ĐBQH ĐẶNG BÍCH NGỌC: VIỆC SỬA ĐỔI LUẬT PHẢI GIẢI QUYẾT ĐƯỢC CĂN CƠ NHỮNG VƯỚNG MẮC, VẤN ĐỀ TRONG THỰC TIỄN ĐANG ĐÒI HỎI

26/03/2024

Thông qua Hội nghị ĐBQH hoạt động chuyên trách lần thứ 5, nhiệm kỳ khóa XV, đại biểu Đặng Bích Ngọc - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hoà Bình nêu quan điểm: Những luật cũ đang được thực hiện nhưng lại gặp khó khăn, vướng mắc ở cơ sở thì khi sửa đổi luật cần có sự xem xét thấu đáo để khi luật sửa đổi được ban hành phải giải quyết được căn cơ những vướng mắc, vấn đề trong thực tiễn đang đòi hỏi.

ĐBQH TRẦN VĂN KHẢI: CƠ CHẾ THỬ NGHIỆM CÓ KIỂM SOÁT TRONG DỰ THẢO LUẬT THỦ ĐÔ (SỬA ĐỔI) CÒN NHỮNG ĐIỂM BẤT CẬP, CẦN ĐƯỢC CHỈNH SỬA

ĐBQH NGUYỄN THỊ THU HÀ: CÂN NHẮC VIỆC ĐỔI MỚI TAND CẤP TỈNH, CẤP HUYỆN THEO THẨM QUYỀN XÉT XỬ

Toàn cảnh Hội nghị ĐBQH hoạt động chuyên trách lần thứ 5, nhiệm kỳ khóa XV.

Việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Hội nghị ĐBQH hoạt động chuyên trách lần thứ 5, nhiệm kỳ khóa XV để thảo luận một số nội dung trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 7 tới được xem là bước chuẩn bị kỹ lưỡng cho các dự án luật thực sự chất lượng, có thể áp dụng hiệu quả trong thực tiễn cuộc sống khi có hiệu lực ban hành.

Để có thêm đóng góp ý kiến đối với công tác lập pháp trước kỳ họp thứ 7 thông qua Hội nghị ĐBQH hoạt động chuyên trách lần thứ 5, nhiệm kỳ khóa XV, phóng viên Cổng Thông tin điện tử Quốc hội phỏng vấn đại biểu Đặng Bích Ngọc - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hoà Bình.

Phóng viên: Hội nghị ĐBQH hoạt động chuyên trách lần thứ 5, nhiệm kỳ khóa XV để thảo luận một số nội dung trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 7. Đại biểu nhận định về các dự án luật được đưa ra tại Hội nghị lần này?

Đại biểu Đặng Bích Ngọc - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hoà Bình: Để chuẩn bị cho kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Hội nghị Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) hoạt động chuyên trách lần thứ 5 với nhiệm vụ thảo luận một số nội dung trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp tới. Đây là công tác chuẩn bị một bước cho việc xây dựng pháp luật liên quan đến kỳ họp thứ 7 với nhiều nội dung trọng tâm, trong đó dự kiến có 10 luật sẽ được Quốc hội cho ý kiến lần đầu, 10 luật sẽ được Quốc hội xem xét thông qua. Qua Hội nghị ĐBQH hoạt động chuyên trách lần thứ 5, các ĐBQH chuyên trách sẽ có thời gian tập trung nghiên cứu những vấn đề, nội dung mà dự án luật đã được đưa ra xin ý kiến.

Đại biểu Đặng Bích Ngọc - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hoà Bình.

Phải khẳng định rằng, đối với các dự án luật xin ý kiến tại Hội nghị ĐBQH hoạt động chuyên trách lần này cũng đã được các Bộ, ngành, cơ quan tham mưu, các Ủy ban của Quốc hội thẩm tra kỹ lưỡng. Nhiều nội dung được chuẩn bị rất chu đáo, đặc biệt là những dự án luật đã xin ý kiến lần đầu. Sau khi các đại biểu cho ý kiến thì nhiều nội dung đã được tiếp thu, chỉnh lý và trong những báo cáo giải trình của các Ủy ban cũng đã phân tích, đánh giá rất rõ những vấn đề cần được tiếp thu, phải làm rõ, cần được giải trình để các ĐBQH có cơ sở cũng như sự chuẩn bị các nội dung để tiếp tục hoàn thiện các dự án luật trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp thứ 7.

