ĐBQH DƯƠNG MINH TUẤN GÓP Ý DỰ THẢO LUẬT NGƯỜI LAO ĐỘNG VIỆT NAM ĐI LÀM VIỆC Ở NƯỚC NGOÀI THEO HỢP ĐỒNG (SỬA ĐỔI)

24/06/2020

Góp ý vào dự thảo Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV, ĐBQH Dương Minh Tuấn, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đề nghị đổi tên gọi của luật là “Luật Người lao động làm việc ở nước ngoài năm 2020”.

ĐBQH Dương Minh Tuấn, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu 

ĐBQH Dương Minh Tuấn cho biết, bình quân hàng năm có trên 100.000 người đi nước ngoài làm việc và rất nhiều trường hợp bị xâm hại. Trong đó, số liệu tổng hợp có được thì chỉ hơn 52% người lao động di cư Việt Nam sử dụng các hình thức hợp pháp. Như vậy, đồng nghĩa với khoảng dưới 50% là không hợp pháp. Đại biểu nhấn mạnh, trong số các vụ đau lòng xảy ra đối với người lao động Việt Nam ở nước ngoài thì không biết có bao nhiêu trường hợp được điều chỉnh bởi luật này, bao nhiêu trường hợp không được điều chỉnh bởi luật và nếu không được luật này điều chỉnh thì điều chỉnh theo luật nào? 

Vì vậy, đại biểu đặt vấn đề, vì sao không đưa những đối tượng này vào trong luật điều chỉnh, để khi xảy ra trường hợp bị xâm hại ở nước ngoài thì người lao động Việt Nam được bảo hộ. ĐBQH Dương Minh Tuấn đề nghị đổi tên "Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng" thành “Luật Người lao động làm việc ở nước ngoài năm 2020”, tức là bỏ chữ "theo hợp đồng" để mỗi đối tượng đi lao động, làm việc ở nước ngoài đều được điều chỉnh bởi luật này.

Theo dự thảo luật, để có giấy phép về dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài thì người đại diện theo pháp luật phải có 5 năm kinh nghiệm và thời hạn giấy phép là 5 năm, doanh nghiệp phải công khai bản sao giấy phép tại trụ sở chính và đăng tải trên trang thông tin điện tử. ĐBQH Dương Minh Tuấn cho rằng, thực tế có một số doanh nghiệp thực hiện chưa tốt nhưng cũng có rất nhiều doanh nghiệp đã làm tốt và nước ta đang trong giai đoạn hội nhập sâu rộng, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, cải cách mạnh mẽ thủ tục, đang chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm,... Do vậy, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo xem xét có thể  không quy định những điều này để khi chuyển sang hậu kiểm, nếu đơn vị vi phạm thì chúng ta xử lý hoặc tạm đình chỉ.

Về tính tương thích với Luật Doanh nghiệp, ĐBQH Dương Minh Tuấn cho rằng, theo quy định của dự thảo luật, doanh nghiệp được giao nhiệm vụ cho không quá 3 đơn vị phụ thuộc. Tuy nhiên, khái niệm đơn vị phụ thuộc không có trong phần giải thích từ ngữ và trong điều luật cũng không giải thích. Vì vậy, đại biểu đặt vấn đề vì sao chỉ giao nhiệm vụ cho 3 đơn vị phụ thuộc trong khi đó theo Luật Doanh nghiệp thì doanh nghiệp có thể đặt một hoặc nhiều chi nhánh, văn phòng đại diện. Vì vậy, đại biểu đề xuất nội dung này, doanh nghiệp dịch vụ cũng thực hiện theo như Luật Doanh nghiệp.

Đối với chính sách người lao động sau khi về nước, ĐBQH Dương Minh Tuấn cho biết, Luật hiện hành có 2 điều, mỗi điều có 2 khoản quy định về chính sách đối với người lao động sau khi về nước nhưng tại dự thảo luật sửa đổi có 4 điều quy định về chính sách đối với người lao động sau khi về nước  (Điều 4, Điều 61, 62, 63). Điều này cho thấy, Ban soạn thảo quan tâm hơn, tính toán rất kỹ chính sách đối với người lao động sau khi về nước.

Tuy nhiên, theo đại biểu thực tế ở một số địa phương không nắm được số lượng người lao động về nước, cả lao động hoàn thành hợp đồng và lao động về trước hạn. Do đó, không triển khai được chính sách hỗ trợ một cách hiệu quả. Chính vì vậy, đại biểu đề nghị trong luật cần bổ sung ghi cụ thể, rõ ràng hơn những nội dung được hỗ trợ hoặc giao Chính phủ quy định chi tiết để luật đi vào thực tiễn cuộc sống...

Trọng Quỳnh