Ủy viên UBTVQH, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý chủ trì phiên họp.
Theo Báo cáo của Ban chỉ đạo xây dựng Đề án, việc bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do QH, HĐND bầu hoặc phê chuẩn hiện được quy định trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật như: Hiến pháp, Luật Tổ chức QH, Luật Hoạt động giám sát của QH, Luật Tổ chức HĐND và UBND, Nội quy Kỳ họp QH, Quy chế hoạt động của UBTVQH, Quy chế hoạt động của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của QH, Quy chế hoạt động của HĐND. Tuy nhiên, trong quy trình, thủ tục thực hiện vẫn có nhiều vấn đề cần làm rõ như: trình tự, thủ tục để ĐBQH kiến nghị UBTVQH trình QH việc bỏ phiếu tín nhiệm; trình tự, thủ tục để đại biểu HĐND kiến nghị HĐND tỉnh, thành phố việc bỏ phiếu tín nhiệm; cách thức xử lý trong trường hợp người giữ chức vụ do QH, HĐND bầu hoặc phê chuẩn không được tín nhiệm; xác định hệ quả pháp lý của việc bỏ phiếu tín nhiệm... Luật Hoạt động giám sát của QH quy định bỏ phiếu tín nhiệm có tính chất như một hoạt động không thường xuyên, là hệ quả của quá trình giám sát của QH. Luật Tổ chức HĐND và UBND cũng có quy định tương tự.
Các đại biểu tham dự phiên họp cho rằng, cần xác định rõ mục đích, ý nghĩa của việc lấy phiếu tín nhiệm để tạo cơ sở xem xét nên tiến hành lấy phiếu tín nhiệm trong trường hợp nào? Chủ thể nào có quyền yêu cầu, sẽ áp dụng với chức danh nào do QH, HĐND bầu hoặc phê chuẩn?... Việc thiết kế quy trình, thủ tục lấy phiếu tín nhiệm cần được tiến hành thận trọng và hướng tới mục đích bảo đảm sự ổn định của bộ máy nhà nước. Tuy nhiên, quy trình, thủ tục thực hiện cũng phải tránh làm nảy sinh tư tưởng làm việc cầm chừng, dĩ hòa vi quý để đạt kết quả tín nhiệm cao. Một số ý kiến cho rằng, Nghị quyết Hội nghị lần thứ Tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XI Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay đã quy định, những người hai năm liền tín nhiệm thấp, không hoàn thành nhiệm vụ cần được xem xét, cho thôi giữ chức vụ. Song, Luật Cán bộ, công chức quy định, cán bộ có 2 năm liên tiếp hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực hoặc có 2 năm liên tiếp, trong đó có 1 năm hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực và 1 năm không hoàn thành nhiệm vụ thì cơ quan, tổ chức có thẩm quyền bố trí công tác khác. Luật cũng quy định cán bộ có hai năm liên tiếp không hoàn thành nhiệm vụ thì cơ quan, tổ chức có thẩm quyền miễn nhiệm, cho thôi làm nhiệm vụ. Vì vậy, quy định về hệ quả pháp lý của việc lấy phiếu tín nhiệm cần được cân nhắc kỹ, có kết nối với quy trình miễn nhiệm, bãi nhiệm, cách chức, cho thôi làm nhiệm vụ đối với các chức danh do QH, HĐND bầu hoặc phê chuẩn.