Phương pháp giáo dục tiên tiến nhưng phải giữ được giá trị văn hóa dân tộc

23/10/2014

Trao đổi về Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, các ĐBQH nhấn mạnh, mục tiêu cuối cùng của đổi mới chương trình, sách giáo khoa là góp phần đổi mới giáo dục, chuyển nền giáo dục từ nặng về truyền thụ kiến thức một chiều sang hướng phát triển toàn diện phẩm chất, năng lực học sinh, từ nặng về dạy chữ, ứng thí sang thực học, thực nghiệp. Nếu QH ban hành Nghị quyết về vấn đề này, các ĐBQH đề nghị, phải xác định rõ ngay trong nghị quyết nội dung, trình tự, lộ trình các công việc cần triển khai thực hiện để bảo đảm việc triển khai thực hiện Nghị quyết có hiệu quả nhất.

ĐBQH Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hóa): Muốn thực học, thực nghiệp phải thay đổi phương pháp giáo dục
 
Muốn đất nước phát triển thì phải có nguồn nhân lực có trình độ, năng suất lao động tốt. Song nguồn nhân lực tốt không phải tự nhiên mà có, nên nhiều quốc gia trước khi bắt đầu chiến lược phát triển đã tập trung đầu tư cải cách toàn bộ hệ thống giáo dục. Cải cách giáo dục đã giúp các quốc gia này có được một thế hệ công dân mới, phát triển đầy đủ cả về kiến thức, kỹ năng, sức khỏe, nhân cách, đạo đức công dân và tinh thần làm việc. Vì thế, để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thì không có cách nào khác là phải đổi mới giáo dục, trong đó có đổi mới chương trình, sách giáo khoa từ các bậc học phổ thông.

Tại Kỳ họp thứ Tám này, Chính phủ đã trình QH Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông, với nguồn kinh phí dự kiến khoảng 462 tỷ đồng. Tôi thấy, về ngân sách thực hiện Đề án cũng phù hợp với khả năng chi của ngân sách nhà nước hiện nay nên có thể triển khai thực hiện được. Tôi cũng thống nhất với định hướng đổi mới chương trình, sách giáo khoa theo Tờ trình của Chính phủ. Tuy nhiên, chúng ta muốn chuyển từ nền giáo dục nặng về dạy chữ, ứng thí sang nền giáo dục thực học, thực nghiệp thì nhất thiết phải vận dụng phương pháp giảng dạy tiến bộ đã được áp dụng thành công tại nhiều quốc gia trên thế giới. Chúng ta giữ là giữ những giá trị thuộc về truyền thống dân tộc còn về phương pháp giáo dục thì nên áp dụng phương pháp giáo dục hiện đại của thế giới.

Ở đây, có vấn đề còn có ý kiến khác nhau là có nên để Bộ Giáo dục - Đào tạo biên soạn một bộ sách giáo khoa chuẩn, cùng với những bộ sách giáo khoa khác do các chủ thể khác biên soạn hay không? Tôi nghĩ, cần thiết phải giao cho Bộ Giáo dục - Đào tạo biên soạn một bộ sách giáo khoa chuẩn mực. Tuy nhiên, cũng nên đa dạng hóa việc soạn thảo sách giáo khoa dựa trên một bộ tiêu chí rõ ràng và bộ sách do các chủ thể khác biên soạn phải được thẩm định nghiêm ngặt của Hội đồng thẩm định sách giáo khoa quốc gia. Trước Kỳ họp này, nhiều cử tri cũng đã bày tỏ lo ngại về việc nếu có quá nhiều bộ sách giáo khoa như vậy sẽ khiến cặp của học sinh vốn đã nặng sẽ càng nặng hơn. Đây cũng là một băn khoăn rất chính đáng của cử tri. Tôi đề nghị, Bộ Giáo dục - Đào tạo cần báo cáo rõ hơn về cách thức sử dụng các bộ sách này. Cần làm rõ, không phải học sinh sẽ học tất cả các sách giáo khoa được xuất bản mà giáo viên có thể hướng dẫn học sinh tham khảo cách loại sách khác khi truyền dạy những kiến thức cơ bản trong bộ sách giáo khoa chuẩn do Bộ Giáo dục - Đào tạo biên soạn. Để cử tri, nhân dân yên tâm với Đề án này, Bộ cũng cần tổng kết việc đổi mới chương trình sách giáo khoa đã triển khai thí điểm đối với cấp I, để rút kinh nghiệm cho việc triển khai Đề án. 

