CÔNG TÁC ĐẤU TRANH PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG: GẮN VỚI XÂY DỰNG, CHỈNH ĐỐN ĐẢNG VÀ KIỂM SOÁT QUYỀN LỰC

11/12/2020

Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ Lê Như Tiến cho rằng, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng của Đảng ta trong nhiệm kỳ này đã có bước tiến mạnh mẽ, với nhiều chủ trương, giải pháp đột phá, đi vào chiều sâu, đạt nhiều kết quả rất quan trọng, thể hiện tinh thần “quyết liệt, không dừng, không nghỉ”.

 

Trong nhiệm kỳ tới, cần làm quyết liệt hơn các biện pháp phòng, chống tham nhũng. Đặc biệt, phải gắn phòng, chống tham nhũng với việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng và kiểm soát quyền lực.

Quyết tâm của cả hệ thống

Ngày mai, 12/12, Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng sẽ được tổ chức với sự chủ trì của Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng. Theo dõi công tác này của Đảng trong những năm qua, đặc biệt là trong nhiệm kỳ này, ông đánh giá như thế nào?  

Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng đến nay, công tác phòng, chống tham nhũng đã có bước tiến mạnh mẽ, với nhiều chủ trương, giải pháp đột phá, đi vào chiều sâu, đạt nhiều kết quả rất quan trọng, thể hiện tinh thần quyết liệt, không dừng, không nghỉ. Cả hệ thống chính trị đã đưa ra một nguyên tắc kiên quyết là “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”. Bất kỳ ai tham nhũng hoặc có dấu hiệu vi phạm pháp luật đều bị xử lý. Đây là nguyên tắc, việc làm thường xuyên của Đảng và cũng là mong muốn của Nhân dân nhằm không ngừng làm trong sạch, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cán bộ cấp chiến lược. Vừa qua, chúng ta thấy gần 100 cán bộ cấp cao bị xử lý kỷ luật. Kể cả những đồng chí là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương, Bộ trưởng… cũng bị xử lý nghiêm minh theo đúng quy định của Đảng, của pháp luật. Điều đó đã khẳng định quyết tâm rất lớn của Đảng và Nhà nước ta trong phòng, chống tham nhũng.

Cùng với việc thực hiện nghiêm nguyên tắc “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”, theo ông, những yếu tố nào đã góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng trong nhiệm kỳ này?

Trước hết là sự chỉ đạo quyết liệt của Đảng trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Nghị quyết Đại hội XII nêu rõ: “Nguy cơ tệ nạn tham nhũng, lãng phí, quan liêu và các tiêu cực xã hội làm suy yếu Đảng”. Có thể thấy, từ Đại hội XII, công cuộc chống tham nhũng do Đảng ta phát động bước sang một giai đoạn mới, với những chủ trương, cách làm, hướng đi ngày càng quyết liệt, triệt để. Nhiều tuyên bố của Đảng, thông qua người đứng đầu là Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: Chống tham nhũng phải huy động sức mạnh của toàn dân, của cả hệ thống chính trị, cả xã hội cùng vào cuộc. Trên cơ sở chủ trương, sự lãnh đạo của Đảng, Quốc hội đã kịp thời thể chế hóa thành các đạo luật, tạo hành lang pháp lý quan trọng để phòng, chống tham nhũng. Trong đó, Luật Phòng, chống tham nhũng mới nhất đã được Quốc hội thông qua năm 2018 với những quy định hết sức mạnh mẽ, thực sự là "thanh bảo kiếm" trong phòng, chống tham nhũng. Cùng với đó, là các Bộ luật Hình sự, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng; Luật Tố cáo... đã được Quốc hội tập trung sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện thêm một bước hành lang pháp lý cho công tác phòng, chống tham nhũng.

Những chuyển biến tích cực trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng vừa qua còn do có sự phối hợp rất chặt chẽ, đồng bộ, ăn ý, nhịp nhàng giữa các cơ quan Đảng, trước hết là Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, Ủy ban Kiểm tra Trung ương với các cơ quan Nhà nước như Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan bảo vệ pháp luật trong điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án, thể hiện sự quyết tâm của cả hệ thống chứ không phải chỉ riêng một cơ quan nào.

Bài học từ công tác phòng, chống tham nhũng trước kia là sự chậm trễ trong phát hiện, xử lý các vụ án có dấu hiệu tham nhũng dẫn đến việc các đối tượng tẩu tán tài sản, cao chạy xa bay khiến chúng ta phải tổ chức truy bắt rất vất vả, tốn kém như trường hợp Trịnh Xuân Thanh. Bây giờ, chúng ta đã làm đồng bộ và tốt hơn các biện pháp phòng, chống tham nhũng; thực hiện các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn từ sớm và quyết liệt hơn. Từ những bài học kinh nghiệm đó, trong thời gian tới, chúng ta cần thực hiện quyết liệt hơn nữa. Những vụ nào đã xác định được tương đối rõ là án tham nhũng thì cần làm khẩn trương, vì nếu chậm trễ sẽ giảm hiệu quả.

