ĐBQH PHẠM TRỌNG NGHĨA: XEM XÉT BỔ SUNG QUY ĐỊNH XÁC ĐỊNH CỤ THỂ CÁC ĐỊA PHƯƠNG TRONG VÙNG THỦ ĐÔ

26/03/2024

Góp ý vào dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 5, nhiệm kỳ khóa XV, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa - Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn cho rằng, dự thảo Luật chưa xác định Vùng Thủ đô gồm những địa phương nào, ranh giới ra sao. Do đó, đề nghị xem xét bổ sung quy định xác định cụ thể các địa phương trong Vùng Thủ đô trong Dự thảo Luật làm căn cứ thực tiễn cho việc quy định các chính sách liên kết vùng, phù hợp với điều kiện cụ thể của vùng.

ĐBQH NGUYỄN THỊ VIỆT NGA: CẦN QUY ĐỊNH CỤ THỂ ĐỐI TƯỢNG HOẠT ĐỘNG TRONG LĨNH VỰC VĂN HÓA, NGHỆ THUẬT ĐƯỢC HƯỞNG ƯU ĐÃI ĐẶC THÙ

ĐBQH NGUYỄN MINH TÂM: HOÀN THIỆN VIỆC SỬA ĐỔI LUẬT THỦ ĐÔ - CƠ HỘI ĐỂ HÀ NỘI BỨT PHÁ PHÁT TRIỂN

Tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 5, nhiệm kỳ khóa XV, quan tâm đến dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7 tới, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa - Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn đánh giá cao việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) theo ý kiến các vị ĐBQH tại Kỳ họp thứ 6. Dự thảo Báo cáo tiếp thu, giải trình được chuẩn bị công phu với nhiều nội dung cụ thể, chi tiết.

Để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật, đại biểu tham gia góp ý một số nội dung cụ thể về áp dụng pháp luật Luật Thủ đô (Điều 4), về liên kết phát triển vùng, về phát triển văn hóa, về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát…

Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa - Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn

Xem xét kỹ việc bổ sung các quy định vào Điều 4 áp dụng pháp luật

Về áp dụng pháp luật Luật Thủ đô (Điều 4), đại biểu Phạm Trọng Nghĩa nhận thấy, so với dự thảo Luật trình tại Kỳ 6, dự thảo Luật trình Hội nghị chuyên trách lần này đã bổ sung nội dung tại cuối khoản 2 và bổ sung thêm khoản 3 vào Điều 4. Đại biểu đề nghị xem xét kỹ việc bổ sung 02 nội dung này để vừa bảo đảm về nội dung, vừa đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật lập pháp. Cụ thể:

- Đối với nội dung bổ sung khoản 2, dự thảo Luật chưa đưa ra tiêu chí nào để xác định thế nào là "thuận lợi hơn cho việc xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô"? Chủ thể nào có thẩm quyền xác định những quy định thuận lợi hơn này? Trường hợp quy định "không thuận lợi hơn" thì xử lý ra sao? Bên cạnh đó, cần làm rõ tính hợp hiến của việc giao UBTVQH quyết định áp dụng quy định của Luật, Nghị quyết của Quốc hội vì thẩm quyền này không phải là giải thích luật, nghị quyết và cũng không có trong Điều 74 của Hiến pháp 2013.

- Đối với quy định mới bổ sung tại khoản 3, đại biểu cho rằng, việc áp dụng ưu tiên hơn đối với Luật Thủ đô đã được xác định tại khoản 1 Điều 4. Do đó, khi có sự khác nhau giữa 2 luật, sẽ ưu tiên áp dụng Luật Thủ đô, từ đó, văn bản quy định chi tiết Luật Thủ đô sẽ được áp dụng ngay cả trong trường hợp văn bản này khác với quy định của Luật khác. Bên cạnh đó, Báo cáo số 3194/BC-TTKQH ngày 5/12/2023 của TTK Tổng hợp ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội thảo luận tại Tổ và Hội trường về dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) cũng không có ý kiến về việc áp dụng văn bản dưới luật.

