Nhiều ý kiến về bổ sung dự án dùng vốn trái phiếu

13/06/2012

Tiếp tục chương trình làm việc, sáng 11/6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về Quyết toán ngân sách nhà nước năm 2010 và Bổ sung một số dự án mới sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2012-2015.

Nâng cao chất lượng điều hành quản lý ngân sách

Những băn khoăn trong vấn đề quyết toán chi ngân sách năm 2010, những bất cập trong việc quản lý điều hành ngân sách như nhu cầu lớn nhưng chi không hết, phải chuyển nguồn sang năm sau, nhiều khoản chi vượt dự toán chưa đúng với nghị quyết Quốc hội… đã được các đại biểu quan tâm thảo luận để tìm biện pháp tháo gỡ, nâng cao chất lượng điều hành quản lý ngân sách.

Phân tích những vấn đề nổi lên trong báo cáo quyết toán ngân sách năm 2010 của Chính phủ, đại biểu Bùi Đức Thụ (Lai Châu) chỉ rõ: quyết toán chi ngân sách năm 2010 không hoàn toàn là số thực chi ngân sách nhà nước. Quyết toán này có một phần bao gồm cả số đã tạm ứng từ Kho bạc nhà nước nhưng chưa đủ điều kiện quyết toán cho năm 2010 chuyển sang năm 2011 và một số lớn là chi chuyển nguồn mà trong năm 2010 chưa chi hết. Đây là số chưa đủ điều kiện quyết toán.

Việc quản lý điều hành ngân sách năm 2010 cũng còn nhiều bất cập, bội chi trên 109.000 tỷ đồng, nhiều khoản chi vượt dự toán lớn nhưng nhiều khoản chi quan trọng lại thực hiện thấp hơn dự toán được Quốc hội quyết định, chi không hết, phải chuyển nguồn lớn là điều hết sức không bình thường. Đối với ngân sách địa phương, nhiều địa phương kết dư lớn làm ảnh hưởng đến chất lượng điều hành quản lý ngân sách. Vấn đề điều hành ngân sách cũng chưa sát với nghị quyết của Quốc hội.

Các ý kiến cũng đề cập đến việc phân giao vốn nhiều chương trình mục tiêu quốc gia còn phân tán, giữa các chương trình còn có sự chồng chéo về mục tiêu, chưa thực sự chủ động lồng ghép các nguồn lực trên địa bàn để thực hiện. Đại biểu Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hóa) phân tích: báo cáo quyết toán đánh giá có 12 chương trình mục tiêu quốc gia nhưng có đến 8 chương trình mục tiêu quốc gia không đạt mục tiêu kế hoạch đề ra, hầu hết đều có vấn đề về mặt hiệu quả. Đại biểu kiến nghị Chính phủ nên đánh giá lại 12 chương trình này có đạt mục tiêu đề ra theo đúng lộ trình không, hiệu quả đến đâu, đạt bao nhiêu phần trăm mục tiêu. Bởi, đã là chương trình mục tiêu quốc gia thì phải có chủ trương, có thời gian, lộ trình không thể kéo hết giai đoạn này sang giai đoạn khác, năm này qua năm khác.

Cũng theo đại biểu, trong 16 chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn mới có nhiều chương trình cùng mục tiêu nhưng nằm ở nhiều chương trình, cùng một nội dung nhưng rất nhiều bộ ngành tập trung để cùng giải quyết nên tiêu chí quản lý, hiệu quả của các chương trình đánh giá chưa đầy đủ. Đơn cử như khi giám sát chương trình xóa đói giảm nghèo nhiều giai đoạn cho thấy có một chương trình nhưng có đến 30 chương trình dự án với 71 hợp phần, khi yêu cầu thì không bộ nào báo cáo đúng chính xác về chương trình. Đại biểu Bùi Sỹ Lợi cho rằng Chính phủ cần đánh giá lại chất lượng, hiệu quả, nên tập trung vào các chương trình mục tiêu quốc gia có cùng mục tiêu trong 16 chương trình hiện nay. Quốc hội cần giám sát, đánh giá đầy đủ đúng mức hơn việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, từng bước nghiên cứu thống nhất tập trung các chương trình.

