Doanh nghiệp nhỏ và vừa bị ảnh hưởng nghiêm trọng từ dịch Covid-19
Khơi thông dòng vốn cho phát triển sản xuất kinh doanh
Ngay từ đầu năm 2017, Chính phủ đã giao một số ngân hàng thương mại phải dành ít nhất 100.000 tỉ đồng để thực hiện chương trình cho vay phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Chính sách đã có, nhưng theo đánh giá của một số chuyên gia kinh tế và doanh nghiệp, việc tiếp cận nguồn vốn vẫn còn khó khăn và tỷ lệ giải ngân vẫn còn khiêm tốn. Theo ông Nguyễn Văn Thích, Giám đốc Công ty Tâm Việt, gói tín dụng 100.000 tỷ khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch của Nhà nước dành cho doanh nghiệp trong lĩnh vực này là rất thiết thực. Tuy nhiên, để tiếp cận được thủ tục vay vẫn còn khó khăn về mặt thủ tục,...
Ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp đã và đang mang lại nhiều lợi ích kinh tế cho cả người dân và doanh nghiệp. Nền nông nghiệp 4.0 đang mở ra trước mắt, nhưng sự cạnh tranh và đào thải quyết liệt khiến không ít người phải chùn bước. Nhiều khó khăn đang cản trở phát triển nông nghiệp công nghệ cao trong đó, nguồn vốn cho vay được cho là "nút thắt" lớn. Chia sẻ về vấn đề nay, ông Nguyễn Thanh Tân, Chủ cơ sở sản xuất Lươn giống tại Tân Thanh, tỉnh Vĩnh Long cho biết: “Những ngân hàng thương mại đều có yêu cầu tài sản thế chấp, cầm cố thì rất khó đối với các cơ sở như chúng tôi. Tỉnh nhà cũng quan tâm nhưng chủ yếu là nguồn vốn khởi nghiệp còn nguồn vốn phát triển thì tiếp cận vẫn còn khó khăn....”
Ts. Cao Sỹ Khiêm, chuyên gia kinh tế
Không chỉ trong lĩnh vực phát triển nông nghiệp công nghệ cao mà cả trong các lĩnh vực phát triển sản xuất khác thì việc tiếp cận nguồn vốn nhất là nguồn vốn trung và dài hạn dường như vẫn còn nhiều vướng mắc. Ts. Cao Sỹ Khiêm, chuyên gia kinh tế cho rằng, vốn là một trong những nhân tố quan trọng quyết định trực tiếp đến sinh mệnh của doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất kinh doanh. Đặc biệt, trong bối cảnh bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi đại dịch Covid -19 với quy mô toàn cầu thì việc khơi thông nguồn vốn giúp doanh nghiệp vượt khó là vô cùng cấp thiết.
Nhiều giải pháp đồng bộ được triển khai
Trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết: Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, ngành ngân hàng đã chủ động nắm bắt, dự báo tình hình, triển khai các giải pháp cấp bách nhằm tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn, hỗ trợ khách hàng vay vốn phục vụ sản xuất kinh doanh với lãi suất ưu đãi. Nhiều giải pháp đã được Ngân hàng Nhà nước tích cực triển khai như:
. Điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận vốn tín dụng với lãi suất cho vay phù hợp.
. Ban hành Thông tư 01/2020/TT-NHNN có hiệu lực từ ngày 13/3/2020 tạo cơ sở pháp lý để các TCTD cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ, tháo gỡ khó khăn về vốn vay cho khách hàng.
. Thông điệp cam kết cung ứng đầy đủ vốn cho nền kinh tế, đồng thời, căn cứ nhu cầu vốn của nền kinh tế và khả năng mở rộng tín dụng lành mạnh của TCTD, NHNN sẽ xem xét điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng của TCTD cao hơn chỉ tiêu đã thông báo từ đầu năm, phù hợp với định hướng điều hành của NHNN.
. Từ đầu năm đến nay, NHNN đã 02 lần giảm đồng bộ 1-1,5%/năm các mức lãi suất điều hành, giảm 1%/năm trần lãi suất cho vay ngắn hạn đối với các lĩnh vực ưu tiên (hiện ở mức 5%/năm). Mức giảm lãi suất điều hành nêu trên của Việt Nam là lớn nhất so với các nước trong khu vực.
. Chỉ đạo các TCTD xem xét tiết giảm chi phí hoạt động, tạo điều kiện hỗ trợ giảm lãi vay cho khách hàng.
