ĐBQH LÊ THỊ THANH LAM: CẦN THIẾT QUY ĐỊNH NHIỆM VỤ CỦA TÒA ÁN TRONG GIẢI THÍCH ÁP DỤNG PHÁP LUẬT TRONG BẢN ÁN, QUYẾT ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

26/03/2024

Đóng góp ý kiến hoàn thiện dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi), tại Hội nghị Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 5, đại biểu Lê Thị Thanh Lam – Phó Trưởng Đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang cho rằng, quy định nhiệm vụ của Tòa án “giải thích áp dụng pháp luật trong bản án, quyết định của Tòa án trong dự thảo Luật là cần thiết.

KHAI MẠC HỘI NGHỊ ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI HOẠT ĐỘNG CHUYÊN TRÁCH LẦN THỨ 5 QUỐC HỘI KHÓA XV: HỘI NGHỊ CÓ Ý NGHĨA QUAN TRỌNG CHO VIỆC HOÀN THÀNH NHIỆM VỤ LẬP PHÁP CỦA KỲ HỌP THỨ 7

Toàn cảnh Hội nghị Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 5

Đóng góp ý kiến hoàn thiện dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) tại Hội nghị Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 5, đại biểu Lê Thị Thanh Lam – Phó Trưởng Đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang cơ bản thống nhất với những nội dung quy định của dự thảo Luật; đồng thời đánh giá cao cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra đã tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật sau khi đại biểu Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 6.

Về giải thích căn cứ áp dụng pháp luật trong bản án, quyết định của Tòa án (Điều 31), đại biểu Lê Thị Thanh Lam cho rằng, quy định nhiệm vụ của Tòa án “giải thích áp dụng pháp luật trong bản án, quyết định của Tòa án trong dự thảo Luật là cần thiết. Bởi, trong bộ máy nhà nước, chỉ duy nhất Tòa án thực hiện chức năng xét xử, có quyền ra bản án tuyên ai đúng, ai sai, tuyên một người có tội hay không có tội; tù hay không tù; tử hình hay không tử hình. Như vậy, phán quyết của Tòa án liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Do vậy, Tòa án phải giải thích rõ trong bản án: vì sao lại tuyên họ có tội? vì sao lại áp dụng Luật này, mà không phải Luật khác? Vì sao lại áp dụng Điều này, mà không phải Điều khác?...

Đại biểu Lê Thị Thanh Lam – Phó Trưởng Đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang 

Đại biểu Lê Thị Thanh Lam cho biết, hoạt động “giải thích áp dụng pháp luật trong xét xử” là hoạt động lâu nay các Tòa án, các Thẩm phán vẫn đang làm khi xét xử (không phải là hoạt động mới). Do đó, việc luật hóa hoạt động “giải thích áp dụng pháp luật trong xét xử” vào dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) sẽ ràng buộc trách nhiệm cao hơn đối với các Tòa án, các Thẩm phán; tạo cơ sở pháp lý để xã hội (mà trước hết là bị cáo, đương sự) giám sát hoạt động xét xử, giám sát bản án của Tòa án. Đồng thời, đáp ứng yêu cầu của Nghị quyết số 27-NQ/TW “bảo đảm tốt hơn quyền con người, quyền công dân trong hoạt động xét xử”.

Vấn đề đặt ra là việc quy định trong dự thảo luật thẩm quyền giải thích áp dụng pháp luật trong xét xử có vi phạm Hiến pháp hay không? Vì khoản 2, Điều 74, Hiến pháp năm 2013 quy định: Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải thích Hiến pháp, Luật, Pháp lệnh. Giải thích của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là giải thích về nội dung, Hiến pháp, luật, pháp lệnh khi nội dung đó còn có nhiều cách hiểu khác nhau, chưa có sự thống nhất trong nhận thức. Còn giải thích của Tòa án là giải thích căn cứ lựa chọn quy phạm pháp luật để áp dụng cho chủ thể bị áp dụng hiểu. Bản thân quy phạm pháp luật Tòa án giải thích đã có sự thống nhất trong nhận thức, không có mâu thuẫn trong cách hiểu. Do đó, dự thảo quy định thẩm quyền mới này cho Tòa án là hoàn thoàn phù hợp, tăng niềm tin của Nhân dân vào hệ thống pháp luật.

Đại biểu dự Hội nghị

Ngoài ra, để tiếp tục hoàn thiện dự thảo luật liên quan đến quy định về đổi mới Toà án nhân dân cấp tỉnh, Toà án nhân dân cấp huyện theo thẩm quyền xét xử (khoản 1 Điều 4), đại biểu Lê Thị Thanh Lam lựa chọn phương án 1 và cho rằng, việc đổi tên là chưa phù hợp. Bởi theo dự thảo luật, dù đổi tên nhưng Tòa án nhân dân sơ thẩm, Tòa án nhân dân phúc thẩm vẫn gắn với đơn vị hành chính cấp huyện, cấp tỉnh; thẩm quyền xét xử và tổ chức của Tòa án vẫn không thay đổi. Do vậy, chưa thực sự đáp ứng yêu cầu “bảo đảm tính độc lập của Tòa án theo thẩm quyền xét xử”.

Về việc đổi tên các Tòa án dẫn tới không tương thích với cơ cấu tổ chức của các cơ quan tư pháp khác ở địa phương (cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, cơ quan Thi hành án dân sự). Việc đổi tên Tòa án nhân dân phúc thẩm nhưng tòa án này vẫn có thẩm quyền xét xử sơ thẩm một số vụ án, như vậy chức năng không đúng với tên gọi.

Theo đại biểu, việc thay đổi tên gọi của cả hai cấp Tòa án dẫn tới phải sửa đổi, bổ sung các đạo luật tư pháp có liên quan như Bộ luật Tổ tụng hình sự, Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Thi hành án dân sự… gây vấn đề phức tạp và tốn kém ngân sách Nhà nước. Do vậy, đại biểu Lê Thị Thanh Lam đề nghị giữ nguyên tên gọi Tòa án các cấp như hiện nay để người dân dễ nhận biết và phù hợp với thẩm quyền của từng cấp Tòa án. Đồng thời, nên quy định rõ, cụ thể Tòa án chuyên biệt để phù hợp hơn trong thực tiễn và thông lệ quốc tế về nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án sơ thẩm chuyên biệt.

Đối với quy định về việc thu thập tài liệu, chứng cứ trong giải quyết vụ án hình sự, hành chính, vụ việc dân sự và các vụ việc khác thuộc thẩm quyền của Tòa án (Điều 15), đại biểu Lê Thị Thanh Lam đề nghị bổ sung quy định Tòa án hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền hỗ trợ đương sự là người yếu thế trong xã hội thu thập chứng cứ trong vụ việc dân sự, vụ án hành chính theo quy định của pháp luật là hoàn toàn phù hợp với các quy định của pháp luật và thông lệ quốc tế.

Ngoài ra, tại Chương VI, Điều 121 về Hội thẩm, đại biểu Lê Thị Thanh Lam cho rằng, trong dự thảo luật quy định về trách nhiệm của Hội thẩm nhân dân chưa đầy đủ. Dự thảo luậ có quy định nghĩa vụ của Hội thẩm nhưng chưa quy định chế tài tương ứng. Do vậy, cần thiết phải quy định rõ ràng hơn về trách nhiệm và chế tài của Hội thẩm nhân dân để đảm bảo chất lượng xét xử.

Lan Hương - Phạm Thắng

Các bài viết khác