Các đại biểu đều nhất trí Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội về sự cần thiết ban hành dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật quản lý thuế. Tuy nhiên, về phạm vi sửa đổi, các đại biểu cho rằng cần nghiên cứu để sửa đổi một cách toàn diện hơn chứ không chỉ sửa đổi một số điều để hạn chế những vướng mắc của luật quản lý thuế hiện hành.
Về tính cụ thể của Dự thảo luật, các đại biểu cho rằng nhiều quy định trong Dự thảo luật chưa bảo đảm cụ thể; một số nội dung quan trọng giao Chính phủ hoặc Bộ Tài chính quy định bằng văn bản dưới luật là chưa hợp lý, thiếu chặt chẽ. Đại biểu Trần Quang Chiểu (Nam Định) dẫn chứng trong Luật quản lý thuế hiện hành đã có 19 điều giao cho Chính phủ và Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành.
Trong dự thảo luật sửa đổi có 33 điều, khoản thì có tới 12 điều, khoản giao Chính phủ hướng dẫn. Như vậy, trong 120 điều của Luật quản lý thuế thì có tới trên 31 nội dung giao cho Chính phủ và Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành. Nếu tính ra bình quân chưa đến 4 điều thì có một nội dung giao cho Chính phủ và Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành.
Đại biểu đề nghị Chính phủ chỉ đạo cơ quan soạn thảo cần cụ thể hơn các điều của Luật, hạn chế đến mức thấp nhất việc giao Chính phủ hoặc Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành. Những điều đã rõ, đã phù hợp thì cần cụ thể hóa tối đa những nội dung bổ sung vào luật để trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 4.
Đối với quy định xử lý đối với việc chậm nộp tiền thuế, xử phạt đối với hành vi khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được hoàn, đại biểu Bùi Văn Xuyền (Thái Bình) để nghị giữ nguyên mức xử phạt chậm nộp tiền thuế như luật hiện hành là "Người nộp thuế có hành vi chậm nộp tiền thuế so với thời hạn quy định, thời hạn gia hạn nộp thuế, thời hạn ghi trong thông báo của cơ quan quản lý thuế, thời hạn trong quyết định xử lý của cơ quan quản lý thuế thì phải nộp đủ tiền thuế và bị xử phạt 0,05% mỗi ngày tính trên số tiền thuế chậm nộp đủ tiền thuế và bị xử phạt 0,05% mỗi ngày tính trên số tiền thuế chậm nộp" vì nếu tăng mức nộp lên "0,07%/ngày tính trên số tiền thuế chậm nộp" sẽ khó khả thi.
Các đại biểu Đỗ Hữu Lâm (Long An), Mai Thị Ánh Tuyết (An Giang), Trương Thị Huệ (Thái Nguyên), K’Krah (Đắk Nông) cũng đồng tình với ý kiến trên. Theo đại biểu Đỗ Hữu Lâm (Long An): Hành vi chậm nộp tiền thuế không phải là cố tình gian lận thuế nên được coi là lãi chậm nộp, không coi là hình phạt. Quy định xử lý mức chậm nộp cần tương ứng với lãi suất ngân hàng.
Đại biểu Đỗ Hữu Lâm lý giải hiện nay mức lãi suất ngân hàng cho vay ngắn hạn đối với 4 lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; xuất khẩu; công nghiệp phụ trợ và doanh nghiệp vừa và nhỏ ở khoảng 14-15%/năm. Mức xử phạt theo luật hiện hành là 0,05% mỗi ngày tương ứng với 18%/năm đã là cao so với mức lãi suất của ngân hàng. Nếu quy định mức 0,07%/ngày là quá cao so với lãi suất ngân hàng hiện nay.
Xung quanh quy định về nguyên tắc ấn định thuế, các đại biểu đều nhất trí rằng nội dung liên quan đến cơ chế thỏa thuận trước về phương pháp xác định giá tính thuế là một trong những vấn đề quan trọng được đề cập trong nội dung sửa đổi, bổ sung Luật lần này, được kỳ vọng sẽ góp phần hạn chế và ngăn chặn tình trạng chuyển giá, gây thất thu cho ngân sách Nhà nước.
Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) cho rằng nội dung trong dự án luật còn quá chung chung, chưa đi vào vấn đề trọng tâm liên quan đến cơ chế thỏa thuận trước về phương pháp xác định giá tính thuế, nội dung thực hiện, chế tài xử phạt... Đại biểu đề nghị ban soạn thảo cần rà soát, bổ sung vào dự án luật những nội dung cụ thể về quy định này để nâng cao hiệu lực, hiệu quả của dự án luật.
Đại biểu Đại biểu K’Krah (Đắk Nông) đề nghị bổ sung thêm chức năng điều tra của cơ quan thuế trong luật quản lý thuế về chống chuyển giá vì theo đại biểu hiện nay tình trạng chuyển giá giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước diễn ra rất phổ biến, gây thất thu về thuế là rất lớn.
Về quy định xóa nợ thuế, đại biểu Trần Hoàng Ngân (Thành phố Hồ Chí Minh) đề nghị tất cả các loại hình doanh nghiệp đều có thể xem xét trong việc xóa nợ thuế. Đại biểu K’Krah (Đắk Nông) cũng đề nghị Quốc hội xem xét xóa nợ thuế cho các đối tượng như: doanh nghiệp làm ăn thua lỗ đã giải thể, phá sản, không còn ở nơi đăng ký nộp thuế, không còn hoạt động sản xuất kinh doanh; doanh nghiệp nhà nước đã có quyết định giải thể nợ thuế; doanh nghiệp nhà nước chuyển đổi sở hữu chưa được sở hữu nợ thuế, pháp nhân mới không được giao, chịu trách nhiệm nộp các khoản nợ thuế này; các hộ kinh doanh nhỏ lẻ, làm ăn thua lỗ đã bỏ kinh doanh...
Đại biểu Phạm Huy Hùng (Hà Nội) lại băn khoăn về những bất cập trong mức thuế thu nhập cá nhân hiện nay. Theo đại biểu, mức thuế thu nhập chịu thuế hiện nay không hợp lý, thiếu tính đúng, tính đủ chi phí tối thiểu cho người lao động tái tạo sức lao động và trang trải các chi phí cần thiết, nâng cao chất lượng cuộc sống; khoảng cách giữa các bậc thu tính thuế chưa hợp lý ảnh hưởng đến động lực thúc đẩy xã hội; Doanh nghiệp muốn cải thiện thu nhập cho người lao động thì lại khiến lao động lại phải đóng thuế nhiều hơn, phần cải thiện lương cho người lao động là rất ít...
Đại biểu kiến nghị một số giải pháp tính lại tiền lương tại mức khởi điểm tính thuế thu nhập cá nhân, nâng mức tính thuế tối thiểu, tính đúng mức tái tạo lao động và đủ trang trải mức chi phí tối thiểu; Mức giảm trừ gia cảnh điều chỉnh theo mức tiền lương, khởi điểm tính thuế thu nhập cá nhân mức giảm trừ hàng năm không cố định mà căn cứ theo tình hình thực tế, nhu cầu an sinh xã hội, khả năng thu nhập của người chịu thuế, xây dựng để có tiêu chí hợp lý giảm trừ gia cảnh một cách phù hợp; giãn độ rộng của từng mức thuế; các khoản trợ cấp, phụ cấp không tính vào thu nhập chịu thuế, quy định rõ ràng hơn thu nhập chịu thuế và thu nhập không chịu thuế...
Các đại biểu cùng dành nhiều thời gian thảo luận về nguyên tắc quản lý thuế; về nghĩa vụ của người nộp thuế trong ứng dụng công nghệ thông tin; về thời hạn nộp thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, thời hạn bảo lãnh; về cơ chế kiểm soát và chế tài xử phạt.../.