Nhiều ý kiến khác nhau trong việc bổ sung một số dự án mới sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2012-2015

Theo đề nghị của Chính phủ, 5 dự án mới chưa có trong Danh mục quy định tại Nghị quyết 12/NQ-QH13 cần được bổ sung sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2012-2015 là dự án cầu Năm Căn (Cà Mau), cầu Kim Xuyên (Tuyên Quang), dự án nhà ở sinh viên Đại học Trà Vinh, dự án bệnh viện ung thư TP Đà Nẵng và cụm năm dự án thành phần thuộc dự án đường ven biển Ninh Thuận. Bên cạnh ý kiến đồng tình của các đại biểu Thạch Dư (Trà Vinh), Huỳnh Thế Kỳ (Ninh Thuận), cho rằng đây là chủ trương hợp lý, cần thiết, có ý nghĩa chính trị lớn, còn không ít ý kiến không đồng tình hoặc đề nghị chỉ chọn một số dự án trong số 5 dự án đó; đồng thời đề nghị Chính phủ cần làm rõ tính hợp lý, tính cấp bách của việc bổ sung các dự án này để tăng thêm tính thuyết phục, đồng thời công khai, minh bạch các tiêu chí được bổ sung vào danh mục sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ.

Đại biểu Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình) nhìn nhận: Cách đây 6 tháng Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 12/NQ-QH13 trong đó quy định trên nguyên tắc chung để rà soát danh mục các dự án công trình, không bổ sung mới các danh mục công trình dự án, công trình sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2011 - 2015. Việc ban hành nghị quyết là hoàn toàn phù hợp với tờ trình của Chính phủ đề nghị Quốc hội không bổ sung thêm danh mục dự án mới ngoài danh mục, nhằm bảo đảm hiệu quả, khả năng cân đối nguồn lực vốn trái phiếu, tránh đầu tư dàn trải.

Nghị quyết được thông qua trong bối cảnh nhiều dự án tại các địa phương phải tạm dừng bố trí vốn trong kế hoạch 2012. Nay Chính phủ lại đề nghị bổ sung 5 dự án mới, điều này cần hết sức cân nhắc, kỳ trước vừa ban hành chưa kịp thực hiện thì kỳ này đã sửa. Đại biểu đặt vấn đề: sau giai đoạn này, chúng ta có tiếp tục bổ sung dự án mới nữa hay không? Với cách làm như thế này, có làm ảnh hưởng đến lòng tin của đại biểu đối với cơ quan có thẩm quyền trong việc trình, thẩm tra dự án được trình có thông qua hay không?

Đại biểu Danh Út (Kiên Giang) cũng bày tỏ không hài lòng với việc Quốc hội mới ban hành nghị quyết tại kỳ họp thứ 2, kỳ họp thứ 3 lại bổ sung. Đại biểu Danh Út cũng như các đại biểu Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình), Lê Việt Trường (An Giang), Lê Đình Khanh (Hải Dương) băn khoăn về căn cứ, tiêu chí để quyết định bổ sung 5 dự án này.

Theo các đại biểu, cách lập luận về tính hợp lý, cấp thiết của một số dự án là chưa vững chắc, chưa rõ ràng. Chính phủ chưa đưa ra được tiêu chí để thấy được đây có phải là 5 dự án cấp thiết nhất cần bổ sung trong nguồn vốn trái phiếu Chính phủ hay không, các dự án này có ảnh hưởng đến các dự án khác không. Các ý kiến đề nghị Chính phủ giải trình rõ thêm tiêu chí nào được sẽ bổ sung vào danh mục sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ. Một số ý kiến đề nghị lấy từ nguồn khác, không nên lấy từ nguồn trái phiếu Chính phủ.

Đại biểu Trần Du Lịch (Thành phố Hồ Chí Minh) đề nghị Chính phủ xem xét rút bớt số dự án, rà lại một cách nguyên tắc và thảo luận kỹ, công khai minh bạch bởi tổng số tiền chỉ có 225.000 tỷ đồng. Đại biểu cũng đề nghị Quốc hội có giám sát chuyên đề liên quan đến các công trình giao thông để trả lời hai vấn đề: tại sao làm giao thông ở Việt Nam lại đắt như vậy và tại sao chất lượng công trình lại kém như vậy.

