32. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

24/05/2017 15:24

1. Cử tri tỉnh An Giang kiến nghị: Việc thực hiện chương trình cho vay thí điểm phục vụ phát triển nông nghiệp theo Nghị quyết 14/NQ-CP ngày 5/3/2014 của Chính phủ, An Giang đã  triển khai thực hiện thí điểm được 04 dự án chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp (lúa, nếp, cá tra và rau màu), xét thấy hiệu quả. Đề nghị Chính phủ tiếp tục nhân rộng mô hình “tín dụng một đầu mối này” cho các mặt hàng nông sản, trong đó có cơ chế cho doanh nghiệp vay đầu tư bằng hình thức tài sản thế chấp hình thành từ vốn vay.

   Trả lời: Tại công văn số 563/NHNN-VP ngày 06/02/2017

Thực hiện Nghị quyết số 14/NQ-CP ngày 5/3/2014 của Chính phủ, NHNN đã phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành Quyết định 1050/QĐ-NHNN ngày 28/5/2014 về chương trình cho vay thí điểm phục vụ phát triển nông nghiệp nhằm khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm, xây dựng cánh đồng lớn, khuyến khích ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp và thúc đẩy xuất khẩu như lãi suất cho vay thấp hơn lãi suất cho vay lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, mức cho vay lên đến 90% giá trị của phương án, dự án vay vốn; trường hợp khách hàng không có đủ tài sản bảo đảm ngân hàng có thể cho vay không cần tài sản bảo đảm trên cơ sở kiểm soát dòng tiền,...NHNN đã phối hợp với hai Bộ nêu trên lựa chọn 31 dự án liên kết, ứng dụng công nghệ cao của 28 doanh nghiệp tại 22 tỉnh, thành phố trên toàn quốc tham gia thí điểm. 

Việc triển khai Chương trình thí điểm cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp theo Nghị quyết 14/NQ-CP của Chính phủ là tiền đề để NHNN tham mưu trình Chính phủ ban hành Nghị định 55/2015/NĐ-CP ngày 09/06/2015 về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn. Một trong những nội dung mới, quan trọng  của Nghị định là các cơ chế khuyến khích đầu tư cho vay phát triển các mô hình liên kết, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, trong đó quy định mức vay không có tài sản bảo đảm đối với các doanh nghiệp đầu mối liên kết lên đến 80% giá trị phương án, dự án sản xuất, kinh doanh; cơ chế xử lý nợ (cơ cấu nợ, khoanh nợ, xóa nợ) trường hợp khách hàng gặp khó khăn trong việc trả nợ vay ngân hàng.

Chương trình cho vay thí điểm phục vụ phát triển nông nghiệp theo Nghị quyết 14/NQ-CP của Chính phủ kết thúc ngày 28/5/2016 và NHNN đã có báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả triển khai chương trình. Đồng thời, NHNN đã có văn bản chỉ đạo các TCTD cho vay đối với doanh nghiệp thuộc chương trình theo quy định tại Nghị định 55/2015/NĐ-CP của Chính phủ để các doanh nghiệp tiếp tục hoàn thiện mô hình liên kết, ứng dụng công nghệ cao.

Riêng tại tỉnh An Giang, NHNN, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Khoa học và Công nghệ đã chấp thuận cho 4 doanh nghiệp được tham gia chương trình theo đề nghị của UBND tỉnh nhằm hỗ trợ thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh. Trong đó, có 03 doanh nghiệp đã kết thúc Chương trình cho vay thí điểm và chuyển sang vay theo cơ chế thường; 01 doanh nghiệp còn lại là Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Dịch vụ Thuận An (Công ty Thuận An), trên cơ sở đề nghị của UBND tỉnh, sau khi thống nhất với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Khoa học và Công nghệ và được sự chấp thuận của  Thủ tướng Chính phủ, NHNN đã cho phép Công ty được kéo dài thời gian thí điểm thêm 2 năm đến 28/5/2018 để Công ty tiếp tục thực hiện chuỗi liên kết dọc cá tra, làm mô hình điểm trong liên kết sản xuất. Tuy nhiên, người đại diện theo pháp luật của Công ty Thuận An không có mặt tại Công ty để điều hành hoạt động từ 4/11/2016 đến nay, vì thế không thể triển khai tiếp chương trình thí điểm. NHNN đã và đang giám sát chặt chẽ hoạt động của Công ty Thuận An và thực hiện các giải pháp xử lý phù hợp các khoản nợ vay của Công ty Thuận An. NHNN đề nghị Đoàn đại biểu Quốc hội và Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang cùng tham gia giám sát và chỉ đạo các sở, ban, ngành trên địa bàn phối hợp với ngành ngân hàng trong việc thực hiện giải pháp cần thiết để Công ty trả nợ đầy đủ cho ngân hàng và người dân tham gia liên kết.

   2. Cử tri thành phố Cần Thơ kiến nghị: Kiến nghị NHNN tham mưu Chính phủ xem xét nâng mức cho vay, thời hạn cho vay và trả nợ phù hợp với nhu cầu sản xuất thực tế của bà con nông dân, đảm bảo nguồn vốn để nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao thu nhập, góp phần thực hiện tốt chủ trương xây dựng nông thôn mới.

   Trả lời: Tại công văn số 7630/NHNN-VP ngày 03/10/2016

Chính phủ và NHNN luôn xác định nông nghiệp nông thôn là một lĩnh vực ưu tiên cần tập trung vốn đầu tư phát triển. Nhằm tạo điều kiện cho các đối tượng khách hàng trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn tiếp cận được nhiều hơn nguồn vốn tín dụng ngân hàng, tạo “cú hích” đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp, gia tăng sức cạnh tranh, góp phần phát triển bền vững ngành nông nghiệp Việt Nam, NHNN đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 09/6/2015 thay thế Nghị định số 41/2010/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Nghị định 55 là một chủ trương lớn của Chính phủ, góp phần thúc đẩy đầu tư tín dụng vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn thông qua một hệ thống chính sách, cơ chế đặc thù về mức cho vay, thời hạn cho vay... Cụ thể:

- Về mức cho vay không có tài sản bảo đảm: Nghị định 55/2015/NĐ-CP đã nâng mức cho vay không có tài sản bảo đảm quy định tại Nghị định 41/2010/NĐ-CP lên gấp từ 1,5 – 2 lần đối với từng đối tượng để đáp ứng nhu cầu vốn sản xuất nông nghiệp quy mô lớn lên mức: tối đa 100 triệu đồng đối với cá nhân, hộ gia đình (trước đây tại Nghị định 41 là 50 triệu đồng); 300 triệu đồng đối với hộ kinh doanh (trước đây là 200 triệu đồng); 01 tỷ đồng đối với hợp tác xã, chủ trang trại (trước đây là 500 triệu đồng).