Thống đốc Ngân hàng nhà nước khẳng định, thời gian qua ngành ngân hàng đã vào cuộc rất sớm, chủ động, linh hoạt, từng bước tháo gỡ khó khăn cho khách hàng và đã đạt được kết quả bước đầu quan trọng. Những kết quả này đã góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ duy trì tăng trưởng kinh tế hết quý I/2020 đạt 3,82%, mặc dù thấp hơn các năm gần đây nhưng vẫn là điểm sáng so với nhiều nước trên thế giới đang suy giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế.
Trong thời gian tới, Thống đốc nhấn mạnh, Ngân hàng nhà nước sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến kinh tế vĩ mô, thị trường tiền tệ trong và ngoài nước, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành để chủ động, linh hoạt điều hành chính sách tiền tệ nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và góp phần phục hồi tăng trưởng kinh tế; tiếp tục điều hành, kiểm soát quy mô tăng trưởng tín dụng lành mạnh phù hợp với chỉ tiêu định hướng, nhằm thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế và lạm phát được Quốc hội và Chính phủ đặt ra. Trường hợp cần thiết, ngân hàng nhà nước sẽ xem xét điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng của tổ chức tín dụng cao hơn chỉ tiêu đã thông báo từ đầu năm, đảm bảo đáp ứng đầy đủ, có hiệu quả mọi nhu cầu vốn của nền kinh tế.
Như vậy, vừa qua, với sự vào cuộc kịp thời, quyết liệt ngành ngân hàng đã từng bước tháo gỡ khó khăn cho khách hàng và đã đạt được kết quả bước đầu quan trọng; góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ duy trì tăng trưởng kinh tế. Những giải pháp này, bước đầu đã tạo ra những chuyển biến tích cực, được giới chuyên môn đồng tình, đánh giá cao. Theo Ts. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế: “tính đến hết 11 tháng thì tín dụng ngân hàng đã tăng ở mức khoảng gần 8,5% thấp hơn so với mức 11% của năm ngoái nhưng rõ ràng đây là mức rất tích cực và có thể nói rằng, Việt Nam là một trong những nước mà có tốc độ tăng trưởng tín dụng cao nhất trong khu vực. Chúng tôi dự báo sẽ tăng mức 10% đồng thời thì nhiều dòng vốn khác cũng được bổ trợ cho doanh nghiệp,…”. Tuy nhiên, để khơi thông nguồn vốn, Ngân hàng Nhà nước cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ với phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành để chủ động, linh hoạt điều hành chính sách tiền tệ nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và góp phần phục hồi tăng trưởng kinh tế; tiếp tục điều hành, kiểm soát quy mô tăng trưởng tín dụng lành mạnh phù hợp với chỉ tiêu định hướng, nhằm thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế và lạm phát được Quốc hội và Chính phủ đặt ra./.
Kịp thời tháo gỡ khó khăn
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, ngành ngân hàng đã chủ động nắm bắt, dự báo tình hình, triển khai các giải pháp cấp bách nhằm tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn, hỗ trợ khách hàng vay vốn phục vụ sản xuất kinh doanh với lãi suất ưu đãi. Những nỗ lực của ngân hàng nhà nước đã tạo ra những chuyển biến như thế nào trên thực tế? Vai trò của Ngân hàng Nhà nước trong chỉ đạo, điều hành cũng như tham mưu cho Chính phủ trong ban hành các chính sách liên quan đến hoạt động của ngân hàng, các tổ chức tín dụng cần dược nhìn nhận như thế nào? Cổng Thông tin điện tử Quốc hội đã ghi nhận ý kiến của đại biểu Bùi Xuân Thống, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai về nội dung này:
Đại biểu Bùi Xuân Thống, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai
Phóng viên: Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, tốc độ tăng trưởng tín dụng trong những tháng đầu năm 2020 chậm hơn cùng kỳ năm trước. Vậy, thực trạng này phản ánh điều gì thưa đại biểu ?
Đại biểu Bùi Xuân Thống, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai: Vốn có ý nghĩa quan trọng để doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh. Trong bối cảnh năm 2020, dịch bệnh covid – 19 nghiêm trọng trên quy mô toàn cầu khiến doanh nghiệp đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa gặp nhiều khó khăn. Thực tế, trước đó việc tiếp cận vốn vay cũng đã gặp phải rào cản khó khăn. Vì vậy, việc ngân hàng nhà nước cần có những giải pháp kịp thời nhằm tháo gỡ, khơi thông dòng vốn là vô cùng cần thiết.
Phóng viên: Thưa đại biểu, trước khó khăn này, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã tích cực triển khai những giải pháp gì để tháo gỡ?
