ĐBQH Nguyễn Anh Sơn - Nam Định: Cần nâng cao chất lượng, số lượng của lực lượng công an xã

27/10/2014

Qua nghe Báo cáo của Chính phủ và các bộ, ngành trình bày tại kỳ họp, căn cứ gợi ý của Đoàn thư ký kỳ họp, tôi xin phát biểu một số ý kiến về tình hình vi phạm pháp luật và tội phạm gắn với tình hình an ninh, trật tự ở khu vực nông thôn trong thời gian vừa qua.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Sơn - Nam Định phát biểu ý kiến

Trong Báo cáo của Chính phủ, các bộ, ngành trình tại kỳ họp không có phần đánh giá riêng về tình hình vi phạm pháp luật và tội phạm ở khu vực nông thôn. Qua khảo sát thực tế và kết quả phiên giải trình của Ủy ban Quốc phòng và An ninh tổ chức trong thời gian trước kỳ họp cho thấy tình hình an ninh nông thôn, tình hình vi phạm pháp luật và tội phạm ở nông thôn thời gian qua có những nét nổi bật sau:

Thứ nhất, tình hình vi phạm pháp luật và tội phạm ở khu vực nông thôn diễn ra hết sức phức tạp, có xu hướng tăng lên, chiếm tỷ trọng đáng kể so với tổng số vi phạm pháp luật và tội phạm trong cả nước, mức độ tội phạm ngày càng nghiêm trọng hơn.

Thứ hai, tất cả các loại hình tội phạm và vi phạm pháp luật từ nhỏ nhất như trộm cắp vặt, trộm cắp gia cầm, gia súc, đến các loại tội phạm nghiêm trọng như giết người, cướp của, từ tội phạm hình sự, đến các tội phạm xâm phạm an ninh quốc gia, từ tội phạm đơn lẻ do một người thực hiện, đến những vi phạm do có nhiều người liên quan, tội phạm liên quan đến lĩnh vực kinh tế, tín dụng, tham nhũng làm trái cũng xảy ra rất nhiều ở các địa phương. Tội phạm về buôn bán phụ nữ và trẻ em chủ yếu diễn ra ở địa bàn nông thôn với nạn nhân là những người phụ nữ nông thôn. Lứa tuổi tội phạm có xu hướng tăng lên ở tuổi trẻ.

Thứ ba, tình trạng khiếu kiện đông người kéo dài, tuy có giảm so với những năm trước đây, nhưng vẫn còn rất phức tạp, khiếu kiện về đền bù, giải phóng mặt bằng, xâm phạm tài nguyên môi trường đã biến không ít địa phương trở thành các điểm nóng về an ninh, trật tự. Những người nông dân từ chỗ chỉ biết đi đòi hỏi các cấp chính quyền và cơ quan giải quyết những nguyện vọng đòi hỏi chính đáng của họ, nhưng do nhiều nguyên nhân lại bị những kẻ quá khích kích động đã dẫn đến các hành vi vi phạm pháp luật như cản trở thi công công trình, chống người thi hành công vụ, bắt giữ người trái phép, hủy hoại tài sản, sử dụng trái phép những công cụ vũ khí để chống lại các lực lượng chức năng. Đôi khi dẫn đến những hậu quả hết sức nghiêm trọng như làm chết người, làm bất ổn tình hình trật tự. Những vi phạm pháp luật và tội phạm như nêu trên đã gây nên nhiều hậu quả nghiêm trọng, trở thành nỗi lo lớn của toàn xã hội, đúng như lời Chủ tịch Quốc hội phát biểu trong phiên khai mạc kỳ họp này là vi phạm pháp luật và tội phạm trong cả nước, trong đó có khu vực nông thôn đã làm lòng dân bất an, không còn hình ảnh những vùng quê yên bình mà ở đâu cũng ẩn chứa những điều bất ổn, đặc biệt là những địa bàn vùng biên giới, ven đê, vùng nằm trong khu vực giải phóng mặt bằng để xây dựng các khu kinh tế, khu công nghiệp, các công trình giao thông. Những vấn đề phức tạp ở khu vực nông thôn giờ đây đã trở thành nơi chốn để các đối tượng bất mãn với chế độ, những thế lực thù địch lợi dụng tuyên truyền, kích động, lôi kéo người dân dưới hình thức đòi hỏi quyền lợi để có những hành vi vi phạm pháp luật. Rất nhiều người dân từ chỗ có những bức xúc chính đáng trở thành người phạm tội, tình trạng tội phạm. Ở nông thôn nhiều khi dẫn đến những hậu quả hết sức đau lòng, làm suy giảm lòng tin của người dân đối với chính quyền.

