1. Cử tri tỉnh Long An kiến nghị: “Cử tri cho rằng, việc cấp thẻ bảo hiểm y tế cho một số đối tượng như người có công, người nghèo, cận nghèo, người dân ở vùng biên giới, trẻ em dưới 6 tuổi, học sinh, đối tượng bảo trợ xã hội là rất chậm, có rất nhiều trường hợp khi nhận được thẻ thì đã gần hết hạn và vẫn còn tồn tại tình trạng cấp thiếu thẻ bảo hiểm y tế, đã ảnh hưởng đến quyền lợi khám, chữa bệnh của người dân. Đề nghị chấn chỉnh việc chậm cấp thẻ bảo hiểm y tế; những trường hợp như trên, khi đi khám, chữa bệnh trong thời gian chưa được cấp thẻ có được mang chứng từ khám, chữa bệnh đến cơ quan bảo hiểm xã hội để thanh toán chi phí được không; nếu được thì thủ tục như thế nào; nếu không được thì những trường hợp này sẽ giải quyết ra sao”.
Trả lời : (Tại Công văn số 428/BHXH-VP, ngày 14/02/2017)
Theo hướng dẫn tại Khoản 2 Điều 4 Thông tư ien tịch số 41/2014/TTLT-BYT-BTC ngày 24/11/2014 của liên Bộ Y tế, Tài chính hướng dẫn thực hiện bảo hiểm y tế thì Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm lập danh sách tham gia bảo hiểm y tế của các đối tượng do ngân sách Nhà nước đóng, hỗ trợ mức đóng, gửi cơ quan Bảo hiểm xã hội để cấp thẻ bảo hiểm y tế. Tuy nhiên, việc lập danh sách cho các nhóm đối tượng này phải căn cứ vào Quyết định phê duyệt của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, do đó hằng năm vẫn còn tình trạng Ủy ban nhân dân cấp xã chậm lập và chuyển danh sách cho cơ quan Bảo hiểm xã hội, ảnh hưởng tới tiến độ cấp thẻ bảo hiểm y tế cho một số nhóm đối tượng như phản ánh nêu trên của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Long An. Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã yêu cầu Bảo hiểm xã hội tỉnh Long An nghiêm túc kiểm điểm, làm rõ nguyên nhân và có giải pháp khắc phục, đồng thời báo cáo thêm một số nội dung sau:
Để đảm bảo quyền lợi cho người tham gia bảo hiểm y tế, nhất là các đối tượng thuộc diện chính sách xã hội như: người nghèo, người có công, trẻ em dưới 6 tuổi, ..., hằng năm, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đều có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố tập trung mọi nguồn lực để đảm bảo việc cấp mới, gia hạn và chuyển trả thẻ bảo hiểm y tế cho người tham gia trước ngày 31/12. Theo đó, năm 2017, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã có Công văn số 4656/BHXH-CNTT ngày 21/11/2016 và Công văn số 5243/BHXH-ST ngày 27/12/2016 (bản sao kèm theo) yêu cầu Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố: căn cứ dữ liệu quản lý thu bảo hiểm y tế của cơ quan Bảo hiểm xã hội quản lý để thống nhất danh sách đề nghị cấp thẻ bảo hiểm y tế năm 2017 với các đơn vị sử dụng lao động và cơ quan quản lý đối tượng tham gia, đảm bảo việc cấp mới, gia hạn thẻ bảo hiểm y tế và chuyển trả thẻ bảo hiểm y tế cho người tham gia trước ngày 31/12/2016. Trường hợp đến thời điểm 31/12/2016, cơ quan quản lý đối tượng vẫn chưa cung cấp được danh sách thẻ thì Bảo hiểm xã hội tỉnh có trách nhiệm tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh để có chỉ đạo.
Đối với các trường hợp chậm cấp thẻ bảo hiểm y tế do nguyên nhân nói trên thì người tham gia vẫn được đảm bảo quyền lợi khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế theo quy định của Luật Bảo hiểm y tế từ ngày 01/01/2017 hoặc kể từ ngày Quyết định phê duyệt danh sách của cơ quan nhà nước có thẩm quyền cso hiệu lực (riêng đối tượng cận nghèo được ngân sách nhà nước hỗ trợ một phần mức đóng thì quyền lợi khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế được xác định từ ngày nộp tiền). Cơ quan Bảo hiểm xã hội Việt Nam sẽ thực hiện thanh toán trực tiếp chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế cho người bệnh có thẻ bảo hiểm y tế căn cứ chứng từ, hóa đơn hợp lệ theo quy định của Bộ Tài chính.