Đại biểu Bùi Xuân Thống, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai: Trước những khó khăn này, trong văn bản trả lời Ngân hàng Nhà nước đã nêu lên một loạt các giải pháp đồng bộ để tháo gỡ. Trong đó, Ngân hàng đã chủ động ban hành Thông tư số 01; giảm lãi suất; Điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt; tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp vay vốn;... Với những chính sách linh hoạt, kịp thời như vậy đã có tác động tích cực đến thị trường tín dụng chung, hỗ trợ cho doanh nghiệp kịp thời tiếp cận nguồn vốn vay để ổn định và phát triển sản xuất,...Những giải pháp này đã tạo ra những chuyển biến tích cực trên thực tế, được giới chuyên môn đánh giá cao; được cá nhân và doanh nghiệp đồng tình, ủng hộ. Trong những giải pháp ngân hàng nhà nước đã triển khai, tôi cho rằng 1 trong những giải pháp quan trọng là giảm lãi suất. Giải pháp này tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn dễ hơn trong thời điểm khó khăn như thế này. Từ đó, giúp doanh nghiệp có thêm nguồn lực đề vượt qua khó khăn trong năm 2020 để tạo đà phục hồi trong năm 2021 và về sau.
Phóng viên: Những giải pháp Bộ trưởng nêu lên đã được triển khai như thế nào trên thực tế, thưa đại biểu?
Đại biểu Bùi Xuân Thống, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai: Tôi cho rằng bên cạnh sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thì Thống đốc ngân hàng nhà nước đã kịp thời tham mưu và ban hành những chỉ đạo cần thiết trong phạm vi quản lý. Qua đó, từ sau chất vấn và trả lời chất vấn của Thống đốc ngân hàng đến nay kết quả cho thấy, tăng trưởng tín dụng dương và đồng thời lãi suất được ngân hàng nhà nước chỉ đạo hạ xuống tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phục hồi sản xuất. Từ đó góp phần cho tăng trưởng kinh tế mặc dù không đạt chỉ tiêu như Quốc hội đề ra nhưng kết quả đó là điểm sáng so với các nước trong khu vực và thế giới. Có thể nói, những giải pháp do Thống đốc ngân hàng đề ra đã góp phần trong việc thực hiện mục tiêu chung của Chính phủ.
Phóng viên: Vai trò của Ngân hàng Nhà nước trong chỉ đạo, điều hành cũng như tham mưu cho Chính phủ ban hành các chính sách liên quan đến hoạt động của ngân hàng, các tổ chức tín dụng cần được nhìn nhận như thế nào, thưa đại biểu?
Đại biểu Bùi Xuân Thống, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai: Ngân hàng Nhà nước là cơ quan chịu trách nhiệm chính trong việc chỉ đạo, điều hành cũng như tham mưu cho Chính phủ ban hành các chính sách liên quan đến hoạt động của ngân hàng, các tổ chức tín dụng. Thời gian qua, Ngân hàng nhà nước đã chủ động, tích cực trong việc tham mưu, cũng như ban hành các Thông tư, Chỉ thị,.. để kịp thời điều chỉnh, khơi thông nguồn vốn; kết quả được giới chuyên môn đánh giá cao. Tuy nhiên, vẫn có những rào cản, vướng mắc cần tiếp tục tháo gỡ. Vì vậy, bên cạnh những giải pháp đưa ra cần thực hiện việc mở rộng thị trường huy động vốn,.....Tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, cá nhân tiếp cận vốn dễ dàng hơn trong thủ tục, cơ chế tiến hành vay vốn,...
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn Đại biểu!
Cơ bản đồng tình và đánh giá cao nội dung trả lời chất vấn của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, đại biểu Bùi Xuân Thống, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai, cho rằng: Khơi thông dòng vốn để tăng khả năng tiếp cận các nguồn lực của doanh nghiệp được đánh giá là giải pháp quan trọng nhằm phát triển kinh tế. Tuy nhiên, để dòng vốn được khơi thông, cần tạo điều kiện giúp doanh nghiệp tiếp cận vay vốn ngân hàng, huy động vốn trên thị trường chứng khoán, phát triển đa dạng các định chế tài chính, quỹ đầu tư mạo hiểm, quỹ bảo lãnh tín dụng... Đại biểu cũng bày tỏ kỳ vọng, thời gian tới với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ cùng với nỗ lực, quyết tâm của Ngân hàng Nhà nước sẽ tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh đồng thời thực hiện thắng lợi mục tiêu tăng trưởng tín dụng./.