Thảo luận về dự thảo Luật này, đại biểu Lê Thị Nguyệt cho rằng nội dung dự thảo Luật còn nhiều ý kiến khác nhau, đối tượng điều chỉnh tại Điều 2 và Điều 5 (Trung tâm dịch vụ việc làm sự nghiệp công lập thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện việc đưa người lao động đi làm việc có ở nước ngoài theo hợp đồng và thực hiện thỏa thuận quốc tế) là vấn đề mới, sau kỳ họp thứ 9 đã được bổ sung nhưng chưa được đánh giá tác động một cách thấu đáo.
Đại biểu Lê Thị Nguyệt băn khoăn, nếu doanh nghiệp trong dự thảo hiện nay là ký quỹ, vậy cơ quan công lập thì có ký quỹ không, nguồn quỹ này có lấy từ ngân sách nhà nước? Dự thảo quy định không tăng bộ máy, vậy bộ máy hiện nay của Trung tâm dịch vụ việc làm đang thực hiện 7 nhiệm vụ theo Luật Việc làm, nếu thực hiện thêm nhiệm vụ này thì có đảm đương được không, vì việc đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài phải thực hiện việc chuẩn bị nguồn, tiếp cận khách hàng, đào tạo, lập hồ sơ, quản lý con người từ khi đi trong suốt thời gian lao động và hết hợp đồng về nước và tiếp tục lao động.
Đại biểu Lê Thị Nguyệt - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc phát biểu tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội Khóa XIV.
Đại biểu Lê Thị Nguyệt cho biết, qua giám sát của Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, để đưa 500 lao động đi làm việc ở nước ngoài thì cần 100 người để thực hiện nhiệm vụ này. Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo giải trình rõ về biên chế, nguồn lực và đào tạo đội ngũ cán bộ như thế nào. Bên cạnh đó, trường hợp người lao động làm việc ở nước ngoài xảy ra rủi ro, vi phạm thì sẽ xử lý như thế nào, đơn vị nào chịu trách nhiệm.
Đại biểu cũng đặt câu hỏi, việc người lao động làm việc theo hợp đồng của Trung tâm dịch vụ việc làm không phải thu phí trong khi làm việc theo hợp đồng với doanh nghiệp phải thu phí, vậy nguồn kinh phí này có phải từ ngân sách nhà nước không và do Trung ương hay địa phương đảm nhận? Có tạo một sự bất bình đẳng giữa doanh nghiệp và đơn vị sự nghiệp công lập không? Có tạo cơ chế xin cho không? Đối tượng nào sẽ được lao động miễn phí? Và chính sách nhà nước hỗ trợ cho người lao động ở cả đơn vị sự nghiệp công lập và cả doanh nghiệp mới là đạt được mục tiêu trong dự thảo chúng ta sửa đổi lần này.
Khi người lao động ở nước ngoài xảy ra rủi ro, vi phạm thì nhà nước, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Lao động, Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm chịu trách nhiệm xử lý như thế nào là rất khó. Nếu là doanh nghiệp có vi phạm thì việc xử lý có thể ở ngoài trách nhiệm ra thì cần điều chỉnh các chính sách cho nó phù hợp.
Đại biểu Lê Thị Nguyệt cũng cho biết, Nghị quyết 17 của Trung ương có nêu chủ trương xã hội hóa dịch vụ công và nhấn mạnh việc gì doanh nghiệp làm được thì đơn vị sự nghiệp công lập không làm. Trong khi đó hiện nay, cả nước có 495 doanh nghiệp đang thực hiện và có 90% người lao động làm việc ở nước ngoài là từ các doanh nghiệp thực hiện. Đại biểu lo ngại nếu quy định theo Phương án 1 sẽ ảnh hưởng đến sự bình đẳng và tính cạnh tranh công bằng với doanh nghiệp.
Về Trung tâm dịch vụ việc làm, đại biểu Lê Thị Nguyệt cho biết, theo giám sát của Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội hằng năm và đánh giá mới nhất của tổ chức độc lập là World Bank năm 2018, phần lớn các Trung tâm dịch vụ việc làm hiện nay chưa thực hiện đầy đủ chức năng chính là dịch vụ việc làm. Số liệu việc làm trống và người làm việc ở các trung tâm thu thập hầu như rất ít hoặc hạn chế, và lưu trữ không theo tiêu chuẩn thống nhất. Cán bộ tư vấn chưa được đào tạo đầy đủ và bài bản, chưa hình thành được mạng lưới gắn kết giữa trung tâm và doanh nghiệp, và có cơ sở sản xuất kinh doanh không được cung cấp đầy đủ nguồn lực và có mối liên hệ rất hạn chế với các doanh nghiệp. Việc làm chính của Trung tâm dịch vụ việc làm hiện nay là thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp. Nhiệm vụ này chỉ phục vụ một phần nhỏ lực lượng lao động Việt Nam, trong khi nhiệm vụ chính là thực hiện công tác giới thiệu việc làm cho toàn bộ lực lượng lao động thì chưa được quan tâm một cách đúng mức. Theo đại biểu Lê Thị Nguyệt, đây là hạn chế lớn nhất của loại hình Trung tâm dịch vụ việc làm và đối tượng phục vụ của Trung tâm dịch vụ việc làm.
Đại biểu phân tích thêm, hiện nay trung tâm đang phải đối mặt với 3 thách thức cơ bản, thách thức về hệ thống gây ra bởi hệ thống dịch vụ việc làm quốc gia, hạn chế nguồn lực do chủ yếu dựa vào các nguồn chi trả từ bảo hiểm thất nghiệp, và từ hệ thống phân cấp. Danh mục dịch vụ việc làm hạn chế chưa đáp ứng được với đòi hỏi kết nối việc làm. Với những lý do trên, đại biểu Lê Thị Nguyệt đề nghị theo phương án 2 và như vậy sẽ không phải sửa Điều 38 của Luật Việc làm.