Bảo hiểm xã hội Việt Nam trân trọng cảm ơn và mong tiếp tục nhận được sự quan tâm giúp đỡ của Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Long An, đồng thời có giải pháp tích cực hơn để kịp thời cung cấp danh sách cấp thẻ bảo hiểm y tế hằng năm cho cơ quan Bảo hiểm xã hội theo đúng quy định của Luật Bảo hiểm y tế và các văn bản hướng dẫn thực hiện.
2. Cử tri tỉnh Nam Định kiến nghị : “Cử tri đề nghị Bảo hiểm xã hội Việt Nam nên phân cấp cho cấp huyện cấp thẻ bảo hiểm y tế và tiền mai táng phí, để thuận tiện cho các đối tượng được hưởng”.
Trả lời : (Tại Công văn số 427/BHXH-VP, ngày 14/02/2017)
- Về việc phân cấp cho cấp huyện cấp thẻ bảo hiểm y tế
Căn cứ Luật Bảo hiểm y tế số 25/2008/QH12 ngày 14/11/2008 và Luật số 46/2014/QH13 ngày 13/6/2014 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế, Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã ban hành Quyết định số 959/QĐ-BHXH ngày 09/9/2015 quy định quản lý thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; quản lý sổ bảo hiểm xã hội, thẻ bảo hiểm y tế, trong đó tại Điều 3 quy định “Bảo hiểm xã hội huyện thực hiện cấp mới, cấp lại, đổi thẻ bảo hiểm y tế cho người tham gia bảo hiểm y tế do Bảo hiểm xã hội huyện thu, các trường hợp do Bảo hiểm xã hội tỉnh ủy quyền cho Bảo hiểm xã hội huyện cấp thẻ bảo hiểm y tế; cấp lại, đổi thẻ bảo hiểm y tế các trường hợp đang hưởng trợ cấp thất nghiệp tại huyện”.
Như vậy, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã quy định việc phân cấp cấp thẻ bảo hiểm y tế cho Bảo hiểm xã hội cấp huyện và sẽ kiểm tra, chấn chỉnh Bảo hiểm xã hội tỉnh Nam Định nếu chưa thực hiện phân cấp theo quy định.
2. Về việc phân cấp cho cấp huyện cấp tiền mai táng phí để thuận tiện cho các đối tượng được hưởng
Theo quy định tại Điểm 3.2 Khoản 3 Điều 14 Quyết định số 828/QĐ-BHXH ngày 27/5/2016 của Bảo hiểm xã hội Việt Nam ban hành Quy định quản lý chi trả các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp quy định Bảo hiểm xã hội tỉnh ký hợp đồng dịch vụ quản lý và chi trả các chế độ bảo hiểm xã hội qua hệ thống Bưu điện với Bưu điện tỉnh để chi trả các chế độ bảo hiểm xã hội trong đó có: Trợ cấp mai táng phí, trợ cấp tuất. Tại Khoản 7 Điều 1 Quyết định số 1515/QĐ-BHXH ngày 17/10/2016 của Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 828/QĐ-BHXH quy định về tổ chức chi trả các chế độ bảo hiểm xã hội một lần (bao gồm trợ cấp mai táng, trợ cấp tuất) thông qua cơ quan Bưu điện như sau: Bưu điện huyện chuyển tiền vào tài khoản cá nhân cho người hưởng hoặc chi trả trực tiếp bằng tiền mặt cho người hưởng.
Như vậy, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã quy định việc phân cấp tổ chức chi trả trợ cấp mai táng cho cấp huyện và thực hiện thông qua cơ quan Bưu điện (Bưu điện huyện).
3. Cử tri tỉnh Tây Ninh kiến nghị: "Cử tri kiến nghị ngành Bảo hiểm xã hội nên tích cực nghiên cứu, tìm giải pháp tạo nguồn thu cho bảo hiểm, tránh vỡ Quỹ Bảo hiểm xã hội".
