Dưới sự chỉ đạo của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Ủy ban Khoa học-Công nghệ và Môi trường của Quốc hội vừa tổ chức Hội nghị giải trình về “An ninh nguồn nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt và quản lý an toàn hồ, đập”.
Đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre chất vấn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về nguồn nước sạch cho khu vực nông thôn.
Tại Hội nghị, đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre cho biết: Hiện nay, có khoảng 44% người dân ở khu vực nông thôn được tiếp cận với các dịch vụ cung cấp nước sạch và vệ sinh môi trường từ các công trình cấp nước nông thôn. Thậm chí, ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, nguồn nước này cũng bị nhiễm mặn nhiều tháng trong năm. Điều này đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống và sức khỏe của người dân.
Trước thực trạng trên, đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy chất vấn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường về những giải pháp để nâng cao chất lượng nguồn nước và gia tăng tỷ lệ người dân nông thôn được tiếp cận với việc cấp nước sạch trong thời gian tới.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.
Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường khẳng định: Hiện nay, khu vực nông thôn có tới 600% dân cư nhưng chỉ có 44% số dân được hưởng nguồn nước sạch từ nguồn tập trung.
Để giải quyết bất cập trên, chúng ta phải hoàn thiện thể chế, khuôn khổ pháp luật để tập trung chăm lo nguồn nước sạch sinh hoạt cho khu vực nông thôn. Riêng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tập trung vào 3 nội dung lớn.
Thứ nhất là tập trung đầu tư công trung hạn trong giai đoạn 2021-2025 để đầu tư cho đảm bảo nguồn nước sạch ở khu vực nông thôn.
Thứ hai, thực hiện Nghị quyết kèm theo phê duyệt đề án phát triển kinh tế-xã hội ở vùng miền núi khó khăn với tổng đầu tư là 130.000 tỷ đồng.
Thứ ba, Bộ đang trình Chính phủ gói vay ODA của Ngân hàng Thế giới với tổng trị giá là 400 triệu đồng, tập trung vào đảm bảo nguồn nước ở khu vực nông thôn tại 16 tỉnh khó khăn nhất.
Như vậy, bên cạnh việc hoàn thiện thể chế chính sách pháp luật thì việc đầu tư nguồn lực sẽ góp phần cải thiện nguồn nước sạch ở khu vực nông thôn./.