ĐẠI BIỂU NGUYỄN THỊ LAN: TẬP TRUNG PHÁT TRIỂN HỢP TÁC XÃ KIỂU MỚI

18/12/2020

Thảo luận tại Tổ về kinh tế xã hội và ngân sách nhà nước tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, đại biểu Nguyễn Thị Lan – Đoàn ĐBQH TP.Hà Nội khẳng định vai trò của nông nghiệp trong phát triển kinh tế thời gian qua và cho rằng trong chiến lược phát triển nông nghiệp giai đoạn tới cần tập trung phát triển hợp tác xã kiểu mới.

Phát biểu tại phiên thảo luận Tổ số 01 gồm Đoàn đại biểu Quốc hội TP.Hà Nội, cho ý kiến về Báo cáo về phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ trong năm 2020 và trong 5 năm 2015-2020, phương hướng, nhiệm vụ năm 2021 và những năm tiếp theo, đại biểu Nguyễn Thị Lan đánh giá rất cao những kết quả, sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ, của Đảng, của Quốc hội trong những năm vừa qua, đặc biệt là năm 2020.

Đại biểu Nguyễn Thị Lan – Đoàn ĐBQH TP.Hà Nội

Đại biểu nhấn mạnh, tình hình của đất nước chúng ta rất khó khăn, khó khăn chồng chất khó khăn, dịch bệnh COVID-19 cũng chưa bao giờ gặp, các vấn đề về bão lũ, nhiều những vấn đề về địa chính trị, những vấn đề biến động khác nữa làm cho nền kinh tế của chúng ta phải đối mặt với rất nhiều thách thức. Nhưng đến giờ phút này cũng đã vượt qua được khó khăn để tiếp tục phát triển và những điều này đã được thế giới đánh giá rất cao. Đại biểu dẫn chứng, trên các truyền thông quốc tế như trên báo Asia Times đã có những bài báo mang tựa đề như “Ngoại lệ mang tên Việt Nam và sự bứt phá ngoạn mục sau cuộc chiến chống COVID-19”. Quỹ Tiền tệ Quốc tế vào ngày 14 tháng 10 cho biết là GDP của Việt Nam năm 2020 ước tính sẽ đạt 340, 6 tỷ đô và vượt Singapore, Malaysia và trở thành nền kinh tế lớn thứ tư Đông Nam Á. Tháng 5/2020 trên tạp chí Economist đã công bố bảng xếp hạng sức khỏe tài chính của 66 nền kinh tế mới nổi, trong đó Việt Nam đứng thứ 12 và thuộc nhóm an toàn sau đại dịch COVID-19 và được đánh giá là quốc gia có nền tài chính khỏe mạnh trong tình hình đại dịch COVID-19. Giám đốc của Ngân hàng World Bank đánh giá là chưa có nước nào làm được như Việt Nam trong thời gian vừa qua để vượt qua được tình hình khó khăn của đại dịch COVID-19 và nhiều khó khăn khác.

Đại biểu Nguyễn Thị Lan cũng cho biết, nông nghiệp là một trong những điểm sáng trong thời gian vừa qua. Mặc dù tình hình khó khăn nhưng đã đạt được những kết quả rất đáng ghi nhận, đảm bảo các nguồn cung ứng thực phẩm, tỷ lệ che phủ rừng cũng đạt hơn 42%, các vấn đề nông thôn mới cũng đạt được những kết quả rất tốt, các vấn đề về tổ chức hợp tác xã đã có những biến chuyển rất tốt, khi Luật hợp tác xã mới ra đời thì đã có nhiều những hợp tác xã theo mô hình mới cũng đã bắt đầu hình thành.

Tuy nhiên, xuất phát từ những bài học thực tiễn của quốc tế, rà soát đến Chiến lược phát triển nông nghiệp trong thời gian sắp tới, đại biểu Nguyễn Thị Lan nhấn mạnh một số vấn đề. Đại biểu nêu rõ,  để phát triển được bền vững nền nông nghiệp thì vấn đề tổ chức sản xuất rất quan trọng và làm sao để kết nối từ các khâu chuỗi gắn với thị trường, đảm bảo các truy xuất nguồn gốc chất lượng. Trong vấn đề này, đại biểu đánh giá vai trò rất cao của hợp tác xã và cho rằng trong thời gian sắp tới để có thể phát triển nông nghiệp một cách bền vững và nông thôn có thể phát triển thịnh vượng thì hướng đi tất yếu là phải hình thành các hợp tác xã kiểu mới.