Đối với một số đối tượng, lĩnh vực có nhu cầu vốn lớn trong sản xuất nông nghiệp, như đầu tư cây công nghiệp, cây ăn quả lâu năm, nuôi trồng, khai thác hải sản xa bờ, cung cấp dịch vụ hậu cần nghề cá được áp dụng các mức cho vay không có tài sản bảo đảm cao hơn (từ 200 triệu đồng – 03 tỷ đồng).

- Về thời hạn cho vay: Theo quy định tại Nghị định 55/2015/NĐ-CP thì thời hạn cho vay do tổ chức tín dụng và khách hàng thỏa thuận căn cứ vào chu kỳ sản xuất kinh doanh, thời hạn thu hồi vốn của dự án, phương án sản xuất kinh doanh, khả năng trả nợ của khách hàng và nguồn vốn cho vay của tổ chức tín dụng.

Ngoài ra, để tạo điều kiện cho người dân, Nghị định 55/2015/NĐ-CP cũng đã quy định phương thức cho vay lưu vụ theo đó cho phép khách hàng được duy trì nợ gốc vay ngân hàng trong 02 chu kỳ sản xuất liên tiếp của vật nuôi, cây trồng. Phương thức cho vay lưu vụ sẽ giúp giảm bớt thủ tục vay vốn, tạo điều kiện để khách hàng chủ động trong việc tiêu thụ sản phẩm cũng như chủ động về nguồn vốn để phục vụ cho chu kỳ sản xuất kế tiếp.

   3.Cử tri tỉnh Đắk Lắk kiến nghị: Cử tri đề nghị Chính phủ có chủ trương khoanh nợ, giãn nợ cho những hộ nông dân vay tiền đầu tư phân bón, thuốc trừ sâu, tưới tiêu chăm sóc hoa màu, cà phê...nhưng do thiên tai, hạn hán kéo dài làm mất mùa nên người nông dân gặp rất nhiều khó khăn, không có điều kiện để trả tiền vay của ngân hàng.

   Trả lời: Tại công văn số 7429/NHNN-VP ngày 13/10/2016

Để đẩy mạnh triển khai chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP của Chính phủ (Nghị định 55) góp phần xử lý khó khăn của người dân, doanh nghiệp bị thiệt hại do nguyên nhân khả quan bất khả kháng, thiên tai, dịch bệnh trên phạm vi rộng, NHNN đã ban hành Thông tư 10/2015/TT-NHNN ngày 22/7/2015 hướng dẫn triển khai thực hiện, đồng thời có văn bản số 7892, 7893/NHNN-TD ngày 16/10/2015 chỉ đạo NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương chỉ đạo các sở, ban, ngành triển khai Nghị định 55.

Theo quy định tại Nghị định 55, đối tượng áp dụng của Nghị định bao gồm các doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ nông dân vay vốn để trồng, thu mua, chế biến, xuất khẩu hoa màu, cà phê. Theo đó:

- Trường hợp khách hàng gặp rủi ro không trả được nợ ngân hàng do nguyên nhân khách quan, bất khả kháng (hạn hán), các tổ chức tín dụng (TCTD) sẽ xem xét cơ cấu lại thời hạn trả nợ; miễn, giảm lãi vay; tiếp tục xem xét cho vay mới nhằm giúp khách hàng khắc phục khó khăn, ổn định sản xuất, thực hiện trả được nợ cũ và nợ mới cho TCTD.

- Trường hợp thiên tai xảy ra trên phạm vi rộng, căn cứ báo cáo và đề nghị của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố, Thủ tướng Chính phủ sẽ xem xét cho phép TCTD được khoanh nợ không tính lãi đối với dư nợ bị thiệt hại trong thời gian tối đa 02 năm. Thông tư số 10/2015/TT-NHNN ngày 22/7/2015 của NHNN đã quy định cụ thể về hồ sơ, trình tự thủ tục đề nghị xử lý nợ.

Vừa qua, trước tình hình hạn hán gay gắt kéo dài tại các tỉnh Tây Nguyên, ngày 03/7/2015 NHNN đã ban hành văn bản số 5018/NHNN-TD chỉ đạo các TCTD, kịp thời thực hiện các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp theo quy định tại Nghị định 55 và Thông tư số 10/2015/TT-NHNN; chủ động rà soát các khoản nợ vay nông nghiệp, nông thôn bị thiệt hại, báo cáo chi nhánh NHNN trên địa bàn để tham mưu cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh báo cáo Thủ tướng Chính phủ việc hỗ trợ xử lý nợ cho người dân, doanh nghiệp theo quy định tại Nghị định 55 của Chính phủ.

Trên địa bàn tỉnh Đăk Lăk, thực hiện chỉ đạo của Thống đốc NHNN, các TCTD đã tiến hành rà soát các khoản nợ vay bị thiệt hại của khách hàng để thực hiện các biện pháp hỗ trợ, kết quả cụ thể: Dư nợ được các ngân hàng thương mại trên địa bàn đã thực hiện hỗ trợ khắc phục hậu quả do hạn hán kéo dài đạt 141,031 tỷ đồng với 592 khách hàng (591 khách hàng cá nhân và 01 khách hàng doanh nghiệp). Trong đó, dư nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ là 104,89 tỷ đồng; dư nợ được miễn giảm lãi vay là 34,7 tỷ đồng với số tiền lãi được miễn, giảm là 8,679 tỷ đồng; dư nợ được giữ nguyên nhóm nợ là 1,4 tỷ đồng và dư nợ được đề nghị xóa nợ là 41 triệu đồng.

