Đảng và Nhà nước và đã hỗ trợ được cho trên 01 triệu hộ gia đình, cá nhân là người nghèo, thu nhập thấp có nhà ở ổn định, từng bước nâng cao mức sống.

Tuy nhiên, nhu cầu về nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá thấp vẫn còn rất lớn, vẫn còn nhiều hộ gia đình không đủ khả năng tự cải thiện nhà ở. Nguyên nhân là giá nhà ở so với thu nhập của người dân vẫn còn cao, cùng với tốc độ đô thị hoá nhanh làm cho vấn đề nhà ở đô thị ngày càng trở nên bức xúc, giá nhà đất đô thị thường xuyên có những biến động, theo xu hướng tăng cao, vượt quá khả năng tài chính của bộ phận lớn dân cư (người có thu nhập thấp và trung bình).

Ngày 07/12/2016, Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc để bàn việc đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân. Ngày 25/01/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 03/CT-TTg về việc đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Xây dựng và các Bộ, ngành liên quan tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện thể chế, bổ sung các cơ chế, chính sách để thúc đẩy việc phát triển nhà ở xã hội phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và khả năng chi trả của từng đối tượng chính sách xã hội, trong đó tập trung thúc đẩy phát triển nhà ở cho công nhân khu công nghiệp, người có thu nhập thấp ở đô thị; đồng thời, nghiên cứu bổ sung cơ chế chính sách khuyến khích xây dựng nhà ở cho thuê, nhà ở thương mại giá thấp để đáp ứng về nhà ở của các đối tượng có nhu cầu, trong đó có các đối tượng thu nhập thấp và thu nhập trung bình như ý kiến đề xuất của cử tri thành phố Hà Nội.

Trong thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ phối hợp với các Bộ, ngành liên quan và các địa phương nghiên cứu đề xuất bổ sung cơ chế, chính sách khuyến khích, ban hành các quy chuẩn tiêu chuẩn liên quan nhằm tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân tích cực tham gia phát triển nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá thấp và nhà ở thương mại để các hộ có thu nhập trung bình, thấp có khả năng để mua, thuê, thuê mua nhà ở.

12. Cử tri tỉnh Quảng Nam kiến nghị: Tại Điểm a, Mục 2.2.2.1 của Quy chuẩn ban hành kèm theo Thông tư số 19/2013/TT-BXD ngày 31/10/2013 của Bộ Xây dựng về ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về “Phương tiện quảng cáo ngoài trời” quy định: Bảng quảng cáo đặt tại hai bên các tuyến đường đô thị phải có vị trí tính từ mép đường đến cạnh gần đường nhất của bảng tối thiểu là 5,0 m, việc quy định như vậy là khó thực hiện, vì trên địa bàn tỉnh rất ít có tuyến đường có chiều rộng vỉa hè trên 5,0m. Do đó, đề nghị Bộ Xây dựng xem xét, điều chỉnh phù hợp; đồng thời, xem xét lại điều chỉnh quy hoạch quảng cáo đối với nội thành, nội thị chỉ được xây dựng các pa nô quảng cáo, tuyên truyền tấm nhỏ (vì trước đây khi thực hiện Pháp lệnh quảng cáo thì khu vực nội thành, nội thị được xây dựng các pa nô quảng cáo, tuyên truyền tấm lớn, hiện nay điều chỉnh mới sẽ gây tốn kém cho tổ chức, doanh nghiệp).

Trả lời: (Tại Công văn số 257/BXD-KHCN ngày 15/2/2017)

1. Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN 17:2013/BXD) về Phương tiện quảng cáo ngoài trời ban hành kèm theo Thông tư số 19/2013/TT-BXD được xây dựng theo quy định tại Mục 2 - Điều 38 – Luật Quảng cáo năm 2013. Hiện nay Bộ Xây dựng đang tổng hợp các ý kiến phản hồi của các địa phương, doanh nghiệp trong quá trình thực hiện để nghiên cứu, chỉnh sửa nội dung quy chuẩn và dự kiến sẽ ban hành quy chuẩn soát xét để thay thế QCVN 17:2013/BXD trong thời gian sắp tới.

       Bộ Xây dựng tiếp thu các góp ý của Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam về nội dung quy định tại Mục 2.2.2.1 (QCVN 17:2013/BXD) đối với “bảng quảng cáo đặt tại hai bên tuyến đường đô thị phải có vị trí tính từ mép đường đến cạnh gần đường nhất của bảng tối thiểu là 5,0 m” và sẽ nghiên cứu chỉnh sửa quy định sao cho phù hợp nhất với điều kiện thực tiễn và đảm bảo tính khoa  học, an toàn, mỹ quan cho đô thị.

       2. Về ý kiến của đại biểu Quốc hội liên quan đến Mục 2.2.2 QCVN 17:2013/BXD Trong nội thành, nội thị: Hai bên các tuyến đường đô thị, cầu vượt/đường hầm dành cho người đi bộ, trong các công viên, trên dải phân cách của đường đô thị được phép lắp đặt bảng quảng cáo tấm nhỏ”, hiện nay Mục 1.4.12 QCVN 17:2013/BXD quy định bảng quảng cáo tấm nhỏ là “bảng quảng cáo có diện tích một mặt dưới 40 m2” nhằm bảo đảm an toàn cho người dân và phương tiện tham gia giao thông, đảm bảo tầm nhìn và mỹ quan đô thị. Vì vậy, Bộ Xây dựng mong Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam thống nhất với quan điểm bảo vệ an toàn cộng đồng và giải thích cho các tổ chức, doanh nghiệp hiểu và thực hiện quy định này. Bên cạnh đó, quy chuẩn QCVN 17:2013/BXD cũng có điều khoản quy định điều kiện chuyển tiếp tại Mục 3.3.2: “Công trình quảng cáo hiện hữu có vị trí, kích thước không phù hợp với Quy chuẩn này chỉ được tồn tại hết thời hạn ghi trong giấy phép” nên tất cả các biển quảng cáo trong nội thành, nội thị có kích thước lớn không phải điều chỉnh cho đến hết thời hạn ghi trong giấy phép.

 

13. Cử tri tỉnh An Giang kiến nghị: Tình trạng sạt lở bờ sông ngày càng nhiều ở nơi, làm ảnh hưởng đến đời sống của khoảng 2.500 hộ dân (chủ yếu là hộ nghèo, điều kiện khó khăn để di dời nhà cửa về nơi an toàn). Tỉnh đã đề nghị Chính phủ hỗ trợ đầu tư khoảng 10 cụm, tuyến dân cư (CTDC) bố trí từ 200-250 hộ/ CTDC, với tổng khái toán 500 tỷ đồng để di dời các hộ dân. Theo thông báo số 15/TB-VPCP ngày 18/01/2016 của Văn phòng Chính phủ, Chính phủ đồng ý chủ trương, giao Bộ Xây dựng xem xét xử lý cụ thể hỗ trợ cho An Giang trong Chương trình xây dựng CTDC và nhà ở vùng ngập lũ của ĐBSCL. Đề nghị Bộ Xây dựng sớm giải quyết cho An Giang để tổ chức triển khai thực hiện giúp cho người dân có chỗ ở an toàn

Trả lời: (Tại Công văn số 239/BXD-TTr ngày 15/2/2017)

Chương trình xây dựng cụm, tuyến dân cư và nhà ở vùng ngập lũ đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 1 và giai đoạn 2 được triển khai thực hiện từ năm 2001-2015 với tổng số 976/977 dự án đã hoàn thành (đạt tỷ lệ 99,9%), trong đó có 857 cụm, tuyến dân cư và 119 bờ bao khu dân cư có sẵn đã đảm bảo cho khoảng 191.000 hộ dân, với gần 1 triệu người dân vùng ngập lũ đồng bằng sông Cửu Long được sống an toàn ổn định. Riêng tỉnh An Giang đã xây dựng được 244/244 cụm, tuyến dân cư (đạt tỷ lệ 100%) với tổng số hộ theo quy hoạch là 41.729 hộ, đến nay có 39.975 hộ đã xây dựng nhà ở (đạt tỷ lệ 96%).

Tại Hội nghị tổng kết Chương trình - giai đoạn 2 (ngày 10/4/2015), Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các địa phương và các cơ quan liên quan rà soát cụ thể số hộ phát sinh có hoàn cảnh tương tự đối tượng thuộc Chương trình giai đoạn 2; tổng hợp, đề xuất, báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tiếp tục đầu tư các cụm, tuyến dân cư, giải quyết nhu cầu ổn định chỗ ở cho các hộ dân ở vùng ngập lũ, vùng sạt lở nguy hiểm (theo thông báo số 156/TB-VPCP ngày 27/4/2015 của Văn phòng Chính phủ).

Triển khai thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng đã tổng hợp nhu cầu đầu tư bổ sung dự án giai đoạn 2016-2020. Theo đó, có 05 địa phương có nhu cầu đầu tư bổ sung 130 dự án để đảm bảo cho 44.811 hộ dân có chỗ ở an toàn, ổn định. Riêng tỉnh An Giang có nhu cầu đầu tư bổ 39 cụm tuyến dân cư để hỗ trợ 7.066 hộ trong vùng có nguy cơ sạt lở đã được tổng hợp vào nhu cầu chung để thực hiện trong giai đoạn 2016-2020; trong đó đã bao gồm 10 cụm, tuyến dân cư cho khoảng 2.500 hộ dân mà cử tri tỉnh An Giang kiến nghị. Bộ Xây dựng đã xây dựng cơ chế, chính sách để triển khai thực hiện giai đoạn 2016-2020 và trình Thủ tướng Chính phủ tại Tờ trình số 29/TTr-BXD ngày 07/4/2016.