Trả lời : (Tại Công văn số 1277/BHXH-VP, ngày 14/04/2017)
BHXH Việt Nam được thành lập ngày 16/02/1995 là cơ quan nhà nước thuộc Chính phủ, có chức năng tổ chức thực hiện các chế độ, chính sách BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT); tổ chức thu, chi chế độ bảo hiểm thất nghiệp (BHTN); quản lý và sử dụng các quỹ: BHXH, BHYT, BHTN, thanh tra chuyên ngành việc đóng BHXH, BHYT, BHTN theo quy định của pháp luật. Kể từ khi được Chính phủ thành lập đến nay, Ngành đã thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ do Đảng và Nhà nước giao, thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách cho người lao động tham gia và thụ hưởng BHXH, BHYT, BHTN, góp phần đảm bảo cuộc sống cho người lao động, ổn định an ninh chính trị, an toàn xã hội.
Trong quá trình tổ chức thực hiện nhiệm vụ, công chức, viên chức ngành BHXH luôn nỗ lực phấn đấu, không ngừng sáng tạo, chủ động đề xuất các giải pháp nâng cao chất lượng phục vụ, hoàn thành các nhiệm vụ được giao, trong đó ngành BHXH đã quản lý và sử dụng các quỹ: BHXH, BHYT, BHTN theo đúng quy định, đảm bảo chi trả đúng, đủ, kịp thời cho người tham gia và thụ hưởng chính sách, bảo tồn và tăng trưởng quỹ. Tuy nhiên trong thời gian tới, để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, đảm bảo an toàn quỹ BHXH, BHXH Việt Nam đã và đang triển khai các giải pháp, nhiệm vụ sau:
1. Tích cực tham gia ý kiến, đề xuất với các bộ, ngành trong việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về chính sách BHXH, BHYT, BHTN phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội, tạo thuận lợi trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ. Đặc biệt trong năm 2012, BHXH Việt Nam đã tích cực phối hợp với Văn phòng Trung ương Đảng tham mưu với Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 21-NQ/TW ngày 22/11/2012 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2012 - 2020, Nghị quyết 21-NQ/TW đã huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị vào cuộc trong việc thực hiện công tác BHXH, BHYT cho người lao động và người dân. Sau khi Nghị quyết được ban hành, BHXH Việt Nam tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến chính sách BHXH, BHYT phù hợp với tình hình thực tế. Đến nay Quốc hội đã thông qua các văn bản pháp luật quan trọng như: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT; Luật BHXH; Bộ luật Lao động; Luật An toàn, vệ sinh lao động; Luật Việc làm; Luật Dược,...
2. Thực hiện đồng bộ các giải pháp để phát triển mở rộng đối tượng tham gia BHXH, BHYT, BHTN, số người tham gia BHXH, BHYT, BHTN tăng hàng năm. Tính đến hết tháng 3/2017, số người tham gia BHXH bắt buộc là 13,1 triệu người, tăng 7,4% so với cùng kỳ năm 2016; BHTN là 11,2 triệu người, tăng 7,7% so với cùng kỳ năm 2016; BHXH tự nguyện là 235 nghìn người, tăng 17,6% so với cùng kỳ năm 2016 và BHYT là 76,2 triệu người, tăng 12,5% so với cùng kỳ năm 2016, đạt tỷ lệ bao phủ BHYT toàn quốc là 82% dân số (vượt 2% so với mục tiêu đến năm 2020 của Nghị quyết 21-NQ/TW).
3. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chính sách, pháp luật BHXH, BHYT, trong đó tập trung lựa chọn các nội dung, hình thức phù hợp nhằm nâng cao nhận thức của chủ sử dụng lao động, người lao động và nhân dân về tính ưu việt của chính sách BHXH, BHYT của Đảng và Nhà nước từ đó họ tự giác thực hiện và tham gia BHXH, BHYT đầy đủ.
4. Chủ động rà soát, nghiên cứu, xây dựng và lấy ý kiến tham gia của các bộ, ngành, đơn vị liên quan và xây dựng các văn bản hướng dẫn tổ chức thực hiện chính sách BHXH, BHYT theo hướng đơn giản hóa thủ tục hành chính (TTHC), dễ làm, dễ thực hiện. Đẩy mạnh công tác cải cách hành chính theo hướng nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp và hiệu quả quản lý, trong đó đã tập trung tái cấu trúc quy trình nghiệp vụ; rà soát, đơn giản hóa thủ tục và các chỉ tiêu, biểu mẫu; thay đổi phương thức giao nhận hồ sơ giữa cơ quan BHXH với người dân và doanh nghiệp; đẩy mạnh giao dịch điện tử... Công tác cải cách hành chính thời gian qua của ngành BHXH đã có những kết quả đáng ghi nhận, được cộng đồng doanh nghiệp và các tổ chức chuyên ngành trong và ngoài nước đánh giá cao, trong đó: TTHC thuộc phạm vi quản lý của Ngành được cắt giảm mạnh mẽ, hiện còn 32 thủ tục (năm 2009, trước khi thực hiện rà soát theo yêu cầu Đề án 30 của Chính phủ về đơn giản hóa TTHC trên các lĩnh vực quản lý nhà nước giai đoạn 2007-2010, tổng số TTHC thuộc phạm vi quản lý của Ngành lên tới 263 thủ tục), thành phần hồ sơ giảm 32%; tiêu thức tờ khai, biểu mẫu giảm 42%; quy trình, thao tác thực hiện giảm 54%; thời gian giao dịch thực hiện TTHC về BHXH, BHYT của các doanh nghiệp với cơ quan BHXH dự kiến giảm còn 45 giờ/năm.