Giải trình thêm một số nội dung liên quan đến việc bổ sung một số dự án mới sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2012-2015, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh khẳng định: tiền cho từng danh mục công trình là do Chủ tịch UBND các tỉnh và các Bộ trình lên chứ Bộ Kế hoạch và Đầu tư không điều chỉnh, không can thiệp vào. Bộ đã trình Chính phủ kế hoạch đầu tư trung hạn để các dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước, trái phiếu Chính phủ tránh được việc phải “ăn đong” vốn, minh bạch hơn trong việc phân bổ vốn, tránh cơ chế xin cho. Việc bố trí ngân sách trung hạn từ 3-5 năm giúp cho các địa phương biết được nguồn lực đến đâu để sử dụng vốn chủ động, linh hoạt và hiệu quả, đồng vốn không bị chia cắt nhỏ cho quá nhiều dự án, từ đó tránh được sự đầu tư dàn trải, nâng cao hiệu quả dự án.

"Để làm được điều này là rất áp lực nhưng Bộ Kế hoạch Đầu tư kiên quyết làm vì cái chung của đất nước, vì sự minh bạch sẽ phải làm và vì hiệu quả đồng vốn. Nếu như các Chủ tịch tỉnh mà biết rằng mình có từng này tiền trong tay, họ sẽ không bao giờ bố trí dàn trải nữa. Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiểm soát chặt chẽ. Nếu bố trí dàn trải, Bộ sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ dừng, thu lại tiền. Tôi chắc rằng cứ tiến độ này, đến năm 2015 cơ bản việc này có thể chấm dứt," Bộ trưởng này chia sẻ.

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cũng thống nhất với ý kiến của các đại biểu là những công trình dự án ngoài danh mục sẽ không bố trí vốn trái phiếu Chính phủ mà bố trí bằng vốn ngân sách và các nguồn vốn khác.

Theo Bộ trưởng, 5 dự án mới được đề nghị bổ sung là những dự án quan trọng, quá bức xúc cần phải đưa vào. 5 công trình bổ sung này không cắt giảm của một địa phương, một bộ nào bởi trong tổng số 225.000 tỷ đồng, Chính phủ đề nghị đưa ra dự phòng lại khoảng 13.000 tỷ đồng để khi có một số công trình lớn trượt giá sẽ xem xét cho một số công trình lớn. Trong số này nếu được thì sẽ bố trí, nếu không sẽ hoàn trả lại quỹ dự phòng đó.

Đánh giá cao đóng góp của các đại biểu, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng khẳng định: các ý kiến là rất xác đáng, Quốc hội đã cân nhắc rất kỹ, nhìn nhận một cách toàn diện, thận trọng khi trình Quốc hội bổ sung 5 dự án. Khi làm nghị quyết giữa năm qua, chúng ta đang trong tiến trình đổi mới cơ cấu đầu tư công, quyết định lớn nhất của Quốc hội chính là khoanh lại đầu tư công, trong đó có cả trái phiếu Chính phủ, riêng trái phiếu Chính phủ đã khoanh lại từ nay tới năm 2015 là 225.000 tỷ đồng.

Quyết định đó của Quốc hội cho đến thời điểm này chưa có căn cứ để thay đổi, cho nên có bổ sung gì, có xem xét gì danh mục công trình cũng chỉ được phép nằm trong số 225.000 tỷ đồng Quốc hội đã quyết định. Chỉ có thể bàn lại danh mục một cách tổng thể khi Quốc hội quyết định nới rộng đầu tư công, điều này còn phải tính toán vì kinh tế vĩ mô của ta chưa ổn định, đầu tư công vẫn chưa được cơ cấu một cách khoa học, có quản lý chặt chẽ, đảm bảo có hiệu quả./.

 

 

Chu Thanh Vân (TTXVN)

(http://www.vietnamplus.vn/)