Một số quy định không còn phù hợp
Theo thống kê của Bộ Công an, năm 2020, Việt Nam đã đấu tranh, phát hiện và bắt giữ 24.842 vụ, 40.461 đối tượng phạm tội về ma túy; thu giữ trên 580 kg heroin, gần 3,2 tấn và gần 1,7 triệu viên ma túy tổng hợp. Số vụ vi phạm pháp luật về ma túy, số đối tượng bị phát hiện bắt giữ tăng 9,46% số vụ so với cùng kỳ năm 2019.
Những số liệu này cho thấy, tội phạm về ma túy vẫn diễn biến phức tạp; hoạt động của tội phạm ma túy xuyên quốc gia, có yếu tố nước ngoài giảm, song ma túy tổng hợp từ Lào, Campuchia được vận chuyển vào Việt Nam tiếp tục có xu hướng gia tăng. Tình trạng thanh niên, thiếu niên sử dụng ma túy tổng hợp vẫn còn diễn ra nhiều. Tỷ lệ người sử dụng ma túy tổng hợp tiếp tục có xu hướng gia tăng. Toàn quốc hiện có 234.620 người nghiện có hồ sơ quản lý và phần lớn đang sinh sống tại cộng đồng.
Tội phạm về ma túy vẫn diễn biến phức tạp
Hiện nay công tác cai nghiên, quản lý các đối tượng sau cai nghiện cũng gặp không ít những khó khăn vướng mắc. Nếu như trước đây, các đối tượng nghiện sau khi phát hiện chỉ cần có xác minh của lực lượng công an là có thể đưa vào các cơ sở cai nghiện. Tuy nhiên, từ năm 2014 đến nay, áp dụng quy định 221 để đưa người vào trung tâm cai nghiện ma túy bắt buộc phải có quyết định của tòa án sau khi qua các bước thẩm tra của các đơn vị Công an, tư pháp, lao động thương binh xã hội nên mất rất nhiều thời gian.
Theo ông Trần Đức Diễn, Đội trưởng Đội Công tác xã hội tình nguyện phường Thanh Nhàn, quận Hai Bà Trưng, Tp. Hà Nội: “… Công an lập được hồ sơ đã rất vất vả rồi, để xác định họ tái nghiện thì phải là y tế. Y tế là phải được sự chỉ định cơ chứ không phải y tế nào cũng vào cũng thử. Hồ sơ xong rồi phải chuyển sang công an, sang viện kiểm sát, rồi mới lại mở phiên tòa hành chính xét cho người ta đi cai bắt buộc hay không…”
Bên cạnh đó, hiện nay một số quy định của Luật Phòng, chống ma túy còn chưa bảo đảm phù hợp, đồng bộ với các Luật mới được ban hành; chưa quy định cụ thể, rõ ràng trách nhiệm của một số bộ, ngành trong việc thực hiện nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống ma túy; các biện pháp và hình thức cai nghiện và thời gian, độ tuổi của các hình thức cai nghiện chưa bảo đảm phù hợp với tình hình thực tiễn. Đồng thời, do sự phát triển nhanh và đa dạng của nền kinh tế, đời sống văn hóa-xã hội, nhiều quan hệ xã hội mới nảy sinh liên quan đến việc phòng, chống ma túy nhưng Luật Phòng, chống ma túy chưa đáp ứng được mục đích đấu tranh phòng, chống.
Ông Nguyễn Mai Bộ, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, cho rằng: “Vướng mắc kể cả Luật Xử lý vi phạm hành chính; vướng mắc kể cả Luật Phòng, chống ma túy và vướng mắc kể cả khâu thực hiện những luật này trên thực tế. Việc xây dựng Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) phải khắc phục những hạn chế, bất cập trong các quy định của Luật Phòng, chống ma túy năm 2000, sửa đổi bổ sung năm 2008 góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác phòng, chống ma túy, đảm bảo trật tự, an toàn xã hội. Đồng thời, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, cơ quan, tổ chức, cá nhân trong công tác phòng, chống ma túy....”
Cần thiết phải sửa đổi Luật phòng, chống ma túy
Nhằm tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật về phòng, chống ma túy và khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật Phòng, chống ma túy năm 2000 (sửa đổi, bổ sung năm 2008) Chính phủ đã trình Quốc hội dự án Luật phòng chống ma túy (sửa đổi) tại kỳ họp 10. Quốc hội khóa XIV.
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trình bày Tờ trình về dự án Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi)
Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết Luật Phòng, chống ma túy năm 2000 (sửa đổi, bổ sung năm 2008) đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho công tác quản lý nhà nước về phòng, chống ma túy. Quá trình triển khai thi hành Luật đã thu được nhiều kết quả tích cực trên các lĩnh vực phòng, chống ma túy. Tuy nhiên, thực tiễn thi hành Luật Phòng, chống ma túy năm 2000 (sửa đổi, bổ sung năm 2008) đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập; một số quy định của Luật Phòng, chống ma túy hiện hành không thống nhất, đồng bộ với quy định của Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự và Luật Xử lý vi phạm hành chính mới được ban hành… do vậy, đã ảnh hưởng đến hiệu quả công tác phòng, chống ma túy. Bên cạnh đó, do sự thay đổi tình hình, một số quan hệ xã hội mới xuất hiện liên quan đến công tác phòng, chống ma túy nhưng chưa có quy định của luật để điều chỉnh.