   4. Cử tri tỉnh Hậu Giang kiến nghị: Kiến nghị NHNN phối hợp, tích cực hỗ trợ vốn tín dụng đối với các tỉnh bị hạn, xâm nhập mặn. Chủ động rà soát các khoản nợ vay của nhân dân, doanh nghiệp bị thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn gây ra, kịp thời thực hiện các biện pháp tháo gỡ khó khăn như giảm lãi vốn vay, cơ cấu lại thời hạn trả nợ… Tiến hành hỗ trợ theo quy định tại Nghị định 55/2015/NĐ-CP ngày 09/6/2015 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn.

   Trả lời: Tại công văn số 564/NHNN-VP ngày 06/02/2017

Trong những tháng đầu năm 2016, do ảnh hưởng của El Nino, tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và đời sống của nhân dân, đặc biệt là vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Để hỗ trợ khắc phục thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn, giúp người dân, tổ chức kinh tế ổn định sản xuất và đời sống, NHNN đã ban hành Chỉ thị số 03/CT-NHNN ngày 09/3/2016 về việc hỗ trợ khắc phục thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn và khôi phục sản xuất tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Cụ thể:

 - Chỉ đạo các tổ chức tín dụng: (i) Chủ động rà soát thiệt hại vốn tín dụng do hạn hán, xâm nhập mặn tại các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long để xem xét cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay theo thẩm quyền và khả năng tài chính của tổ chức tín dụng; (ii) Căn cứ vào Quyết định công bố thiên tai do hạn hán, xâm nhập mặn của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố, khẩn trương hướng dẫn, phối hợp với khách hàng hoàn thiện hồ sơ đề nghị khoanh nợ và tổng hợp số liệu báo cáo để khoanh nợ theo quy định tại Nghị định 55/2015/NĐ-CP; (iii) Chỉ đạo các chi nhánh, phòng giao dịch căn cứ vào khả năng phục hồi sản xuất của khách hàng tiếp tục cho vay để khách hàng thực hiện phương án, dự án sản xuất kinh doanh theo quy định; (iv) Chủ động huy động, điều hoà để đảm bảo nguồn vốn cho các nhu cầu vay khôi phục sản xuất của khách hàng; (v) Chủ động tiếp cận, tham gia đầu tư vào các dự án, chương trình đầu tư các công trình phòng, chống, hạn chế hạn hán, xâm nhập mặn, công trình nước sạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt, phù hợp với quy định về cho vay của tổ chức tín dụng đối với khách hàng.

- Yêu cầu Ngân hàng Chính sách xã hội: (i) chỉ đạo các chi nhánh, phòng giao dịch rà soát, xác định tình hình và số thiệt hại để gia hạn nợ, khoanh nợ, xóa nợ theo quy định tại Quyết định số 50/2010/QĐ-TTg ngày 28/7/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành cơ chế xử lý nợ bị rủi ro tại Ngân hàng Chính sách xã hội; (ii) Ưu tiên đảm bảo nguồn vốn để cho vay theo các chương trình tín dụng chính sách đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác theo quy định tại khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long, bao gồm cả các đối tượng có nợ bị thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn chưa trả được nợ cho ngân hàng và đang được xem xét xử lý theo quy định. Cân đối nguồn vốn để ưu tiên cho chương trình nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn đối với các vùng bị thiệt hại nặng do hạn hán, xâm nhập mặn tại các tỉnh khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long.

Thực hiện chỉ đạo của NHNN, các tổ chức tín dụng, Ngân hàng Chính sách xã hội đã tiến hành rà soát các khoản nợ vay của khách hàng bị thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn tại khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long để thực hiện các biện pháp hỗ trợ kịp thời, giúp người dân, tổ chức kinh tế ổn định sản xuất và đời sống. Theo đó, đến 30/11/2016, trên toàn vùng Đồng bằng Sông Cửu Long các tổ chức tín dụng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 10.151 khách hàng với dư nợ được cơ cấu gần 227 tỷ đồng; cho vay mới để hỗ trợ phục hồi sản xuất đối với 19.979 khách hàng, doanh số cho vay lũy kế là hơn 504,2 tỷ đồng. Riêng tại tỉnh Hậu Giang, các tổ chức tín dụng đã cho vay mới hơn 44 tỷ đồng đối với 4.205 khách hàng để hỗ trợ người dân khắc phục thiệt hại, ổn định sản xuất.

Bên cạnh sự hỗ trợ của Chính phủ, các giải pháp của NHNN đã tích cực đồng hành cùng với chính quyền địa phương khắc phục khó khăn, giảm thiểu thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn gây ra tại vùng ĐBSCL, góp phần tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, ổn định đời sống. Những nỗ lực này của Chính phủ, NHNN cũng như các Bộ, ngành đã được địa phương, người dân đánh giá cao.

   5. Cử tri tỉnh Long An kiến nghị: Kiến nghị nâng cao định mức cho vay trong sản xuất nông nghiệp (đối với Ngân hàng Nông nghiệp) đối với các hộ trồng chanh, muối, thanh long trên địa bàn tỉnh Long An.