Phóng viên: Đại biểu có thể cho biết sự quan tâm về những dự án luật sẽ được trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp thứ 7 thông qua Hội nghị ĐBQH hoạt động chuyên trách lần thứ 5?

Đại biểu Đặng Bích Ngọc - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hoà Bình: Để chuẩn bị cho kỳ họp thứ 7, các Ủy ban của Quốc hội cũng đã phải làm việc rất khẩn trương và hoàn thiện nhiều nội dung. Tại Hội nghị ĐBQH hoạt động chuyên trách lần thứ 5, tôi thấy nhiều nội dung cũng đã được tiếp thu, chỉnh lý. Những luật được cử tri và Nhân dân quan tâm sẽ được Quốc hội xem xét như: Dự án Luật Lưu trữ (sửa đổi), dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản, dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Ngoài ra, dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) đã nhận được nhiều ý kiến xác đáng. Bởi vì Thủ đô Hà Nội là trái tim của cả nước nên phải có cơ chế đặc thù để Thủ đô Hà Nội “cất cánh”. Mặc dù trong Báo cáo tiếp thu, giải trình của Ủy ban Pháp luật cũng đã đưa ra nhiều nội dung. Tuy nhiên, các ĐBQH mong muốn khi xây dựng cơ chế đặc thù cho Thủ đô Hà Nội thì phải đảm bảo những quy định ban hành được thực hiện hiệu quả. Điều này cũng là góp phần thu hút thêm nguồn lực, nhân tài cho Thủ đô...

Đối với dự án Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi), tại kỳ họp thứ 6 còn nhiều vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu thì đến nay, các nội dung đã được cô đọng hơn trước rất nhiều. Mặt khác, nhiều vấn đề trong thực tiễn cũng đã được cơ quan soạn thảo, thẩm tra tiếp thu trong lần sửa đổi Luật này.

 

Các đại biểu tham dự Hội nghị ĐBQH hoạt động chuyên trách lần thứ 5, nhiệm kỳ khóa XV.

Cũng tại Hội nghị ĐBQH hoạt động chuyên trách lần thứ 5 này, tôi đặc biệt quan tâm đến dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, trong đó có nội dung liên quan đến nồng độ cồn được quy định trong Luật này. Sau khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp và Ủy ban Quốc phòng An ninh đã có sự thẩm tra về nội dung này, tôi cho rằng, để đảm bảo các quy định của pháp luật trong việc tương thích với Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia thì người dân cần phải đảm bảo nồng độ cồn bằng 0 khi tham gia giao thông. Điều này cũng là tiếp tục phát huy văn hóa, ý thức khi tham gia giao thông không uống rượu bia mà người dân đã thực hiện tốt trong thời gian qua cũng như những thành quả mà chúng ta đã đạt được vì đã giảm tải đáng kể số vụ tai nạn giao thông.

Việc đảm bảo nồng độ còn bằng 0 khi tham gia giao thông cũng là cơ sở để chúng ta thực hiện tốt và cũng tạo được nét văn hóa cho người dân Việt Nam, đảm bảo an toàn cho người dân khi lái xe.  

