Hội thảo ĐBQH với chính sách, pháp luật về phòng chống lao

13/06/2012

Chiều 12.6, tại Hà Nội, Ủy ban Về các vấn đề xã hội đã tổ chức Hội thảo ĐBQH với chính sách, pháp luật về phòng chống lao. Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Trương Thị Mai chủ trì Hội thảo.

Phát biểu tại Hội thảo, Chủ nhiệm Ủy ban Trương Thị Mai cho biết, lao là bệnh truyền nhiễm, nhất là trong giai đoạn bệnh lao lây truyền gắn với HIV sẽ gây tác động trực tiếp tới sức khỏe người nhiễm bệnh và sức khỏe cộng đồng. Hiện nay, Đảng và Nhà nước dành nhiều sự quan tâm đến công tác phòng, chống lao thông qua việc ban hành nhiều chính sách pháp luật về chăm sóc sức khỏe, trong đó có phòng, chống lao quốc gia; tăng cường đầu tư nguồn lực cho phòng, chống lao; nâng cao điều kiện chăm sóc, điều trị tốt hơn cho người bệnh lao. Tuy nhiên, công tác điều trị bệnh lao vẫn gặp khó khăn do tình trạng lây lan cao, thiếu hụt nguồn nhân lực điều trị bệnh lao; ngành y tế chưa thực sự kiểm soát được tình trạng bệnh lao... Chủ nhiệm Ủy ban Trương Thị Mai mong muốn Hội thảo sẽ góp phần cung cấp thêm thông tin về thực trạng công tác phòng, chống lao, cách thức phòng chống lao; việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống lao; cung cấp thêm bằng chứng có tính chất khoa học để ĐBQH có thêm thông tin cụ thể về phòng, chống lao. Qua đó, đề xuất chính sách cụ thể về phòng, chống lao ở nước ta. 

Tại Hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận về tình hình bệnh lao và công tác phòng, chống lao ở nước ta. Hiện nay, nước ta có 180 nghìn ca lao các thể, 29 nghìn người bị tử vong vì bệnh lao. Công tác chống lao trong nước còn gặp nhiều khó khăn do thiếu cán bộ. Đến nay, tổng số cán bộ làm công tác chốëng lao trên cả nước là hơn 19 nghìn người, trung bình có 2,21 cán bộ/10.000 dân. Cán bộ chống lao tuyến huyện thường xuyên thay đổi. Nguồn tài chính chống lao còn chưa ổn định, phụ thuộc chủ yếu vào nguồn viện trợ nước ngoài; nhu cầu tài chính cho công tác chống lao cao.

Để công tác chống lao đạt hiệu quả, các đại biểu cho rằng, cần bảo đảm nguồn tài chính thỏa đáng và bền vững cho công các chống lao. Xây dựng mạng lưới chống lao rộng rãi với cơ chế điều phối chặt chẽ hiệu quả. Bên cạnh đó, nên thực hiện xét nghiệm miễn phí để phát hiện nhiều bệnh nhân lao, đào tạo thường xuyên nâng cao cho cán bộ y tế... QH và Chính phủ cần cam kết mạnh mẽ đầu tư nguồn nhân lực cho công tác chống lao; cho phép đưa công tác chống lao từ một dự án thành chương trình mục tiêu quốc gia hoặc chiến lược phòng chống quốc gia.

 

H. Ngọc

(http://daibieunhandan.vn/)