   Trả lời: Tại công văn số 565/NHNN-VP ngày 06/02/2017

Xác định vai trò nòng cốt của nông nghiệp trong nền kinh tế, Chính phủ và NHNN đã ban hành và triển khai đồng bộ nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi nhằm hỗ trợ, thúc đẩy phát triển nông nghiệp, đồng thời tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng (TCTD) tập trung nguồn vốn phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Nhằm tạo điều kiện cho các đối tượng khách hàng trong lĩnh vực nông nghiệp tiếp cận được nhiều hơn nguồn vốn tín dụng ngân hàng, tạo “cú hích” đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp, NHNN đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 09/6/2015 thay thế Nghị định số 41/2010/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Nghị định 55 là một chủ trương lớn của Chính phủ, góp phần thúc đẩy đầu tư tín dụng vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn thông qua một hệ thống chính sách, cơ chế đặc thù về thủ tục cho vay, mức cho vay, thời hạn cho vay... Theo đó, đối với cho vay không có tài sản đảm bảo, Nghị định 55 đã nâng mức cho vay  lên gấp từ 1,5 – 2 lần đối với từng đối tượng so với Nghị định 41/2010/NĐ-CP trước đây để đáp ứng nhu cầu vốn sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, cụ thể: tối đa 100 triệu đồng đối với cá nhân, hộ gia đình (trước đây là 50 triệu đồng); 300 triệu đồng đối với hộ kinh doanh (trước đây là 200 triệu đồng); 01 tỷ đồng đối với hợp tác xã, chủ trang trại (trước đây là 500 triệu đồng).

Đối với cho vay có tài sản bảo đảm, các TCTD thực hiện theo quy chế cho vay của TCTD đối với khách hàng (Quyết định số 1627/2001/QĐ-NHNN ngày 31/12/2001 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam): TCTD căn cứ vào nhu cầu vay vốn, khả năng hoàn trả nợ của khách hàng, khả năng nguồn vốn của mình để quyết định mức cho vay và tự chịu trách nhiệm về quyết định cho vay của mình.

Căn cứ quy định của pháp luật và NHNN, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) đã có quy định cho vay đối với khách hàng trong hệ thống (Quyết định số 66/QĐ-HĐTV-KHDN ngày 22/01/2014), trong đó: Agribank căn cứ vào nhu cầu vay vốn của khách hàng, giá trị tài sản bảo đảm (đối với khoản cho vay áp dụng bảo đảm bằng tài sản), khả năng hoàn trả nợ của khách hàng, khả năng nguồn vốn của Agribank để quyết định mức cho vay.

Đối với tài sản bảo đảm nợ vay là quyền sử dụng đất, Agribank căn cứ vào các yếu tố xem xét quyết định mức cho vay đối với khách hàng, trong đó có giá đất do Ủy ban nhân dân tỉnh công bố. Tuy nhiên, do giá đất của UBND (công bố tại Quyết định số 60/2014/QĐ-UBND ngày 19/12/2014 về ban hành các loại đất định kỳ 5 năm 2015-2019) hiện nay thấp hơn so với giá thị trường nên mức cho vay của Agribank Long An thấp so với mức cho vay của các ngân hàng khác.

Như vậy, để nâng mức cho vay  tại Agribank trên địa bàn tỉnh Long An, hộ nông dân trồng chanh, chuối, thanh long căn cứ kế hoạch sản xuất, kinh doanh có thể làm việc trực tiếp, đề xuất cụ thể với với Agribank hoặc kiến nghị UBND tỉnh điều chỉnh giá đất phù hợp hơn với điều kiện thực tiễn.

   6. Cử tri TP Hồ Chí Minh kiến nghị: Kiến nghị ngành Ngân hàng cần có cơ chế, chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể tiếp cận được nguồn vốn vay với mức lãi suất ưu đãi để cải tiến công nghệ máy móc, mở rộng sản xuất kinh doanh, tăng năng suất, hạ giá thành sản phẩm để tăng tính cạnh tranh trên thị trường.

   Trả lời: Tại công văn số 562/NHNN-VP ngày 06/02/2017

1. Trong năm 2016, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ nhằm tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) tiếp cận nguồn vốn tín dụng, NHNN đã chỉ đạo các đơn vị trong toàn ngành triển khai nhiều giải pháp thiết thực, hiệu quả để hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn ngân hàng. Cụ thể:

(i) Sẵn sàng hỗ trợ thanh khoản cho các TCTD thông qua nghiệp vụ thị trường mở, tái cấp vốn để đảm bảo cân đối vốn phục vụ phát triển sản xuất, kinh doanh.

(ii) Điều chỉnh giảm lãi suất tiền gửi tối đa bằng VND, lãi suất cho vay tối đa bằng VND đối với một số lĩnh vực ưu tiên, góp phần giảm mặt bằng lãi suất hỗ trợ sản xuất, kinh doanh. Từ cuối tháng 4/2016 đến nay, các NHTM Nhà nước và một số NHTM cổ phần đã giảm khoảng 1%/năm lãi suất cho vay ngắn hạn và điều chỉnh giảm về tối đa 10%/năm lãi suất cho vay trung và dài hạn đối với khách hàng tốt, vay vốn phục vụ sản xuất kinh doanh. Mặt bằng lãi suất cho vay của các TCTD hiện chỉ bằng 40% lãi suất cho vay năm 2011, thấp hơn mức lãi suất cho vay giai đoạn 2005-2006[1].

(iii) Chỉ đạo, hỗ trợ các TCTD hướng dòng vốn tín dụng tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên[2], trong đó có DNNVV.

(iv) Chỉ đạo các TCTD thực hiện các giải pháp như: Cơ cấu lại thời hạn trả nợ; xem xét miễn giảm lãi vốn vay trên cơ sở đánh giá các biện pháp khắc phục khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và khả năng trả nợ của khách hàng vay; xem xét, điều chỉnh giảm lãi suất cho vay của các hợp đồng tín dụng đã ký trước đây xuống mức lãi suất cho vay hiện hành; đổi mới quy trình cho vay vốn theo hướng giảm bớt phiền hà cho khách hàng, rà soát và hoàn thiện hồ sơ theo hướng tiết giảm tối đa thủ tục, giấy tờ cho doanh nghiệp.

(v) Tổ chức các chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp tại các địa phương nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp trong quan hệ tín dụng ngân hàng; tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp có triển vọng phát triển, có sản phẩm đáp ứng yêu cầu của thị trường nhưng đang gặp khó khăn về tài chính vay được vốn ngân hàng để phục vụ sản xuất kinh doanh.

