ĐBQH LƯU THÀNH CÔNG CHẤT VẤN VỀ HƯỚNG DẪN CHI TRẢ PHỤ CẤP ƯU ĐÃI ĐỐI VỚI NHỮNG NGƯỜI THAM GIA GIÁO DỤC NGƯỜI KHUYẾT TẬT

26/05/2020

Trước khó khăn của tỉnh Vĩnh Long trong việc thực hiện chi trả phụ cấp ưu đãi đối với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, nhân viên hỗ trợ giáo dục người khuyết tật, đại biểu Quốc hội Lưu Thành Công - Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Long đã chất vấn gửi đến Bộ trưởng Bộ Tài chính đề nghị cho biết giải pháp tháo gỡ khó khăn cho địa phương.

Đại biểu Lưu Thành Công - Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Long

Chất vấn của đại biểu Quốc hội Lưu Thành Công – Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Long đối với Bộ trưởng Bộ Tài chính nêu rõ: Quyết định số 59/2010/QĐ-TTg ngày 30/9/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2011 chưa bao gồm chính sách phụ cấp ưu đãi đối với nhà giáo giảng dạy người khuyết tật hòa nhập theo quy định tại khoản 2 Điều 7 Nghị định số 28/2012/NĐ-CP ngày 10/04/2012 của Chính phủ về quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật người khuyết tật.

UBND tỉnh Vĩnh Long đã chỉ đạo ngành giáo dục triển khai thực hiện chế độ phụ cấp ưu đãi đối với nhà giáo giảng dạy người khuyết tật hòa nhập theo Nghị định số 28/2012/NĐ-CP của Chính phủ và tổng hợp dự toán kinh phí chế độ phụ cấp này của các trường mầm non, phổ thông trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2012-2018 là 39.969 triệu đồng.

Tỉnh Vĩnh Long là tỉnh chưa tự cân đối phải nhận bổ sung từ NSTW nên gặp khó khăn về nguồn kinh phí thực hiện chế độ nêu trên. Với những khó khăn trên, đến nay tỉnh Vĩnh Long vẫn chưa thể chi trả phụ cấp ưu đãi đối với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, nhân viên hỗ trợ giáo dục người khuyết tật. Đại biểu đề nghị Bộ Tài chính có ý kiến về giải pháp kinh phí thực hiện chính sách này.

Bộ Tài chính đã có văn bản số 3677/BTC-NSNN ngày 21/3/2017 đề nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo có văn bản hướng dẫn chung cho các địa phương để thực hiện chính sách này nhưng đến nay địa phương vẫn chưa nhận được văn bản hướng dẫn.

Trả lới chất vấn của đại biểu, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, chính sách phụ cấp ưu đãi giảng dạy người khuyết tật đối với nhà giáo trực tiếp giảng dạy người khuyết tật theo phương thức giáo dục hòa nhập được quy định tại khoản 2 Điều 7 Nghị định số 28/2012/NĐ-CP ngày 10/04/2012 của Chính phủ về quy định chi tiết hướng dẫn thi hành một số điều của Luật người khuyết tật (có hiệu lực thi hành từ ngày 01/6/2012).

Bộ Giáo dục và Đào tạo có văn bản số 3386/BGDĐT-KHTC ngày 9/07/2016 và Văn bản số 4389/BGDĐT-KHTC ngày 09/09/2016 về việc triển khai thực hiện khoản 2 Điều 7 Nghị định số 28/2012/NĐ-CP của Chính phủ quy định nguồn kinh phí thực hiện để chi trả phụ cấp ưu đãi cho các giáo viên giảng dạy người khuyết tật được bố trí từ nguồn chị sự nghiệp giáo dục, đào tạo từ ngân sách nhà nước giao cho địa phương trong kế hoạch hàng năm, thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và phân cấp quản lý hiện hành.

Ngày 09/11/2015, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 113/2015/NĐ-CP về quy định phụ cấp đặc thù, phụ cấp ưu đãi, phụ cấp trách nhiệm công việc và phụ cấp nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm đối với nhà giáo trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập; theo đó, bãi bỏ quy định về chính sách ưu đãi và phụ cấp đối với nhà giáo trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập tại Khoản 2 Điều 7 Nghị định số 28/2012/NĐ-CP của Chính phủ (có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2016).

Tại khoản 1 Điều 7 Thông tư số 22/2017/TT-BLĐTBXH ngày 10/8/2017 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 113/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định nguồn kinh phí thực hiện các chế độ phụ cấp đối với nhà giáo được bố trí trong dự toán ngân sách hằng năm của cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo phân cấp quản lý ngân sách nhà nước hiện hành và nguồn thu của đơn vị.

Theo báo cáo của Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long, nhu cầu thực hiện chế độ phụ cấp ưu đãi cho giáo viên giảng dạy người khuyết tật bình quân khoảng 5,4 tỷ đồng/năm.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng 

Trên cơ sở hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo tại Văn bản số 3386/BGDĐT-KHTC ngày 08/07/2016 và Văn bản số 4389/BGDĐT-KHTC ngày 09/09/2016; Bộ Tài chính đã có văn bản số 3678/BTC-NSNN ngày 21/3/2017 gửi Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long, theo đó, đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long sử dụng ngân sách địa phương để bố trí kinh phí thực hiện chế độ phụ cấp ưu đãi cho giáo viên giảng dạy người khuyết tật.

Giai đoạn 2011-2016, dự toán thu ngân sách địa phương được hưởng theo phân cấp (không kể tiền sử dụng đất) của tỉnh Vĩnh Long tăng bình quân khoảng 330 tỷ đồng/năm. Đồng thời, từ dự toán năm 2012, NSTW đã tăng số bổ sung cân đối từ NSTW cho ngân sách tỉnh Vĩnh Long là 22,656 tỷ đồng và ổn định trong giai đoạn 2012-2016.

Như vậy, ngân sách tỉnh Vĩnh Long đã đủ nguồn để đảm bảo kinh phú thực hiện chế độ phụ cấp ưu đãi cho giáo viên giảng dạy người khuyết tật giai đoạn 2012-2016.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết thêm, theo quy định tại khoản 2 Điều 3 Quyết định số 46/2016/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2017, định mức phân bổ của NSĐP đã bao gồm toàn bộ nhu cầu kinh phí thực hiện các chế độ chính sách do Trung ương ban hành đến ngày 31/5/2016. Do đó, đề nghị tỉnh Vĩnh Long chủ động sử dụng ngân sách địa phương để thực hiện chế độ phụ cấp ưu đãi cho giáo viên giảng dạy người khuyết tật theo quy định.

Trường hợp địa phương gặp khó khăn trong quá trình tổ chức, thực hiện chính sách; do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội là cơ quan chủ trì, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo trình Chính phủ ban hành Nghị định số 28/2012/NĐCP và Nghị định số 113/2015/NĐ-CP, Bộ Tài chính đề nghị tỉnh Vĩnh Long có ý kiến đối với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ Giáo dục và Đào tạo để được hướng dẫn, triển khai thực hiện./.

Bảo Yến

Các bài viết khác