ĐBQH DƯƠNG TẤN QUÂN ĐÓNG GÓP Ý KIẾN VỀ MỘT SỐ NỘI DUNG CÒN Ý KIẾN KHÁC NHAU CỦA DỰ THẢO LUẬT BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG (SỬA ĐỔI)

27/11/2020

Tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, đại biểu Dương Tấn Quân – Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đóng góp ý kiến về một số nội dung còn khác nhau của dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi).

Góp ý vào một số nội dung còn khác nhau của dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi), tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, đại biểu Dương Tấn Quân – Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nhận xét: Qua nghiên cứu dự thảo luật và các hồ sơ kèm theo, cơ quan soạn thảo đã rất nghiêm túc, cầu thị trong việc tiếp thu các ý kiến của các đại biểu Quốc hội để chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo luật. Đến ngày hôm nay, Quốc hội đã có một bản dự thảo cơ bản hoàn chỉnh về các chính sách đồng bộ và hệ thống pháp luật.

Để dự thảo được hoàn thiện hơn, đại biểu Dương Tấn Quân xin góp ý về tích hợp giấy phép xả nước thải vào giấy phép môi trường với việc thống nhất với đề nghị chỉ dùng một loại giấy phép môi trường, trong đó bao gồm cả nội dung giấy phép xả nước thải vào công trình thủy lợi, thay thế 7 loại giấy phép thủ tục hành chính cấp phép về môi trường. Đây là quan điểm đổi mới, sáng tạo, thể hiện tinh thần Chính phủ kiến tạo vì người dân, doanh nghiệp, được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá rất cao. Quy định này sẽ khắc phục được những bất cập, chồng chéo, giảm phiền hà cho doanh nghiệp. Để làm rõ hơn, đại biểu Dương Tấn Quân phân tích thêm những lý do sau:

Thứ nhất, về cấp giấy phép xả nước thải bao gồm xả nước thải vào nguồn nước và xả nước thải vào công trình thủy lợi trong giai đoạn vừa qua thực chất là thừa không cần thiết. Khi doanh nghiệp đi vào hoạt động đã được cơ quan quản lý nhà về bảo vệ môi trường cấp giấy phép xác nhận giấy phép về môi trường khi công trình xử lý chất thải đáp ứng yêu cầu kỹ thuật. Do vậy, riêng một đối tượng nước thải xả ra môi trường của doanh nghiệp đang chịu ít nhất 2 thủ tục hành chính khác nhau. Hầu hết sẽ do 2 cơ quan hoặc ngành quản lý khác nhau. Bên cạnh đó, mặc dù căn cứ cấp các loại giấy phép, giấy xác nhận nêu trên là giống nhau, nhưng thực tế đã có nhiều trường hợp các yêu cầu bảo vệ môi trường được cấp giấy phép này lại chưa đồng bộ, làm cho doanh nghiệp lúng túng khi thực hiện.


Đại biểu Dương Tấn Quân – Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Thứ hai, Luật Thủy lợi quy định, quy hoạch thủy lợi chỉ là quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành, trong khi quy hoạch tài nguyên nước là quy hoạch ngành quốc gia. Nếu tiếp tục quy định, có nhiều cơ quan cấp giấy phép liên quan đến hoạt động xả thải như hiện nay sẽ không đảm bảo nguyên tắc quản lý tổng hợp về tài nguyên nước.

Thứ ba, việc tiếp tục giao cho cơ quan quản lý công trình thủy lợi cấp giấy phép xả nước thải vào công trình thủy lợi là phân tán đối tượng cũng như chức năng quản lý nhà nước, không áp dụng đồng bộ xuyên suốt các công cụ quản lý. Cụ thể là, cơ quan quản lý công trình thủy lợi không phải là cơ quan thẩm định, phê duyệt hoặc xác nhận các hồ sơ thủ tục hành chính về môi trường của doanh nghiệp nên rất thiếu thông tin về thời điểm doanh nghiệp đi vào hoạt động và xả nước thải vào công trình thủy lợi do mình quản lý. Pháp luật quy định, các cơ sở có nguồn thải lớn phải lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải tự nguyện tự động liên tục và truyền dữ liệu về Sở Tài nguyên Môi trường của địa phương để theo dõi, giám sát, không truyền về cơ quan quản lý công trình thủy lợi và cơ quan này cũng không có chức năng thanh tra, kiểm tra chuyên ngành về môi trường nên việc phát hiện và xử phạt xả thải vượt quy chuẩn Việt Nam đối với doanh nghiệp không đảm bảo đồng bộ thường xuyên và kịp thời.

