Đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh, Đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hòa phát biểu tại phiên họp
Phát biểu tại phiên thảo luận về Dự án Luật Thỏa thuận quốc tế trong kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV, đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh đóng góp 4 ý kiến về Dự án Luật Thỏa thuận quốc tế như sau:
Thứ nhất, đại biểu đề nghị luật cần làm rõ hơn khái niệm và đặc trưng của thỏa thuận quốc tế, vì tại mục II:1 và điểm a của Tờ trình 131 ngày 10/4/2020 của Chính phủ trình Quốc hội về dự án Luật Thỏa thuận quốc tế có nêu với định nghĩa về thỏa thuận quốc tế tại khoản 1 Điều 2 cùng với quy định tại khoản 2 Điều 2 về bên ký kết Việt Nam và các quy định loại trừ tại khoản 2 Điều 1 định nghĩa thỏa thuận quốc tế đã thể hiện các đặc trưng của thỏa thuận quốc tế để phân biệt thỏa thuận quốc tế với điều ước quốc tế và các hợp đồng dân sự, thương mại, đầu tư. Tuy nhiên, khái niệm thỏa thuận quốc tế tại dự thảo luật chưa thực sự làm rõ được khả năng phân biệt giữa thỏa thuận quốc tế với hợp đồng dân sự, bởi các lý do sau:
Tại khoản 1 Điều 2 dự thảo luật định nghĩa thỏa thuận quốc tế có nêu "Là cam kết bằng văn bản về hợp tác quốc tế và giữa bên ký kết Việt Nam và bên ký kết nước ngoài không làm thay đổi, phát sinh, chấm dứt quyền, nghĩa vụ của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam theo pháp luật quốc tế”. Tuy nhiên, dự thảo luật không đưa ra định nghĩa cho khái niệm hợp tác quốc tế. Nội dung về hợp tác quốc tế được quy định tại các văn bản pháp luật chuyên ngành như Luật Thể dục, thể thao năm 2006, Luật Hoạt động Chữ thập đỏ năm 2008, nhưng đều không chỉ ra được tính chất đặc trưng của hợp tác quốc tế, để phân biệt với hợp tác quốc tế trong quan hệ dân sự có yếu tố quốc tế.
Như vậy, theo đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh, dự thảo luật dường như đang định nghĩa một khái niệm dựa trên một khái niệm chưa có định nghĩa.
Tại khoản 5 Điều 3 dự thảo luật có quy định cơ quan nhà nước ở Trung ương, cơ quan cấp tỉnh, Tổng cục, cục thuộc bộ, cơ quan chuyên môn của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã, cơ quan Trung ương của tổ chức, cơ quan cấp tỉnh của tổ chức không được ký kết thỏa thuận quốc tế ràng buộc Nhà nước, Chính phủ Việt Nam hoặc cơ quan, tổ chức Việt Nam. Tờ trình nêu rằng quy định này được hiểu là thỏa thuận quốc tế chỉ làm phát sinh quyền và nghĩa vụ giữa các bên ký kết. Tuy nhiên, trừ một số trường hợp đặc biệt như được quy định tại Điều 415 Bộ luật Dân sự 2015 về thực hiện hợp đồng, vì lợi ích của người thứ ba. Hầu hết các hợp đồng dân sự trên thực tế cũng chỉ làm phát sinh quyền và nghĩa vụ giữa các bên tham gia ký kết. Còn đối với khoản 2 Điều 2 của dự thảo luật về bên ký kết Việt Nam của thỏa thuận quốc tế, hầu hết các chủ thể này đều có tư cách pháp nhân và đều có thể tham gia quan hệ dân sự thông qua việc ký kết hợp đồng dân sự.
Vì vậy, đại biểu đề nghị luật cần quy định chi tiết hơn về khái niệm thỏa thuận quốc tế để phân biệt thỏa thuận quốc tế với hợp đồng dân sự cũng như làm rõ hơn phạm vi điều chỉnh của luật.
