Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Tham nhũng vẫn còn nghiêm trọng

16/06/2012

Tham nhũng, lãng phí tuy đã từng bước được kiềm chế, song vẫn còn nghiêm trọng, chưa được đẩy lùi, còn diễn ra ở nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều lĩnh vực.

Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Công an về việc ông Dương Chí Dũng bỏ trn Trong phiên chất vấn sáng 15/6, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết: Tham nhũng, lãng phí vẫn còn nghiêm trọng, nhất là trong quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên, khoáng sản; đầu tư xây dựng cơ bản; quản lý ngân sách nhà nước; thu thuế, phí; quản lý, sử dụng vốn tài sản trong doanh nghiệp nhà nước; tín dụng ngân hàng; công tác cán bộ; quan hệ giữa các cơ quan nhà nước với người dân, doanh nghiệp... gây bức xúc trong xã hội và là thách thức lớn đối với sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước.

Về giải pháp phòng chống, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, Chính phủ sẽ tăng cường chỉ đạo và phối hợp tốt hơn giữa các cơ quan kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử; chú trọng cả phòng và chống tham nhũng, lãng phí với tinh thần kiên quyết, kiên trì liên tục, đúng pháp luật, sớm khắc phục những hạn chế yếu kém để tạo chuyển biến rõ rệt trong thời gian tới.

Trong đó trọng tâm là nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cấp uỷ đảng, chính quyền, đề cao trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị; gắn việc thực hiện Kết luận Hội nghị Trung ương 5 về công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí với triển khai Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khoá XI) về một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay.

Cùng với đó, Chính phủ sẽ sớm trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống tham nhũng, đồng thời đẩy mạnh công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật, khắc phục các sơ hở, bất cập, dễ bị lợi dụng để tham nhũng.

“Chính phủ trân trọng đề nghị Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên cùng nhân dân cả nước tích cực giám sát đối với hoạt động của cán bộ, cơ quan nhà nước góp phần ngăn chặn, phát hiện, xử lý các vi phạm, tiêu cực, tham nhũng, lãng phí”, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị.

Giải quyết dứt điểm các vụ khiếu nại tồn đọng kéo dài

Về khiếu nại, tố cáo (KNTC), Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm đến công tác giải quyết KNTC của công dân trên tinh thần vừa bảo đảm lợi ích hợp pháp của người dân theo đúng quy định của pháp luật, công khai minh bạch, vừa giữ nghiêm kỷ cương, phép nước, xử lý nghiêm minh những người lợi dụng khiếu nại, tố cáo để vi phạm pháp luật.

Chính phủ đã tổ chức Hội nghị toàn quốc, Thủ tướng đã ban hành Chỉ thị số 14/CT-TTg ngày 18/5/2012 về chấn chỉnh và nâng cao hiệu quả công tác tiếp dân, giải quyết KNTC. Thủ tướng, Phó Thủ tướng đã trực tiếp chỉ đạo xử lý một số vụ việc KNTC đông người, phức tạp, kéo dài, các vụ việc dư luận xã hội đặc biệt quan tâm.

Trong thời gian tới, Chính phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo thực hiện có hiệu quả hơn công tác giải quyết KNTC; tổ chức đối thoại với người KNTC, thực hiện công khai minh bạch, huy động sự tham gia của luật sư, các đoàn thể chính trị - xã hội trong quá trình giải quyết KNTC bảo đảm giải quyết có lý, có tình, dứt điểm từ cơ sở.

Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố phải trực tiếp chỉ đạo, giải quyết xử lý dứt điểm các vụ việc khiếu tố đông người, phức tạp, kéo dài, dư luận xã hội quan tâm; công bố công khai kết quả giải quyết kể cả trên các phương tiện thông tin đại chúng. Chính phủ sẽ khẩn trương ban hành các Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật khiếu nại, Luật tố cáo.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết: Chính phủ sẽ tiếp tục chấn chỉnh công tác bồi thường, thu hồi đất, nhất là trong thực hiện cưỡng chế của các địa phương. Yêu cầu Chủ tịch UBND các cấp nghiêm túc rút kinh nghiệm và khắc phục các hạn chế, yếu kém trong thực hiện công tác này thời gian qua, cần phải làm tốt từ khâu quy hoạch sử dụng đất đến việc lập và triển khai phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư bảo đảm dân chủ, công khai, đúng pháp luật, sát thực tế, nhất là đối với các dự án đầu tư khu đô thị, khu công nghiệp, bảo đảm hài hoà lợi ích của Nhà nước, nhà đầu tư và người có đất bị thu hồi.

Cùng với đó là chú trọng công tác tuyên truyền, vận động nhân dân đồng thuận và tự giác chấp hành, trong trường hợp buộc phải cưỡng chế thì cần có phương án chặt chẽ, đúng pháp luật./.

 

Ngọc Thành/VOV online

(http://vov.vn/)