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cũng nêu rõ, Chỉ thị số 36-CT/TW cả Bộ Chính trị về “Tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy” xác định “sớm sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống ma túy và các văn bản pháp luật khác có liên quan theo hướng đồng bộ, thống nhất, phù hợp với thực tiễn công tác phòng, chống ma túy, có chế tài nghiêm khắc hơn đối với hành vi sử dụng trái phép chất ma túy”. Xuất phát từ những lý do nêu trên, việc sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống ma túy hiện hành là cần thiết.
Dự án Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) hiện được xây dựng với bố cục gồm 8 chương, 69 điều, quy định về phòng ngừa, ngăn chặn, đấu tranh chống tội phạm và tệ nạn ma túy; kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy; quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy; cai nghiện ma túy; trách nhiệm của cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức trong phòng, chống ma túy; quản lý nhà nước và hợp tác quốc tế về phòng, chống ma túy.
Sửa đổi hướng tới nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống ma túy
Cơ bản nhất trí với sự cần thiết phải ban hành luật. Tuy nhiên, đâu là nội dung cần chú trọng, quan tâm sửa đổi lần này? Quy định nào trong dự thảo cần tiếp tục được nghiên cứu và hoàn thiện? Cổng thông tin điện tử Quốc hội đã ghi nhận ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội về vấn đề này:
- Đại biểu Bùi Xuân Thống, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai: Nhất trí sự cần thiết sửa đổi Luật phòng, chống ma túy. Việc xây dựng Luật sửa đổi là yêu cầu cấp thiết, khách quan để thể chế hóa quan điểm của Đảng đồng thời bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của pháp luật; đảm bảo nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác phòng, chống ma túy trong tình hình mới.
Dự thảo Luật trình Quốc hội cho ý kiến so với Luật hiện hành có 15 điều mới, sửa đổi, bổ sung 47 điều, giữ nguyên 7 điều.... Về cơ bản, những bất cập của Luật hiện hành đã được sửa đổi, bổ sung tương đối đầy đủ. Tuy nhiên, về một số quy định cụ thể cần tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện. Ban soạn thảo cũng cần lưu ý quy định về giải pháp hỗ trợ, quản lý, giám sát sau cai nghiện một cách hiệu quả hơn; đặc biệt cần có những hỗ trợ về sinh kế cho người sau cai nghiện cũng như những biện pháp để người sau cai nghiện dễ dàng tái hòa nhập với cộng đồn. Ngoài ra, một số quy định còn chưa thống nhất hoặc cùng một nội dung nhưng lại quy định ở các điều khác nhau... Đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát về nội dung, kỹ thuật lập pháp, bảo đảm chặt chẽ, tính chính xác và thống nhất.
Đại biểu Bùi Xuân Thống, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai
- Đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp: Luật Phòng, chống ma túy hiện hành đã bộc lộ một số vướng mắc trong thực thi. Vì vậy, đặt ra yêu cầu sửa đổi. Việc tiến hành sửa đổi luật cũng là phù hợp với Chỉ thị số 36-CT/TW cả Bộ Chính trị về “Tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy”. Tuy nhiên, nội dung dự thảo cần lưu ý và làm rõ thêm một số vấn đề, như: cần đa dạng hóa các loại hình cai nghiện. Đồng thời, đại biểu cũng nhấn mạnh, đây là dự án Luật về phòng, chống ma túy, tuy nhiên các quy định chủ yếu chỉ là chống, đây mới chỉ là phần ngọn, trong khi nội dung về đề phòng còn ít. Vì vậy, dự án Luật cần tăng cường nội hàm các quy định về phòng ngừa ma túy.
Ngoài ra, Ban soạn thảo cần làm rõ các căn cứ, làm rõ sự khác nhau về thời hạn quản lý người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên và dưới 18 tuổi. Mặt khác, giải thích rõ hơn về công tác quản lý của ủy ban nhân dân cấp xã đối với đối tượng phát hiện dương tính với ma túy, biện pháp quản lý đối tượng, quản lý ở gia đình hay tại trụ sở cơ quan công an. Các đối tượng không nơi ở, không nơi nương tựa, sống lang thang, gia đình không thừa nhận quản lý giáo dục sẽ được quản lý như thế nào, cần quy định rõ trong luật.
Đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp
- Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đà Nẵng: Luật Phòng, chống ma túy năm 2000, sửa đổi bổ sung năm 2008 có một số nội dung chưa bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật. Cụ thể như: Mâu thuẫn với Luật Xử lý vi phạm hành chính về quy định thẩm quyền quyết định áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc: Luật phòng, chống ma túy quy định việc đưa người nghiện ma túy vào cơ sở cai nghiện bắt buộc được thực hiện theo quyết định của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện, Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định Tòa án nhân dân cấp huyện có thẩm quyền quyết định áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Vì vậy, Luật sửa đổi tới đây cần phải quan tâm làm thế nào đảm bảo tính đồng bộ thống nhất với một số quy định của các luật khác đã được Quốc hội thông qua.
Khẳng định sự cần thiết xây dựng và ban hành luật, ý kiến các đại biểu Quốc hội cho rằng, việc xây dựng Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) phải tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật về phòng, chống ma túy và khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật Phòng, chống ma túy năm 2000 (sửa đổi, bổ sung năm 2008); phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị, cơ quan, tổ chức, cá nhân trong công tác phòng, chống ma túy. Tuy nhiên, về một số quy định cụ thể tại dự thảo Luật cần được tiếp tục quan tâm, tiếp thu, giải trình thấu đáo, bổ sung, hoàn thiện trên cơ sở ý kiến phát biểu thảo luận tại kỳ họp cũng như ý kiến góp ý của chuyên gia và cử tri cả nước nhằm đảm bảo luật ban hành đáp ứng được mục tiêu đề ra./.