Đại biểu phân tích, vừa qua hợp tác xã cũng đạt được một số những kết quả rất tốt, đóng góp vào cho sự phát triển kinh tế nông nghiệp nhưng các mô hình hợp tác xã kiểu mới theo Luật Hợp tác xã năm 2012 thì vẫn còn tồn tại rất nhiều vấn đề. Theo kết quả của nhóm nghiên cứu của Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã tham gia các hội thảo với các nhóm nghiên cứu cho thấy mặc dù mô hình hợp tác xã kiểu mới đã hình thành nhưng hoạt động đúng nghĩa theo mô hình này hay theo chuẩn mực quốc tế thì chưa có nhiều mà hầu như vẫn theo biến tướng đi một chút của mô hình hợp tác xã kiểu cũ và đồng thời núp dưới bóng doanh nghiệp dẫn đến sự không bền vững.

Đại biểu cho biết, để phát triển bền vững cần phải có hợp tác xã kiểu mới. Trong hợp tác xã kiểu mới, vai trò của người dân ở trong tổ chức hợp tác xã này rất quan trọng và có sự bình đẳng, tự chịu trách nhiệm, tự nguyện, tự chủ, mục tiêu hoạt động là tăng thu nhập và mang lại lợi ích thiết thực cho các thành viên. Mỗi thành viên thì có quyền biểu quyết như nhau và thành viên vừa sở hữu tài sản của mình, nhưng đồng thời là cũng sở hữu tài sản của hợp tác xã, vừa sử dụng dịch vụ nội bộ hợp tác xã và lại sử dụng dịch vụ bên ngoài nữa. Nếu thực hiện được theo mô hình này sẽ  giải quyết được nhiều những vấn đề hiện nay bà con nông dân đang gặp phải như bị ép giá hay khả năng để dự báo thị trường kém, khả năng có thể tiếp cận được với các nguồn vốn cũng như khoa học, công nghệ, các biện pháp kỹ thuật thì cũng còn ít, còn thấp.

Đại biểu Nguyễn Thị Lan đề nghị trong thời gian tới, cần phải rà soát, đánh giá tập trung để làm sao phát triển hợp tác xã kiểu mới theo đúng mô hình hợp tác xã quốc tế. Việc cần làm trước mắt là nâng cao nhận thức của tất cả người dân, nhà quản lý về hợp tác xã kiểu mới; cần kịp thời nhận diện, phân tích, đánh giá và tổng kết các mô hình hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới tốt làm cơ sở để chuẩn bị triển khai nhân rộng ra, truyền thông tốt hơn về mô hình này.

Thứ hai là tạo dựng một môi trường pháp lý hoàn thiện để cho hợp tác xã nông nghiệp có thể tự sống được bằng chính sức của nó và thông qua việc hoàn thiện các cơ chế, chính sách để phát triển hợp tác xã nông nghiệp, đặc biệt là chính sách về cán bộ đào tạo nguồn nhân lực đất đai, tài chính, tín dụng, khoa học, công nghệ và thị trường. Hiện nay vẫn còn vướng một số các chính sách, ví dụ như việc tích tụ ruộng đất, tất cả những thứ để chúng ta đưa cơ giới hóa vào thì vẫn còn là một vấn đề, chúng ta cần phải khơi thông tiếp.

Thứ ba là hoàn thiện về cơ chế liên kết hợp tác xã giữa nông dân với hợp tác xã, giữa hợp tác xã đối với doanh nghiệp. Hợp tác xã là cầu nối đóng vai trò rất quan trọng, cầu nối với thị trường để người nông dân tiếp cận được với các doanh nghiệp để các sản phẩm có thể lưu thông một cách hoàn hảo nhất và bền vững nhất để mang lại giá trị gia tăng cao. Ngoài ra huy động mối quan hệ với các tổ chức khoa học, công nghệ, các nhà khoa học, công nghệ để trợ giúp cho các hợp tác xã đưa hàm lượng khoa học, công nghệ vào trong sản phẩm nông nghiệp tốt hơn, đạt chuẩn mực xuất khẩu và tiêu thụ trong nước.

Thứ tư là tăng cường thực hiện chính sách dồn điền đổi thửa, tích tụ ruộng đất để tạo điều kiện cho nông dân gắn bó với ruộng đồng, có thêm đất để sản xuất. Nếu không chuyển đổi nhanh, không có quan tâm sát sao sẽ có rất nhiều các hộ nông dân bỏ hoang ruộng và rất lãng phí.

Thứ năm là kiện toàn công tác quản lý nhà nước đối với hợp tác xã từ trung ương đến địa phương theo hướng bố trí cơ quan đầu mối chuyên trách về kinh tế, hợp tác nói chung và hợp tác xã nói riêng; phân định rõ chức năng quản lý nhà nước về vấn đề hợp tác xã.

Hiện nay có đến 3 đơn vị quản lý về hợp tác xã dẫn đến có lúc chồng chéo và không rõ ràng, để lại những khoảng trống. Do đó, cần phải rà soát lại về chính sách, làm rõ chức năng quản lý của cơ quan nhà nước./.

Bảo Yến