Tuy nhiên, do nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách trung ương còn gặp nhiều khó khăn, danh mục hỗ trợ nhà ở chưa được đưa vào Nghị quyết số 1023/NQ-UBTVQH ngày 28/8/2015 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quyết định số 40/2015/QĐ-TTg ngày 14/9/2015 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016-2020. Ngày 25/01/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 03/CT-TTg về việc đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, đề xuất báo cáo Chính phủ bổ sung danh mục nhà ở vào danh mục các chương trình ưu tiên sử dụng vốn ngân sách trung ương để Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội sửa đổi bổ sung Nghị quyết 1023/NQ-UBTVQH. Trên cơ sở Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ sẽ xem xét, sửa đổi bổ sung Quyết định 40/2015/QĐ-TTg.

Với trách nhiệm của mình, trong thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo các cơ quan có thẩm quyền để sớm bố trí nguồn vốn cho việc phát triển nhà ở xã hội, trong đó có Chương trình xây dựng cụm, tuyến dân cư và nhà ở vùng ngập lũ đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2016-2020.

14. Cử tri TP Hồ Chí Minh kiến nghị: Cử tri đề nghị cần làm rõ và xử lý nghiêm trách nhiệm tổ chức, cá nhân trong việc vỡ ống dẫn nước sạch Sông Đà nhiều lần gây thiệt hại lớn cho ngân sách nhà nước.

Trả lời: (Tại Công văn số 239/BXD-TTr ngày 15/2/2017)

Dự án Nhà máy nước Sông Đà (Giai đoạn 1) do Tổng công ty Vinaconex đầu tư, xây dựng từ năm 2004 đến năm 2009. Trong quá trình khai thác, tuyến ống truyền tải (dài khoảng 46km) đã 20 lần xảy ra sự cố gây gián đoạn việc cấp nước cho Tp Hà Nội.

Sau sự cố lần thứ 5 (01/04/2014), Bộ Xây dựng đã tiến hành kiểm tra, xác định nguyên nhân sự cố và đã kết luận tại văn bản số 15/TB-BXD ngày 04/7/2014 gửi các cơ quan chức năng liên quan và các cơ quan thông tấn báo chí. Kết luận đã xác định rõ nguyên nhân sự cố vỡ đường ống và phân định trách nhiệm của các chủ thể có liên quan tới sự cố.

Ngày 24/7/2014, Bộ Công an đã tiến hành khởi tố vụ án hình sự Vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng, xảy ra tại Tổng Công ty Vinaconex và trưng cầu Bộ Xây dựng giám định một số nội dung để phục vụ công tác điều tra. Bộ Xây dựng đã tổ chức giám định và kết luận tại văn bản số 202/GĐ-GĐ3 ngày 15/4/2015 gửi Cơ quan Cảnh sát điều tra để tiếp tục điều tra làm rõ vụ án. Trong đó, đã thực hiện đầy đủ các nội dung giám định theo yêu cầu, bao gồm: Sự tuân thủ các quy định của pháp luật trong các giai đoạn từ chuẩn bị đầu tư, khảo sát, thiết kế, thi công và khai thác vận hành; Nguyên nhân vỡ tuyến ống truyền tải nước; Chất lượng và độ lâu của tuyến ống; Phân định trách nhiệm các chủ thể có liên quan.

Ngày 24/8/2016, Cơ quan Cảnh sát điều tra tiếp tục trưng cầu giám định bổ sung một số nội dung liên quan đến việc thay đổi vật liệu ống, năng lực sản suất của dây chuyền thiết bị, công nghệ và trách nhiệm trong thiết kế chế tạo ống, Bộ Xây dựng cũng đã khẩn trương tổ chức thực hiện và đã có kết luận tại Văn bản số 107/BXD-GĐ ngày 30/9/2016.

Hiện nay, việc điều tra, truy cứu, xử lý nghiêm trách nhiệm tổ chức, cá nhân trong việc vỡ ống dẫn nước sạch Sông Đà đang được Cơ quan Cảnh sát điều tra và các Cơ quan tố tụng thực hiện.

15. Cử tri tỉnh Bạc Liêu kiến nghị: Cử tri phản ánh: vấn đề về nhà ở cho các đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo, hiện nay còn rất nhiều gia đình có hoàn cảnh khó khăn có nhu cầu vay vốn để sửa chữa nhà ở thực hiện theo Quyết định số 33/2015/QĐ-TTg ngày 10/8/2015 quy định về chính sách hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo. Đề nghị Nhà nước tiếp tục quan tâm cho các đối tượng này được vay vốn sửa chữa nhà ở.

Trả lời: (Tại Công văn số 256/BXD-TTr ngày 15/2/2017)

Ngày 10/8/2015, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 33/2015/QĐ-TTg về chính sách hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011 - 2015 (sau đây gọi là Quyết định số 33/2015/QĐ-TTg); trong đó quy định cụ thể: (1) đối tượng của chương trình là hộ nghèo có khó khăn về nhà ở tại khu vực nông thôn theo quy định tại Quyết định số 09/2011/QĐ-TTg ngày 30/01/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành chuẩn hộ nghèo, hộ cận nghèo áp dụng cho giai đoạn 2011-2015; (2) Nguồn vốn vay để thực hiện chương trình do ngân sách trung ương cấp 50% trên tổng số vốn vay cho Ngân hàng Chính sách Xã hội, 50% còn lại do Ngân hàng Chính sách Xã hội tự huy động.

   Hiện nay, cả nước có khoảng 311.000 hộ nghèo thuộc diện được hỗ trợ nhà ở theo quy định tại Quyết định số 33/2015/QĐ-TTg. Tuy nhiên, theo đề án đã được thẩm định của các địa phương chỉ có khoảng 268 nghìn hộ nghèo thuộc diện được hỗ trợ đăng ký vay vốn. Theo kế hoạch, năm 2016 sẽ thực hiện hỗ trợ cho khoảng 10% số hộ nghèo trên cả nước với nhu cầu vốn khoảng 764 tỷ đồng.

Đến nay, Ngân hàng Chính sách Xã hội đã phân giao chỉ tiêu từ nguồn do Ngân hàng huy động cho chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tại 57 tỉnh, thành phố để thực hiện cho vay theo Quyết định số 33/2015/QĐ-TTg; tổng số tiền đã phân giao khoảng 394 tỷ đồng, đạt 51,7% nhu cầu vốn năm 2016. Nguồn vốn ngân sách trung ương theo kế hoạch năm 2016 chưa được cấp cho Ngân hàng Chính sách Xã hội.

 

Theo báo cáo của Ngân hàng Chính sách Xã hội, đến hết 31/12/2016 các chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội tại các địa phương đã giải ngân cho 15.143 hộ nghèo vay vốn làm nhà ở, với dư nợ khoảng 377 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 96% tổng số tiền Ngân hàng Chính sách xã hội đã phân bổ cho các địa phương. Năm 2016, tỉnh Bạc Liêu đã có 281 hộ được hỗ trợ vay vốn, với tổng dư nợ là 7.025 triệu đồng.

   Ngày 25/01/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 03/CT-TTg về việc đẩy mạnh việc phát triển nhà ở xã hội, trong đó, Thủ tướng Chính phủ đã giao Ngân hàng Chính sách xã hội lập kế hoạch cụ thể vốn cho các chương trình nhà ở xã hội theo quy định gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, báo cáo cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định; giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, đề xuất báo cáo Chính phủ bổ sung Chương trình phát triển nhà ở xã hội (trong đó có chương trình hỗ trợ nhà ở theo Quyết định 33/2015/QĐ-TTg) vào danh mục các chương trình ưu tiên sử dụng vốn ngân sách Trung ương để Chính phủ trình Ủy ban thường vụ Quốc hội bổ sung Nghị quyết số 1023/NQ-UBTVQH13, bố trí vốn thực hiện ngay trong kế hoạch từ năm 2017. Trên cơ sở Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ sẽ xem xét sửa đổi, bổ sung Quyết định số 40/2015/QĐ-TTg.

Với trách nhiệm của mình, Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục phối chặt chẽ  với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính khẩn trương thực hiện nhiệm vụ nêu trên và  đẩy mạnh việc triển khai thực hiện Quyết định số 33/2015/QĐ-TTg, phấn đấu đến năm 2020 hoàn thành việc hỗ trợ nhà ở cho khoảng 300 nghìn hộ gia đình nghèo có khó khăn về nhà ở tại khu vực nông thôn theo đúng kế hoạch đề ra.

Đối với hộ cận nghèo khu vực nông thôn gặp khó khăn về nhà ở, Bộ Xây dựng sẽ nghiên cứu, xây dựng chính sách hỗ trợ nhà ở cho đối tượng này, trình Thủ tướng Chính phủ vào thời điểm thích hợp, sau khi hoàn thành việc hỗ trợ cho các hộ nghèo để người dân có điều kiện xây dựng nhà ở, cải thiện cuộc sống.

16. Cử tri tỉnh Hưng Yên kiến nghị: Đề nghị sửa đổi lại Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg ngày 26/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ, bổ sung đối tượng những người tham gia kháng chiến năm 1974 – 1975 chưa đủ thời gian hưởng huy chương vào những đối tượng được hỗ trợ sửa nhà ở, để giảm bớt khó khăn, yên tâm trong cuộc sống.

