Từ ngày 26-4 đến ngày 6-5-2006, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiến hành phiên họp thứ 39 tại Hà Nội dưới sự chủ tọa của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An.
1. Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục xem xét, cho ý kiến về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XI và nhận thấy rằng, các công việc chuẩn bị về mọi mặt cho kỳ họp đã được các cơ quan hữu quan khẩn trương thực hiện và cơ bản hoàn thành, bảo đảm đúng tiến độ đề ra.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu các cơ quan của Quốc hội phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Chính phủ và các cơ quan hữu quan tiếp tục khẩn trương hoàn tất các công việc chuẩn bị để bảo đảm cho kỳ họp thứ 9 của Quốc hội thành công tốt đẹp.
2. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về chín dự án luật dự kiến trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XI. Ðó là các dự án: Luật Bảo hiểm xã hội; Luật Phòng, chống HIV/AIDS; Luật Hàng không dân dụng Việt Nam (sửa đổi); Luật Công nghệ thông tin; Luật Kinh doanh bất động sản; Luật Chứng khoán; Luật về luật sư; Luật Trợ giúp pháp lý; Luật Ðiện ảnh.
3. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XI.
4. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe Chính phủ báo cáo bổ sung tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2005 và triển khai thực hiện nhiệm vụ năm 2006; về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và kế hoạch sử dụng đất 5 năm 2006-2010; về quyết toán ngân sách nhà nước năm 2004; về định mức phân bổ ngân sách thời kỳ ổn định mới; về phương án phân bổ số tăng thu ngân sách trung ương năm 2005.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản nhất trí với đánh giá của Chính phủ và cho rằng, mặc dù có nhiều khó khăn, thách thức nhưng với quyết tâm cao và sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, các ngành, các cấp; sự nỗ lực của các địa phương, của cộng đồng các doanh nghiệp và tinh thần năng động, sáng tạo của nhân dân, nên hầu hết các chỉ tiêu phát triển kinh tế, xã hội đều đạt và vượt mức kế hoạch đề ra. Tốc độ tăng trưởng GDP đạt mức cao nhất trong vòng chín năm qua; sản xuất công nghiệp tiếp tục đạt được tốc độ tăng trưởng cao; hoạt động dịch vụ có nhiều chuyển biến, đặc biệt là trong các hoạt động thương mại, vận tải, bưu chính-viễn thông, tài chính, tín dụng... nguồn vốn huy động cho đầu tư phát triển đạt khá; tỷ lệ huy động vào ngân sách đạt mức cao nhất trong nhiều năm qua; khoa học công nghệ được đẩy mạnh; quản lý tài nguyên, môi trường có nhiều tiến bộ; giáo dục và đào tạo tiếp tục phát triển; chính trị, quốc phòng được củng cố; an ninh và trật tự an toàn xã hội được giữ vững; hoạt động đối ngoại tiếp tục mở rộng và phát triển, vị thế của nước ta trên trường quốc tế không ngừng được nâng cao...
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, tình hình kinh tế - xã hội nước ta còn bộc lộ một số mặt hạn chế như: chất lượng tăng trưởng kinh tế, năng lực cạnh tranh của nhiều sản phẩm, nhiều ngành hàng còn thấp; giá cả nhiều mặt hàng tăng mạnh đã tác động bất lợi đến sản xuất và đời sống của nhân dân; cơ cấu hàng xuất khẩu chậm được cải thiện; tình trạng lãng phí, thất thoát, tham nhũng trong sử dụng nguồn lực tài chính nhà nước chưa được ngăn chặn có hiệu quả; việc quản lý, sử dụng đất đai còn hạn chế; chất lượng dịch vụ y tế, văn hóa, giáo dục chưa đáp ứng được yêu cầu; trật tự, kỷ cương xã hội chưa nghiêm; tai nạn giao thông xảy ra còn nhiều; môi trường sinh thái xuống cấp khá nghiêm trọng.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản tán thành với mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể; các nhiệm vụ và giải pháp mà Chính phủ đã đề ra nhằm thực hiện có hiệu quả kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2006 và kế hoạch năm năm (2006-2010), đồng thời nhấn mạnh một số vấn đề sau đây: Trong năm năm tới, phải đẩy mạnh việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng tăng nhanh tỷ trọng dịch vụ, công nghiệp - xây dựng trong tổng sản phẩm quốc nội, giảm tỷ trọng nông nghiệp; tăng mạnh khả năng cạnh tranh; tiếp tục sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước; huy động và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư, chấn chỉnh công tác quản lý đầu tư phát triển; chủ động hội nhập kinh tế quốc tế và tiếp tục thực hiện cải cách hành chính; phòng, chống tham nhũng và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí với hiệu quả cao...
5. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 05/1997/QH10 của Quốc hội khóa X về tiêu chuẩn các công trình quan trọng quốc gia trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư. Qua chín năm thực hiện Nghị quyết số 05/1997/QH10, có nhiều công trình quan trọng quốc gia đã được Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư. Tuy nhiên, một số quy định trong Nghị quyết này không còn phù hợp với tình hình phát triển của đất nước. Do đó, việc trình Quốc hội sửa đổi Nghị quyết là cần thiết nhằm chuẩn xác lại các tiêu chuẩn của các công trình quan trọng quốc gia mà Quốc hội phải xem xét quyết định.
6. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện pháp luật về người cao tuổi, người tàn tật; tình hình đình công của người lao động xảy ra ở một số doanh nghiệp trong những năm gần đây.
- Về việc thực hiện pháp luật về người cao tuổi: Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu Chính phủ, các Bộ, ngành có liên quan cần tăng cường các biện pháp thực hiện chính sách bảo vệ, chăm sóc người cao tuổi; phát huy truyền thống tốt đẹp về đạo lý tôn trọng người cao tuổi của nhân dân ta nói chung và trong thế hệ trẻ nói riêng.
- Về việc thực hiện pháp luật về người tàn tật: Ủy ban Thường vụ Quốc hội hội yêu cầu Chính phủ, các Bộ, ngành và các cơ quan hữu quan cần tổ chức thực hiện tốt hơn nữa pháp luật về người tàn tật trong thời gian tới. Ðặc biệt là đào tạo, tạo việc làm thích hợp cho người tàn tật và đóng góp của các doanh nghiệp vào quỹ hỗ trợ việc làm cho người tàn tật theo quy định của pháp luật.
- Về tình hình đình công của người lao động ở một số doanh nghiệp: Trong những năm gần đây, nhiều cuộc đình công diễn ra có quy mô tương đối lớn với tính chất phức tạp hơn. Nguyên nhân chủ yếu là mức lương quá thấp, điều kiện làm việc và điều kiện sống không bảo đảm; việc thực hiện các chế độ phụ cấp, thưởng, nghỉ phép, nghỉ lễ, nghỉ Tết của người sử dụng lao động không sòng phẳng... Việc giải quyết một số cuộc đình công chưa thật tốt, mới chỉ là xử lý tình thế...
Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu Chính phủ và các cơ quan hữu quan cần đẩy mạnh hơn nữa việc tuyên truyền, triển khai thực hiện tốt pháp luật lao động; tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát, buộc các doanh nghiệp phải thực hiện nghiêm túc pháp luật lao động, đặc biệt là phải xây dựng thang, bảng lương, phụ cấp, định mức lao động theo quy định của luật pháp; đồng thời phải từng bước cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động...
7. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe Chính phủ và Ðoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất theo Luật Ðất đai.
Ðất đai là tài nguyên quốc gia, là nguồn lực phát triển đất nước. Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách và pháp luật về quản lý, sử dụng đất nói chung, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất nói riêng. Do đó đã từng bước tăng cường được quản lý, sử dụng tiết kiệm hơn và có hiệu quả hơn. Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu Chính phủ, trong thời gian tới việc lập và thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đai phải khắc phục cho được một số tồn tại, yếu kém như: tiến độ lập quy hoạch, kế hoạch quá chậm; việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất ở một số địa phương không đúng quy trình, thủ tục, thẩm quyền; chất lượng và hiệu lực của quy hoạch, kế hoạch thấp; một số chỉ tiêu sử dụng đất không được thực hiện đúng kế hoạch; tự phát chuyển đổi mục đích sử dụng đất...
8. Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành giám sát tại phiên họp việc thực hiện quyết định của Quốc hội tăng thẩm quyền về hình sự và dân sự cho Tòa án và các cơ quan tư pháp ở huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và cấp khu vực trong quân đội theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự và Bộ luật Tố tụng dân sự;
9. Cũng tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiến hành một số nội dung sau:
- Cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết sửa đổi Nghị quyết 228/NQ-UBTVQH10 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa X về việc đại biểu Quốc hội, Ðoàn đại biểu Quốc hội tiếp công dân, giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân;
- Cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giao dịch dân sự về nhà ở có yếu tố nước ngoài được xác lập trước ngày 1-7-1991;
- Nghe Ủy ban Quốc phòng và an ninh của Quốc hội báo cáo kết quả giám sát tình hình thực hiện Pháp lệnh Dân quân tự vệ và Pháp lệnh về lực lượng dự bị động viên.