Vì vậy, đại biểu đề nghị xem xét lại việc bổ sung các quy định này vào Điều 4.

Xem xét bổ sung quy định xác định cụ thể các địa phương trong Vùng Thủ đô

Về liên kết phát triển vùng, đại biểu nêu rõ, Nghị quyết số 15-NQ/TW đề ra Mục tiêu xây dựng Hà Nội trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng đồng bằng Sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước. Dự thảo Luật đã dành Chương V từ Điều 44 đến Điều 47 quy định về liên kết, phát triển vùng.

Dự thảo Luật quy định mối quan hệ giữa Thủ đô Hà Nội trong 4 vùng, gồm: (1) vùng Thủ đô, (2) vùng đồng bằng sông Hồng, (3) vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và (4) vùng động lực phía Bắc. Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa nhấn mạnh, đây là các quy định mới, có nhiều đột phá so với Luật hiện hành và mở rộng hơn so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6.

Đối với Vùng đồng bằng sông Hồng: Nghị quyết số 81/2023/QH15 ngày 9/01/2023 của Quốc hội về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 quy định Vùng đồng bằng sông Hồng gồm Hà Nội và 10 tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Thái Bình, Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình và Quảng Ninh.

Đối với Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ: Quyết định số 198/QĐ-TTg ngày 25/1/2014 của Thủ tướng quy định Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ gồm Hà Nội và 6 tỉnh, thành phố: Hưng Yên, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc.

Đối với Vùng động lực phía Bắc: Theo Nghị quyết số 81/2023/QH15, Vùng động lực phía Bắc bao gồm thành phố Hà Nội và các địa bàn cấp huyện dọc theo trục Quốc lộ 5 và Quốc lộ 18 qua các tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, thành phố Hải Phòng và tỉnh Quảng Ninh,

Tuy nhiên, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa cho rằng, dự thảo Luật chưa xác định Vùng Thủ đô gồm những địa phương nào, ranh giới ra sao? Do đó, đề nghị xem xét bổ sung quy định xác định cụ thể các địa phương trong Vùng Thủ đô trong Dự thảo Luật làm căn cứ thực tiễn cho việc quy định các chính sách liên kết vùng, phù hợp với điều kiện cụ thể của vùng.

Toàn cảnh Hội nghị

Bên cạnh đó, Khoản1 Điều 45 quy định 4 lĩnh vực liên kết, phát triển vùng, gồm: 1) Hạ tầng giao thông vận tải; 2) Bảo vệ môi trường, xử lý chất thải; 3) Phát triển nông nghiệp; 4) Phát triển du lịch.

Theo dự thảo Báo cáo giải trình, tiếp thu, đây vừa là những lĩnh vực thiết yếu trong đời sống kinh tế - xã hội của người dân trên địa bàn, vừa bảo đảm phù hợp với nhu cầu và thế mạnh của các địa phương, qua đó góp phần tạo sự thống nhất và sức mạnh tổng hợp về kinh tế, văn hoá, xã hội, quốc phòng, an ninh cho thành phố Hà Nội, cho mỗi địa phương cũng như toàn vùng lân cận.

Tuy nhiên, Nghị quyết số 30-NQ/TW, ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng Sông Hồng xác định: Hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển vùng mang tính đột phá; xây dựng thể chế liên kết vùng đủ mạnh, bảo đảm hiệu quả điều phối, liên kết phát triển vùng, tập trung vào một số lĩnh vực như quy hoạch, phát triển hạ tầng, xúc tiến đầu tư, xử lý các vấn đề môi trường nội vùng và liên vùng, phát triển các cụm liên kết ngành. 