Trả lời: (Tại Công văn số 249/BXD-TTr ngày 15/2/2017)

Căn cứ Nghị quyết số 494/NQ-UBTVQH13 ngày 18/5/2012 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về người có công với cách mạng, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg ngày 26/4/2013 về hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở, theo đó có 12 nhóm đối tượng người có công với cách mạng thuộc diện được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở được quy định tại Điều 2 của Pháp lệnh số 26/2005/PL-UBTVQH11 ngày 29/6/2005 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về ưu đãi người có công với cách mạng và Điều 1 của Pháp lệnh số 04/2012/UBTVQH13 ngày 16/7/2012 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng.

   Hiện nay, những người tham gia kháng chiến năm 1974 - 1975 chưa được tặng thưởng Huy chương thì không thuộc đối tượng quy định tại Pháp lệnh số 26/2005/PL-UBTVQH11 và Pháp lệnh số 04/2012/UBTVQH13 nên không được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg. Trong thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các Bộ, ngành có liên quan nghiên cứu, tổng hợp để trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định.

17. Cử tri tỉnh Phú Yên kiến nghị: Đề nghị đánh giá lại việc thực hiện Nghị định 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 về phát triển và quản lý nhà ở xã hội, vì cho rằng hiện nay nguồn lực chưa đáp ứng được yêu cầu cho vay về nhà ở xã hội cho các đối tượng hộ nghèo, cận nghèo, cán bộ, công chức, người lao động…

Trả lời: (Tại Công văn số 245/BXD-TTr ngày 15/2/2017)

1. Về tình hình thực hiện Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội.

Luật Nhà ở 2014 và Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội đã có các quy định nhằm khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi, thông thoáng cho các tổ chức, cá nhân thuộc các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển nhà ở xã hội thông qua các quy định cụ thể về: mở rộng các hình thức phát triển nhà ở xã hội (trong đó có hình thức BT); quỹ đất để xây dựng nhà ở xã hội; thủ tục lựa chọn và cơ chế ưu đãi chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội; tăng cường phát triển nhà ở xã hội để cho thuê, cho thuê mua, để bán, (trong đó đặc biệt chú trọng tới phát triển nhà ở xã hội để cho thuê nhằm giải quyết nhu cầu cải thiện điều kiện ở cho các đối tượng người có thu nhập thấp, hộ gia đình nghèo đang có khó khăn về nhà ở, không có khả năng chi trả theo cơ chế thị trường,..); trình tự, thủ tục mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của các bên trong mua bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở xã hội v.v..

Nghị định số 100/2015/NĐ-CP của Chính phủ đã cụ thể hoá các cơ chế, chính sách ưu đãi về đất đai, tài chính, tín dụng, thuế v.v.. để thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội như: miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với diện tích đất được Nhà nước giao hoặc cho thuê để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội (kể cả quỹ đất để xây dựng các công trình kinh doanh thương mại trong phạm vi dự án xây dựng nhà ở xã hội); được miễn, giảm thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp (trường hợp xây dựng nhà ở xã hội để cho thuê thì được giảm 70% thuế suất thuế VAT và thuế TNDN); được vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng chính sách xã hội, tổ chức tín dụng đang hoạt động tại Việt Nam (trường hợp xây dựng nhà ở xã hội để cho thuê thì được vay vốn ưu đãi đầu tư với thời hạn tối thiểu là 15 năm và tối đa không quá 20 năm); được UBND cấp tỉnh hỗ trợ toàn bộ hoặc một phần kinh phí đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật trong phạm vi dự án xây dựng nhà ở xã hội (trường hợp xây dựng nhà ở xã hội để cho thuê thì được hỗ trợ toàn bộ kinh phí này); các ưu đãi khác theo quy định của pháp luật (được miễn thực hiện thủ tục thẩm định thiết kế cơ sở đối với các dự án áp dụng thiết kế mẫu, thiết kế điển hình nhà ở xã hội do cơ quan có thẩm quyền ban hành, được áp dụng hình thức tự thực hiện đối với công tác tư vấn, thi công xây lắp v.v..).

Đối với hộ gia đình, cá nhân có thu nhập thấp khó khăn về nhà ở được vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng chính sách xã hội, tổ chức tín dụng do Nhà nước chỉ định để mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội do các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đầu tư.

   Pháp luật về nhà ở (Luật Nhà ở năm 2014, Nghị định số 100/2015/NĐ-CP của Chính phủ) cũng đã quy định, vốn để thực hiện chính sách nhà ở xã hội, gồm vốn do Nhà nước hỗ trợ trực tiếp cho đối tượng được hưởng chính sách nhà ở xã hội; vốn do Nhà nước cho vay ưu đãi thông qua Ngân hàng chính sách xã hội, tổ chức tín dụng do Nhà nước chỉ định  (Khoản 4 Điều 70 của Luật Nhà ở năm 2014). Đồng thời quy định trách nhiệm của các Bộ, ngành trong việc bố trí nguồn vốn đầu tư phát triển nhà nước để thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội.

Với hành lang chính sách và các Quy định cụ thể nêu trên, tổng hợp báo cáo của các địa phương cho thấy, đến nay cả nước đã hoàn thành đầu tư xây dựng 179 dự án nhà ở xã hội dành cho người thu nhập thấp tại khu vực đô thị và công nhân khu công nghiệp, với quy mô xây dựng khoảng 71.150 căn hộ, tương đương với khoảng 3,7 triệu m2 (gồm: 97 dự án nhà ở xã hội cho công nhân KCN, 82 dự án nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp khu vực đô thị); hiện nay các địa phương trên cả nước  đang tiếp tục triển khai 191 dự án, với quy mô xây dựng khoảng 163.800 căn hộ, tổng mức đầu tư khoảng 71.800 tỷ đồng để giải quyết chỗ ở cho trên 1 triệu người.

   2. Định hướng thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội trong thời gian tới.

Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về nhà ở xã hội, nhà ở công nhân vào ngày 07/12/2016, sau khi đánh giá tình hình triển khai thực hiện, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo phải tiếp tục đẩy mạnh việc phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân và tại Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 25/01/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, đề xuất báo cáo Chính phủ bổ sung Chương trình phát triển nhà ở xã hội vào danh mục các chương trình ưu tiên sử dụng vốn ngân sách Trung ương để Chính phủ trình Ủy ban thường vụ Quốc hội bổ sung Nghị quyết số 1023/NQ-UBTVQH13 ngày 28/8/2015 về việc ban hành các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016-2020, bố trí vốn thực hiện ngay trong kế hoạch từ năm 2017. Trên cơ sở Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ sẽ xem xét sửa đổi, bổ sung Quyết định số 40/2015/QĐ-TTg ngày 14/9/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016-2020.

   Với nhiệm vụ của mình, Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục triển khai một số giải pháp nhằm đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, cụ thể như sau: (1) Tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện thể chế, bổ sung các cơ chế, chính sách để thúc đẩy việc phát triển nhà ở xã hội, bảo đảm phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước và khả năng chi trả của từng đối tượng. (2) Tập trung chỉ đạo thúc đẩy phát triển nhà ở cho công nhân khu công nghiệp, người có thu nhập thấp ở đô thị. Nghiên cứu bổ sung cơ chế chính sách khuyến khích xây dựng nhà ở cho thuê, nhà ở thương mại giá thấp. (3) Nghiên cứu bổ sung các quy chuẩn, tiêu chuẩn về nhà ở xã hội, nghiên cứu, ứng dụng khoa học kỹ thuật, sử dụng vật liệu mới… nhằm giảm giá thành nhà ở xã hội, cơ cấu sản phẩm nhà ở phù hợp, bảo đảm các điều kiện về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội thiết yếu về y tế, giáo dục, văn hóa,..trong các dự án xây dựng nhà ở và khu công nghiệp...

   Đối với các địa phương Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo: (1) Rà soát các quy hoạch đô thị, khu công nghiệp để điều chỉnh, bổ sung, bảo đảm bố trí đủ quỹ đất cho phát triển nhà ở xã hội; (2) Bố trí nguồn lực hợp lý để đầu tư các cơ sở hạ tầng thiết yếu như: trường học, nhà trẻ, cơ sở khám chữa bệnh, sinh hoạt cộng đồng, văn hoá, thể dục, thể thao,... trong và ngoài các dự án nhà ở xã hội, đặc biệt là tại các khu vực có đông công nhân và người lao động; (3) Có các cơ chế, giải pháp cụ thể để hỗ trợ, khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp tích cực tham gia phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn; (4) Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp và người dân tích cực tham gia phát triển nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá rẻ và nhà ở cho thuê; công khai, minh bạch các đối tượng được hỗ trợ nhà ở xã hội; Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm pháp luật trong việc thực hiện các chính sách, chương trình phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn.

18. Cử tri tỉnh Thái Nguyên kiến nghị:

- Đề nghị tiếp tục cho kéo dài thực hiện chính sách hỗ trợ cho các dự án phát triển nhà ở công nhân, nhà ở xã hội, giai đoạn 2016-2020 để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp.

