Tiềm năng phát triển thị trường thương mại điện tử
Với quy mô dân số hơn 95 triệu người, cơ cấu trẻ cùng với mức độ phủ của internet ở mức cao là cơ sở để thương mại điện tử ở Việt Nam phát triển nhanh chóng. Tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử Việt Nam nhanh thứ 2 tại Đông Nam Á, chỉ xếp sau Indonesia.
Sách trắng thương mại điện tử Việt Nam 2019 được Bộ Công Thương phát hành cũng cho biết, mức tăng trưởng của thị trường thương mại điện tử Việt Nam đang cao nhất trong 3 năm trở lại đây.
Năm 2018 tổng doanh thu kinh doanh thương mại điện tử đạt tới hơn 8 tỷ USD tăng 30% so với năm 2017 và gấp đôi so với năm 2015. Các chuyên gia nhận định con số ước tính của thị trường này trong năm 2020 có thể lên tới 13 tỷ USD.
Như vậy, Việt Nam đang đứng trước cơ hội rất lớn để tiếp tục phát triển thương mại điện tử khi hiện nay có tới 64 triệu người đang dùng internet (chiếm 66% dân số), 62 triệu người dùng mạng xã hội (chiếm 64% dân số), cùng với 143 triệu số thuê bao di động.
Tiềm năng phát triển thị trường thương mại điện tử
Với thị trường tiềm năng này, những năm gần đây, bán hàng online trở nên phổ biến ở nước ta. Theo kết quả khảo sát công bố năm 2019 của Sapo.vn, hơn 80% trong số hơn 5.000 chủ shop online cho biết có kinh doanh trên Facebook, 55% có bán hàng trên Zalo.
Hàng giả, hàng nhái tràn lan trên môi trường mạng
Lợi dụng triệt để việc bán hàng trên các nền tảng Internet, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng phát triển rầm rộ. Đơn cử, mới đây, lực lượng chức năng kiểm tra Tổng kho hàng lậu rộng hơn 10.000 m2 tại 145 Hoàng Diệu, thành phố Lào Cai do ông Trần Thành Phú, sinh năm 1992 cùng em gái của mình điều hành kho hàng. Qua kiểm tra lực lượng chức năng phát hiện gần 160.000 sản phẩm các loại có dấu hiệu nhập lậu và giả mạo các thương hiệu nổi tiếng thế giới gồm giầy dép, quần áo, kính mắt, đồng hồ, hàng tiêu dùng, mỹ phẩm …
Ông Nguyễn Kỳ Minh, Phó Chánh Văn phòng Tổng cục Quản lý thị trường
Ông Nguyễn Kỳ Minh, Phó Chánh Văn phòng Tổng cục Quản lý thị trường cho biết, không chỉ là nơi lưu trữ hàng hoá, Tổng kho còn là nơi bán hàng chuyên nghiệp trên các trang mạng xã hội. Tại thời điểm kiểm tra, 3 nhân viên được thuê để thay nhau livestream trên các tài khoản Facebook như: “Thảo Trần”, “Giầy Đồng giá”... Được biết, mỗi ngày tối thiểu tổng kho cũng chốt được hàng trăm đơn hàng... Sau khi chốt đơn, hàng được đóng gói để gửi đi khắp cả nước. Điều này cũng đồng nghĩa rất nhiều sản phẩm hàng giả, hàng nhái, hàng lậu được đưa ra thị trường một cách trót lọt trong suốt 2 năm qua.
Nghiên cứu của VinaResearch năm 2018 cho thấy, có đến 48,1% số người từng mua sắm qua mạng xã hội nói rằng mình từng bị lừa, chủ yếu là chất lượng hàng hóa không như cam kết. Sự cố trong yếu tố trực tuyến tiện lợi này cũng khá nhiều. Chỉ cần gõ cụm từ “sự cố mua hàng online” trên google sẽ cho ra đến 80 triệu kết quả.
Số liệu của Bộ Công thương cũng cho thấy, bình quân mỗi năm đơn vị tiếp nhận trên 1.500 khiếu nại, yêu cầu của người tiêu dùng, trong đó trên 50% liên quan đến các giao dịch trực tuyến. Các khiếu nại chủ yếu về chất lượng hàng hóa, hàng nhận được không giống với quảng cáo, thông tin sai về xuất xứ.
