Theo báo cáo của Bộ Y tế về một số vấn đề liên quan đến xã hội hóa công tác khám bệnh, chữa bệnh và tự chủ của các bệnh viện công do Bộ trưởng Bộ y tế Nguyễn Thị Kim Tiến trình bày, chủ trương, quan điểm về xã hội hóa các hoạt động y tế đã được nêu trong các Văn kiện Đại hội VII đến Đại hội X của Đảng. Nghị quyết 46 của Bộ Chính trị nêu rõ quan điểm xã hội hóa các hoạt động chăm sóc sức khỏe gắn với tăng cường đầu tư của Nhà nước, thực hiện tốt việc trợ giúp cho các đối tượng chính sách và người nghèo trong chăm sóc và nâng cao sức khỏe. Bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe là bổn phận của mỗi người dân, mỗi gia đình và cộng đồng, là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể nhân dân và các tổ chức xã hội, trong đó ngành y tế giữ vai trò nòng cốt về chuyên môn và kỹ thuật. Khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển các dịch vụ chăm sóc và nâng cao sức khỏe. Theo đó, Bộ Y tế và các địa phương đã tăng cường công tác tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác xã hội hóa y tế. Việc thực hiện xã hội hóa, liên doanh, liên kết đã góp phần làm thay đổi nhận thức của các đơn vị y tế trong việc huy động vốn để có trang thiết bị phục vụ hoạt động chuyên môn. Các thiết bị xã hội hóa chủ yếu là thiết bị chẩn đoán, điều trị, kỹ thuật cao, góp phần thúc đẩy các kỹ thuật y tế phát triển; nâng cao chất lượng chẩn đoán, điều trị... Từng bước đáp ứng nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh ngày càng đa dạng của tầng lớp nhân dân, nhất là các đối tượng có khả năng chi trả, hạn chế người bệnh phải đi khám, chữa bệnh ở nước ngoài. Tuy nhiên, một số bệnh viện có xu hướng chỉ quan tâm đến khoa phòng, lĩnh vực có thu hoặc tập trung kinh phí, nhân lực vốn đã hạn hẹp để phát triển dịch vụ theo yêu cầu. Đầu tư trang thiết bị kỹ thuật cao chưa tương xứng với năng lực, trình độ chuyên môn, nhu cầu khám chữa bệnh, nhất là một số trang thiết bị chẩn đoán, kỹ thuật cao. Thiếu sự phối hợp, công nhận kết quả lẫn nhau giữa các bệnh viện.
Bộ Y tế đề xuất, QH, Chính phủ cần tăng ngân sách cho y tế, cả chi thường xuyên và chi đầu tư. Tăng ngân sách chi đầu tư phát triển cho y tế từ ngân sách và trái phiếu Chính phủ để ngành xây dựng thêm cơ sở khám, chữa bệnh, bước đầu xây dựng cơ sở 2 của một số bệnh viện đầu ngành, kỹ thuật cao để tăng số giường bệnh ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, đáp ứng nhu cầu của người dân. Đầu tư xây dựng một số bệnh viện chuyên khoa vùng của một số chuyên khoa như ung thư, nhi, tim mạch, chấn thương chỉnh hình… để giảm tải cho bệnh viện tuyến trên; tăng đầu tư để hoàn chỉnh các hạng mục dở dang của bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến huyện.
Các đại biểu tham dự phiên họp cho rằng, báo cáo của Bộ Y tế đã nêu được một số giải pháp khắc phục các tồn tại; đưa ra các kiến nghị để đẩy mạnh xã hội hóa y tế, nâng cao chất lượng dịch vụ y tế. Song, để có giải pháp xã hội hóa y tế và khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân, Bộ cần làm rõ sự thống nhất nhận thức về chủ trương xã hội hóa y tế. Xã hội hóa không chỉ là việc thành lập nhiều cơ sở y tế ngoài công lập, tăng thu từ nguồn các dịch vụ khám chữa bệnh mà cần quan tâm nhiều hơn tới thu hút nguồn lực xã hội cho dịch vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân. Cần tách bạch xã hội hóa y tế với cơ chế tự chủ tài chính của các bệnh viện theo Nghị định 43 của Chính phủ. Đẩy mạnh hơn nữa lộ trình y tế toàn dân. Các đại biểu đề nghị Bộ Y tế có chính sách cho các bệnh viện tự vay vốn, chăm lo và đầu tư thiết bị cơ sở cho mình. Việc đầu tư cho vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn cũng cần được Bộ tính toán nhằm bảo đảm sự cân đối nguồn lực giữa thành thị và miền núi.