- Đề nghị bổ sung cơ chế hỗ trợ nhà đầu tư kinh phí xây dựng hạ tầng cơ sở nhà ở xã hội

- Đề nghị bổ sung kinh phí hỗ trợ từ ngân sách trung ương để tỉnh Thái Nguyên hỗ trợ xây dựng các dự án ngoài hàng rào dự án nhà ở xã hội, xây dựng hạ tầng các dự án tái định cư, nhà ở công nhân cho các Khu công nghiệp do Nhà nước là chủ đầu tư (KCN Điềm Thụy-phần diện tích 180ha, KCN Sông Công II).

Trả lời: (Tại Công văn số 243/BXD-QLN ngày 15/2/2017

  1. Về nội dung thứ nhất: 

Để tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia đầu tư phát triển nhà ở xã hội trong thời gian tới, Luật Nhà ở năm 2014 và Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ về phát triển nhà ở xã hội đã có nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi nhằm tiếp tục khuyến khích, hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia đầu tư phát triển nhà ở xã hội như: miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với diện tích đất được Nhà nước giao hoặc cho thuê để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội (kể cả quỹ đất để xây dựng các công trình kinh doanh thương mại trong phạm vi dự án xây dựng nhà ở xã hội); được miễn, giảm thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp (trường hợp xây dựng nhà ở xã hội để cho thuê thì được giảm tới 70% thuế suất thuế VAT và thuế TNDN); được vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng chính sách xã hội, tổ chức tín dụng đang hoạt động tại Việt Nam (trường hợp xây dựng nhà ở xã hội để cho thuê thì được vay vốn ưu đãi đầu tư với thời hạn tối thiểu là 15 năm và tối đa không quá 20 năm); được UBND cấp tỉnh hỗ trợ toàn bộ hoặc một phần kinh phí đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật trong phạm vi dự án xây dựng nhà ở xã hội (trường hợp xây dựng nhà ở xã hội để cho thuê thì được hỗ trợ toàn bộ kinh phí này); được miễn thực hiện thủ tục thẩm định thiết kế cơ sở đối với các dự án áp dụng thiết kế mẫu, thiết kế điển hình nhà ở xã hội, được áp dụng hình thức tự thực hiện đối với công tác tư vấn, thi công xây lắp v.v...

Đối với hộ gia đình, cá nhân có thu nhập thấp khó khăn về nhà ở được vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng chính sách xã hội, tổ chức tín dụng do Nhà nước chỉ định để mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội.

Riêng về nguồn vốn cho phát triển nhà ở xã hội, pháp luật về nhà ở đã quy định: vốn để thực hiện chính sách nhà ở xã hội, gồm vốn do Nhà nước hỗ trợ trực tiếp cho đối tượng được hưởng chính sách nhà ở xã hội; vốn do Nhà nước cho vay ưu đãi thông qua Ngân hàng chính sách xã hội, tổ chức tín dụng do Nhà nước chỉ định  (Khoản 4 Điều 70 của Luật Nhà ở năm 2014). Đồng thời quy định trách nhiệm của các Bộ, ngành trong việc bố trí nguồn vốn đầu tư phát triển nhà nước để thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội.

   Tiếp theo, tại Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 25/01/2017 về việc đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, đề xuất báo cáo Chính phủ bổ sung Chương trình phát triển nhà ở xã hội vào danh mục các chương trình ưu tiên sử dụng vốn ngân sách Trung ương để Chính phủ trình Ủy ban thường vụ Quốc hội bổ sung Nghị quyết số 1023/NQ-UBTVQH13 ngày 28/8/2015 về việc ban hành các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016-2020, bố trí vốn thực hiện ngay trong kế hoạch từ năm 2017. Trên cơ sở Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ sẽ xem xét sửa đổi, bổ sung Quyết định số 40/2015/QĐ-TTg ngày 14/9/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016-2020.

   Với trách nhiệm của mình, Bộ Xây dựng đang phối hợp chặt chẽ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo các cơ quan có thẩm quyền để sớm bố trí nguồn vốn tiếp tục thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội.

  1. Về nội dung thứ hai và thứ ba:

   Về đề nghị bổ sung cơ chế hỗ trợ nhà đầu tư kinh phí xây dựng hạ tầng cơ sở nhà ở xã hội, các dự án tái định cư, nhà ở công nhân cho các Khu công nghiệp thì Luật nhà ở năm 2014 và Nghị định số 100/2015/NĐ-CP của Chính phủ đã quy định tùy theo điều kiện của địa phương, UBND cấp tỉnh thực hiện hỗ trợ toàn bộ hoặc một phần kinh phí đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật trong phạm vi dự án xây dựng nhà ở xã hội; trường hợp xây dựng nhà ở xã hội để cho thuê thì được hỗ trợ toàn bộ kinh phí này (điểm d khoản 1 Điều 58 Luật Nhà ở và khoản 4 Điều 9 Nghị định số 100/2015/NĐ-CP của Chính phủ).

Tiếp theo, tại Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 25/01/2017 về việc đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo cụ thể: giao cho các địa phương phải bố trí nguồn lực hợp lý để đầu tư các cơ sở hạ tầng thiết yếu như: trường học, nhà trẻ, cơ sở khám chữa bệnh, sinh hoạt cộng đồng, văn hoá, thể dục, thể thao,... trong và ngoài các dự án nhà ở xã hội, đặc biệt là tại các khu vực có đông công nhân và người lao động; Có các cơ chế, giải pháp cụ thể để hỗ trợ, khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp tích cực tham gia phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn…

Việc đề nghị bổ sung kinh phí hỗ trợ từ ngân sách trung ương để tỉnh Thái Nguyên hỗ trợ xây dựng các dự án ngoài hàng rào dự án nhà ở xã hội, xây dựng hạ tầng các dự án tái định cư, nhà ở công nhân cho các Khu công nghiệp do Nhà nước là chủ đầu tư được thực hiện theo quy định của Luật Đầu tư công. Do vậy, đề nghị UBND tỉnh Thái Nguyên xem xét ý kiến này, trường hợp ngân sách của Tỉnh không có khả năng đáp ứng thì báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét, lập kế hoạch bố trí nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách Trung ương theo quy định của Luật Đầu tư công.

19. Cử tri tỉnh Lào Cai kiến nghị: Quyết định số 33/2015/QĐ-TTg, ngày 10/8/2015 của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ nhà ở cho người nghèo với định mức cho vay 25 triệu/hộ. Tuy vậy, đối với đồng bào vùng cao phần lớn là người nghèo, việc huy động vốn tự có và các nguồn khác là rất khó khăn. Cử tri đề nghị xem xét nâng mức cho vay từ 25 lên 50 triệu/hộ.

Cử tri tỉnh Quảng Trị kiến nghị: Đề nghị xem xét nâng hạng mức cho vay ưu đãi với lãi suất thấp cho người nghèo để xây dựng nhà ở

Trả lời: (Tại Công văn số 265/BXD-QLN ngày 15/2/2017)

   Sau khi tổng kết chương trình hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở theo Quyết định số 167/2008/QĐ-TTg ngày 12/12/2008 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu, trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định số 33/2015/QĐ-TTg ngày 10/8/2015 về chính sách hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011 - 2015 (sau đây gọi là Quyết định số 33/2015/QĐ-TTg). Để phù hợp với chủ trương huy động nhiều nguồn lực, phù hợp với khả năng của ngân sách nhà nước, đồng thời tăng tính chủ động của địa phương và người dân, Quyết định số 33/2015/QĐ-TTg đã chuyển từ phương thức hỗ trợ trực tiếp sang phương thức hỗ trợ gián tiếp (mỗi hộ được vay tối đa 25 triệu đồng/hộ từ Ngân hàng Chính sách xã hội để xây dựng mới hoặc sửa chữa nhà ở, lãi suất vay 3%/năm, thời hạn vay là 15 năm, trong đó thời gian ân hạn là 5 năm, thời gian trả nợ tối đa là 10 năm bắt đầu từ năm thứ 6). Như vậy, với mức vay ưu đãi 25 triệu/hộ, cùng việc huy động thêm các nguồn lực từ gia đình, họ hàng và cộng đồng, hộ gia đình có thể xây dựng một ngôi nhà có diện tích tối thiểu 24m2, tuổi thọ trên 10 năm, có giá thành xây dựng khoảng 40 triệu đồng.

 

   Qua kiểm tra thực tế tại một số địa phương, mức vay ưu đãi 25 triệu/hộ cơ bản phù hợp với đa số đối tượng tại các vùng miền trên cả nước. Tuy nhiên, với mức hỗ trợ như trên thì một số đối tượng như: người nghèo tại vùng sâu vùng xa, người già cả, neo đơn... sẽ gặp khó khăn trong việc xây dựng nhà ở. Đối với các đối tượng này, Quyết định số 33/2015/QĐ-TTg đã quy định Ủy ban nhân dân cấp xã chỉ đạo Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tại địa phương phối hợp, tham gia, tổ chức xây dựng nhà ở cho các đối tượng này.

Bên cạnh đó, để hỗ trợ người dân cải thiện nhà ở, ổn định cuộc sống, yên tâm sản xuất, vươn lên thoát nghèo, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ vào điều kiện thực tế của địa phương chủ động cân đối, bố trí một phần ngân sách cũng như kêu gọi cộng đồng, doanh nghiệp, các tổ chức Chính trị Xã hội trên địa bàn tham gia để giúp đỡ các hộ nghèo xây dựng nhà ở, nêu cao tinh thần “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Ngoài ra, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng đang tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động “Ngày vì người nghèo”, phối hợp với chính quyền các cấp, các tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tích cực vận động tạo thêm nguồn lực hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở.

