ĐBQH TRẦN HOÀNG NGÂN: CHÍNH PHỦ CẦN XÂY DỰNG NHIỀU KỊCH BẢN VỪA PHÒNG CHỐNG DỊCH VỪA PHÁT TRIỂN KINH TẾ

11/01/2021

Góp ý vào Báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách đầu tư công trong giai đoạn năm 2016-2020 và cho ý kiến về phương hướng năm 2021-2025, đại biểu Trần Hoàng Ngân đề nghị chính phủ cần xây dựng nhiều kịch bản vừa phòng chống dịch vừa phát triển kinh tế.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân, Đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân, Đoàn ĐBQH TP. Hố Chí Minh cho rằng, trước khi COVID -19 bùng phát, kết quả kinh tế xã hội đã đạt được hầu hết các chỉ tiêu mà Quốc hội đã thông qua Nghị quyết 142,  Nghị quyết 24, Nghị quyết 25, Nghị quyết 26 về các kế hoạch đầu tư kinh tế - xã hội. Kinh tế của nước ta liên tục tăng trưởng từ 6,2 lên 6,8 lên 7,0, bình quân đạt 6,8%. Điều quan trọng hơn là Việt Nam đã tạo ra một nền kinh tế vĩ mô ổn định khá vững chắc. Chúng ta đã kiểm soát lạm phát, bình quân kiểm soát dưới 4%. Việt Nam cũng tạo được các cân đối lớn của nền kinh tế. Điều quan trọng hơn là dự trữ ngoại hối tăng và cải thiện rất tốt, từ đó đảm bảo sự ổn định tiền tệ và tăng niềm tin vào sức mua giá trị đồng tiền Việt Nam.

Chúng ta đã tạo ra một dư địa rất tốt cho nợ công để có cơ sở tăng đầu tư và tạo điều kiện tăng trưởng bền vững hơn. Tuy nhiên, đến năm 2020, một diễn biến bất thường xuất hiện, đó là đại dịch COVID -19  đã cướp đi sinh mạng của 1,2 triệu người trên thế giới, ở Việt Nam 35 người đã ra đi, lấy đi 7-8% GDP của toàn cầu, tương ứng với khoảng 6.000 đến 7.000 tỷ USD. Việt Nam dự kiến mất đi 500.000 tỷ. Thu ngân sách năm 2020, kế hoạch đưa ra phải thu được 1.512.000 tỷ, nếu phấn đấu tích cực thì thu được khoảng 1,3 triệu tỷ. Như vậy, Việt Nam thất thu khoảng 189.000 tỷ đồng, cho nên bội chi ngân sách đã tăng thêm trên 84.000 tỷ đồng. Những con số này cho thấy thấy thiệt hại do COVID quá lớn. Do đó, trong thời gian tới khi xây dựng kế hoạch kinh tế - xã hội năm 2021, cũng như xây dựng kế hoạch kinh tế - xã hội năm 2021-2025, chúng ta phải thận trọng với biến COVID này.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân nhấn mạnh, hiện nay châu Âu đang tiếp tục phong tỏa, đang tiếp tục cách ly, giãn cách xã hội. Kinh tế thế giới có khả năng tiếp tục suy thoái kép. Do vậy, xây dựng phương hướng, kế hoạch của năm 2021, Chính phủ nên xây dựng nhiều kịch bản. Một kịch bản tốt nhất là COVID-19 được kiểm soát, vaccine phát sinh hiệu quả và kinh tế thế giới phục hồi. Nếu yếu tố này xảy ra thì tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2021 trên 6% là khả thi. Theo IMF và World Bank dự báo nếu những yếu tố đó thuận lợi thì Việt Nam sẽ tăng trưởng khoảng 6,7% - 6,8%. Tuy nhiên, chúng ta phải có một kịch bản không thuận lợi, đó là vaccine không hiệu quả, COVID-19 có thể tái phát trở lại và kinh tế thế giới suy thoái kép. Nếu như vậy thì tăng trưởng của Việt Nam chỉ có thể đạt khoảng 4% đến 4,5% như World Bank dự báo.

Bên cạnh đại dịch COVID-19, theo đại biểu Trần Hoàng Ngân, Việt Nam phải đầu tư nhiều hơn cho y tế cơ sở, y tế cộng đồng, y tế dự phòng. Chúng ta phải đầu tư nhiều hơn cho các trung tâm kiểm soát dịch bệnh và có sự liên kết giữa các vùng, các địa phương, kể cả kết nối với Trung tâm kiểm soát dịch bệnh quốc tế. Bên cạnh đó, phải trân trọng và đầu tư, tài trợ cũng như mức thu nhập thích đáng cho ngành y. Đại biểu bày tỏ sự cảm ơn đến các chiến sĩ áo trắng luôn xuất hiện trong tuyến đầu chống dịch vừa qua. Bên cạnh kiểm soát dịch bệnh COVID-19, biến đổi khí hậu hiện nay còn rất khắc nghiệt và thiên tai, lũ lụt trong những ngày vừa qua, do vậy Chính phủ phải trích quỹ dự phòng tài chính của năm 2020 (chúng ta có khoản dự phòng 35.000 tỷ) cần phải chi cho các địa phương đang gặp khó khăn do lũ lụt. Nhưng chúng ta phải giải quyết bài toán căn cơ hơn. Bởi vì, năm nào chúng ta cũng chứng kiến lũ lụt, bão tố ở khu vực miền Trung. Cho nên phải tính đến yếu tố quy hoạch, yếu tố chuyển người dân đến nơi an toàn.

Ngoài ra, đại biểu Trần Hoàng Ngân cho rằng trong năm 2020, Việt Nam đạt được thành công lớn trong lĩnh vực đối ngoại. Chủ tịch Quốc hội, các Ủy ban của Quốc hội đã làm rất tốt ở vai trò của Chủ tịch AIPA, Chủ tịch ASEAN năm 2020 trong điều kiện đang có COVID, Ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, chúng ta đang làm rất tốt. Cho nên trong thời gian tới chúng ta cần phát huy hơn nữa những giao dịch trực tuyến, thương mại điện tử, thanh toán online, v.v../.

Lan Hương