5. Tích cực, chủ động đẩy mạnh thanh tra chuyên ngành việc đóng BHXH, BHYT trong đó tập trung thanh tra các đơn vị, doanh nghiệp đang cố tình trốn đóng, nợ đóng BHXH, chưa tham gia đầy đủ cho số lao động thuộc diện phải tham gia BHXH để yêu cầu đơn vị, doanh nghiệp tham gia BHXH, BHYT bắt buộc cho người lao động đảm bảo quyền lợi của người lao động.
6. Tập trung triển khai thực hiện các dự án công nghệ thông tin phục vụ công tác quản lý, hiện đại hóa hoạt động của Ngành, trong đó tập trung vào 2 Dự án trọng tâm, đó là:
- Dự án xây dựng Hệ thống kết nối, liên thông giữa cơ quan BHXH và các cơ sở khám chữa bệnh (KCB) BHYT trên toàn quốc để cung cấp, tra cứu dữ liệu thẻ BHYT và giám định chi phí KCB BHYT phát sinh góp phần nâng cao hiệu quả quản lý quỹ KCB BHYT, tạo thuận lợi cho cơ sở y tế và người có thẻ BHYT đến KCB. Đến nay, BHXH Việt Nam đã kết nối thành công với 97,3% cơ sở KCB tại 63 tỉnh, thành phố trên toàn quốc và đang thực hiện chuẩn hóa danh mục thanh toán BHYT, liên thông dữ liệu KCB thông qua Cổng thông tin giám định BHYT.
- Dự án xây dựng Hệ thống cơ sở dữ liệu hộ gia đình tham gia BHYT, nền tảng hình thành Cơ sở dữ liệu quốc gia về BHXH, BHYT. Đã thu thập và nhập thông tin của trên 24,2 triệu hộ gia đình với trên 92,8 triệu người và đồng bộ dữ liệu cấp thẻ BHYT cho 65,7 triệu người. Bên cạnh đó, BHXH Việt Nam cũng đã xây dựng hệ thống cấp số định danh và quản lý BHYT hộ gia đình để cập nhật và cấp số định danh duy nhất cho mỗi cá nhân, tạo thuận lợi cho người dân giao dịch với bất kỳ cơ quan BHXH trên toàn quốc, đồng thời nâng cao hiệu quả quản lý và khai thác, phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT.
4. Cử tri các tỉnh Bến Tre, Đồng Tháp, Hà Giang, Nghệ An kiến nghị: đề nghị BHXH Việt Nam nghiên cứu, ứng dụng công nghệ thông tin trong việc cấp thẻ bảo hiểm y tế (BHYT); cho ảnh của người mua thẻ BHYT lên thẻ BHYT; cấp, phát thẻ BHYT theo hướng kéo dài, hợp lý hon, không nên cấp, phát theo từng năm.