Với trách nhiệm của mình, Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ  với các Bộ, ngành liên quan và chính quyền địa phương đẩy mạnh việc triển khai thực hiện Quyết định số 33/2015/QĐ-TTg, phấn đấu đến năm 2020 hoàn thành việc hỗ trợ nhà ở cho khoảng 300 nghìn hộ gia đình nghèo có khó khăn về nhà ở tại khu vực nông thôn theo đúng kế hoạch đề ra. Việc cử tri đề nghị nâng hạn mức cho vay, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân xây dựng nhà ở, ổn định cuộc sống, Bộ Xây dựng xin ghi nhận ý kiến của cử tri tỉnh Lào Cai và tỉnh Quảng Trị để tổng hợp, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định vào thời điểm thích hợp.

20. Cử tri tỉnh Tây Ninh kiến nghị: Đề nghị tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTG.

Trả lời: (Tại Công văn số 250/BXD-QLN ngày 15/2/2017)

Thực hiện Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg ngày 26/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở, trong giai đoạn 1 (2013-2016) cả nước đã thực hiện hỗ trợ về nhà ở cho 80.000 hộ người có công (trong đó có hơn 72.000 hộ của 53/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có báo cáo Ủy ban về các vấn đề về Xã hội của Quốc hội năm 2012 và hơn 7.800 hộ của 10 địa phương chưa có báo cáo năm 2012 nhưng được hỗ trợ bổ sung gồm: Bắc Giang, Hà Tĩnh, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Kiên Giang, Đăk Nông, Bình Thuận, Đồng Nai, Hậu Giang và Bạc Liêu) với nguồn kinh phí cấp từ ngân sách trung ương là 2.516 tỷ đồng. Đến nay, Bộ Tài chính đã cấp đủ số kinh phí này cho 63 địa phương để thực hiện hỗ trợ cho 80.000 hộ nêu trên.

   Đối với khoảng 283.500 hộ người có công còn lại chưa được hỗ trợ theo Đề án mà 63 địa phương đã phê duyệt và đã được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thẩm tra tính đến ngày 30/9/2016 với nguồn kinh phí cần cấp từ ngân sách trung ương khoảng 7.300 tỷ đồng (trong đó có tỉnh Tây Ninh), Bộ Xây dựng đã cùng với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và Bộ Lao động Thương binh và Xã hội báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ chấp thuận để tiếp tục thực hiện giai đoạn 2. Ngày 23/11/2016, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản số 2114/TTg-KTN chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng và cơ quan liên quan trình cấp có thẩm quyền bố trí vốn Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 theo quy định để các địa phương tiếp tục thực hiện hỗ trợ về nhà ở theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg.

   Như vậy, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ thì Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ có trách nhiệm chủ trì cùng với các Bộ, ngành có liên quan trình cơ quan có thẩm quyền quyết định bố trí vốn từ ngân sách trung ương để thực hiện hỗ trợ về nhà ở theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg cho số hộ gia đình người có công với cách mạng còn lại nêu trên.

21. Cử tri tỉnh Tiền Giang kiến nghị: Về chính sách xã hội về nhà ở cho hộ nghèo: theo Quyết định 167/2008/QĐ-TTg thì được hỗ trọ 12 triệu (trong tổng số 20 triệu), người dân vay 8 triệu. sau đó áp dụng Quyết định 33/2015/QĐ-TTg ngày 10/8/2015 thì không thực hiện mức hỗ trợ nữa mà chỉ cho vay. Đề nghị sớm xem xét tham mưu với Thủ tướng Chính phủ để điều chỉnh quy định này theo hướng tiếp tục thực hiện mức hỗ trợ hợp lý, giúp hộ nghèo thuận lợi để ổn định nơi ở và phấn đấu vươn lên thoát nghèo bền vững.

Trả lời: (Tại Công văn số 264/BXD-TTr ngày 15/2/2017)

   Ngày 12/12/2008, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 167/2008/QĐ-TTg về chính sách hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở. Theo đó, ngân sách trung ương hỗ trợ 06-07 triệu đồng/hộ, địa phương có trách nhiệm hỗ trợ thêm ngoài phần ngân sách trung ương hỗ trợ (không dưới 20% số vốn ngân sách trung ương hỗ trợ) và huy động cộng đồng giúp đỡ các hộ làm nhà ở; hộ dân có nhu cầu, được vay tín dụng ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách Xã hội, mức vay tối đa 08 triệu đồng/hộ, lãi suất vay 3%/năm. Thời hạn vay là 10 năm, trong đó thời gian ân hạn là 5 năm; như vậy, tổng số tiền hỗ trợ và cho vay ưu đãi khoảng 15-16 triệu đồng. Bên cạnh đó, cùng với các nguồn lực huy động từ gia đình, dòng họ và cộng đồng giúp người dân có thể xây dựng 01 ngôi nhà có diện tích tối thiểu 24m2, tuổi thọ trên 10 năm, có giá thành xây dựng tại thời điểm đó khoảng 25-30 triệu đồng. Trong giai đoạn 2008-2012, theo kế hoạch dự kiến hỗ trợ cho 500 nghìn hộ nghèo, nhưng sau khi kết thúc chương trình, đã thực hiện hỗ trợ cho khoảng 531.000 hộ (đạt 107% so với kế hoạch ban đầu) với tổng số tiền hỗ trợ khoảng 12.653 tỷ đồng.

   Sau khi tổng kết chương trình hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở theo Quyết định số 167/2008/QĐ-TTg, Bộ Xây dựng đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan nghiên cứu, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 33/2015/QĐ-TTg ngày 10/8/2015 về chính sách hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011-2015 (sau đây gọi là Quyết định số 33/2015/QĐ-TTg). Để phù hợp với chủ trương huy động nhiều nguồn lực, phù hợp với khả năng của ngân sách nhà nước, đồng thời tăng tính chủ động của địa phương và người dân, Quyết định số 33/2015/QĐ-TTg đã chuyển từ phương thức hỗ trợ trực tiếp sang phương thức hỗ trợ gián tiếp (mỗi hộ được vay tối đa 25 triệu đồng/hộ từ Ngân hàng Chính sách xã hội để xây dựng mới hoặc sửa chữa nhà ở, lãi suất vay 3%/năm, thời hạn vay là 15 năm, trong đó thời gian ân hạn là 5 năm, thời gian trả nợ tối đa là 10 năm bắt đầu từ năm thứ 6). Như vậy, với mức vay ưu đãi 25 triệu/hộ, cùng việc huy động thêm các nguồn lực từ gia đình, họ hàng và cộng đồng, hộ gia đình có thể xây dựng một ngôi nhà có diện tích tối thiểu 24m2, tuổi thọ trên 10 năm, có giá thành xây dựng khoảng 40 triệu đồng.

   Qua kiểm tra thực tế tại một số địa phương, mức vay ưu đãi 25 triệu/hộ cơ bản phù hợp với đa số đối tượng tại các vùng miền trên cả nước. Bên cạnh đó, để hỗ trợ người dân cải thiện nhà ở, ổn định cuộc sống, yên tâm sản xuất, vươn lên thoát nghèo, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ vào điều kiện thực tế của địa phương chủ động cân đối, bố trí một phần ngân sách cũng như kêu gọi cộng đồng, doanh nghiệp, các tổ chức Chính trị Xã hội trên địa bàn tham gia để giúp đỡ các hộ nghèo xây dựng nhà ở, nêu cao tinh thần “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Ngoài ra, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng đang tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động “Ngày vì người nghèo”, phối hợp với chính quyền các cấp, các tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tích cực vận động tạo thêm nguồn lực hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở.

   Với trách nhiệm của mình, Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành liên quan và chính quyền địa phương đẩy mạnh việc triển khai thực hiện Quyết định số 33/2015/QĐ-TTg, tích cực vận động tạo thêm nguồn lực để hỗ trợ các hộ nghèo cải thiện nhà ở; phấn đấu đến năm 2020 hoàn thành việc hỗ trợ nhà ở cho khoảng 300 nghìn hộ gia đình nghèo có khó khăn về nhà ở tại khu vực nông thôn theo đúng kế hoạch đề ra. Bộ Xây dựng xin ghi nhận ý kiến của cử tri tỉnh Tiền Giang để tổng hợp và phối hợp với các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định vào thời điểm thích hợp.

22. Cử tri tỉnh Bình Dương kiến nghị: Hiện nay Chính phủ đang xây dựng Dự thảo nghị định thay thế Nghị định số 121/2013/NĐ-CP ngày 10/10/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng; kinh doanh bất động sản; khai thác, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; quản lý phát triển nhà và công sở, cử tri kiến nghị nên bổ sung “nhà ở cho thuê, nhà trọ” thuộc loại công trình nào vào phần giải thích từ ngữ của Dự thảo. Vì hiện nay công trình “nhà ở cho thuê, nhà trọ chưa được quy định rõ ràng, gây khó khăn trong công tác xử lý vi phạm trong hoạt động xây dựng.

Trả lời: (Tại Công văn số 254/BXD-TTr ngày 15/2/2017)

Việc bổ sung nội dung giải thích từ ngữ là cần thiết nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai thi hành các văn bản quy phạm pháp luật. Vì vậy, Bộ Xây dựng đã nghiên cứu, bổ sung 01 Điều về “giải thích từ ngữ” vào Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 121/2013/NĐ-CP ngày 10/10/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng; kinh doanh bất động sản; khai thác, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; quản lý phát triển nhà và công sở (viết tắt là Nghị định số 121/2013/NĐ-CP).