Tình hình nêu trên có nhiều nguyên nhân. Trước hết nguyên nhân sâu xa là những khó khăn về kinh tế từ quá trình đô thị hóa nhanh chóng, tác động xấu của lối sống hưởng thụ, sự phân hóa sâu sắc giàu nghèo trong xã hội, tình trạng thiếu việc làm ở khu vực nông thôn, những hạn chế, bất cập của hệ thống văn bản pháp luật, việc triển khai chế độ, chính sách của nhà nước có liên quan đến quyền lợi của người dân. Sự chậm trễ, thậm chí vô cảm của bộ máy chính quyền khi giải quyết những khiếu nại của người dân là những nguyên nhân làm gia tăng tình trạng vi phạm pháp luật, mất an ninh trật tự ở khu vực nông thôn. Sự hạn chế, yếu kém của bộ máy chính quyền cơ sở của lực lượng trực tiếp làm nhiệm vụ an ninh nông thôn cũng làm cho tình hình bất ổn không được giải quyết một cách nhanh chóng. Từ những nguyên nhân xã hội và cả những nguyên nhân khác rất khó giải thích cũng dẫn đến gia tăng tội phạm, thậm chí tội phạm nghiêm trọng như chồng giết vợ, vợ giết chồng chỉ vì một lời nói làm mếch lòng nhau, con giết cha chỉ vì lời quở trách của cha mẹ, những đôi trai gái vừa dứt lời yêu thương lại có thể ra tay hạ sát nhau một cách tàn bạo. Chỉ cần một lời nói, hành động bột phát cũng có thể dẫn đến những phạm tội với hậu quả hết sức đau lòng.

Để phòng, chống tình trạng vi phạm pháp luật gây mất trật tự an ninh ở nông thôn trong năm qua các cấp chính quyền, các cơ quan chức năng, nhất là lực lượng công an nhân dân, bộ đôi biên phòng đã có nhiều cố gắng, triển khai nhiều biện pháp cụ thể, đồng bộ, liên tục để giải quyết tình hình, từ công tác tham mưu cho Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các địa phương ban hành và trực tiếp ban hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, nắm chắc tình hình tham mưu giải quyết dứt điểm những phức tạp về an ninh nông thôn, tích cực đấu tranh triệt phá các ổ nhóm, xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm, củng cố, tăng cường lực lượng công an xã. Trong thời gian qua ngành công an đã đưa gần 1.500 cán bộ chiến sĩ về làm công an xã và lực lượng này phát huy được tác dụng tích cực trong cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm lực lượng công an, lực lượng bộ đội biên phòng đã có những tổn thất, những hy sinh rất nặng nề, nhân dân và cử tri ghi nhận những cố gắng đó. Để hạn chế làm giảm tình trạng vi phạm pháp luật tội phạm mất an ninh trật tự ở khu vực nông thôn, tôi kiến nghị một số nội dung sau:

Thứ nhất, chúng ta phải sớm hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật có liên quan đến việc bảo vệ quyền lợi chính đáng người dân ở nông thôn, nhất là chính sách liên quan đến đền bù giải phóng mặt bằng. Chúng ta cần phải sửa đổi những văn bản pháp luật để tạo điều kiện cho lực lượng công an có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Ví dụ như Luật tố tụng hình sự xử lý đối với những đối tượng gây thương tích cho người dân nhưng công an không thể xử lý vì người dân không đi khám thương, không đi giám định, nó dùng những biện pháp o ép để người dân không dám làm đơn tố cáo. Cho nên cuối cùng công an không xử lý được, những đối tượng này sau đó lại nhởn nhơ và thách thức lại lực lượng công an. Tôi đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành liên quan quan tâm, xử lý các hiện tượng, việc làm làm hạn chế hoạt động của ngành công an trong việc xử lý tội phạm.

Tôi đề nghị chúng ta quan tâm, củng cố nâng cao chất lượng, số lượng của lực lượng công an xã là lực lượng trực tiếp làm nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự ở nông thôn. Hiện nay lực lượng này chế độ, chính sách còn rất ít, lực lượng rất mỏng.

Cổng thông tin điện tử