ĐBQH NGUYỄN THANH XUÂN: CẦN QUY ĐỊNH RÕ ĐIỀU KIỆN KHÔNG THU TIỀN DỊCH VỤ NGƯỜI LAO ĐỘNG

17/12/2020

Tham luận về các chủ thể tổ chức đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài và việc thành lập các chi nhánh của doanh nghiệp, đại biểu Nguyễn Thanh Xuân - Đoàn ĐBQH tp. Cần Thơ đề xuất, cần quy định rõ điều kiện không thu tiền dịch vụ người lao động và không làm phát sinh bộ máy để bảo đảm tính thống nhất và đồng bộ của hệ thống pháp luật phù hợp thực tế; giúp người lao động kịp thời có việc làm, góp phần tăng thu nhập, ổn định cuộc sống…

Phát biểu tại phiên thảo luận trực tuyến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Thanh Xuân cơ bản tán thành và đánh giá cao Báo cáo tiếp thu giải trình chỉnh lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khi nhiều nội dung đóng góp của các đại biểu Quốc hội và các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác trong các lần thảo luận và lấy ý kiến trước đây đã được Ban soạn thảo ghi nhận giải trình và tiếp thu tương đối đầy đủ. Bên cạnh đó đại biểu Nguyễn Thanh Xuân cũng tham gia đóng góp một số nội dung cụ thể.

Về các nội dung xin ý kiến tại các Điều 2, Điều 5, Điều 43 và Điều 74 với 2 phương án xin ý kiến theo báo cáo giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và dự thảo luật, đại biểu Nguyễn Thanh Xuân tán thành phương án 1: "Quy định theo hướng giao cho đơn vị sự nghiệp là Trung tâm dịch vụ việc làm do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thành lập theo quy định tại điểm e, khoản 1 Điều 37 của Luật Việc làm được thực hiện việc đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài để thực thi thỏa thuận quốc tế". Đồng thời đại biểu đề nghị quy định rõ điều kiện không thu tiền dịch vụ của người lao động và bảo đảm không làm phát sinh bộ máy ở Điều 74 của dự thảo luật để bảo đảm tính thống nhất và đồng bộ của hệ thống pháp luật phù hợp với thực tế đang triển khai hoạt động này tại các địa phương, giúp người lao động kịp thời có được việc làm, góp phần tăng thêm thu nhập và ổn định cuộc sống trước xu thế hội nhập như hiện nay.

Đại biểu Nguyễn Thanh Xuân – Đoàn ĐBQH Tp. Cần Thơ phát biểu từ điểm cầu trực tuyến. 

Về cơ sở vật chất đối với doanh nghiệp được cấp giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng lao động tại điểm d khoản 1 Điều 10, theo đại biểu Nguyễn Thanh Xuân, nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ này được liên kết sử dụng cơ sở vật chất hiện có tại các cơ sở đào tạo nghề hiện hữu trên địa bàn chưa được sử dụng hết công năng, cũng như góp phần giảm chi phí bắt buộc các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ này phải đầu tư xây dựng thêm cơ sở vật chất mới để đáp ứng yêu cầu đào tạo và nhằm không làm lãng phí nguồn kinh phí để phục vụ cho yêu cầu này, luật nên bổ sung nội dung cho phép các doanh nghiệp được liên kết về cơ sở vật chất trong thực hiện đào tạo người lao động đi làm việc ở nước ngoài, theo đó điểm d khoản 1 Điều 10 được viết lại như sau: "Có cơ sở vật chất hoặc liên kết đảm bảo cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu giáo dục định hướng cho người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng".

Về giao nhiệm vụ cho chi nhánh của doanh nghiệp dịch vụ tại Điều 17, đại biểu Nguyễn Thanh Xuân cho rằng cần cân nhắc quy định doanh nghiệp dịch vụ việc được mở không quá 3 chi nhánh nhằm đảm bảo quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp theo Luật Doanh nghiệp hiện hành, cũng như đảm bảo phù hợp với yêu cầu hội nhập quốc tế, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp được tự do, bình đẳng, phát triển và tránh tình trạng hiểu nhầm khi các đối tượng chịu tác động bởi quy định này. Theo đại biểu, khi quy định như vậy, các doanh nghiệp khi kinh doanh dịch vụ sẽ cho rằng cái gì nhà nước quản lý không được thì cấm, cần thiết luật nên bổ sung thêm các quy định cụ thể về điều kiện để các doanh nghiệp được mở thêm chi nhánh để luật điều chỉnh nội dung này để phù hợp và khả thi hơn.  

Về chuẩn bị nguồn lao động ở Điều 18, dự thảo luật quy định bồi dưỡng kỹ năng nghề, ngoại ngữ cho người lao động để sẵn sàng đáp ứng yêu cầu tuyển dụng của bên nước ngoài tiếp nhận lao động nếu cần thiết. Đại biểu Nguyễn Thanh Xuân đề nghị điều chỉnh lại nội dung quy định này như sau: “bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cần thiết cho người lao động để sẵn sàng đáp ứng yêu cầu tuyển dụng của bên nước ngoài tiếp nhận lao động”, nhằm bảo đảm tính bao quát và áp dụng quy định này được khả thi hơn.

Về điều kiện của bên bảo lãnh ở Điều 56, theo đại biểu Nguyễn Thanh Xuân, dự thảo luật quy định năng lực hành vi dân sự hoặc năng lực pháp luật dân sự là chưa rõ và thiếu đầy đủ, vì bên bảo lãnh có thể là tổ chức hoặc cá nhân. Đại biểu đề nghị quy định lại nội dung này như sau: “có tư cách pháp nhân trường hợp bên bảo lãnh là tổ chức hoặc có năng lực hành vi dân sự đầy đủ trường hợp bên bảo lãnh là cá nhân”, để quy định được rõ ràng và dễ hiểu hơn.

Về kỹ thuật văn bản, đại biểu Nguyễn Thanh Xuân đề nghị đổi tên Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước thành Quỹ hỗ trợ người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng lao động, để quy định được rõ ràng hơn, tránh hiểu theo nghĩa mọi đối tượng lao động Việt Nam ở nước ngoài đều được hỗ trợ từ quỹ này, kể cả trường hợp lao động không hợp pháp hoặc lao động không có hợp đồng làm việc rõ ràng, v.v.. Theo đại biểu Nguyễn Thanh Xuân, vẫn tiếp tục duy trì, phát triển và mở rộng quỹ, điều quan trọng là cần định ra những quy định để có những quy chế quản lý, sử dụng quỹ như thế nào cho phù hợp, và cũng nên có kiểm tra, giám sát, đánh giá tình hình thực hiện thời gian vừa qua để có giải pháp khắc phục, thậm chí là xử lý và có tính toán cho thời gian tới. Đại biểu cho rằng, nếu không có quỹ thì cũng sẽ khó trong việc thực thi luật này trong thực tế.

Hồ Hương

Các bài viết khác