Đối với khái niệm về “nhà ở cho thuê, nhà trọ”, Bộ Xây dựng nhận thấy: Tại khoản 1 Điều 3 của Luật Nhà ở đã quy định: “Nhà ở là công trình xây dựng với mục đích để ở và phục vụ các nhu cầu sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân”. Theo quy định này thì nhà ở cho thuê, nhà trọ là nhà ở. 

Tại Nghị định số 121/2013/NĐ-CP, cũng như tại Dự thảo Nghị định thay thế, đã quy định một chương riêng về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, phát triển nhà ở. Trong lĩnh vực hoạt động đầu tư xây dựng, hành vi vi phạm trật tự xây dựng đối với nhà ở riêng lẻ cũng được quy định riêng để phân biệt với công trình xây dựng khác. Vì vậy, Bộ Xây dựng giải thích để cử tri được rõ và xin bảo lưu ý kiến không đưa định nghĩa về “nhà ở cho thuê, nhà trọ” vào Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 121/2013/NĐ-CP.

23. Cử tri các tỉnh Quảng Ninh, Bình Phước kiến nghị: Đề nghị xem xét điều chỉnh, bổ sung một số nội dung của Luật Xây dựng, trong đó có nội dung liên quan đến: Chỉ định thầu; Phân cấp thẩm quyền về thẩm định, phê duyệt sau thiết kế cơ sở; Phân cấp thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư; Thẩm định Dự án đầu tư; Cơ quan trình phê duyệt dự án để bảo đảm tính thống nhất giữa các văn bản pháp quy, đồng thời phù hợp với thực tế trong quá trình triển khai thực hiện.

Trả lời: (Tại Công văn số 259/BXD-HĐXD ngày 15/2/2017)

Bộ Xây dựng ghi nhận, tiếp thu kiến nghị của cử tri tỉnh Quảng Ninh và tỉnh Bình Phước để nghiên cứu, tham mưu Chính phủ xem xét, kịp thời điểu chỉnh, bổ sung quy định trong quá trình đánh giá thực hiện Luật Xây dựng, đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế. Hiện nay, thực hiện Nghị quyết số 60/NQ-CP ngày 08/7/2016 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2016 và Nghị quyết số 71/NQ-CP ngày 05/8/2016 của Chính phủ, Bộ Xây dựng đã xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 59/2015/NĐ-CP trong đó đề xuất các nội dung về tăng cường phân cấp, ủy quyền trong thực hiện thẩm định dự án, thiết kế và dự toán xây dựng nhưng vẫn đảm bảo yêu cầu kiểm soát chặt chẽ của cơ quan quản lý nhà nước về chất lượng công trình và chống thất thoát, lãng phí trong đầu tư xây dựng, dự kiến ban hành trong Quý I năm 2017.

 

24 . Cử tri thành phố Hà Nội kiến nghị: Cử tri phản ánh Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Dự án tổ hợp chung cư cao cấp, trung tâm thương mại tại 148 Giảng Võ, Ba Đình, Hà Nội sẽ làm tăng tình trạng ùn tắc giao thông của thành phố Hà Nội và không phù hợp với Luật Thủ đô và Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô. Đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét cho dừng việc triển khai thực hiện dự án trên”

Trả lời: (Tại Công văn số 537/BXD-QHKT ngày 15/3/2017)

Dự án “Tổ hợp Trung tâm dịch vụ, thương mại và nhà ở” tại 148 Giảng Võ thuộc thẩm quyền quyết định của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội theo quy định pháp luật.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ (tại văn bản số 243/VPCP-V.I ngày 09/01/2017 của Văn phòng Chính phủ), Bộ Xây dựng đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ về một số vấn đề liên quan (tại công văn số 437/BXD-QHKT ngày 03/3/2017).

25. Cử tri tỉnh Hà Nam và tỉnh Bắc Giang kiến nghị: Đề nghị Nhà nước quan tâm hỗ trợ kinh phí xây dựng khu nhà ở cho Công nhân lao động tại các khu Công nghiệp vì số lượng lao động tại các khu công nghiệp trong tỉnh ngày càng tăng dẫn tới các khu nhà cho thuê trọ cũng quá tải.

Trả lời: (Tại Công văn số 464/BXD-QLN ngày 7/3/2017)

Pháp luật về nhà ở (Luật Nhà ở năm 2014 và Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội) đã có quy định về đầu tư xây dựng nhà ở xã hội (bao gồm các khu nhà ở dành cho công nhân lao động tại các khu công nghiệp) bằng vốn ngân sách nhà nước để cho thuê, cho thuê mua (Điều 53 của Luật Nhà ở); việc cân đối bố trí nguồn vốn từ ngân sách nhà nước để thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội được Chính phủ giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành Trung ương (khoản 1 và khoản 2 Điều 29 của Nghị định số 100/2015/NĐ-CP). 

   Mặt khác, pháp luật về nhà ở cũng đã quy định về việc hỗ trợ kinh phí xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật trong phạm vi khu nhà ở xã hội nói chung và khu nhà ở dành cho công nhân lao động tại các khu công nghiệp nói riêng. Cụ thể là: “Ủy ban nhân dân (UBND) cấp tỉnh thực hiện hỗ trợ toàn bộ hoặc một phần kinh phí đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật trong phạm vi dự án xây dựng nhà ở xã hội; trường hợp xây dựng nhà ở xã hội để cho thuê thì được hỗ trợ toàn bộ kinh phí này” (điểm d khoản 1 Điều 58 Luật Nhà ở và khoản 4 Điều 9 Nghị định số 100/2015/NĐ-CP của Chính phủ).

   Để thúc đẩy việc đầu tư xây dựng nhà ở xã hội đáp ứng nhu cầu về nhà ở cho người có thu nhập thấp (trong đó có đối tượng là công nhân lao động tại các khu công nghiệp), ngày 25/01/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 03/CT-TTg về đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội. Theo đó, các Bộ, ngành và Tỉnh ủy, Thành ủy, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải có quyết tâm và xác định việc phát triển nhà ở xã hội, nhất là nhà ở cho công nhân là một nhiệm vụ chính trị, trong đó chính quyền địa phương là cấp quyết định sự thành công của chương trình phát triển nhà ở xã hội, nhất là nhà ở cho công nhân. Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các địa phương phải có các cơ chế, giải pháp cụ thể để hỗ trợ, khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp tích cực tham gia phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn…; phải bố trí nguồn lực hợp lý để đầu tư các cơ sở hạ tầng thiết yếu như: trường học, nhà trẻ, cơ sở khám chữa bệnh, sinh hoạt cộng đồng, văn hoá, thể dục, thể thao,... trong và ngoài các dự án nhà ở xã hội, đặc biệt là tại các khu vực có đông công nhân và người lao động.

   Hiện nay, việc cân đối nguồn vốn từ ngân sách Trung ương giai đoạn 2016-2020 để thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội đang rất khó khăn. Trong Chỉ thị số 03, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm báo cáo Chính phủ bổ sung Chương trình nhà ở xã hội vào danh mục các chương trình ưu tiên sử dụng vốn ngân sách Trung ương để Chính phủ trình Ủy ban thường vụ Quốc hội bổ sung vào Nghị quyết số 1023/NQ-UBTVQH13 ngày 28/8/2015 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về việc ban hành các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016-2020. Trên cơ sở đó để Thủ tướng Chính phủ bổ sung Quyết định số 40/2015/QĐ-TTg ngày 14/9/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016-2020.

   Qua theo dõi, tổng hợp cho thấy trên địa bàn tỉnh Hà Nam và tỉnh Bắc Giang có nhiều khu công nghiệp, nhiều công nhân lao động đang rất khó khăn về nhà ở, do đó Bộ Xây dựng nhận thấy việc đề xuất hỗ trợ kinh phí để xây dựng khu nhà ở cho công nhân lao động là rất cần thiết. Đề nghị Đoàn đại biểu Quốc hội của tỉnh Hà Nam và tỉnh Bắc Giang báo cáo Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh để chỉ đạo UBND tỉnh xem xét, quyết định việc hỗ trợ kinh phí từ nguồn ngân sách của địa phương để đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân theo quy định của pháp luật về nhà ở. Trường hợp nguồn ngân sách của Tỉnh không có khả năng hỗ trợ kinh phí thì UBND tỉnh báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư để được xem xét, hỗ trợ theo quy định của Luật Đầu tư công.

26. Cử tri thành phố Cần Thơ kiến nghị : Kiến nghị Bộ Xây dựng tổ chức khảo sát, đánh giá hiệu quả sử dụng các cụm, tuyến dân cư vượt lũ vùng đồng bằng sông Cửu Long. Qua đó tham mưu đề xuất Chính phủ có giải pháp chỉ đạo giải quyết phù hợp với thực tiễn, tránh xảy ra tình trạng đầu tư sử dụng kém hiệu quả, gây lãng phí”.

Trả lời: (Tại Công văn số 479/BXD-QLN ngày 9/3/2017)

Chương trình xây dựng cụm, tuyến dân cư và nhà ở vùng ngập lũ đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 1 và giai đoạn 2 được triển khai thực hiện từ năm 2001-2015 với tổng số 976/977 dự án đã hoàn thành (đạt tỷ lệ 99,9%), trong đó có 857 cụm, tuyến dân cư và 119 bờ bao khu dân cư có sẵn đã đảm bảo cho khoảng 191.000 hộ dân, với gần 1 triệu người dân vùng ngập lũ đồng bằng sông Cửu Long được sống an toàn ổn định. Hầu hết các địa phương thực hiện đạt mục tiêu yêu cầu đề ra.

