38. Viện kiểm sát nhân dân tối cao

24/05/2017 16:24

1. Cử tri tỉnh Hải Dương kiến nghị: Cử tri ngành kiểm sát phản ánh hiện nay khối lượng công việc của ngành ngày càng tăng về số lượng và số vụ phức tạp, cơ sở vật chất vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ, vì vậy đề nghị cùng với việc thực hiện chính sách tinh giản biên chế, thì cần phải bổ sung biên chế cho ngành kiểm sát thực hiện những nhiệm vụ mới được giao tăng thẩm quyền để đảm bảo nhân lực cho thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo quy định của các đạo luật mới về tư pháp.

Trả lời: (Tại Công văn số 421 /VKSTC-V3 ngày 15 tháng 2 năm 2017)

Thời gian qua, tình hình vi phạm và tội phạm xảy ra trong lĩnh vực ngân hàng diễn biến hết sức phức tạp, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

Để đấu tranh có hiệu quả với loại tội phạm này, trong những năm gần đây, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã phối hợp chặt chẽ với Cơ quan điều tra Bộ Công an và Tòa án nhân dân kịp thời phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử nhiều vụ án lớn, tính chất đặc biệt nghiêm trọng mà dư luận quan tâm, trong đó, đã xử lý nhiều cán bộ nguyên là lãnh đạo các ngân hàng, người đứng đầu các tổ chức tín dụng, có tác dụng răn đe, phòng ngừa tội phạm, được dư luận đồng tình, ủng hộ.

Điển hình là các vụ án sau:

- Vụ Huỳnh Thị Huyền Như (nguyên quyền Trưởng phòng giao dịch Điện Biên Phủ, Vietinbank Chi nhánh TP HCM)  và đồng phạm, xảy ra tại Ngân hàng ViettinBank.Vụ án đã truy tố, xét xử sơ thẩm, phúc thẩm. Hiện nay, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đang phối hợp với Tòa án nhân dân chuẩn bị đưa ra xét xử giai đoạn 2 của vụ án.

- Vụ Nguyễn Đức Kiên (nguyên Chủ tịch Hội đồng đầu tư Ngân hàng ACB, nguyên Phó chủ tịch HĐQT Ngân hàng ACB, nguyên Phó chủ tịch Hội đồng sáng lập ACB) và đồng phạm, xảy ra tại Ngân hàng ACB), đã truy tố, xét xử xong.

- Vụ Phạm Công Danh (Nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Xây dựng-VNCB) và đồng phạm xảy ra tại VNCB; đã xét xử sơ thẩm xong, hiện nay, vụ án đang được xét xử phúc thẩm. Đối với giai đoạn 2 của vụ án, hiện nay, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đang phối hợp chặt chẽ với Cơ quan điều tra Bộ Công an để tiến hành điều tra, đưa ra truy tố, xét xử trước pháp luật.

- Vụ Phạm Thị Bích Lương (nguyên Giám đốc Ngân hàng NN&PTNT Chi nhánh Nam Hà Nội) và đồng phạm, xảy ra tại ngân hàng NN&PTNT Chi nhánh Nam Hà Nội, đã truy tố, xét xử xong.

- Vụ Hà Văn Thắm, (nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Đại Dương) và đồng phạm, xảy ra tại Ngân hàng Đại Dương. Đã hoàn thành Cáo trạng và chuyển Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội chuẩn bị xét xử.

- Vụ Tạ Bá Long (nguyên Chủ tịch HĐQT) và Đoàn Văn An (nguyên Phó Chủ tịch HĐQT) Ngân hàng Dầu khí toàn cầu (GP Bank), xảy ra tại Ngân hàng Dầu khí toàn cầu, đã hoàn thành Cáo trạng, chuyển Tòa án nhân dân Thành phố Hà Nội chuẩn bị xét xử

- Vụ Trần Phương Bình (nguyên Tổng Giám đốc, Chủ tịch Hội đồng tín dụng Ngân hàng Đông Á) và đồng phạm, xảy ra tại Ngân hàng Đông Á, đã khởi tố, bắt giam 05 bị can. Vụ Hoàng Văn Toàn và 09 đồng phạm xảy ra tại Ngân hàng Đại Tín (TrustBank). Hiện, vụ án đang được Viện kiểm sát nhân dân tối cao phối hợp chặt chẽ với Cơ quan điều tra để tiến hành điều tra, xử lý theo pháp luật.

Ngoài ra, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã có Báo cáo số 3326/VKSTC-V1 ngày 8/9/2014 báo cáo về tình hình tội phạm trong lĩnh vực ngân hàng với Chủ tịch Nước, trong đó, đề xuất một số giải pháp, kiến nghị để phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả hơn với các tội phạm trong lĩnh vực ngân hàng trong thời gian tới. Đồng thời, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã ban hành văn bản số 4801/VKSTC-V1 ngày 25/12/2015 gửi Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam kiến nghị áp dụng các biện pháp phòng ngừa vi phạm và tội phạm trong lĩnh vực ngân hàng như: Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát của Ngân hàng Nhà nước đối với các ngân hàng thương mại cũng như công tác quản lý hệ thống ngân hàng thương mại. Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chủ trương tái cấu trúc ngành ngân hàng, bảo đảm hệ thống ngân hàng hoạt động lành mạnh, hiệu quả; kiểm soát chặt chẽ nghiệp vụ tái cấp vốn từ Ngân hàng Nhà nước cho các ngân hàng thương mại, đảm bảo việc sử dụng vốn của các ngân hàng phải phục vụ tốt quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của đất nước theo từng thời kỳ, từng lĩnh vực ưu tiên và hạn chế rủi ro, mất vốn Nhà nước và tiền gửi của người dân, tác động xấu đến nền kinh tế.

