ĐBQH VÕ THỊ NHƯ HOA GÓP Ý VỀ MỘT SỐ NỘI DUNG CÒN Ý KIẾN KHÁC NHAU CỦA DỰ THẢO LUẬT BIÊN PHÒNG VIỆT NAM

11/01/2021

Tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV, đóng góp ý kiến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của Dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam, đại biểu Quốc hội Võ Thị Như Hoa, Đoàn ĐBQH Tp. Đà Nẵng đề nghị bổ sung thêm 1 hình thức hợp tác quốc tế về biên phòng, đó là phối hợp tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm pháp luật về biên phòng.

Đại biểu Võ Thị Như Hoa, Đoàn ĐBQH TP Đà Nẵng phát biểu từ điểm cầu trực tuyến

Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Võ Thị Như Hoa, Đoàn ĐBQH TP Đà Nẵng cho rằng, tại khoản 2 Điều 12 dự thảo luật đã khẳng định Bộ đội biên phòng chủ trì duy trì an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới, cửa khẩu theo quy định của pháp luật. Theo đại biểu, việc quy định chức năng cụ thể như dự thảo là hoàn toàn phù hợp, bởi theo quan điểm của Đảng thì chức năng duy trì an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới, cửa khẩu của lực lượng Bộ đội biên phòng là chủ trương của Đảng trong việc lãnh đạo toàn diện công tác biên phòng và bảo vệ biên giới quốc gia.

Thứ hai, đại biểu khẳng định việc quy định khoản 2 Điều 12 dự thảo luật là hoàn toàn phù hợp và thể hiện tính thống nhất với các quy định có liên quan trong hệ thống pháp luật Việt Nam.

Thứ ba, tại khu vực biên giới quốc gia có nhiều lực lượng làm nhiệm vụ, do đó cần thiết phải quy định một lực lượng làm nòng cốt, chuyên trách, chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức duy trì an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới, cửa khẩu. Thực tiễn cho thấy trong những năm qua tình hình an ninh, trật tự trên các tuyến biên giới vùng biển luôn giữ vững ổn định, Bộ đội biên phòng luôn được Đảng, Nhà nước đánh giá cao, chính quyền và Nhân dân ghi nhận. Từ cơ sở chính trị, thực tiễn như phân tích ở trên, việc quy định về vị trí, chức năng của Bộ đội biên phòng như dự thảo là phù hợp và cần thiết.

Về hạn chế tạm dừng các hoạt động ở vành đai biên giới, khu vực biên giới, qua lại biên giới tại Điều 16 của dự thảo luật. Tại khoản 1 Điều 16 dự thảo quy định các trường hợp được hạn chế hoặc tạm dừng, đó là a: "đe dọa đến chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia, địch xâm nhập". b là "gây bạo loạn, truy bắt tội phạm có vũ khí, khủng bố, bắt cóc con tin, bảo đảm an toàn tính mạng của Nhân dân và c là "ngăn chặn thiên tai, hỏa hoạn, lũ lụt, dịch bệnh lan truyền qua biên giới". Đại biểu cho rằng việc quy định như dự thảo tại khoản 1 là phù hợp, tuy nhiên tại khoản 2 dự thảo chỉ quy định "hạn chế ra vào khu vực có dịch bệnh, hỏa hoạn, thiên tai tại khu vực cửa khẩu" tức là tùy trường hợp là những trường hợp mà quy định tại điểm c khoản 1, nhưng không hạn chế ra vào tại các khu vực đang xảy ra hành vi quy định tại điểm a, b, khoản 1 điều này. Trong tình huống xảy ra hành vi đe dọa chủ quyền, địch xâm nhập, bạo loạn, khủng bố, v.v. theo điểm a, điểm b khoản 1 cũng cần thiết phải hạn chế việc ra vào của người dân để đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân, đồng thời tạo thuận lợi cho hoạt động trấn áp, xử lý của các cơ quan chức năng. Do vậy, đại biểu đề nghị rà soát, bổ sung để đảm bảo quy định này được đầy đủ, toàn diện, đáp ứng được yêu cầu thực tế từ các tình huống đã được quy định tại khoản 1 của Điều 16 dự thảo.

Ngoài ra, dự thảo luật chưa quy định hình thức ra quyết định hạn chế tạm dừng các hoạt động cũng như là việc thông báo các quyết định này, do đó đại biểu đề nghị nghiên cứu bổ sung cho đầy đủ. Đại biểu nêu rõ cần phải quy định rõ việc quyết định thực hiện bằng mệnh lệnh lời nói hay là bằng quyết định, hoặc trường hợp nào thì phải bằng văn bản, trường hợp nào có thể dùng mệnh lệnh lời nói ngay lập tức. Ví dụ trường hợp khẩn cấp, người có thẩm quyền có thể quyết định bằng lời nói và sau đó lập thành văn bản để đảm bảo tính kịp thời. Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị bổ sung hình thức thông báo khi ra các quyết định nêu trên là thông báo bằng văn bản hay là hình thức nào khác.

Việc hạn chế tạm dừng các hoạt động tại Điều 16 của dự thảo luật cũng là việc hạn chế quyền con người, quyền công dân, do vậy đại biểu đề nghị có quy định cụ thể để tránh việc áp dụng không thống nhất.

Về hình thức hợp tác quốc tế tại khoản 3 Điều 11 dự thảo, tại đó, dự thảo có quy định 4 hình thức hợp tác quốc tế. Đại biểu đề nghị bổ sung thêm 1 hình thức hợp tác quốc tế về biên phòng, đó là phối hợp tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm pháp luật về biên phòng. Đây là hình thức hợp tác ngày càng phổ biến hiện nay giữa các nước, qua đó vừa nâng cao hiệu quả công tác biên phòng, vừa xây dựng lòng tin, mối quan hệ hữu nghị giữa các quốc gia, đặc biệt là trong bối cảnh hiện nay, tình trạng tội phạm xuyên quốc gia ngày càng phổ biến và cần phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các quốc gia để nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm./.

Minh Hùng