Tại Hội nghị tổng kết Chương trình giai đoạn 2 (ngày 10/4/2015) do Thủ tướng Chính phủ chủ trì với sự tham gia của các Bộ, ngành và địa phương thuộc Chương trình, các đại biểu tham dự đều đánh giá Chương trình đã mang lại hiệu quả cao, tạo cơ sở ban đầu để thực hiện quá trình đô thị hoá, hiện đại hoá nông thôn, góp phần quan trọng vào việc phát triển toàn diện kinh tế - xã hội của vùng đồng bằng sông Cửu Long, tạo nên các khu dân cư có đời sống vật chất và tinh thần càng ngày càng tốt hơn. Thực tế, qua các trận lũ lớn, đặc biệt trong năm 2011 xuất hiện trận lũ rất lớn (nhiều nơi mức ngập cao hơn mức ngập của trận lũ lịch sử năm 1961 và năm 2000) cho thấy hầu hết các cụm, tuyến dân cư và bờ bao khu dân cư thuộc Chương trình giai đoạn 1 và giai đoạn 2 vẫn đảm bảo an toàn; thiệt hại về người và tài sản trong trận lũ năm 2011 chỉ bằng khoảng 1/10 so với năm 2000. Hội nghị tổng kết Chương trình giai đoạn 2 đã khẳng định: Chương trình đã đạt được mục tiêu tổng quát đề ra, đảm bảo cho các hộ dân trong vùng có điều kiện sinh sống an toàn, ổn định và từng bước tiến tới phát triển bền vững, bảo đảm điều kiện để người dân chung sống với lũ.

Tại Thông báo số 156/TB-VPCP ngày 27/4/2015 của Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các địa phương và các cơ quan liên quan rà soát cụ thể số hộ phát sinh có hoàn cảnh tương tự đối tượng thuộc Chương trình giai đoạn 2; tổng hợp, đề xuất, báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tiếp tục đầu tư các cụm, tuyến dân cư, giải quyết nhu cầu ổn định chỗ ở cho các hộ dân ở vùng ngập lũ, vùng sạt lở nguy hiểm.

Triển khai thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng đã đã xây dựng cơ chế, chính sách để triển khai thực hiện giai đoạn 2016-2020 và trình Thủ tướng Chính phủ tại Tờ trình số 29/TTr-BXD ngày 07/4/2016. Theo đó, có 05 địa phương có nhu cầu đầu tư bổ sung 130 dự án để đảm bảo cho 44.811 hộ dân có chỗ ở an toàn, ổn định.

Để đánh giá hiệu quả sử dụng các cụm, tuyến dân cư vượt lũ vùng đồng bằng sông Cửu Long, tránh tình trạng đầu tư sử dụng kém hiệu quả, gây lãng phí, trong thời gian vừa qua, Bộ Xây dựng đã lập Đoàn công tác liên ngành gồm đại diện Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về Chính sách nhà ở và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính, Ngân hàng Phát triển Việt Nam, Ngân hàng Chính sách xã hội đến kiểm tra thực tế tại một số cụm tuyến dân cư và làm việc với Ban chỉ đạo Chương trình tại các tỉnh Long An, Đồng Tháp, An Giang, Hậu Giang và thành phố Cần Thơ từ ngày 11/12/2016 đến hết ngày 16/12/2016.

Qua kiểm tra, rà soát thực tế tại các cụm, tuyến dân cư được xây dựng trong giai đoạn 2001-2015 cho thấy tỷ lệ số hộ dân đã vào ở trong cụm, tuyến dân cư đạt khoảng 87,4% (khoảng 127.000 hộ); tỷ lệ hộ đã nhận lô nền nhà, nhưng chưa xây nhà để ở là 7,7%; tỷ lệ hộ đã làm nhà ở, nhưng đã rời khỏi cụm tuyến dân cư là 2% (bao gồm những hộ đi làm ăn xa chỉ về nhà vào dịp lễ, tết); tỷ lệ hộ xin trả lại lô nền và nhà ở là 0,5%. Nhiều cụm, tuyến dân cư đã trở thành các thị trấn, thị tứ có dân cư sinh sống đông đúc, một số cụm tuyến dân cư có vị trí thuận lợi đã phát triển mạnh và trở thành một phần của thị xã, thành phố lân cận. Tuy nhiên, tại tỉnh Long An có một vài cụm, tuyến dân cư được đầu tư xây dựng tại giai đoạn 1 có tỷ lệ nhà ở bỏ trống và số lô nền để hoang hóa (chưa xây nhà) cao (khoảng 50%); thành phố Cần Thơ đầu tư 03 cụm, tuyến dân cư tại giai đoạn 2 nhưng tỷ lệ hộ dân về ở đạt tỷ lệ thấp (khoảng 34%).

Nguyên nhân chủ yếu của những tồn tại trên là do người dân sống trong cụm, tuyến dân cư thiếu công ăn việc làm, bỏ đi làm ăn xa hoặc về nơi cũ sinh sống, một số hộ có đất canh tác ở xa nơi ở mới đã rời bỏ nhà ở tại cụm, tuyến dân cư để trở về sống tại nhà cũ (do những năm gần đây mực nước lũ không cao); vị trí xây dựng một số cụm tuyến dân cư chưa hợp lý, không thuận tiện cho việc sinh hoạt của người dân; việc xây dựng nhà ở theo mẫu quy định tại một số thời điểm đã không phù hợp với thị hiếu, phong tục, tập quán của người dân địa phương; hạ tầng kỹ thuật tại một số cụm tuyến dân cư chưa hoàn chỉnh (thiếu hệ thống thoát nước thải, đường giao thông chưa được trải nhựa...); thiếu hạ tầng xã hội (chợ, trường học, trung tâm y tế, nhà văn hóa...); một số cụm, tuyến dân cư có suất đầu tư tôn nền cao nên người dân không có đủ khả năng chi trả; một số địa phương rà soát số lượng đối tượng không chính xác dẫn tới thừa lô nền chính sách...

Tuy nhiên, theo đánh giá chung thì Chương trình đã cơ bản đạt được các mục tiêu đề ra, khoảng 191.000 hộ dân vùng ngập lũ được bố trí chỗ ở ổn định, hạn chế được thiệt hại trong mùa mưa lũ, nhất là thiệt hại về người và góp phần ổn định sản xuất. Với trách nhiệm của mình, Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục nghiên cứu, đề xuất giải pháp và báo cáo các cơ quan có thẩm quyền giải quyết những tồn tại của giai đoạn 2001-2015 cũng như báo cáo Thủ tướng Chính phủ về nhu cầu bổ sung cụm tuyến dân cư giai đoạn 2016-2020 để đảm bảo hiệu quả đầu tư, phù hợp với tình hình thực tế và tránh tình trạng gây lãng phí như kiến nghị của cử tri thành phố Cần Thơ.

27. Cử tri tỉnh Hà Tĩnh kiến nghị: Cử tri đề nghị đánh giá lại việc thực hiện Nghị định 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 về phát triển và quản lý nhà ở xã hội, vì cho rằng hiện nay nguồn lực chưa đáp ứng được yêu cầu cho vay về nhà ở xã hội cho các đối tượng hộ nghèo, cận nghèo, cán bộ, công chức, người lao động,…

Trả lời: (Tại Công văn số 463/BXD-QLN ngày 9/3/2017)

1. Về tình hình thực hiện Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội.

Luật Nhà ở 2014 và Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội đã có các quy định nhằm khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi, thông thoáng cho các tổ chức, cá nhân thuộc các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển nhà ở xã hội thông qua các quy định cụ thể về: mở rộng các hình thức phát triển nhà ở xã hội (trong đó có hình thức BT); quỹ đất để xây dựng nhà ở xã hội; thủ tục lựa chọn và cơ chế ưu đãi chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội; tăng cường phát triển nhà ở xã hội để cho thuê, cho thuê mua, để bán (trong đó đặc biệt chú trọng tới phát triển nhà ở xã hội để cho thuê nhằm giải quyết nhu cầu cải thiện điều kiện ở cho các đối tượng người có thu nhập thấp, hộ gia đình nghèo đang có khó khăn về nhà ở, không có khả năng chi trả theo cơ chế thị trường,..); trình tự, thủ tục mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của các bên trong mua bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở xã hội v.v..

Nghị định số 100/2015/NĐ-CP của Chính phủ đã cụ thể hoá các cơ chế, chính sách ưu đãi về đất đai, tài chính, tín dụng, thuế để thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội như: miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với diện tích đất được Nhà nước giao hoặc cho thuê để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội (kể cả quỹ đất để xây dựng các công trình kinh doanh thương mại trong phạm vi dự án xây dựng nhà ở xã hội); được miễn, giảm thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp (trường hợp xây dựng nhà ở xã hội để cho thuê thì được giảm 70% thuế suất thuế VAT và thuế TNDN); được vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội, và các tổ chức tín dụng đang hoạt động tại Việt Nam (trường hợp xây dựng nhà ở xã hội để cho thuê thì được vay vốn ưu đãi đầu tư với thời hạn tối thiểu là 15 năm và tối đa không quá 20 năm); được UBND cấp tỉnh hỗ trợ toàn bộ hoặc một phần kinh phí đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật trong phạm vi dự án xây dựng nhà ở xã hội (trường hợp xây dựng nhà ở xã hội để cho thuê thì được hỗ trợ toàn bộ kinh phí này); các ưu đãi khác theo quy định của pháp luật (được miễn thực hiện thủ tục thẩm định thiết kế cơ sở đối với các dự án áp dụng thiết kế mẫu, thiết kế điển hình nhà ở xã hội do cơ quan có thẩm quyền ban hành, được áp dụng hình thức tự thực hiện đối với công tác tư vấn, thi công xây lắp).