Ông Đặng Hoàng Hải: Sai phạm trên thương mại điện tử chủ yếu dưới hình thức nhái tên, nhái nhãn hiệu nổi tiếng
Ông Đặng Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cho biết, những xâm phạm chủ yếu trên môi trường thương mại điện tử về hàng giả, hàng nhái chủ yếu là những hàng thông thường như quần áo, giày dép, túi xách, dây lưng, ví da, mỹ phẩm…dưới hình thức nhái tên, nhái nhãn hiệu nổi tiếng. Có những cá nhân trưng bày quảng cáo hàng thật của những nhãn hiệu nổi tiếng nhưng khi giao hàng cho người tiêu dùng thì lại là hàng giả.
Lâu nay, thương mại điện tử là kênh phân phối nhiều mặt hàng không được nhập khẩu chính ngạch, không có hóa đơn chứng từ, hàng hóa giả mạo các thương hiệu nổi tiếng. Nhiều địa chỉ bán hàng online khai báo thông tin, đăng ký hoạt động kinh doanh không chính xác, thường xuyên thay đổi địa điểm. Trong khi đó, việc đầu tư các trang thiết bị livestream lại rẻ tiền, thô sơ, nhưng được thúc đẩy bởi các nền tảng mạng xã hội thế giới, dễ dàng quảng bá và tiếp cận khách hàng nên mang lại hiệu quả chốt đơn hàng lớn, lợi nhuận cao.
Đáng quan ngại, hiện có rất nhiều trang mạng xã hội như facebook, zalo… thực hiện kinh doanh quảng cáo mà các cơ quan chức năng không thể kiểm soát được nội dung. Hình thức biến tướng như quảng cáo thông tin không chính xác, commen ảo, bình luận ảo nhằm đánh lừa người tiêu dùng diễn ra phổ biến. Mới đây, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) buộc phải đưa ra cảnh báo người tiêu dùng cẩn trọng với thông tin quảng cáo một số thực phẩm bảo vệ sức khỏe như: Phương Đông Đại Tràng, Mộc Linh Chi – Body Weihgt, Hatachi, Đại Tràng Khang trên một số website không đúng bản chất, lừa dối người tiêu dùng.
PGS.TS Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), cũng khẳng định 99% quảng cáo thực phẩm chức năng trên mạng xã hội là sai sự thật, quảng cáo quá công dụng của sản phẩm, như sản phẩm hỗ trợ điều trị ung thư, tai biến mạch máu não, bệnh thận, gan, bệnh xương khớp, nam khoa....
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông trả lời chất vấn
Việc phổ cập 4G của hầu hết các nhà mạng, internet cáp quang được trải khắp tới mọi vùng miền của đất nước và hơn 100 triệu thuê bao di động, 64 triệu người đang dùng internet như hiện nay là những điều kiện không chỉ đủ mà còn rất tốt để phát triển các hoạt động mua sắm trực tuyến, thanh toán trực tuyến, tiêu dùng online.... Tuy nhiên, do chúng ta chưa thể kiểm soát được thông tin sản phẩm, chưa quản lý chặt chẽ được người tham gia bán hàng trên mạng xã hội, chưa quản lý được hóa đơn, chứng từ nên người mua hàng qua mạng vẫn còn chịu nhiều rủi ro. Trước thực trạng này, tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, đại biểu Cầm Thị Mẫn, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hoá đã chất vấn Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông về giải pháp cho vấn đề này.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông trả lời chất vấn
Trả lời vấn đề đại biểu Cầm Thị Mẫn quan tâm, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nêu rõ những năm gần đây thương mại điện tử có tốc độ tăng trưởng rất cao khoảng 40%. Tuy nhiên, bên cạnh mặt tích cực thì vẫn tồn tại một số vấn đề đang đặt ra trong công tác quản lý nhà nước, đó là vấn nạn quảng cáo sai sự thật trên mạng xã hội khiến quyền lợi người tiêu dùng bị ảnh hưởng.
Theo lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông, hiện các nền tảng trong nước cơ bản quản lý được, nhưng chúng ta gặp vấn đề chủ yếu trên các nền tảng xã hội nước ngoài như Facebook và Google. Bộ Thông tin và Truyền thông đã có nhóm làm việc chuyên trách, hàng tháng cùng với Tổng cục Thuế, Bộ Công an, Ngân hàng Nhà nước làm việc với đại diện hai nền tảng này và đã phối hợp gỡ được tỷ lệ cao những trang quảng cáo xấu xuống.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo về biện pháp kinh tế ngăn chặn dòng tiền quảng cáo sai sự thật trên môi trường mạng. Đồng thời Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Ngân hàng Nhà nước có phương án kiểm soát các giao dịch thanh toán xuyên biên giới. Theo đó, người bán hàng hoặc người mua quảng cáo trên Facebook phải trả qua thẻ tín dụng, cho nên ngân hàng có thể kiểm soát được dòng tiền này.