Đối với dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), hiện nay, nhiều người đang rất quan tâm đến vấn đề hạ độ tuổi để hưởng chính sách bảo hiểm xã hội, giảm thiểu việc rút bảo hiểm xã hội một lần cũng như các điều kiện, quy định trong dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) sẽ tạo điều kiện tốt nhất để cho người lao động yên tâm hoặc khi tham gia đóng bảo hiểm xã hội, người dân đều mong muốn sẽ có một khoản kinh phí nhất định để sau khi về già có cuộc sống đảm bảo. Mặc dù những quy định liên quan đến bảo hiểm xã hội vẫn nhận được những ý kiến khác nhau nhưng các cơ quan cũng cần có những phân tích, đánh giá để những quy định đưa ra phải đảm bảo tốt nhất quyền lợi của người dân. Đặc biệt là khi Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) có hiệu lực thì phải phù hợp với yêu cầu thực tiễn cuộc sống, tránh trường hợp luật ban hành nhưng lại có những điều không phù hợp hoặc phải có sự điều chỉnh nên ảnh hưởng lớn đến việc triển khai sau này. Chính vì vậy, thông qua Hội nghị ĐBQH hoạt động chuyên trách lần thứ 5 sẽ là cơ sở quan trọng để các ĐBQH chuyên trách sẽ có thời gian nhiều hơn để nghiên cứu tài liệu, các vấn đề còn đang có ý kiến khác nhau để hoàn thiện các dự án luật một cách phù hợp với thực tế trước khi trình Quốc hội xem xét các dự án luật tại kỳ họp thứ 7.

Phóng viên: Để các dự án luật đạt chất lượng, có thể áp dụng hiệu quả vào thực tiễn cuộc sống, theo đại biểu, cơ quan soạn thảo và thẩm tra dự án luật cần lưu ý giải quyết những vấn đề  nào còn đang có những vướng mắc?

Đại biểu Đặng Bích Ngọc - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hoà Bình: Tại Hội nghị ĐBQH hoạt động chuyên trách lần thứ 5, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã đưa ra định hướng là khi đóng góp ý kiến vào các dự án luật thì ngoài việc xem xét những nội dung chính mà trực tiếp là những quy định liên quan thì cơ quan soạn thảo, thẩm tra cũng phải xem xét những nội dung, cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý, sự tương thích giữa các dự án luật. Đặc biệt là các  nội dung trong dự thảo luật phải phù hợp với các quy định của pháp luật cũng như phải đáp ứng nhu cầu thực tiễn hiện nay đang đặt ra.

Thực tế, có những nội dung mà yêu cầu cuộc sống đặt ra đòi hỏi phải có những quy định của pháp luật để điều chỉnh. Những luật cũ đang được thực hiện nhưng lại gặp khó khăn, vướng mắc ở cơ sở thì khi sửa đổi luật cần có sự xem xét thấu đáo để khi luật sửa đổi được ban hành phải giải quyết được căn cơ những vướng mắc, vấn đề trong thực tiễn đang đòi hỏi. Điều này sẽ góp phần hoàn thiện được cơ chế, chính sách và tạo hành lang pháp lý quan trọng, giúp cho quá trình tổ chức thực hiện đạt được hiệu quả và người dân tiếp cận được những quy định của pháp luật một cách dễ dàng, thuận tiện nhất.

Ngoài ra, những quy định của luật phải dễ hiểu, dễ đi vào cuộc sống và những từ ngữ ở trong quy định của pháp luật cũng phải làm cho người dân dễ hiểu. Bởi vì trình độ dân trí của người dân có thể có sự không đồng đều và việc hiểu pháp luật cũng sẽ có những lúc không thống nhất nên không phải thực hiện dễ dàng được. Chính vì vậy,  khi tham gia ý kiến góp ý vào các dự án luật và để luật sớm đi vào cuộc sống và phù hợp với yêu cầu thực tiễn thì các cơ quan cũng cần có những đóng góp trực tiếp.

Từ những báo cáo thực tiễn ở các địa phương và qua khảo sát, hiện nay, các Đoàn ĐBQH cũng đang tổ chức các hội nghị để đánh giá, tổng kết những dự án luật đang triển khai còn có vướng mắc, khó khăn ở cơ sở. Qua đó, các Đoàn ĐBQH sẽ tập hợp những đề xuất, kiến nghị từ cơ sở để thông qua những hội nghị như Hội nghị ĐBQH hoạt động chuyên trách lần thứ 5 truyền tải những ý kiến, đề xuất của cử tri để các cơ quan chức năng, ĐBQH tìm được tiếng nói chung nhất trong việc đóng góp, sửa đổi các luật sao cho phù hợp với thực tiễn cuộc sống nhất.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn đại biểu!

Bích Lan - Phạm Thắng

Các bài viết khác