Đại biểu Quốc hội Trương Thị Huệ - Tỉnh Thái Nguyên phát biểu ý kiến
Đã vi phạm pháp luật thì đều phải phòng, chống, lên án, nhưng vi phạm pháp luật ngay trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thì càng phải xử lý nghiêm minh hơn, vì đây là đối tượng có học vấn, am hiểu pháp luật, thậm chí còn xử lý những người khác.
Đi tìm nguyên nhân của tình trạng trên thì có nhiều từ công tác tuyển dụng, quản lý, rèn luyện đội ngũ cán bộ đến công tác tuyên truyền, giáo dục, đạo đức, lối sống, đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp, v.v... Có một nguyên nhân rất quan trọng tôi muốn nêu ở đây. Đó là có biểu hiện của việc cán bộ, công chức, viên chức làm sai, có vi phạm pháp luật nhưng chưa được xử lý nghiêm minh dẫn đến nhờn luật, không tôn trọng pháp luật. Vấn đề này mặc dù trong báo cáo về phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm của Chính phủ chưa đề cập sâu nhưng cũng không khó nhận diện lắm, vì hàng năm qua nghiên cứu các báo cáo của các cơ quan thanh tra, kiểm toán về việc thực hiện các quyết định kết luận, kiến nghị sau thanh tra, kiểm toán thì việc báo cáo kết quả kiểm điểm xử lý tổ chức, cá nhân có vi phạm của các đơn vị được thanh tra, kiểm toán là rất ít mà nếu có thì trường hợp kiểm điểm sâu sắc rút kinh nghiệm cũng không hiếm gặp.
Trong báo cáo của Chính phủ cũng nêu năm 2014 toàn ngành thanh tra, kiểm tra chuyên ngành đã kiến nghị xử lý, kỷ luật hành chính với 1552 tập thể và 2753 cá nhân, chưa tính đến kiến nghị của cơ quan kiểm toán. Tôi cũng chưa thấy có báo cáo nào có số liệu chính xác được là tới nay đã xử lý được bao nhiêu, với hình thức thế nào.
Vừa rồi tôi có chất vấn một nội dung tương tự tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhưng cơ quan chức năng cũng chưa cung cấp được số liệu. Chúng tôi cũng chia sẻ với các cơ quan được thanh tra, kiểm toán. Vì thực tiễn việc xử lý nghiêm minh cán bộ có vi phạm qua kênh này theo khảo sát ở phạm vi hẹp của chúng tôi là rất thấp và nhiều trường hợp không xử lý cũng không làm sao hoặc cùng lắm cũng là kiểm điểm, rút kinh nghiệm sâu sắc.
Đây chính là nguyên nhân làm cho kỷ cương, kỷ luật hành chính của chúng ta lỏng lẻo, cản trở công cuộc cải cách hành chính, làm mất lòng tin trong nhân dân và cũng gây mất trật tự an toàn xã hội. Trước thực trạng trên tôi xin kiến nghị hai giải pháp như sau:
Một, sắp tới đây Quốc hội cho ý kiến và sẽ thông qua Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Theo đó, dự kiến tăng số đại biểu Hội đồng nhân dân chuyên trách của cấp tỉnh ít nhất là 30%, cấp huyện là 20% ở những nơi có tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân. Như vậy số đại biểu Hội đồng nhân dân chuyên trách sẽ tăng lên rất nhiều so với hiện nay. Tôi đề nghị Quốc hội cho xây dựng Luật Giám sát của Hội đồng nhân dân. Theo đó giao nhiệm vụ giám sát việc xử lý vi phạm hành chính và việc thực hiện các kết luận, kiến nghị sau thanh tra, kiểm toán là nhiệm vụ hàng năm của Hội đồng nhân dân các cấp.
Hai, đề nghị Chính phủ tăng cường các biện pháp quản lý, rèn luyện đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức về đạo đức xã hội, đạo đức nghề nghiệp, đạo đức công vụ. Giao ngành nội vụ nhiệm vụ theo dõi, đôn đốc việc thực hiện, việc kiểm tra, việc xử lý cán bộ, công chức, viên chức có vi phạm sau kết luận của các cơ quan thanh tra, kiểm toán để tổng hợp chung hàng năm báo cáo trước Quốc hội, đồng thời đưa tiêu chí này vào việc bình xét thi đua, khen thưởng, lên lương, lên chức, bổ nhiệm lại của người đứng đầu thuộc thẩm quyền xử lý cán bộ, công chức, viên chức có sai phạm mà chậm hoặc không xử lý nghiêm túc, nghiêm minh.