2. Bên cạnh các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho hoạt động của các doanh nghiệp nêu trên, NHNN còn xây dựng, triển khai các chính sách tín dụng đặc thù đối với một số ngành, lĩnh vực mà trong đó có đối tượng thụ hưởng là các DNNVV như: Chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP ngày 09/6/2015 của Chính phủ; Chính sách cho vay hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp theo các quyết định của Thủ tướng Chính phủ; Chính sách cho vay đối với chăn nuôi và thủy sản theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Văn bản số 1149/TTg-KTN ngày 08/8/2012; Chương trình cho vay thí điểm đối với các mô hình liên kết trong chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, các mô hình ứng dụng khoa học và công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp theo Nghị quyết số 14/NQ-CP ngày 5/3/2014 của Chính phủ; Chính sách cho vay ưu đãi lãi suất theo Chương trình hỗ trợ các huyện nghèo tại Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27/12/2008 của Chính phủ; Chính sách cho vay hỗ trợ nhà ở theo Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 7/1/2013 của Chính phủ.

3. Ngoài ra, để tăng khả năng tiếp cận tài chính của DNNVV, trên cơ sở nhiệm vụ được giao, NHNN đã tích cực phối hợp với các Bộ, ngành chủ quản trong việc triển khai chính sách bảo lãnh tín dụng cho DNNVV thông qua Ngân hàng Phát triển Việt Nam và Quỹ bảo lãnh tín dụng địa phương, hỗ trợ vốn thông qua Quỹ phát triển DNNVV, cũng như xây dựng và hoàn thiện dự thảo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, cụ thể:

(i) Ban hành Thông tư số 29/2014/TT-NHNN ngày 09/10/2014 hướng dẫn các ngân hàng thương mại phối hợp với Ngân hàng Phát triển Việt Nam trong việc thực hiện cơ chế bảo lãnh cho DNNVV vay vốn theo quy định tại Quy chế bảo lãnh ban hành kèm theo Quyết định số 03/2011/QĐ-TTg.

(ii) Ban hành Thông tư số 05/2015/TT-NHNN hướng dẫn các TCTD phối hợp với Quỹ bảo lãnh tín dụng trong cho vay có bảo lãnh của Quỹ bảo lãnh tín dụng theo quy định tại Quyết định số 58/2013/QĐ-TTg ngày 15/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ.

(iii) Phối hợp với các Bộ, ngành liên quan trong xử lý khó khăn vướng mắc, hoàn thiện 02 cơ chế bảo lãnh tín dụng cho DNNVV thông qua Ngân hàng Phát triển Việt Nam và Quỹ bảo lãnh tín dụng địa phương; hoàn thiện các văn bản hướng dẫn nhằm đưa Quỹ Phát triển DNNVV đi vào hoạt động, tạo thêm 01 kênh hỗ trợ DNNVV tiếp cận vốn.

(iv) Thực hiện Nghị quyết số 89/2015/QH13 ngày 09/6/2015 của Quốc hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã được giao chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan (trong đó có NHNN) xây dựng dự thảo Luật Hỗ trợ DNNVV. Dự thảo Luật đã được Chính phủ trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 2; trên cơ sở ý kiến góp ý của các đại biểu Quốc hội, Thường trực Ủy ban Kinh tế đã chủ trì, phối hợp với Cơ quan soạn thảo và các cơ quan liên quan nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật báo cáo Ủy ban Thường Vụ Quốc hội, dự kiến tiếp tục trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 3.

Dự thảo Luật quy định nhiều chính sách hỗ trợ đối với đối tượng DNNVV, trong đó có các chính sách hỗ trợ về tiếp cận tín dụng từ các ngân hàng, tiếp cận tín dụng từ các Quỹ và các hỗ trợ tài chính khác. Đặc biệt, dự thảo Luật còn quy định về việc hỗ trợ DNNVV theo các chương trình hỗ trợ trọng tâm trong từng thời kỳ, trong đó nhấn mạnh vào hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo và tham gia cụm liên kết ngành nhằm thúc đẩy DNNVV đổi mới công nghệ, tăng khả năng cạnh tranh và sản xuất kinh doanh bền vững.

4. Với việc triển khai đồng bộ các giải pháp nêu trên của ngành Ngân hàng đã góp phần khơi thông nguồn vốn tín dụng, hỗ trợ tích cực cho các doanh nghiệp, người dân trong việc tiếp cận vốn nhất là các DNNVV trong việc cải tiến công nghệ máy móc, mở rộng sản xuất kinh doanh. Trên thực tế, các doanh nghiệp, khách hàng có nhu cầu vay vốn phục vụ sản xuất - kinh doanh, có năng lực tài chính tốt, dự án, phương án sản xuất - kinh doanh hiệu quả, khả thi đã tiếp cận vốn dễ dàng với lãi suất hợp lý.

Tuy nhiên, một số doanh nghiệp, nhất là DNNVV gặp khó khăn trong việc tiếp cận vốn ngân hàng chủ yếu là do năng lực tài chính yếu kém, không chứng minh được tính khả thi và hiệu quả của dự án, phương án sản xuất kinh doanh; nợ phải trả tồn đọng lớn chưa có biện pháp xử lý... Ngoài ra, một số doanh nghiệp đáp ứng đủ điều kiện vay vốn nhưng chưa có nhu cầu vay vốn do còn gặp khó khăn về thị trường. Vì vậy, để tăng khả năng tiếp cận vốn vay ngân hàng ngoài những giải pháp từ ngành Ngân hàng, bản thân doanh nghiệp cần cơ cấu lại hoạt động, nâng cao khả năng tài chính, tạo niềm tin để các TCTD yên tâm cấp tín dụng.

Trong thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục triển khai nhiệm vụ và giải pháp về hoạt động ngân hàng để hỗ trợ các doanh nghiệp được vay vốn ngân hàng thuận lợi, góp phần tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh và tạo điều kiện, môi trường thuận lợi để doanh nghiệp nói chung và DNNVV nói riêng tiếp cận được nguồn vốn vay với mức lãi suất hợp lý; đồng thời, NHNN sẽ tích cực phối hợp với các Bộ, ngành liên quan trong sửa đổi, hoàn thiện chính sách về bảo lãnh tín dụng, hỗ trợ vốn thông qua các Quỹ, cũng như khung khổ pháp lý hỗ trợ DNNVV theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhằm hiện thực hóa các chính sách và tăng khả năng tiếp cận tài chính của đối tượng doanh nghiệp này.