Trả lời : (Tại Công văn số 209/BHXH-VP, ngày 20/01/2017)
- Về thời hạn sử dụng ghi trên thẻ BHYT: theo quy định của Luật BHYT sửa đổi, bổ sung số 46/2014/QH13 được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 13/6/2014; Nghị định số 105/2014/NĐ-CP ngày 15/11/2014 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật BHYT; Thông tư liên tịch số 41/2014/TTLT- BYT-BTC ngày 24/11/2014 của liên Bộ Y tế - Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện BHYT, thì những đối tượng tham gia BHYT có tính ổn định như: người hưởng lương hưu, trợ cấp hàng tháng; người có công với cách mạng; trẻ em dưới 6 tuổi ..., thẻ BHYT được cấp có thời hạn sử dụng trên một năm. Những đối tượng còn lại bao gồm: người tham gia được ngân sách Nhà nước đóng, hỗ trợ một phần mức đóng (phải phê duyệt lại danh sách cấp thẻ BHYT hàng năm); người lao động làm việc trong các doanh nghiệp; người tham gia BHYT theo hộ gia đình, thẻ BHYT được cấp có thời hạn sử dụng không quá một năm. Để cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho người tham gia BHYT, BHXH Việt Nam đã kiến nghị với Chính phủ và các Bộ, ngành về việc sửa đổi, bổ sung Nghị định số 105/2014/NĐ-CP và Thông tư liên tịch số 41/2014/TTLT- BYT-BTC theo hướng: “thẻ BHYT cấp cho người tham gia chỉ ghi thời điểm thẻ BHYT bắt đầu có giá trị sử dụng, không ghi thời điểm thẻ BHYT hết hạn sử dụng”. Như vậy, thẻ BHYT cấp cho người tham gia trong thời gian tới sẽ được sử dụng trong nhiều năm.
- Về cấp thẻ BHYT điện tử: căn cứ Luật BHYT; Nghị quyết số 36a/NQ- CP ngày 14/10/2015 của Chính phủ về Chính phủ điện tử, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam đã ban hành Quyết định số 640/QĐ-BHXH ngày 28/4/2016 phê duyệt kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của Ngành BHXH giai đoạn 2016 - 2020. Đến thời điểm hiện nay, BHXH Việt Nam đã hoàn thiện các phần mềm quản lý (trong đó có phần mềm quản lý thu, cấp sổ BHXH, thẻ BHYT); xây dựng cơ sở dữ liệu tập trung; cấp số định danh cá nhân cho người tham gia BHYT theo hộ gia đình; kiến nghị với Chính phủ và Ngân hàng Thế giới hỗ trợ việc cấp thẻ BHYT điện tử, trong đó sẽ tích hợp đầy đủ thông tin về nhân thân, số định danh, ảnh, vân tay của người tham gia BHYT, dự kiến cấp thí điểm từ năm 2017 và lộ trình chậm nhất đến năm 2020 thay thế toàn bộ thẻ BHYT giấy bằng thẻ điện tử.
5. Cử tri các tỉnh Bình Thuận, Cần Thơ kiến nghị: “BHXH Việt Nam nghiên cứu việc cấp phát tiền hưu trí các khoản chế độ trợ cấp khác qua ngành Bưu điện như hiện nay vì đối tượng hưu trí và đối tượng được nhận tiền trợ cấp cho rằng ngành Bưu điện cấp phát gây nhiều bất cập, không phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Đề nghị xem xét giao cho cấp xã thực hiện nhiệm vụ này là phù hợp”.
Trả lời : (Tại Công văn số 5311/BHXH-VP, ngày 29/12/2016)
Cải cách hành chính công là một trong những vấn đề được Đảng và Nhà nước rất quan tâm, Chính phủ đã ban hành chương trình tổng thể cải cách hành chính Nhà nước đến năm 2020, trong đó nói rõ trọng tâm giai đoạn tới phải nâng cao chất lượng dịch vụ thông qua xã hội hóa. Việc thực hiện chi trả lương hưu và trợ cấp xã hội qua Bưu điện được đánh giá là một trong những giải pháp thực hiện có hiệu quả và thiết thực chương trình cải cách hành chính hướng tới thực hiện thành công mục tiêu xây dựng một nền hành chính “đơn giản, minh bạch, nhanh gọn, đủng pháp luật và phục vụ người dân một cách tốt nhất”.
Thực hiện chủ trương của Chính phủ tại Công văn số 3069/VPCP-KTTH ngày 17/04/2013 về việc chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng qua hệ thống bưu điện, BHXH Việt Nam đã ký Hợp đồng dịch vụ chi trả với Tổng công ty Bưu điện Việt Nam để tổ chức thực hiện chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng qua hệ thống bưu điện trên phạm vi cả nước.
Tổng công ty Bưu điện Việt Nam là doanh nghiệp Nhà nước có điều lệ tổ chức hoạt động, có tư cách pháp nhân, được Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ cung cấp các dịch vụ công, trong đó có chi trả chế độ BHXH. Về hệ thống tổ chức từ Trung ương tới xã, phường, thị trấn; có cơ sở vật chất, nguồn nhân lực, phương tiện vận chuyển đảm bảo điều kiện để tổ chức chi trả các chế độ BHXH đầy đủ kịp thời đến người hưởng và đảm bảo an toàn tiền mặt cho Quỹ BHXH.