ĐBQH Phạm Tất Thắng (Vĩnh Long): Đề án thiếu tính khả thi…
 
Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông nếu được thông qua sẽ có phạm vi tác động rất căn bản không chỉ với bậc học phổ thông mà còn đối với cả hệ thống giáo dục quốc dân. Theo tôi, Đề án đã đáp ứng yêu cầu của QH về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, nhằm thể chế hóa các chủ trương, đường lối, quan điểm mới của Đảng về giáo dục phổ thông, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế theo Nghị quyết 29, Hội nghị Ban chấp hành Trung ương lần thứ 8, khóa XI. Tuy nhiên, Đề án thiếu tính khả thi khi chưa nêu rõ khả năng đáp ứng của đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất, trong khi đây mới là yếu tố quan trọng quyết định sự thành công của Đề án. Chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông rất tốt nhưng người dạy, người truyền tải không đáp ứng được yêu cầu thì hiệu quả cuối cùng sẽ khó mà đạt được. Việc xây dựng chương trình, sách giáo khoa mới theo hướng hiện đại hơn, đòi hỏi phải có công cụ hỗ trợ, phương pháp giảng dạy mới, không có cơ sở vật chất đáp ứng thì cũng khó đạt hiệu quả như mong muốn. Có lẽ, do Chính phủ mong muốn giảm kinh phí thực hiện Đề án nên lần này, Đề án trình QH đã tách riêng thành hai nội dung là: đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông và đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất. Tôi e rằng, cách làm như vậy sẽ khiến cho việc thực hiện Đề án trở nên khó khăn.

Thời gian tới, với điều kiện KT-XH ngày càng phát triển hơn, việc áp dụng một chương trình - nhiều bộ sách giáo khoa là phù hợp. Một chương trình sẽ tạo ra sự thống nhất kiến thức phổ thông, kiến thức nền, kiến thức cốt lõi trên phạm vi toàn quốc. Tuy nhiên, các tổ chức, cá nhân có thể biên soạn các bộ sách giáo khoa khác nhau trên cơ sở nền kiến thức chuẩn để mở rộng kiến thức cho học sinh. Ví dụ, sách giáo khoa có thể bổ sung phần minh họa cho phù hợp với từng địa phương, từng vùng miền. Đây cũng là cách làm hay, phù hợp với xu thế quốc tế. Khi có nhiều bộ sách giáo khoa, Chính phủ cần xây dựng cơ chế để khuyến khích các trường, các phụ huynh, học sinh có quyền lựa chọn bộ sách giáo khoa mà mình thấy thực sự cần thiết. Tránh điều hành theo hướng hành chính hóa, dù có nhiều bộ sách giáo khoa nhưng vẫn lựa chọn sách giáo khoa chuẩn do Bộ Giáo dục – Đào tạo biên soạn, sẽ không đáp ứng được mục tiêu của Đề án. Nhiều ý kiến lo ngại về việc giao cho Bộ Giáo dục – Đào tạo là cơ quan thẩm định, phê duyệt sách giáo khoa do các chủ thể khác biên soạn sẽ dẫn tới cơ chế xin – cho. Tôi nghĩ, cũng không loại trừ được việc này. Vì thế, cần tăng cường sự giám sát của phụ huynh, học sinh, của các cơ sở giáo dục trong việc công khai thẩm định, phê duyệt sách giáo khoa; tự nguyện chọn sách giáo khoa...

Tôi cũng đề nghị, Đề án này cần phải gắn với yêu cầu phát triển KT-XH, mục tiêu phát triển của đất nước trong 10 năm tới, xác định phải đào tạo đội ngũ nhân lực như thế nào? Từ đó, xác định mục tiêu cho giáo dục phổ thông. Tôi cũng chia sẻ với ngành giáo dục, đã và đang đứng trước yêu cầu mới. Sự tiến bộ, phát triển nhanh, mạnh của khoa học, kỹ thuật đòi hỏi chương trình, sách giáo khoa phải bổ sung khối lượng lớn kiến thức cho học sinh. Yêu cầu này cũng dẫn đến một mâu thuẫn: vừa phải giáo dục toàn diện vừa phải giảm tải được chương trình học, không bắt học sinh phải học quá nhiều? Để giải quyết vấn đề này, Đề án đã đưa ra chủ trương tích hợp các môn học. Tôi đề nghị, Bộ Giáo dục – Đào tạo tiếp tục mạnh dạn, có cách tiếp cận mới về xây dựng chương trình học, đưa vào chương trình những bộ môn thực sự cốt lõi, cần thiết, tránh đưa quá nhiều lý thuyết, hàn lâm vào chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông để góp phần thực hiện mục tiêu giáo dục thực học, thực nghiệp.