Thứ hai, đại biểu đề nghị luật cần bổ sung thêm một số nội dung yêu cầu bắt buộc đối với thỏa thuận quốc tế liên quan đến đầu tư, vì tại mục 1 về sự cần thiết ban hành Luật Thỏa thuận quốc tế của Tờ trình có nêu. Thực tế trong thời gian vừa qua đã phát sinh một số tranh chấp đầu tư giữa Nhà nước với nhà đầu tư nước ngoài. Các tranh chấp này có thể phát sinh do cam kết của các địa phương đối với các nhà đầu tư nước ngoài trong các thỏa thuận quốc tế được ký kết. Thực hiện Nghị quyết số 50 ngày 20/8/2019 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030 để tăng cường quản lý đối với thỏa thuận quốc tế về đầu tư, cần có quy định chặt chẽ hơn đối với các thỏa thuận quốc tế liên quan đến đầu tư. Bởi lý do trên, so với Pháp lệnh Thỏa thuận quốc tế năm 2007, dự thảo luật đã bổ sung quy định về trách nhiệm lấy ý kiến bằng văn bản của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đối với việc ký kết các thỏa thuận quốc tế liên quan đến đầu tư tại khoản 3 Điều 28 của dự thảo luật.
Vì vậy, để tăng cường hơn nữa công tác quản lý và phòng ngừa rủi ro đối với các thỏa thuận quốc tế liên quan đến đầu tư, đại biểu đề nghị luật cần quy định cụ thể một số nội dung yêu cầu bắt buộc trong thỏa thuận quốc tế liên quan đến đầu tư, đặc biệt đối với các thỏa thuận quốc tế là bảo lãnh Chính phủ bao gồm:
Một, điều kiện tiên quyết để được ký thỏa thuận quốc tế.
Hai, các trường hợp cho phép bên ký kết Việt Nam được quyền chấm dứt thỏa thuận quốc tế.
Ba, tài sản bảo đảm về quyền truy đòi.
Thứ ba, đại biểu đề nghị luật cần nắm rõ hơn một số nội dung liên quan đến thủ tục ký kết thỏa thuận quốc tế tại Điều 10, Điều 14, Điều 16, Điều 18, Điều 20 và Điều 25 của dự thảo luật quy định rằng trước khi ký kết thỏa thuận quốc tế, bên ký kết Việt Nam có trách nhiệm lấy ý kiến cơ quan có liên quan đến hoạt động hợp tác quốc tế, thỏa thuận quốc tế đó. Tuy nhiên, dự thảo không nêu rõ cơ quan có liên quan đến hoạt động hợp tác thuộc thỏa thuận quốc tế là cơ quan nào cũng như thẩm quyền, cơ chế xác định cơ quan có liên quan.
Ngoài ra, Điều 28 dự thảo luật "chưa quy định cụ thể thời hạn trả lời của các bộ khi được lấy ý kiến về đề xuất ký kết thỏa thuận quốc tế liên quan đến an ninh, quốc phòng, đầu tư. Để tạo thuận lợi cho việc thực hiện thủ tục ký kết thỏa thuận quốc tế, đại biểu đề nghị dự thảo luật cần bổ sung các quy định để làm rõ những nội dung trên.
Thứ tư, đại biểu đề nghị luật cần mở rộng hơn nữa chủ thể ký kết thỏa thuận quốc tế, đáp ứng nhu cầu thực tiễn nội dung này. So với Pháp lệnh năm 2007, phạm vi điều chỉnh mở rộng thêm quy định về việc ký kết thực hiện thỏa thuận quốc tế nhân danh Nhà nước, Chính phủ, thỏa thuận quốc tế nhân danh Tổng cục, cục thuộc bộ, cơ quan chuyên môn của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thỏa thuận quốc tế nhân danh Ủy ban nhân dân cấp huyện, xã, cơ quan cấp tỉnh của tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị - xã hội nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp nhưng trên thực tế hoạt động thỏa thuận hợp tác quốc tế còn diễn ra phổ biến ở một số cơ quan cấp huyện, như Hội Liên hiệp Phụ nữ, Đoàn Thanh niên thuộc địa bàn biên giới trong các sự kiện giao lưu văn hóa nhằm đáp ứng nhu cầu thực tiễn.
Vì vậy, đại biểu đề nghị cần bổ sung thêm chủ thể ký kết thỏa thuận quốc tế, bao gồm cả các cơ quan cấp huyện của tổ chức chính trị xã hội, tổ chức chính trị - xã hội nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp./.