Việc tổ chức thực hiện chi trả qua hệ thống Bưu điện hay chi trả qua đại diện chi trả xã, phường đều phải tuân thủ theo đúng quy trình quản lý chi trả các chế độ BHXH, bảo hiểm thất nghiệp do BHXH Việt Nam quy định và phải đảm bảo mục tiêu chi trả đầy đủ, kịp thời, đúng thời gian cho người hưởng, đảm bảo an toàn tiền mặt.
Năm 2014, ngay sau một năm thực hiện chi trả qua hệ thống Bưu điện theo chủ trương của Chính phủ, ngành BHXH đã tổ chức khảo sát lấy ý kiến người hưởng, kêt quả có trên 90% người hưỏng hài lòng với cách thức chi trả, thời gian, cơ sở vật chất, thái độ phục vụ của cơ quan Bưu điện; 82% người hưởng đánh giá Bưu điện làm tốt hơn đại diện chi trả xã, phường trước đây; 11% đánh giá Bưu điện và đại diện chi trả xã, phường là như nhau, cho thấy tuy còn một số hạn chế nhưng về cơ bản phương thức chi trả qua hệ thống Bưu điện đã đạt được mục đích và yêu cầu đặt ra; chi trả đảm bảo đầy đủ chế độ, kịp thời cho người hưởng theo đúng quy định của pháp luật; thực hiện đúng quy trình về quản lý chi trả của ngành BHXH, chất lượng phục vụ người hưởng được nâng lêp; đảm bảo an toàn tiền mặt trong quá trình vận chuyển và chi trả. Đặc biệt việc chi trả qua Bưu điện đã khắc phục, được những hạn chế tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn tiền mặt của phương thức chi trả thông qua đại diện chi trả xã, phường nếu xảy ra mất tiền với số lượng lớn thì đại diện chi trả khó có khả năng bồi thường do người làm đại diện chi trả thường là những cá nhân do Ủy ban nhân dân xã, phường giới thiệu và thực tế đã xảy ra một số trường hợp bị mất tiền mặt, khó có khả năng thu hồi cho quỹ BHXH còn cơ quan Bưu điện có tư cách pháp nhân, có khả năng tài chính để bồi thường. Đến nay, phương thức chi trả qua hệ thống Bưu điện đã dần nhận được sự tin tưởng, ủng hộ, đánh giá cao của các cấp, các ngành, đặc biệt là người hưởng.
6. Cử tri tỉnh Đắk Lắk kiến nghị: về liên quan đến hoạt động đầu tư quỹ bảo hiểm xã hội.
Trả lời: Tại công văn số 04/BHXH-ĐTQ của Bảo hiểm xã hội Việt Nam ngày 31/3/2017
- Hoạt động đầu tư quỹ của BHXH Việt Nam trong thời gian qua đã theo đúng các quy định của pháp luật và Nghị quyết của Hội đồng quản lý BHXH Việt Nam.
Số dư đầu tư quỹ và lợi nhuận thu từ đầu tư hàng năm đều tăng về số tuyệt đối, quỹ BHXH được bảo toàn giá trị và tăng trưởng. Công tác quản lý đầu tư quỹ đã được Kiểm toán Nhà nước đánh giá và ghi nhận việc đầu tư từ các quỹ bảo hiểm là đảm bảo an toàn, hiệu quả và có tăng trưởng (Báo cáo kiểm toán tài chính, các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn và tài sản nhà nước năm 2015 của BHXH Việt Nam).
Cơ cấu đầu tư chuyển dịch theo hướng: tăng dần tỷ lệ đầu tư TPCP, giảm dần tỷ lệ đầu tư vào các danh mục khác. Tỷ lệ đầu tư vào các NHTM giảm dần từ 25% tổng số dư đầu tư quỹ (31/12/2012) xuống còn 15,6% tổng số dư đầu tư quỹ (31/12/2016).
Về đối tượng đầu tư: BHXH Việt Nam đã đầu tư, cho vay theo đúng các đối tượng tại Quyết định số 04/2011/QĐ-TTg ngày 20/01/2011 của Thủ tướng Chính phủ.
Về quy trình đầu tư: thực hiện theo quy chế quản lý đầu tư các quỹ BHXH, BHYT, BHTN của BHXH việt Nam ban hành.