Đại biểu Trần Thị Hằng cho biết, tại khoản 4 Điều 1 Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung điểm a khoản 1 Điều 6 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012. Đại biểu đề nghị bổ sung thêm trường hợp vi phạm hành chính về hành chính tư pháp và bổ trợ tư pháp có thời hiệu xử phạt là 2 năm. Bởi hoạt động hành chính tư pháp và bổ trợ tư pháp cơ bản do cá nhân có chức danh tư pháp hoặc tổ chức có thẩm quyền thực hiện. Những cá nhân hoặc tổ chức này được bổ nhiệm hoặc thành lập với những tiêu chuẩn pháp lý chặt chẽ, cụ thể. Tuy nhiên, qua thực tế vi phạm hành chính xảy ra thường xuyên với nhiều mức độ, hành vi, hậu quả khác nhau, đối tượng phạm vi rộng. Do đó, thời hiệu xử lý vi phạm hành chính 1 năm như dự thảo là quá ngắn, nhiều hành vi không thể xử lý được, ảnh hưởng đến hiệu quả công tác quản lý của nhà nước.
Cho ý kiến về quy định tại khoản 1 Điều 6 của Dự thảo Luật, đại biểu Trần Thị Hằng cho rằng các quy định về thời hiệu xử lý vi phạm hành chính cơ bản giữ nguyên như quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính hiện hành, chỉ chỉnh lý tên một số lĩnh vực để bảo đảm sự thống nhất về tên lĩnh vực đã được thay đổi tại các điều, khoản khác trong dự thảo luật vào luật hiện hành. Tuy nhiên, tại kỳ họp thứ 10, Dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) cũng được trình Quốc hội thông qua và tại khoản 3 Điều 164 của dự thảo Luật Bảo vệ môi trường có quy định thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường là 5 năm. Do quy định này chưa thống nhất với quy định của Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính. Ngoài quy định về thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính tại khoản 3 Điều 164 trong Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi), không có quy định cụ thể nào khác có liên quan đến xử phạt vi phạm hành chính như mức phạt tiền tối đa, thẩm quyền xử phạt, hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả. Do vậy, việc chỉ có quy định thời hiệu trong dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) như vậy là không phù hợp. Đồng thời, đại biểu cho rằng quy định về thời hiệu là để nâng cao trách nhiệm của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong việc xử lý các hành vi vi phạm, ngăn chặn kịp thời hậu quả do vi phạm hành chính gây ra. Tránh trường hợp khi hậu quả đã xảy ra rồi mới đi xử lý. Đặc biệt, đối với lĩnh vực bảo vệ môi trường là lĩnh vực, nếu có hành vi vi phạm sẽ gây ra những hậu quả rất nghiêm trọng và ảnh hưởng lớn đến đời sống xã hội, người dân nên cần phải được phát hiện, ngăn chặn kịp thời để không gây ra những hậu quả đáng tiếc như nhiều vụ việc trên thực tế thời gian qua.
Đại biểu Trần Thị Hằng, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh.
Với lý do trên, đại biểu Trần Thị Hằng đề nghị cần phải nghiên cứu theo hướng rút ngắn thời hiệu xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường khi tổng kết, đánh giá và sửa đổi toàn diện Luật Xử lý vi phạm hành chính. Đại biểu tán thành với những nội dung giải trình, tiếp thu trong Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính. Cụ thể, Mục 1.3 của báo cáo đầy đủ, theo đó vẫn giữ quy định về thời hiệu xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường là 5 năm như quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính hiện hành đã được thực hiện ổn định trong thời gian vừa qua, không gặp khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn thi hành. Đồng thời, không quy định về thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật.
Về việc quản lý người bị đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính trong thời gian làm thủ tục áp dụng biện pháp xử lý hành chính, qua nghiên cứu, đại biểu cho rằng so với dự thảo luật khi gửi xin ý kiến Đoàn đại biểu Quốc hội, Dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 10 đã chỉnh lý điểm b khoản 2 Điều 131 theo hướng là giao cho công an cấp huyện nơi người bị đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc hoặc có hành vi vi phạm tổ chức quản lý. Quy định như vậy là chưa phù hợp, không khả thi trên thực tế bởi hai lý do:
Theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 131, cơ quan, người có thẩm quyền ra quyết định giao cho công an cấp huyện tổ chức quản lý là cơ quan, người có thẩm quyền lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc theo quy định tại khoản 1 Điều 99; khoản 1, khoản 2 Điều 101 không được sửa đổi, bổ sung thì cơ quan, người có thẩm quyền lập hồ sơ bao gồm Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, công an cấp huyện hoặc công an cấp tỉnh. Vì vậy, đối với các trường hợp do Chủ tịch Ủy ban dân cấp xã lập hồ sơ thì việc Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã ra quyết định giao cho công an cấp huyện tổ chức quản lý đối với người bị đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc là không phù hợp với thực tế.
Lý do thứ hai, theo quy định tại khoản 5 Điều 131 của dự thảo luật, kế thừa toàn bộ nội dung của Luật Xử lý vi phạm hành chính hiện hành thì việc quản lý đối với người bị đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc ở đây không phải là tạm giữ, cách ly mà chỉ là quản lý họ ở ngoài xã hội, tương tự như hình thức tại ngoại. Trong thời gian quản lý, cơ quan được giao quản lý có trách nhiệm là không để người được quản lý tiếp tục vi phạm pháp luật; bảo đảm sự có mặt của người được quản lý khi có quyết định đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; báo cáo kịp thời với cơ quan, người có thẩm quyền đã ra quyết định giao quản lý trong trường hợp người được quản lý bỏ trốn hoặc có hành vi vi phạm pháp luật. Với trách nhiệm quản lý là không để người đó vi phạm pháp luật, không được bỏ trốn như đã nêu thì việc giao cho công an cấp huyện tổ chức quản lý đối với các trường hợp bị đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc là không khả thi, đặc biệt là ở các tỉnh có địa bàn phức tạp, đơn vị cấp xã nằm ở địa bàn xa trung tâm cấp huyện.
Đồng thời, với quy định nêu trên thì công an cấp huyện phải báo cáo kịp thời với Chủ tịch Ủy ban dân cấp xã là người có thẩm quyền đã ra quyết định giao quản lý trong trường hợp người được quản lý bỏ trốn hoặc có hành vi vi phạm pháp luật quy định tại điểm c khoản 5 Điều 131 là không hoàn toàn phù hợp về thứ bậc trong quản lý nhà nước.
Với các lý do này, Đại biểu Trần Thị Hằng đề nghị chỉnh lý điểm b khoản 2 Điều 131 theo hướng cơ quan, người có thẩm quyền lập hồ sơ tự mình tổ chức, quản lý hoặc giao cho Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc công an cấp xã tổ chức quản lý đối với người bị đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc. Quy định như vậy sẽ bảo đảm tính linh hoạt và tùy vào từng trường hợp cụ thể cơ quan, người có thẩm quyền lập hồ sơ đề nghị sẽ quyết định giao cho ai quản lý./.