GÓC NHÌN ĐẠI BIỂU: TẬN DỤNG CƠ HỘI TRƯỚC LÀN SÓNG CHUYỂN DỊCH VỐN ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI FDI

29/07/2020

Xu thế dịch chuyển dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đã và đang diễn ra, từ trước khi có đại dịch Covid-19. Việt Nam đang kiểm soát tốt dịch COVID-19 kèm theo đó là những chính sách tích cực nhằm phục hồi kinh tế đã và đang thu hút sự chú ý của nhiều nhà đầu tư nước ngoài cùng các tập đoàn kinh tế lớn toàn cầu.

 

Tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV đã có Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định EVFTA và EVIPA, mở ra cơ hội mới hợp tác rộng lớn, toàn diện và phát triển mạnh mẽ hơn của Việt Nam và EU.

Đón làn sóng chuyển dịch đầu tư: Cơ hội rộng mở.

Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản vừa cho biết, trong tháng 7/2020, có 15 doanh nghiệp Nhật Bản đăng ký đầu tư sang Việt Nam theo chương trình hỗ trợ đa dạng hóa chuỗi cung ứng ở nước ngoài của doanh nghiệp Nhật Bản.  Đây là tín hiệu đáng mừng, khẳng định nỗ lực thu hút đầu tư nước ngoài FDI của Việt Nam trong thời gian qua. Đặc biệt, việc kiểm soát tốt dịch Covid-19 đang mở ra cơ hội vàng cho Việt Nam đón nhận dòng vốn này.

Ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam phân tích, dịch Covid 19 làm phá vỡ các tính toán, kế hoạch của kinh tế các quốc gia trên thế giới. “Theo quan điểm của cá nhân tôi, trong bối cảnh dịch bệnh, Việt Nam chiếm được lợi thế. Mặc dù doanh nghiệp Việt Nam có bị tổn thương nhưng nếu so sánh mức độ tổn thương về vốn, con người, lao động, mọi mặt so với các doanh nghiệp, thì đó là thành công với góc độ cạnh tranh trên thị trường. Tất nhiên, thuận lợi này chỉ có tính ngắn hạn. Còn thuận lợi về mặt lâu dài đó là sự quản lý văn minh, hiệu quả, chất lượng hành hóa… Khi nào thị trường mở cửa thì chúng ta cần tăng tốc lên để khai thác cơ hội này”, ông Tô Hoài Nam nói.

Ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam

Số liệu từ Bộ Công Thương cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2020, chỉ số sản xuất công nghiệp của ngành sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 9,8% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn so với mức tăng của 6 tháng đầu năm 2019. Bộ Công Thương cũng đánh giá, việc kiểm soát dịch bệnh của Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá rất cao. Đây được xem là động lực quan trọng để thu hút nhiều hơn nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam sau đại dịch Covid 19.

Tính đến ngày 20/5/2020, tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đạt 13,9 tỷ USD, giảm 17% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, hiện nay, Việt Nam được xem là “đất lành” cho dòng vốn FDI chất lượng cao từ xu hướng dịch chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc và sau đại dịch Covid-19. Đây chính là cơ hội lớn để Việt Nam đón đầu làn sóng đầu tư này. Cụ thể, khi dịch Covid xảy ra, Việt Nam có cơ hội, đó là khi chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy thì các quốc gia đều phải xem lại chuỗi cung ứng toàn cầu đó và Việt Nam có cơ hội tham gia vào chuỗi toàn cầu mới ở vị trí tốt hơn, cao hơn, mang lại giá trị gia tăng nhiều hơn cho mình và nhiều người ước vọng Việt Nam tận dụng thời cơ này để thoát khỏi thân phận gia công-việc phổ biến mà Việt Nam thực hiện lâu nay trong những ngành được coi là thành công nhất như dệt may, da giày. Cơ hội thứ hai là Việt Nam cũng tham gia vào các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, tạo cơ sở cho Việt Nam có thể gắn kết với các nền kinh tế có trình độ phát triển cao hơn và họ cũng đang sẵn sàng cấu trúc lại chuỗi cung ứng của họ bằng việc rút bớt đầu tư từ một số nơi để chuyển về các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam. Đây cũng chính là cơ hội, là thuận lợi cho Việt Nam khi đàm phán, đón dòng đầu tư mới.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, Việt Nam được xem là “đất lành” cho dòng vốn FDI chất lượng cao

Sau hơn 30 năm mở cửa thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, đến nay mục tiêu thu hút nguồn vốn này vẫn chưa đạt được như kỳ vọng. Vì vậy, Nghị quyết số 50-NQ/TW Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030 đã được ban hành ngày 20/8/2019.