Khi chặn được các dòng tiền số vi phạm tức là chúng ta cũng chặn được các quảng cáo sai sự thật. Bên cạnh đó, việc đánh thuế các nhà thầu đối với các mạng như Facebook, Google cần phải làm để xác định các giao dịch đúng pháp luật hay sai pháp luật.
Nội dung trả lời của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cũng nhấn mạnh Bộ Thông tin và Truyền thông đã phối hợp với các Bộ ngành chức năng có những biện pháp tích cực nhằm đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng, khi từ năm 2018 đến nay, Facebook đã gỡ bỏ gần 2.500 link rao bán, quảng cáo các sản phẩm, dịch vụ bất hợp pháp. Tuy nhiên với tiềm năng lớn của thị trường thương mại điện tử, dù ngành chức năng đã và đang tích cực vào cuộc nhưng vẫn còn các tổ chức, cá nhân len lỏi đưa hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng đến tay người tiêu dùng thông qua các sàn thương mại điện tử hay các trang mạng xã hội như facebook, zalo. Về vấn đề này, phóng viên Cổng Thông tin điện tử Quốc hội đã có cuộc trao đổi với đại biểu Cầm Thị Mẫn, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hoá:
Đại biểu Cầm Thị Mẫn, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hoá
Phóng viên: Thưa đại biểu, xuất phát từ thực tiễn nào tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, đại biểu đã chất vấn Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông về vấn đề quảng cáo hàng hóa và các dịch vụ qua môi trường mạng?
Đại biểu Cầm Thị Mẫn, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hoá: Cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin, mạng xã hội cũng phát triển nhanh chóng và Việt Nam có tỷ lệ người dùng mạng xã hội lớn. Nắm bắt nhu cầu và tâm lý khách hàng, một số tổ chức và cá nhân đã quảng cáo hàng hoá và các dịch vụ rất hấp dẫn. Trong khi đó, chất lượng thực tế của các loại hàng hoá kém xa hơn so với thông tin quảng cáo dẫn đến hậu quả người tiêu dùng bị thiệt hại.
Với mong muốn góp phần bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong thương mại điện tử tôi đã chất vấn Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông về vấn đề này.
Phóng viên: Quan điểm của đại biểu về nội dung trả lời chất vấn của trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông xung quanh vấn đề đại biểu chất vấn?
Đại biểu Cầm Thị Mẫn, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hoá: Sau khi tôi chất vấn, Bộ trưởng đã trả lời vấn đề tôi quan tâm trước nghị trường Quốc hội. Tôi đánh giá cao phần trả lời của Bộ trưởng. Bộ trưởng đã nắm chắc được vấn đề mình quản lý. Đặc biệt Bộ trưởng đã chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong thương mại điện tử hiện nay và đưa ra những giải pháp cho vấn đề này. Tuy nhiên, theo tôi để các giải pháp thực sự căn cơ, đủ sức kiểm soát và răn đe những hành vi gian lận trên thương mại điện tử thì cần có sự vào cuộc thực sự quyết tâm và trách nhiệm hơn nữa từ các bộ ngành chức năng từ việc hoàn thiện thể chế pháp luật đến trách nhiệm quản lý nhà nước.
Phóng viên: Sau gần một năm chất vấn, những vấn đề đại biểu quan tâm chất vấn đã có sự chuyển biến như thế nào?
Đại biểu Cầm Thị Mẫn, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hoá: Thời gian qua, qua theo dõi trên các phương tiện thông tin đại chúng, tôi thấy sự vào cuộc tích cực từ phía các cơ quan chức năng. Lực lượng quản lý thị trường Bộ Công thương đã đồng loạt ra quân bóc rỡ nhiều tổ chức cá nhân lợi dụng mạng xã hội bán những mặt hàng không có hoá đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xử, những mặt hàng nhái các thương hiệu nổi tiếng, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng không đảm bảo chất lượng. Đơn cử, chỉ trong quí 1 năm nay, Bộ Công Thương đã yêu cầu các sàn thương mại điện tử xử lý gần 16.200 gian hàng và gần 32.880 sản phẩm vi phạm kinh doanh trên môi trường mạng.
Với ngành Y tế chỉ trong ít ngày, từ cuối tháng 4-2020 đến ngày 8-5-2020 cũng đã phát hiện và xử lý vi phạm gần 10 sản phẩm thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe được quảng cáo như thuốc chữa bệnh trên các trang web, mạng xã hội và ngành này cũng liên tục đưa ra những cảnh báo những sản phẩm không đảm bảo chất lượng trên môi trường mạng.