   7. Cử tri TP Hồ Chí Minh kiến nghị: Thời gian gần đây có nhiều vụ việc làm giả hồ sơ chứng từ để lấy tiền gửi tiết kiệm của người dân tại các ngân hàng. Cử tri đề nghị ngành Ngân hàng cần chấn chỉnh, tăng cường các biện pháp bảo đảm an toàn cho khách hàng không để xảy ra các trường hợp tương tự.

   Trả lời: Tại công văn số 562/NHNN-VP ngày 06/02/2017

Trong thời gian qua đã xảy ra một số vụ việc làm giả hồ sơ chứng từ để lấy tiền gửi tiết kiệm của người dân tại các ngân hàng, tiền gửi tiết kiệm của khách hàng bị rút khỏi sổ (BIDV chi nhánh Tây Hồ, VIB chi nhánh quận 11, Eximbank Nghệ An, VPBank, SCB...) mặc dù khách hàng không thực hiện các giao dịch rút tiền.  Các vụ việc này đã được NHNN chỉ đạo các TCTD phối hợp với các cơ quan pháp luật xác định rõ nguyên nhân và xử lý nghiêm minh đối với tập thể, cá nhân có vi phạm.

Nguyên nhân bước đầu được xác định là do: (i) Khách hàng đã ký giấy trắng (hay còn gọi là ký khống giấy tờ) do tin tưởng nhân viên ngân hàng và sự cả nể của ngân hàng đối với các khách hàng lớn, điều này có thể dẫn đến sai sót, tạo sơ hở cho đối tượng muốn lừa đảo, trục lợi, chiếm đoạt tài sản; (ii) Các ngân chưa tuân thủ nghiêm các quy định về quy trình, thủ tục nhận gửi và rút tiền, thiếu sót và lơ là trong kiểm tra, kiểm soát nội bộ, nghiệp vụ đối chiếu mẫu dấu, chữ ký của chủ tài khoản còn hạn chế; (iii) Sự vi phạm về đạo đức nghề nghiệp của một số cán bộ, nhân viên ngân hàng, cố tình làm trái quy định để trục lợi cá nhân.

Sau khi xác định rõ các nguyên nhân, NHNN đã chỉ đạo các đơn vị trong toàn ngành triển khai các giải pháp đồng bộ như:

(1) Đối với các TCTD: (i) Tăng cường công tác an ninh mạng, hướng dẫn bảo mật đối với khách hàng tránh làm lộ, lọt thông tin của khách hàng; (ii) Rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định nội bộ về bảo mật, đảm bảo an toàn cho người gửi tiền, trong đó có quy định về nhận gửi tiền và rút tiền của khách hàng; (iii) Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát nội bộ trong quá trình nhận tiền gửi và rút tiền của khách hàng; (iv) Đẩy mạnh công tác giáo dục đạo đức nghề nghiệp và tuân thủ kỷ luật, kỷ cương cho cán bộ trong toàn hệ thống ngân hàng; (v) Xử lý nghiêm minh đối với tập thể, cá nhân phát hiện có vi phạm liên quan đến quá trình nhận gửi tiền và rút tiền gửi của khách hàng; (vi) Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan bảo vệ pháp luật để tìm ra nguyên nhân dẫn đến bị mất tiền của khách hàng; (vii) Xác định tổn thất để có biện pháp xử lý, khắc phục nhanh chóng nhằm đảm bảo giữ vững lòng tin của khách hàng đối với hệ thống TCTD.

(2) Khuyến cáo khách hàng (người dân): (i) Nâng cao tinh thần cảnh giác, không truy cập các trang web nghi ngờ giả mạo; (ii) Không cung cấp thông tin cá nhân cho tổ chức, cá nhân không có thẩm quyền (kể cả nhân viên ngân hàng); (iii) Không ký các giấy tờ trắng theo đề nghị của cán bộ ngân hàng; (iv) Trực tiếp gửi tiền tại các điểm giao dịch của TCTD, không thực hiện ủy quyền gửi tiền hay rút tiền gửi cho nhân viên ngân hàng; (v) Tìm hiểu kỹ các thông tin liên quan đến quy trình bảo quản sổ tiết kiệm một cách cẩn thận; thường xuyên kiểm tra số dư tiền gửi; (vi) Kịp thời thông tin cho TCTD nơi gửi tiền và các cơ quan chức năng trong trường hợp nhận được các thông tin đáng ngờ hoặc phát hiện có dấu hiện bị rút tiền từ tài khoản.

(3) Đối với các đơn vị thuộc NHNN: (i) Phối hợp với các cơ quan thông tin, báo chí đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến người dân và khuyến cáo về những nội dung nêu trên; (ii) Chú trọng thanh tra về việc mở tài khoản, chuyển khoản, gửi và rút tiền tiết kiệm, quản lý sổ trắng, công tác an toàn kho quỹ và xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật nếu phát hiện các tập thể, cá nhân có sai phạm và công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân biết, phòng ngừa. Trường hợp có dấu hiệu cấu thành tội phạm phải kiên quyết chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra để truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định.

 

   8. Cử tri TP Hồ Chí Minh kiến nghị: Đề nghị Ngân hàng Nhà nước cần nghiên cứu cải tiến chất liệu tiền giấy Việt Nam. Hiện nay, do được làm bằng chất liệu polymer nên khi cũ hình ảnh trên tờ tiền rất dễ bị mờ, biến dạng.

   Trả lời: Tại công văn số 7431/NHNN-VP ngày 13/10/2016

Trong quá trình lưu thông, chất lượng đồng tiền sẽ giảm dần theo thời gian sử dụng vì nhiều nguyên nhân khác nhau. Đối với tiền giấy (tiền cotton), chủ yếu là do lấm bẩn; nhàu nát; sờn, rách. Đối với tiền polymer, chủ yếu là do mực in bị mòn trong quá trình sử dụng, dẫn đến phai màu, mất một phần hình ảnh, hoa văn trên đồng tiền.