ĐBQH Ngô Thị Minh (Quảng Ninh): Phải thay đổi cách nghĩ, cách làm

Đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông là một công đoạn rất quan trọng để góp phần thực hiện Nghị quyết 29 của Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo. Chúng ta cũng không nên quá kỳ vọng vào việc, chỉ với Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa là có thể tạo ra sự thay đổi căn bản cho giáo dục phổ thông. Vì để tạo được sự thay đổi căn bản đó, có rất nhiều việc khác phải làm. Phải có lộ trình thực hiện. Hiện nay, chúng ta chưa thực hiện được hết yêu cầu đổi mới phương pháp dạy học theo yêu cầu của Nghị quyết 40 của QH. Ví dụ, Bộ Giáo dục – Đào tạo cho rằng thiếu 11.000 phòng học bộ môn và đề xuất Nhà nước cấp ngân sách xây thêm. Hiện nay học sinh của ta ngồi cố định ở từng phòng học và giáo viên đến từng phòng học để dạy. Nhiều thiết bị cần thiết lại không thể lắp đặt ở phòng học và chỉ có thể lắp đặt ở phòng bộ môn. Trong khi thế giới làm ngược lại. Ví dụ, ở Phần Lan, thày dạy cố định ở phòng bộ môn, học trò di chuyển từ phòng bộ môn này sang phòng bộ môn khác để học. Ở trường học đó có 26 phòng học tổng thể, 23 tập thể học sinh, 19 phòng học bộ môn chứ không phải mỗi tập thể học sinh có 1 phòng học và kiến nghị Nhà nước xây thêm phòng bộ môn nữa. Vì thế, phải thay đổi cách nghĩ, cách làm mới có thể đổi mới và nâng cao được chất lượng giáo dục.

Đối với Đề án này, tôi đề nghị nhấn mạnh hơn nữa yêu cầu xã hội hóa. Dạy học theo phương pháp tích hợp và phân hóa đòi hỏi cơ sở vật chất tốt hơn, ít nhất là sĩ số học sinh trong lớp không thể quá đông như ở nhiều trường công hiện nay. Phải có nhiều giáo viên với trình độ cao để tỷ lệ giáo viên và học sinh ở mức hợp lý, bảo đảm việc truyền tải kiến thức cũng như sự quan tâm, chăm lo đến học sinh. Muốn vậy, Nhà nước cần có cơ chế thích hợp để phát triển trường ngoài công lập chất lượng cao. Thực ra có nhiều nhà đầu tư muốn tham gia vào giáo dục nhưng cơ chế hiện nay còn khó. Việc có cơ chế thích hợp cho trường ngoài công lập cũng là bảo đảm công bằng trong thụ hưởng ngân sách nhà nước. Một gia đình không thích cho con học trường công mà học trường tư thì người ta không bị mất quyền lợi. Như Hà Nội đầu tư 4 triệu đồng/cháu/năm ở một trường trung học phổ thông thì người ta vẫn được hưởng 4 triệu đấy, nhưng không phải chi phí trực tiếp mà là thông qua cơ chế hỗ trợ tín dụng, hỗ trợ đất đai hay chính sách thuế cho các trường ngoài công lập. Cách làm như vậy sẽ góp phần kéo gần khoảng cách về học phí giữa trường công lập và trường ngoài công lập, thu hút thêm học sinh vào trường ngoài công lập. Ví dụ trường Đoàn Thị Điểm, một trường ngoài công lập có chất lượng tốt đã nhận được sự hỗ trợ về chính sách tín dụng và thuế ở giai đoạn đầu. Và giáo viên ở trường công hay tư phải được coi trọng như nhau vì mục tiêu cuối cùng đều là vì con em của chính chúng ta.  

Nếu QH thông qua nghị quyết về Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa, tôi đề nghị, phải xác định rõ ngay trong nghị quyết nội dung, trình tự, lộ trình các công việc cần triển khai thực hiện để bảo đảm việc triển khai thực hiện Nghị quyết có hiệu quả nhất.

(Theo Đại biểu Nhân dân)

Các bài viết khác