ĐBQH VÕ THỊ NHƯ HOA ĐÓNG GÓP Ý KIẾN VỀ DỰ THẢO LUẬT ĐẦU TƯ (SỬA ĐỔI)

26/05/2020

Góp ý về dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi), Đại biểu Quốc hội Võ Thị Như Hoa - Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng, bày tỏ một số nội dung cần được xem xét thấu đáo như về bảo đảm quyền sở hữu, về chuyển nhượng dự án đầu tư, về điều chỉnh dự án đầu tư.

 

Đại biểu Quốc hội Võ Thị Như Hoa - Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng

Thứ nhất: Về bảo đảm quyền sở hữu tài sản

Đại biểu đề nghị xem lại Khoản 1 Điều 10 dự thảo quy định “Tài sản hợp pháp của nhà đầu tư không bị quốc hữu hóa hoặc bị tịch thu bằng biện pháp hành chính” nhằm đảm bảo thống nhất với quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính. Bởi vì theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính thì trong trường hợp có vi phạm hành chính, tổ chức, cá nhân vi phạm có thể bị tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính (mặc dù đây là tài sản hợp pháp của tổ chức, cá nhân). Nếu quy định loại trừ việc tịch thu như dự thảo thì sẽ không thực hiện được biện pháp tịch thu theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính. Tương tự, đối với trường hợp vi phạm pháp luật hình sự thì cũng có thể bị áp dụng biện pháp tịch thu tài sản…

Do đó, đại biểu Như Hoa đề nghị Ban soạn thảo xem xét điều chỉnh quy định về bảo đảm tài sản theo hướng bổ sung trường hợp ngoại lệ  đó là “trừ trường hợp bị tịch thu theo quy định của Bộ luật Hình sự và Luật Xử lý vi phạm hành chính”.

Thứ hai: Về chuyển nhượng dự án đầu tư

Thời gian qua, vấn đề chuyển nhượng dự án phát sinh rất nhiều bất cập mà không thể xử lý được do quy định về điều kiện chuyển nhượng dự án rất dễ dàng. Trên thực tế có rất nhiều nhà đầu tư đăng ký dự án đầu tư nhưng không thực hiện dự án mà chỉ để chuyển nhượng lại dự án hưởng chênh lệch. Mục đích hướng tới của nhà đầu tư là đăng ký dự án để được giao đất, cho thuê đất sau đó chuyển nhượng đất núp bóng chuyển nhượng dự án để kiếm chênh lệch. Thực tế chênh lệch mà nhà đầu tư được hưởng lợi là rất lớn nhưng đất đai thực hiện dự án thì không được sử dụng hiệu quả gây lãng phí rất lớn. Bên cạnh đó, có nhiều nhà đầu tư không có khả năng thực hiện dự án, chậm tiến độ thực hiện dự án nên tìm cách chuyển nhượng dự án cho nhà đầu tư khác.

Trong dự thảo, các điều kiện chuyển nhượng dự án đầu tư tại Điều 46 là quá dễ dàng, trong khi đó điều kiện ràng buộc tại các luật có liên quan cũng còn thiếu chặt chẽ.

Đối với dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật thì chỉ có Luật Kinh doanh bất động sản có quy định về điều kiện là phải đầu tư xong hạ tầng kỹ thuật theo tiến độ được phê duyệt là có thể kiểm soát được. Điều này khiến cho doanh nghiệp khi lập dự án đầu tư thì phải xác định mục tiêu là thực hiện dự án đến cùng và chỉ chuyển nhượng khi không thể tiếp tục thực hiện chứ không phải là lập dự án để sau đó chuyển nhượng hưởng chênh lệch. 

Đối với các loại dự án còn lại thì cơ chế kiểm soát còn thiếu chặt chẽ nên rất khó trong việc kiểm soát việc chuyển nhượng dự án đầu tư dẫn đến tình trạng chuyển nhượng dự án diễn ra rất phổ biến và biến tướng. Do đó, Đại biểu đề nghị nghiên cứu bổ sung thêm các điều kiện để kiểm soát hoạt động chuyển nhượng dự án, tương tự như đối với dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật. ví dụ quy định: nhà đầu tư phải thực hiện được một phần dự án theo đúng tiến độ đã được phê duyệt hoặc trong trường hợp vì lý do khách quan, bất khả kháng mà không thể tiếp tục thực hiện dự án thì mới được phép chuyển nhượng. Điều này giúp đảm bảo việc đề xuất dự án là thực chất, không phải lập dự án để chuyển nhượng hưởng chênh lệch như hiện nay.

Liên quan đến vấn đề chuyển nhượng dự án: Đối với đất được giao, cho thuê để thực hiện dự án, Luật Đất đai cho phép chuyển nhượng quyền sử dụng đất mà không tính đến dự án được cấp để triển khai trên diện tích đất đó. Điều này dẫn đến thực tế có nhiều trường hợp sau khi được giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án, nhà đầu tư đem quyền sử dụng đất đó đi thế chấp, chuyển nhượng mà không có ràng buộc liên quan đến dự án đầu tư. Thậm chí, theo Nghị định số 01/2017/NĐ-CP thì “sau khi chấm dứt dự án đầu tư, nhà đầu tư vẫn có quyền được chuyển nhượng quyền sử dụng đất đã được giao, cho thuê để thực hiện dự án”. Điều này dẫn đến tình trạng nhà đầu tư lập dự án để được giao đất, cho thuê đất nhưng sau đó không thực hiện dự án mà lại đi thế chấp hoặc chuyển nhượng dự án đầu tư và sau đó, quyền sử dụng đất được chuyển nhượng cho người khác còn dự án thì không thể triển khai được. Do đó, rất cần thiết phải được quy định chặt chẽ trong Luật Đất đai đó là “khi thế chấp, chuyển nhượng quyền sử dụng đất được giao, cho thuê để thực hiện dự án đầu tư thì phải kèm theo dự án đầu tư đó”. Đây là vấn đề hết sức cấp bách mà không thể chờ cho đến khi sửa đổi luật đất đai. Vì vậy, Đại biểu Như Hoa đề nghị có thể bổ sung một điều khoản ngay trong Luật này để sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai liên quan đến việc chuyển nhượng dự án đầu tư .

Thứ ba: Về điều chỉnh dự án đầu tư

Tại Điều 41 dự thảo quy định về điều chỉnh dự án đầu tư có điểm mới đó là có thêm quy định về “điều chỉnh sáp nhập các dự án hoặc chia, tách một dự án thành nhiều dự án”. Việc bổ sung quy định này là cần thiết vì là nhu cầu thực tế của các nhà đầu tư. Tuy nhiên, vấn đề sáp nhập hoặc chia tách dự án sẽ làm thay đổi lớn đến nội dung của các dự án đầu tư. Do đó, tại khoản 3 quy định về các trường hợp điều chỉnh phải thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư, đại biểu đề nghị bổ sung trường hợp sáp nhập hoặc chia tách dự án để có sự kiểm soát đối với các trường hợp này./.

Hoàng Yến

Các bài viết khác