Đại biểu Dương Văn Thống, Đoàn ĐBQH tỉnh Yên Bái đề nghị Chính phủ cắt giảm ngân sách chi thường xuyên để tăng ngân sách đầu tư phát triển.
Đại biểu Dương Văn Thống cho biết, nghiên cứu các báo cáo của Chính phủ, các báo cáo thẩm tra của các Ủy ban của Quốc hội, đại biểu tán thành với đánh giá kết quả kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, đầu tư công, chương trình mục tiêu quốc gia, xử lý nợ xấu trong những năm vừa qua và năm 2020. Chúng ta vui mừng về kết quả đạt được, đất nước phát triển ổn định, niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ được củng cố vững chắc hơn.
Góp ý về dự báo tình hình và tăng trưởng kinh tế năm 2021, đại biểu Dương Văn Thống cho biết, cách đây hơn 5 tháng, Chính phủ dự kiến 2 kịch bản tăng trưởng năm 2020, xấu nhất là đạt 3,6%, cao nhất đạt 5,2%. Nay nhìn lại cả hai kịch bản đều chưa sát thực tế. Đại biểu đồng tình dự báo tình hình năm 2021 của Chính phủ về đại dịch COVID-19 và tác động tiêu cực với kinh tế, đầu tư, thương mại toàn cầu. Những ngày gần đây tình hình đại dịch có vẻ xấu đi. Chúng ta đặt ra mục tiêu tăng trưởng khoảng 6% so với năm 2020. Trong báo cáo của Chính phủ cũng như trong dự thảo nghị quyết Quốc hội, đại biểu đồng tình, nhưng phân vân về một số vấn đề. Cụ thể gần đây, một số tổ chức quốc tế dự báo là tăng trưởng kinh tế thế giới u ám hơn so với dự báo cách đây 1, 2 tháng. Đại biểu đề nghị trong tăng trưởng kinh tế có thể chậm hơn nhưng bền vững, hiệu quả, hài hòa, làm cho dân hài lòng và hạnh phúc. Chúng ta giải quyết tốt các vấn đề về giáo dục, y tế, đời sống, môi trường trong công tác, trong quan hệ với dân.
Vấn đề thứ hai, về ngân sách nhà nước hoặc liên quan đến ngân sách nhà nước, đại biểu cho rằng thuế thu nhập doanh nghiệp trong cơ cấu thu ngân sách nhà nước giai đoạn 2016-2020 giảm so với giai đoạn trước. Mặc dù chi thường xuyên từ ngân sách có giảm, còn khoảng 64% nhưng vẫn còn rất cao và chúng ta trong thực tế vẫn còn thấy lãng phí, có thể cắt giảm để dồn cho chi đầu tư phát triển. Đại biểu đề nghị từ năm 2021, nhất là trong xây dựng kế hoạch ngân sách nhà nước năm 2021-2025 cần rà soát, cắt giảm mạnh hơn nữa chi thường xuyên. Một số chính sách quy định như kiểu đặc thù với một số ngành cần phải rà soát lại, không để dư luận lâu nay râm ran là đặc quyền. Chúng ta phải kiên quyết xóa bỏ những bất hợp lý, không nể nang.
Vấn đề thứ ba, về đầu tư công, đại biểu Dương Văn Thống cho rằng thời gian qua, Chính phủ, các địa phương đã chỉ đạo gắt gao, nhưng vẫn có nhiều bất cập kéo dài, ảnh hưởng đến hiệu quả, chất lượng đầu tư công. Đại biểu đề nghị tập trung rà soát các khâu, chuẩn bị phân bổ dự toán, chuẩn bị đầu tư cấp vốn, thời gian cấp vốn, đồng thời làm tốt và kiên quyết tạo được mặt bằng cho các dự án. Đương, nhiên phải tăng cường kiểm tra, giám sát việc thi công. Những bất cập trong chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị phân bổ dự toán, tôi nói chuẩn bị là cả một quá trình rất phức tạp. Những bất cập trong việc này là rất phức tạp, tinh vi mà không loại trừ là không lành mạnh. Cho nên cần phải kiểm tra, giám sát ở các khâu đó.
Về cải cách bộ máy và cán bộ theo đại biểu Dương Văn Thống, thời gian qua, chúng ta đã làm kiên quyết có kết quả, nhất là giảm tổ chức, giảm biên chế, giảm đơn vị hành chính ở cơ sở và tổ chức dưới cơ sở, giúp tiết kiệm ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, sự vận hành của cả bộ máy, thực thi công vụ của cán bộ, công chức ở một số bộ phận vẫn chưa hiệu quả, nhân dân và doanh nghiệp không hài lòng. Mấy năm gần đây, chúng ta hay dùng lối nói ví von “trên ga dưới phanh”, “trên nóng dưới lạnh”, điều này chỉ đúng một phần và không toàn diện. Nhìn thẳng vào sự thật, chúng ta thấy một bộ phận nhân dân không hài lòng vì cán bộ nhiêu khê và không ít nơi, không ít cán bộ cấp dưới thấy một bộ phận cán bộ cấp trên, cơ quan cấp trên (cả địa phương và trung ương) vẫn chưa hoàn thành nhiệm vụ được giao. Đại biểu đề nghị phải bổ sung các biện pháp, tăng cường kiểm tra, giám sát cán bộ, công chức gắn với áp dụng công nghệ hiện đại và công khai, minh bạch trong công tác quản lý và thực hiện nhiệm vụ.
Về công tác phòng tránh thiên tai, đại biểu Dương Văn Thống cho rằng mưa, bão, úng ngập, hạn hán, dịch bệnh là chuyện bình thường của tự nhiên. Hiện nay, con người tác động vào làm cho thiên tai tần suất, cường độ dồn dập hơn và mạnh hơn, thiệt hại rất ghê gớm. Do vậy, cần điều chỉnh một số việc cụ thể như đầu tư cho miền núi, làm đậm đặc diện tích rừng, tìm đất ở cho dân, chuyển công nghệ, xây dựng hạ tầng cho phù hợp với điều kiện thực tế từng vùng miền.../.