Quá trình theo dõi chất lượng đồng tiền trong lưu thông của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, tiền polymer bền hơn, sạch hơn và có khả năng chống giả cao hơn tiền cotton trước đây, góp phần bảo vệ tốt hơn lợi ích của nhân dân và an ninh tiền tệ quốc gia. Nhìn chung, chất lượng đồng tiền trong lưu thông hiện nay đáp ứng yêu cầu của công chúng trong thanh toán hàng hóa, dịch vụ. Tuy nhiên, bởi nhiều lý do khách quan, chủ quan khác nhau mà trong thực tế vẫn còn những đồng tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông chưa được luân chuyển qua hệ thống ngân hàng để giữ lại, tiêu hủy.

Là cơ quan phát hành tiền, Ngân hàng Nhà nước luôn nghiên cứu, cập nhật những phát triển mới của khoa học công nghệ (nhất là công nghệ vật liệu in tiền mới) để nâng cao chất lượng đồng tiền và sẽ có đề xuất phù hợp trong khâu in ấn và phát hành khi cần thiết, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về chất lượng đồng tiền trong lưu thông. Đồng thời, hiện nay Ngân hàng Nhà nước đã và đang tiếp tục tăng cường công tác tuyển chọn, phân loại tiền, thu hút mạnh các loại tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông qua hệ thống các ngân hàng thương mại và tích cực đưa tiền mới để thay thế những đồng tiền đã không còn đủ tiêu chuẩn lưu thông.

   9. Cử tri tỉnh Quảng Bình kiến nghị: Cử tri cho rằng Nghị định 67 của Chính phủ về hỗ trợ cho ngư dân vay vốn đóng mới tàu thuyền để vươn khơi bám biển đã thể hiện những kết quả rất tích cực. Song, theo quy định tại Khoản 2, Điều 11 Thông tư 22 ngày 15/8/2014 của NHNN thì việc giải ngân cho vay theo Nghị định 67 chỉ thực hiện đến hết ngày 31/12/2016. Đề nghị NHNN sửa đổi, bổ sung Thông tư 22 theo hướng kéo dài thời hạn giải ngân đến hết ngày 31/12/2017.

   Trả lời: Tại công văn số 7572/NHNN-VP ngày 06/10/2016

Chính sách cho vay đóng mới, nâng cấp tàu phục vụ khai thác hải sản xa bờ theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản là chủ trương lớn của Chính phủ. Theo quy định tại Khoản 4, Điều 13 Nghị định 67: “Thời gian thực hiện chính sách quy định tại các Điều 4, 5, 7, 8 của Nghị định này đến hết năm 2016 và tổng kết rút kinh nghiệm trong giai đoạn tiếp theo” và tại  Khoản 2, Điều 11 Thông tư số 22/2014/TT-NHNN ngày 15/8/2014 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định: “Việc giải ngân các khoản cho vay theo Thông tư này được thực hiện đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2016” để phù hợp với quy định tại Nghị định 67.

Qua theo dõi thực tế về nhu cầu vay vốn của bà con ngư dân, ngày 9/5/2016, NHNN đã có công văn số 3333/NHNN-TD gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiến nghị về thời gian thực hiện chính sách tín dụng theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP. Ngày 24/5/2016, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có văn bản số 4226/BNN-TCTS trả lời trong đó có nêu Nghị định 67 là chủ trương lớn của Chính phủ, thời gian thực hiện chính sách này đến hết năm 2016 và sẽ tổng kết, rút kinh nghiệm triển khai trong giai đoạn tiếp theo.

Trên cơ sở ý kiến của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, NHNN đã có văn bản số 4084/NHNN-TD ngày 03/6/2016 chỉ đạo NHNN chi nhánh 28 tỉnh, thành phố ven biển và 4 Ngân hàng thương mại Nhà nước tiếp tục thẩm định, ký kết hợp đồng tín dụng và giải ngân cho vay đối với các chủ tàu được Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố phê duyệt, đảm bảo việc triển khai thực hiện chính sách tín dụng theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP liên tục, không bị gián đoạn.

10. Cử tri tỉnh Quảng Bình kiến nghị: Cử tri là ngư dân đánh bắt xa bờ không thuộc đối tượng được vay vốn theo Nghị định 67 của Chính phủ phản ánh, hiện nay ngân hàng cho vay trung, dài hạn với lãi suất 9-10%/năm là quá cao, trong lúc đó do sự cố môi trường nên ngư dân đánh bắt xa bờ gặp nhiều khó khăn, đề nghị NHNN có chính sách can thiệp để các ngân hàng thương mại, nhất là Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT có cơ chế giảm lãi suất xuống mức hợp lý nhằm tạo điều kiện cho bà con tháo gỡ khó khăn, yên tâm bám biển”.

   Vừa qua, sau sự cố môi trường biển với 4 tỉnh miền Trung, NHNN đã có chính sách hỗ trợ ngư dân, doanh nghiệp bị thiệt hại do thủy, hải sản chết bất thường. Nhưng những chính sách đó chưa đủ để hỗ trợ ngư dân, doanh nghiệp khắc phục hậu quả. Cử tri đề nghị NHNN cần có cơ chế, chính sách tín dụng đặc thù đối với nhân dân trình Chính phủ khoanh nợ, miễn giảm lãi suất tiền vay trước mắt đến hết năm 2017 cho nhân dân vùng bị ảnh hưởng do sự cố môi trường biển gây ra, bởi trong thời gian này người dân chưa thể ra biển vươn khơi bám biển tạo nguồn thu nhập để hoàn trả vốn vay, lãi tiền vay cho ngân hàng theo quy định