   2. Cử tri tỉnh Long An kiến nghị: Đề nghị liên ngành Tư pháp trung ương có hướng dẫn giải quyết các trường hợp tin báo, tố giác về tội phạm chưa thể giải quyết trong trường hợp luật định thì có thể tạm đình chỉ hoặc xếp tin báo chờ giải quyết vì theo khoản 1 điều 148 Bộ luật TTHS năm 2015 qui định  chưa đầy đủ.

Trả lời: (Tại Công văn số 645 /VKSTC-V3ngày 3 tháng 3 năm 2017)

Để giải quyết những vướng mắc, khó khăn trong thực tiễn giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố khi hết thời hạn luật định, bên cạnh thẩm quyền quyết định khởi tố vụ án hình sự hoặc không khởi tố vụ án hình sự như BLTTHS năm 2003 thì BLTTHS năm 2015 bổ sung quy định mới về thẩm quyền quyết định tạm đình chỉ giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố (khoản 1 Điều 147). Bởi thực tiễn có những trường hợp khi đã hết thời hạn giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố nhưng chưa đủ căn cứ để ra quyết định khởi tố hoặc không khởi tố vụ án hình sự.

Tuy nhiên, để đảm bảo tính chặt chẽ, tránh lạm dụng việc tạm đình chỉ giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, khoản 1 Điều 148 BLTTHS năm 2015 quy định chặt chẽ chỉ có 02 trường hợp tạm đình chỉ giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, đó là: “a) Đã trưng cầu giám định, yêu cầu định giá tài sản, yêu cầu nước ngoài tương trợ tư pháp nhưng chưa có kết quả; b) Đã yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu, đồ vật quan trọng có ý nghĩa quyết định đối với việc khởi tố hoặc không khởi tố vụ án nhưng chưa có kết quả”.

BLTTHS năm 2015 không quy định trường hợp “chưa thể giải quyết trong trường hợp luật định thì có thể tạm đình chỉ hoặc xếp tin báo chờ giải quyết” nên không đặt ra việc hướng dẫn về vấn đề này, nhằm bảo đảm “mọi tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố phải được tiếp nhận đầy đủ, giải quyết kịp thời” (khoản 1 Điều 145).

3. Cử tri thành phố Hải Phòng kiến nghị: trong thời gian qua đã xảy ra nhiều vụ án liên quan đến sai phạm tại một số ngân hàng thương mại làm thất thoát hàng nghìn tỷ đồng gây mất niềm tin trong nhân dân. Đề nghị Bộ Công an phối hợp các cơ quan tố tụng sớm điều tra, truy tố, xử lý nghiêm các tổ chức tín dụng và người đứng đầu các tổ chức tín dụng yếu kém để xảy ra thất thoát, vi phạm pháp luật và công khai kết quả xử lý để nhân dân theo dõi, giám sát.

Trả lời: (Tại Công văn số 369/VKSTC-V3 ngày 10 tháng 2 năm 2017)

Trước hết xin trân trọng cảm ơn cử tri đã hiểu, quan tâm đến những khó khăn của Ngành KSND đang phải nỗ lực khắc phục, triển khai thực hiện; với chủ trương, định hướng của Đảng, Hiến pháp, pháp luật của Nhà nước và Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014, ngành Kiểm sát nhân dân được giao nhiều nhiệm vụ mới trong điều kiện tình hình vi phạm, tội phạm gia tăng, tính chất, mức độ ngày càng phức tạp, bên cạnh đó lại đang thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị “Về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức”.

Xuất phát từ thực tiễn và yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, khối lượng công việc của ngành Kiểm sát nhân dân ngày càng tăng đột biến, đòi hỏi phải được tăng biên chế, tăng chức danh tư pháp để hoàn thành nhiệm vụ được giao nên lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã chỉ đạo yêu cầu đánh giá đầy đủ, toàn diện thực trạng tổ chức bộ máy, biên chế và hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân các cấp liên quan đến tổ chức, biên chế để kiến nghị, đề xuất Trung ương cho phép ngành Kiểm sát nhân dân tiếp tục thực hiện mô hình tổ chức bộ máy như hiện nay và sau khi thực hiện tinh giản biên chế được tiếp tục sử dụng số biên chế đã tinh giản để bảo đảm thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm và quyền hạn theo quy định mới của luật, đáp ứng yêu cầu thực tiễn công tác đấu tranh phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật; đồng thời thực hiện các giải pháp để nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, tăng chức danh tư pháp ở những đơn vị nghiệp vụ, giảm biên chế ở những đơn vị tham mưu, phục vụ, hành chính. Hiện nay, ngành Kiểm sát nhân dân cũng đang khẩn trương xây dựng Đề án vị trí việc làm và Đề án tổ chức, biên chế của ngành Kiểm sát nhân dân đến năm 2020 bảo đảm theo quy định của Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014 trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, phê duyệt nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. 

 

 

 

Ban Dân nguyện