Đối với hộ gia đình, cá nhân có thu nhập thấp khó khăn về nhà ở được vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội, tổ chức tín dụng do Nhà nước chỉ định để mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội do các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đầu tư.

   Pháp luật về nhà ở (Luật Nhà ở năm 2014, Nghị định số 100/2015/NĐ-CP của Chính phủ) cũng đã quy định, vốn để thực hiện chính sách nhà ở xã hội, gồm vốn do Nhà nước hỗ trợ trực tiếp cho đối tượng được hưởng chính sách nhà ở xã hội; vốn do Nhà nước cho vay ưu đãi thông qua Ngân hàng chính sách xã hội, tổ chức tín dụng do Nhà nước chỉ định  (Khoản 4 Điều 70 của Luật Nhà ở năm 2014). Đồng thời quy định trách nhiệm của các Bộ, ngành trong việc bố trí nguồn vốn đầu tư phát triển nhà nước để thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội.

Với hành lang chính sách và các Quy định cụ thể nêu trên, tổng hợp báo cáo của các địa phương cho thấy, đến nay cả nước đã hoàn thành đầu tư xây dựng 179 dự án nhà ở xã hội dành cho người thu nhập thấp tại khu vực đô thị và công nhân khu công nghiệp, với quy mô xây dựng khoảng 71.150 căn hộ, tương đương với khoảng 3,7 triệu m2 (gồm: 97 dự án nhà ở xã hội cho công nhân KCN, 82 dự án nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp khu vực đô thị); hiện nay các địa phương trên cả nước  đang tiếp tục triển khai 191 dự án, với quy mô xây dựng khoảng 163.800 căn hộ, tổng mức đầu tư khoảng 71.800 tỷ đồng để giải quyết chỗ ở cho trên 1 triệu người.

   2. Định hướng thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội trong thời gian tới.

Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về nhà ở xã hội, nhà ở công nhân vào ngày 07/12/2016, sau khi đánh giá tình hình triển khai thực hiện, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo phải tiếp tục đẩy mạnh việc phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân và tại Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 25/01/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, đề xuất báo cáo Chính phủ bổ sung Chương trình phát triển nhà ở xã hội vào danh mục các chương trình ưu tiên sử dụng vốn ngân sách Trung ương để Chính phủ trình Ủy ban thường vụ Quốc hội bổ sung Nghị quyết số 1023/NQ-UBTVQH13 ngày 28/8/2015 về việc ban hành các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016-2020, bố trí vốn thực hiện ngay trong kế hoạch từ năm 2017. Trên cơ sở Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ sẽ xem xét sửa đổi, bổ sung Quyết định số 40/2015/QĐ-TTg ngày 14/9/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016-2020.

   Với nhiệm vụ của mình, Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục triển khai một số giải pháp nhằm đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, cụ thể như sau: (1) Tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện thể chế, bổ sung các cơ chế, chính sách để thúc đẩy việc phát triển nhà ở xã hội, bảo đảm phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước và khả năng chi trả của từng đối tượng. (2) Tập trung chỉ đạo thúc đẩy phát triển nhà ở cho công nhân khu công nghiệp, người có thu nhập thấp ở đô thị. Nghiên cứu bổ sung cơ chế chính sách khuyến khích xây dựng nhà ở cho thuê, nhà ở thương mại giá thấp. (3) Nghiên cứu bổ sung các quy chuẩn, tiêu chuẩn về nhà ở xã hội, nghiên cứu, ứng dụng khoa học kỹ thuật, sử dụng vật liệu mới… nhằm giảm giá thành nhà ở xã hội, cơ cấu sản phẩm nhà ở phù hợp, bảo đảm các điều kiện về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội thiết yếu như y tế, giáo dục, văn hóa,..trong các dự án xây dựng nhà ở và khu công nghiệp...

   Đối với các địa phương Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo: (1) Rà soát các quy hoạch đô thị, khu công nghiệp để điều chỉnh, bổ sung, bảo đảm bố trí đủ quỹ đất cho phát triển nhà ở xã hội; (2) Bố trí nguồn lực hợp lý để đầu tư các cơ sở hạ tầng thiết yếu như: trường học, nhà trẻ, cơ sở khám chữa bệnh, sinh hoạt cộng đồng, văn hoá, thể dục, thể thao,... trong và ngoài các dự án nhà ở xã hội, đặc biệt là tại các khu vực có đông công nhân và người lao động; (3) Có các cơ chế, giải pháp cụ thể để hỗ trợ, khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp tích cực tham gia phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn; (4) Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp và người dân tích cực tham gia phát triển nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá rẻ và nhà ở cho thuê; công khai, minh bạch các đối tượng được hỗ trợ nhà ở xã hội; Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm pháp luật trong việc thực hiện các chính sách, chương trình phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn.

Trên đây là ý kiến của Bộ Xây dựng trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Hà Tĩnh. Bộ Xây dựng chân thành cảm ơn sự quan tâm của cử tri và Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Tĩnh đối với ngành Xây dựng trong thời gian qua và mong tiếp tục nhận được ý kiến đóng góp quý báu trong thời gian tới.

28. cử tri tỉnh An Giang kiến nghị : Cử tri thị trấn Long Bình (An Phú), đề nghị đầu tư bổ sung thêm 01 cụm dân cư vượt lũ để người dân trong vùng sạt lở không có đất cất nhà, có nơi ở ổn định.

Trả lời: (Tại Công văn số 466/BXD-QLN ngày 7/3/2017)

Chương trình xây dựng cụm, tuyến dân cư và nhà ở vùng ngập lũ đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 1 và giai đoạn 2 được triển khai thực hiện từ năm 2001-2015 với tổng số 976/977 dự án đã hoàn thành (đạt tỷ lệ 99,9%), trong đó có 857 cụm, tuyến dân cư và 119 bờ bao khu dân cư có sẵn đã đảm bảo cho khoảng 191.000 hộ, với gần 1 triệu người dân vùng ngập lũ đồng bằng sông Cửu Long được sống an toàn ổn định. Riêng tỉnh An Giang đã xây dựng được 244/244 cụm, tuyến dân cư (đạt tỷ lệ 100%) với tổng số hộ theo quy hoạch là 41.729 hộ, đến nay có 39.975 hộ đã xây dựng nhà ở (đạt tỷ lệ 96%).

Tại Hội nghị tổng kết Chương trình - giai đoạn 2 (ngày 10/4/2015), Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các địa phương và các cơ quan liên quan rà soát cụ thể số hộ phát sinh có hoàn cảnh tương tự đối tượng thuộc Chương trình giai đoạn 2; tổng hợp, đề xuất, báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tiếp tục đầu tư các cụm, tuyến dân cư, giải quyết nhu cầu ổn định chỗ ở cho các hộ dân ở vùng ngập lũ, vùng sạt lở nguy hiểm (theo thông báo số 156/TB-VPCP ngày 27/4/2015 của Văn phòng Chính phủ).

Triển khai thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng đã tổng hợp nhu cầu đầu tư bổ sung dự án giai đoạn 2016-2020. Theo đó, có 05 địa phương có nhu cầu đầu tư bổ sung 130 dự án để đảm bảo cho 44.811 hộ dân có chỗ ở an toàn, ổn định. Riêng tỉnh An Giang có nhu cầu đầu tư bổ sung 39 cụm tuyến dân cư để hỗ trợ 7.066 hộ trong vùng có nguy cơ sạt lở đã được tổng hợp vào nhu cầu chung để thực hiện trong giai đoạn 2016-2020; trong đó đã bao gồm 10 cụm, tuyến dân cư cho khoảng 2.500 hộ dân mà cử tri tỉnh An Giang kiến nghị. Tuy nhiên, Tỉnh không đề xuất đầu tư cụm tuyến dân cư tại thị trấn Long Bình. Bộ Xây dựng hiện đã đề xuất cơ chế, chính sách để triển khai thực hiện giai đoạn 2016-2020 và trình Thủ tướng Chính phủ tại Tờ trình số 29/TTr-BXD ngày 07/4/2016.

Với trách nhiệm của mình, trong thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ phối hợp với UBND tỉnh An Giang kiểm tra rà soát số lượng hộ dân trong vùng sạt lở tại thị trấn Long Bình để bổ sung trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Để đảm bảo an toàn cho các hộ dân, trong khi chờ Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quyết định đầu tư bổ sung cụm tuyến dân cư giai đoạn 2016-2020, Bộ Xây dựng đề nghị UBND tỉnh An Giang chủ động hỗ trợ cho người dân trong vùng sạt lở theo cơ chế riêng của địa phương hoặc hỗ trợ lồng ghép theo chương trình có hỗ trợ về nhà ở của Chính phủ đang thực hiện trên địa bàn.

 

 

 

 

Ban Dân nguyện

 
  • Quốc hội khóa XII
  • Quốc hội khóa XI
  • Quốc hội khóa X