Trên cơ sở nghiên cứu hồ sơ dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi), đại biểu Dương Xuân Hòa - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn tham gia 5 ý kiến cụ thể như sau:
Thứ nhất, về giải thích từ ngữ, đại biểu Dương Xuân Hòa cho rằng, theo khoản 2 Điều 8 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 có quy định “văn bản quy phạm pháp luật phải quy định cụ thể nội dung cần điều chỉnh, không quy định chung chung, không quy định lại các nội dung đã được quy định trong văn bản quy phạm pháp luật khác”. Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo rà soát lược bỏ khoản 12 Điều 3. Giải thích từ ngữ vì nội dung này đã được giải thích tại khoản 24 Điều 2 Luật Lâm nghiệp năm 2017.
Thứ hai, về những hành vi bị nghiêm cấm ở Điều 6, đại biểu Dương Xuân Hòa đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung thêm 2 hành vi sau đây vào điều này. Cụ thể như sau: Hành vi thứ nhất, tham vấn ý kiến cộng đồng và cơ quan liên quan nhưng không công khai, trung thực và khách quan. Bổ sung quy định này nhằm khắc phục tình trạng các chủ đầu tư dự án chỉ đi xin chữ ký mà không tổ chức họp cộng đồng dân cư và các cơ quan, tổ chức có liên quan.
Hành vi thứ hai, bán, xuất phiếu kết quả quan trắc phân tích môi trường mà không thực hiện các bước, quy trình quan trắc, phân tích môi trường theo quy định của pháp luật. Nhằm mục đích phòng ngừa hành vi không thực hiện việc lấy mẫu tại hiện trường hoặc có lấy mẫu tại hiện trường, nhưng không thực hiện đúng quy trình về bảo quản mẫu, thiết bị lấy mẫu theo quy định để thực hiện quy trình quan trắc, phân tích môi trường theo quy định của pháp luật.
Đại biểu Dương Xuân Hòa - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn.
Thứ ba, về phân loại lưu giữ, chuyển giao chất thải rắn sinh hoạt tại Điều 53, quy định tại khoản 7 của điều luật này, theo đại biểu Dương Xuân Hòa là chưa bảo đảm tính khả thi. Vì trong thực tế cuộc sống thì việc phân loại, lưu giữ, chuyển giao chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân là rất quan trọng, phải bảo đảm các biện pháp để được thực hiện nghiêm theo đúng quy định tại khoản 2 Điều 5 của dự thảo luật này. Đó là tuyên truyền, giáo dục, kết hợp với biện pháp hành chính, kinh tế và biện pháp khác để tăng cường việc tuân thủ pháp luật, xây dựng văn hóa bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Nên khoản 7 Điều 53, đề nghị được thể hiện lại như sau: Chính quyền địa phương cấp cơ sở chủ trì, phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội các cấp vận động cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn. Tổ dân phố, cộng đồng dân cư, tổ chức chính trị - xã hội có trách nhiệm giám sát việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt của các hộ gia đình, cá nhân. Hơn nữa, việc biên tập lại như vậy cũng bảo đảm thống nhất với quy định tại khoản 7 Điều 55 của dự thảo luật.
Thứ tư, đại biểu Dương Xuân Hòa đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu chuyển khoản 2 Điều 132 để gộp vào khoản 8 Điều 5. Vì theo nhận thức của cá nhân tôi, nội hàm của khoản 2 Điều 132, nếu được gộp vào khoản 8 và biên tập lại ở Điều 5 thì sẽ phù hợp hơn với tên gọi của điều luật này là chính sách nhà nước về bảo vệ môi trường. Đồng thời, đề nghị rà soát, biên tập lại khoản 5 Điều 40 cho đồng bộ, thống nhất với khoản 8 Điều 148 trong dự thảo luật.
Thứ năm, về các vấn đề cụ thể khác, đại biểu Dương Xuân Hòa lựa chọn phương án 2 là Điều 36 thẩm quyền thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường. Còn giấy phép môi trường, tán thành theo phương án 1 là chỉ dùng một loại giấy phép môi trường, trong đó bao gồm cả nội dung cấp phép xả nước thải vào công trình thủy lợi thay thế các loại giấy tờ, thủ tục hành chính cấp phép về môi trường theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2014, Luật Thủy lợi và Luật Tài nguyên nước như trong Báo cáo số 599 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội./.