Tuy nhiên nhìn nhận thực tiễn, tình trạng quảng cáo hàng hoá và các dịch vụ livestream trực tiếp trên môi trường mạng những mặt không đảm bảo chất lượng,hàng giả, hàng nhái vẫn diễn ra tràn lan nhất là trên Facebook. Điều này cũng cho thấy, chúng ta chưa có sự hợp tác chặt chẽ với mạng xã hội này nên hiệu quả chưa thực sự cao.
Phóng viên: Hiện vẫn tồn tại vấn đề quảng cáo sai sự thật gây thiệt hại cho người tiêu dùng trong thương mại điện tử, theo đại biểu trách nhiệm này thuộc về ai?
Đại biểu Cầm Thị Mẫn, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hoá: Theo tôi trách nhiệm đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng trên thương mại điện tử không chỉ thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông hay Bộ Công Thương, Bộ Công an mà còn là trách nhiêm của các Bộ ngành chức năng. Với những Bộ được giao trách nhiệm quản lý nhà nước trong lĩnh vực phụ trách thì cũng phải có trách nhiệm trong vấn đề này. Ví dụ, với các mặt hàng là thực phẩm chức năng được quảng cáo như thuốc chữa bệnh thì ngành Y tế phải chịu trách nhiệm quản lý kiểm tra, kiểm soát vấn đề này trên môi trường mạng. Hay như đối với dịch vụ làm đẹp thì Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch có trách nhiệm quản lý….
Ở đây ta cũng thấy trách nhiệm của người tiêu dùng trên thương mại điện tử. Thực tiễn vẫn còn có người tiêu dùng biết là hàng giả, hàng nhái nhưng vẫn mua chỉ vì muốn được sử dụng những sản phẩm mang thương hiệu nổi tiếng, chỉ vì giá cả phải chăng. Điều này đã cổ xuý cho vấn hạn hàng giả hàng nhái tiếp tục tồn tại và phát triển.
Phóng viên: Đại biểu có đề xuất, kiến nghị gì để quyền lợi người tiêu dùng trong thương mại điện tử được bảo vệ tốt hơn trước xu thế phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0?
Đại biểu Cầm Thị Mẫn, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hoá: Trong thời đại thương mại điện tử phát triển mạnh mẽ, đã xuất hiện nhiều hành vi xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng mới. Tuy nhiên, một số quy định trong Luật chưa được quy định cụ thể và phụ hợp với thực tiễn.Đơn cử như Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng không còn phù hợp với bối cảnh thương mại điện tử và mô hình kinh doanh trên mạng hiện nay do Luật đã thực thi nhiều năm không đáp ứng đủ nhu cầu thực tiễn xã hội. Do vậy, cần bổ sung hoàn thiện khung khổ pháp luật nhằm bảo vệ tốt hơn nữa quyền lợi người tiêu dùng trên thương mại điện tử.
Tôi đề nghị Bộ Thông tin và truyền thông nên tham mưu cho Chính phủ tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện và trách nhiệm trong công tác quản lý nhà nước về hình thức mua sắm trên thương mại điện tử, từ đó có những giải pháp thực sự cụ thể, căn cơ. Bên cạnh đó phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ ngành chức năng, ví dụ phối hợp với Ngân hàng Nhà nước để ngăn chặn dòng tiền quảng cáo sai sự thật, phối hợp với Bộ Công thương nâng cao hiệu quả kiểm soát hàng hoá trên thương mại điện tử và các trang mạng xã hội…
Bên cạnh nỗ lực của cơ quan quản lý nhà nước, người tiêu dùng nên chọn những trang thương mại điện tử hay mạng xã hội được cấp phép hoạt động, có thông tin liên lạc rõ ràng về địa chỉ, số điện thoại, mã số thuế… Ngoài ra, cần tìm hiểu kỹ về sản phẩm như nguồn gốc xuất xứ, tính năng, đánh giá của người tiêu dùng và các thông tin liên quan như đổi trả, kiểm tra hàng hóa, các điều kiện ưu đãi đi kèm hóa đơn mua hàng, phiếu bảo hành.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Đại biểu!
Thị trường thương mại điện tử thay đổi liên tục cũng đặt ra nhiều vấn đề cần điều chỉnh. Các giao dịch, dịch vụ cũng không còn ở phạm vi một quốc gia mà xuyên biên giới, đa dạng về chủ thể tham gia, phức tạp về cách thức hoạt động, rất khó kiểm soát. Do đó, việc rà soát đánh giá lại những khung khổ quy định của pháp luật điều chỉnh trách nhiệm cụ thể gắn với các hoạt động vi phạm về sở hữu trí tuệ, hàng giả, hàng lậu, hàng kém chất lượng là rất cần thiết để các chế tài xử lý đủ sức răn đe./.