Do đó, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa đề nghị tiếp tục rà soát, đánh giá, bổ sung thêm các lĩnh vực khác để thể chế hóa đầy đủ lĩnh vực liên kết vùng như đã xác định trong Nghị quyết số 30-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Đặt văn hóa vào vị trí xứng đáng trong xây dựng và phát triển Thủ đô

Về phát triển văn hóa, Nghị quyết số 15-NQ/TW đề ra mục tiêu Thủ đô Hà Nội là Thành phố "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại". Nghị quyết số 30-NQ/TW về yêu cầu: Phát triển Thủ đô xứng tầm với truyền thống ngàn năm văn hiến Thăng Long - Hà Nội, thực sự là trung tâm hội tụ, kết tinh văn hoá của cả nước.

Báo cáo Tổng kết thi hành Luật Thủ đô nhận định: Một số tiêu chí xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh chưa đạt yêu cầu, chưa tạo được sự chuyển biến rõ nét về văn hóa ứng xử, nếp sống văn minh đô thị của người dân.

Tuy nhiên, ngoài cơ chế đặc thù về cho phép áp dụng PPP trong lĩnh vực văn hóa (Khoản 1 Điều 39) và quy định về phát triển khu thương mại và văn hóam, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa cho rằng, các quy định của dự thảo Luật cơ bản kế thừa quy định Điều 11 của Luật hiện hành, thiên về phát triển "phần cứng", chưa có nhiều quy định thúc đẩy "phần mềm" của văn hóa; chưa có quy định cụ thể để đạt mục tiêu: xây dựng văn hóa người Hà Nội hào hoa, thanh lịch, nghĩa tình, văn minh, tiêu biểu cho văn hóa, lương tri và phẩm giá con người Việt Nam như được xác đinh tại Điều 21.

Các đại biểu tham dự Hội nghị

Vì vậy, đại biểu đề nghị tiếp tục nghiên cứu để xác định được nét riêng, nét đặc trưng của văn hoá Thủ đô, đặt văn hóa vào vị trí xứng đáng trong xây dựng và phát triển Thủ đô như một số đại biểu đã nêu tại Kỳ họp thứ 6. Từ đó, bổ sung các quy định về giáo dục và đào tạo, tuyên truyền và phổ biến những nét đẹp riêng có của Thủ đô vùng, song song với khen thưởng và xử phạt cũng như bảo tồn và phát triển giá trị văn hóa thủ đô trong dự thảo Luật.

Nên giới hạn cụ thể một số lĩnh vực được phép thử nghiệm có kiểm soát

Về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát, đánh giá cao quy định tại Điều 25 Dự thảo Luật về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa nhận thấy, đây là quy định đầu tiên ở cấp độ Luật điều chỉnh vấn đề hết sức quan trọng này, phúc đáp yêu cầu phát triển khoa học công nghệ. Dự thảo Luật đã mở rộng hơn nhiều so với cơ chế thử nghiệm áp dụng cho TP HCM trong Nghi quyết số 98 ngày 24/6/2023 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hồ Chí Minh.

Theo Dự thảo, cơ chế thử nghiệm được áp dụng ở tất cả các lĩnh vực. Do đó, đề nghị tiép cận theo hướng thận trọng, bảo đảm kiểm soát tốt. Vì vậy, Luật nên giới hạn cụ thể một số lĩnh vực được phép thử nghiệm có kiểm soát mà không nên giao UBND Thành phố quyết định. Theo kinh nghiệm quốc tế, các lĩnh vực được áp dụng cơ chế thử nghiệm sẽ do thị trường quyết định nhưng thường là: Tài chính, ngân hàng (Fintech); giáo dục (Edtech); Y tế (Medtech).

Bên cạnh đó, dự thảo Luật hiện chủ yếu tập trung quy định đầu vào của cơ chế thử nghiệm mà chưa có quy định về đầu ra như việc rút khỏi cơ chế thử nghiệm đang thế nào? hậu qủa pháp lý khi kết thúc cơ chế thử nghiệm ra sao? Vì vậy, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa đề nghị xem xét bổ sung các quy định này trong dự thảo Luật./.

Bích Ngọc - Phạm Thắng

Các bài viết khác