ĐBQH Mai Thị Phương Hoa góp ý tại phiên thảo luận về báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2019, tình hình thực hiện những tháng đầu năm 2020 tại Kỳ họp thứ 9.
Liên quan đến công tác phòng, chống đại dịch COVID-19, ĐBQH Mai Thị Phương Hoa thống nhất với đánh giá là kết quả chống dịch vừa qua của Việt Nam là rất tốt, được nhân dân trong nước và cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Kết quả này là sự nỗ lực, cố gắng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là của Chính phủ, ngành y tế, công an, quân đội và các lực lượng chức năng cùng chính quyền địa phương.
Có được kết quả trên, ĐBQH Mai Thị Phương Hoa khẳng định, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội đã lãnh đạo đúng và trúng với quyết tâm chống dịch cao độ. Đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã có lời kêu gọi đồng bào, chiến sĩ cả nước, kiều bào ta ở nước ngoài chung sức chống dịch. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã họp phiên bất thường để xem xét, cho ý kiến về các biện pháp hỗ trợ người dân khó khăn cho đại dịch. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chống dịch rất chủ động, tích cực, sáng tạo, quyết liệt.
Đối với lực lượng tuyến đầu đã thể hiện nỗ lực lớn và không bỏ cuộc; người dân đã thể hiện sự đồng lòng cao và chung tay chia sẻ. Với tinh thần đó và cùng với việc đạt được mục tiêu kép về phát triển kinh tế, ĐBQH Mai Thị Phương Hoa nhất trí với ý kiến Quốc hội cần có hình thức biểu dương kết quả phòng chống dịch này.
Đề xuất một số giải pháp để góp phần phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới, ĐBQH Mai Thị Phương Hoa nhấn mạnh: Trong thời gian qua, tăng trưởng kinh tế toàn cầu sụt giảm mạnh, thị trường bị thu hẹp và nhất là lĩnh vực dịch vụ. Theo dự báo mới nhất của Ngân hàng Thế giới, kinh tế toàn cầu tăng trưởng âm 5,2%, còn ở Việt Nam, mặc dù dịch bệnh đến nay cơ bản đã được kiểm soát nhưng đối với kinh tế xã hội, mức độ ảnh hưởng của dịch bệnh là tương đối nặng nề. Trước thực tế này, việc điều chỉnh một số chỉ tiêu kinh tế là rất cần thiết. Chúng ta cần đánh giá sự phát triển của đất nước trên một mặt bằng mới, một nền tảng mới, với sự nỗ lực cao nhất của cả hệ thống chính trị. ĐBQH Mai Thị Phương Hoa nhất trí với đề xuất điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng GDP và một số chỉ tiêu kinh tế vĩ mô khác, như thu ngân sách nhà nước, bội chi ngân sách nhà nước, nợ công, nguồn cung tín dụng cho nền kinh tế. Tuy nhiên, cùng với việc điều chỉnh này thì vẫn phải bảo đảm ổn định vĩ mô, giữ giá trị của đồng tiền Việt Nam.
Nhiều nhà đầu tư đã bày tỏ tin tưởng, coi Việt Nam là điểm đến an toàn. Vì vậy, Việt Nam có cơ hội và nhiều lợi thế để đón làn sóng đầu tư hậu COVID. Nhân cơ hội này, chúng ta phải có những hình thức xúc tiến đầu tư phù hợp với các tập đoàn toàn cầu, có tiềm lực về tài chính và công nghệ, đang quan tâm đến thị trường Việt Nam. Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã thành lập Tổ công tác đặc biệt do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì để triển khai công tác này. Vì vậy, ĐBQH Mai Thị Phương Hoa đề nghị Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ quan tâm một số giải pháp như sau.
Thứ nhất, chúng ta đã có nhiều ưu đãi trong Luật Đầu tư, nhưng để thu hút tập đoàn hàng đầu lớn của thế giới, chúng ta cần có những ưu đãi mới, mang tính cạnh tranh so với các quốc gia khác. ĐBQH Mai Thị Phương Hoa đề nghị cần mạnh dạn xem xét linh hoạt, phát huy tối đa sự phân cấp và ủy quyền cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ở mức cao hơn, để Thủ tướng có thể chủ động các phương án đàm phán với các nhà đầu tư. Tất nhiên, đi kèm với những đột phá này là trách nhiệm giải trình của Thủ tướng trước Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đối với những việc thuộc thẩm quyền của Quốc hội thì Chính phủ có thể báo cáo, xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội và sau đó báo cáo lại Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.
Thứ hai, đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát lại hệ thống pháp luật, nhất là các Luật Đầu tư công, Luật Đất đai, Luật Quy hoạch. Đề xuất với Quốc hội sửa đổi luật theo thủ tục rút gọn một luật sửa nhiều luật và kết hợp thảo luận bằng hình thức trực tuyến để kịp thời sửa đổi, bổ sung và ban hành những chính sách mới, có tính chất đột phá để đáp ứng tốt hơn yêu cầu cải cách môi trường kinh doanh trong giai đoạn hiện nay. Thậm chí, có thể nghiên cứu triệu tập kỳ họp bất thường của Quốc hội để sửa đổi kịp thời các luật nêu trên.
Thứ ba, cần dành thêm nguồn lực đầu tư cho những hạ tầng chiến lược, có vai trò kết nối vùng, liên vùng như đường cao tốc, sân bay, bến cảng, hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin và phát triển mạnh thương mại điện tử./.