"Nhốt" quyền lực vào "lồng" cơ chế

Bên cạnh những kết quả tích cực, công tác phòng, chống tham nhũng hiện nay vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Số vụ án tham nhũng được phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử lý chưa phản ánh đúng thực trạng tham nhũng; các biện pháp phòng ngừa tham nhũng chưa tạo được chuyển biến mạnh mẽ trong việc góp phần xây dựng văn hóa trong sạch trong hệ thống chính trị. Ông nghĩ như thế nào về nhận định này ?

Nhận định này là đúng và ngay trong báo cáo của Chính phủ và các cơ quan bảo vệ pháp luật về công tác phòng, chống tham nhũng những năm qua cũng khẳng định như thế. Số vụ tham nhũng được phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử vẫn còn khiêm tốn so với thực tế cũng như sự kỳ vọng của Nhân dân, cử tri. Việc phát hiện tham nhũng thông qua công tác tự kiểm tra nội bộ, kiểm tra của cấp trên với cấp dưới là khâu yếu tồn tại nhiều năm nhưng vẫn chưa được khắc phục. Đó cũng chính là khâu chúng ta phải đẩy nhanh, đẩy mạnh và làm quyết liệt hơn nữa thời gian tới, đặc biệt là các cơ quan bảo vệ pháp luật, các cơ quan tham mưu, chủ công của Đảng và Nhà nước trong phòng, chống tham nhũng phải tiên phong trong vấn đề này.

Một điểm rất sáng trong nhiệm kỳ này là các vụ án kinh tế, tham nhũng lớn được xử lý kịp thời và thu hồi được tài sản cho Nhà nước. Ông đánh giá thế nào về kết quả này?

- Trước đây, việc khắc phục hậu quả về mặt kinh tế trong xử lý các vụ án kinh tế, tham nhũng chỉ đạt khoảng 20 - 30%. Tuy nhiên, thời gian gần đây, chúng ta đã đạt được bước tiến lớn khi thu hồi được gần như toàn bộ tài sản bị thất thoát của Nhà nước, của Nhân dân nhờ việc tiến hành điều tra, truy tố, xét xử một cách khoa học, bài bản, chắc chắn, thực hiện đúng quan điểm của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Điển hình là vụ án MobiFone mua 95% cổ phần của AVG. Từ giai đoạn thanh tra, kiểm tra đã thu hồi 8.000 tỷ đồng, các số tiền đưa hối lộ và nhận hối lộ đã được thu hồi. Vụ án cũng cho chúng ta bài học đau xót về công tác cán bộ vì đây là lần đầu tiên chúng ta làm rõ vụ án này đúng là vụ án tham nhũng với quy mô lớn, đối tượng phạm tội là cán bộ cấp cao, đóng vai trò chủ đạo trong vụ án. Cán bộ của chúng ta cũng đã bị xử lý ở mức án nặng nhất.

Các vụ tham nhũng quy mô lớn bị phát hiện, xử lý vừa qua cũng cho thấy việc kiểm soát quyền lực đối với những người có quyền trong các vụ án đó đã bị buông lỏng. Thực tế này đem lại bài học như thế nào, thưa ông?

Nhìn vào thực tế, chúng ta thấy rằng các vụ tham nhũng lớn đều là do cán bộ, đảng viên, thậm chí còn là cán bộ, đảng viên cấp cao gây ra. Tham nhũng đang là vấn nạn, có xu hướng gia tăng và gây thiệt hại nặng nề về nhiều mặt, không chỉ ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của đất nước mà còn làm giảm niềm tin của Nhân dân đối với các cơ quan công quyền và đội ngũ cán bộ, đảng viên đảm nhiệm các vị trí "có quyền". Vì vậy, phải gắn công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

Quyền lực càng lớn thì càng phải được kiểm soát chặt chẽ. Kiểm soát quyền lực là “nhốt” quyền lực vào “lồng” cơ chế, đó chính là kỷ luật của Đảng, hệ thống pháp luật của Nhà nước. Trong Đảng thì đó là Cương lĩnh, đường lối, điều lệ Đảng. Ngoài xã hội là quốc pháp, trung tâm là lòng dân và sự tín nhiệm của Nhân dân đối với đội ngũ cán bộ có chức, có quyền. Như vậy thì không ai, không gì sai phạm có thể lọt được cả. Chúng ta có rất nhiều kênh để kiểm soát quyền lực như: Cử tri và Nhân dân; các tổ chức chính trị - xã hội; cơ quan cấp trên của người đó; các cơ quan thanh tra của Chính phủ, kiểm tra của Đảng, giám sát của Quốc hội và cơ quan dân cử các cấp. Nếu kiểm soát quyền lực tốt thì sẽ không có những cán bộ có chức, có quyền dám lộng quyền, lạm quyền, chuyên quyền để xảy ra những vụ tham nhũng với quy mô lớn như thế.

Xin cảm ơn ông!

(Theo Báo Đại biểu Nhân dân)