   Trả lời: Tại công văn số 7572/NHNN-VP ngày 06/10/2016

Để hỗ trợ khắc phục thiệt hại do sự cố môi trường tại 4 tỉnh miền Trung, NHNN đã có văn bản số 3177/NHNN-TD ngày 29/4/2016 chỉ đạo các tổ chức tín dụng kịp thời thực hiện các biện pháp tháo gỡ khó khăn như: cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, xem xét miễn, giảm lãi vay, tiếp tục xem xét cho vay mới giúp khách hàng khắc phục khó khăn, ổn định sản xuất; yêu cầu các chi nhánh ngân hàng thương mại trên địa bàn các tỉnh bị thiệt hại do sự cố môi trường rà soát, tổng hợp để báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định việc hỗ trợ xử lý nợ (khoanh nợ) cho khách hàng theo quy định tại Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 09/06/2015 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Tính đến ngày 15/9/2016, các ngân hàng đã hỗ trợ ngư dân khắc phục thiệt hại với tổng số tiền cho vay mới 306,8 tỷ đồng cho 3.825 lượt khách hàng; dư nợ được cơ cấu, giữ nguyên nhóm nợ là 112,8 tỷ đồng cho 1.279 khách hàng và dư nợ được miễn, giảm lãi là 892,4 tỷ đồng cho 563 khách hàng (số tiền lãi được miễn, giảm là 2,7 tỷ đồng) và đang đề nghị khoanh nợ số tiền 891 triệu đồng cho 44 khách hàng.

Đồng thời, NHNN đã có văn bản số 3438/NHNN-TD ngày 12/5/2016 và văn bản số 4953/NHNN-TD ngày 01/07/2016 hướng dẫn 4 ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn VN, Đầu tư và phát triển VN, Ngoại thương VN và Công thương VN triển khai việc cho vay thu mua, tạm trữ hải sản trên địa bàn 4 tỉnh miền Trung theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định 772/QĐ-TTg ngày 9/5/2016 và Quyết định 1138/QĐ-TTg ngày 25/06/2016. Theo đó, các doanh nghiệp, chủ vựa, tàu dịch vụ hậu cần nghề cá có hoạt động thu mua, dịch vụ hậu cần nghề cá được vay vốn tín dụng với lãi suất thấp nhất áp dụng cho lĩnh vực ưu tiên, kỳ hạn ngắn và được ngân sách Nhà nước hỗ trợ 100% lãi suất trong thời gian tạm trữ tối đa 6 tháng để thu mua, tạm trữ hải sản từ ngày 05/05/2016 đến ngày 05/07/2016.

Các ngân hàng thương mại cũng đã căn cứ tình hình tài chính và khả năng của từng ngân hàng để áp dụng các biện pháp hỗ trợ riêng cho khách hàng tại 4 tỉnh bị ảnh hưởng như miễn giảm lãi suất, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, cho vay mới với lãi suất ưu đãi để tiếp tục sản xuất kinh doanh. Riêng tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam đã có những chính sách cụ thể để hỗ trợ các khách hàng bị thiệt hại và bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường như: (i) Miễn 1 tháng lãi tiền vay của dư nợ bị ảnh hưởng; (ii) Dừng thu lãi 3 tháng của dư nợ bị ảnh hưởng; (iii) Cơ cấu lại thời hạn trả nợ gốc, lãi vay phù hợp với chu kỳ sản xuất kinh doanh và khả năng trả nợ của khách hàng; (iv) Triển khai gói tín dụng 500 tỷ đồng để cho vay đối với khách hàng có phương án sản xuất kinh doanh mới, áp dụng lãi suất cho vay ngắn hạn 6% và cho vay trung dài hạn 8%.

Ngoài ra, để tiếp tục hỗ trợ các tỉnh bị thiệt hại, ngày 29/9/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 1880/QĐ-TTg ban hành định mức bồi thường thiệt hại cho các đối tượng tại các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế bị thiệt hại do sự cố môi trường biển. Theo đó, có 7 nhóm đối tượng thiệt hại được xác định bồi thường, gồm: Khai thác hải sản; Nuôi trồng thủy sản; Sản xuất muối; Hoạt động kinh doanh thủy sản ven biển; Dịch vụ hậu cần nghề cá; Dịch vụ du lịch, thương mại ven biển; Thu mua, tạm trữ thủy sản. Định mức bồi thường được xây dựng trên nguyên tắc xác định thiệt hại của 7 nhóm đối tượng. Tại Quyết định này, Thủ tướng Chính phủ đã giao UBND các tỉnh phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Tài chính kiểm tra, rà soát, xác định tổng mức bồi thường thiệt hại cho các đối tượng thuộc địa phương quản lý để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định. Nguồn kinh phí bồi thường thiệt hại về kinh tế cho các đối tượng được sử dụng từ nguồn kinh phí do Công ty trách nhiệm hữu hạn Gang Thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh bồi thường.

Bên cạnh việc ban hành Quyết định 1880/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn xây dựng Đề án hỗ trợ khôi phục sản xuất cho người dân trong lĩnh vực khai thác, nuôi trồng thủy sản, nghề muối tại vùng bị ảnh hưởng do sự cố môi trường, trong đó có các cơ chế tín dụng đặc thù hỗ trợ ngư dân như: chính sách vay vốn tín dụng để ngư dân đóng mới tàu cá có tổng công suất máy chính từ 90CV đến dưới 400CV và khôi phục sản xuất; chính sách tín dụng hỗ trợ ngư dân chuyển đổi nghề,... Hiện, NHNN đang tích cực phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn để hoàn thiện và trình Chính phủ Đề án nêu trên.


[1] Hiện lãi suất cho vay của các TCTD phổ biến ở mức 6-9%/năm đối với cho vay ngắn hạn, 9-11%/năm đối với cho vay trung và dài hạn. Lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên trong đó có các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở mức 6-7%/năm, thấp hơn lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực sản xuất thông thường khác từ 1-2%/năm; các doanh nghiệp tốt, hoạt động hiệu quả, có phương án kinh doanh khả thi được vay ngắn hạn với lãi suất thấp chỉ từ 4-5%/năm.

[2] 5 nhóm lĩnh vực ưu tiên: nông nghiệp, nông thôn; xuất khẩu; doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao; doanh nghiệp nhỏ và vừa; công nghiệp hỗ trợ. 

Ban Dân nguyện