Tiếp đó, tại Kỳ họp thứ 9 vừa qua, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – EU (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA) được kỳ vọng sẽ là cú hích để Việt Nam đón sóng đầu tư lớn từ châu Âu ngay tại thời điểm dòng vốn FDI dịch chuyển sau đại dịch Covid-19.

Đại biểu Vũ Tiến Lộc, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình phân tích, việc Quốc hội thông qua Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định EVFTA và EVIPA đã tạo điều kiện để khai thông dòng chảy vốn FDI với chất lượng cao từ EU về Việt Nam. Chúng ta cũng có điều kiện cải thiện vị thế của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu theo hướng có giá trị cao hơn, thân thiện với môi trường hơn. Chúng ta cũng có điều kiện nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng, tạo nhiều công ăn việc làm. Đây là đích đến cuối cùng cho mọi chiến lược phát triển...

Đại biểu Trần Hoàng Ngân, Đoàn Đại biểu Quốc hội TP. Hồ Chí Minh

Cùng quan điểm này, Đại biểu Trần Hoàng Ngân, Đoàn Đại biểu Quốc hội Tp.Hồ Chí Minh nêu dẫn chứng, trong nhiều năm qua, Việt Nam thu hút được khoảng 32 ngàn dự án, tổng vốn đăng ký khoảng 370 tỷ USD, nhưng khu vực Châu Âu đầu tư vào Việt Nam chỉ khoảng 2.500 dự án, với số vốn đầu tư rất khiêm tốn, khoảng 27,5 tỷ USD. Việc Quốc hội thông qua Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định này sẽ giúp Việt Nam tiếp cận được nhà đầu tư với công nghệ hiện đại đến từ Châu Âu.

Đón làn sóng chuyển dịch đầu tư như thế nào?

Cơ hội đón làn sóng chuyển dịch đầu tư là rất lớn, nhưng liệu Việt Nam có tận dụng được cơ hội đó? Bởi trên thực tế, sau hơn 30 năm thu hút FDI, Việt Nam - dù rất mong muốn và kỳ vọng - nhưng chỉ thu hút được một khoản vốn rất khiêm tốn từ các nhà đầu tư từ châu Âu.

Ông Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cho biết: “Thủ tướng Chính phủ có nhắc “bây giờ hoặc không bao giờ”. Có nghĩa là nếu chúng ta làm tốt thì tận dụng được cơ hội và khát vọng của chúng ta sẽ nhanh chóng trở thành hiện thực. Nếu còn tình trạng trên nóng dưới lạnh, tham nhũng vặt tràn lan, thủ tục hành chính rườm rà thì rõ ràng làm mất thời cơ và không tận dụng được thời điểm các nước giảm thiểu tăng trưởng để chúng ta bứt phá để phát triển nhanh hơn”.

Các chuyên gia kinh tế cũng đánh giá, Việt Nam vốn sở hữu nhiều lợi thế cạnh tranh so với các nước trong khu vực, tuy nhiên làm sao để vừa thu hút đầu tư vừa giải quyết được bài toán phát triển bền vững thì cần có một chiến lược đường dài và nhận thức những thách thức hiện hữu. Cụ thể: nguồn vốn FDI vào Việt Nam tăng tương đối nhanh trong giai đoạn 2016-2017 từ 25 tỷ lên 35 tỷ USD vốn đăng ký, nhưng mức giải ngân thực tế chỉ tăng 1-2 tỷ USD/năm. Điều đó cho thấy khả năng hấp thụ FDI của Việt Nam còn hạn chế do những điểm nghẽn về hạ tầng, nguồn cung trong nước, chất lượng lao động. Đặc biệt, Covid-19 đã chỉ ra một thực tế rằng nguồn lao động chất lượng cao của Việt Nam còn rất hạn chế, trong khi rất nhiều chuyên gia nước ngoài không thể nhập cảnh vào làm việc tại Việt Nam do dịch bệnh.