Qua nghiên cứu, việc tích hợp giấy phép xả nước thải vào công trình thủy lợi vào giấy phép môi trường không dẫn đến khó khăn cho cơ quan quản lý công trình thủy lợi trong việc quản lý chất lượng số lượng nước công trình. Không ảnh hưởng đến việc thực hiện chính sách thu giá sản phẩm, dịch vụ thủy lợi, bởi vì quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy lợi hiện hành cho thấy, ngành thủy lợi đang không kiểm soát chặt chẽ chất lượng nguồn nước thải vào công trình thủy lợi, mà chỉ kiểm soát số lượng nguồn nước thải. Cụ thể, tại Nghị định 65, Nghị định 104 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy lợi hoàn toàn không có quy định xử phạt đối với hành vi xả nước thải vượt quy chuẩn Việt Nam. Chỉ xử phạt đối với hành vi xả thải không có giấy phép tương ứng với từng lưu lượng do cơ quan này không có thẩm quyền thanh tra, kiểm tra chuyên ngành về bảo vệ môi trường đối với doanh nghiệp nên cũng không thể áp dụng Nghị định 155 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, để xử phạt các hành vi xả nước thải không đạt quy chuẩn Việt Nam vào công trình thủy lợi.

Như vậy, cơ quan quản lý công trình thủy lợi hoàn toàn không có công cụ ngăn chặn, xử lý các hành vi xả nước thải vượt quy chuẩn Việt Nam vào công trình thủy lợi, nếu không phối hợp với cơ quan quản lý bảo vệ môi trường, mặc dù khoản 2 Điều 46 Luật Thủy lợi có giao tổ chức, cá nhân cung cấp sản phẩm dịch vụ thủy lợi trực tiếp bảo vệ chất lượng nước, công trình thủy lợi, kiểm soát việc xả nước thải vào công trình thủy lợi. Đại biểu Dương Tấn Quân cho rằng, các tổ chức này mặc dù được giao nhiệm vụ nhưng rất khó thực thi và hoàn thành, hầu hết các tổ chức này là doanh nghiệp thủy lợi, tổ chức thủy lợi, cơ sở hoặc cá nhân không được giao thẩm quyền lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính, không có số liệu quan trắc tự động của doanh nghiệp, nên cũng không có công cụ kiểm soát hoạt động xả thải, bảo vệ chất lượng nước trong công trình thủy lợi.

Phương thức định giá sản phẩm dịch vụ thủy lợi theo Điều 6, Điều 7 Nghị định 96/NĐ-CP ngày 30/6/2018 của Chính phủ là hoàn toàn dựa trên chi phí nhân công, khấu hao tài sản, chi phí vận hành, lợi nhuận, các tổ chức cung cấp sản phẩm, dịch vụ không tính theo chất lượng sản phẩm, dịch vụ. Vì vậy, việc tích hợp giấy phép xả nước thải vào nguồn nước với giấy phép môi trường hoàn toàn không ảnh hưởng đến việc thực thi chính sách này. Thực tiễn cho thấy, tổ chức cung cấp sản phẩm, dịch vụ thủy lợi cũng rất khó để kiểm soát được chất lượng nước công trình. Do hoạt động lấy nước vào công trình thủy lợi đơn thuần chỉ là mở cống hoặc bơm lấy nước từ các nguồn nước mặt lân cận công trình thủy lợi, đầu mối, chất lượng nước vào công trình thủy lợi phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn nước mặt lân cận./.

Bích Lan

Các bài viết khác