Phát biểu tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội Khóa XIV, đại biểu Tạ Minh Tâm góp ý dự thảo Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi) một số nội dung như sau: Về đối tượng áp dụng, Điều 2, Điều 5, đại biểu thống nhất phương án 1, với các lập luận, trình bày tại Báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật số 595 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Đại biểu Tạ Minh Tâm – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang phát biểu từ điểm cầu trực tuyến.
Về trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức có liên quan nhằm bảo vệ quyền của người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng thể hiện trong dự thảo luật, đại biểu kiến nghị Ban soạn thảo một số nội dung cụ thể:
Thứ nhất, trên cơ sở Điều 70, nội dung quản lý Nhà nước về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, bên cạnh Điều 71, 72, đại biểu Tạ Minh Tâm kiến nghị Ban soạn thảo xác định cụ thể hơn trách nhiệm trên các lĩnh vực của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Ngoại giao, các bộ chuyên ngành, cơ chế phối hợp giữa các cơ quan trung ương, phối hợp giữa cơ quan Trung ương và các cơ quan chuyên môn ở địa phương. Đặc biệt, làm rõ trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong phân cấp thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước, bảo đảm các doanh nghiệp, các đơn vị sự nghiệp, tổ chức, cá nhân có liên quan phải tuân thủ các quy định đặt ra, cũng như phát huy tốt nguồn lực lao động này khi trở về nước.
Thứ hai, để bảo đảm đồng bộ Điều 1, phạm vi điều chỉnh, đại biểu Tạ Minh Tâm kiến nghị bổ sung khoản 6 Điều 70 cụm từ "các tổ chức, cá nhân có hoạt động liên quan đến người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng", do đó thể hiện lại như sau "các tổ chức, cá nhân có hoạt động liên quan đến người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng".
Thứ ba, về Điều 19, thông báo chuẩn bị nguồn lao động. Bên cạnh quy định tại khoản 2, để bảo đảm chặt chẽ, đại biểu Tạ Minh Tâm kiến nghị Ban soạn thảo bổ sung một khoản về trách nhiệm của Ủy ban nhân dân tỉnh, nơi doanh nghiệp dịch vụ chuẩn bị nguồn lao động, sau khi tiếp nhận thông báo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phải theo dõi, giám sát, kiểm tra, phát hiện và ngăn chặn kịp thời các biểu hiện vi phạm ảnh hưởng quyền và lợi ích của người lao động ở địa phương.
Thứ tư, Điều 29, trách nhiệm của doanh nghiệp dịch vụ trong trường hợp bị giải thể; Điều 30, trách nhiệm của doanh nghiệp dịch vụ trong trường hợp phá sản. 2 điều này có quy định: "Doanh nghiệp dịch vụ có thể thỏa thuận với doanh nghiệp dịch vụ khác, có giấy phép để chuyển giao quyền và nghĩa vụ trong hợp đồng cung ứng lao động. Hợp đồng đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài còn hiệu lực sau khi bên nước ngoài tiếp nhận người lao động đó đồng ý và đã thông báo cho người lao động. Việc chuyển giao được lập thành phương án và báo cáo cho Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội”. Để bảo đảm tốt nhất quyền lợi cho người lao động, đại biểu Tạ Minh Tâm kiến nghị Ban soạn thảo cân nhắc quy định việc chuyển giao chỉ được thực hiện khi có sự chấp thuận của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
Thứ năm, về Điều 33 quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp trúng thầu, nhận thầu công trình, dự án đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, đại biểu Tạ Minh Tâm kiến nghị thể hiện lại khoản 4 thành thỏa thuận bằng văn bản với người lao động các nội dung bổ sung về tiền lương, điều kiện làm việc, điều kiện sinh hoạt, chế độ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp phù hợp với phương án thực hiện đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài đã báo cáo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam và pháp luật của nước mà người lao động đến làm việc, tức là bổ sung cụm từ "phù hợp với phương án thực hiện đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài đã báo cáo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội". Ngoài ra, đại biểu cũng kiến nghị bổ sung tương tự tại khoản 4 Điều 36 quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài.
Thứ sáu, mặc dù báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật số 595 đã thể hiện, nhưng để bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích của người lao động thuộc phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật, đặc biệt trong tương quan giữa người lao động, doanh nghiệp dịch vụ, người lao động và doanh nghiệp kinh doanh và các tổ chức, cá nhân ngoài nước trong một môi trường có nhiều yếu tố tác động, đại biểu Tạ Minh Tâm kiến nghị bên cạnh hoàn thiện các quy định về vai trò, trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước rất cần thể hiện yêu cầu nhiệm vụ đối với Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân, các tổ chức xã hội, nhất là tổ chức Hội Luật gia trong tư vấn, hỗ trợ cũng như bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của thành viên mình, góp phần thực hiện tốt nhất yêu cầu đặt ra khi xây dựng dự án luật.