Chuyên gia Kinh tế Phạm Chi Lan khẳng định, Để tận dụng cơ hội làn sóng đầu tư nước ngoài, hiện nay vẫn cần tiếp tục cải cách thể chế, bởi cải cách thể chế là một trong ba đột phá chiến lược, cùng với phát triển nguồn nhân lực và đầu tư cơ sở hạ tầng. Còn về phía doanh nghiệp có nhiều việc phải làm, tự mình nâng cao giá trị sản phẩm của doanh nghiệp, đạt được yêu cầu, chất lượng theo tiêu chuẩn của thế giới. Nâng cao chất lượng sản phẩm là vấn đề sống còn của các doanh nghiệp Việt, tránh bị tụt hậu. Để nâng cao chất lượng sản phẩm thì các doanh nghiệp cần thay đổi tư duy, tiếp cận thị trường, hiểu về quy luật cạnh tranh và tuân thủ nghiêm các quy định trong hệ thống chính sách pháp luật. Ngoài ra, các doanh nghiệp Việt Nam cũng đang gặp rất nhiều khó khăn về nguồn lực, từ khó tiếp cận vốn vay ngân hàng, nguồn lực về đất đai, nguyên vật liệu đầu vào, nhân công chất lượng cao…

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, để giải quyết những vướng mắc này vẫn phải tích cực cải cách thể chế, cụ thể là dỡ bỏ các rào cản về thuế quan, thủ tục hành chính, để tạo điều kiện thuận lợi, công bằng cho doanh nghiệp đầu tư tại Việt Nam.

Bên cạnh những lợi thế cạnh tranh nổi bật như tính ổn định về chính trị, thị trường tiêu thụ lớn, Chính phủ đổi mới và lực lượng lao động dồi dào với chi phí cạnh tranh so với các nước trong khu vực, các nhà đầu tư vẫn còn những quan ngại liên quan đến sự thiếu ổn định về chính sách, các quy định pháp luật chưa rõ ràng và thiếu minh bạch, gây ra những khó khăn cho nhà đầu tư trong quá trình thực hiện…

Do vậy, mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký quyết định lập Tổ công tác đặc biệt về thu hút vốn FDI, đón làn sóng dịch chuyển sản xuất sang Việt Nam sau đại dịch. Điều này cho thấy, Chính phủ Việt Nam thấu hiểu tầm quan trọng và đóng góp của FDI đối với việc tăng năng suất và tăng trưởng kinh tế.

 Ông Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài 

Ông Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cho rằng, điều mà chúng ta quan tâm từ nay đến cuối năm 2021 là dịch chuyển vốn từ bên ngoài vào, trong đó có dịch chuyển các nhà đầu tư lớn, đòi hỏi chúng ta phải thích ứng. Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng là nhằm vào điều này. Muốn như vậy, các thủ tục phải nhanh hơn, kịp thời báo cáo với Thủ tướng để quyết định kịp thời nếu không các nhà đầu tư họ sẽ chuyển sang các nước như Ấn Độ, Malaysia-những quốc gia có lợi thế hơn Việt Nam rất nhiều.

Ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam nêu ý kiến, để làn sóng các doanh nghiệp nhỏ và vừa được hưởng lợi nhiều thì cần có những quy định cụ thể. Bên cạnh đó, muốn các doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể tận dụng cơ hội thì cần có sự hỗ trợ về công nghệ, mặt bằng, vốn tín dụng để các doanh nghiệp công nghiệp phụ trợ đủ điều kiện cung cấp hàng hóa cho doanh nghiệp lớn. Đây là phần việc của Nhà nước, cần làm tốt việc này.

Như vậy, với những nỗ lực hoàn thiện khung pháp lý, tạo mọi điều kiện đầu tư kinh doanh thuận lợi, bình đẳng cho các nhà đầu tư, dù không tránh khỏi sự ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19 nhưng Việt Nam vẫn được đánh giá là điểm an toàn thu hút vốn FDI chất lượng cao sau đại dịch. Vậy những cơ hội, thách thức đó là gì? Việt Nam cần làm gì để đón làn sóng dịch chuyển đầu tư? Phóng viên Cổng Thông tin điện tử Quốc hội đã cuộc trao đổi với ông Cao Sỹ Kiêm, Đại biểu Quốc hội khóa XII, về nội dung này:

Ông Cao Sỹ Kiêm, Đại biểu Quốc hội Khóa XII

Phóng viên: Hiện nay đang có làn sóng dịch chuyển đầu tư vào Việt Nam. Ông đánh giá như thế nào về cơ hội này?

