ĐBQH NGUYỄN BÁ SƠN ĐÓNG GÓP Ý KIẾN ĐỐI VỚI DỰ THẢO LUẬT ĐẦU TƯ (SỬA ĐỔI)

26/05/2020

Tham gia góp ý với Dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi), đại biểu Quốc hội Nguyễn Bá Sơn, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng, tán thành với nội dung dự thảo Luật và báo cáo giải trình tiếp thu trình tại kỳ họp lần này, đồng thời bày tỏ góp ý một số nội dung cụ thể đối với Dự luật.

 

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Bá Sơn, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng

Đại biểu nhất trí với những lý do đại biểu Mai Thị Phương Hoa, Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định, về việc đưa ngành nghề kinh doanh đòi nợ thuê vào danh mục cấm, đồng thời cần bổ sung thêm:

Thứ nhất là có một lập luận cho rằng nếu như người dân đi đòi nợ theo con đường hợp pháp thì không có hiệu quả, vì vậy người ta tìm đến dịch vụ đòi nợ thuê. Với vai trò là những người xây dựng pháp luật, việc này đặt ra cho các đại biểu Quốc hội một câu hỏi: Tại sao lại như thế? Do đó, đại biểu Sơn cho rằng, cần phải rà soát lại hệ thống pháp luật và hoạt động của các cơ quan tư pháp nhà nước liên quan đến lĩnh vực này để phục vụ cho người dân tốt hơn trước khi chúng ta đặt vấn đề về một việc mà các đại biểu nêu lên mặt trái của nó còn đầy bất ổn cho xã hội.

Báo cáo giải trình nêu: loại ngành nghề kinh doanh này tiềm tàng, bị biến tướng, xâm hại đến danh dự nhân phẩm, sức khỏe, tài sản và quyền, các lợi ích hợp pháp của công dân, xâm phạm trật tự an toàn xã hội, tiềm ẩn nguy cơ phát triển thành các tổ chức tội phạm có tổ chức cao. Đại biểu bày tỏ e ngại rằng khó có thể ngăn chặn được dịch vụ đòi nợ thuê sẽ phát triển thành những tổ chức tội phạm xuyên quốc gia.

Thứ hai, đại biểu cho rằng có một nguyên tắc của bộ máy nhà nước trong điều hành xã hội là nhà nước chịu trách nhiệm loại bỏ, ngăn chặn những nguyên nhân gây ra những bất ổn xã hội, có khả năng gây xâm hại đến quốc phòng an ninh, trật tự an toàn xã hội, các quyền và lợi ích hợp pháp của người dân. Các đại biểu trước đã phân tích và cho thấy một điều rằng hệ thống pháp luật của chúng ta còn thiếu và chưa đầy đủ trong việc điều chỉnh đối với loại hình kinh doanh đòi nợ thuê này. Vì lẽ đó, đại biểu Sơn ủng hộ phương án cấm loại hình kinh doanh này.

Góp ý với quy định tại Khoản 3 Điều 5 của Dự luật có nêu rằng nhà đầu tư bị đình chỉ, ngưng hoạt động đầu tư, chấm dứt hoạt động đầu tư nếu hoạt động này gây phương hại đến quốc phòng, an ninh quốc gia…đại biểu cho biết, qua kiểm tra lại những quy định của pháp luật liên quan có định nghĩa về vấn đề quốc phòng an ninh cho thấy phạm vi này rất rộng, do đó, đại biểu Sơn đề nghị cần phải có một quy định cụ thể để xác định được những hành vi nào trong hoạt động kinh doanh đầu tư này là vi phạm, xâm hại đến quốc phòng an ninh. Đại biểu cho rằng cũng từ quy định này dẫn ra một việc rằng, luật này cần phải có một quy định về trình tự thủ tục để xác định và giải quyết về mặt thủ tục đối với các dự án bị đình chỉ đầu tư thuộc trường hợp có hành vi, có hoạt động phương hại đến an ninh quốc phòng.

Góp ý với Điểm 4 Điều 26 quy định trường hợp quy định tại khoản 2 điều này là: nhà đầu tư nước ngoài thực hiện thủ tục đăng ký góp vốn  mua cổ phần vốn góp của tổ chức kinh tế trước khi thay đổi thành viên cổ đông nếu thuộc các trường hợp sau đây…đại biểu Nguyễn Bá Sơn quan tâm tới trường hợp thứ ba: “nhà đầu tư nước ngoài góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại xã đảo, phường, thị trấn biên giới, ven biển hoặc khu vực có ảnh hưởng đến quốc phòng an ninh…”. Đại biểu bày tỏ băn khoăn về quy định không cấp giấy phép đầu tư cho các nhà đầu tư vào khu vực này, nhưng thực tế luật lại cho phép góp vốn và không quy định những điều kiện cụ thể. Vậy thì liệu quy định như vậy đã đủ để ngăn chặn được những hình thức đầu tư như là góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế để đầu tư vào các địa điểm trọng yếu về quốc phòng, an ninh của nhà nước ta hay không, đây là điều cần phải quan tâm.

Đối với Điều 31 quy định thu hẹp thẩm quyền của Thủ tướng chính phủ phê duyệt các dự án và đối với dự án có quy mô tổng mức đầu tư 10.000 tỷ đồng trở lên, đại biểu đánh giá đây là một bước tiến để theo kịp được đà phát triển của đất nước trong thời gian qua. Tuy nhiên, đại biểu cũng bày tỏ băn khoăn rằng, năm 2014, chúng ta quy định vốn tổng mức đầu tư được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là 5.000 tỷ, sau 5 năm nâng lên 10.000 tỷ, liệu những năm sau có phải tiếp tục sửa đổi điều khoản này nữa hay không? Đại biểu Sơn đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu giải pháp giúp kéo dài “tuổi thọ” của điều luật, giúp các nhà đầu tư yên tâm.

Ngoài những vấn đề nêu trên, đại biểu Sơn cũng đề nghị xem xét lại quy định về quy mô dự án được phép chuyển nhượng sau khi được chấp nhận đầu tư, tránh tình trạng nhà đầu tư sau khi được cấp thủ tục xong chỉ làm động thổ, khởi công, rồi sau đó chuyển nhượng lại, như vậy không những không đạt được các mục tiêu đề ra mà còn làm méo mó hoạt động đầu tư trên đất nước ta./.

Hoàng Yến

Các bài viết khác