Ông Cao Sỹ Kiêm, Đại biểu Quốc hội Khóa XII: Cơ hội thì có, do Việt Nam đã kiểm soát tốt dịch bệnh, tình hình dịch bệnh được kiểm soát, cộng với những biến động trên thị trường thế giới, nhất là thị trường Trung Quốc. Bối cảnh đó, khiến nhà đầu tư muốn tìm đến Việt Nam, chúng ta cần nắm bắt, tiếp cận tiếp thu ngay, nhưng điều này không hề đơn giản, vì bao gồm cả hệ thống chính sách, cơ chế thu hút đầu tư, môi trường đầu tư, đào tạo nhân lực, nhận thức của cả hệ thống doanh nghiệp… để hỗ trợ tạo cơ hội cho các nhà đầu tư nước ngoài hoạt động hiệu quả, gắn bó lâu dài tại Việt Nam. Chúng ta cần chuẩn bị rất công phu, kể cả cơ quan nhà nước, các cấp chính quyền cũng như người lao động, doanh nghiệp phải nỗ lực vươn lên.

Phóng viên: Bên cạnh cơ hội, thì thách thức mà Việt Nam đang gặp phải là gì, thưa ông?

Ông Cao Sỹ Kiêm, Đại biểu Quốc hội Khóa XII: Thách thức lớn nhất của chúng ta hiện nay đó là trình độ. Năng suất của Việt Nam hiện đã thấp hơn các nước trên thế giới, do kỹ thuật, công nghệ, trình độ lao động, cách quản lý chưa chặt chẽ, hiệu quả như các nước. Bên cạnh đó, mức độ hội nhập của Việt Nam chưa ngang bằng so với các nước trên các mặt. Do vậy, chúng ta cần giải quyết những vướng mắc này thì mới có khả năng đưa nền kinh tế Việt Nam tiến lên từng bước vững chắc, hiệu quả kinh tế mới cao, bền vững.

Phóng viên: Theo ông, Việt Nam cần làm gì để đón làn sóng dịch chuyển đầu tư?

Ông Cao Sỹ Kiêm, Đại biểu Quốc hội Khóa XII: Điều đầu tiên là chính sách. Thời gian qua, các chính sách thu hút đầu tư của Việt Nam đã có nhiều đổi mới, tiến bộ, cơ bản, hoàn chỉnh. Nhưng để hội nhập quốc tế thành công thì còn cần nhiều yếu tố khác nữa. Đó là công nghệ phải tiên tiến, do Việt Nam là nước đi sau trong cuộc cách mạng công nghệ nên chúng ta phải đầu tư mạnh mẽ vào lĩnh vực này để bắt kịp trình độ thế giới. Giải pháp thứ ba là phải khẩn trương đào tạo đội ngũ lao động, bao gồm cả lao động chất lượng cao, lao động phổ thông theo quy trình, tiêu chuẩn của thế giới. Đặc biệt, chú trọng đào tạo kỷ cương, kỷ luật lao động phải thực sự nghiêm túc, triệt tiêu các cơ hội, yế tối tích cực của chúng ta.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Qua ý kiến của đại biểu Quốc hội cũng như các chuyên gia kinh tế đều cho rằng: Việt Nam có những lợi thế nhất định để sẵn sàng đón sự dịch chuyển của dòng vốn đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, cơ hội này không chỉ dành riêng cho Việt Nam, mà rất nhiều quốc gia đang tranh thủ tận dụng thời cơ kêu gọi thu hút vốn đầu tư FDI. Bởi thời điểm hiện nay, dòng đầu tư đang dịch chuyển, nếu không chủ động, chúng ta sẽ không tận dụng được các cơ hội và lợi thế sẵn có. Do vậy, Việt Nam cần có tâm thế sẵn sàng tham gia sân chơi lớn bằng cách tự cải thiện chính mình, như cải cách hệ thống chính sách, đầu tư cơ sở hạ tầng, nâng cao trình độ nguồn nhân lực, đến việc tiếp tục kiểm soát tốt dịch bệnh./.

Lan Hương